- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GẤM THƯỢNG HẢI

01 Tháng Mười Một 20155:00 CH(Xem: 36932)
GAM THUONG HAI



LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Nguyễn Nhân Trí với một lối viết kể chuyện điềm đạm và trào phúng, tác giả hé mở cho chúng ta xem câu chuyện cười ra nước mắt...   Mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào thế giới của "Gấm Thượng Hải".

TẠP CHÍ HỢP LƯU




Ông bệnh nặng đã lâu. Mấy hôm trước khi chết, ông dặn dò vợ con làm tang lễ cho ông càng đơn giản càng tốt, khỏi cúng kiến tụng niệm gì cả.


Suốt đời ông đi đám tang của người quen cũng đã nhiều. Ông thấy họ tổ chức rườm rà quá. Năm bảy thầy tăng được mời đến tụng cầu an, cầu siêu, độ vong, sám hối gì đó liên tục hết tốp nầy đến tốp khác. Khách đến thăm lúc nào cũng nghe tiếng tụng kinh xen lẫn với tiếng chuông mõ lóc cóc vang rền. Những khi không tụng kinh thì có giàn nhạc mướn đến trỗi lên inh ỏi từ những bài nhạc Tây xưa rích cho đến bản “Một Cõi Đi Về” của Trịnh Công Sơn (đây là bài mà ông gọi là nhạc đám tang được yêu chuộng nhất trong những năm gần đây). Người ta giải thích với ông, “Có nghe kinh như thế thì vong hồn người chết mới an ổn mà siêu thoát. Và phải có nhạc lễ rình rang thì các vong linh chung quanh mới không cản trở hay quấy phá”.

 

Ông không nghĩ ông cần phải nghe mấy bài kinh ê a đó mới có thể siêu thoát. Ông cũng không thấy mấy ông thầy chùa đó có thần lực gì giúp đỡ được ông sau khi ông nhắm mắt ra đi. Ông không thích nhạc lễ kèn trống um sùm, ông không muốn hàng xóm phải khổ sở lỗ tai họ chỉ vì ông chết. Ông không muốn đám tang của ông có những nghi lễ vừa bực mình vừa vô bổ ích như các đám tang đó.

 

Ông có ba người con: cô con gái lớn, cậu con trai kế, và cô con gái út. Ông biết vợ ông và cô con gái lớn hay thích đi chùa. Có thể ông trở thành không ưa thích thầy chùa lắm từ khi ông bắt gặp vợ ông và cô con gái lớn quỳ mọp xì xụp lạy mấy ông sư trong chùa nhân dịp lễ cúng sao giải hạn gì đó mấy năm trước. Ông cho rằng nếu mình không quỳ lạy cha mẹ đã nuôi nấng đút mớm mình hồi còn nhỏ cực khổ biết bao nhiêu thì tại sao lại đi quỳ lạy mấy người dưng xa lạ đó chỉ vì họ khoác lên người bộ y phục màu vàng. Cậu con trai và cô con gái út giống như ông, chúng cũng không thích đi chùa cúng lạy gì cả. Cũng có lẽ chỉ vì chúng còn nhỏ quá không biết gì. Tuy vậy ông vẫn thường đùa là phe ông mạnh hơn phe vợ ông vì có dân số đông hơn.

 

Đêm trước khi ông chết, vợ ông để ý nghe có tiếng chim trên cây bên hông nhà kêu gù gù mấy tiếng. Bà thì thào với mấy con: “Đây là điềm xấu cho ba con rồi. Người ta nói chim cú đến nhà kêu ba tiếng là trong nhà có người sắp chết”. Cậu con trai nói với mẹ là cậu đã nhiều lần thấy mấy con chim nầy lúc chập choạng tối thường bay về đậu nghỉ trên cây bên nhà chốc lát rồi bay đi mất. Đây không phải là lần đầu tiên. Cậu không biết chúng là chim gì nhưng cậu thấy rõ ràng chúng không phải là chim cú. Với hơn nữa, cậu phân tích, chúng kêu gù gù nhiều tiếng lắm chớ đâu phải chỉ có ba tiếng. Cô con gái lớn quay qua nạt em trai: “Chim nào cũng vậy. Mầy biết cái gì mà nói!?”

 

Vợ ông bảo nhà quàn sửa soạn một đám tang không mang màu sắc tôn giáo nào hết, đúng như lời ông dặn. Thi hài ông được tắm rửa sạch sẻ, mặc một bộ quần áo ông thường dùng hàng ngày lúc còn sống. Họ cũng chuẩn bị sẵn cho ông một quan tài giản dị nhưng trang trọng.

 

Trước khi làm lễ tẩn liệm, thi thể ông vẫn còn nằm trên bộ ván giữa nhà. Có một người quen thân với gia đình đến thăm. Vợ ông quen biết bà nầy lâu ngày rồi vì họ thường gặp nhau khi đi chùa lạy Phật. Bà nói nhỏ với vợ ông và cô con gái lớn rằng xưa nay ông không hay đi chùa chiềng cúng lạy Phật thì bà e rằng vong hồn ông không biết đường siêu thoát và sẽ sa vào cõi u tối. Bà nói bà sẽ giúp đỡ về việc nầy nếu muốn. Vợ ông và cô con gái lớn bằng lòng ngay. Cậu con trai và cô con gái út vì không có kinh nghiệm gì về tang chế đồng thời vì muốn chiều ý mẹ và chị nên cũng không phản đối.

 

Bà bạn gọi một cú điện thoại. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, một thầy tăng đến nhà. Thầy tuổi độ trên dưới năm mươi, đi xe Honda “tay ga” mới toanh. Sau khi nói chuyện với tang gia, Thầy cho biết ông chết nhằm giờ trùng, cần phải cẩn thận nếu không chẳng những ông không bao giờ siêu thoát mà còn kéo theo thân nhân với ông. Vợ ông tái mặt. Bà đã nghe nhiều câu chuyện “chết giờ trùng” rồi. Có những trường hợp, bà nghe kể, tất cả người trong gia đình lần lượt chết theo người chết ban đầu trong vài năm ngắn ngủi. Bà không hiểu “trùng” là trùng cái gì, hay cái gì trùng. Bà chỉ không muốn ông không siêu thoát được mà cứ phải vất vưởng hoài. Nhưng điều quan trọng nhất là bà không muốn chuyện “bị người chết giờ trùng kéo theo” xảy ra cho con cái bà, và nhất là cho bà. Dù sao thì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, bà suy nghĩ và trình bày với Thầy.

 

Thầy bảo bà cứ yên tâm. Thầy hứa sẽ giúp đỡ bằng cách tụng đủ các bộ kinh và trì các bài chú cần thiết cho trường hợp nầy. Thầy kể ra một danh sách khá dài các bộ kinh và các bài chú trên.Thầy giải thích các bài kinh là để ông nghe mà biết đường đi đầu thai, còn các bài chú là để bảo vệ gia đình những người còn sống không bị âm lực nào làm hại được. Vợ ông cảm thấy an lòng vì Thầy có vẻ rất hiểu biết và kinh nghiệm trong chuyện nầy.

 

Tuy vậy Thầy nhìn thi thể ông rồi cho biết thêm là thi hài ông hiện không có trang phục thích hợp. Điều tối cần thiết khi người chết giờ trùng là quần áo liệm phải đúng phép, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

 

Mấy người con nhìn nhau lo lắng và bối rối. Thầy cho biết thầy có mang đồ tẩn liệm cần thiết cho ông nếu họ muốn sử dụng. Thầy nghiêng mắt khẻ về hướng chiếc va-li nhỏ Thầy mang theo để trên chiếc Honda “tay ga” của Thầy.

 

Vợ ông và mấy người con bàn với nhau. Ho đồng ý là nên để Thầy giúp đỡ cho đến nơi đến chốn. Một phần họ lo sợ ba họ sẽ không được siêu thoát. Một phần họ còn lo sợ hơn nữa là việc gia đình sẽ gặp đại nạn. Mấy đứa con nghe vợ ông kể lại những câu chuyện “chết giờ trùng” mà bà đã nghe người khác kể. Hơn nữa, vợ ông nói, dù gì Thầy tu hành lâu năm chắc cũng hiểu biết về vấn đề nầy hơn họ.

 

Dưới sự chỉ huy của Thầy, nhân viên nhà quàn lấy xác ông lột quần áo đang mặc cho ông ra để thay vào bằng bộ đồ vải nâu mà thầy đem lại. Sau khi đặt ông vào quan tài, Thầy đưa thêm ra một tấm gấm đỏ có vẽ nhiều dòng chữ ngoằn ngoèo màu đen dọc theo bốn mép để đắp lên người ông. Thầy dặn phải đắp lên kín hết chung quanh không được để phần nào của thi thể ông lòi ra hết. Trước khi đóng nắp quan tài lại, Thầy dán thêm lên trên tấm gấm đỏ một lá bùa màu vàng có chứa các bút tự bí hiểm. Rồi thầy còn cầm một cây nhang “khoán” vòng trên mỗi cây đinh rất cẩn thận. Thầy nói Thầy đã ếm kỹ rồi, ông không thể nào thoát ra khỏi quan tài nầy để về kéo ai trong gia đình đi theo ông cả.

 

Khi nghe Thầy nói vậy, cô con gái út hỏi vợ ông: “Ủa nếu như vậy thì ba bị nhốt trong hòm đó mãi mãi sao mẹ? Như vậy thì làm sao ba siêu thoát đi đâu được? Như vậy thì tội nghiệp ba quá!” Vợ ông trả lời có phần hơi gắt: “Không sao đâu. Ai cũng làm như vậy cả. Chết giờ trùng mà. Thầy làm cái nầy cho biết bao nhiêu nhà rồi. Không sao đâu”. Cô con gái út không hỏi gì thêm nữa.

 

Sau đám ma, vợ ông và mấy người con “tạ lễ” Thầy với một phong bì dầy để đền công Thầy đã bỏ nhiều thời gian ra giúp đỡ họ. Cầm phong bì trong tay, sau khi nhìn sơ qua bên trong nó chứa gì, Thầy nhẹ nhàng nhắc về quần áo và vật liệu tẩn liệm Thầy đã mang đến. Thầy nói “gấm Thượng Hải cao cấp, đồ nhập hẳn hòi, tự tay thầy gia ấn nên rất linh thiêng”.

 

Vợ ông và mấy người con nhìn nhau. Dù gì thì Thầy cũng đã hết lòng giúp đỡ họ. Họ hiểu vì Thầy là bậc tu hành thì Thầy đâu thể nào mở miệng ra nói chuyện về giá cả tiền bạc được. Họ không muốn Thầy nghĩ là họ là hạng người vô ơn hay vô lễ. Họ vào trong rồi trở ra đưa cho Thầy thêm một phong bì nữa, dầy hơn phong bì thứ nhất.

Lúc đó trời vừa chập choạng tối. Bên hông nhà chợt có con chim gì đó kêu gù gù mấy tiếng.

NGUYỄN NHÂN TRÍ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Tư 202411:02 SA(Xem: 1224)
- “Chiều nay chị nhớ về thăm mẹ, chị vắng năm mười ngày lại nhắc. Hổm rày, cứ mỗi chiều là mẹ ra đứng ngõ sau, dáng như chờ đợi ai!”. Chị em cô Hai tình cờ gặp nhau trên bến sông, lúc cô đang bưng rổ cá từ thuyền lên bờ. Thoáng nghe em trai nhắc nhở về mẹ, tay cô trĩu nặng và lòng nhói lên nỗi niềm sâu kín, lặng nhìn một hồi lâu về bên kia sông, nơi có tuổi thơ cô và với bao người sướng vui buồn khổ đến rồi lại đi như dòng nước lớn ròng của dòng sông quê mẹ. Càng có tuổi người ta có nhiều hồi ức về thời xa xưa, có khi sống với nó hàng giờ như kẻ mộng du.
14 Tháng Tư 20249:53 SA(Xem: 1441)
Tôi vẫn nghĩ vợ chồng sống được với nhau cả một đời thì thương nhau phải biết. Tôi không có được cái may mắn này nhưng tôi thích ngắm những cặp đôi người già bên nhau ở tuổi xế chiều. Tôi trân trọng những đôi vợ chồng thương yêu kề cận suốt cuộc đời. Nhớ lời của bài hát hồi xưa tôi hay nghe: "Nhiều năm trời chẳng thương tình, để em làm kẻ đa tình". Phụ nữ khi ly hôn chồng thi thường có nhiều người khác phái để ý nhưng tôi không hề làm kẻ đa tình yêu đương vớ vẩn đâu nhé, tôi biết chắc rằng tôi là người chung thủy nếu tôi gặp đúng một người thương.
10 Tháng Tư 20248:36 SA(Xem: 1629)
Buổi tối, Ngạc trở về sau bữa tiệc sinh nhật của người bạn. Ngạc nghĩ tới cô gái Mỹ tóc bạch kim, được tụi Ngạc hùn tiền mướn về để "surprise" Eric. Ngạc nhớ đôi mắt Eric bừng lên ngạc nhiên, cùng dáng điệu lính quýnh khi người con gái gì đầu hắn xuống vùng ngực lồ lộ như hỏa diệm sơn. Cặp chân dài của cô xoắn vào người Eric, bốc lửa. Dư âm của tiếng cười nói, của những nhịp pháo tay rập rình theo theo điệu vũ uốn éo của cô gái khỏa thân vẫn còn theo Ngạc trên đường về.
08 Tháng Tư 20248:51 CH(Xem: 1795)
Từ phòng ngủ của Tư-Lệnh bước ra, Y-Sĩ Thiếu-Tá Đàm-Quang-Hiển xúc động, nghẹn ngào : “Thiếu-Tướng… đi rồi!” … Các Sĩ-Quan hiện diện, không cầm được nước mắt, kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt chủ tướng. Bác-sĩ Đàm-Quang-Hiển, hiện định cư tại Mỹ, bang Minesota, nguyên là y sĩ trưởng Sư-Đoàn 5 Bộ Binh, kiêm Tiểu-Đoàn-Trưởng Tiểu-Đoàn 5 Quân-Y. Vào trưa ngày 30 tháng 4 năm ấy, ông được gọi lên, với hy vọng cấp cứu Chuẩn-Tướng Tư-Lệnh vừa dùng súng tự sát... Bác sĩ Hiển khám nghiệm, bắt mạch….Nhưng không kịp ! Người đã “đi” rồi! Ôi ! Thực buồn làm sao!
04 Tháng Tư 202410:16 CH(Xem: 1877)
PHÂN ƯU / Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo / VIÊN LINH / tên thật là Nguyễn Nam Tạ thế ngày 28 tháng 3, 2024 tại Annandale, VA, Hoa Kỳ / Hưởng Thọ 86 tuổi
03 Tháng Tư 20248:43 CH(Xem: 2903)
Nhận được tin buồn / Cụ Bà : TRẦN THỊ NGÃI / Pháp danh:QUẢNG NIỆM / Sinh ngày 10 tháng 5 năm 1929 tại Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 25 tháng 03 năm 2024 / (Nhằm ngày 16 tháng 02 năm Gíap Thìn) / Tại San Jose, California, Hoa Kỳ Hưởng thượng thọ 95 tuổi.
03 Tháng Tư 20247:59 CH(Xem: 695)
Bà Trần Thị Ngãi, Pháp Danh Quảng Niệm, Sinh ngày 10 tháng 5, năm 1929 tại Đà Nẵng Đã từ trần ngày 25 tháng 3 năm 2024 tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Hưởng Thọ 95 tuổi
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 2293)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 3852)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 3014)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau