- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỢC DÒNG

20 Tháng Tư 20161:24 CH(Xem: 24772)

Tangoulis-Misty-Scapes-2-710x710
Ành- Vissilis Tangoulis







LTS: Lâm Nhược Trần có truyện đăng ở Hợp Lưu từ những năm dầu tiên khi tạp chí mới phát hành... Anh vừa gởi đến Hợp Lưu những sáng tác mới của anh. "Ngược Dòng" được viết theo dạng "một truyện trong truyện ", tác giả sẽ đưa chúng ta vào những không gian lạ lùng giữa thật và ảo , giữa nhân vật tiểu thuyết và con người... Mời quý bạn cùng đi vào thế giới truyện của Lâm Nhược Trần.

 

TẠP CHÍ HỢP LƯU

 

 

 

 

 

 

Hắn đã chết. Một cái chết đầy bí ẩn. Buổi chiều vàng. Những chiếc lá úa ngập tràn trên đường phố không bụi bậm. Hắn đến tìm tôi trong khoảnh khắc trắng dã sau cơn mưa. Nhưng tôi nghĩ, hắn đã chết.

Bão lớn đập mạnh vào cánh buồm. Con sóng điên cuồng hất tung mảnh hình hài gầy guộc của hắn. Hắn lăn lộn, ngầy ngật trong cơn buồn nôn. Đôi bàn chân buộc chặt vào thành gỗ. Số phận hắn bị trói gô vào mạn thuyền. Đấy là sự tự chọn lựa của hắn. Chọn lựa cái chết không trăn trối, không cần người tiễn đưa.


Hắn thầm lặng ra đi. Không vướng mắc. Năm ngày lênh đênh trên biển. Vài phút thoáng qua. Một đời người. Hắt hiu như ngọn đèn dầu trước gió. Rồi cuối cùng hắn và con thuyền trôi sâu vào đại dương.

Buổi chiều vàng. Những chiếc lá úa ngập tràn trên đường phố không bụi bậm. Hắn đến tìm tôi trong khoảnh khắc trắng dã sau cơn mưa. Tôi biết, hắn đã chết.


* *
*


Hắn tên Jan. 32 tuối. Hắn có một ước muốn lớn lao trong đời là đi vòng quanh thế giới. Mỗi nơi hắn đến, hắn để lại một cuộc tình. Tình hay chỉ là quan hệ xác thịt. Với hắn, không phải là điều quan trọng. Hắn bảo, được làm tình với những cô gái thuộc đủ mọi chủng tộc trên trái đất này, là niềm đam mê lớn nhất trong đời của hắn. Hắn không thích bị trói buộc, dù chỉ là một cảm giác vương vấn nhỏ nhoi trong hành lang kí ức.


Cách đây một năm, quen tôi, hắn bảo “Tao sẽ đến thăm nước mày. Nơi đó, chắc có nhiều điều thú vị để khám phá.” Hắn đến và ở lại với Hà Nội một tháng. Trở về. Gặp tôi, hắn kể “Đi gần khắp địa cầu, chưa nơi nào giữ được bước chân của tao. Thế mà, trong thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, tao lại vướng mắc bởi sóng nước Hồ Tây. Thật lạ!”. Đất nước của tôi lạ lùng như thế. Quan hệ với nó như một định mệnh. Như sự dan díu với một người đàn bà. Thiếu vắng thì khắc khoải, nhớ nhung da diết. Gần gũi một thời gian, đôi khi cũng thật mệt nhoài và chán chường.


* *
*


Cẩm Nhung quyết định bỏ chồng để lấy hắn. Cô gái Hà Nội một con, hiện đại, chối bỏ những thực tế đầy bế tắc để có được một cuộc đổi đời cách xa mười hai ngàn cây số. Một sự đánh đổi cần thiết, cô bảo thế. Hắn đón cô sang đây, chuẩn bị chu đáo cho cô một cuộc tự lột xác. Chấp nhận cho cô bảo lãnh đứa con riêng bốn tuổi sang chung sống. Như thế, hắn là người tử tế. Những ước mơ bình thường một đời người, có lẽ, Cẩm Nhung đã tìm thấy được ở hắn, nơi đây, một đời sống ổn định nhiều hứa hẹn. Cô thật sự mang ơn hắn.


Thời gian đầu, hai người sống chung mặn nồng. Cẩm Nhung đem đến cho hắn những niềm vui bất ngờ mà cả đời của hắn chưa có dịp trải nghiệm ở những người con gái Tây phương sòng phẳng và nhiều ham muốn. Cô dịu dàng. Biết chiều chồng.


Nhưng đời sống lứa đôi chỉ êm ả được vài tháng. Sau đó, dần dà, hắn thường vắng nhà. Và những mối tình vụng trộm. Những cuộc truy hoan bất tận. Những đêm giải sầu trong men rượu và trên thân xác phụ nữ khác tiếp tục diễn ra. Với hắn, đời sống đồng nghĩa với tâm thức phiêu lưu và sự hưởng thụ. Cẩm Nhung ghen. Hắn thản nhiên giải thích “Anh vẫn luôn yêu quý em. Nhưng cuộc sống của anh còn có những cái khác. Em phải tập dần để hiểu và thông cảm cho anh.” Cô phản ứng quyết liệt “Em không thể nào thông cảm được cái chuyện anh tiếp tục san sẻ tình cảm với những người đàn bà khác. Như thế là không tôn trọng em.”


Hắn đến bên vợ. Đặt bàn tay lên vai cô rồi kéo cô ngồi xuống cạnh mình trên cái ghế bành giữa phòng khách. Nhìn vợ một lúc, hắn vỗ về “Mình là hai đứa đã trưởng thành. Lấy nhau, đấy là một sự kết hợp sòng phẳng. Bên cạnh đời sống vợ chồng, mỗi người đều có đời sống riêng, hoàn toàn độc lập.” Cẩm Nhung khó chịu “Anh không thấy như thế là quá ích kỷ sao?” Nhưng hắn vẫn cố giữ vẻ thản nhiên “Kẻ nào không biết nghĩ cho mình là dại dột. Và anh có những nguyên tắc của anh.” Thấy vợ vẫn ngồi im, hắn nhếch môi cười rồi nói tiếp, giọng khiêu khích “Anh rất công bằng. Em cũng có quyền được tự do quan hệ với những người đàn ông khác, nếu em muốn.”


Cẩm Nhung nhìn chồng kinh ngạc. Cô xoay người lại, đưa tay với lấy gói thuốc lá trên bàn, rút ra một điếu đưa lên môi mồi lửa hút. Tỏ vẻ nghĩ ngợi. Ngoài kia, trời vẫn rực nắng.


Cuối cùng, sau nhiều lần nghe chồng thuyết phục, Cẩm Nhung bắt đầu lao vào những cuộc phiêu lưu tình cảm mới. Những buổi tiệc làm tình tập thể được tổ chức liên tục thâu đêm suốt sáng. Jan đưa vợ đi dự mọi cuộc vui mà hắn biết. Những cuộc thay vợ, đổi chồng xảy ra gần như hàng tuần, tại nhà riêng hay ở những sex-clubs. Lúc đầu, Cẩm Nhung ngỡ ngàng. Nhưng dần dà, cuộc sống buông thả ấy đã đem đến cho cô nhiều điều thú vị.


* *
*


“Xây dựng nhân vật Cẩm Nhung, tao thấy mày hơi quá tay. Qua nhân vật này, mày muốn nói gì với độc giả?” Trường, bạn tôi, hỏi tôi sau khi xem xong xấp bản thảo tôi để trên bàn.


“Tao chẳng có chủ đích gì. Thấy gì thì ghi lại vậy. Và thích viết thì cứ viết. Thế thôi.”


“Câu chuyện thiếu tính hiện thực. Phụ nữ Việt Nam làm gì có người phóng túng như Cẩm Nhung. Mày không thấy thế à?”


Tôi và Trường đang tranh cãi thì Cẩm Nhung từ xa chen vào:


“Em thấy anh Trần ác thực đấy. Sao lại dựng lên hình ảnh em trơ trẽn và tồi tệ đến thế? Ngoài đời làm gì có những chuyện như thế, phải không anh?”


“Chuyện như vậy thì đâu có gì là lạ. Nếu em không tin thì...”

 

Tôi chưa kịp dứt lời thì từ trong bản thảo, Jan cười sặc sụa:


“Anh Trần đùa dai thật. Tôi mà lấy được một cô gái Việt Nam xinh đẹp như Cẩm Nhung làm vợ thì tôi sẽ hết sức trân quý và gìn giữ cổ cho riêng tôi như một báu vật. Làm sao tôi có thể san sẻ cô ấy cho ai chứ ? Chuyện phi lý quá.”


Tôi quả quyết “Chuyện có thật ít nhất là 99%”.


Mọi người cười đùa rồi lẳng lặng biến đi. Tôi pha một tách tra rồi trở lại bàn, gõ tay lách cách xuống chiếc computer.


* *
*


Dù tự nguyện chấp nhận nếp sống thác loạn của chồng, đôi lúc, từ thâm tâm, Cẩm Nhung vẫn cảm thấy có một sự hụt hẫng lớn. Lắm lúc, trở về với chính mình, trong tâm trạng mỏi mệt và trống vắng, cô cảm thấy thật ê chề. Cô thèm một sự săn sóc ân cần của chồng. Jan vẫn thản nhiên như không biết gì. Cô trách móc. Hắn cười đùa. Cô giận hờn. Hắn lẩn tránh. Mọi chuyện cứ thế trôi qua.

Về sau, Jan có quan hệ với cả những người đồng tính luyến ái. Quan hệ mới mẻ này tạo cho hắn nhiều thích thú. Hắn tâm sự “Đến đây, lúc đầu, tôi chỉ muốn thử cho biết. Dần dà, tôi khám phá ra chính mình. Khám phá ra được những điều mình thật sự yêu thích mà từ lâu tôi cứ ngờ ngợ không hiểu và cố tránh né. Sống với đàn bà tuy thú vị nhưng cũng có nhiều cái rắc rối quá. Họ có những mong mỏi ‘lớn lao’ làm cho mình mệt mỏi.”


Rồi Jan đưa người bạn trai về sống chung tay ba. Đến lúc ấy Cẩm Nhung chịu không được nữa, phải nộp đơn xin ly dị chồng và dẫn con ra sống riêng.


* *
*


Khi Jan bệnh nặng phải đưa vào nằm viện, Cẩm Nhung vào thăm. Jan không còn mạnh mẽ và háo hức như trước. Hắn gầy đi nhiều. Mặt hốc hác. Trên làn da xanh xao ửng lên những vết thâm đen nứt nẻ. Nhìn hắn, Cẩm Nhung rươm rướm nước mắt. Nàng mở túi xách lấy vài món ăn đặt trên bàn. Jan lên tiếng:


“Em đi thử máu chưa? Nên đi thử đi. Trước khi chết, anh muốn biết rõ mọi chuyện đều tốt đẹp với em.”


Cẩm Nhung nhìn Jan thẫn thờ.


“Chưa. Nhưng chuyện gì đến rồi sẽ đến, muốn tránh cũng chẳng được.”


Jan nhìn Cẩm Nhung một lát, không nói gì. Hắn xoay người nhìn ra ngoài. Mưa nhòe nhọet trên khung cửa kính. Tự nhiên hắn thấy lạnh dù nhiệt độ trong phòng khá nóng. Cẩm Nhung đứng dậy kéo chăn lên tận cổ cho hắn rồi ra về.


Jan nhắm mắt lại. Căn phòng vắng đến lạnh người. Nỗi đau sần sùi hằn trên da thịt. Hắn thấy những bóng người chập chờn, lõa lồ đổ ập về phía trước. Những nụ cười què quặt, nham nhở và trơ trẽn. Âm thanh hỗn độn làm căng các sợi thần kinh của hắn. Thân hình hắn như tuột ra khỏi những mảnh vải rách nát bay lả tả trong không gian. Máu từ những lỗ chân lông ứa ra. Những cái lưỡi thò xuống liếm sạch. Jan vùng dậy với lấy con dao cắt trái cây trên chiếc bàn nhỏ đặt ở đầu giường. Một nhát thật sắc, bộ phận sinh dục của hắn lìa ra khỏi thân thể. Hắn cầm lấy con cu dầm dề máu trong tay, đưa lên trước mặt. Nhìn.


* *
*


Khi tôi vào thăm, vết thương của Jan tương đối đã lành nhưng sức khỏe của hắn càng lúc càng suy sụp. Hắn hỏi “Cẩm Nhung dạo này thế nào? Hơn một tuần nay, tôi chưa thấy cô ấy đến thăm.”
“Tôi không rõ lắm. Lâu nay tôi ít gặp cô ấy”
. Tôi đưa quyển sách Siddhartha (*) cho Jan: “Quyển sách này khá hay, anh đọc chơi cho đỡ buồn.”


Cầm quyển sách trên tay, lật đi lật lại vài trang, nhìn tôi, Jan xúc động “Cảm ơn anh.”


* *
*


Jan sang Thái lan, đến sống trên một ngọn núi sừng sững nhìn xuống ngôi làng thưa dân. Hắn thuê người dựng một mái nhà tranh cạnh một ngôi chùa khá lớn. Nơi đây, khung cảnh trầm lặng. Xung quanh, cỏ mọc xanh mượt. Những hàng cây cổ thụ tỏa đầy bóng mát. Tiếng côn trùng, tiếng chim hót nỉ non cả ngày. Xa xa, những cánh đồng lúa mênh mông. Một hướng khác là biển. Biển xanh thẳm.  Jan vẫn thường viết thư cho tôi và mời tôi đến thăm căn nhà bên cạnh ngôi chùa của hắn.

 

Trong chuyến về quê ăn Tết vừa rồi, tôi tạt qua Thái Lan và đến tìm Jan. Căn nhà hắn trống vắng và lạnh lẽo. Bụi bám đầy trên chiếc bàn kê cạnh cửa sổ. Trên đấy, một tờ giấy trắng có mấy dòng chữ nguệch ngoạc “Sống là một cuộc lên đường. Chết là cái cõi đi về.”  Tôi nhặt tờ giấy, xếp lại bỏ vào túi. Nhà chùa cho biết thêm.

 


“Ông Jan có đời sống rất lạ. Hơn một năm qua, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau nhiều chuyện đạo và đời. Nhưng tôi thật sự không hiểu ông ấy. Ông ấy sống lặng lẽ. Những lúc rảnh rỗi, ông thường ra ngồi hàng giờ bên gốc cây cổ thụ. Trầm ngâm. Suy ngẫm. Ông không phải là thiền sư, nhưng ở Jan, tôi thấy cả một sự bình lặng của một dòng sông, dòng sông chảy ngược về thượng nguồn. Cách đây mấy tháng, một hôm bỗng dưng ông ấy biến mất. Tôi có xuống ngôi làng dưới kia để tìm. Mấy người ở xóm chài cho tôi hay là có một ông Tây gầy nhom đến mua một chiếc thuyền buồm. Và sau đấy, không ai biết ông ấy đi đâu nữa.”


* *
*


Tôi biết. Tôi biết hắn đã thầm lặng ra đi. Không vướng mắc. Năm ngày lênh đênh trên biển. Vài phút thoáng qua. Một đời người. Hắt hiu như ngọn đèn dầu trước gió. Rồi cuối cùng, hắn và con thuyền trôi sâu vào đại dương.


Jan vùng lên khỏi trang bản thảo, phản đối “Không phải. Tôi không chết như thế. Không có kết cuộc như thế.”


Nhưng tôi vẫn tiếp tục gõ những dòng chữ cuối cùng trên computer. Buổi chiều vàng. Những chiếc lá úa ngập tràn trên đường phố không bụi bậm. Tôi biết, hắn đã chết.

Lâm Nhược Trần
Chú thích:

(*) Quyển sách “Siddhartha” của văn hào Hermann Hesse. Bản dịch tiếng Việt “Câu chuyện dòng sông”.

Ý kiến bạn đọc
05 Tháng Hai 20174:55 SA
Khách
Rất cám ơn anh Lam Nhược Trần,hôm naY tình cờ đọc được hai truyện ngắn của anh,lòng cảm thấY buồn vời vợi,Nguyệt muồn xin phép anh share về fb của Nguyệt nhưng không biết anh có đồng ý không?Và Nguyệt muốn hỏi những truyện ngắn của anh đã được in thành sách và xuất bản chưa? Nếu có thể mua và mua bằng cach nào mong anh trả lời Nguyệt qua email <nguyetnguyen222703@gmail.com>
Trân trong.
Thu Nguyệt Nguyễn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 2014)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2535)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
06 Tháng Hai 202410:00 CH(Xem: 1807)
BÊN BỜ AO- Khuyết danh - Trần C. Trí chuyển ngữ
18 Tháng Giêng 20248:59 CH(Xem: 2270)
PHÂN ƯU / Nhận được tin buồn / Cụ Bà : PHẠM THỊ SỰ / Pháp danh Quảng Diệu Nhẫn / Sinh ngày 7 tháng 3 năm 1935 tại Mỹ Thi, Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 12 tháng 01 năm 2024 / (Nhằm ngày 2 tháng 12 năm Quý Mão) / Hưởng thượng thọ 89 tuổi.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 3646)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
04 Tháng Giêng 20249:03 CH(Xem: 2771)
CHIA BUỒN / Nhận được tin trễ / Văn Thi Sĩ / Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn / từ trần vào ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại Nam California / HƯỞNG THỌ 87 TUỔI
03 Tháng Giêng 202412:49 SA(Xem: 3393)
Tháng Giêng nắng vàng thơm ngát Đàn én bay về chao nghiêng Thầm thì…lời ca em hát Lý tơ hồng khúc giao duyên
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2819)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2951)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2563)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.