- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Dịch Vụ Cuối Cùng

09 Tháng Tư 20153:54 SA(Xem: 32149)
QUAN LAU-BW

Tôi ngồi nhìn thằng bạn chơi games trong căn phòng của nó, một buổi trưa nóng bức, hơi nóng hầm hập nằm bên ngoài ô cửa kính đóng chặt, khung cửa thỉnh thoảng rung lên vì gió. Trong phòng máy lạnh chạy đều đều mang theo một làn hơi mát có tác dụng phụ khiến người ta khô mũi. Ngày chủ nhật, hai thằng con trai chẳng có gì làm ngoài việc nhìn nhau chơi games.

Nhìn nó chán tôi nằm dài ra giường lẩm nhẩm một bài hát mà mình đã quên tên chỉ còn những đoạn giai điệu rời rạc; thỉnh thoảng tôi liếc ra cửa sổ, buổi trưa vàng vọt trong màu nắng. Cái nóng hun đúc đám cỏ dại ở khoảng sân của ngôi nhà hoang thành một đống vàng vọt, khô héo. Từ chỗ tôi nhìn qua ngôi nhà như một cái xác nằm giữa hoang mạc đang bốc hơi dần dần.

- Ê, mày học chơi guitar tới đâu rồi?  Tôi hỏi thằng bạn, cây guitar treo trên tường phòng nó tha về từ bốn tháng trước đã đóng một lớp bụi mỏng.

Thằng bạn tôi không trả lời, có lẽ nó chán rồi.

Tôi im lặng, đó cũng không phải là điều gì quá mới mẻ. Thằng bạn tôi là dạng mau thích cũng mau chán tôi từng thấy nó tập xếp giấy, tập võ, sưu tập tem, tập cắm hoa thậm chí tập đan len; mọi thứ nó đều thử qua và mọi thứ đều chẳng tới đâu. Giờ đây bảng kỹ năng của nó dài dằng dặc nhưng đẳng cấp của từng cái lại thấp lè tè.

Tôi rút tấm danh thiếp trong túi ra ngắm nghía một lúc, một dòng chữ in ngay ngắn.

“Dịch vụ cuối cùng.”

Tấm danh thiếp chỉ có vậy, một dòng duy nhất, không tên tuổi, không địa chỉ hay số điện thoại để liên lạc.

Đút trở lại vào túi, tôi nhếch mép, cứ như một trò đùa.

Buổi trưa trôi qua, trò chơi vẫn tiếp diễn; tôi vẫn âm ư cái giai điệu không thành hình ấy trong đầu, thời gian bị bỏ đi một cách vô ích.

Tôi và nó còn trẻ, nhưng cũng chỉ có thế!

Khi hoàng hôn đến nhấn chìm căn phòng trong cái nóng và thứ ánh sáng đến ngộp thở tôi với nó ra khỏi nhà. Chúng tôi đi loanh quanh một chút, lang thang trong những con hẻm đan xen nhau như bàn cờ, cái thì rất rộng cái thì hẹp tới nỗi một người phải lách người qua, cũng giống như cuộc đời này vậy. Bóng của những tòa nhà chặn dòng nắng chiều lại, những bức tường không tô trét gì phà ra hơi lạnh. Mùi ẩm mốc xộc lên, những tai nấm dại mọc ở chỗ ấm ướt trong góc tường rêu bò xanh thẫm. Rồi cái “thế giới sân sau”, một con hẻm dài toàn đi sau lưng nhà người khác, một góc thế giới riêng tư được phô ra hết sức đơn giản và chân thực. Những hàng rào mắt cáo che chắn rồi lũ lượt dây phởi đồ, đủ loại đồ lót treo lủng lẳng. Một người phụ nữ trung niên đang ngồi giặt đồ, thằng nhóc ngồi nhắn tin bằng di động hay một cô gái trẻ nằm dài trên sàn nhà mắt nhắm hờ như đang ngủ, một gã đàn ông ngồi nhìn trời, nhìn mây cái đầu hói bóng loáng đế ngán ngẩm, chút suy tư của chàng trai trẻ.

Đi đến tận cùng cái “thế giới sân sau” ấy là cửa sau của một ngôi nhà hoang, chính là cái ngôi nhà mà tôi nhìn thấy từ cửa sổ phòng thằng bạn. Ngôi nhà được bảo vệ bằng một bức tường cao nên đứng ở đây không thấy được phía bên trong có gì, chỉ thấy một cánh cửa sắt màu xanh dương vài chỗ đã tróc sơn loang lỗ, một cái ổ khóa cũ. Đôi khi tôi vẫn nghĩ cái khung cảnh mà mình vẫn thấy từ cửa sổ hoàn toàn không liên qua gì tới nơi chốn mà cánh cửa ấy dẫn tới. Rằng bước qua cánh cửa kia là một xứ sở hoàn toàn xa lạ.

Một cái gì đó mới mẻ!

Tôi gọi nó, mà chỉ gọi thầm thôi, là “Cánh cửa tận cùng”.

Khi đến cuối đường tôi lại thấy gã, gần đây mỗi lần tôi tới đây đều có một người đàn ông đứng sẵn. Gã trạc 25, 26 tuổi, quần áo lịch sự, sơ mi xanh dương quần tây đen, đeo đồng hồ, giày da bóng lộn, tóc cắt tỉa gọn gạng, trên khuôn mặt thông minh, sáng sủa là một cặp mắt kính gọng vuông. Một tay trí thức điển hình. Gã luôn đứng dựa vào tường bàn tay đút vào túi quần, cái cặp tài liệu kế bên, đôi khi gã mỉm cười lúc thấy tôi, lúc khác lại gật đầu chào.

Tôi toàn lờ gã đi, khuôn mặt và điệu bộ của gã làm tôi khó chịu, một sự khó chịu không lý do.

Đi đến cuối đường chúng tôi cùng nhau quay về, tôi và nó vẫn thường lang thang như vậy để giết thời gian vào những ngày cuối tuần. Sau đó nó sẽ vào nhà còn tôi bắt xe buýt ngồi khoảng 15 phút, nhà tôi cách nhà nó chừng 7 cây số.

Buổi tối tôi nằm trên giường và nghĩ về cuốn “Khu vườn bí mật”, cánh cửa nhìn thấy buổi chiều làm tôi liên tưởng đến quyển tiểu thuyết này.

Chỉ nghĩ thôi, tôi không giở sách ra đọc.

Và thế là hết một ngày cuối tuần!

Sáng thứ hai, như mọi sáng khác tôi lại tới trường, học hành là một điều hiển nhiên trong xã hội này đối với những đứa thuộc độ tuổi tôi và đó cũng chẳng phải là chuyện gì to tát.

Tôi sẽ bắt xe buýt đi 15 cây số chen chúc trên cái xe nhét đầy những con người vận đồng phục, nóng bức, nồng mùi mồ hôi. Trong khi chiếc xe buýt luồn lách giữa đám xe cộ đông như kiến, tràn ngập mọi nẻo đường vào buổi sáng.

Sau khi xuống xe tôi đi hết khoảng sân xi măng vừa dài vừa hẹp của ngôi trường lên hai tầng cầu thang, rẽ phải đi qua hai lớp học trước khi bước vào cảnh cửa thứ ba. Rồi lại đi qua năm cái bàn để dừng lại ở bàn mình nằm gần cuối lớp. Tôi ngồi xuống, quẳng cái ba lô qua một bên rồi chống cằm nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Và thông thường đồng hồ sẽ chỉ 6 giờ 15 phút.

Đó là cái thực tại mà tôi phải đối mặt năm ngày trong tuần, một bảng tổng hợp nhàm chán của những sự việc vô nghĩa nối tiếp nhau và nếu nhìn về phía trước tôi có thể thấy cả một hàng dài dằng dặc những ngày như thế đang chờ mình. Một sự nhàm chán ổn định.

Trong lớp tôi ngồi cạnh Như, đó là một cô gái khá trầm lặng. Đôi khi cả buổi chúng tôi không nói với nhau câu nào, không phải là một sự im lặng khó chịu, đó chỉ là một sự im lặng. Cô nói gì cũng nhỏ nhẹ và mỗi khi cười, ho hay hắt hơi cô đều che miệng lại để những âm thanh ấy phát ra nhỏ tới mức khiến cho chúng trở nên dễ thương. Khuôn mặt cô đẹp một cách thanh tú, mái tóc cắt ngang vai, cô hay dùng một cái kẹp màu hồng có đính một con bướm nho nhỏ.

Khi học những môn phụ cô hay nằm ngủ, tôi không rõ cô có ngủ hay không, chỉ là mắt cô nhắm nghiền và đeo tai nghe. Nhiệm vụ của tôi là cảnh giới cho cô ngủ, mỗi khi giáo viên đi xuống tôi lại khều nhẹ vai cô.

Lúc đó cô sẽ lờ đờ ngồi dậy, sắp xếp lại tập sách và đeo mắt kiếng vào, tôi thích nhìn cô đeo mắt kiếng, có một cái gì đó bừng sáng lên mỗi lần như vậy, nó khiến ấn tượng về khuôn mặt Như thay đổi một cách rõ rệt.

Đôi khi tôi ngắm cô một cách chăm chú trong lúc cô nằm gục xuống bàn.

Vào những lúc tĩnh lặng nhất của buổi trưa, khi nắng chiếu một góc nghiêng qua ô cửa sổ tạo thành một hình bình hành vàng nhợt nhạt, khi không gian như trùng xuống và thời gian dường như bị kéo ra đến vô tận. Tôi có thể nghe thấy hơi thở của cô, lẩn khuất trong âm thanh của cái quạt trần, tiếng bút viết và nhịp kim đồng hồ.

Hiển nhiên là tôi thích Như, thích như cái cách thằng bé nghèo khổ thèm khát món đồ chơi đắt tiền trong cửa hàng. Một ham muốn gần như vô vọng.

Nằm gục xuống bàn tôi nhìn Như, giờ là tám giờ sáng, một buổi sáng u ám, bên ngoài mây giăng kín trời lấp lửng cho một cơn mưa. Mùa mưa đã cần kề, cái nắng buổi trưa chỉ là để ủ cho những cơn mưa lúc chiều. Ngắm cô một lúc tôi nhắm mắt lại, bóng tối phủ lên đôi mắt tôi; thứ bóng tối mênh mông không có điểm kết, văng vẳng bên tai là tiếng giảng bài, tiếng lộc cộc của viên phấn trắng chạm vào mặt bảng xanh. Tôi có thể ngửi được mùi hương tỏa ra từ tóc Như.

Giờ ra chơi trời đổ mưa, đứng gió nên những giọt mưa rơi thẳng xuống đất, một cơn mưa phùn, dịu dàng ấp hơi lạnh vào không khí. Như đứng lên đi ra ngoài, đôi mắt cô đỏ hoe, cô lại khóc.

Mày tính khóc tới bao giờ?

Không trả lời cũng không ngoáy lại, cô vẫn tiếp tục đi, bước ra khỏi lớp. Tôi đứng lên đi theo cô. Trời mưa sân trường vắng tanh còn hành lang thì đông nghịt, chúng tôi lách qua dòng người, Như đi trước còn tôi theo sau. Tôi vừa đi vừa nhìn xuống bên dưới, cái khoảng sân xi măng rộng lớn chỉ vài bóng người đang chạy vội vã, có cái gì đó buồn thảm và hiu quạnh trong khung cảnh ấy. Tôi chau mày.

Đứng trước cửa nhà vệ sinh nữ tôi chờ Như rửa mặt, cô ở trong đó tới 15 phút. Có lẽ Như đang khóc, khóc mãi, khóc cho tới khi đôi mắt sưng húp lên. Tôi thở dài, bên ngoài mưa dần nặng hạt, thi thoảng vài tiếng sấm vô thưởng vô phạt vang lên.

Chúng tôi cùng nhau lên tầng thượng, mỗi khi buồn Như lại lên đó, cửa luôn bị khóa nhưng tôi đã khám phá ra rằng chỉ cần giật mạnh ống khóa sẽ tự bung ra. Từ khi biết được chuyện ấy Như lên đây suốt. Đây là nơi chốn bí mật của chúng tôi, một thế giới tĩnh lặng, xa cách hoàn toàn với khu cảnh bên dưới. Những ngày chủ nhật chúng tôi lén vào trường theo lối giữ xe để ngồi trên sân thượng từ chiều cho tới tối.

Tôi và cô nói với nhau về đủ mọi chuyện trên đời, đôi khi cả hai chỉ im lặng và rồi Như ngủ một cách yên lành trong khi tôi ngồi thẩn thờ nhìn con đường bên dưới.

Thỉnh thoảng cô nói về người yêu của mình, bạn hàng xóm của cô, người đang học đại học Kinh Tế. Tôi nghe cô nói và chỉ ậm ừ. Đó là một người xa lạ mà tôi biết rất rõ, tôi biết hắn tên gì, nhà ở đâu, có những thói quen gì, những điểm tốt và xấu của hắn, tôi biết tất cả. Trong những buổi chiều dài như bất tận Như mãi nói về hắn, một câu chuyện dài mà mỗi ngày nảy nở ra thêm bao nhiêu chi tiết khác nhau. Nghe mãi rồi tôi có cảm tưởng như mình quen cái gã đó thật vậy, một bi kịch thật sự chứ chẳng chơi, ít nhất là đối với những thằng con trai trong lứa tuổi của tôi.

Nhưn buổi chiều hôm nay Như không nói gì, chúng tôi ngồi xuống lưng dựa vào tường, phía trên đầu là cái bồn nước khổng lồ của trường, một mái hiên chìa ra ngăn không cho những giọt nước mưa rơi thẳng chạm vào chúng tôi. Tôi lắng nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn, bầu trời xám xịt ken đặc những hạt nước.

- Mùa mưa tới rồi, tôi thì thầm.

Như ngồi bó gối bên cạnh tôi không nói gì, cô gục mặt xuống hai đầu gối đôi vai khẽ rung lên. Tôi nheo mắt nhìn cô, chúng tôi ngồi đó thật lâu, khi chiều tàn và đêm dần đổ bóng xuống thành phố. Chúng tôi bỏ ba tiết cuối.

- Về thôi, tôi nói, trễ rồi.

Một lúc sau cô lau nước mắt rồi đứng lên, tôi tiễn cô về nhà, cô sống cách trường 200 mét. Sau khi thấy Như bước vào cổng tôi mới quay lại.

Gần bảy giờ tối xe buýt vắng tanh, tôi nhìn con đường bên ngoài, đường phố nối tiếp đường phố, con người nối tiếp con người. Tất cả tạo thành một hàng dài liên miên bất tận, con đường loang lỗ những vũng nước đọng, một con mèo vục mặt xuống uống thứ nước vàng ệch màu bụi bẩn.

Tôi chợt nghĩ tới việc lâu lắm rồi mình chưa đi du lịch, hình như từ lúc 12, 13 tuổi tới giờ. Chẳng có cơ hội nào để đi mà tôi cũng chẳng buồn tạo cho mình một cơ hội. Từ lâu tôi không còn thích đi chơi với gia đình nữa, ngày xưa mỗi dịp tết cả dòng họ hay tụ tập lại đi biển hay đi núi vài ngày liền. Những chuyến đi ấy vẫn đều đặn tới tận bây giờ, chỉ là không còn có tôi nữa, tôi đã bước đi trên một con đường khác, một con đường tròn bất tận. Tất cả chỉ là một vòng luẩn quẩn quanh những nơi chốn quen thuộc. Tôi đã tiêu phí phần lớn những năm tháng đẹp nhất cuộc đời của mình như vậy.

Thở dài, đêm đến, trên bầu trời một mảnh lưỡi liềm màu vàng sáng lẩn khuất sau làn mây xám, vài ngôi sao le lói. Tôi đi bộ từ trạm xe về nhà, cái khu phố nơi tối sống bảy giờ hơn đã trở nên tĩnh lặng. Một khu vắng vẻ chỉ toàn nhà dân và vài hàng tạp hóa, quán nước nho nhỏ; những cái biển hiệu chớp tắt lập lòe như đom đóm. Tiếng trẻ con cười đùa văng vẳng đâu đó vọng lại từ rất xa xôi.

Ngày còn nhỏ tôi hay tụ tập ở một bãi đất trống gần nhà, giờ đây cái bãi đất ấy đã trở thành một ngôi nhà hai tầng; một cô bé trạc tuổi tôi sống ở đó với gia đình, cô rất xinh. Chúng tôi chưa một lần nói chuyện. Mất đi chỗ vui chơi tôi cũng lớn lên một cách nhanh chóng, từ một thằng bé chẳng có gì đặc biệt trở thành một thằng con trai cũng chẳng có gì đặc biệt.

Một sự tiếp nối nhàn nhạt.

Tôi về tới nhà vừa kịp giờ ăn tối, bố mẹ đang ngồi đối diện nhau ở bàn ăn, cả hai ăn uống một cách thẩn thờ. Tôi ngồi vào chỗ của mình mông lung nhìn bức tường trắng sau lưng bố, thoạt nhìn cứ tưởng ông đang cặm cụi ăn nhưng thật ra không phải vậy. Bố mãi nhìn những hạt cơm trong cái chén nguội ngắt của mình.

- Anh nói gì đi!

Bố ngẩng lên, ông nhìn mẹ tựa như bà là một người khách lạ chợt xuất hiện trước mặt ông mà không có lý do, không báo trước.

- Nói gì bây giờ?

- Nói gì cũng được, mấy chuyện mà anh hay kể đó! Giọng mẹ đều đều.

Rồi bố bắt đầu mở lời, ông kể một câu chuyện rất dài đã xảy ra từ lâu trước khi tôi sinh ra đời, trước khi ông gặp mẹ tôi. Những năm tháng chiến tranh luôn lấp lửng trong hồi ức ông, những cuộc hành quân. Bố không có một khái niệm rõ rệt gì về cuộc chiến ấy hoặc ông cố tình không có một khái niệm nào về nó, không giết chóc, không thù hằn, không gì cả. Chiến tranh đối với ông chỉ là những cuộc hành quân bất tận; không thấy bóng địch mà cũng chẳng có bóng ta, như chỉ mình ông trong cuộc chiến ấy. Lang thang hết nơi này tới nơi khác. Ông kể rất sôi nổi, giọng điệu khác hẳn mọi lần; còn câu chuyện, có lẽ tôi đã nghe lần thứ 100 rồi. Một câu chuyện dài, xa xưa và không còn mấy ý nghĩa, buổi tối chỉ có thế.

Ăn cơm xong mẹ rửa chén trong khi bố ngồi ở bàn ăn, tờ báo mở ra trải trên mặt bàn, số báo có từ tháng trước, trang bìa là vụ tai nạn xe buýt làm chết 20 người, nhưng ông không đọc mà cứ chống cằm suy tư. Tôi ngồi đối diện bố tay cũng chồng cằm. Tôi nhận ra lâu rồi mình chưa nhìn kỹ khuôn mặt bố, ông đã già đi nhiều, những nếp nhăn bắt đầu hằn rõ trên khuôn mặt, ánh sáng trong đôi mắt đã mờ đi một chút.

Giữa âm thanh lanh canh của tô chén va vào nhau tôi nghe tiếng ông thở dài.

Rồi đột ngột bố đứng lên, ông khoác thêm cái áo lạnh, không nói với mẹ câu nào mà lên xe chạy ra ngoài đường. Gần đây bố hay như vậy, những buổi tối ông mải miết lang thang đến những nơi chốn xa lạ, thỉnh thoảng ông lại về nhà ướp theo mùi rượu trên người. Không bao giờ ông say, chỉ ngà ngà và hình như càng uống ông lại càng buồn hơn. Mẹ cũng chẳng buồn hỏi ông đi đâu, bà vẫn cặm cụi rửa chén, có lẽ mẹ quen rồi.

Vuột tay, mẹ làm vỡ một cái chén; tôi đứng lên đi lại phía sau lưng nhìn bà lo lắng. Mẹ tôi ngồi im lặng một lúc mắt nhìn chằm chằm cái chén vỡ rồi bà khóc. Những tiếng khóc thầm khe khẽ. Tôi chau mày, hôm nay dường như ai cũng có lý do để khóc, ai cũng mang theo một nỗi buồn không thể thốt thành lời mà chỉ có thể lặng lẽ rơi nước mắt.

Mẹ đi ngủ rất sớm, gần chín giờ bà đã lên giường nằm. Còn bố thì về nhà rất trễ, đôi khi một hai giờ sáng mới mở cửa bước vào.

Và hai người dường như ngày một xa nhau hơn, tôi biết bố mẹ đồng điệu trong tâm hồn nhưng lại có một khoảng cách hữu hình nào đó chia xa họ, cái khoảng cách quá nặng nề đến nỗi không thốt được thành tiếng mà chỉ lặng im tồn tại.

Mười giờ đêm tôi lang thang ở con hẻm gần nhà thằng bạn thân, nó cũng đang ở đó, ngồi uống nước mía lề đường, cái quán mở rất khuya chúng tôi thỉnh thoảng vẫn ngồi uống chỗ này. Tôi thấy nó ngồi với hai thằng mà tôi không quen biết, hai thằng kia nói chuyện nó thì im bặt. Bạn tôi không đụng tới cái ly của mình, nước mía trong ly vẫn còn nguyên. Tôi đi lang thang một vòng xung quanh rồi thấy nó vẫn còn ngồi ở đó, hai đứa kia thì đã đi mất phương nào, ly nước mía trên bàn đã tan hết đá và vẫn còn đầy. Tôi ngồi xuống đối diện nó.

Hai đứa không nói gì với nhau, thằng bạn tôi chỉ ngồi thẩn thờ nhìn đôi bàn tay mình.

- Mày sao vậy? Tươi tỉnh lên chút coi!

Nó vẫn không trả lời.

- Chán mày quá, làm gì gần đây cứ im lặng hoài. Hồi nãy tao thấy mày ngồi đây, mày cũng có nói chuyện với hai thằng kia đâu!

Vẫn im lặng.

Tôi thở dài, không nói nữa chỉ ngồi cạnh nó. Gần 11 giờ thằng bạn tôi đứng lên, nó tính tiền và đi về nhà. Tôi nhìn ly nước mía của nó, cái ly vẫn còn y nguyên, suốt cả buổi nó không động đến một giọt.

- Thằng khùng, tôi lẩm bẩm khi nhìn theo nó, vậy ra đây ngồi làm quái gì!

Và rồi tôi khóc.

Dường như hôm nay ai ai cũng có lý do để buồn, ai ai cũng muốn khóc…

12 giờ đêm tôi đi lang thang ở “thế giới sân sau”, ban ngày thì thú vị nhưng ban đêm ở đó mọi thứ vắng lặng và mang một vẻ ghê rợn hết sức tự nhiên. Những vật bình thường lẫn vào bóng tối hay vàng vọt dưới ánh đèn tranh tối, tranh sáng trộn lẫn với trí tưởng tượng tạo nên những hình dạng ma quái.

Tôi đã đọc ở đâu đó rằng trí não con người luôn tìm cách nhận diện những khuôn mặt và hình dáng đồng loại; chính vì vậy đôi khi nó lầm lẫn với những thứ không phải con người nhưng gần giống họ. Những cái bóng hay vài nét vạch vô nghĩa khi kết hợp với bóng tối và thêm vào trí tưởng tượng cũng đầy sức sống. Chính vì vậy ta mới tưởng tượng ra những khuôn mặt trong màn đêm, trên các đám mây hay ở những vật vô tri vô giác. Và cũng chính vì vậy mà ta sợ hãi những thứ ấy.

Con người mong muốn tìm được đồng loại nhưng lại thấy nỗi sợ hãi, đó cũng chẳng phải điều gì quá mới mẻ…

Đi hết “thế giới sân sau” là “cánh cửa tận cùng”. Gã đàn ông vẫn đứng đó, lưng dựa vào tường bình thản, cái áo sơ mi được ủi phẳng, giày da bóng lộn, khuôn mặt nở một nụ cười hoàn hảo. Hình như quang cảnh xung quanh chẳng ảnh hưởng gì tới phong thái của gã.

Tôi đi lại gần, gã gật đầu chào lễ phép rồi đưa tay ra cho tôi bắt.

Tôi nhìn tay gã một lúc, chẳng buồn phản ứng.

Gã lại cất tay vào, miệng vẫn mỉm cười một cách thành thật, đúng là phong thái chuyên nghiệp.

- Chào bạn, bạn đã suy nghĩ về việc chúng ta nói với nhau chưa?

- Đã, tôi nói ngắn gọn.

- Xin nhắc lại là chúng tôi sẽ không thúc ép bạn, chúng tôi sẽ chờ đợi bạn tới bao lâu cũng được. Đối với chúng tôi khách hàng như bạn là những người quan trọng nhất nên chúng tôi không muốn trái ý bạn. Mọi thứ đều trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi chỉ đóng vai trò dẫn dắt bạn đến nơi đúng đắn, chỗ dành cho bạn.

- Tôi biết.

- Nếu bạn gặp vấn đề về tâm lý ngay sau cái chết của mình chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí, theo thống kê khoảng 60% số người chết bị bất ổn về tâm lý. Với khóa điều trị kéo dài từ ba đến sáu tháng gần 90% trong số đó đã bình phục hoàn toàn và có thể đối mặt với cái chết của chính mình. Nếu bạn có nhu cầu chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ cho bạn và xin nhắc lại là hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể an tâm là không phải chịu bất cứ hao tổn nào cả về vật chất lẫn linh hồn.

- Ừ. Chuyện gì xảy ra với 10% còn lại?

- Sao ạ?

- Chuyện gì xảy ra với 10% còn lại? Tôi gắt.

- Họ được nhận tiếp một khóa điều trị nữa hoặc có thể làm những gì mình thích, chúng tôi không bắp ép một ai, chúng tôi có tất cả thời gian trên đời, gã mỉm cười, nụ cười tự hào, dịch vụ chúng tôi cung cấp là tốt nhất và duy nhất.

Tôi nhìn gã từ đầu tới chân rồi hỏi.

- Anh là thần chết, thiên thần hay ác quỷ?

- Tôi chỉ là một nhân viên bình thường trong một tổ chức có nhiệm vụ cao cả là hướng dẫn cho cái chết một hướng đi đúng, gã ngâm nga dường như đây là khẩu hiệu của nơi gã là, chúng tôi không liên quan gì tới bất cứ tôn giáo hay học thuyết nào, chúng tôi là một tập thể độc lập chỉ mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho những người khác.

- Ừ, tôi gật gù mà chẳng chú ý lắm, có gì đằng sau cánh cửa vậy?

- Xin lỗi tôi không thể tiết lộ, đây là điều bí mật cơ bản mà chúng tôi phải bảo vệ, không bao giờ được nói cho một người chưa đi qua cảnh cửa về những thứ ở bên kia nó.

- Tại sao lại là cánh cửa này?

- Xin lỗi tôi không thể tiết lộ về cơ chế làm việc, đây cũng là một bí mật cơ bản.

Lại gật gù.

Tôi ngồi xuống lề đường, gã đứng cách tôi một khoảng, nụ cười nở suốt trên gương mặt sáng sủa, cái khuôn mặt mang vẻ “tôi sẽ chờ bạn bao lâu cũng được”. Tôi ghét cái khuôn mặt ấy, ghét tới nỗi muốn đấm vào mặt gã một cái.

- Trước đây người lang thang lâu nhất sau khi chết là bao lâu? Tôi chợt hỏi.

- À, gã chau mày, có một người bên Anh đã lang thang 543 năm trước khi đi qua cánh cửa. Nhưng hiện giờ có một người khác ở Trung Quốc  sắp vượt qua được kỷ lục đó, anh ta đã lang thang được 540 năm rồi và vẫn có ý định lang thang thêm để phá kỷ lục.

- Người đạt kỷ lục có được gì đặc biệt không?

- Chúng tôi cũng không thể tiết lộ được!

Thời gian trôi qua, gió đêm thổi tới, rồi mưa bắt đầu rơi, một cơn mưa ủ dột và ẩm ướt. Tôi bỗng nhớ tới một buổi chiều nọ, hình như đã xa xôi lắm rồi tôi ngồi ở nhà một mình và ngắm mưa rơi. Cũng một cơn mưa ủ dột và ẩm ướt như thế này.

Khi ấy tôi vẫn còn sống!

Lòng tôi bỗng chốc nhói lên.

- Mưa rồi, tôi thì thầm như tự nói với chính mình, đi thôi, tôi không muốn bị mưa ướt, hãy mở cánh cửa chết tiệt đó ra đi.

Gã rút trong căp tài liệu ra mấy tờ giấy đánh máy.

- Xin quý khách ký vào đây, xác nhận hợp đồng, xin ký và ghi rõ họ tên trong cả hai bản. Trong đây có viết những điều khoản của hai bên, quyền lợi và những quy tắc mà hai bên cần tuân thủ.

Vừa nói gã vừa lôi ra cái đèn pin nhỏ trong túi áo và soi sáng tờ giấy.

Tôi cầm cây viết ký mà chẳng buồn đọc.

- Xin quý khách đọc kỹ điều kiện trong hợp đồng, việc này là cần thiết để tránh những thắc mắc, khiếu nại cũng như kiện tụng sau này. Xin nói rõ là chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những điều đã ghi trong mục B, đặc biệt là dòng 5, 7 và 8. Chúng tôi sẽ không…

- Thôi câm miệng đi, tôi càu nhàu.

Gã lập tức im lặng, tôi ký xong gã rút một cái chìa khóa trong túi ra và mở cánh cửa. Đằng sau nó là một màn sương mờ mờ.

Tôi nhếch mép.

- Đúng là trò đùa.

- Anh làm việc này được bao lâu rồi? Tôi chợt hỏi khi đang chuẩn bị bước qua.

- Gần một thiên niên kỷ rồi.

- Khủng khiếp quá!

- Tôi hiểu bạn muốn nói gì.

- Này, tôi có thể làm việc này giống như anh không?

Gã nhìn tôi chừng ba giây rồi trả lời trong khi nhét hợp đồng vào cặp tài liệu.

- Trong 10% còn lại của những người không thể phục hồi tâm lý sau khóa điều trị có khoảng 5% sẽ xin vào làm dịch vụ này. Hiện nay khoảng 20% số nhân viên thuộc về trường hợp này.

- Vậy còn 80% còn lại?

- Tôi không thể tiết lộ.

- Anh tên gì?

- Tôi không thể tiết lộ.

- Chúng ta còn còn gặp nhau không?

- Tôi không thể tiết lộ.

- Khủng khiếp quá! Tôi lắc đầu và nhìn anh ta.

- Vâng, tôi cũng thấy vậy.

Và lần đầu tiên tôi thấy gã chau mày, cái chau mày đó làm tôi thấy dễ chịu.

 

 

THIÊN DI

31/03/15

Ngày nóng…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 20236:01 CH(Xem: 3256)
Được tin Thân Mẫu nhà thơ Đặng- Hiền, Chủ Biên Tạp Chí Hợp Lưu là / Cụ Bà quả phụ Đặng- văn- Ngữ / Nhũ danh ĐẶNG-TRẦN-THỊ- Y / Pháp danh TỊNH-Ý / Đã quy tiên ngày 22 tháng 11 năm 2023 tại nam CA , Hưởng thọ 87 tuổi .
14 Tháng Mười Một 202312:15 SA(Xem: 4036)
Anh về nhà không có em ! Anh đẩy cửa bước vào, anh xô cửa bước ra. Sắc sắc không không , một trời vô vọng. Em ở đâu ? Anh dáo dác tìm tìm kiếm kiếm. Em đi rồi ư? Ô chao ! Sao nghe buồn nẫu ruột.
14 Tháng Mười Một 202312:01 SA(Xem: 4753)
Bước qua sóng biếc / Ngu ngơ dấu chân còng / Vỏ ốc bơ vơ khoắc khoải / Cánh cò vụng dại Lao xao xanh / Và những người con gái trinh nguyên vá lưới tím hoàng hôn
12 Tháng Mười Một 20239:09 CH(Xem: 3606)
Nhận được tin buồn /Thân mẫu của nhà văn Trần Thanh Cảnh /Cụ bà DƯƠNG THỊ BÉ / Đã từ trần lúc 19h05 phút ngày 11/11/2023 (ngày 28/9 Quý Mão). / Hưởng thọ 84 tuổi.
07 Tháng Mười Một 20236:34 SA(Xem: 4075)
“…câu chuyện giáo sĩ Alexandre de Rhodes là câu chuyện cũ đã hơn 300 năm trước. Ông không sáng chế ra chuyện đánh vần tiếng Việt ra mẫu tự Bồ. Tôi nghĩ ông là một giáo sĩ tận tụy với nghiệp vụ truyền giáo, chỉ có điều kiến thức quá giới hạn của ông về văn hóa tôn giáo và con người Việt Nam làm tôi bực mình, và thèm khát một ngày mà những bất cập như vậy không còn sót lại nơi một giáo sĩ dù với đức tin nào. Tuy nhiên, phê phán nặng nề một giáo sĩ 300 năm trước là điều không nên, khi mà các giáo sĩ nói chung bấy giờ một phần vì giới hạn kiến thức, không có truyền thống kính trọng văn hóa địa phương. Nhưng ta tự nguyện tự lãnh một cái ơn tày đình với những giáo sĩ như De Rhodes cũng là chuyện không căn cứ. Có lẽ thỉnh thỏang ta nên đọc lại Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để có một viễn cận phải chăng với câu chuyện.” (Mai Kim Ngọc).
03 Tháng Mười Một 20235:00 CH(Xem: 4919)
Đứng dưới núi tôi nhìn lên núi / Núi trên kia núi rộng bao la / Vất vả lắm tôi leo lên đỉnh núi / Núi dưới kia sao chẳng giống quê nhà
03 Tháng Mười Một 20234:47 CH(Xem: 4338)
Em ăn rau tôi ăn thịt / Mà xương xóc đã phồn vinh / Chúng bảo yêu là giả tạo / Ừ thôi cái nắng xập xình
01 Tháng Mười Một 20231:28 SA(Xem: 5579)
Liêu xiêu lối nhỏ mưa dầm / Vai gầy Mẹ gánh tảo tần vì con / Gánh đời vất vả héo hon / Rảo chân Mẹ khắp lối mòn bể dâu
01 Tháng Mười Một 202312:55 SA(Xem: 4015)
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook – “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết nghĩ là điều rất cần thiết.
24 Tháng Mười 202311:00 CH(Xem: 4968)
Cạn mấy ly rượu mạnh với anh chủ khách sạn Huy Hoàng để xóa đi cái âm khí nặng nề ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi loạng choạng trở về phòng, đóng sầm cửa lại, nằm vật ra giường, chìm ngay vào giấc ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi giật mình thức giấc. Cửa mở, cô gái có khuôn mặt trắng hồng, dáng thon thả, tha thướt trong bộ đầm dài bằng lụa màu mỡ gà; từ đôi mắt, hàng chân mày cho đến làn môi đều xinh tươi... / -Cô tìm tôi? /-Dạ, biển đẹp như vầy, anh ngủ làm gì cho phí, đi dạo với tôi nhé. / Chúng tôi tiến ra bờ biển. Gió lồng lộng, mát rượi, sóng biển vỗ bờ cát trắng rì rầm. Ngoài xa ánh đèn các con thuyền đánh cá thao thức, nhấp nháy khôn nguôi.