- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CU SỨT

12 Tháng Tư 20182:22 CH(Xem: 25236)

29573257_625344441130755_4807681891976822327_n
Biển - photo UL



 

Bằng này giờ chiều chắc cu Sứt đang bò ra nền nhà bậm môi viết chính tả.

Nhà cu Sứt có cu Sứt, có dì và có cha. Nhà tôi chỉ có 2 mẹ con, vì cha đã ở bên nhà cu Sứt.

Tôi ngồi thõng chân trên chạc ba của cây chùm ruột ngọt. Ăn một nửa, nhả một nửa xuống gốc cây. Chùm ruột đất cát mà lạt phèo và không chua, lái chê không thèm mua , vậy là tôi mới có nguyên cây chùm ruột trĩu quả mà cu Sứt ngày nào cũng ngước nhìn nhểu nước miếng từ đôi môi trên bị hở hếch lên ăn rộng tới lỗ mũi. Đầu óc tôi sao lúc nào cũng phải bận tâm vì thằng cu Sứt. Dù tôi lúc nào cũng muốn vứt nó ra sao ót! 

Tiếng mẹ gọi cắt ngang dòng suy nghĩ không đầu đuôi của tôi:

-              Nhiên à, vào mẹ nhờ chút xíu!

Mẹ tôi ngồi trên chiếc đòn bằng gỗ, mặt đỏ hồng trước chảo bánh xèo loang loáng mùi mỡ nước thơm lừng. Tôi trợn mắt:

-              Trời, mẹ đổ bánh xèo cho cả xã ăn hay sao?

Mẹ lẳng lặng lựa mấy cái bánh xèo tròn đều vàng rộm to nhất gói vào lá chuối, xếp ngay ngắn hết sức tưng tiu vào một giỏ tre , rồi ngước lên nhìn tôi:

-              Con chạy ù đem cái này qua cho cu Sứt ăn cho nóng.

Cục tức chặn ngang cổ làm tôi hầu như gầm gừ trong cuống họng:

-              Cái gì cũng cu Sứt. Không có mẹ cả nhà nó cũng không có đói mà! Con thì không cần ăn sao?

Đôi mắt của mẹ tối sầm lại, rồi ươn ướt nước , tia nhìn đầy cam chịu, van lơn:

-              Mẹ xin con! Dì bận chăm cho cha nên em chắc không có đầy đủ ăn như nhà mình.

-              Thôi nha, con ghét cái kiểu này của mẹ lắm rồi! Cả đời làm người tốt có lỗi, người tốt chịu thiệt thôi!

Tôi hậm hực, lôi cái giỏ tre ào ào ra cửa ngõ. Đến góc khuất sau rặng tầm vong đầu ngõ, nhìn trước, nhìn sau không thấy ai, tôi lật đật giở cái giỏ tre, lật tấm lá chuối ra, nhổ một bãi nước miếng chà đều lên lớp bánh xèo đang nóng rồi gói lá chuối  lại, mặt câng câng đi tiếp.

 

Tôi vừa đá vào cánh cổng rào là cu Sứt chạy ào ra ngọng líu:

-              A, chị Hiên, qua chơi với em hả?

-              Nhiên chứ Hiên cái gì, thằng ngọng! Tôi trợn mắt.

Cu Sứt tiu nghỉu cúi đầu. Tôi vứt cái giỏ tre vào chân nó:

-              Bánh xèo đó, ăn đi. Mẹ tao cho.

Cu Sứt mừng rỡ, lập cập gỡ ngay lớp lá chuối hít lấy hít để:

-              Hời ơi, thơm quá,  ngon quá. Cảm ơn má Hai…

Cục tức lại trồi lên , nóng bỏng, bắn ra khỏi miệng tôi như tia chớp:

-              Má Hai nè…

Chân tôi đá cái giỏ tre lăn lỏng chỏng, bánh xèo văng hết ra ngoài đất cát. Cu Sứt đứng sững sờ nhìn tôi, miệng mếu xệch, nước mắt chảy thành dòng trên má. Tôi đang gườm gườm nhìn nó thì dì đẩy cánh cửa gỗ bước ra:

-              Chuyện gì ồn ào vậy Sứt?

-              Con làm té, rớt hết bánh xèo…cu Sứt lật đật lấy mu bàn tay quệt ngang mắt, lom khom lượm bánh bỏ vào giỏ tre. Tôi đùng đùng bước ra khỏi cửa rào:

-              Tôi đi về!

Tiếng cha từ trong nhà gầm ghè đuổi theo:

-              Con nhà mất dạy, đến không chào hỏi ai, nói đi là đi….

Tôi chạy ào ào trên con đường đê, gió thổi vùn vụt rin rít qua hai tai buốt giá. Tiếng cha riết róng lùng bùng trong tai. Xoáy như lốc trong đầu. Tôi chut tọt hẳn vào hốc cây đa khuất sau rặng tre, kéo lớp rể đa dày như tấm màn buông xuống . Rồi chúi mặt vào lớp vỏ đa sần sùi gào lên:

-              Tôi là Con nhà mất dạy vì ông đâu có bao giờ dạy tôi!

Rồi gạt nước mắt, tôi bước ra khỏi hốc đa. Mặt lại câng câng , tiếp tục chạy đi trong gió mùa Đông bắc rin rít.

             *    *   *


Tôi sinh ra vào đêm rằm tháng Bảy. Tháng cô hồn. Người ta nói gái đêm Rằm , trai mùng Một. Tôi là con gái, tôi sinh đêm Rằm. Nhưng cha tôi và cả nhà nội không chờ mong một đứa con gái. Nhất là con gái sinh vào tháng cô hồn. Cha tôi chưa bao giờ yêu tôi. Thường khi giận tôi hay giận mẹ cha vẫn gọi tôi là con cô hồn, con quỷ sứ!

Năm tôi lên 7 tuổi, cha tôi bắt đầu bỏ đi theo người đàn bà khác. Người này da trắng không đen bánh mật như mẹ tôi và bán hàng xén trong chợ. Trong khi mẹ tôi lầm lũi đi hay cúi đầu xuống đất, tướng khổ như bà ngoại hay thở dài nói, thì người đàn bà này hay cười, hay nói. Mắt đen nhánh tít lại như hai chiếc lá răm, giọng ngọt ngào ướt rượt như khoai lang mật.

Cha tôi ngày càng ít về nhà, mẹ tôi ngày càng thêm lầm lũi và hay thở dài.

 

Mỗi bận cha vội vàng ghé nhà lấy ít áo quần để đi tiếp,mẹ tôi lăng xăng chạy ra chạy vào cười như có nắng trong nhà, lật đật tíu tít sắm sửa làm đủ món ngon để níu chân cha tôi. Tôi ngồi hậm hực trong  một góc nhà, nhìn dáng mẹ tất bật ra vào, hai ống quần dính lấy nhau, và nhìn cha tôi hờ hửng lạnh lẽo ngồi nhấp nhổm trên bộ ván ngựa, mắt cứ nhong nhóng về phía đường lộ. Nổi đau đớn và hờn giận nghi ngút như khói đốt rạ trên đồng âm ỉ  trong lòng tôi.

Lần cuối cùng cha về nhà là khi mẹ tôi đang làm món khoai lang khô ngào đường mà cha tôi yêu thích. Tôi nhớ cha mặc bộ đồ bà ba lụa trắng ngà ủi thẳng láng ngồi bên bàn uống trà, mẹ tôi hớn hở bưng dĩa khoai lang dẻo quẹo thơm lừng mùi đường mía và cơm dừa nạo đặt bên cạnh cha.

-              Khoai lang khô mới ngào đường, ông ăn đi cho nóng.

-              Giữa bữa, tự nhiên bắt ăn khoai lang- Cha tôi hắt dĩa khoai qua một bên,cau đôi mày rậm đen gắt gỏng.

-              Thì hồi giờ tôi thấy ông thích ăn khoai lang khô ngào đường- mẹ tôi cúi đầu nghẹn giọng.

-              Hồi đó thích, bây giờ hết thích rồi. Bắt người ta thích hoài một món sao? Ngán bắt chết! người gì đâu mà chậm quá, không hiểu ý gì hết!

-              Phải rồi , tôi chậm. làm sao nhanh bằng người ta ở chợ.- Giọng mẹ tôi đầy tủi hờn.

Cha tôi đập bàn gầm lên:

-              Lại giở cái giọng đó ra rồi.  Chán lắm rồi ! Về cái nhà này nghe than thở, khóc lóc là muốn đi ra đường nữa rồi!

Cột khói  nóng bỏng trong lòng bốc lên ngùn ngụt mờ hết hai mắt tôi. Tôi vụt bật dậy từ góc nhà, chạy ra vục tay vào dĩa khoai bốc ăn lấy ăn để, nhét đầy hết trong mồm, vừa ăn trợn trạo vừa nhìn cha tôi trừng trừng. Cha cũng nhìn lại tôi sững sờ, chết sững. Cho đến khi không ăn nổi nữa, tôi nghen họng rồi nôn thốc nôn tháo ra khắp sân gạch. Mẹ ôm lấy tôi nước mắt trào ra như mưa.

Cha đi sòng sọc ra cửa, quay lại nhìn tôi chỉ một lần duy nhất:

-              Con quỷ sứ!

Và đó là lần cuối cùng cha về nhà.


Năm tôi lên 12 tuổi, học trường huyện xa, cha tôi cũng gửi về nhà một cái xe đạp màu hồng như đền bù cho tôi. Tôi lập tức lấy ngay sơn màu đen trét lên khắp xe vằn vện như con chó khoang. Tôi không thích ai thương hại, lại càng không thích màu hồng. Ai gán tình yêu với màu hồng. Tôi nghĩ tình yêu của cha tôi hẳn phải là màu đen, đen như trái tim tăm tối của ông, chỉ có nhân danh một tình yêu màu đen đặc sệt mù quáng như thế người ta mới có thể vứt bỏ một đứa con, một người vợ đã cũ  chạy theo người đàn bà khác trẻ hơn tốt hơn như cha tôi thường hảnh điện nói.

Cha bị tai biến không lâu sau đó, bại hẳn một bên người. Nhưng không phải vì cái màn ăn khoai lang khô hay trét sơn đen lên xe đạp của tôi  , mà vì dì đẻ ra cu Sứt.

Từ trong bụng mẹ, cu Sứt đã được chằm bặp yêu thương, tẩm bổ nâng niu vì ông thầy thuốc Bắc, sau khi bắt mạch  bảo đảm cái thai là nam quý tử. Nhà nội thì thầm với mẹ tôi, thôi thì nhịn nhục chịu đựng cho chồng có con trai nối dõi tông đường, cho cái Nhiên còn có cha. Và từ đó , không ai trong nhà nội ghé nhà hai mẹ con tôi nữa. 

Đêm cu Sứt chào đời,  cũng một đêm rằm tháng Mười, rằm lớn cuối cùng của năm. Cả nhà hớn hở tập trung hết ở nhà bảo sanh chờ từ sáng sớm cho đến khuya. Lúc tiếng khóc ngàn ngạt của cu Sứt vọng ra, cả nhà xúm quanh cánh cửa phòng sanh chờ đợi xem mặt cháu đích tôn. Sau đó chỉ có tiếng hét lớn của cha tôi và sự im lặng của tất cả những người còn lại. Cu Sứt không có môi trên, một đường nứt đỏ hỏn nối liền cái lợi và lổ mũi.

Sáng hôm sau, người nhà bắt gặp cha tôi té nửa nằm nửa ngồi trên giường. Sau một tháng chạy chữa, cha tôi yếu hẳn một bên người và đi lại rất khó khăn.

Mất thêm tiền chạy chữa cho cha rồi chạy hết bệnh viện này qua bệnh viện khác chữa cái môi trên  cho cu Sứt, nhà nội tôi hầu như khánh kiệt. Chỉ còn trông mong vào mẹ tôi làm vườn và làm ruộng lo cho cả nhà. May mà ruộng nhà tôi trúng mấy mùa liên tục. Và mẹ tôi lại hớn hở đi qua đi lại như con thoi giữa nhà tôi và nhà dì , bế ẵm nâng niu cu Sứt như thể nó là con ruột của mẹ.

Cha tôi hầu như chẳng bao giờ bước chân về nhà mẹ con tôi. Cũng chẳng bao giờ nhìn thẳng vào mặt mẹ tôi được nữa.

Người ta nói đó là do phức cảm tội lỗi , thứ tình cảm pha trộn mặc cảm phức tạp của người xấu. Không dám nhìn sâu vào tội lổi của mình. Và người xấu cứ thế quay đầu luôn với lương tri của mình.

Chỉ có người tốt là có thể làm hết mọi điều giùm cho người xấu. Nhìn vào mẹ tôi , tôi tin là như thế!


*   *   *

Mẹ tôi chết thanh thản khi đang ngủ. Mẹ mặc bộ đồ bà ba nâu bạc màu thường ngày, tóc đen nhánh trên gối, miệng vẫn còn hơi nhếch cười, như trong mơ mẹ lại gặp cha ngồi bên bàn nhắp trà sen và khen tay mẹ ướp trà thơm không ai sánh bằng.

Sau đám tang của mẹ , cả nhà kéo về bên nhà tôi. Trước bàn thờ mẹ, cha ngồi một  bên, dì ngồi một bên và cu Sứt chui vào một góc nhà như tôi ngày xưa. Họ hàng bên nội quanh quẩn ngoài sân thì thầm nói chuyện. Tôi lặng lẻ ngây ngây người, như chưa thể quen với việc mẹ đã bỏ tôi ở lại một mình và đi xa mãi rồi.
Cha tôi mở lời nói trước, e dè:

-              Mẹ vắn số, chết rồi. Bây giờ con muốn về ở với dì và em hay là cả nhà qua đây ở với con cho gần gủi?

-              Không còn mẹ, thì còn dì, dì sẽ thay mẹ chăm sóc cho con. Dì cũng nhỏ nhẹ góp vào.

Mắt tôi nhắm nghiền lại rồi vụt mở to ra, bụng dạ nôn nao như đang phải nhai nuốt cả dĩa khoai lang khô ngày xưa. Tôi chạy ra ôm lấy bàn thờ của mẹ:

-              Mẹ tôi còn ở đây, tôi không đi đâu hết. Tôi cũng cấm không ai được đặt chân vào nhà của mẹ con tôi!

Cha tôi bật khóc, lần đầu tiên trong đời tôi thấy cha tôi khóc:

-              Cha biết cha có lổi với hai mẹ con. Cha muốn chuộc lổi.

Tôi gào to lên:

-              Các người xấu, sao các người còn sống và sung sướng thế này? Sao mẹ tôi phải chết? Sao người tốt lúc nào cũng chịu thiệt? Sao người tốt phải chết?

Tôi bỏ chạy ra khỏi nhà, khăn tang tuột xuống vai, tôi vứt cả khăn tang sau lưng. Cánh đồng rạ sau mùa gặt đâm nhức nhối dưới gót chân.

Tôi nằm co mình trong hốc cây đa quen thuộc đã trọn một ngày, chẳng ai buồn đi tìm tôi. Sau tấm màn bằng rể đa dày chằng chịt, trời đã tối mịt. Rặng tre xào xạt và những đám lân tinh nhấp nháy loang ra cả cánh đồng. Tôi không nhát ma đâu, ở một mình với mẹ tôi đã quen thức đêm kéo nước giếng, ma trơi hay lân tinh với tôi là chuyện thường. Tôi chỉ thấy váng vất buồn ngủ và xoay xoay như thể người sắp sửa bay lên. Biết đâu tôi sẽ gặp mẹ khi bay lên, giờ này mẹ tôi hẳn đang bay là là trên cánh đồng và tìm tôi. Tôi bật rên khẻ:

-Mẹ ơi!

Có tiếng thút thít ở sát bên cạnh làm tôi giật nảy mình, một bóng gầy gò nhỏ thó đã len vào sát cạnh tôi.

-Chị Hiên…

Thì ra cu Sứt. Tự nhiên tôi thấy lòng ấm lại. Tôi kéo nó sát vào người , thì thào:

-Sao mày biết chổ này?

-Em đi tìm chị khắp nơi. Thấy gốc cây đa này có nhiều ánh sáng, em nghỉ  chắc là chị ở đây rồi. Má Hai chỉ đường cho em !

Tôi cốc lên đầu nó:

-Chỉ nói vớ vẫn, lại theo rình mò tao chứ gì.

Cu Sứt lôi trong người ra một bọc âm ấm:

-Khoai khô ngào đường này, chị ăn đi kẻo đói. Em làm đó. Má Hai dạy em làm hồi xưa.

Một giòng nước mắt rỉ ra rớt xuống tay tôi nóng hổi. Tôi quờ tay nắm chặt lấy đôi vai gầy guộc của nó:

-Thôi hai chị em mình về , ở đây lạnh lắm rồi.

Cu Sứt mừng ríu cả lưỡi:

-Ui, mình về chị Hiên.

-Chị Nhiên chứ - tôi nhéo tai nó - dạy bao nhiêu lần cũng không sửa được.

Bên ngoài gió lạnh vù vù thổi nhưng bọc khoai ủ trong tay tôi ấm sực. Đám lân tinh vẫn lập lòe phía trước như dẫn đường.

 

UYÊN LÊ

 

Ý kiến bạn đọc
15 Tháng Tư 201811:24 SA
Khách
Câu chuyện thật cảm động . Đọc mà cứ cay cay mới sống mũi. Một mẫu hình của người phụ nữ trong xhpk
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 201511:10 CH(Xem: 27082)
Ruben là một danh họa bậc nhất ở Mexico, ông lại yêu say đắm Isabel, cô người mẫu của mình. Ấy vậy mà ngược lại, cô nàng lại tỏ ra tình tứ với tình địch của ông, gã này chẳng tiếng tăm gì cả. Isabel vẫn hay gọi ông Ruben là “Churro” bé nhỏ của nàng. “Churro” vốn là tên một loại bánh ngọt, mà cũng là tên thường gọi của người Mễ cho những chú chó con nuôi trong nhà. Ruben lại cho đó là một cái tên gọi tuyệt vời. Bởi thế cho nên hễ có ai đến thăm nơi ông vẽ, ông lại hí hửng khoe: “Ấy, nàng lại sắp gọi tôi “Churro” đấy”. Mỗi khi ông cười, chiếc áo lót như muốn bật tung ra, bởi lẽ ông càng ngày càng béo ra.
07 Tháng Bảy 20153:38 SA(Xem: 31806)
LTS: Đông Duy là bút hiệu của Hoàng Kiếm Nam. Ông là nhà thơ, nhà văn, bên những sáng tác văn chương , ông còn có nhiều tác phẩm về hội họa và ca khúc, đồng thời cũng là nhà báo kỳ cựu trong làng báo Việt Nam ở hải ngoại. Chúng tôi xin hân hạnh gởi đến quí bạn đọc và văn hữu những thi phẩm của thi sĩ Đông Duy Hoàng Kiếm Nam.
07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 28549)
“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .
06 Tháng Bảy 20153:00 SA(Xem: 18350)
Ngày 4/7/1407, tại Kim Lăng, kinh đô đầu tiên của Đại Minh từ 1368 tới khoảng năm 1421, Chu Lệ hay Đệ [Zhou Li] miếu hiệu Thành Tổ (Ming Zhengzu, 17/7/1402-22/8/1424) họp triều thần, chấp thuận lời xin của “1120” kỳ lão xứ Giao Châu [An Nam] hơn hai tháng trước là “con cháu nhà Trần đă chết hết không người thừa kế…. Giao Châu là đất cũ của Trung Hoa xin đặt quan cai trị, để sớm được thánh giáo gột rửa thói tật man di.” (1) Hôm sau, 5/7/1407, Chu Lệ ban chiếu thành lập “Giao Chỉ Đô Thống sứ ti” [Jiaozhi dutong tusi], một đơn vị quân chính cấp phủ hay tỉnh [Provincial Commandery]. (2) Và, như thế, sau gần 500 năm tái lập quốc thống dưới tên Đại Việt—hay An Nam, từ 1164/1175—nước Việt trung cổ tạm thời bị xóa tên.
05 Tháng Bảy 20152:32 SA(Xem: 31388)
LTS_ Người Quân Tử là truyện ngắn trích từ Tầu Ngựa Cũ, tác phẩm văn học được trao giải thưởng văn chương 1961. Người Quân Tử và Áo Mới của Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút Quốc tế / PEN International tuyển chọn là hai trong số 26 truyện ngắn hay nhất thế giới năm đó.
05 Tháng Bảy 20151:57 SA(Xem: 29789)
Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tần là tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.
02 Tháng Bảy 20153:15 SA(Xem: 33215)
Lửa cháy cao, kêu lốp bốp. Lão nhìn ngọn lửa hồi lâu và định sẽ đếm số tiền lần cuối cùng. Đây là ngọn lửa lớn nhất, cũng là thứ ánh sáng rực rỡ nhất từng ấy năm ở căn nhà này. Lưỡi lửa ăn vào gỗ, và cao lớn thêm. Cánh cửa ngập trong lửa, khói bốc nghi ngút. Ngọn lửa nuốt lấy ngôi nhà, cái miệng nó thật rộng, ăn cũng thật nhanh. “….” – Bất chợt lão gào lên. Giọng lão khàn đặc, mấy con chữ như bị tắc và gãy từ trong họng. Và khi lão gào thêm một tiếng nữa, chúng văng ra thành những cục máu. Mồ hôi lão nhễ nhại nhưng không phải vì nóng. Những giọt mồ hôi lạnh như nước đá. “Cướp…Ối giời ơi…Cướp…”
21 Tháng Sáu 20151:37 SA(Xem: 31333)
Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.
07 Tháng Sáu 20152:55 SA(Xem: 31363)
Lẩn thẩn với màu Sắc Bây giờ quá nửa đêm Có thể giữa ngày- và Lại đi trên đường dài
06 Tháng Sáu 201511:54 SA(Xem: 34120)
em và mùa hoa ngọc lan sót lại chỉ vài cánh mỏng so le thành phố bây giờ không còn những mái mây che những góc xưa bộn bừa