- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THÀNH PHỐ ĂN THỊT NGƯỜI

07 Tháng Chín 20188:30 CH(Xem: 24555)
THANH PHO - anh UL
Thành phố - ảnh UL

 

 

Em dừng lại tự hỏi:

- Mình đã thoát ra khỏi thành phố chưa?

"thành phố ăn thịt người"

 

Không biết đã là đêm thứ mấy rồi?

Vầng trăng không còn thấy trên đầu.

Vầng trăng đáng ghét, thứ ánh sáng bẻ méo, gãy vụn, gập nát, loang lỗ, như người ta đang buộc phải nhìn vào khuôn mặt xiêu vẹo của mình. Và từng vùng tối sáng đan xen, vùng tối ám ảnh như lãng quên, vùng sáng chói lòa như buốt nhói của cái nhớ!

Thà đừng có ánh trăng, và không biết đến ngày tháng. Thậm chí người ta không biết đến ngày hôm qua.

Giờ thì ngồi lại bên một vũng loang loáng, có thể là nước, cũng có thể là nỗi buồn, lúc này đang trào ra, vừa sóng sánh, vừa nhơn nhớt! 

Và vuốt lại tóc đi, nhúng tay vào nỗi buồn để vuốt tóc, tóc không còn suông và không mượt, gãy gập dưới sức mạnh của nỗi buồn. 

Rồi từ từ lần mò trên da thịt.

Nhẹ tay nhé, lột từng mảnh một. Không đau nhức, chỉ nghe mơ hồ tiếng sừng sực của lớp sừng dày keratin rời khỏi cơ thể?

Ồ, thì ra như thế, ký ức vừa lì lợm, vừa trâng tráo. Có thể bám sâu vào người như vết tatoo biến hình lỡ lói lâu ngày.

 

Ngày thứ hai không trăng, em bắt đầu làm một cuộc chạy trốn.

Ngày thứ n từ khi em chạy trốn. Em đã mất hút trong rừng.

Có người nói em đi lạc. Có người nói em biến mất.

Vì những mảnh da người bị lột lại, từng mảnh một, vứt tung tóe trên đường em bỏ chạy.

 

Em đã bỏ lại sau lưng mình tất cả những gì có thể bỏ lại được. Những vật thay thế em, đều dùng để đánh lừa thành phố chạy đuổi theo và háu đói. Nó sẽ vồ vập, ăn không ngừng , cho đến khi đã căng đầy, tràn ngập và tự mệt, rồi tự dừng lại.

 

Anh đã nói ngay từ đầu với em về họ, lũ ăn thịt người trong thành phố, nhưng em đã không tin. Lúc ấy mắt em chỉ thấy màu hồng, sau thời kỳ màu xanh lục.

 

Đêm đầu tiên ngồi trên thành cửa sổ nhô ra trên những mái nhà tôn xiên xẹo vá víu của thành phố bên dưới, nước mắt em tuôn qua kẻ tay, rõ xuống mái tôn rào rạt.

Bên dưới người ta đang đếm tiền, thùng tiền ban chiều trong đám tiệc mọi người đã lấm la lấm lét giấu biến đi, và khi em bất chợt bước vào nhà, đống tiền đã được đổ tung ra, trên mặt chiếu, người ta hau háu cắm mặt vào đống tiền, hối hả đếm tiền, xếp thành bó, mắt trắng nhợt nhìn em lơ láo. Có ai đó ném vào em một xấp tiền:

- Này tiền đấy, đếm đi!

Em cúi đầu xuống, và vội vã bỏ đi, em thây tủi hổ, và nhục nhã, vì một điều gì không rõ. Em bỏ đi. Phía sau có ai đó nói hấp tấp:

- Mặc kệ nó, đếm đi, lẹ lên.

Đêm đó, em đã leo ra gờ cửa sổ, ngồi chênh vênh nhìn xuống mái tôn, nhìn xuống những mái đầu đang lom khom cắm cúi vào đống tiền, nghe tiếng họ cười, lẹp chẹp, thấm nước vào kẻ tay, liếm mút vào ngón tay, thèm thuồng và đói khát. Mùi tanh bắt đầu chầm chậm bay lên.

 

Em đã khóc, nước mắt rơi như mưa trên mái tôn rách nát.

 

Nhưng em vẫn chưa biết mình đang ở chung với một bầy ăn thịt người.

Cho đến sáng hôm ấy.

5 giờ sáng, có tiếng gõ run rẫy lập cập ngào cửa phòng, rồi tiếng chân nhẹ bẫng liu xiu chạy vụt qua. Em khoác vội áo, mở cửa phòng ra, ngoài hành lang không có bóng người nào, nhưng dưới nhà bếp rung rinh ánh lửa.

Em lần dò xuống bếp, ở đó, 3 cô gái mảnh khảnh, xanh nhợt, lo lắng giống hệt như em, đứng quay mặt vào vách tường, dán những cái bóng xám như màu khói vào vách tường. Em là người thứ 4, mắt quầng thâm và sâu hút vì mất ngủ. Cũng in bóng vào tường, bóng ngả nghiêng, càng về sáng càng nghiêng ngã.

Chiếc bóng mỏng nhẹ nhất quầy quã bưng một mâm đầy thức ăn lên nhà trên. Trong một phút, tiếng cười nói, ồn ào, va chạm của răng va đập vào chén, tiếng đũa muỗng thọc sâu và nghẹn lại trong cổ họng, tiếng gầm gừ chia sẻ thịt sống, và tiếng nấc cụt thỏa mãn sau cơn no đầy của bụng vang dội xuống căn bếp tối chật.

4 cái bóng túm tụm vào nhau, run rẫy và sợ hãi. 4 cái bóng không chạm vào mớ xương thừa còn lại, mà chia nhau dĩa cơm cháy dưới đáy nồi, bát nước luộc rau xanh trong vắt, như đang uống sương buổi sớm.

Những ngày về sau nữa , vẫn diễn ra như thế, ban đêm em ngồi trên gờ cửa, đưa hết thân mình và 2 cánh tay khẳng khiu ra giữa không trung, nhẹ đến nỗi tưởng mình có thể bay lên khỏi thành phố, nhưng nặng tưởng như có thể rơi xuống, nằm vắt lên lớp mái tôn vá víu xiêu vẹo bên dưới. Dẹp lép và ngưng thở.Tưởng chừng bay lên hay rơi xuống đều có thể rời khỏi thành phố ăn thịt người!

 

Lần đầu tiên em chạy trốn khỏi thành phố ăn thịt  người, họ đã đuổi kịp em và bắt được em quay trở về. Vì em không vứt bỏ hết đồ đạc trên người, vì "em không có vật thế thân" để lại, cô gái mảnh mai nhất, xanh xao nhất thì thầm lén lút với em. 

- Sao chị không làm như vậy và bỏ chạy? - em hỏi cô gái ấy.

- Tôi không đủ sức, tôi sợ. Tôi sợ phải bắt đầu lại từ đầu, tôi sợ rơi vào một lũ ăn thịt người khác. ở đây rất nhiều kẻ ăn thịt người, chỉ khác nhau màu da.

 

Đêm đó em quỳ suốt đêm dưới chân bọn họ, những kẻ ăn thịt người da màu trắng bệch. Mỗi người chỉ quất 1 roi, vết sau hằn sâu hơn vết quất trước đó, càng về sau, càng buốt rát. Em gục đầu khi tên cha mẹ em lọt qua kẻ răng của 1 người -ăn-thịt:

- Con gái có hiếu là không để người ta ăn thịt cha mẹ của mình, hiểu không?

- Cha của cô phải biết xin lổi.

- Mẹ của cô biết điều thì phải đuổi cô đi, không bao giờ chứa chấp cô khi quay trở về. Cha mẹ cô hiểu điều đó không?

 

Khói nhang đốt nghi ngút trên đầu em cả đêm, nghi lể "trừng phạt" của bọn ăn thịt người chỉ đến bình minh mới kết thúc.

 

Sau đêm đó, em bị giữ kỹ hơn, họ đặt tên cho em là "người nổi loạn" và canh chừng em rất cẩn thận.

 

Những cô gái khác sợ hãi lánh xa em. Họ giải thích và răn đe 3 cô gái còn lại "bệnh nổi loạn như virus dễ lây lan", họ vừa xa lánh, vừa ghen ghét với em. Họ sợ em sẽ bay lên 1 ngày nào đó khi đủ nhẹ, và toàn bộ sức nặng sẽ dồn lên những người còn lại. Họ sẽ mỏng dần, nhạt màu dần, có khi họ sẽ biến mất đi mà chưa kịp gặp được bố mẹ và ngôi nhà thân yêu của họ.

Hoặc, sớm thôi họ sẽ trở thành những sinh vật ăn thịt người yếu ớt vì lai tạp!

 

Lần thứ hai em chạy trốn, em rải đám giấy tiền sau lưng mình. Nhưng giấy tiền quá nhẹ, bay phần phật vào trong gió, rồi rách nát tơi tã, lũ người đó sau khi vồ hết giấy tiền, vẫn bắt kịp em.

 

Lần này em bị trừng phạt nặng hơn. Cha của em được kêu tới, mái đầu ông bạc trắng chỉ qua một đêm, cổ ông mất đi một nấc xương, vì đã cúi gằm suốt đêm. Đổi lấy em được ngẩng cao đầu, cha em là người chịu thế chấp linh hồn cho em.

Em thì thầm với cha em:

- Cha đừng nói, cha ơi, Cha không cần phải như vậy. Con chịu được.

- Tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi thay cho con gái tôi. Tôi không biết dạy con. Tôi chìu chuộng nó quá, nên nó cứng đầu. Nó còn nhỏ nông nổi và không biết chuyện.

Em bật khóc thành tiếng.

- Cha ơi!

Một người-ăn-thịt bật cười:

-Ông ấy chịu xin lỗi rồi.

- Ông ấy thật nhu nhược!- Người-ăn-thịt có vẻ mặt trắng bệch nhất cười nhạt.

Đêm đó em không thức. Nhưng linh hồn của em thức cả đêm, đứng thẳng trên gờ cửa sổ, nhìn trừng trừng vào trời đêm, và nhiều đêm sau nữa. Vẫn đứng trừng trừng như vậy.

Lần thứ ba, em chạy thoát khỏi thành phố ăn thịt người.

Em đã biết cách rồi.

Em bỏ lại tất cả.

Em rãi mọi thứ từ từ, từng chút một, dẫn dụ và kiên nhẫn.

Đầu tiên là lột đôi giày ánh sáng, còn lại gót chân trần.

Sau đó lột đến lớp da chân, gót chân tóe máu, và chai dần, những vết máu khô đó bốc mùi tanh hấp dẫn lũ ăn thịt người.

Sau đó đến da tay, và da mặt, lột tất cả, lớp da cũ rách nát, mang hình thù khuôn mặt cũ, trơ trơ, vô cảm mà cam chịu. Lũ ăn thịt người đã vồ lấy lớp da mặt này, nuột trọng nó, mất một thời gian để tiêu hóa thứ lạnh lẻo vô hồn đó, rồi chưa đủ no, lại tiếp tục đuổi theo.

Nhưng em đã đi xa rồi, sau khi trút bỏ lại phần da thịt còn sót lại. Da lưng đầy vết sẹo roi quất, da chân săn chắc nhưng mọc dày lớp lông sừng tự kỹ, làm cái vỏ vững chắc cho em rúc vào.

 

Và con tim em là thứ cuối cùng bọn họ tìm thấy. Con tim tái nhợt và không còn đập nữa. Đã ngưng đập từ lâu rồi,  có lẽ bọn họ không nhận ra điều đó, họ ngừng lại:

- Nó đã chết rồi. Không cần đuổi theo nữa. Không ai có thể sống thiếu tim được!

 

Rạng sáng, linh hồn em, trắng nhợt, và run rẩy, nhưng nhẹ nhõm bay là là trên bụi cây hương nhu tím bạc sáng lấp lánh trong đêm.

- Mẹ, con đã về. 

Cửa đã mở sẵn từ bao giờ, mẹ em ngồi đó trên bậc thềm, 2 tay dang rộng, mùi hương nhu tràn ngập không gian:

- Con còn nhớ không, hương nhu có thể chửa lành vết thương.

 

Nhưng lạ kỳ vết thương của mẹ đến giờ vẫn còn rĩ máu.

Khi em nhớ lại câu chuyện này vào mùa ngâu tháng Bảy, vết thương của mẹ vẫn còn rĩ máu.

UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 202312:43 SA(Xem: 5781)
Hai câu trên nằm trong bài thơ mang tên “Lễ Phục Sinh 1916” của William Butler Yeats. Bài thơ nhằm tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống cho tự do và độc lập của Ireland. Cuộc hành quyết đẫm máu các thủ lĩnh cách mạng sau cuộc trỗi dậy vào ngày lễ phục sinh đã đánh thức cả một thế hệ Ireland. Cuối cùng, nhân dân Ireland cũng dành được độc lập vào năm 1949 và bài thơ của Yeats được cho là một trong những bài thơ chính trị hay nhất của thế kỷ 20 trong lịch sử văn học nước Anh.
12 Tháng Chín 202312:14 SA(Xem: 6390)
khi ngôn ngữ trở thành phù phiếm / trên môi người hát ca / anh trở về yên ngủ / dưới cội hoa mai già
10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 5437)
Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”.
04 Tháng Chín 202310:02 CH(Xem: 5380)
Tháng Chín, đêm khuya về ngồi lặng / Nghe gió cười khúc khích rượu tan / Mai chắc sầu in trên đá / Em chắc quên rồi tháng Chín, trôi.
04 Tháng Chín 20238:58 CH(Xem: 6340)
tôi gặp người lính già / trên chùa đồng yên tử / chốn rừng thiêng trúc lâm / trời đêm ... mưa mịt mù / người lính ngồi nguyện cầu / co ro dáng trầm tư / mặt xương gầy khắc khổ / mắt buồn sâu tâm tư
04 Tháng Chín 20238:52 CH(Xem: 4647)
Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…
04 Tháng Chín 20238:36 CH(Xem: 5398)
Dáng đi cô gái làm tôi bâng khuâng ngưỡng mộ như chứng kiến một tuyệt tác tạo hóa vừa ban tặng cho nữ giới. Vóc người cao cao, thanh mảnh với những bước chân bắt chéo uyển chuyển, nhẹ nhàng. Điều tôi muốn lưu ý: Cô ấy đi rất tự nhiên, không như các cô người mẫu luôn luôn sượng sùng vì cố phô trương những điều khác, hơn các bước đi được mẹ thiên nhiên ban tặng...
04 Tháng Chín 20238:30 CH(Xem: 5335)
Trong ngót hai chục phim truyện điện ảnh tham dự tranh Giải Cánh Diều năm nay của Hội Điện ảnh VN, có thể nói “Em & Trịnh” là một tác phẩm hoành tráng bậc nhất. Và cũng cần phải thẳng thắn điều này: những người làm “Em & Trịnh” đã rơi vào cả hai tình huống đặc biệt của Điện ảnh: a. thực hiện một bộ phim chân dung vốn đầy thử thách, b. đặc biệt là phim ca nhạc sẽ cực kỳ khó khăn về các yếu tố kỹ thuật!
15 Tháng Tám 20237:29 CH(Xem: 5851)
kiếm điểm / giật / mình / nghìn trang đã giở tới / hình thiên chương / viết như thuyền say độ đường / thước chim /
15 Tháng Tám 20237:13 CH(Xem: 6217)
anh không phải là con chim / cánh mỏi đường bay … / nhưng giọt lệ Người đã chảy thành đại dương / mà tiếng sóng không nguôi vỗ buồn trong trí nhớ…