- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƯ TÌNH TRÊN DÒNG KÊNH NGÃ BẢY

13 Tháng Sáu 201812:14 SA(Xem: 26825)
DoiBan - photoDH
Đôi bạn - ảnh ĐH


"Ghe chiếu Cà mau đã cắm sào trên dòng kênh ngã Bảy,
sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?"...


Chiều nay xe lại chạy qua Hậu giang, qua thị xã Ngã Bảy giữa cơn mưa trắng trời, mù mịt, mưa buồn đến đứt ruột, hắt hiu.

Vậy mà bác tài còn vặn to radio cho giọng ca mùi mẫn của tài tử Út Trà ôn khuấy đảo cồn cào ruột gan, như thể cơn mưa trắng trời hiu quạnh ngoài kia chưa làm cho lòng người đủ thê thiết.

Thị xã Ngã Bảy là nơi gặp nhau của bảy dòng kênh Cái Côn, Búng Tàu, Mang Cá, Sóc Trăng, Lái Hiếu, Xẻo Môn, Xẻo Dong.

Từ thị xã Ngã Bảy vào đến thị trấn Trà Lồng qua mấy cây cầu nhỏ, có cây cầu tên rất ngộ và gây tò mò; "cầu Chín Muồi", ai đó trên xe cười hắt khi anh lơ xe rao to "cầu Chín muồi, bà con có ai ghé hông?" . Cầu chi mà tên gợi tình, chắc tình anh bán chiếu đã được cô nàng ngoái lại đây mà! Ai đó kể chuyện tiếu lâm: tên cây cầu này không hay bằng cầu "Nín thở" trên đường đi Tánh Linh, Bình Thuận, ai đi ngang đó cũng nín thở, vì chỉ cần thở khì một hơi mạnh là xụm cả cầu lẫn xe, xụm nguyên xâu! Cả xe cười rần rần. Chỉ có em ngồi lặng, môi không nhếch nỗi nửa miệng cười. 

Em không dừng lại ở bến phà Trà Lồng. Cái Bến phà rộng có 3 bước chân, con phà quay đầu ngang là vào bờ, quay đầu lại là sang bờ bên kia! Cả cái phà chỉ chở được 1 xe hơi, vé 1.000 đồng 1 người qua phà rẻ rề như cho không, chạy qua chạy lại coi lục bình chơi cũng chỉ có 2,000- đồng vé khứ hồi. Mà mùa này lục bình trôi lềnh khênh hết một khúc sông, như lục bình của cả dòng Hậu Giang dồn về mắc kẹt vào bến Trà Lồng!

Em không dừng lại ở bến Trà Lồng, mà con tim em, như đám lục bình trổ hoa tím màu rưng rưng chết lặng kia đã kẹt lại mãi ở bến Trà lồng. Linh hồn em thì lang thang qua cây cầu gổ dựng đứng ú tim bắt ngang lộ đất, qua vườn cau nhà ai lừng lững trổ hoa trắng ngát mùa nước nỗi, qua mấy ruộng lúa chét ngóc đầu lên trong nước lờ đờ, nhớ anh cầm ngang nhánh bông lúa thở dài:

- Đồng chết trắng trong mùa nước nỗi, chỉ rặt một loại lúa lép mọc hoang cho vịt bơi đàn đi ăn rĩa. Mà cả đồng chỉ có nắm lúa, ai đâu gặt hái tranh ăn với vịt mần chi!

Linh hồn em lang thang qua mấy ngôi mả trên gò đất nỗi giữa đồng nhô cao trong nước ngập. Dân mình bao đời vẫn vậy, sinh ra ở ruộng, sống với ruộng, chết cũng chôn ngay trên ruộng nhà, vừa gần gũi vừa quanh quẩn bên ruộng vườn không muốn rời, vừa được mỗi ngày ngó thấy người thương.

Ừa, được mỗi ngày ngó thấy người thương... Có lần em nói với anh:

- Mai này em chết, em chỉ muốn chôn ngay sau ruộng nhà mình. Để mỗi ngày đều được gần người mình thương.

- Dì Út nói chuyện bao đồng, còn tươi như lúa ngậm sửa mà đã tính chuyện mai chôn. Mùa khô còn đỡ, mùa nước lên, chỉ có ngôi mộ trơ trọi giữa ruộng nước mênh mông, thấy quạnh quẽ se lòng lắm. Người thương chắc cầm lòng không đặng!

Linh hồn lang thang qua hiu hắt chợ quê, như ai níu chân lại, đi không rời. Đi đâu xa rôi vẫn nhớ nhất chợ quê. Thức ăn tươi rói mới hái từ liếp rau sau nhà, rùa rắn tôm cá đồng từ bảy dòng sông tụ về, một nhắm rau sam chua, đọt bí nham nhám, bắp chuối sứ non, củ khoai từ lừ đừ, trái cà chua vườn nhỏ đèo đẹt, mấy trái me chín dốt, cọng đậu đũa tươi ngon, đọt rau lang mướt mắt, rau má đồng, rau đắng đất...tất cả đều được bày ra trên rỗ nhựa ,mẹt tre bắt mắt. Thêm em, cô nhỏ hồn nhiên khoe cái răng khểnh và giọng nói rặt Nam bộ quê đớt mời chào:

- Anh ăn gì em hôn? 

Anh kỹ sư nông nghiệp mới tốt nghiệp ra trường, mắt nhìn gom cả cánh đồng và khói đốt đồng, vừa mênh mông, vừa đau đáu.

Chị Hai hay thở dài:

- "Thằng chả" chỉ ham ăn cơm nhà, vác gạc chà hàng xóm! Được mỗi cái tính tình hiền lành như đất, không rựơu, chè, cờ bạc, gái gú như trai làng.

"Gạc chà hàng xóm" là giấc mơ ba vụ mùa một năm, trồng lúa theo mùa nước nỗi cho cả đồng bằng sông Cửu long. Là những ngày miệt mài chèo xuồng lang thang trên cánh đồng trắng mùa nước nỗi, nhìn quanh tứ bề chỉ có rập rờn bông điên điển vàng rộm, lúa chét ngã nghiêng và gò nỗi quạnh quẻ, mây trắng cuối trời bềnh bồng. Một chiều như thế anh dúi cho em cây kẹp ba lá:

- Dì Út tóc dài rồi, kẹp lên cho gọn ghẽ. Mà tóc đẹp như vầy đừng có ham đua đòi kiểu nọ kia, cắt ngắn lên mất duyên con gái.- rồi lãng tránh tia nhìn sững sờ của em- dì cũng đừng ngó lom lom anh nào bằng đôi mắt đó, tội cho người ta đi lạc.

Không biết rồi có ai sẽ đi lạc. Chỉ biết em bắt đầu những ngày tháng lạc hồn mơ mộng bâng quơ. Đêm dài trằn trọc nhọc nhằn những giấc mơ đứt khúc có đôi mắt mênh mang khói đồng và bờ vai lực lưỡng đàn ông đậm mùi hương đất ruộng.

Rồi cứ như thế mà em đi lạc khỏi Trà Lồng, sau cái chiều chị ngồi xõa tóc bên sàn nước, miệng cười tươi rói nắng:

-  Chị đã có em bé rồi Út!

- Với ai ? - em ngơ ngẩn hỏi.

- Với "thằng chả" chứ với ai. Út hỏi ngộ không! Chị tính rồi mai này làm đám cưới, Út làm phù dâu cho chị.

Rồi cứ như thế mà em chạy khỏi Trà Lồng. Con phà quay mình là bắt mũi qua bờ bên kia, ngó lại đã thấy tít mù mênh mang như thể cách cả biển rộng. 

Chị Hai dạo này cũng làm siêng up hình lên face, còn biết tag cả tên em, để "con nhỏ lang bang biết tin nhà". Tấm hình anh ẳm thằng nhỏ ngộ nghĩnh bụ bẫm, mắt cười tròn xoe bên anh như hai mặt trời nhỏ chói nắng. Hai mặt trời trong mắt em nhòe làm một. Ngó thương sao là thương.

Mà sao không thương đứt ruột , thằng nhỏ là cháu trai của em,  anh là chồng của chị Hai em.

Thương như chiều nay khi nắng còn dùng dằng chưa biết rớt về đâu trên kênh ngả Bãy hội tụ bảy dòng sông. Rồi mặt trời dừng lại trên Trà Lồng.

Có một người mãi theo cơn mưa trắng trời mà đi xa. Để mặt trời được ở lại trên đất Trà Lồng.

UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 201511:10 CH(Xem: 27168)
Ruben là một danh họa bậc nhất ở Mexico, ông lại yêu say đắm Isabel, cô người mẫu của mình. Ấy vậy mà ngược lại, cô nàng lại tỏ ra tình tứ với tình địch của ông, gã này chẳng tiếng tăm gì cả. Isabel vẫn hay gọi ông Ruben là “Churro” bé nhỏ của nàng. “Churro” vốn là tên một loại bánh ngọt, mà cũng là tên thường gọi của người Mễ cho những chú chó con nuôi trong nhà. Ruben lại cho đó là một cái tên gọi tuyệt vời. Bởi thế cho nên hễ có ai đến thăm nơi ông vẽ, ông lại hí hửng khoe: “Ấy, nàng lại sắp gọi tôi “Churro” đấy”. Mỗi khi ông cười, chiếc áo lót như muốn bật tung ra, bởi lẽ ông càng ngày càng béo ra.
07 Tháng Bảy 20153:38 SA(Xem: 32021)
LTS: Đông Duy là bút hiệu của Hoàng Kiếm Nam. Ông là nhà thơ, nhà văn, bên những sáng tác văn chương , ông còn có nhiều tác phẩm về hội họa và ca khúc, đồng thời cũng là nhà báo kỳ cựu trong làng báo Việt Nam ở hải ngoại. Chúng tôi xin hân hạnh gởi đến quí bạn đọc và văn hữu những thi phẩm của thi sĩ Đông Duy Hoàng Kiếm Nam.
07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 28621)
“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .
06 Tháng Bảy 20153:00 SA(Xem: 18451)
Ngày 4/7/1407, tại Kim Lăng, kinh đô đầu tiên của Đại Minh từ 1368 tới khoảng năm 1421, Chu Lệ hay Đệ [Zhou Li] miếu hiệu Thành Tổ (Ming Zhengzu, 17/7/1402-22/8/1424) họp triều thần, chấp thuận lời xin của “1120” kỳ lão xứ Giao Châu [An Nam] hơn hai tháng trước là “con cháu nhà Trần đă chết hết không người thừa kế…. Giao Châu là đất cũ của Trung Hoa xin đặt quan cai trị, để sớm được thánh giáo gột rửa thói tật man di.” (1) Hôm sau, 5/7/1407, Chu Lệ ban chiếu thành lập “Giao Chỉ Đô Thống sứ ti” [Jiaozhi dutong tusi], một đơn vị quân chính cấp phủ hay tỉnh [Provincial Commandery]. (2) Và, như thế, sau gần 500 năm tái lập quốc thống dưới tên Đại Việt—hay An Nam, từ 1164/1175—nước Việt trung cổ tạm thời bị xóa tên.
05 Tháng Bảy 20152:32 SA(Xem: 31641)
LTS_ Người Quân Tử là truyện ngắn trích từ Tầu Ngựa Cũ, tác phẩm văn học được trao giải thưởng văn chương 1961. Người Quân Tử và Áo Mới của Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút Quốc tế / PEN International tuyển chọn là hai trong số 26 truyện ngắn hay nhất thế giới năm đó.
05 Tháng Bảy 20151:57 SA(Xem: 29908)
Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tần là tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.
02 Tháng Bảy 20153:15 SA(Xem: 33361)
Lửa cháy cao, kêu lốp bốp. Lão nhìn ngọn lửa hồi lâu và định sẽ đếm số tiền lần cuối cùng. Đây là ngọn lửa lớn nhất, cũng là thứ ánh sáng rực rỡ nhất từng ấy năm ở căn nhà này. Lưỡi lửa ăn vào gỗ, và cao lớn thêm. Cánh cửa ngập trong lửa, khói bốc nghi ngút. Ngọn lửa nuốt lấy ngôi nhà, cái miệng nó thật rộng, ăn cũng thật nhanh. “….” – Bất chợt lão gào lên. Giọng lão khàn đặc, mấy con chữ như bị tắc và gãy từ trong họng. Và khi lão gào thêm một tiếng nữa, chúng văng ra thành những cục máu. Mồ hôi lão nhễ nhại nhưng không phải vì nóng. Những giọt mồ hôi lạnh như nước đá. “Cướp…Ối giời ơi…Cướp…”
21 Tháng Sáu 20151:37 SA(Xem: 31471)
Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.
07 Tháng Sáu 20152:55 SA(Xem: 31597)
Lẩn thẩn với màu Sắc Bây giờ quá nửa đêm Có thể giữa ngày- và Lại đi trên đường dài
06 Tháng Sáu 201511:54 SA(Xem: 34266)
em và mùa hoa ngọc lan sót lại chỉ vài cánh mỏng so le thành phố bây giờ không còn những mái mây che những góc xưa bộn bừa