- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GẤM THƯỢNG HẢI

01 Tháng Mười Một 20155:00 CH(Xem: 36908)
GAM THUONG HAI



LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Nguyễn Nhân Trí với một lối viết kể chuyện điềm đạm và trào phúng, tác giả hé mở cho chúng ta xem câu chuyện cười ra nước mắt...   Mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào thế giới của "Gấm Thượng Hải".

TẠP CHÍ HỢP LƯU




Ông bệnh nặng đã lâu. Mấy hôm trước khi chết, ông dặn dò vợ con làm tang lễ cho ông càng đơn giản càng tốt, khỏi cúng kiến tụng niệm gì cả.


Suốt đời ông đi đám tang của người quen cũng đã nhiều. Ông thấy họ tổ chức rườm rà quá. Năm bảy thầy tăng được mời đến tụng cầu an, cầu siêu, độ vong, sám hối gì đó liên tục hết tốp nầy đến tốp khác. Khách đến thăm lúc nào cũng nghe tiếng tụng kinh xen lẫn với tiếng chuông mõ lóc cóc vang rền. Những khi không tụng kinh thì có giàn nhạc mướn đến trỗi lên inh ỏi từ những bài nhạc Tây xưa rích cho đến bản “Một Cõi Đi Về” của Trịnh Công Sơn (đây là bài mà ông gọi là nhạc đám tang được yêu chuộng nhất trong những năm gần đây). Người ta giải thích với ông, “Có nghe kinh như thế thì vong hồn người chết mới an ổn mà siêu thoát. Và phải có nhạc lễ rình rang thì các vong linh chung quanh mới không cản trở hay quấy phá”.

 

Ông không nghĩ ông cần phải nghe mấy bài kinh ê a đó mới có thể siêu thoát. Ông cũng không thấy mấy ông thầy chùa đó có thần lực gì giúp đỡ được ông sau khi ông nhắm mắt ra đi. Ông không thích nhạc lễ kèn trống um sùm, ông không muốn hàng xóm phải khổ sở lỗ tai họ chỉ vì ông chết. Ông không muốn đám tang của ông có những nghi lễ vừa bực mình vừa vô bổ ích như các đám tang đó.

 

Ông có ba người con: cô con gái lớn, cậu con trai kế, và cô con gái út. Ông biết vợ ông và cô con gái lớn hay thích đi chùa. Có thể ông trở thành không ưa thích thầy chùa lắm từ khi ông bắt gặp vợ ông và cô con gái lớn quỳ mọp xì xụp lạy mấy ông sư trong chùa nhân dịp lễ cúng sao giải hạn gì đó mấy năm trước. Ông cho rằng nếu mình không quỳ lạy cha mẹ đã nuôi nấng đút mớm mình hồi còn nhỏ cực khổ biết bao nhiêu thì tại sao lại đi quỳ lạy mấy người dưng xa lạ đó chỉ vì họ khoác lên người bộ y phục màu vàng. Cậu con trai và cô con gái út giống như ông, chúng cũng không thích đi chùa cúng lạy gì cả. Cũng có lẽ chỉ vì chúng còn nhỏ quá không biết gì. Tuy vậy ông vẫn thường đùa là phe ông mạnh hơn phe vợ ông vì có dân số đông hơn.

 

Đêm trước khi ông chết, vợ ông để ý nghe có tiếng chim trên cây bên hông nhà kêu gù gù mấy tiếng. Bà thì thào với mấy con: “Đây là điềm xấu cho ba con rồi. Người ta nói chim cú đến nhà kêu ba tiếng là trong nhà có người sắp chết”. Cậu con trai nói với mẹ là cậu đã nhiều lần thấy mấy con chim nầy lúc chập choạng tối thường bay về đậu nghỉ trên cây bên nhà chốc lát rồi bay đi mất. Đây không phải là lần đầu tiên. Cậu không biết chúng là chim gì nhưng cậu thấy rõ ràng chúng không phải là chim cú. Với hơn nữa, cậu phân tích, chúng kêu gù gù nhiều tiếng lắm chớ đâu phải chỉ có ba tiếng. Cô con gái lớn quay qua nạt em trai: “Chim nào cũng vậy. Mầy biết cái gì mà nói!?”

 

Vợ ông bảo nhà quàn sửa soạn một đám tang không mang màu sắc tôn giáo nào hết, đúng như lời ông dặn. Thi hài ông được tắm rửa sạch sẻ, mặc một bộ quần áo ông thường dùng hàng ngày lúc còn sống. Họ cũng chuẩn bị sẵn cho ông một quan tài giản dị nhưng trang trọng.

 

Trước khi làm lễ tẩn liệm, thi thể ông vẫn còn nằm trên bộ ván giữa nhà. Có một người quen thân với gia đình đến thăm. Vợ ông quen biết bà nầy lâu ngày rồi vì họ thường gặp nhau khi đi chùa lạy Phật. Bà nói nhỏ với vợ ông và cô con gái lớn rằng xưa nay ông không hay đi chùa chiềng cúng lạy Phật thì bà e rằng vong hồn ông không biết đường siêu thoát và sẽ sa vào cõi u tối. Bà nói bà sẽ giúp đỡ về việc nầy nếu muốn. Vợ ông và cô con gái lớn bằng lòng ngay. Cậu con trai và cô con gái út vì không có kinh nghiệm gì về tang chế đồng thời vì muốn chiều ý mẹ và chị nên cũng không phản đối.

 

Bà bạn gọi một cú điện thoại. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, một thầy tăng đến nhà. Thầy tuổi độ trên dưới năm mươi, đi xe Honda “tay ga” mới toanh. Sau khi nói chuyện với tang gia, Thầy cho biết ông chết nhằm giờ trùng, cần phải cẩn thận nếu không chẳng những ông không bao giờ siêu thoát mà còn kéo theo thân nhân với ông. Vợ ông tái mặt. Bà đã nghe nhiều câu chuyện “chết giờ trùng” rồi. Có những trường hợp, bà nghe kể, tất cả người trong gia đình lần lượt chết theo người chết ban đầu trong vài năm ngắn ngủi. Bà không hiểu “trùng” là trùng cái gì, hay cái gì trùng. Bà chỉ không muốn ông không siêu thoát được mà cứ phải vất vưởng hoài. Nhưng điều quan trọng nhất là bà không muốn chuyện “bị người chết giờ trùng kéo theo” xảy ra cho con cái bà, và nhất là cho bà. Dù sao thì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, bà suy nghĩ và trình bày với Thầy.

 

Thầy bảo bà cứ yên tâm. Thầy hứa sẽ giúp đỡ bằng cách tụng đủ các bộ kinh và trì các bài chú cần thiết cho trường hợp nầy. Thầy kể ra một danh sách khá dài các bộ kinh và các bài chú trên.Thầy giải thích các bài kinh là để ông nghe mà biết đường đi đầu thai, còn các bài chú là để bảo vệ gia đình những người còn sống không bị âm lực nào làm hại được. Vợ ông cảm thấy an lòng vì Thầy có vẻ rất hiểu biết và kinh nghiệm trong chuyện nầy.

 

Tuy vậy Thầy nhìn thi thể ông rồi cho biết thêm là thi hài ông hiện không có trang phục thích hợp. Điều tối cần thiết khi người chết giờ trùng là quần áo liệm phải đúng phép, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

 

Mấy người con nhìn nhau lo lắng và bối rối. Thầy cho biết thầy có mang đồ tẩn liệm cần thiết cho ông nếu họ muốn sử dụng. Thầy nghiêng mắt khẻ về hướng chiếc va-li nhỏ Thầy mang theo để trên chiếc Honda “tay ga” của Thầy.

 

Vợ ông và mấy người con bàn với nhau. Ho đồng ý là nên để Thầy giúp đỡ cho đến nơi đến chốn. Một phần họ lo sợ ba họ sẽ không được siêu thoát. Một phần họ còn lo sợ hơn nữa là việc gia đình sẽ gặp đại nạn. Mấy đứa con nghe vợ ông kể lại những câu chuyện “chết giờ trùng” mà bà đã nghe người khác kể. Hơn nữa, vợ ông nói, dù gì Thầy tu hành lâu năm chắc cũng hiểu biết về vấn đề nầy hơn họ.

 

Dưới sự chỉ huy của Thầy, nhân viên nhà quàn lấy xác ông lột quần áo đang mặc cho ông ra để thay vào bằng bộ đồ vải nâu mà thầy đem lại. Sau khi đặt ông vào quan tài, Thầy đưa thêm ra một tấm gấm đỏ có vẽ nhiều dòng chữ ngoằn ngoèo màu đen dọc theo bốn mép để đắp lên người ông. Thầy dặn phải đắp lên kín hết chung quanh không được để phần nào của thi thể ông lòi ra hết. Trước khi đóng nắp quan tài lại, Thầy dán thêm lên trên tấm gấm đỏ một lá bùa màu vàng có chứa các bút tự bí hiểm. Rồi thầy còn cầm một cây nhang “khoán” vòng trên mỗi cây đinh rất cẩn thận. Thầy nói Thầy đã ếm kỹ rồi, ông không thể nào thoát ra khỏi quan tài nầy để về kéo ai trong gia đình đi theo ông cả.

 

Khi nghe Thầy nói vậy, cô con gái út hỏi vợ ông: “Ủa nếu như vậy thì ba bị nhốt trong hòm đó mãi mãi sao mẹ? Như vậy thì làm sao ba siêu thoát đi đâu được? Như vậy thì tội nghiệp ba quá!” Vợ ông trả lời có phần hơi gắt: “Không sao đâu. Ai cũng làm như vậy cả. Chết giờ trùng mà. Thầy làm cái nầy cho biết bao nhiêu nhà rồi. Không sao đâu”. Cô con gái út không hỏi gì thêm nữa.

 

Sau đám ma, vợ ông và mấy người con “tạ lễ” Thầy với một phong bì dầy để đền công Thầy đã bỏ nhiều thời gian ra giúp đỡ họ. Cầm phong bì trong tay, sau khi nhìn sơ qua bên trong nó chứa gì, Thầy nhẹ nhàng nhắc về quần áo và vật liệu tẩn liệm Thầy đã mang đến. Thầy nói “gấm Thượng Hải cao cấp, đồ nhập hẳn hòi, tự tay thầy gia ấn nên rất linh thiêng”.

 

Vợ ông và mấy người con nhìn nhau. Dù gì thì Thầy cũng đã hết lòng giúp đỡ họ. Họ hiểu vì Thầy là bậc tu hành thì Thầy đâu thể nào mở miệng ra nói chuyện về giá cả tiền bạc được. Họ không muốn Thầy nghĩ là họ là hạng người vô ơn hay vô lễ. Họ vào trong rồi trở ra đưa cho Thầy thêm một phong bì nữa, dầy hơn phong bì thứ nhất.

Lúc đó trời vừa chập choạng tối. Bên hông nhà chợt có con chim gì đó kêu gù gù mấy tiếng.

NGUYỄN NHÂN TRÍ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 20236:34 SA(Xem: 4383)
“…câu chuyện giáo sĩ Alexandre de Rhodes là câu chuyện cũ đã hơn 300 năm trước. Ông không sáng chế ra chuyện đánh vần tiếng Việt ra mẫu tự Bồ. Tôi nghĩ ông là một giáo sĩ tận tụy với nghiệp vụ truyền giáo, chỉ có điều kiến thức quá giới hạn của ông về văn hóa tôn giáo và con người Việt Nam làm tôi bực mình, và thèm khát một ngày mà những bất cập như vậy không còn sót lại nơi một giáo sĩ dù với đức tin nào. Tuy nhiên, phê phán nặng nề một giáo sĩ 300 năm trước là điều không nên, khi mà các giáo sĩ nói chung bấy giờ một phần vì giới hạn kiến thức, không có truyền thống kính trọng văn hóa địa phương. Nhưng ta tự nguyện tự lãnh một cái ơn tày đình với những giáo sĩ như De Rhodes cũng là chuyện không căn cứ. Có lẽ thỉnh thỏang ta nên đọc lại Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để có một viễn cận phải chăng với câu chuyện.” (Mai Kim Ngọc).
03 Tháng Mười Một 20235:00 CH(Xem: 5349)
Đứng dưới núi tôi nhìn lên núi / Núi trên kia núi rộng bao la / Vất vả lắm tôi leo lên đỉnh núi / Núi dưới kia sao chẳng giống quê nhà
03 Tháng Mười Một 20234:47 CH(Xem: 4698)
Em ăn rau tôi ăn thịt / Mà xương xóc đã phồn vinh / Chúng bảo yêu là giả tạo / Ừ thôi cái nắng xập xình
01 Tháng Mười Một 20231:28 SA(Xem: 6265)
Liêu xiêu lối nhỏ mưa dầm / Vai gầy Mẹ gánh tảo tần vì con / Gánh đời vất vả héo hon / Rảo chân Mẹ khắp lối mòn bể dâu
01 Tháng Mười Một 202312:55 SA(Xem: 4246)
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook – “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết nghĩ là điều rất cần thiết.
24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 5265)
Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi... / -Cô tìm tôi? /-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé. / Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi.
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 5290)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20235:59 CH(Xem: 5096)
Em có buồn khi phải chia tay / Làm sao quên được phút giây này / Ngày mai tôi chết ai còn nhớ / Mộng đã không thành mây vẫn bay
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 4108)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:51 CH(Xem: 5105)
sáng mùa đông ta đi tản bộ / cỏ cây còn đẫm lạnh hơi sương / ta đi mà vẫn chưa về đến / đất cũ quê nhà chốn cố hương