- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HIỆP SĨ VÀ PHIÊN TOÀ NGÀY 7 THÁNG 9

08 Tháng Chín 202010:19 CH(Xem: 14599)
dong tam 7 thang 9
Phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm 7-tháng 9 tại Hà Nội- ảnh Internet


Để mô tả nghành tư pháp nước ta hiện nay, xin được dẫn bằng nỗi lo sợ sâu thẳm trong lòng người dân VN qua câu nói của cựu Uỷ viên Bộ chính trị Đinh La Thăng trước toà:

 

“ Xin hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người !

 

Thật vậy, không ai muốn trải nghiệm những gì ông Thăng trải nghiệm. Nhưng đó là sự thật của xã hội này - cả bạn và tôi đều thấu hiểu điều đó. Cho dù ngày hôm nay bạn đang là một viên chức trong bộ máy nhà nước, một tướng lĩnh trong sạch được trân trọng như tướng về hưu Lê Mã Lương, một sinh viên đại học, một người dân đẩy xe bán trái cây, thì ngày mai bạn vẫn dễ dàng rơi vào vòng lao lý để chịu chung một số phận như ông Đinh La Thăng.

 

Tôi không muốn bi quan, nhưng chắc phải còn lâu lắm dân ta mới được sống trong một đất nước văn minh thượng tôn luật pháp, nếu chúng ta cứ tiếp tục chạy theo những điều phù phiếm mà không nghĩ gì cho mình và cho nhau.

 

Tuổi thọ của các nước Cộng Sản trên thế giới trung bình chỉ có 70 năm, nhưng tháng ba năm nay, đảng đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng. Nghĩa là thể chế này còn sống, và … tiếp tục sống thọ! Chỉ khác có một điều: “Bất chấp cờ và hoa, bất chấp những mỹ từ ca ngợi thành quả của lãnh đạo, cái dấu ấn ghi đậm 90 mùa xuân của đảng trong lòng dân lại là tiếng súng nổ chát chúa vào một đêm giáp tết ở thôn Hoành.”

 

Chín mươi mùa xuân của đảng ở mảnh đất kiên cường Đồng Tâm được đánh dấu bằng tang trắng, bằng nước mắt tiếc thương cụ Kình, một nông dân, một đảng viên kỳ cựu tám mươi tư tuổi đời, năm mươi tám tuổi đảng. Mùa xuân năm nay không đến với thôn Hoành, và những gì xảy ra ở đó cùng thái độ kiêu mạn và những kịch bản bất nhất từ Bộ Công an đã lấy đi nốt chút niềm tin còn sót lại nơi những người CS cũ. Nhiều đảng viên kỳ cựu đã bày tỏ nỗi thất vọng, bất nhẫn, cay đắng. Ts Hà Sĩ Phu lên án gay gắt cách hành xử của lãnh đạo CS với đôi câu đối:

 

Đem đại binh chống một ông già, lo sợ quá bởi Lòng không đại nghĩa! 

Dựng tiểu tiết như bầy con nít, mưu mô thừa vì Chí chẳng công minh!

 

Nhưng chóp bu lãnh đạo không công minh, không đại nghĩa đã đành; điều đáng buồn là dân ta có công minh và có vì đại nghĩa không? Khi viết những dòng này tôi nghĩ đến những người còn tin yêu vào đảng. Không lý gì khi bạn yêu thương một thể chế và tin cậy vào nó mà bạn lại không nói thật, không đóng góp hoặc hy sinh một thứ gì của mình để hoàn thiện nó. Bởi vì không những ta, mà thế hệ con cháu chúng ta vẫn tiếp tục sống với nó, khi mà mình đã theo những đám mây trên trời bay đi mất.

 

Tám tháng đã trôi qua kể từ biến cố đêm giáp tết ở thôn Hoành. Nay Toà Án Nhân Dân Hà Nội lại thông báo rằng ngày 7 tháng 9, toà sẽ đem 29 nông dân ở đây ra xét xử với các tội danh nghiêm trọng “giết người” và“chống người thi hành công vụ”. Để dọn đường cho phiên toà này, gần hai tháng trước, Bộ công an cũng đã cho bắt giam thêm 4 nông dân khác ở Dương Nội. Thêm vào đó là cả một hệ thống báo chí, truyền thông nhà nước cùng nhau đưa tin dựa theo văn bản được đưa ra từ Bộ công an - gián tiếp ghép tội cho họ.

 

Thế là hết! Số phận 29 người dân làng Đồng Tâm dường như đã được định đoạt!

 

Họ toàn là nông dân. Sự cô thế, số phận bé mọn của họ và bản chất của vụ án gợi cho người ta nhớ đến hình ảnh sơ khai của những phiên toà cách đây gần thế kỷ. Những phiên toà được đặt ngay ở đình làng hay giữa cánh đồng. Ở đó, hai vợ chồng người nông dân vô tội bị trói giật hai cánh tay ra đàng sau, đầu cúi gập xuống. Trước mặt họ là một đám đông nông dân vô tội khác! Khi một người bước lên nắm tóc cụ bà lật ngửa ra và bắt đầu xỉa xói. Đám đông phía dưới hò hét, gào thét, lên đồng, …

 

Những phiên toà này đã giết chết nhiều đảng viên, trung nông, nhân sĩ yêu nước, địa chủ kháng chiến, … nhưng điều đáng nói là cái vô nhân, hoang dã của nó đã để lại những hệ luỵ đớn đau không bút nào tả xiết cho toàn nông thôn miền Bắc. Đó là giai đoạn mà chế độ CS non trẻ, bước những bước chập chững trên quê hương nghèo khó, nơi vừa thoát khỏi bàn tay thực dân.

 

Chưa có một hành động hối lỗi chân thành nào cho sinh mạng vô tội của hàng ngàn nông dân và gia đình họ. Chưa có một bài học nào được rút ra từ nỗi đau xé lòng trước sinh mạng của đồng bào ruột thịt. Tôi tự hỏi có phải vì thế mà nông dân ta tiếp tục sống trong cái hoang dã của luật pháp sau 90 năm?

 

George Wells, một nhà văn người Anh bảo rằng:“Lịch sử là cuộc đấu tranh giữa giáo dục và tai họa. Nước Đức đã tàn sát người Do Thái, đã gây thảm hoạ tàn khốc cho dân tộc mình và thế giới. Thế nhưng sự thành tâm của họ đã được trân trọng, và đã giúp bôi xoá những chương đẫm máu do chính họ gây ra. Người ta còn nhớ hình ảnh của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt, khi ông quỳ sụp trước tượng đài tưởng niệm người Do Thái ở Warszawa. Khi được hỏi ông nghĩ gì mà hành động như vậy, ông bảo:

 

“Trực diện với vực thẳm của lịch sử Đức và dưới sức nặng của hang triệu người đã bị sát hại, tôi đã làm điều mà con người làm khi ngôn ngữ tê liệt.

 

Máu và nước mắt của người Do Thái đã giúp vực dậy dân tộc Đức, máu và nước mắt của người nông dân trong Cải cách Ruộng Đất sao có thể bốc hơi? Người Đức đã đem chính những lỗi lầm của mình và chủ nghĩa phát xít ra làm bài học để xây dựng đất nước thành một quốc gia văn minh cường thịnh. Còn chúng ta, đến bao giờ ta mới trực diện với lỗi lầm, với nỗi đau của mình để góp phần cải cách xã hội?

 

Nếu như năm 2017, báo chí đã đưa những tin tức tích cực về người dân làng Đồng Tâm - thì ngày nay, lạ lùng thay, không có một phóng viên nào đến đó để tường trình về nỗi sợ hãi của họ. Không ai về thôn Hoành để thấu hết nỗi tuyệt vọng của gia đình 29 nạn nhân sắp bị đem ra xét xử. Mãi đến tận hôm nay, chưa có ai trong họ nhận được giấy mời tham dự phiên toà xử người thân của mình. Với áp lực từ công an, những phương tiện giao thông tự túc về toà án cũng đã từ chối họ. Nhiều chuyến xe được đặt chỗ từ trước đã bị huỷ bỏ!

 

LS Ngô Ngọc Trai bảo rằng: Một thực tế đã là chân lý, là một nền pháp quyền không tự dưng mà có,  một lề lối làm việc thượng tôn pháp luật không tự dưng được thực hiện bởi chính các cơ quan công quyền,  mà đó là kết quả của những nỗ lực thúc đẩy giám sát dựng xây.

 

Xin mở ngoặc ở đây để nhắc về Ls Phạm Công Út. Ls Út từng bảo công việc của ông là công việc của một hiệp sĩ. Tuy ông đã không còn trong luật sư đoàn, nhưng tôi tin rằng ông mãn nguyện. Sau lưng ông đã có đến 30 luật sư tự nguyện tham gia bảo vệ cho những nông dân của thôn Hoành.

 

Tôi tin vào phương trình nguyên nhân và kết quả. Mỗi nguyên nhân sẽ luôn có một kết quả và mỗi kết quả đều có một nguyên nhân. Một nền pháp quyền không tự dưng mà có nếu chúng ta vắng mặt. Những nông dân áo vải chân đất ngày nào, nay đang được xét xử bởi một hội đồng chánh án dày dạn nghiệp vụ nhưng bản chất vụ án không có gì thay đổi. Hai tay họ vẫn bị trói giật ra đàng sau, những con người cùng khổ này đang phải ngửa mặt để đón nhận những án lệnh đã được viết sẵn.

 

Hãy làm công việc của một hiệp sĩ, hãy cùng nhau chận đứng cái ác và không cho phép kẻ ác tiếp tục đem cái hoang dã của những toà án ngoài cánh đồng vào dinh thự. Hiệp sĩ trong phiên toà này cho dù chưa thay đổi được kết quả của vụ án, nhưng đó là Tiếng Lòng của nông dân thôn hoành, là Thực Trạng của xã hội, và chính là Số Mệnh của mỗi chúng ta.

 

Nguyệt Quỳnh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 74294)
Hắn tỉnh lại đột ngột. Bốn năm người thanh niên đang kéo hắn ra từ dưới lườn xe. Hắn nếm được vị mặn và máu, một đầu gối bị đau, và khi bị nhấc bổng, hắn phát rên, không chịu nổi sự đụng chạm trên cánh tay mặt. Những tiếng nói như không thuộc về những khuôn mặt treo ở trên hắn đang bông đùa vỗ về và bảo hắn yên tâm.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82688)
Khi tòa báo đề nghị tôi tham gia viết về các nhà văn mà giá trị được cường điệu cao hơn giá trị thật của chính họ, tôi đã nghĩ sẽ từ chối. Tại sao phải tự mình tạo thêm kẻ thù một cách miễn phí? Rồi Robbe-Grillet xuất hiện trong đầu.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90966)
Sư thày trụ trì ngôi chùa làng là người có học. Chẳng bao lâu hắn đã có thể trò chuyện như một người bạn tâm giao. Giáo lí nhà phật trong nhiều năm đã trở nên mờ nhạt với tuyệt đại đa số những con người tất bật với cuộc sống hôm nay. Cái hiểu biết về đền chùa miếu mạo của hắn cũng chỉ dừng ở mức không nhầm lẫn giữa nơi này với nơi khác. Bởi thế được trò chuyện với sư thày mỗi tháng vài lần là điều làm hắn vô cùng thích thú.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 110195)
Một cái chức nhỏ nhẹ Một cái chức lăn như cỏ lông chông Mơ đeo vào tay xòe ra giữa nắng Mơ đeo vào gót chân mỗi bước mỗi khua vang rổn rảng
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 99800)
Hoa ôm cứng lấy tôi. Hoa bảo: Hãy yêu Hoa đi. Nắng buổi chiều chiếu rọi xuyên qua bản vẽ làm rách nát từng đường trên cơ thể Hoa. Tôi nằm dát người trên chiếu, nghe tiếng súng nổ và hiểu Đà-nẵng đang cơn hấp hối.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 108688)
một con thuyền dính bùa ngải của sông ý nghĩ găm đầy tháng năm mắc cạn em cố quên làm gì! khi ngay cả cánh tay anh cũng ảo
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86271)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89139)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 74954)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 102960)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...