- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CÂY HƯƠNG NHU CUỐI VƯỜN LẶNG LẼ

10 Tháng Năm 201811:21 CH(Xem: 26165)

SG Mưa- ảnh UL
Sài Gòn Mưa -ảnh UL

 

Mẹ ơi, con đau!”

Trong bóng đêm, con lại trở về là đứa bé tóc tai ướt nhẹp rối nùi, nước mắt tràn đầy trên má, giơ hai tay về phía mẹ, gọi khẽ:

- Mẹ ơi, con đau!

Cũng trong bóng đêm, bàn tay của mẹ se sẽ lần dò trên từng rẻ xương sườn nhô lên lưng con mảnh dẻ, vuốt ve thủ thỉ:

- Mẹ đây, N của mẹ. Con sẽ không đau nữa....

Và mùi hương nhu từ từ lan tỏa, quấn quít , bao bọc lấy con, cái mùi hương làm lành mọi vết thương, làm dịu mọi cơn sốt, làm tan đi nỗi đau như cứa như nhói trong con.

Con ngủ thiếp đi, trong mùi hương nhu. Như ngày xưa.

Con không biết tự bao giờ nữa, góc vườn nhà mình đã có một cây hương nhu lá tía lặng lẽ tỏa hương. Mẹ vẫn giữ thói quen của những nhà vườn xứ Huế xưa, giành riêng một rẻo đất cuối vườn cho chút rau thơm, món ăn Huế mà không có nêm nếm rau thơm thì không sao thành vị. Và thêm một vườn thuốc Nam, vừa tự giúp mình vừa có thể cứu người, như ông ngoại hay dặn dò. 

Vậy đó, cuối vườn, giữa lỏm ngỏm hành hoa, ngò rí, ngò gai, rau quế, rau húng, tía tô, bạc hà, lá sả, cây gừng, cây nghệ, là sâm đại hành, cỏ lan chi và mấy gốc hương nhu lá đỏ tía dịu dàng. Mà từ chiếc lá màu hung đỏ đến hoa chi chít, cành, rể đều tỏa mùi hương dễ chịu khi chạm vào tay.

Quanh năm, từ người mẹ tỏa ra mùi hương nhu dìu dịu. Hương nhu một nắm cho vào nồi nước gội đầu cho tóc như một dòng hương nhánh đen mướt mát. Nắm lá hương nhu giải cảm, thân hương nhu cắt khúc sao vàng hạ sốt, chén thuốc nam trên tay mẹ sóng sánh vị hương nhu. 

Và những khi con bị ám ảnh bởi nỗi đau, cơn sợ hãi mơ hồ của trẻ nhỏ, con vùi sâu vào lòng mẹ, hít lấy hít để cái mùi hương nhu thân quen, mẹ nói hương nhu làm dịu các đầu dây thần kinh quá nhạy cảm của con, như một loại thuốc an thần vô hại mà hiệu quả.

Mẹ như bụi hương nhu cuối vườn, lặng lẽ tỏa hương trong lòng con.

Chẳng biết từ bao giờ hình ảnh mẹ đã đồng nhất với cây hương nhu lá tía. Chị Hai nói có lẽ từ lúc mẹ sanh chị ba, bố dắt người tình đầu tiên vào tận nhà bảo sanh thăm mẹ, cô ấy đẹp và trẻ, và gợi mùi hương nồng nàn. Lúc đó ôm chị Ba trong vòng tay còn non ngày tháng, khi bà hơ lá hương nhu cho mẹ, mái đầu của mẹ đã gục xuống run rẩy như chiếc lá hương nhu gặp lửa than.

Cũng có lẽ từ khi mấy chị em sinh ra ngày càng thêm dầy, và mật độ thay người tình của bố cũng dầy thêm mỗi năm. Mẹ đã thành cái bóng rũ như lá ra vào trong nhà, lặng lẽ tiết ra mùi hương vừa âm thầm vừa cam chịu.

Từ nhỏ, con đã lẳng nhẳng theo bố khắp nơi. Con đã biết ghét những người đàn bà nói cười đong đưa bên cạnh bố. Bố ngày xưa thật đa tình, bố đi đến đâu, cũng có mắt đàn bà long lanh sóng sánh đến đó, bố nói cười ngọt ngào, giọng bố trầm và ấm, mắt bố đen và nồng. Con chưa bao giờ mong mình đẹp như bố. Dù ai cũng nói con giống bố rất nhiều. 

Con còn nhớ có một lần, bố dắt con lên cửa hàng của bố, lúc đó bố làm trưởng một cửa hàng rất oai. Một cô bạn của bố vội sà đến vuốt ve con và trưa đó cả 3 người được đi ăn cháo vịt ở quán của cô ấy. Cô ấy rất khéo nấu ăn, con chưa bao giờ được ăn món cháo vịt và gỏi vịt ngon như thế. Dở dang bữa ăn, mắt con chờn chợn khi thấy bàn tay có những ngón sơn màu đỏ huyết dụ của cô ấy âu yếm sửa cổ áo chemise của bố. Bắt gặp tia mắt của con, cô ấy cúi xuống nựng vào chiếc cằm nhọn của con, giọng ngọt như cháo vịt:

- Con bé có cặp mắt thật giống anh, vừa đen ươn ướt vừa sâu hun hút.

Lúc đó con đã hất tay cô ấy ra, hất cả chén cháo đang ăn dở:

- Không! Tui không giống bố, tui giống mẹ!

Và con vừa chạy đi, vừa khóc. Từ đó con không thể chịu được mùi cháo vịt, mỗi lần thấy món vịt, con lại nhợn muốn ói. 

Con chưa bao giờ muốn giống bố.

Tụi bạn gái của con khi được hỏi, đứa nào cũng mơ màng, muốn được lấy một người chồng như bố của tụi nó.

Con không muốn lấy một người chồng như bố. Sẽ làm khổ người đàn bà của mình.

Khi con lớn, con biết sợ và trốn tránh những người đàn ông đa tình, có đôi mắt đen đong đưa, giọng nói trầm ấm, nồng như có lửa kiểu của bố. 

Có một lần con hỏi mẹ, mẹ có hối hận khi lấy bố không. Mắt mẹ buồn mà giọng nói nhẹ tưng:

- Không có bố làm sao mẹ có được con gái yêu như N! 

Con ước gì con có thể đầy lòng yêu thương và biết tha thứ như mẹ. Như mùi hương nhu vô hình lặng lẽ, quấn quít theo con, lấp đầy trong con, thấm sâu vào con, mà con không hề hay biết.

Chiều hôm qua con chạy về với mẹ, tim con đau lắm, đầu con nhức lắm, con tuyệt vọng lắm, hoang mang lắm. Tưởng như chỉ cần gặp mẹ là con nhào vào lòng mẹ, giơ hai tay ôm lấy cổ mẹ như ngày bé mà rên lên:

- Mẹ ơi, con đau lắm!

Vậy mà vừa thấy mẹ ra mở cửa, bàn tay xanh trắng có những lằn gân xanh quanh cổ tay như chiếc vòng cẩm thạch tự nhiên, con đã đủ sức nhoẻn một nụ cười gượng lắm. Mẹ cảm thấy ngay điều bất thường của con, mẹ cảm thấy ngay nỗi đau của con qua chiếc dây nhau vô hình chưa bao giờ đứt lìa giữa con và mẹ, mẹ hốt hoảng:

- Có chuyện gì vậy N? 

- Con chỉ về thăm mẹ thôi, mẹ làm như con có chuyện thì mới về với mẹ - con giả vờ quàu quạu cằn nhằn.

Mẹ kéo con ngồi im lặng trên chiếc xích đu. Con muốn nói với mẹ nhiều lắm, rằng mẹ ơi người ta làm con đau, sao người ta có thể làm người khác đau đớn đến cung bậc cao nhất của sự đau, nếu tra tấn tinh thần có thể chia ra làm nhiều cung bậc từ thấp đến cao nhất. Nhưng con cũng ngồi im lặng, nghe trong hơi gió mùi hương nhu khe khẽ dịu dàng. 

Con ngã đầu vào vai mẹ:

- Mẹ ơi, sao cây hương nhu con trồng mấy lần đều chết héo cả? Mà cây hương nhu của mẹ tươi tốt thế này.

- Cái tinh thần, cốt cách, khí phách của người trồng quan trọng lắm con ạ, nó ảnh hưởng đến hồn của cây. 

- Vậy tinh thần, cốt cách như con phải trồng cây gì mới hợp hả mẹ? - con vờ vĩnh hỏi.

- Con thì phải trồng cây cỏ đuôi chồn đỏ tía, mới hợp được!

Mẹ bật cười, lâu lắm rồi mẹ mới cười tươi như có nắng soi.

Con cũng cười. Và nỗi đau đớn, muộn phiền tan chảy ra, tiêu tan đâu mất.

Mùi hương nhu vẫn phảng phất. Không biết từ mẹ hay từ cây?

 

UYÊN LÊ

 

Ý kiến bạn đọc
16 Tháng Năm 20185:08 CH
Khách
Bên Thái Lan, các món ăn có hương nhu tạo sức hấp dẫn đặc biệt. Hương nhu thường được dùng để xào thịt gà, trộn thêm ớt và tỏi, là món rất thông dụng từ các nhà hàng sang trọng đến các bàn ăn bày dọc hè phố. Nhiều khi món này rất cay, tùy ý riêng của đầu bếp. Lần đầu tiên tôi ăn món này, không thấy thích hương vị hăng hăng, lại thường bị ăn quá cay nên khó thưởng thức. Nhưng những lần sau, càng ăn thịt gà xào hương nhu càng thấy ghiền!


Về Việt Nam, tôi có một anh bạn người Thái làm cùng dự án. Cô vợ anh kể khi đi tới khu vực bán rau củ quả ở Chợ Bến Thành, bạn hàng nhận ra cô vợ anh là người Thái, bên gọi mời: "Ca pao! Ca pao!" Đó là tên tiếng Thái của hương nhu. Có việc gọi mời bằng tiếng Thái như thế bởi vì số người Thái đang sinh sống và làm việc ở Tp HCM khá là cao. Cũng bởi vì ít người Việt dùng hương nhu trong thức ăn, cho nên khó tìm mua hương nhu, bạn hàng phải cất tiếng gọi mời để người Thái biết tìm đến mà mua.

Hiện tôi đang trồng vài cây hương trong chậu đặt ở ban công. Cây ra nhiều hoa cho hạt vương vãi khắp nơi, nhiều cây con vì thế mọc lên chung quanh cây mẹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 96615)
C ái Tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật của những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái Tôi trữ tình đau thương và khát vọng.
17 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 115932)
X a không chỉ từ thân xác Cái tổ nhỏ nhoi kết bằng ý nghĩ về nhau cũng quá đỗi xa xôi Dải sương mù cuối năm kéo ngôi đền lùi lại Nấp sau bao lí lẽ tỏ mờ
09 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95873)
K hi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Với một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.
28 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 94136)
Đ êm qua tôi thấy Mèo con trong giấc mơ. Vẫn nét mặt bầu bầu, vành môi cong lên cười tươi thắm. Trong mơ tôi thấy 2 đứa vẫn trẻ như một ngày năm cũ, nhưng lại có một thoáng ngại ngần, rồi Mèo con lên tiếng như giữa chúng tôi chưa hề có khoảng cách 15 năm. Mười lăm năm, mười lăm năm ấy biết bao tình[...]Chả biết là phòng hội hay phòng ăn, tôi vào lấy thức ăn như khi xưa từng lấy cho nhau.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 81069)
B ao nhiêu năm qua ở xứ ngưới, anh vẫn còn nhớ lại có những chiều trên đảo, anh đứng một mình trên đồi, nhìn biển rộng mênh mông, nhìn những đám mây bay lang thang trên nền trời xanh, nhìn những đám cỏ may theo gió thổi chạy vờn về cuối đảo, tự nhiên làm cho anh thấy mong nhớ một cái gì xa xôi. Mây và cỏ may thường làm gợi nhớ đến dĩ vãng...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 95253)
C huyện này chắc ít ai biết. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày xưa vốn là ca sĩ. Lần đầu tiên ông xuất hiện hát ở Huế vào năm 1936, ông đã trình bày bài “La Chanson du Gondolier” và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lúc đó tôi chưa ra đời. Nhưng bài hát anh chèo thuyền gondola thì chúng ta hầu như ai cũng biết.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 95528)
S huhun mang ánh mắt của một lời nguyền, thứ ánh mắt in trên một thỏi sắt. Nhìn hắn như một lưỡi kiếm bén mang linh hồn của Musashi Miyamoto. Tôi biết đến Musashi khi nào tôi không thể xác định, tên của võ sĩ vang danh trên khắp lục địa Bắc Á. Musashi trao cho Nhật Bản sức mạnh của kẻ yếm thế: Go rin no sho. Thuật xâm chiếm của vũ trụ như hai giải ngân hà nhập một, như hai lưỡi kiếm của hai mắt phải nhập một.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 93471)
H ằng đêm tôi sống trong lo sợ. Chung quanh tĩnh lặng, tối ám đến hoang mang. Gió lộng đánh phần phật trên các cánh cửa. Cứ độ giữa đêm, tiếng chân thình thịch đến từ xa, từng bước dẫm nặng nề. Tôi thu mình, rúc sát vào vách. Tôi trong suốt trong màu mực của đêm, không nhìn thấy cả chính mình...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 118304)
t a đã nhiều năm xa tổ quốc nhưng nào tổ quốc có xa ta sờ tay lên ngực nghe còn ấm hơi thở cỏ cây ở quê nhà
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 92480)
P hật giáo đã đồng hành cùng dân tộc gần hai nghìn năm qua, có những đóng góp quan trọng không chỉ trong sự phát triển văn hóa dân tộc, mà còn trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước thời kỳ đầu quốc gia tự chủ vô vàn gian khó... nhận thức rõ hơn cái “nhiệm trọng đạo viễn” của mình trước đất nước và dân tộc, chứ không phải chỉ biết chăm chú xây chùa đúc tượng...