- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THẰNG NGỒI

04 Tháng Năm 20182:42 CH(Xem: 23648)


 

cao-su-2
Mủ cao su - ảnh Internet




 

Cuộc rượt đuổi trong rừng cao su

 

Hai giờ đêm.

Hơi sương lạnh dầy đặc trong rừng cao su không bốc được lên cao nặng nề bay là đà luẫn khuất giữa các tàng lá thấp. Công việc của người thợ cạo mủ cao su bắt đầu từ hai giờ đến sáu giờ sáng, giờ mà cao su cho mủ nhiều nhất và chất lượng nhất. Nắng ngày lên sẽ làm cho cây cao su khép kín vết vỏ cây bị thương lại, giòng mủ chảy cạn đi, khô quắc.

 

Chị bỏ cặp thùng lớn ngoài bìa rừng, len lỏi vào lô cao su lớn tuổi hơn 300 cây mà mình được phân công. Chị vuốt ve lớp vỏ áo sần sùi của cây cao su đúng 5 năm tuổi, vạch một đường khéo léo lượn tròn quanh thân cây từ độ cao 3m xuống đến gốc rồi say sưa ngắm dòng nhựa trắng đục ngay lập tức chảy trào theo máng vào chén hứng. Mùi cao su thơm gây gây như sữa mẹ tỏa ra trong không gian đặc quánh mùi lá mục và sương sớm.

 

Tự nhiên chị rùng mình trong một linh cảm lạ, rừng vắng quá, đêm mới sang canh ba đen dày quá, chung quanh không một tiếng người, chỉ có tiếng lá rơi sột soạt và thú rừng chạy loạt xoạt từ xa như bước chân ai nặng nề…

 

Một bóng đen to lớn từ sau lưng đổ ập lên người chị cùng mùi mồ hôi chua loét nồng nặc và mùi loài con đực động tình đậm đặc làm chị choáng váng hoảng loạn.

 

Chị vùng vẫy trong vòng tay như gộng kiềm siết chặt từ phía sau lưng của gã đàn ông to lớn vạm vỡ. Một bàn tay to bè vòng qua cổ đè nghiến lên miệng chị, bàn tay kia kéo lết chị sâu vào trong rừng. Chị chống cự quyết liệt bằng cả sức trẻ 18 tuổi, bàn chân chị chòi đạp ghì riết trên mặt đất bùn nhảo nhoét, tay quờ quạng chụp vào phiá sau, cào cấu cật lực vào thân hình nục nạc mỡ của gã đàn ông. Gã thở phì phò, nhả từng tiếng méo mó qua hàm răng nghiến chặt:

“Mày im, muốn chết hả?”

Cây đèn pin nhỏ gắn vào mũ của chị rớt xuống đất vỡ tan tành. Bóng tối dầy đặc úp chụp lấy chị. Răng chị cắn ngập vào ngón tay út của gã đàn ông, hắn rú lên như con thú bị thương. 

“Tao giết mày!”

Một màn chất lõng loãng sền sệt đổ ụp lên mắt chị, mùi hăng hắc quen thuộc chảy tràn trề khắp mặt. Trước khi rơi vào vũng tối đen ngòm, ngạt thở, một tia chớp kinh hoàng lóe lên trong đầu chị: mủ cao su! Khốn nạn quá! Cơn đau nhói xộc thẳng từ bên dưới như chẻ đôi người chị. Xuyên buốt đến tim. Con chết mất mẹ ơi!

 

Thằng Ngồi

 

Người ngồi lại một chút, đủ để nhớ vô vàn điều đã qua đời.
Huống chi hắn đã ngồi, từ lâu lắm rồi. Như đã ngồi cả một đời. Nên hắn nhớ tất cả mọi điều, như một quyển sách mỗi ngày dầy thêm một trang và còn đóng kín.
Người ta kể hắn đã ngồi như thế từ khi mới sinh ra. Có thể hắn đã ngồi như thế từ trong bụng mẹ, đôi chân quặp chéo vào nhau thay vì bơi thỏa thuê thư thả như những đứa trẻ khác. Có lẽ vì cội nguồn ra đời của hắn là từ những bước chân rầm rập của một cuộc rượt đuổi. Cuộc rượt đuổi trong bóng đêm rừng cao su. Chỉ có canh hai trong rừng vắng, bóng đêm đen dày mà ngọn đèn cạo mũ không xuyên thủng nỗi, không gian không một tiếng người, chỉ có tiếng lá rơi sột soạt và thú rừng chạy loạt xoạt từ xa như bước chân ai nặng nề là chứng nhân cho những cuộc rượt đuổi. Hắn ra đời từ trong một cuộc rượt đuổi như thế. Hắn không biết cha là ai. Như nhiều đứa trẻ khác sinh ra dưới gốc cao su từ những cô-gái-trẻ-cạo-mũ-mang-khuôn-mặt-đàn-bà-quá-sớm!

Nhưng hắn không sinh ra dưới gốc cao su. Mẹ hắn, đã ráng lết thật xa khỏi gốc cây cao su mà cái bóng lá đậm đặc mùi các-bô-nít đã nhiễm độc cả cuộc đời chị. Cho đến gốc cây bông giấy, thì hắn lọt ra. Hắn ra đời dưới tán một cây bông giấy. Mẹ hắn cũng ngay lập tức qua đời, dưới cùng tán bông giấy ấy. Như một định mệnh rằng cả cuộc đời của hắn rồi sẽ quẩn quanh bên cây bông giấy.


Mà thiệt, từ đó hắn luẩn quẩn cả đời bên cây bông giấy, không thể rời xa. Và từ đó hắn này sinh thứ tình cảm quyến luyến lạ kỳ với loài bông giấy. Ở miền bán cao nguyên, bán bình nguyên, đất đỏ bazan, khí hậu khắc nghiệt này, chỉ dành riêng cho loài bông giấy được rực rỡ. Hắn đặt tên riêng cho bông giấy là hoa Bình thản. Bình thản bung nở rực rỡ trên cội cây già nua, quặt quẹo, trên lớp rễ cây sần sùi, cắm sâu vào lòng đất cát cằn cổi, thiếu nước.

Bình thản rực rỡ với nắng cháy thiêu, với gió quay quắt, với đêm lạnh căm căm và ngày nóng hừng hực.
Bình thản tỏa sắc mà không tỏa hương, như giấu kín cái thanh tao, nền nã, dịu dàng trong tự thân không màng đến ong bướm. Hắn có bao giờ thấy ong bướm chờn vờn trên giàn bông giấy. Bình thản đến bình yên. Hắn chỉ tìm được bình yên khi về dưới giàn bông giấy.

Sau khi mẹ hắn chết, người ta gọi hắn là thằng Ngồi. Người ta kể với hắn rằng ra đời từ một tai nạn trong rừng cao su. Người ta kể mẹ hắn mù lòa cũng từ tai nạn trong rừng cao su ấy. Người ta lấp lửng về cha hắn, người đàn ông bí ẩn của tối canh ba trong rừng cao su. Người đàn ông bị cụt một lóng ngón tay út.

 

Thằng Ngồi lăn lóc qua nhiều bàn tay từ thiện cho đến khi gia đình chủ vườn cao su lớn nhất vùng đem hắn về nuôi. Chính là vườn cao su mà mẹ hắn đã trải qua cả đời thiếu nữ. Mỗi chiều bà chủ, một thiếu phụ tàn tạ với vô vàn nét nhăn héo úa trên mặt, ngồi nhìn hắn bên gốc cây bông giấy và cười lạt lẻo. 
Mỗi chiều ông chủ tối sầm cặp lông mày rậm, bàn tay thọc sâu vào túi quần tây, vội vã lách qua hắn sau cánh cổng to đồ sộ như lách khỏi vết nhức nhối u nhọt. Mặc kệ bóng tối của những nụ cười lạt lẻo và cái chau mày hắt hủi tối sầm, hắn quẩn quanh bên mấy gốc bông giấy đồ sộ của nhà chủ và giấc mơ thiên đường của riêng mình. Giấc mơ thiên đường có bóng hình của bốn cô con gái nhà chủ.

Thằng Ngồi thầm yêu bốn cô con gái nhà chủ. Với một người biết đi bình thường, tình yêu đó có phần quá nhiều, và quá lạ lùng. Nhưng với thằng Ngồi thì điều đó lại trở thành tự nhiên như hắn thở, và hắn ngồi. Một giấc mộng ôm trong lòng không thể đi xa hơn, dù lớn bao nhiêu cũng là vừa đủ.

Hắn yêu cô Cả từ khi cô biết thắt khăn quàng đỏ đến trường. Lần đầu tiên hắn thắt khăn quàng cho cô, lọn tóc màu nâu đất chạm sát vào vai hắn, tỏa ra mùi hương lá bồ kết dìu dịu, cô nghiêng đầu nhìn sâu vào mắt hắn:
- Anh Ngồi, anh thiệt là khéo tay. 
Và cô chạm một ngón tay vào má hắn, ngón tay lạnh và mềm nhưng da mặt hắn cháy bỏng như bị nung đỏ. Tình yêu biết cách đóng dấu vào tim người ta như thế đó.
Trong tim hắn, cô Cả rực rỡ như màu bông giấy đỏ.

Hắn yêu cô Ba và cô Tư từ khi mới sinh ra. Hai cô gái sinh đôi được hắn đón về nhà và được phép quanh quẩn bên nôi nhìn ngó rồi sai vặt. Lúc đó nhà bà chủ neo người. Hắn yêu từng ngón tay nhỏ, hai cái miệng chúm chiếm đỏ như tô son và bốn cặp mắt đen tinh anh sáng ngời ngợi. Hắn yêu từng bước chân đi ngập ngừng về phia hắn hân hoan say đắm chờ đợi. và rồi những tiếng gọi đầu đời non tơ:
- Anh nhồi, anh nhồi...
Hắn chưa bao giờ biết rung động như thế trong đời. Như rung động với màu bông giấy hường mỏng manh.

Hắn yêu cô út hơn tất cả. Cô út bị sốt bại liệt từ nhỏ, không thể đi bình thường, hai chân vẹo vọ giấu kín dưới khuôn mặt trong veo như thiên thần. Có lúc bà chủ cười lạt nhìn hắn:
- Mày nhác nhác giống con út.
Vì thế tình yêu của hắn với cô út nặng thêm màu xót xa, thương cảm. Rưng rưng như bông giấy trắng.
Cô Cả đi theo con đường chính trị, leo vùn vụt từ phong trào Đoàn thanh niên đến thường trực Huyện ủy. Thỉnh thoảng mới ghé qua nhà sau những kỳ họp hành liên miên, trong chiếc xe hơi biển xanh, cô lợt lạt phóng tia nhìn hầm hập tia sốt bồn chồn lướt qua đầu hắn. Có lẽ vì hắn ngồi, nên hắn quá thấp.

Cô Ba và cô Tư ríu rít lớn lên cùng nhau thành hai cô thiếu nữ xinh đẹp nhất vùng. Nhan sắc tươi non như nhành hoa giấy hường nghiêng nghiêng xuống dáng ngồi của hắn mỗi ngày. Cho đến ngày cô Ba đi lấy chồng, là một cuộc hôn nhân đã được lựa chọn, giữa ông chủ vườn cao su và hảng vỏ cao su lớn nhất tỉnh. Lúc tà áo dài hồng của cô lướt qua cổng kết hoa, cô cúi đầu xuống nhìn hắn, một giọt nước mắt to nặng rớt vào má hắn:
- Anh Ngồi ở lại, em đi.
Hắn để nguyên giọt nước mắt đó suốt một ngày. Trái tim đau nhói của hắn mát rượi hết những ngày còn lại. Chỉ có vết sướt gai hoa giấy trên áo dài cưới của cô Ba gợi cho hắn những linh cảm lạ lùng. Ai không biết sợ trước vết sướt của một cuộc hôn nhân?

Cô Ba không thể có con, bao lỗi lầm nhà chồng trút hết lên đầu cô gái "cây độc không trái, gái độc không con" và "thằng cha bố vợ ăn ở vô hậu". Chuyện thay thế cô Ba bằng người đàn bà khác biết đẻ đã được bàn bạc trong gia đình chồng hằng ngày. May mà anh chàng chồng da trắng xanh bỗng dưng si tình cô em sinh đôi, cô Tư, hồn nhiên như bông hồng bạch. Vậy là một đám cưới kế tiếp ít rầm rộ hơn lại được tiến hành để giữ tròn khối tài sản của cả hai gia đình.


Hai lâu đài song song màu xanh ngọc, có cầu thang cong cong bắc ngang giữa mỗi tầng hiện lên rực rỡ giữa ngay thị xã. Người ta thì thầm lâu đài dành cho Nhị Kiều như truyện ngày xưa. Trong đêm tân hôn của cô Tư, cô Ba lần về nhà cũ, lặng lẽ bên thằng Ngồi, dưới cội cây hoa giấy già. Hắn tựa cằm vào cần đàn bầu, ngón tay gõ cần rung rung:


“Từ la từ phu tướng 
Bảo kiếm sắc phong lên đàng 
Vào ra luống trông tin chàng 
Năm canh mơ màng 
Em luống trông tin chàng…”


Một giọt nước mắt trĩu nặng rơi xuống thành đàn, vỡ ra như trăng loang:

“Ôi gan vàng quặn đau 
Đường dù xa ong bướm 
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang 
Mòn đêm luống trông tin bạn 
Mỏi mòn như đá vọng phu 
Vọng phu vọng luống trong tin chàng 
Lòng xin chớ phủ phàng”


Một bóng người khác, mỏng như hoa giấy rơi, lạnh đẫm sương ngồi bệt xuống bên hắn; cô Tư còn nguyên khăn đóng, áo dài hồng ngã đầu trên vai hắn, nước mắt thay nhau tuôn như mưa trên vai.

Và ba người ngồi như vậy suốt đêm.


Ông chủ đồn điền cao su hấp hối. Chuyện như vậy không dễ làm thiên hạ vùng bán cao nguyên giật mình. Nhưng giật mình là vì thằng Ngồi cũng được triệu tập vào bên giường người chết. Giật mình là vì giọt nước mắt của người sắp ra đi nhỏ từng hạt nặng nề vào thân hình co quắp của thằng Ngồi. Ngay lúc bàn tay có ngón út thiếu một lóng của ông chủ run rẩy đưa về phía thằng Ngồi, nó vụt đứng lên thẳng băng bằng cả hai chân, hai mắt trợn ngược, tràn ngập bi thương lẫn hạnh phúc.

 

Huyết thống ruột thịt từ đâu trên trời ụp xuống làm con tim thằng Ngồi như vỡ tan ra trong thứ hạnh phúc đau đớn. Vậy là tình yêu thầm kín, vô bờ bến, gần như thiêng liêng của thằng Ngồi với 4 đứa con gái nhà chủ cũng được giải mã, bởi sợi dây ruột rà máu mủ.

Giấc mơ thiên đường của một người có khi lớn quá trái tim người ta có thể chịu đựng nỗi. Ngay cả trái tim mênh mang như trái tim của người đã ngồi cả đời.

 

Ngay đêm đó thằng Ngồi ra đi, vỡ tim mà miệng vẫn cười. Cả thị xã thì thầm, về sau này rằng, đó là nụ cười đẹp nhất mà con người bình thường không thể có được. Đám ma của thằng Ngồi đưa đi trong một ngày rất nắng, có bốn người đàn bà đi sau một quan tài chỉ nhỏ bằng nửa quan tài người thường. 


Và rất nhiều hoa giấy rụng.

 

UYÊN LÊ

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 69068)
Nói như Viện Hàn lâm Thụy điển vào đúng 13 giờ thứ năm 07/10/2010, theo lời thư kí Peter Englund khi ông công bố giải văn chương Nobel 2010 trao tặng cho (Jorje) Mario (Petro) Vargas Llosa, là như sau. Nhà văn xứ Pêru này trúng giải nhờ đã: « Thể hiện và phác họa toàn diện cơ cấu quyền lực và hình ảnh sắc cạnh chạm khắc nỗ lực kháng cự, tinh thần phẫn nộ và thành bại của cá nhơn con người. » Về mặt nghệ thuật: « Ông là nhà văn đã triển khai thuật kể chuyện theo phong cách quả tình kì ảo. » Về mặt con người của mình: « Qua tác phẩm, ta biết ngay ông là một con người say sưa trong hành xử. Hễ thấy mình phản ứng rập theo bổn sắc ấy, ông tỏ ra hết sức rung động và lấy làm vui vô cùng. »
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86988)
Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau. Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau dền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống. Đã biết đi vào đời là đi vào khổ đau, nhưng tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý. Mỗi cái quẫy mình là mỗi một vũng máu, trào ra, trào cho đến đầy thau. Máu bê bết chẳng khác một pháp trường.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84774)
Ngày 11/03/2011 , Bẫy rồng bộ phim Việt Nam (action movie) được chờ đợi nhất sau thành công vang dội của Dòng máu anh hùng sẽ chính thức được trình chiếu . Bộ phim được hy vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho dòng phim action Việt Nam và chứng tỏ sự trưởng thành cũng như sức mạnh của một đội ngũ những nhà làm phim mới, trẻ và nhiều sức sáng tạo.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98229)
Tôi lên Mã Pì Lèng dạy học. Từ dưới chân núi, tôi cứ nhằm theo chòm bản thấp thoáng trong mỏm đá, tán cây mà leo lên. Trời nóng như đốt nương, vượt dốc, cổ họng khô rát, tưởng như mồ hôi đã cạn kiệt không thể chảy ra được nữa, thì bất chợt gặp một dòng nước từ trên núi chảy xuống, tràn qua cả mặt đường đá. Tôi hồ hởi phanh ngực áo, bỏ ca-táp, cởi dép rọ, đứng một lúc cho mát dịu lại, rồi mới thong thả rửa tay, rửa chân, xúc miệng ba lần, uống một ngụm, xong rồi mới lau mình, gội đầu...
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 83664)
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 92226)
Nguyễn Thị Thảo An sinh ngày 03 tháng 2 năm 1960 tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, hiện định cư tại Kennesaw Georgia, USA . Tác phẩm : *Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác) *Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới 2001)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84693)
LTS: Lê Vương Ngọc tên thật là Lê Đình Quỳnh, xuất thân là giáo sư tư thục Trung học các trường Hưng Yên, Hải Phòng thập niên 1950 và Sài gòn 1960. Ông nhìn vấn đề văn hoá như một “hobby” – Làm thơ, dịch sách, nghiên cứu, biên khảo nhiều về Phân tâm và Di truyền học – Theo quan niệm phê bình sáng tạo của Oscar Wilde…
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87580)
Bạn có thấy đâu đó, người ta bày bán ba hình tượng ngồi riêng rẽ với hai bàn tay bịt kín hai mắt, bịt kín đôi tai, bịt kín miệng? Hay có lúc ba người ngồi chồng lên nhau theo thể hình tháp. Đứng nhìn lâu, có chút sảng khoái ở nghệ thuật mời chào. Nhưng đem về tập tành chủ nghĩa sống theo. Không thấy. Không nghe. Không nói. Bạn mới thấy nỗi niềm của từng nhịp thở ở đôi tay người.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 113596)
Em Người đàn bà sống dậy lúc nửa đêm icon bật sáng Lang thang trong thế giới ngôn từ Đi về bằng đôi chân giả Dối gạt nhau qua lũ hình nhân sặc sỡ Sắc màu
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 73246)
Một cái chết tức tưởi, phi lí như thân phận con người trên cõi đời, như Albert Camus đã nhận xét trước kia. Ở tuổi 46, hai năm sau ngày lãnh giải Nobel. Trong túi xách của ông có đựng bản thảo cuốn tự sự hư cấu còn dang dở Le Premier Homme (Người đầu tiên), kí ức tặng mẹ, “người sẽ không đọc được nó’’. Cây ngô đồng (không hiểu sao) nay không còn nữa, chỉ có đài tưởng niệm dựng ở ven làng. (1)