- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

LẤY CHỒNG ĐI MỸ

14 Tháng Tám 20151:33 SA(Xem: 34735)

TRUA NONG - tranh Ho Anh
Trưa Nóng- Tranh Hồ Anh




Chiếc xe buýt chậm chạp bò ngược chiều dốc suốt khúc đường Grand Ave lên đến góc State Ave. Tuyết rơi nặng hột từ chiều qua, trút hàng ngàn tấn bông tuyết xuống khu phố nằm co ro dưới bầu trời xám ngắt. Tiếng bánh xe kéo rít chuẩn bị đỗ thắng. Người phụ nữ ngồi hàng ghế thứ hai lật đật đứng dậy. Xe vẫn còn lăn bánh, tài xế đạp mạnh vào bàn thắng khiến người thị chúi nhũi về phía trước. Một tay kéo lê chiếc giỏ xách to kềnh, tay còn lại thị xô người đàn bà trước mặt dạt sang một bên, xồng xộc lấn tấm thân mập xệ tới phía trước, thản nhiên bước xuống xe.

Một ngày như mọi ngày của thị bắt đầu như thế. Chiếc xe buýt tiếp tục lăn bánh nhả cuộn khói đen khét lẹt vào mặt thị. Cơn gió tiếp tục ném vào xương tủy cái rét cắt da cắt thịt. Tiếp tục kéo lê cặp đùi nung núc, băng qua ba khúc đường lạnh cóng mới đến căn phố nơi thị làm việc sáu ngày một tuần. Khó có thể tưởng tượng nỗi khu phố lập xập, cũ kỹ chôn sâu dưới đám tuyết nhơ nhớp này một thời từng là nơi lui tới mua sắm của giới trung lưu trong thành phố.

Từ ngày thị đến đây làm việc, chỉ thấy đám cần lao ra vào. Khách đến làm móng ngoài một số khách quen to mặt người Việt thì toàn những bà Mỹ đen to xù, da đen khè cháy khét, chân vấy tay bẩn. Đám còn lại là những người khách trung đông mạt rệp luôn khiến cánh mũi thị phập phồng đánh hơi ra mùi hôi nách tởm lợm dù họ chưa vào đến cửa. Thỉnh thoảng có vài khuôn mặt Mỹ trắng nhỏ thón gốc Do Thái trông tươm tất, lịch sự, lại là đám khách thị khinh miệt ra mặt vì số tiền vụt-poa keo kiệt hệt tướng người khẳng khiu và khuôn mặt teo tóp của bọn họ.

Mới đó thị đã dày dặn hơn 10 năm trong nghề làm đẹp, cụ thể là nghề khưi chân quẹt móng thiên hạ. Thứ nghề làm dày túi cho đám chị em mới từ Việt Nam sang vừa muốn kiếm tiền nhanh, vừa tha hồ ngồi lê đôi mách chuyện ông sư bà vãi. Ở cái tiệm bà xó này, đố ai vào tiệm mà không ghé tai kể cho thị bí mật cuộc đời, nỗi oan của ông hàng xóm, xì-căng-đan của bà chị dâu, cô bồ nhí đú đởn của chồng, đứa con gái chửa hoang... Không chỉ chuyện người, mà khách vào tay thị sẵn sàng cởi lòng cởi dạ trút mọi tâm tư tình sử riêng tư, hệt như tên đàn ông nhẹ dạ sẵn sàng cởi quần trước cô gái nhà nghề.

Xuất thân từ gia đình con buôn ở miền Trung, thị là người lanh lẹ, chụp giựt, lại có bản chất siêng năng, cần mẫn. Kiếm tiền là lý tưởng sống chết muôn đời. Sáng tơ mơ trời còn tối căm, thị là người đầu tiên đút chìa khóa vào mở cửa tiệm. Thị cũng là người cuối cùng kiểm tra trong ngoài khóa cửa mỗi ngày.  Bà chủ tiệm chị họ cùng đám thợ tà tà khoảng sau 10 giờ mới kéo nhau đến. Vào những hôm bão tuyết như hôm nay, phân nửa bọn họ lười biếng nằm nhà dù biết thứ Sáu tiệm sẽ đông nghẹt mớ khách se sua sửa soạn đi chơi sòng bài cuối tuần. Bọn họ biếng nhát như thế đương nhiên hai phần ba khách sộp trong tiệm là khách VIP của riêng thị. 

Đồng hồ điểm 11 giờ sáng, như mỗi thứ Sáu thường lệ, người khách sộp nhất của thị đẩy cửa bước vào. Bà trạc tuổi chủ tiệm, hơn thị chừng chục tuổi nhưng trông trẻ trung, dáng vóc đầy đặn. Chiếc áo lông trắng toát dày dặn phủ dài ôm gọn tấm thân nõn nà, khêu gợi. Chiếc cổ bà trắng trẻo, tròn trịa, rủng rỉnh những vòng dây chuyền sáng láng. Tay Bà lủng lẳng chiếc ví LV đỏ mới nhất khiến cả đám đàn bà trong tiệm rỏ dãi thèm thuồng. Bà đến thẳng ghế của thị, cởi dày vắt áo, duỗi chân nằm dài xuống chiếc ghế xoa bóp được thị chu đáo sưởi ấm nệm và nước ấm ngâm chân. Nhìn bà khách xòe bàn tay búp măng tròn trịa trắng hếu trêu ngươi, thị không khỏi liếc nhìn bàn tay gân guốc của mình, cái cảm giác ghen tức ứa lên tận cổ.

Hồi còn ở quê xưa, thị cũng xinh xắn nõn nà khiến mấy ông già thèm rỏ dãi. Mang tiếng lấy chồng có cái mát Việt Kiều gia thế, sang đến nơi mới vở lẽ gả ta chỉ giàu mỗi mớ chữ vô dụng, uổng công thị mưu toan tính toán lấy chồng đi Mỹ. Bỏ làng bỏ xóm theo gả sang đây sinh con đẻ cái, thị làm việc đầu tắt mặt tối. Làm quần quật bao nhiêu cũng không đủ ăn thua với thiên hạ. Cái hạng như bà khách đồng hương này hồi cùng quê còn lâu thị mới thèm để mắt tới, vậy mà bây giờ là bà chủ, là vợ của một tay anh chị điều khiển mấy cái hộp đêm. Nhưng nghe đâu nghề chính là nghề cho vay lấy lãi, của cải mỗi ngày mỗi thừa thãi. Người ta trông xa nhìn rộng dám làm dám hưởng, chẳng như chồng thị tỏn mỏn bám vào đồng lương công chức quèn, có chút sức lực nào xài nhẵn vào những trang sách vô bổ. Nghĩ đến gả chồng vô dụng khiến mình thua thiệt thiên hạ, cái cục tủi thân, uất ức lại trồi lên tận cổ.

Bất chợt, thị nghe bà khách tằng hắng giọng: “Ái dà, nhẹ tay chút!” Thị vội vàng nuốt xuống cục nghẹn, rồi tự nhiên để cho những giọt nước mắt cá sấu lả chả lăn dài xuống cặp má phệ. Bà khách dịu giọng: “Sao rồi? Thằng chả lại sinh chuyện nữa hả?” Thị nghe chính mình sụt sùi bịa chuyện: “Đêm hôm thằng chả đi nhậu về say xỉn nghe lời bà già đâm thọt chửi mắng đánh đập, lại còn hăm sẽ làm giấy tờ ly dị.” Bà khách trợn mắt: “Trời. Bỏ mẹ nó đi chứ, “dzu”ngon dzậy mắc gì mà sợ nó ly dị ... đàn bà ở xứ Mỹ này ai cũng được cưng như trứng, hứng như hoa, lấy-đì-phớc mà...

Lời bà khách lọt vào lỗ tai khơi lên nỗi căm tức đã từ lâu âm ỉ. Ừ nhỉ. Quý hóa gì thứ đàn ông nhà quê cù lần này. Gả quả là tệ hại. Ngoài mỗi việc cho thị cái thẻ xanh vào Mỹ, gả chưa một lần biết tặng vợ thứ gì quý hóa. Cũng chả một lần tỏ thái độ biết ơn Thị ban cho gả hai thằng con trai nối dòng nối dõi, cái dòng dõi vô danh ba đời nhà gả không tương không xứng với dòng dõi gia đình con buôn khét tiếng nhà Thị.  Chớp cặp mắt đỏ hoe nhìn bà khách sang trọng thị hạ nhỏ giọng: “Chị Hai nói đúng quá. Ngày mai cuối tuần cho em theo chị Hai xuống sòng bài xả xì-tréc nghen. Bà khách vồn vã: Dĩ nhiên rồi, đàn em của chị Hai sẽ tếch-ke-rrrrờ h’ớ-nì...”

*

Sòng bài “Ho-Sù” quả là một thế giới vượt ngoài sức tưởng tượng của thị, cô gái nhà quê cả đời chỉ sống trong hóc bà-tó của căn nhà lát gạch hoa luôn ngỡ mình phú quý.  Ngoài người chồng xa lạ đã từ lâu chẳng để mắt gì đến thị, người thân duy nhất là ông già ruột vượt biên sang Mỹ có bà vợ mới chẳng quan tâm gì đến con gái. Mấy ông anh bà chị họ là những tay anh chị giàu có thường chờ dịp lên mặt dạy đời. Cũng nhờ thị nhanh nhẹn, tháo vát và chịu khó, họ mau chóng nhận ra giá trị lợi dụng nên tin tưởng giao tiệm nail cho thị. Từ đó thị chăm chỉ làm lụng kiếm tiền, cái bản năng “ăn thua đủ” thừa kế từ bà mẹ chợ búa giúp thị biết kiếm chác không chịu thua thiệt. Tiền bạc dành dụm, thị bắt chước đàn anh chị cho vay lấy lãi. Dựa vào đám anh chị họ khét tiếng, thị bòn vét, bóc lột người đồng hương cùng quẫn nên rủng rỉnh túi. Lần đầu tiên khi gả chồng nghe thị hù dọa đòi tiền con nợ, gả sửng sốt đến bủn rủn. Cũng từ hôm đó, thị khinh gả ra mặt.  Đàn ông không có chí hướng làm giàu đã tệ, lại còn nhát gan không dám thừa nước đục thả câu, có mà nghèo rớt mồng tơi.

Hôm nay, xỏ đôi giày gót nhọn bước trên tấm thảm nhung đỏ, dưới ánh đèn pha-lê sáng chói thị nghe lòng mình rạo rực. Xung quanh thị là những người khách đánh bài quần áo là lượt sang trọng, đâu đâu cũng đầy tiếng nói tiếng cười, khung cảnh rộn ràng như trẩy hội. Lần đầu tiên thị ngừng trách móc gả chồng mạt rệp đã đem thị sang xứ sở khỉ gió này. Cuối cùng thị đã đích thực ở Mỹ. Nước Mỹ. Nước Mỹ đây rồi. Nước Mỹ lung linh ánh đèn màu. Nước Mỹ  rộn ràng tiếng máy kéo đánh bài. Nước Mỹ trải thảm nhung đỏ. Nước Mỹ bên ngoài căn nhà tẻ nhạt nơi gả chồng lù đù dúi mũi vào những trang sách không đẻ ra tiền. Nước Mỹ ở đây đàn ông tóc xịt keo láng cóng xức nước hoa thơm phức. Hai cánh mũi hểnh của thị nở to ra sức hít hà đánh hơi mùi đàn ông có tiền, mắt thị dán chặt vào những cô vũ nữ xinh xắn chân dài, tưởng tượng ra hình ảnh của chính mình xa hoa lộng lẫy trong chiếc áo đầm nhung đỏ, bên cạnh người đàn ông cao to trong bộ vét-tông đen lịch lãm.

Trong cơn hưng phấn thị thấy mình lột xác bước ra khỏi hình ảnh cô gái nhà quê xóm chợ. Tự tin trong đôi giày cao váy ngắn, thị đưa tay cởi hàng nút áo phía trên để lộ làn da trắng hếu căng phồng dưới chiếc áo mỏng ôm sát ngực. Ngay lập tức, thị cảm giác có làn hơi ấm ai đó phà trên bộ ngực trần.  “Cưng. Chị Hai biểu anh sang tếch-ke-rrrờ cưng nè. Mình đi đánh bài. Có đàn anh bảo kê không thằng nào dám rrrrờ... túi... cưng đâu.” Thị ngẩng đầu nhìn lên, người đàn ông trông bảnh bao lực lưỡng trong chiếc áo T-shirt đen ôm sát người.  Hắn đá lông nheo, vừa nhếch mép cười vừa kéo mạnh tay Thị: “Đi... em cưng...”. Thị thấy mình bất chợt ngả sát vào lồng ngực vạm vỡ của hắn, vòng eo thị nằm gọn trong cánh tay hắn cuồn cuộn.
 

Đêm hôm ấy, thị ở lại sòng bài không về nhà. Thời gian qua cái vèo trong khi thị mê mẩn đắm chìm trong chốn xa hoa hào nhoáng. Hơn nửa đêm, tiếng điện thoại reng, thị dằn giọng: “Có chuyện gì chớ?” Đầu giây bên kia, giọng bà mẹ chồng đanh đá: “Mày đang ở đâu. Đàn bà con gái đi đâu nửa đêm chưa về nhà...” Lẹ tay bấm nút tắt máy, thị tủm tỉm cười nghĩ đến cảnh bà già chồng đang lên ruột. Từ ngày gả chồng cù lần rước bà già nhà quê sang ở chung trong nhà, cái gia đình đó đã không còn là gia đình của thị. Mẹ con gả một sàng, là cái gai cục sạn cần phải gàn lọc. Giục điện thoại cầm tay vào túi xách, thị ngồi xuống bàn tựa sát mình vào gả đàn anh đang xòe bài. Thả cây bài xì dách xuống, hắn nắm chặt bàn tay thị đưa lên môi hun chùn chụt: “Em cưng đúng là nàng tiên số đỏ của anh!” Hắn nói xong nổi hứng đẩy sang thị một cọc tiền chip mới thắng, ra dấu cho người chia bài chia thêm tay bài cho thị.  Thị lắc đầu nguây nguẩy: “Em hỏng biết đánh...” Hắn đặt bàn tay nóng ấm lên đùi thị: “Em cưng cứ theo anh thì đời sẽ lên hương...” Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, lần đầu tiên đánh bài, thị và hắn đặt đâu thắng đó. Đêm càng khuya thị càng cao hứng, càng say sưa hoang lạc, chả còn nhớ gì đến những quan hệ hiện tại trong đời sống. Khi trời hừng sáng, thức giấc bởi tin nhắn thằng con trai gởi tìm mẹ, thị thấy lòng mình thờ ơ không mảy quan tâm.  Đảo mắt nhìn quanh căn phòng khách sạn nửa sáng nửa tối, mắt thị dừng lại dán chặt vào thân thể cường tráng của người đàn ông nằm trần truồng bên cạnh, cảm giác luồng điện lại rần rần trong huyết quản.

*

Nửa đêm hôm sau khi về đến nhà, thị đụng phải gả chồng ngồi uống rượu giữa nhà mặt đỏ như gấc. Thấy thị bước vào, gả chẳng nói chẳng rằng, chỉ tiếp tục tu thốc chai rượu đã cạn đáy. Cặp mắt bất thần, gả nhìn thị như nhìn vào không khí. Bà mẹ chồng hung hăng từ trên lầu đi xuống: “Mày đi đâu đêm hôm? Thằng Cu chờ cả đêm không chịu ngủ. Mày không biết nể mặt chồng, chả lẽ cũng chẳng biết thương con...” Không buồn giải thích, thị xẳng giọng: “Làm ơn xê ra! Không thì đừng có trách đàng này...”  Bà già không chịu thua: “Không thì làm sao, mày dám làm thứ gì ngoài mỗi việc ăn hiếp thằng chồng nhu nhược...” Vừa nói bà vừa nhìn sang thằng con trai ngồi yên như trời trồng. Khuôn mặt vô cảm bất động của nó chuyển sang trắng bệch, hệt như vẻ mặt ngày nó nhìn ông Tư bị trúng đạn vào thái dương. Thằng bé mồ côi cha khi chưa tròn bốn tuổi. Lòng bà bỗng dưng chùng xuống, bà lẳng lặng quay ngược bước bỏ lên lầu. Thị không tha ném theo tràng cười đắc thắng: “Đúng là mẹ nào con nấy. Chỉ một lũ hèn.” Quay hướng  nhìn gả chồng với bộ mặt đắc ý, thị đột nhiên cảm thấy mặt mình nóng rang, tai lùng bùng, mắt nổi đom đóm. Thị lảo đảo ngả vật xuống đầu đụng vào mép bàn, cảm giác dòng máu nóng đang ứa ra cùng nỗi uất ức. Thị bấm điện thoại gọi 911: “Làm ơn cứu tôi, chồng tôi đánh chết tôi...”

*

Kể từ đêm hôm đó, thoát ly từ quả thị, người đàn bà thấy mình mọc đủ lông đủ cánh bước sang cuộc đời mới.

NGUYÊN YÊN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 100998)
K hi tầu đi ngang qua tượng Đức Trần Hưng Đạo, tôi thấy ngài vẫn đứng uy nghiêm, tay cầm kiếm chỉ xuống dòng sông. Tôi chợt nhớ đến lời nguyền của ngài “Nếu không thắng giặc Nguyên, ta sẽ không trở về con sông này nữa”. Bất giác, tôi tự nói thầm nếu không tìm được Tự Do, chắc mình cũng không thể trở lại được con sông này.
21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 103620)
“Xin đừng gọi tôi là nhiếp ảnh gia chiến trường, tôi chỉ là một nhiếp ảnh gia mà thôi." Đó là lời của Don McCullin, một nhiếp ảnh gia người Anh được coi là cây đại thụ trong làng nhiếp ảnh Anh quốc, với hơn 50 kinh nghiệm chụp ảnh các cuộc chiến từ Berlin, Việt Nam, Campuchia, đến Bangladesh và Trung Đông.
11 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 92504)
T rong văn học sử Hoa Kỳ có hai hiện tượng nổi bật với nhiều điểm giống nhau, đó là nữ văn sĩ Margaret Michell với cuốn Gone With The Wind (1936) và nữ văn sĩ Harper Lee với cuốn To Kill A Mockingbird (1960). Cà hai cuốn tiểu thuyết cùng có bối cảnh là miền Nam Hoa Kỳ, cùng khai thác đề tài xung đột chủng tộc (da trắng và da đen), cùng bán được mỗi cuốn trên 30 triệu ấn bản (tính tới năm 2008). Cả hai tác phẩm lại cùng được giải Pulitzer danh giá, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và dựng thành phim rất thành công, chiếm được nhiều giải Oscar.
10 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 95526)
Đ ược biết, trước Ngô Bảo Châu cũng đã có nhiều người Việt được trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Một trong những người nầy trong quá khứ là Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898) .
03 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 99688)
“ Sông Mekong đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự lạm dụng nguồn nước và hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không có một chính sách khai thác thận trọng và hợp lý các nguồn tài nguyên sông Mekong, con sông hùng vĩ này không thể nào sống còn”. Abhisit Vejjajiva, Hua Hin MRC Summit 2010
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106810)
T huyên nói nàng ở một mình trong một ngôi nhà nhỏ trên đồi rồi mời tôi lên chơi. Tôi đáp để chiều tôi sẽ lên sau khi nàng cho địa chỉ. Thuyên cười, bảo tôi sẽ đi lạc nếu không được dẫn đường. Nhìn đôi môi nàng con cớn, tôi tự ái đàn ông nói không cần, sẽ tự tìm ra nhà. [...] Ra đến cửa Thuyên quay lại, chỉ vào giỏ xách tay ny lông đen có lòi ra mấy bó rau. - Chiều ông tìm được nhà tôi thì mời ông ăn một bữa cơm tối ... Nhà có cổng gỗ với giàn hoa leo đấy.
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 107504)
T ôi chui vào ô tô. Chiếc xe mới coóng. Nội thất vẫn còn nguyên mùi hăng hắc, ngai ngái. Bóng lộn. Tôi khen chủ tịch phường mà sang trọng thế này thì dân được nhờ. Nói xong, chột dạ, sợ hắn nghĩ mình cạnh khóe, tôi vội ự…hừm, ý tôi là ông chủ tịch phường mà ăn nên làm ra thì dân cũng phất theo, chứ làm cán bộ địa phương thời nay mà nghèo quá, lúi xúi quá, thì cũng không có uy tín với dân. Anh nghèo mà làm lãnh đạo thể nào cũng sinh ra tính xà xẻo. Nếu anh giầu có rồi thì anh không tham nữa. Thế là dân được nhờ…Nói xong, tôi tự thấy cái lý luận của mình là loại lý luận ma cô. Lại chột dạ.[...] Rồi lại im không nói gì. Ngoài trời mưa như trút nước. Càng ngày càng to...
31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98409)
L oan cởi nhẫn cưới đeo vào cho Hoàng. “Anh cố giữ làm bùa hộ mệnh, lúc nào cũng có em bên cạnh”. Hoàng thấy vậy mà thương vợ thêm. Có người vợ biết chăm sóc từng li từng tí. Hoàng rưng rưng nước mắt bước ra khỏi nhà…
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 104169)
N gày 30 tháng Giêng năm 1948, một tên sát thủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã sát hại nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần Ấn Độ là ông Mohandas Karamchand Gandhi. Ông bị bắn ba phát đạn vào ngực và bụng trong khi đang trên đường đến nhà thờ để đọc lời cầu nguyện hàng ngày.
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98818)
... C ó điều người ta cần phải ghi nhớ là người Tàu luôn luôn kiêu căng, tự coi nước mình là một nước lớn là duy nhất văn minh, chung quanh họ đều là man di mọi rợ, Việt Nam hay Đại Việt đi chăng nữa cũng chỉ là man, Nam Man, nằm ngoài rìa của Hoa Hạ, của Trung Hoa thời Dân Quốc, của Trung Quốc thời Cộng Sản hiện tại...Những chiến thắng của người Việt trong các thời Lý Trần, đặc biệt là chiến thắng chống quân Mông Cổ trong khi người Tàu thực hiện không nổi là những gì họ không chấp nhận được.