- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

YÊN ĐỂ TĨNH

17 Tháng Tư 20197:36 CH(Xem: 20118)



anh NguyenHoangNam
Mô Phật - ảnh Nguyễn Hoàng Nam

       Sau năm năm tám tháng trong cái án tám năm tù vì tội giết người Sơn trở về xóm nhỏ của mình. Nhà vẫn còn nhưng rêu phong. Những vài năm không người chăm sóc thì cũ như trái đất là phải rồi. Nó phải như một người tù cải tạo tốt thì nhanh chóng trở lại đời thường vì giảm án. May cho Sơn là tay luật sư đã nêu ra những luận cứ hết sức thuyết phục nên chỉ ngộ chứ không cố sát. Anh ta còn khuyên Sơn làm đơn xin kháng cáo. Hy vọng khi phúc thẩm có thể giảm được chút đĩnh nào đó chăng? Nhưng Sơn không. Suốt buổi xử Sơn thừa nhận bằng một thái độ hơn cả hối hận. Cứ như anh ta muốn toà tuyên cho mình cái án tử cho rồi.

     Hối hận là phải bởi người chết là mẹ. Sơn tổ chức nhậu ở nhà, bàn nhậu gồm mấy thằng bạn bụi đời ruộng. Lúc bày bàn thì bà già đi đọc kinh trên am của tu sĩ Hùng. Ông này cạo trọc đầu rồi tậu bộ áo nâu, nhà dựng tượng Quán Thế Âm và Thích Ca Mầu Ni to bằng con người ta, cũng tụng kinh gỏ mõ như chùa vậy. Đêm về dân xóm và các xóm kề bên chọn cái am nầy để kiếm chút thanh tịnh sau một ngày lăn lê ngoài chợ đời ô trọc. Tám giờ tối bà má về Sơn hỏi:

      - Tui thấy thằng thầy tu Hùng cho người đào móng trên miếng đất hai trăm mét của mình kề bên cái am của nó. Bộ bà bán cho nó hả?

    Nghe con gọi thầy tu bằng thằng bà già sân si liền:

      - Bà nội cha mày. Người tu hành mà kêu bằng thằng. Quỷ sứ dzặn họng mày.

      - Ai muốn dzặn cứ dzặn… mà bà bán bao nhiêu?

      - Tao hiến cho thầy Hùng xây chùa.

      - Trời đất… bà bị điên hay sao vậy?

     Vậy là hai mẹ con nổ ra một tranh cãi làm bàn nhậu tan tành. Mấy thằng bạn rằng thôi bỏ đi Sơn ơi. Đứa thì vỗ vai bà má nói thôi thím ơi. Nhưng con cái mà hổn hào mẹ nào chịu được. Sơn thì đất đai chớ đâu phải đồ bỏ mà cho không cái thằng tu sĩ sĩ tu giả hiệu đó. Nghe Sơn nói thằng thầy tu lừa đảo bà má xách cây chổi chà phang vô hồi vô thằng con. Sơn vung tay xô bà má, cú vung tay hơi mạnh. Dân thợ hồ hai mươi tuổi  mạnh như Lê Như Hổ làm bà già té đập đầu xuống nền xi măng.

    Đơn giản vậy mà chết vì chấn thương sọ não.

    Lũ bạn nhậu khai với bên điều tra đầu đuôi sự kiện. Cả ba đồng một lời Sơn chỉ xô chứ không có đánh lại chi hết. Thiệt là vậy chứ mấy thằng dân chơi ruộng nầy nào biết chi dối trá. Nhờ vậy nên án có tám năm chứ cố sát thì đừng có mà hòng. Nhưng sở dĩ Sơn thừa nhận tội trạng và không xin kháng cáo theo mấy tay hiểu biết về tâm lý đời là ông con hối hận. Nhà có một mẹ một con, cha chết từ hồi nó mới tám tuổi, bà má ở vậy nuôi con thờ chồng. Có rượu vô nó có hổn tí chút vì không được học hành như thiên hạ chứ thương má lắm. Nay một cú xô nhẹ mà mất người thân nên nó thất vọng cũng đúng. Với lại bà con trong xóm nghèo ai cũng phán nó là đồ giết mẹ. Ngay cả con bồ nó dự định tiến tới hôn nhơn cũng quay lưng cái một, bằng chứng là ra toà ẻm không tới coi cho biết bởi ngày đó nó nhận lễ hỏi với thằng bồ mới. Vậy thì Sơn muốn án tử là có quá.

    Dân xóm nhỏ e Sơn lắm. Sau chừng ấy thời gian mà miếng đất chừng như vô chủ chả một ai bên đông lẫn bên tây dám lấn ranh. Thời buổi tấc đất tấc kim cương, anh em trong nhà còn đập nhau mẻ trán nói chi đất người. Chắc là do cái thành tích mẹ còn dám cho đi tàu suốt thì mình nó coi ra chi. Vậy nên đất đai vẫn yên đâu ở đó và không mẻ một tí ti. Sơn cải tạo lại nhà, chăm chút lại vườn tiếp tục nghề thợ hồ kiếm sống. Có lẽ tù cho Sơn biết ít nhiều lễ độ nên cu cậu hiền như bụt. Thứ hai ra xã trình diện ba tư năm sáu bảy cả chủ nhật cũng xây tô luôn nếu chủ thầu yêu cầu. Dân xóm nhỏ thì thào thằng này tu thiệt rồi. Và hai tháng trôi qua cái vù.

      Bổng nhiên sáng thứ hai hôm ấy sau khi trình diện Sơn bị mời vào phòng xét hỏi. Công an buộc Sơn làm một bản tường thuật. Đại khái là một tuần qua anh làm gì gặp ai đi chơi với ai. Đêm của ngày tháng đó lúc… giờ anh ở đâu? Sơn thì sáng trưa chiều tối ăn ngủ đi làm. Chiều nào cu cậu cũng sương sương với anh em thợ vài ly. Cũng có ghé cà phê ôm bởi chủ thầu rê rủ. Chả là tay thầu chả luận chi tù hay tự do. Tù biết hoàn lương thì ngon gấp chín lần mấy thằng tự do mà bố láo. Vậy nên thầu rủ Sơn đi ôm. Chủ thầu cũng ngơ như bò đội nón khi bị kêu lên làm tường thuật. Thuật xong về.

     Quá  xá là ngạc nhiên luôn.

                 ***

      Nhưng một hôm kia đại ca Bảo Irak ghé thăm Sơn mới là bảnh hung.

      Bảo Irak là dân chơi có số má ở thị trấn nầy. Tù vài lần bởi vô số tội. Sau thụ án về đời ẩn mình trong bóng tối hẻm điều hành ba cái chuyện tuy bá láp nhưng ra tiền. Dưới trướng anh Bảo có chừng mươi em hành đủ các nghề. Nghe đâu mấy quán cầy tơ ở thị trấn nầy nguồn thịt là do băng bẹ anh Bảo cung cấp. Giang hồ thổi rằng anh phát cho đàn em hai thằng một chiếc wave-tàu một súng điện. Cứ thế mười hai giờ đêm bọn chúng đi kiếm chó để bắn, mèo hoang cũng chơi luôn. Lại đồn rằng thằng nào làm ăn lớn mà bị xù nợ cứ gặp anh Bảo là xong ráo. Anh uy lắm. Uy nhất anh là thành viên ngoài tầm kiểm soát của luật pháp. Nghĩa là một vài thằng săn bắt chó bị chụp đầu khai ra anh là kẻ giao súng và xe. Công quyền kêu lên anh lấy bóng tối hẻm làm chỗ dung thân. So với anh Sơn là con phù du bé xíu.

     Vậy mà anh đến thăm Sơn mới thiệt là hãnh diện.

     Anh không vòng vo hay tường thuật chi cho nhọc.Thẩy lên bàn uống trà nhà Sơn năm cái khâu mỗi cái hai chỉ vàng hăm bốn ca ra. Hỏi:

      - Mày biết tao chớ?

       - Dạ biết.

        - Biết tại sao tao có tên Bảo Irak nói nghe chơi.

   Cái tên nầy thì chỉ bạn tù mới biết. Rằng Bảo ở trại X lúc cha nội Gióc-giơ Bu-sơ cha xua quân đánh Irak. Nghe tin qua báo chí và tivi. Bảo khoái cái mặt xương và cái mũ nồi đỏ đội lệch của ông Sa-đam Hutsen nên theo phe và tuyên bố với anh em tù rằng Mỹ sẽ thua. Quả nhiên trận đó Bu-sơ cha phải rút lui chiến lược, từ đó anh em gọi Bảo Irak. Bảo còn xăm tên quốc gia nầy lên ngực nên giang hồ thị trấn cứ thế gọi luôn. Sơn cũng bị giam ở X nên rành vụ chúa phòng Bảo thắng bạn tù cuộc chiến Gióc cha và Hút-sen.

       - Có gì không anh Bảo?

       - Một cây nầy là của thằng tu sĩ Hùng nhờ tao giao cho mày.

       - ???

       - Nó nhờ tao nói lại với mày rằng xưa kia nó có hỏi mua hai trăm mét đất để nới rộng nơi tu hành. Bà già mày không bán mà hiến. Nay nó xin trả theo giá trị hiện tại. Và xin mày tha cho nó.

       - ???

       - Sao mày ngạc nhiên?

       - Tha cái gì anh? Vụ đất đai em không để tâm nữa đâu. Của bà già bả cho hay bán là tuỳ tâm bả. Năm năm tù em thấm thuốc lắm rồi.

       - Vậy mày không ra tay truy sát thằng thầy tu hả?

      - Truy sát? A… hèn chi hổm rày xã triệu tập em liên tục. Em lấy cái gì để truy sát hả anh?

       - ….

       - Anh mang vàng trả lại cho ông Hùng đi, em không lấy đâu.

       - Bà nội mẹ nó – Bảo chửi thề - Băng thằng Lâm không nhúng tay, tao cũng không. Vậy băng nào làm vụ nầy vậy kìa?

       - Là sao? Anh nói em không hiểu.

      Là  - Bảo kể - đêm của ngày tháng đó. Tu sĩ Hùng đang dạo vườn xem hoa nở thì có ba thằng bịt mặt nhảy tường rào vào nơi tu tập vung mã tấu quyết xin thầy tí huyết. Bọn nầy có vẻ muốn cho thầy về cõi trên nên hạ thủ không dung tình. May mà thầy nhanh chân phóng qua tường rào ém mình thật sâu vào một chuồng heo của nhà kề bên. Nhà kề bên có nuôi chó nên chúng sủa inh trời đất. Nhờ vậy thầy thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Bọn sát thủ đi rồi thầy mới run rẩy về lại nơi tu hành để tắm cho tan mùi kít heo. Gác tay lên trán thầy đọc chú đại bi mong với hằng hà sa số phật cho nạn khỏi tai qua. Vừa đọc vừa suy nghĩ. Cuối cùng thầy nói với con trai rằng:

       -Cha nghi thằng Sơn làm vụ nầy con ơi.

      Để nói cho nghe vì sao tu hành mà lại có con trong khi thầy không vợ. Số là vào cái năm lâu lắc nào đó thầy có đi từ thiện ở một miền đói nghèo tuốt luốt ở thăm thẳm mù trôi. Ở xứ đó thầy mới nhận một chú bé loắt choắt như con mèo hoang về làm con nuôi. Thiệt là quý hoá quá. Tu vậy chứ sao nữa hả đất trời? Thằng nhỏ tên Huynh. Huynh ở với cha nuôi sướng như tiên. Cái sự sướng nầy bắt nguồn từ tình thương của bá tánh bốn phương. Chả là nơi tu sĩ cư ngụ xa chùa chiền lắm, mỗi lần muốn đi thắp hương dâng phật dân phải qua mười bốn cụm rừng và một con sông mới đến chùa. Vậy nên nơi tu tập có tượng phật của tu sĩ Hùng lại là nơi dân khó nghèo đến xin ơn trên phò hộ. Muốn trên phò ta phải cúng trước, nhờ của cúng nầy mà cha Hùng con Huynh sống tốt. Dư luôn chứ tốt thì nghĩa chi. Thêm cái tục đồn rằng ông đó ông kia không vợ nhưng nhặt được đứa con đem về nuôi, vậy là thầy Hùng hoá hay. Bá tánh xa xôi nghe cũng nức tiếng thầy tìm thăm. Nhờ sự thăm nầy mà tu sĩ cho nơi tu tập lớn lên, tượng phật nhiều thêm. Tu sĩ lại là phật tử của một thiền viện nên vị trụ trì thiền viện nầy đích thân đến cái gọi là cư xá của tu sĩ Hùng để khai quang điểm nhãn cho các vị phật Hùng thỉnh về.

      Vậy là bá tánh không gọi nơi tu tập của Hùng am hay miếu nữa mà gọi chùa. Chùa nhỏ mà ông phật to thì đâu có kém chi Đại Lôi Âm bên Tây Trúc. Nhỏ hay to thì sự tin đến mê của dân nghèo cũng y khuôn. Vậy là đêm đêm sáng sáng các ngày rằm mồng một thiên hạ kéo đến chùa khấn vái xin ơn trên phù hộ. Chả biết có ai trong mớ chúng sinh đến chùa dập đầu muốn sói trán có được phù không chứ thầy thì phù sắc phú chắc luôn:

      - Vì thế cho nên – Đại ca Irak tiếp tục – Thằng Hùng là đại gia xứ này. Nó thuê tao năm chỉ đến gặp mày và trả một cây cho hai trăm mét đất. Mày nhận đi và viết cho tao cái giấy xác nhận là bán đất. Hiểu không? Còn chuyện truy sát để tao điều tra xem thử thằng nào làm.

      - Em không nhận mớ vàng nầy đâu. Anh trả lại cho ông ta. Em lỡ tay nên bà già qua đời, lòng ân hận đến giờ chưa nguôi. Má em hiến đất làm từ thiện nay em lấy tiền tức là đã bóp chết cái thành tâm của bả. Tội này em gánh sao cho hết hả anh?

      - Tội lỗi cái con khẹc. Mày không lấy tao lấy. Thằng tu sĩ cướp của bá tánh nay tao cướp lại. Coi như huề. Nó yêu cầu tao nói với mầy đừng cho người truy sát nó, nay mày không nhúng tay vậy xem như tao hoàn thành sứ mạng thầy chùa giao khà khà khà…

       - Tuỳ ý anh.

    Đúng lúc đó có tiếng huýt sáo vang lên:

       - Vô đây uống tách trà rồi về Hậu ơi. Trà thằng Sơn thơm như nhang cha Hùng lắm nè.

     Người có tên Hậu thò mặt vô. Vào nhà xong anh ta khép cửa cẩn thận như sợ có ai rình rập vậy. Hậu sợ cũng phải bởi là công an viên của xã. Mỗi khi Sơn ra trình diện anh ta là người ghi biên bản. – Mẹc xà lù – Sơn chửi thề bằng tiếng Pháp. Công an mà đi với trùm bóng tối thì ông nội ai bắt được kẻ gian? Sư cha cái cuộc đời. Sơn thầm chửi tiếp.

     Xong tách trà Bảo Irak ra về. Hậu theo sau cứ như tà lọt cho đại ca vậy.

    Ai truy sát mà ông ta nghi mình vậy kìa? – Sơn tự hỏi – ra cha nội nầy cũng không ít oán thù. Nhưng  đâu phải chuyện của mình mà xen vào cho rách việc.

                                                                              ***

    
     Sơn chả bất ngờ lắm khi đêm ấy tu sĩ Hùng đến nhà thăm.

     Đi cùng tu sĩ là thằng con nuôi tên Huynh. Huynh lễ độ đứng hầu một bên khi cha trò chuyện với chủ nhà. Kêu gã thanh niên trẻ tuổi đẹp trai ngồi chơi uống tách trà cho vui gã không là không. Rõ con nhà có giáo dục. Sống với tu sĩ mà không biết lễ thì đời coi ra chi? Tu sĩ Hùng rõ là người có tài hùng biện, giọng bổng trầm nghe hấp dẫn hết chê. Sau thăm hỏi thầy đi vào vấn đề chính rằng thì là thầy rất cám ơn khi Sơn ký bán miếng đất. Tuy giấy tay nhưng nhờ có chữ ký chứng của công an Hậu nên quý hoá lắm. Nó là cái bổ sung quan trọng loại đặc biệt để thầy làm sổ đỏ. Đặc biệt nhất là cái mối hận có thể có giữa thầy và Sơn xem như được hoá giải.

      Sơn hiền nhưng đâu có hèn. Điềm đạm là do những năm năm tù mà có. Sơn xử sự với đại ca Bảo Irak làm sao thì thưa với tu sĩ làm vậy rằng mình chả có nhận cây vàng cũng không có truy sát truy siết chi sất. Sơn nói:

      - Tôi đâu có điên mà đi nhận cây vàng ông giao, vậy là thừa nhận tôi có truy sát ông. Ông tìm Bảo Irak mà đòi lại. Tôi cũng nhấn mạnh cho ông rõ là tôi không thâm thù chi ông hết. Ông oán thù với ai thì tự biết lấy. Ông cứ săm soi vô tôi thì kẻ thù của ông đang mưu đồ để làm vố khác.  Không phòng bị coi chừng chết nữa đó. Nghĩ kỷ đi.

      - Bà nội cha thằng Irak. Khốn kiếp vậy là cùng – Tu sĩ điên tiết văng tục – nó cướp trắng cây rưởi vàng…

      - Ông phát đơn kiện lại. Lấy cái giấy tay giả chữ ký của tôi làm bằng.

      - Cho kim cương cũng không dám Sơn ơi.

    Thầy thiểu não thấy mà tội. Khi không dâng cây rưởi vàng cho quỷ sứ không chửi thề thì đâu phải người.

      Cha con thầy ra về. Sơn nằm vắt tay lên trán nghĩ mà sợ cho cuộc đời. Một ông tu sĩ lợi dụng niềm tin của người nghèo để làm lợi cho mình, một thằng du thủ có hổ trợ của quyền chức ai đáng sợ hơn ai? Suy ra cái lỡ tay làm chết người của mình cũng không nặng tội chi lắm. Vậy mà mình bị đời lên án còn họ được thế gian kính trọng. Thật, chả biết đâu mà lần.

     Nhưng thợ hồ vai u thịt bắp đâu có thời gian để nghĩ suy nhiều. Sau một ngày dầm nắng phơi gió thợ thiếp vào giấc nhọc nhằn. Ngủ mệt, ngủ mê chả mộng mị chi ráo. Đang ngủ bổng Sơn giật mình thức giấc vì có tiếng chân chạy rầm rập trong vườn nhà. Chả là  chung quanh thiên hạ đã xây tường bê tông vây bốn phía chỉ vườn Sơn là mông quạnh. Bật dậy. Sơn đưa tay bật công tắc điện. Rõ. Có tiếng chân của người ta rượt đuổi nhau. Rồi có tiếng của đại ca Bảo Irak:

      - Đứng lên… bằng không tao chặt bay cái đầu mày.  

    Đại ca tay trái cầm mã tấu, tay phải bẻ cánh tay của một thằng bịt mặt ngược lên vai dẫn nó vào nhà của Sơn. Theo sau đại ca là công an Hậu:

      - Còng nó lại Hậu.

    Bao trùm đầu của kẻ bị bắt được kéo ra. Một gương mặt lạ hoắc. Irak hỏi:

      - Mày ở đâu? Băng bẹ nào? Ai sai mày truy sát thằng tu sĩ. Nói tao tha, bằng không tao tống lên huyện là tha hồ bóc lịch. Nói. Mày ở đâu?

      - Dạ … em bên L ạ.

      - L? – Đại ca thốt lên – Từ L qua đây trăm cây số. Tụi bây thù oán chi với thằng tu sĩ. Thằng nào bên L sai bây làm chuyện nầy?

      - Dạ không có ai sai. Bọn em vả quá nên làm riêng.

      - Ai thuê mày và thuê bao nhiêu? Trảm đứt bóng hay trảm giam hậu?

      - Dạ trảm giam hậu thôi anh. Chỉ cần cho thằng thầy tu xi cà que là một cây.

      - Ai thuê?

      - Dạ thằng Huynh.

   Cả đại ca cả Hậu và cả Sơn thốt lên một lượt:

      - Thằng Huynh!!!?

       - Dạ… em nói láo cho đại ca giết em đi.

       - Bọn mầy lên đây mấy thằng?

       - Dạ… ba.

       - Đầu đuôi tao nghe coi.

      Dạ - thằng khốn kể - Nó với Huynh là bạn tắm truồng ở T. Cha má nó qua đời vì làm sông bị lũ cuốn. Cha má thằng Huynh thì sốt chết. Cả hai kiếm sống ở bến phà. Về sau thằng khốn  xuống L đi bụi. L có sân ga có bến xe nên sống cũng qua ngày. Bụi đời nên nó gia nhập băng bẹ anh Tân Chột. Anh Tân chột mắt chột luôn cả hồn. Anh bó kẻ dưới trướng hơn bó giò nên anh em đói lắm. Một hôm kia nhớ T nên thằng khốn về thăm và tình cờ gặp lại Huynh đang đi làm từ thiện tại T. Anh em gặp lại nhau thôi thì hết sức mừng. Biết nó đang hành nghiệp đánh và nếu cần chém mướn luôn nên Huynh nhờ nó và đồng bọn giúp bằng cách cho kẻ thù một hoặc hai mã tấu vô giò. Lần thứ nhất thất bại bởi cha thầy tu nhanh quá. Lần nầy thì bị phục kích nên cả ba chạy ba hướng. Nó đâm đầu vô đây nên bị đàn anh tóm được:

      - Anh tha cho em… em đoi quá nên làm bậy. Tha cho em lần nầy anh ơi…

       - Được rồi… để tao tính.  

    Irak nhíu mày suy nghĩ. Lâu thiệt lâu. Rồi đưa điện thoại lên;

        - A lô…

        - ….

        - Tôi đây. Bảo Irak đây. Ông đang làm gì?... đang đi tụng hả? Nửa đêm mà tụng tiếc gì cha nội? Tôi muốn hỏi là thằng Huynh có đi tụng với ông không? Không hả? Nó đang ở nhà hả? Ờ… tui có chuyện nầy muốn hỏi nó một chút… ông cho tôi số điện thoại của nó nghe. Rồi… rồi ok… hẹn gặp lại ông…

      Hậu, Sơn và thằng chém mướn đăm đăm nhìn đại ca:

      - Mày tên gì?

      - Dạ… Dũng.

      - Dũng gì?

      - Dũng Ken.

      - Mày chơi ken hả?

      - Dạ…

       - Yên tâm đi… vụ này ngon ăn tao cho mày chơi đã luôn.

  Đại ca bấm máy và bật loa ngoài:

       - A lô… Huynh hả? Tao đây…. Bảo Irak đây.

        - Dạ… có gì không chú Bảo.

       - Mày đang ở đâu?

       - Dạ … con đang ở karaôkê Thuý Mơ.

       - Nghe tin gì chưa con?

        - Dạ… có tin gì vậy chú?

         - Là thằng mày thuê chém cha nuôi mày tên Dũng tự Dũng Ken bị tao thộp cổ rồi. Mày muốn an toàn đến nhà thằng Sơn gặp tao, nếu không mày chết chắc.

       - …

       - Nghe rõ chứ? Muốn nghe giọng thằng bạn mày không? Mày cho nó nghe vài câu coi Dũng.

   Dũng ken nói lớn:

-          Tao đây Huynh ơi… mày đến gấp đi.

   Huynh đến nhanh như tia chớp nhiệt đới.

   Thăng cu quỳ gối dập đầu van lạy Bảo Irak thôi thì không còn chi để diễn tả. Chú tha cho con chú ơi. Con xin cắn có cắn rơm lạy chú. Chuyện nầy mà bể ra thì đời con coi như bỏ…

      - Ok… chuyện nhỏ như con thỏ. Tao sẽ cho qua mọi chuyện nếu mày chung tao hai cây.

      - Dạ… con đồng ý.

       - Và phải trả cho Dũng Ken cái giá mày đã thuê.

       - Dạ… con đồng ý luôn.

       - Và…

       - Gì nữa chú?

       - Tao muốn biết vì sao mày cho người xin tí huyết người đã xem mày như con. Đã giải thoát mày ra khỏi chốn bụi đời. Tại sao?

   Thằng thanh niên khóc thiệt luôn. Sợ quá mà, không khóc sao được. Nó nói:

       - Dạ… là do… dạ là bắt đầu từ con bồ con là Thạch…

       - Thạch con bà Thâu đó hả? – Hậu hỏi xen.

        - Dạ… đúng rồi chú Hậu.

    Đại ca hỏi Hậu:

       - Thạch nào vậy Hậu.

       - Là con nhỏ ở cà phê ôm Gợi Nhớ đó.

        - Mụ nội tao ơi – Irak lớn giọng – Con đó là bồ mày hả? Nó mới mười lăm đó con. Tao đây thì không sao chứ mày đụng vô bà già nó gài thế là chết cha mày liền. Nhưng sao lại có con Thạch dính vô đây?

     Huynh kể rằng nó yêu nàng lắm. Thấy nó bảnh bao má nàng cũng chịu. Yêu Huynh, nàng cũng giã từ Gợi Nhớ về nhà ngồi bên cạnh coi má xoè tứ sắc cho đỡ buồn. Một hôm đẹp trời nàng và bà má mới đến nhà Huynh tức nơi tu tập của tu sĩ Hùng dâng hoa lễ phật. Vào cái lúc khốn kiếp ấy Huynh không có nhà. Ông cha nuôi thấy cô gái trẻ quá, đẹp quá, xinh xắn quá… tình thiệt mà nói cô đi chùa mà ăn mặc cứ như đi hát kara thì có chết người trần không? Mà  - xin thưa – tu sĩ Hùng thì mới ngoài bốn lăm chớ mấy. Trẻ chán. Thầy tuy cạo trọc nhưng nét đẹp cứ rờ rỡ. Bà má nhìn thoáng là biết thầy thích lắm son trẻ nên mới nhờ thày coi một quẻ tình duyên cho con gái, chả là tu sĩ Hùng rất tinh thông thuật bói toán. Thầy liền mời vào thư phòng. Cô gái trẻ từng kiếm tiền trong cà phê ôm nên chả ngại chi sất. Thầy mời cô uống ly trà. Cô uống liền chứ sợ thằng tây lai nào. Uống xong cô ríu mắt vì thấm thuốc mê.

    Tàn cuộc mây mưa thì Huynh về. Cu cậu đau đớn vô cùng vì thảm cảnh.

      - Ra vậy – bảo Irak gật gù – mày hận cũng phải. Thôi, tao bỏ và cho qua chuyện nầy. Mày ngu lắm con ơi. Đàn bà con gái dạng như con Thạch khối cha chi mà mày manh động? May mà gặp tao chứ gặp công quyền là bây đi tù nguyên cả cặp. Hiểu không?

      - Dạ con cám ơn chú.

      - Chừng nào mày chung cho tao?

      - Dạ sáng mai. Đêm nay con sẽ…

    Huynh chưa trả lời xong câu thì điện thoại trong túi của Hậu reo lên. Anh ta nhìn vào màn hình rồi đưa ngón tay lên miệng:

     - Suỵt… sếp gọi…

    Cả bọn im phắt.

      - Dạ … em đây anh… dạ em đang đi tuần tra ở…

   Gương mặt Hậu lộ vẻ nghiêm trọng. Anh ta dạ dạ một thôi một hồi rồi:

      - Dạ… em đến liền.

      - Gì vậy? – Bảo Irak hỏi khi máy đã tắt.

      - Cha nội Hùng…

      - Sao?

      - Chả bị má con Thạch quả tang đang ngủ với con gái trong nhà nghỉ Nhị Kiều. Em phải lên gấp theo lệnh thủ trưởng. Chết mẹ cha nội nầy rồi.  Cái tội ngủ với gái chưa thành niên là chết chắc.

    Hốt nhiên đại ca phá ra cười. Cười ơi là cười. Irak ôm bụng lăn ra nền nhà mà nắc nẻ. Cả bọn cũng xúm vô cười. Đang cười bổng nhiên Irak trợn mắt lên răng nhe ra và vật xuống nền nhà. Cả ba vội xúm lại lay Bảo dậy, nhưng chả hiểu sao đại ca bất động một cách khó hiểu. Hậu thò tay lên mũi Irak rồi thốt lên:

      - Đù má… nó tắt thở rồi.

     Hai thằng Huynh và Dũng Ken nghe từ chết vội đâm đầu bỏ chạy.  Còn lại Sơn và Hậu đưa mắt nhìn nhau. Mọi chuyện tưởng rối ai ngờ nó trôi qua êm như mơ và ngọt như mía lùi.

     Rằng thì là cha nội Hùng bị mười một năm tù về tội hiếp dâm trẻ chưa thành niên, phải bồi thường trinh tiết một mớ kha khá cho con bé tội nghiệp. Hậu vẫn cứ đêm đêm đi tuần tra với tư cách công an viên. Thiên hạ tán rằng đêm ấy Hậu đang tuần tra thì phát giác kẻ đang bị lênh truy nã Bảo Irak đi ngang nhà của Sơn. Hậu yêu cầu đứng lại để kiểm tra. Cả hai ra xung đột và chỉ một đòn karatê Hậu đã cho Irak chầu chúa.

   Có ba thằng rành rẽ mọi chuyện. Nhưng Dũng Ken về L ngay trong trong đêm. Huynh thì cho vàng cũng không hé nổi răng. Còn Sơn yên lặng.

   Yên để tĩnh mà chiêm nghiệm.

 Nguyễn Trí
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 1517)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2163)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
06 Tháng Hai 202410:00 CH(Xem: 1452)
BÊN BỜ AO- Khuyết danh - Trần C. Trí chuyển ngữ
18 Tháng Giêng 20248:59 CH(Xem: 1897)
PHÂN ƯU / Nhận được tin buồn / Cụ Bà : PHẠM THỊ SỰ / Pháp danh Quảng Diệu Nhẫn / Sinh ngày 7 tháng 3 năm 1935 tại Mỹ Thi, Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 12 tháng 01 năm 2024 / (Nhằm ngày 2 tháng 12 năm Quý Mão) / Hưởng thượng thọ 89 tuổi.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 3170)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
04 Tháng Giêng 20249:03 CH(Xem: 2391)
CHIA BUỒN / Nhận được tin trễ / Văn Thi Sĩ / Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn / từ trần vào ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại Nam California / HƯỞNG THỌ 87 TUỔI
03 Tháng Giêng 202412:49 SA(Xem: 2891)
Tháng Giêng nắng vàng thơm ngát Đàn én bay về chao nghiêng Thầm thì…lời ca em hát Lý tơ hồng khúc giao duyên
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2442)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2561)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2195)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.