- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Xóm Bờ Mương

08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 123557)
xombomuon2_0_300x210_1Người ta làm đường hai bên sông. Con sông ngoan ngoãn nằm yên cho người loay hoay trên lưng. Người ta phát cỏ, chặt lùm, phá bụi, đắp bờ xi măng.. Con sông rùng mình. Con sông cuồng nộ giãy giụa. Trong lòng nó toàn rác, đầy rác, ứ những rác. “Hôi tanh quá, một con sông hôi tanh” ố ai cũng bảo thế, ai đi qua cũng bịt mũi. Ngày ngày mặt trời thả rong đàn nắng trên sông, đàn nắng không có mũi, chỉ có chân. Đàn nắng nhẩy lách tách, nhưng không có con gì chơi với chúng. Cá không lên đớp, bọ nước không chạy, bèo không mọc nổi, chúng trương phềnh và mục nát từ lâu rồi.

Cái ngày mà con sông mang bệnh, có một cô bé buồn lắm. Nó đan những lá tre thành thuyền, nó ghép cọng rau muống thành bè, trên bè chất đầy cọng cải non, rồi nó thả bè xuôi theo dòng nước. Thuyền không trôi. Con bé lấy que cời, rác dập dềnh lên xuống. Nó buồn lắm, chạy về khóc rưng rức trong lòng bà nội. Nội lưng còng tóc bạc, nội biết nội chẳng còn sống bao lâu, thế mà cháu nội còn nhỏ quá. Nội tuột hai cái bím của nó ra, lấy chiếc lược đồi mồi đã gãy răng chải xuôi mái tóc lưa thưa đen nhánh của nó. Nội chải miết, chải miết, chải được mươi phút thì con bé thiu ngủ, tóc nó rối bời ánh vàng trong nắng...

Cháu nội buồn thiu, nhưng nội biết làm sao. Nội ở bên con sông này từ hồi nó trong vắt, đến giờ nước đen sì, đời người trôi qua tự bao giờ, nội khô đét và giòn như than củi. Cháu nội buồn, nội cũng buồn. Cuối cùng nội đóng cửa quán nước, mặc quần áo sạch, đi tìm con trai.

Nội gặp con trong gian phòng nhỏ, giữa phòng là cái bàn dài, hai người ngồi đối diện nhau, cửa phòng có hai chú công an giữ.

- Cái Miên buồn lắm đó. Mẹ không biết phải làm sao nữa.

- Đêm qua con lại mơ thấy cô ấy. Cô ấy theo chuồn chuồn ớt về đỏ cả nhà mình, chật ních. Con không cựa quậy được. Rồi cô ấy cười váng lên. Tan vỡ cả.

-ừ! Sắp đến ngày giỗ nó rồi. Nhưng mà con nó khóc suốt ấy, mắt nó ứ những nước.

-Mẹ ơi! Nó có giống cô ấy không?

-Giống, ngày càng giống.

-Ôi con muốn gặp cô ấy quá.

-Lúc nào về con dỗ nó nhé. Nó khóc suốt ấy.

Hai người công an đứng dậy:

- Bà ơi! Hết giờ thăm rồi.

Nội bước đi rồi vẫn quay lưng lại, nói vớt:

-Nhớ dỗ nó đấy. Nó khóc tội lắm.

-Con muốn gặp cô ấy quá.

Vừa sinh con ra, nội đã mở quán nước này, vì nội chẳng biết làm gì nữa cả. Quán nước ghép lên bằng bốn thân tre già, thêm cái mái rạ và tấm liếp che, thế mà họ hàng đàng nội chục người xắn tay làm những hơn tuần. Làm xong họ an tâm, mỉm cười không béng mảng tới nữa. Ban đầu, nội hơi chạnh lòng, nhưng rồi cũng quên đi. Quán nước xơ xài, có tích nước, lạng chè, thuốc lào, đèn dầu, phong kẹo lạc. Dần dần nội mua nhiều thứ nữa, đủ sống, đủ nuôi con nội lớn lên.

Con trai nội khoẻ mạnh lắm, chưa ốm đau bao giờ, lại dễ nuôi, cho gì ăn nấy. Nó làm đủ thứ việc. Ai sai cũng làm, trả bao nhiêu cũng nhận. Mười bảy tuổi, nó dẫn về nhà một cô bụng chửa vượt mặt. Hỏi làm gì, cô nói: “ Chuyên đo cơ thể đàn ông”. Làm lâu chưa, cô nói: “ Từ khi chưa có nhu cầu đã được dạy rồi”. Kiếm được không, cô nói: “ Đủ để mua phấn son dài dài”. Bà mừng húm, đem khoe hàng xóm. Không ai trả treo gì. Nhưng khi bà về, họ rỉ tai nhau: “ Năm tháng trước tôi thấy con ấy đưa cho thằng giời ít tiền, bảo ấy đi, thằng giời ấy. Rồi năm tháng sau, đưa thêm tiền, bảo mày ấy tao nên cái ấy của mày. Thế mà con nhà giời gật đầu luôn. Buồn cười quá. Ha ha ...”

Hàng xóm không ai nói năng gì nhiều. Họ không quan tâm lắm. Họ cũng không cho con họ chơi với cô bé. Họ răn: “ Tao đập chết mày. Con đấy có máu điên. Mẹ nó làm điếm, bố nó giết vợ. Mày chơi với nó tao giết mày”.

Thế là con bé tha thẩn chơi một mình. Nó cũng không nhớ bố mẹ lắm, vì khi nó chưa dứt sữa, mẹ nó mất rồi. Hôm mẹ mất nó nằm trên võng, quấn chặt trong tã và chẳng biết gì, oe oe khóc vì khát sữa. Hôm ấy quán nội đến là đông khách, tiếp không xuể, họ cười nói rổn rảng. Hôm ấy bố đi giết chó hộ xóm bên, được họ cho một túi thịt . Vừa xách túi thịt, vừa cầm con dao, bố hể hả về. Lúc đó nó khóc thật to, rất to, nó đói. Mẹ nó run lên từng đợt: “ Nữa, nữa... đấy... mạnh vào, mạnh nữa vào, nhanh lên...”. Cái người cưỡi trên mẹ nó như mụ mị, hắn chẳng quan tâm tới tiếng cánh cửa mở mà cứ thúc, cứ đẩy. Mẹ nó thì rên rỉ, mẹ nó hét. Thế là bố nó nhào tới đâm. Chỉ mỗi mẹ nó chết, còn người kia chạy thoát. Bố nó vác dao đuổi theo. Người kia tồng ngồng chạy khắp xóm, máu từ tay đỏ thắm như hoa mào gà. Sau đó khi nó lớn lên, nội nói: “ Bố ở xa, mẹ cũng ở xa”.

Khi nó mười hai, nó cũng chỉ chơi với nội. Lần duy nhất nó nói chuyện với người ngoài là một thằng nhà bên cạnh, cách mỗi cái hàng rào gỗ, lớn hơn nó ba tuổi. Thằng ấy nói:

-Mày xinh nhỉ.

Nó đỏ mặt, núp sau gốc chuối cười.

Thằng ấy chui qua hàng rào, tới gần nó nói khẽ:

- Mày cho tao xem cái ấy đi, rồi tao cho mày sờ.

Thằng ấy vừa tụt quần ra thì mẹ gọi. Đang giữa trưa mà mẹ thằng ấy quát váng lên. Thằng ấy vội nhoai về, tiếng roi cứ là vun vút. “ Thằng chó dái. Mẹ nó là điếm, bố nó đồ tể, tao cấm mày”. Rồi bố thằng ấy xây bức tường gạch cao quá đầu người, trên cắm mảnh chai chi chít. Hôm sau, rồi các hôm sau nữa, cứ khi mặt trời lên đỉnh đầu, nó lại đứng sau cây chuối gọi: “Anh ơi! ... anh ơi!...” Có hôm nó hét: “Em tên là Miên...”. Nghe nhà bên có tiếng nước xối mạnh, nó lao vào nhà, chui lên giường, trùm chăn cười sặc sụa.

Hồi con bé mười tuổi, người ta làm con đường bên sông, cắt phăng cái cầu tiêu và một phần vườn, trơ mỗi ba thân chuối. Thế là dọc cái xóm bờ mương này nhà nào cũng có hai cửa ra vào. Chẳng ai nhớ vì sao lại có tên là xóm bờ mương nữa, rõ ràng đây là sông hẳn hoi. Chắc gọi thế để phân biệt với xóm chợ phía trên. Bờ mương hẳn thuận miệng hơn bờ sông. Mọi thứ dịch chuyển cả, quán nội cũng ít khách hơn. Xe cộ ào ào tấp nập ngược xuôi. Nội nhốt hẳn nó trong nhà, không cho ra sông chơi nữa. Bấy giờ con sông đã sâu hoắm.

 

Nó lớn dần, lớn dần, da trắng bóc, tóc xổ tung, môi thắm, chỉ tội ánh nhìn dài dại.

Quán nước của nội có bà xồn xồn rất hay ngồi. Một hôm, bà rỉ tai nội:

- Già ơi! Cháu già đẹp quá, đẹp như hoa giữa đồng hoang ấy. Thế mà lại điên, rõ tội.

Nội rớm nước mắt.

-Khí cả vùng này nó là nhất đấy.

-Đẹp thì khổ chứ sướng gì hả cô.

-Gớm. Ai bảo già là khổ. Nhìn xem, thiên hạ gái đẹp sướng như tiên ấy.

-Hồng nhan bạc mệnh cô ạ.

-Xưa lắm rồi già ơi. Thời nay cứ đẹp là ra tiền.

Nội tu tu khóc.

-Thế già có muốn nó hết điên không, con tìm cách chữa cho.

-Thật hả cô? chữa được hả cô?

-Được chứ sao không.

-Ôi! thế thì phúc nhất đấy.

-Con chẳng đòi gì đâu, chỉ muốn nhận cháu là con thôi. Gớm, tuổi như con, xế chiều rồi mà không có cháu bồng, tội lắm bà ơi...

Thế là hai người họ ôm nhau khóc. Hôm sau có ba người trung tuổi ngồi trong nhà nội, họ nhìn nó, cái nhìn dài dại. ở quán, nội thắp hương khấn thiên địa, tổ tông một tràng rồi lại ôm bà xồn xồn khóc, xuýt xoa, kể lể.

Trong nhà, nó trốn sau thân chuối gọi “ Anh ơi! anh ơi!” rồi chui lên giường, trùm chăm cười. Gã to con nhất tới bên nó, từ từ cởi quần áo. Nó không hiểu, nghịch ngợm đấm, đạp, giựt. Gã nhỏ nhất túm tay nó quặt lên trên, gã trung bình kéo chân. Còn gã to con thì hùng hục làm. Nó đau, một cái gì đấy xé toạc, kéo theo cái gì đấy trỗi dậy, lập loè hút xoáy trong chuỗi tách rời của những dây thần kinh. Từng thớ thịt trên người nó run rẩy rồi oằn oại chuyển động. Nó thét dài man dại, mắt long xòng xọc, xùi bọt mép... Gã nhỏ con ấn khăn vào mồm nó cố hoàn tất công việc. Những tia hồng loang nhanh trên chiếc khăn nhét trong mồm. Gã to con vội bóp mạnh quai hàm, ngáng đũa cả vào răng, trói nghiến lại, đắp chăn, rồi ba gã từ tốn mặc quần áo, đi về.

 

Thế mà nó hết điên thật.

Nó lại khôn hơn lũ con gái cùng lứa. Đàn bà rỉ tai nhau: “ Đúng là được ba thằng khoẻ hiếp có khác”. Nó lại đẹp nhất vùng. Không ai còn gọi nó là điên nữa, nhưng cứ hinh hích cười: “ Ba nhé, những ba cơ đấy nhé”. Đàn ông trong vùng đờ đẫn khi nó bước qua, tóc buộc cao, váy ngắn, chân thẳng, hai núm ngực nhấp nhô. Nó xưng con, gọi mẹ với bà xồn xồn. Nó mang về rất nhiều tiền. Bữa nọ gió mát, nó chuyển sang nhà bà ở, rồi thưa về bên nội hơn, rồi thoảng hoặc mới về. Rồi một hôm, nó pha thuốc mê, nhét giẻ vào mồm, trói nghiến bà lại, lấy hết tiền bạc bỏ đi mất biệt...

Lúc đầu nội buồn lắm, nội lại ra đứng bên bờ sông nhìn. Nhưng dòng nước đen sì, đặc quánh, bốc mùi thum thủm. Vài nhân viên vệ sinh cời rác phía dưới nhìn nội nghi hoặc. Càng ngày nội càng hay thở dài hơn, nhưng vẫn trông quán nước đều đặn. Khi con trai nội về thì nội đã già và lẫn lắm rồi. Suốt ngày nội bảo:

-Hoa cải nở vàng chưa con?

- Chuồn chuồn đỏ bay chật nhà mẹ ạ.

- Thế à? Nhiều thế à? Vàng thế à?

Không biết lúc ấy con sông chết chưa, nhưng chẳng ai trong vùng nhắc đến nó nữa, họ gọi đấy là xóm bờ mương.

PHẠM NGỌC LƯƠNG
11.12.2005

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85789)
Tôi biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu, những trận mưa rào còn bất chợt đổ về qua qua ấp Tây Sơn, thứ mưa nóng và ẩm của vùng Qui Nhơn sỏi đá. Suốt quãng đời niên thiếu, hình như Huệ chỉ đi chơi xa có hai lần. Một lần lên Phú Xuân và một lần bơi xuồng băng ngang đầm Thị Nại.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 90203)
Ngày bốn chị em tôi đến phi trường Houston, Texas, anh Bằng ra đón chúng tôi. Tôi đã ngỡ ngàng khi trông thấy anh. Người anh cả của tôi đã mất dáng vẻ của một cậu công tử được bố mẹ nuông chiều, tóc anh để dài hơn trước nhiều, gương mặt gầy guộc hẳn đi, ánh mắt hòa nhã, không còn một chút khó khăn và bướng bỉnh của ngày xưa.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 88360)
TCHL xin giới thiệu một biên khảo mới của GS. Nguyễn Phạm Hùng tại Đại học Quốc gia Hà Nội về Nguyễn Công Trứ, dưới mắt nhìn mới, khác biệt với thành kiến bấy lâu.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 88238)
Sau đám cưới, Cung về đơn vị, tôi vẫn ở nhà với cha mẹ, đợi Cung được biệt phái về dậy học lại, (Bộ Giáo Dục hứa sẽ cho các giáo chức được về vào tháng 10/1969) rồi sẽ ra ở riêng.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 114716)
B ài thơ anh viết lại nhiều lần Ao ước xoá đi niềm đau giữa hai hàng chữ Nhưng làm sao nói lời tỏ tình Với những điều không thật...
11 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 115567)
đếm những bước chân tá túc ở xứ lạ bằng nỗi chật hẹp tù túng nơi quê nhà, mùa xuân trước tôi thấy thênh thang một nỗi buồn, khập khễnh (em đi bên cạnh, rất xa, những chân trần, thui chột gót hồn nhiên)
09 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84025)
Là một dân tộc đã có ít nhất ngàn năm lịch sử thành văn, từng nhiều phen đổ xương máu để bảo vệ chủ quyền của mình và đồng thời mở mang bờ cõi về phía Nam, từ đầu thế kỷ XX, người Việt bắt đầu chiêm nghiệm lý do thất bại của các phong trào Cần Vương, Văn Thân v... v...
08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 97507)
Nguyễn Trung, để đi đến Xám Trắng Đen năm nay hay Bảng Đen năm 2004 là cả một chuổi dài rượt nà theo nghệ thuật. Kể từ những năm năm mươi tại Đàm trường viễn kiến của Nguyễn đức Quỳnh, những năm sáu mươi ký Anh Oanh viết phê bình mỹ thuật trên Văn Nghệ chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, thư ký toà soạn Ngọc Dũng, trị sự Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu )...
08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 115965)
Nắng chiếu óng ánh trên mái tóc ngắn của cậu con trai, chiếc sơ mi mầu xanh dương hơi nhàu nơi hai bàn tay cô gái níu. Cô níu chặt quá, làm cái cổ sơ mi như muốn lật ngửa ra soi rõ một cái gáy thanh xuân mạnh mẽ. Cô gái nằm phía dưới tuy không nhìn rõ hết khuôn mặt, nhưng vầng trán nhô ra rất thanh tân.
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 73439)