- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lơ Lửng Trên Cao

07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 103006)

lolungtrencao

Người say rùn mình đá nỗi sợ vào sọt rác
Bị thôi thúc bởi nỗi phản bội
Con nhện cắn chết người tình cuối cùng.
Trên những con đường
Lũ quỷ đẩy bánh xe ngược chiều số phận

 

Nhà tôi mái bằng, vuông như hai cái hộp kê khít lên nhau, thừa mỗi đoạn đuôi ở tầng một làm công trình phụ. Bà sai thợ sắt dựng ở hai bên ban công một giàn hoa xương cá. “Cái sân thì bé tí". Bà tôi ưu ái gọi ban công thế đấy. "Lại chẳng có cọng cây nào, mùa hè thì nắng nó táp cho vỡ mặt”. Bà luôn có thói quen dùng từ cọng. Hết cọng hành, cọng tỏi, cọng gạo, đôi khi bà còn hét toáng vào mặt tôi: “ Cút. Đời tao có cọng cu nào đâu mà lòi ra cái mặt mày”. Tôi biết thân biết phận lắm, nhưng nước mắt cứ lã chã rơi xuống. Lúc ấy chị út lại chạy tới dỗ dành. Bố đứng từ xa đăm đăm nhìn, lẩm bẩm: “Đến tao còn không phải nữa là”.

Nhà tôi ở sâu trong một cái ngõ mà đầu ngõ ô tô còn đi vừa, cuối ngõ chỉ đủ cho hai xe máy tránh nhau. Cách đó không xa là đường tàu. Ngày ngày ba tầm, tiếng tàu hoả chạy vào tai tôi uỳnh uỳnh, giằng xé và thôi thúc khác thường. Tôi cảm tưởng như trước mặt tôi là con giun khổng lồ (bà gọi thế) lừ đừ tiến tới, nó cán lên, mọi thứ, dập, dẹp lép cả. Đã mấy lần tôi có ý định thử đi tìm xem nó ở đâu, nhưng không ai cho. Tôi thật chẳng hiểu, chị lớn được đi, chị út được đi, bố mẹ, bà đều được đi còn tôi thì không, thậm chí bố còn cho tôi hai bạt tai. Ba năm nay tôi bị buộc ở trong nhà, kể từ câu nói của bố: “Cái loại năm năm không qua nổi lớp 2. Nghỉ”. Không ai chen vào câu nào, chỉ có chị út là thì thầm vào tai tôi: “Chị sẽ dạy em vẽ tàu hoả”. Chị út thì học lớp 10, thích chơi búp bê. Chị xin vải vụn từ hiệu may đối diện nhà, về may thành những bộ váy bé tí ti cho búp bê, có lần chị còn cho tôi cái áo ghép từ vải. Bố nói: “Sao không may cho tao nhỉ? Tao là bố mày mà ”. Chị út rất hiền. Chị "Vâng ạ". Bà nhổ bã trầu, lau miệng: “Đàn ông ghen tị rất khốn nạn”.

Bà ngày càng khó tính, lại hay dỗi, cứ ai làm phật ý là bà coi như không quen biết. Có lần giận bố, bà không thèm ăn cơm nhà, đến bữa sai chị út chạy ra hàng cơm đầu ngõ mua. Được ba hôm, bà mượn ở đâu cái xà beng, vấn tóc rõ chặt rồi chẳng nói chẳng rằng, hì hục nậy lớp đá hoa cương trên nền nhà. Bữa đó bố mẹ phải quỳ xuống van lạy đứt hơi mới thôi. Tôi đang đứng lưng chừng cầu thang hốt nhiên phá ra cười sằng sặc và thế là ăn một trận quắn đít.

Tóc bà mỏng, sợi nhỏ, trắng như cước. Mỗi lần gội đầu xong, bà lại ra ban công tầng hai, nằm trên võng, cắm quạt máy, hong tóc. Ban công hẹp, võng không thể đong đưa được, phiền vô kể. Sau khi suy nghĩ kĩ, tôi quyết định buộc dây võng cao hơn lan can, rồi bắc ghế trèo lên, đong đưa võng nhè nhẹ, chỉ nhè nhẹ thôi, thế mà mọi người xúm xít lại. Phía dưới tôi là đường, mọi người đứng dưới nhìn lên mà chẳng hề bé như kiến. “Điên. Thằng này điên rồi. Ôi Dật ơi! về mà xem con mày

***

Đôi khi vẫn có những việc kì cục xảy ra trong chuỗi ngày buồn chán của tôi. Kì cục nhất là một buổi sáng sớm, tôi vừa tỉnh dậy, mới đặt chân xuống giường, thì có con chuột to bằng cổ tay rớt bịch trước mặt. Con chuột nhe răng ra cười đầy thách thức. Tôi tức giận đứng phắt dậy, dồn cả sức mạnh cơ thể xuống gan bàn chân, chà đi xát lại. Nó bẹt dí. Bà lom dom tiến tới gần tôi, tay cầm thanh gỗ to bản quật tới tấp, quật liên tiếp lên đầu, lên chân tay tôi, bà quật cả vào chim tôi, vừa quật vừa thét: “Phải tội. Đồ vô dụng, thứ gì cũng vô dụng”. Tối đó bà thắp cây nến giữa phòng khách, tắt hết đèn, gọi bố mẹ, hai chị và bắt cả tôi nữa tới, bà trịnh trọng tuyên bố:

Tao tuổi chuột. Một con chuột đen xì, gầy quắt, nhưng bao giờ cũng phải tha gạo về cho chúng mày ăn, béo núc ních cả lũ. Từ rày chúng mày tự mà nuôi thân. Còn mày! Đứa vẫn gọi tao là mẹ, thực ra thì tao nhặt mày ở sọt rác trong tấm vải be bét màu mè, có lẽ vì thế nên mày có hoa tay cũng nên. Ha ha. Mày có tin tao không hả con?”.

Bố tôi nghĩ ngợi một hồi rồi gật gù, công nhận rằng chi tiết này có phần thực tế. Hoạ sĩ. Dám lắm chứ. Hoạ sĩ từ đó thành biệt danh của bố nhưng không phải do thiên hạ đặt mà bố tôi bắt họ gọi.

Nên thế”. Bố tôi ngồi giữa đám bạn nhậu, tay cầm cốc vại, bọt bia bám trắng nửa trên mồm, lớn giọng. “Nên là thế. Điều đó thể hiện một sự tôn trọng đầy thành kính. Tôi đã bỏ phí quá nhiều thời gian rồi, nhất thiết phải gấp rút”.

Bố tôi mua thêm nhiều màu, nhiều vải, nhiều thứ hơn xưa. Bố rất hay đi, hết nơi nọ đến nơi kia. “Khiếp. Phòng tranh thì ít, mà hết ông đến thầy”. Bà bĩu môi: “Hoá ra hoạ sĩ cũng chả khác mấy thằng kẻ vẽ biển quảng cáo. Loạn”. Từ đó, việc phải chi tiêu trong nhà, tất tần tật đều trông vào gian hàng ở chợ, thế mà mẹ không hé răng than phiền nửa câu. Bà bảo: “Con mẹ mày ngu thế mà sao đời nó vẫn khổ nhỉ?

Ngồi im. Cấm ngọ nguậy. Ông quật chết cha mày bây giờ. Im. Giơ cao cái tay khèo lên nữa, nữa, rồi, dừng lại”. Hàng tiếng đồng hồ trôi qua, tay chân tôi tê dại. “Nếu không có con, chắc bố chả biết nhờ ai”. Ông thi thoảng làm tôi mủi lòng, nhưng đa số là những trận đòn tím tái. “Củi. Mẹ kiếp. Mày là củi à. Thế này làm sao ông vẽ được”. Tôi không nói gì. Phải vậy thôi. Tôi sẽ cố chịu đựng để một hôm nào đó, khi bố vui vẻ, tôi xin đi xem con tàu, dẫu chỉ vài phút ngắn ngủi cũng được, dẫu chỉ là đứng xa nhìn và không được sờ vào nó. Thế nhưng tôi chưa kịp xin một lần nào thì ông đã cấm tiệt tôi bước vào gian phòng dựng đầy toan vải và màu vẽ ấy. Tôi đột nhiên nhớ da diết. Đôi khi tôi tiến tới gần cánh cửa gỗ im ỉm đóng, ghé sát mặt vào và hít. Cánh mũi tôi phập phồng. Phập phồng thế mà chẳng ngửi được gì.

Cây xương cá chưa khi nào phủ kín giàn, nhưng nó nở đỏ như gấm trên cái nền xanh của những nhánh tơ mảnh. Chiều nào mẹ cũng phải để dành một thau nước gạo cho chị út tưới cây. Mẹ tôi ít nói, tiết kiệm đến từng cử động nhỏ của làn da mặt, nhưng không hiểu sao mẹ lại thậm ghét việc bước chân lên tầng hai.

Quen mùi đất rồi, lên cao không chịu được”.

Điên thế đấy. Trên cao thoáng mát thế lại không thích”.

Bỏ tay ra”.

Thôi nữa mà. Hôm nay tớ mệt quá”.

Buông ra”.

Cãi nhau chán, cuối cùng bố vẫn phải ở dưới. Tôi chả hiểu sao.

***

Bà tôi hơn 60 tuổi mà lưng không còng, chỉ có mái tóc mỏng, bạc phơ. “Đúng là chuyện lạ kì đời nhất trong thiên hạ” - Bố lẩm bẩm khi nhổ một vài sợi tóc đen cố ngoi lên. “Lạ quái gì. Giời định đấy mày ạ”. Giời định. Mỗi lần thắng bài, bà lại lôi câu này ra nói như thể an ủi kẻ thua. Bà búi mớ tóc trắng thành cuộn con con đằng sau gáy, xiên qua bằng một cái que gỗ đã chuốt nhọn thay trâm. Bà mặc áo bà ba trắng đã ngả vàng, quần nái đen, kính lão trễ xuống sống mũi, mồm ngậm trầu, ngồi xếp bằng tròn trên chiếu chơi tam cúc. “Bà ơi! sao bà hay thắng thế?”. “Đời tao có cọng cu nào đâu mà không đỏ bạc. Xéo”. Bà chẳng cho phép tôi ngồi gần khi chơi bài. “Đen ố. Bà bảo thế - Đen thôi rồi”.

Sự thực thì bà lấy những ba ông, nhưng tôi chẳng nhớ một ông nào cả.

Ông đầu tiên đẻ ra bố mày, ông thứ hai đẻ ra mẹ mày, ông thứ ba đẻ ra cái giống mày”.

Bà ơi! thế ai đẻ ra hai chị con?”.

Đẻ xong bố mày với mẹ mày thì hai ông đầu mất, ông thứ ba mệt quá xin nghỉ hưu, giao cho bố với mẹ mày chứ sao”.

Bà kể về hồi bà đi làm dâu đi” chị lớn tôi gạ gẫm với đôi mắt hấp háy.

Lúc đó tao còn nhỏ, biết quái gì. Nhà đông, tao thì cao chưa quá cái cối xay nhà lão, thế mà bắt tao vào bếp ngay ngày đầu làm dâu, tay mỏi nhừ chưa kịp nuốt trôi miếng cơm, đã chất đống bát bắt tao rửa. Tức mình, tao đập tất, hất tất xuống cầu ao”.

Rồi sao nữa bà?”.

Hôm nào mày thử đập vỡ bát đi, thấy ngay lập tức”.

ứ gì, bà ơi... Bà ơi! bà còn yêu không?”.

Yêu”. Bà quay sang nhìn chị. “Nhà này mỗi mình mày là sáng suốt”.

Chúng tôi thích ngồi ngoài ban công khi đèn đường đối diện đã tắt hẳn làm hiện rõ cái ánh trăng vàng nhàn nhạt sáng, trên cái võng không được phép đung đưa, rúc đầu vào lòng bà nghe kể chuyện. Nhưng có một đoạn khuyết trong quá khứ mà dù hai chị khơi kiểu gì bà cũng không chịu kể.

Nhiều chuyện người ta chỉ có thể khoét lỗ, hét vào tai đất mà thôi con ạ!”.

Chuyện gì hả bà?”.

Chuyện về những người tỉnh, sống trong thế giới kẻ điên. Thằng điên nào cũng mồ côi, nhưng chẳng thằng mồ côi nào điên cả”.

Ngày xưa cụ ngoại dạy bà những gì?”.

Chơi cờ con ạ. Chữ đầu tiên bà biết cũng từ chơi cờ mà ra...

Nửa vầng trăng treo trên đầu chúng tôi thỉnh thoảng bay lẫn vào trong mây, mờ mờ, tỏ tỏ. Tôi ngước nhìn lên rồi reo to: “Trăng cười”. Bà giật mình.

***

Tôi nằm, áp tai xuống lớp đá hoa cương trong phòng. Tai đất. Đất có nghe thấy người ta nói gì không? Đất có nói gì không? ù ù, ì ì. Tựa như trên đường ray, cục sắt đang từ từ chuyển động. Lách cách, lách cách, băm băm chặt chặt. Mẹ, tiếng mẹ trong bếp. “Này thì kết bộ ba”. “Chậc”. “Đen quá”. “Bõ bèn gì”. Lào xào, loẹt xoẹt. Tôi ngồi dậy. Phòng bà toàn dân cờ bạc, đầy những người gầy đét có, to tướng có, thấp có, cao có, phả mùi thuốc lá khét lẹt. Khi bố năn nỉ bà chuyển chiếu bạc xuống phòng khách để bố có chỗ vẽ riêng thì mẹ khó chịu ra mặt, cứ đi chợ về là ngồi trong gian bếp, không thèm ló lên nhà, rồi hít thở mùi than quen đến nỗi phát nghiền. Tôi nghe rõ nhất là tiếng bước chân của mọi người. Bố đi có vẻ gấp nhưng xải chân không rộng nên vẫn chậm, chị lớn đi như chạy, chị út khoan thai hơn nhưng không đều, mẹ rất nhỏ, chỉ có bà là mơ hồ như không tiếng động. Đôi khi tôi thấy những tiếng lầm rầm rất kì quái, khi xa khi gần, khi liên miên, khi đứt đoạn, lào xào, nhấm nhẳng, chẳng thể đoán định nổi là ai nói. Tiếng nói vô hình, vô trọng lượng.

Con xin. Giúp. Con không biết phải làm sao. Con cần như thế. Con lạy

Tôi dạy chị út áp tai xuống nền, nhưng chị chẳng nghe được.

Chịu thôi, em chị tài quá”.

Chị thử lại lần nữa đi thế này này đấy đang có tiếng rì rầm đấy”.

Trò vớ vẩn. Có mà nghe thấy mấy con côn trùng nó nói chuyện ấy. Yên cho tao học”.

Chị lớn chuẩn bị thi hết cấp ba, chị vùi đầu vào học, đêm đêm chong đèn học, sáng sớm chống mắt học, học quên thời gian, quên không gian, nhiều khi quên cả hai chị em tôi. Nhưng mẹ phán xanh rờn. “Học xong kiếm việc làm”. Chị khóc ngất, khóc nức nở, lao vào lòng bà khóc.

Phận gái học cao để rồi mang điếm nhục vào thân thôi con ạ. Đến bà mày đây, chỉ biết vài cái chữ nho nhe, thế mà cũng đeo nặng hòn đá suy nghĩ vào đầu. Con ơi! trời cho cái sự thông minh thì đem ra mà suy tính đường đi nước bước trong đời, đừng phí vào học hành, hoài của lắm”. Bà nói, giọng nghèn nghẹn.

Chị tôi vẫn khóc tấm tức, đến khi mệt quá lăn ra ngủ ngay trong lòng bà. Bà giơ bàn tay vàng võ, ngoằn nghèo những đường gân nổi, đặt lên từng sợi tóc trên đầu chị, chậm rãi. Chắc là phải nhẹ và ấm lắm. Biết bao lần tôi khao khát được bà xoa đầu. Chị vẫn lao vào học. Một hôm mẹ nói:

Muốn có tiền đại học thì phải tự làm lấy. Hàng xóm có chú Chí làm trên Sở, vợ vừa đi công tác miền nam 3 tháng, nhà cửa không ai trông. Hôm nọ chú hỏi tao xem ai có thể sang quét dọn mỗi ngày được chú trả cho dăm trăm. Đồng ý để tao còn sang bảo”.

Lúc đó gần tháng 2, chị tôi có việc làm. Mấy hôm sau mẹ mang ở chợ về con mèo, mẹ bảo:

Nhiều chuột quá”.

Nhà chú Chí giàu, cao những 4 tầng, cái gì cũng có, ti vi, đầu máy hát , giàn tủ lạnh chất đầy thức ăn. Chú bảo mình chú dùng không hết, để thì hỏng, cứ lấy về chia cho các em. Thỉnh thoảng chị mang hoa tới cắm, hoa hồng, cúc có khi là vài bông sen. Bà cũng hay sang.

Bà nói: “Xem thế nào nào”.

Cạnh nhà chú Chí là cô Phồn, nổi tiếng điêu, ngoa ngoắt, có hai mặt con mà vẫn liếc mắt đong giai. Hàng xóm láng giềng cứ xì xào về mối quan hệ của chú Chí với cô. Xì xào mãi mà chẳng ai dám nói thẳng, cô điên tiết, giữa trưa nắng chang chang, đầu trần chân đất, đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ, từ cuối ngõ đến đầu ngõ, vừa đi vừa chửi. Chửi cha đứa nào ngứa váy, ngứa là, chửi bố đứa nào răng dài, cà ngắn, bà thì bà đập là vào mặt. Cứ thế, giữa trưa, chẳng ai ngủ nổi. Chồng cô Nhài to con nhưng tồ, rất hay sang đánh tam cúc với bà, đánh trận nào thua trận ấy mà vẫn hềnh hệch cười. Đầu tháng ba, chú cắm phích quạt đuổi muỗi cho con ngủ, đút luôn ngón tay vào ổ điện, bị giật chết. Đám ma chú nhỏ, nhưng chòm xóm đến đông. Bà cũng diện một cái áo đen cùng bố tôi sang phúng viếng. Thắp hương xong, bà ngồi xuống cái chiếu của phường kèn trống, xoã mớ tóc trắng thơm hương bồ kết xuống, rồi gập người khóc, cứ anh ơi! anh hời! sao anh lỡ mang chày đi, bỏ cối lại ối anh ơi là anh ơi! em biết làm sao, lỡ chày người không vừa cối em thì biết kiếm đâu ra anh ơi! anh ơi!... Bà khóc đúng nửa tiếng đồng hồ mới đứng dậy ra về. Khách đến viếng mím chặt môi, chờ đi thật xa mới phá ra cười xặc xụa. Họ nhao nhao nói vọng vào tai tôi:

Cụ ơi! con chịu cụ, cụ ơi. Cụ tài quá. Mặt con đĩ ấy tím như chàm đổ ấy. cụ ơi! con chịu cụ”.

Giữa tháng 4, bố có tranh được treo triển lãm. Cả nhà kéo đi xem. Tranh vẽ một cụ già đang ngồi bên ngọn đèn, mắt mũi kèm nhèm, khâu áo. Ai cũng nhận ra khuôn mặt của bà. Triển lãm nhan đề: “Mẹ - tôi”.

Bà bảo: “Lũ đểu”.

***

Từ ngày chị sang dọn nhà cho chú Chí, tôi đã có thể nghe được xa hơn nữa. Những tiếng nói nối tiếp nhau từ bốn phương tám hướng vọng tới, đôi khi đan xen, chồng lên nhau. Tôi lẫn lộn cả.

Cháu biết không, tiến bộ xã hội là một vòng tròn khép kín. Con người cứ tưởng họ đã vượt thoát, nhưng sự thật chỉ là làm lại từ những ước mơ giống nhau mà thôi”.

Giá vàng lên nhanh quá, chu choa

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đem lại

Em ơi! Anh nhớ em quá, ứ chịu đâu, tuần gọi cho người ta có lần à. Đâu, anh có dám này nọ với ai đâu. Chả thương người ta gì cả. Nhớ lắm đấy, khi nào về tính cả vốn lẫn lãi luôn, lúc ấy đừng có trách người ta nặng tay đấy

Tao nguyền cả dòng họ nhà mày. Tao nguyền

Cố lên cháu ạ, bằng cấp là chân lý

Giỏi nhỉ, dám đầu mày cuối mắt với con nhãi ranh chưa nứt mắt ấy. Bà mà bắt gặp thì bà xé xác

Không có gì mà không phải trả giá. Kể cả mong ước. Không có gì mà không phải trả giá

Côn trùng phụ hoạ theo những hơi thở ngắn ngủi, chồng chéo bằng giai điệu ri ri bất tận. Dần dà tôi phân biệt được từng cung bậc khác nhau của chúng, thậm chí hơi thở yếu ớt của đất tôi cũng nhận ra. 

***

Đầu tháng 4, cô Phồn sang nhà tôi rõ sớm khi mẹ vừa ra chợ, hai chị đi học. Cô vứt ra giữa chiếu một xấp ảnh. “Chị Hương với chú Chí” tôi nhận ra ngay. Bà quay phắt lại, mắt long lên giận dữ. “Cút”. Tôi liền trèo lên gác, áp tai xuống dưới đất.

Vợ nó sắp về rồi

Đừng dính cháu tôi vào

Tốn công lắm mới có được đấy, phải chơi nó vố này mới được

Cô cứ ăn cả đi, nhưng thêm ai nhìn thấy những tấm hình này, tôi thí mạng già đấy

U yên tâm. Con là đứa biết điều

Chả dám. Mời cô nước”.

Tối, bố túm tóc chị cả quật túi bụi. Bà không nói thêm câu gì. Mẹ ngồi trên ghế, nghiến răng:

Tình yêu. Giời ơi! Cũng tình yêu cơ đấy. Cũng cho tất cơ đấy. Giời ơi!”.

Không biết chuyện gì xảy ra sau đó, nhưng chị cả tôi xanh rớt ra, nằm liệt giường, mãi mới chịu dậy. Đến tháng 7, chị đi thi đại học đỗ, tháng 9 lên trường rồi từ đó chẳng về nhà nữa. Mắt bà sau bận đó kém dần, cứ chốc chốc đưa tay dụi là ghèn lại thi nhau ra. Cô Hiền làm bác sĩ trong bệnh viện chạy sang bảo đừng dùng ống tay áo quệt lên mắt, mất vệ sinh lắm. Bà nghe theo được mấy tiếng rồi lại quen nết. Cô Hiền bảo thế thì chịu thôi. Mắt bà kém đến nỗi đeo kính cũng chẳng thể thấy quân bài, mà cờ bạc thảy đều gian trá cả. Hội tự giải tán. Bà chuyển sang đánh đề, cứ chiều 4h là bà lại đi ra đầu ngõ ngồi tán chuyện, tính toán số má, rồi cầm mảnh giấy nhỏ đi về. Tính bà càng gở. Bà bỏ giường, nằm trên mảnh ván bắc ngang từ cửa sổ vào lan can trong nhà mà bố vẫn dùng để đựng đồ vẽ. Cửa sổ mở toang mà lại chẳng có màn miếc gì, từng đàn muỗi, từng đàn bay vào, đốt bà dọc theo mình bên trái lẩn mẩn những nốt nhỏ như phát ban.

Thây kệ cha chúng, bà nói. Đốt no thì chóng chết. Trò đời nó thế”.

Một tối, tôi đang áp tai xuống nền nhà thì bà cúi xát đầu, hỏi:

Có nghe chuột nói chuyện bao giờ chưa?”

Như thế nào hả bà?

Như người ấy

Thế thì không có. Chỉ có tiếng chút chít thôi”.

Mày ngu lắm. Người đấy”.

Con mèo lớn nhanh như thổi, lông mượt mà, vàng rộm. Một hôm dậy sớm, tôi thấy nó vờn xác con chuột trong hai bộ móng vuốt sắc lẻm. Tôi hét lên: “Chuột chết”. Bà đang nằm trên ván giật mình rơi xuống đất.

Gãy chân, phải bó bột” ông Bác sĩ chuẩn đoán.

Tối đó bố lại đánh tôi.

Rồi mày sẽ phải ân hận cả đời con ạ” Bố vừa quật vừa rít lên.

Nó có hiểu gì đâu mà ân hận” Mẹ thở dài, nhìn lơ đãng ra đường.

Bà yếu dần, nhỏ dần, rồi 4 tháng sau thì mất. Mẹ tôi đem con mèo đi cho.

***

Nhà tôi hai tầng, mái bằng. Hồi bố mới xây nó to nhất xóm. Khi bà mất, những mảng bụi trong nhà bắt đầu rơi xuống, ban đầu chỉ là một đường nứt rất nhỏ giữa gian bếp với nhà chính. Bố bảo lũ chuột vào làm tổ, đục khoét trong đó nên mới to ra. Sau đó thì từng mảng vữa to đùng rơi xuống. Có lần nó đã rơi trúng đầu bố. Đầu tháng 10, mẹ có chửa. Chị út ra chợ phụ bán hàng. Bố dẫn về nhà bác Hoàng, người miền nam, cũng là hoạ sĩ, ra bắc công tác, nghỉ ngơi luôn ở nhà tôi. Bác đi một vòng tầng trên lẫn tầng dưới, xong vỗ vai bố, bảo:

“Cậu có tài đấy, nhưng cậu chưa rõ đôi điều. Vẽ trong cái hộp xi măng này ấy ? Còn khướt. Phải làm cho nó kiểu cách hơn chứ”.

Lật từng bức tranh có tôi làm mẫu trong đó ra, bác nhíu mày:

“Vẽ là một nghề, mà nghề thì phải có tính chất theo thị trường. Cái kiểu khơi gợi thương tâm về thằng bé tật nguyền này chỉ đem đi triển lãm được thôi. Chú vẽ mẫu nữ bao giờ chưa?”.

“Chưa” bố ngơ ngác.

“Đỉnh cao nghệ thuật ở đấy đấy”.

Tối đó, khi áp tai xuống đất, tôi nghe thấy rất rõ những câu nói mang sắc lửa đỏ: “Tao nguyền cả dòng họ nhà mày. Tao nguyền”.

Tiếng nói rõ ràng rành rọt hơn hẳn. Tôi chợt rùng mình. 100 ngày giỗ bà, trong lúc mẹ làm cơm bưng lên nhà trên thì bị trượt chân ngã, đồ cúng vung vãi cả. Mẹ thì mất em bé, từ đó mẹ không bao giờ ngước mặt nhìn lên tầng hai, việc ngày rằm chị út tự coi sóc cả. Bố rầu rĩ ra mặt: “Mẹ không cho rồi”. Bác Hoàng dẫn về nhà mấy cô người mẫu nữ, bố đóng cửa phòng, vẽ miệt mài, cơm nước nhiều khi không màng, chị út phải mang thức ăn đặt trước cửa phòng. 23 tết ông Táo, vừa tròn một năm nhà tôi xây mới, bác Hoàng về lại Nam.

***

Này, sao hoa chưa chịu nở.

Nở đi, nở bung ra đi, nở đi hoa

Trên cánh đồng kia lũ bướm đã lượn rồi

Nắng trắng xoá sao hoa chưa chịu nở

Để lũ nhện gầy mòn đánh lưới ánh trăng khuya

Này thôi trăng xin hãy nở đoá hoa

Cứ khi nào chuẩn bị vẽ là bố lại hát. Mãi rồi tôi mới thuộc. Đã lâu lắm tôi không được phép vào xem khi bố vẽ. Tôi nghe, tôi áp tai vào tường, nghe và bắt đầu tưởng tượng tới từng hành động của bố. Bố sẽ đứng dạng hai chân, trên môi là điếu thuốc, tay cầm bảng màu, mắt dán chặt vào tấm voan.

Uống một chén nhé. Uống cho hồng đôi má lên đi con, cho ánh mắt chuếnh choáng những tia nhìn khác lạ và làn da thì hực lên sắc lửa. Đừng cười như thế, con hãy cứ quắc mắt lên, nghiến chặt răng, phun phì phì. Chưa được, thêm chén nữa đi. Nữa

Tôi cảm nhận rõ hơi thở chị đầy ắp căn phòng và nước mắt chợt ứa ra. Có nỗi niềm gì đó len nhẹ trong lồng ngực tưng tức vì ghen tị. Tôi ngẩng đầu lên, không nghe, thế rồi lại áp tai xuống. Nước mắt vẫn rơi lã chã, lã chã. Tôi đứng vụt dậy, những giọt nước mắt xuôi thành dòng chảy xuống cằm. Tôi trèo lên bàn, leo lên tủ, cúi nhìn qua lỗ thông gió sang phòng bên.

Chị trong đấy, nằm nghiêng ở phía đối diện, môi he hé mở, tay xuôi theo nếp áo mỏng. Bố đang đứng trước khung tranh ở gần cửa, tay đặt trên cọ vẽ, chăm chú, thành khẩn. Đột nhiên bố ném bút. Ngòi bút cắm thẳng vào tường, bật ngửa ra trên sàn. Bố quay về phía ảnh bà trên bàn thờ ôm mặt khóc. Những nén nhang cháy gần hết. Khói tản đi tự bao giờ.

Không được. Mẹ ơi!... lừa. Không làm được. Mẹ ơi!...

Bố với lấy chai rượu, dốc ngược vào cổ họng, rượu dềnh ứa xuống, thấm ướt cổ áo. Bố từ từ ngồi bệt xuống đất, mồm lẩm nhẩm. Tôi nghe rõ tiếng nói, tiếng nói quen thuộc vẫn cất lên khi áp tai vào tường.

Này con ơi! Nở vung vãi những cánh hoa ra. Ta bảo con ơi, khì khì.. rót thêm nữa nào. Đêm nay trăng muộn. Ta chờ trăng. Yêu trăng. Này con nhìn xem nghiêng ngả trăng say, trăng chưa muốn ngủ. Rót thêm . . . nào con đừng ngủ. Trăng tràn ra, bò lổn nhổn, rạo rực một màu thuần khiết. Trăng nép vào sau lần áo con, cẩn thận, giấu mình, e lệ. Sau lần áo mỏng con ơi, trăng thở, trăng tràn, trăng chưa say. Đêm nay trăng thức muộn...”.

Chị và bố tự lúc nào. Đẹp đẽ, gắn kết. Từng giọt mồ hôi túa ra từ những lỗ chân lông lấm chấm, vương vãi trên làn da trần, kết lại xuôi chảy thành dòng. Mắt chị nhắm nghiền, cần cổ thẳng băng, ngực căng phồng, hiện rõ từng chiếc xương sườn dưới lớp da. Tóc chị xổ tung, xóng xoài trên nền đá hoa cương, hiện một màu đen bóng. Bố vươn cao mãi lên trong một sức dướn không giới hạn, bung phá những chuyển động phi tuyến tính, hoang tàng mài dũa. Chưa bao giờ tôi thấy bố sống động và uyển chuyển đến thế. Từng động tác hiện rõ dưới ánh sáng vàng của ngọn đèn như hút mọi điểm nhìn đến u mê đi. Tôi cảm giác cái gì đó lớn dậy từ từ, từng chút một, nó thúc vào tôi những cú huých khó chịu đến gai người.

Mẹ vào lúc nào không ai biết, cả tôi nữa, tôi cũng không biết, có lẽ cả bà trên bàn thờ cũng không biết. Có bao giờ mẹ chịu lên tầng hai đâu, trừ những ngày cúng giỗ. Mẹ đứng đấy im lìm như tượng đá, chứng kiến những khám phá không ngừng của bố, tựa như mẹ cảm nhận được sự chuyển động khác thường này mà đi tìm vậy. Tôi tin chắc điều này dù không khi nào thấy mẹ áp tai vào nền nhà. Đến tận khi bố bắt đầu rên rỉ, gấp gáp thở, cả mẹ và tôi mới giật mình. Mẹ nhìn quanh phòng, hai tay rối bời khua lên trong không khí, có một cái gì đấy mắc lại trong tấm lưới của thời gian và mẹ đã nắm được. Bố rống lên rồi gập người đổ xuống, có những đốm đỏ như màu vẽ loang nhanh ra nền.

Từ đó tôi không nghe được âm thanh gì trong đất nữa, có thể do tôi đã trèo lên bàn, leo lên nóc tủ, nhìn qua lỗ thông gió nên ngôi nhà đưa ra hình phạt. Bố ngã bật ra nền đất, yếu ớt và vụng về, choãi tay ra đằng sau chống đỡ thân mình nhớp nháp mồ hôi, đầu ngóc cao, trân trối nhìn mẹ bứt từng túm tóc ném vương vãi ra sàn, mồm thốt ra tiếng ri ri bất tận của loài côn trùng không lưỡi.

Tôi không nhớ điều gì xảy ra tiếp theo đó. Hình như tôi nhỏm dậy định trèo xuống, thì cụng đầu vào trần nhà, rơi từ trên tủ xuống, bất tỉnh. Đến khi tôi tỉnh dậy thì nhà đã không còn bố nữa. Chị lớn đi mãi không về. Mẹ im lìm chẳng hé răng câu nào. Chị út suốt ngày ngồi nhìn lên ảnh của bà trên ban thờ. Tôi lần mò đi ra ngõ. Nắng chiếu hếch vào mặt, chói loà luồng sáng của lửa, tai tôi bùng nhùng tiếng tàu hoả chạy, rõ ràng, mạnh mẽ. Trong nhà, vết rạn giữa bếp với gian chính ngày càng rõ, những cục vữa to không rơi xuống nữa, mà từng giọt bụi, từng giọt một rơi xuống tan vỡ cả không gian. Từ đâu đó, tiếng mẹ tôi rống lên bi thiết. Và tôi lơ lửng trên cao đấy.

PHẠM NGỌC LƯƠNG. (Hà Nội 04.06)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 115094)
Hai Ông Hoàng Xuân Hãn và Phan Anh đã nói gì về Bảo Đại, Trần Trọng Kim và chính phủ của hai ông này? (Bài thứ hai Viết thêm về hai ngày 19 tháng 8 và 2 tháng 9, 1945)
25 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 104176)
Tháng Ba của người lính ấy thật ra chỉ 11 ngày. Nửa đầu quyển sách là nhật ký hành quân giản lược của 10 ngày, mở ra với vài ngày tiên khởi của một cái vòng luẩn quẩn, tiến dần đến việc từng ngày, rồi từng giờ từng lúc.
19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 157758)
LTS . ...Dù lịch sử đã sang trang từ lâu, bài ký ức về Tướng Lê Nguyên Vỹ, cố Tư lệnh SĐ 5 BB–người đã chọn chết theo thành, và không nỡ bắt "con em người ta gửi gấm cho mình" chết oan uổng ở những giờ phút tàn cuộc của chiến tranh Việt Nam–là một trong những tài liệu hiếm hoi, có giá trị sử liệu. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu tác giả Triệu Vũ với quí độc giả. Tạp Chí Hợp Lưu
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 93586)
Đầu Xuân Kỷ Sửu (25/1/2009) tôi khởi đầu việc hiệu đính phần tư liệu lịch sử Việt từ đời Ngô (938-965) tới đời Nguyễn (1802-1945). Đây có lẽ là lần hiệu đính cuối cùng, và khá tốn thì giờ vì việc chuyển đổi từ lịch Ta qua lịch Tây.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 93832)
Phần III. G. TÀI LIỆU VIỆT: Ngoài tài liệu Trung Quốc, sử quan Việt cũng sử dụng một số tư liệu trong nước.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 97105)
Phần II. Cần nhấn mạnh, mang quân xâm chiếm, chia ra quận huyện để đặt dân Việt vào “vòng lễ giáo” Hán tộc [ kiểu cho đào mộ tổ tiên Lê Lợi năm 1418 (Thông sử, 208 [truyện Trịnh Khả]), hay thiến hoạn thiếu niên Việt] , chỉ là hai trong những biện pháp lấn đất giành dân.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 105184)
Phần IV II. VIỆC NGHIÊN CỨU THỜI CẬN ĐẠI (1800-1975): Giai đoạn trước 1975, việc nghiên cứu sử học đã có nhiều nguồn tư liệu hơn để làm việc. Tài liệu đáng tin cậy nhất, dĩ nhiên, là tài liệu văn khố. Nhiều nhà nghiên cứu sử học chuyên nghiệp đã sử dụng tài liệu văn khố Pháp, Mỹ và Liên Sô. Mới đây, văn khố Hội truyền giáo Hải ngoại cũng đã mở rộng, sau nhiều thập niên “cho người chết ngủ yên.”
23 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 95378)
Tập tài liệu được nói tới ở đây là một tập hợp những bài viết của “một số lão đồng chí đã từng công tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 50 của thế kỷ 20” theo lời của Nhóm biên tập sách viết trong Lời Cuối Sách vào tháng 12 năm 2001.
29 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 85221)
Căn phòng của Jacob ấn tượng tôi đến nỗi, tôi sợ phải đọc lại. Vì tác phẩm vượt mọi khuôn khổ, như có điện, từ trường, đến mức không còn liên quan đến sáng tạo tiểu thuyết. Trên những trang đầu tiên, bằng tất cả ngây thơ, người đọc bước vào tác phẩm không chút ngờ vực.
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 115409)
- Gửi Thức Tối hôm qua từ nơi cửa sổ phòng tôi tuyết xuống tuyết rơi trên những cành tùng có tiếng đập cánh rất khẽ của con chim trốn tuyết