- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Căn Gác Mưa

08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 126910)

w-final3-hopluu92-146_0_300x112_1(Tặng Tháng Ba)

 

1.

- Chị đang làm cái gì vậy? Con Thạch Sùng tạch tạch lưỡi hỏi.

- Tâm sự.

- Với ai?

- Tất nhiên với anh yêu của tao rồi.

- Khiếp! Hôm nào trời mưa, em cũng thấy chị động kinh như thế, phát sợ.

- Mày chẳng biết gì, im đi là tốt nhất.

 

Con Thạch Sùng chẳng hiểu gì. Tất nhiên. Em không chấp nó. Anh nhỉ. Đứa con của chúng ta đã lớn rồi đấy. Em thấy nó to bằng ngón út. Anh xem này. Chị dơ ngón tay út lên chiếc bóng 60W ngay trước mắt ngắm nghía săm soi. Con gái chúng mình xinh đẹp và hồng hào, trắng nõn, không xấu xí như thằng Choắt, ngón út thằng Choắt bẩn vô cùng. Có lần em đã nôn oẹ khi thằng Choắt dí ngón út vào đống phân bò rồi bốc cho vào cái sọt nó đeo sau lưng.

- Này! Chị điên ơi! Chị đái dầm ra quần rồi kìa, đi thay đi, khiếp, khai hoắng lên.

- Kệ tao. Mày điên thì có. Tao đái bao giờ. Con gái tao đái dầm đấy. Nó bé xíu. Nó được ít ít tuổi lắm. Nó bé như ngón út đây này. Chị lại dơ ngón út lên khoe khoang với con Thạch Sùng.

 

2.

Mưa! Lại mưa. Từ hôm chuyển về khu phố cổ, em chẳng thể làm gì ngoài mỗi việc nằm im trên căn gác nhỏ, chúi đầu xuống cái cầu thang bé tẹo, ngắm những hạt mưa rơi lộp bộp. Hoặc thảng nghe vài đoạn Khánh Ly ỉ ôi. Nhiều khi, em cũng chán ngấy cái việc nằm và nghe. Nhưng mưa, em ngại bước chân xuống bậc cầu thang, lại phải chào hỏi những người là người. Em gọi điện cho Kitti, nhờ mua chục gói mỳ tôm để sẵn. Ngủ dậy em sẽ đun nước pha cafe, đến pha mỳ gói, đến pha trà mạn. Rồi lại pha cafe, trà mạn, mỳ gói. Những ngày mưa kéo theo những điệp khúc thực phẩm tẻ nhạt ngân dài. Nhưng thà như vậy còn hơn bước chân ra bậc cầu thang bé xíu kia là thấy một bác bị thấp khớp gườm gườm nhắc: "Đi nhẹ thôi cháu nhé, bác ở dưới này cứ thấy trên đấy như đánh trống trận vậy". Bước hết cầu thang ra bể nước công cộng, gặp thêm hai bác từng là giáo viên môn xã hội thời kháng chiến dặn mãi một câu không mệt mỏi: "Nhớ đừng nổ xe trong ngõ nhé!". Dắt xe ra đến cổng mong thoát ra con phố trung tâm nghẹt người kia thì gặp ngay bác cựu cán bộ phường bị áp huyết cao 15 năm, đang ôm ngực ho khù khờ, vừa ho vừa cố nhát ngừng: "Thanh niên giờ ăn mặc cứ gọi là mát mẻ"… Em vẫn phải mỉm cười chào. Thật nhẹ nhàng. Mỉm cười chào. Thật tươi sáng. Dạ vâng thưa gửi chuẩn xác, rồi khi cả xe và người lao giữa dòng người chật chội kia, em tha hồ buông ra những câu chửi rủa về đám già hâm dở trong ngõ phố cũ.

Có dăm ba lần em hối lỗi ăn năn về sự giải toả chửi rủa ấy với chính bản thân. Em sợ mình sẽ xấu tính xấu nết hơn khi sống với họ. Em sợ mình sẽ tẻ nhạt hơn đến mức chẳng bận tâm đến những tiếng kêu ta thán kia của họ. Nhưng em cũng sợ có một hôm nào đó, em sẽ nổi điên và chửi đầy mặt đám những người là người kia một trận tơi bời hoa lá. Em sợ và em lại tưởng tượng trên 10 lần những cảm xúc khác nhau của mình.

Em. Có đôi phần triệu chứng của kẻ điên, tất nhiên, cầm cái bằng thạc sĩ văn chương không điên mới lạ. Em thích tưởng tượng. Suy ra em có tính lãng mạn nhé! Em dễ khóc, dễ cười, chưa yêu ai thật lòng đến mức nhẩy lầu tự tử hay cắt mạch máu quyên sinh như tiểu thuyết Tầu. Nhưng em sẵn sàng đi chợ hoa đêm mua vài trăm ngàn tiền hoa hồng sịn chất đầy giường để chết ngạt bởi mùi hương. Em đã thử tự tử vài lần như vậy mà không ăn thua. Thỉnh thoảng, em có tự tử bằng chai Hennessy. Em uống để chết. Nhưng chỉ say. Em say đến mức giật vài bức tranh giá vài chục đô xuống nền nhà. Sáng tỉnh. Em sót của. Cảm giác sót của lấn át nỗi đau thất tình. Em quên phắt đi chuyện tự tử. Quên phắt đi thằng đàn ông vừa bỏ rơi em. Em dần dần chẳng biết yêu ai.

Ừ. Em xinh. Em khô. Đàn bà con gái phải ẩm ướt. Phải nồng nàn. Khô ai mà chịu thấu. Đời khốn nạn. Mẹ! Xinh mà khô thì chẳng thằng đàn ông nào thèm ngó tới. Em gần như vậy. Chẳng thằng đàn ông nào dám yêu em quá hai tháng. Em đã đau khổ thề thốt là chỉ cần thằng đàn ông nào đó yêu em đến hai tháng cộng một ngày thôi, em sẽ cưới ngay. Nhưng cứ đến hai tháng là thằng đàn ông lại "quất ngựa truy phong" chạy thẳng thừng. Em chẳng biết vì sao nữa. Có lần, anh yêu em đúng vào tháng thiếu, có nghĩa là ngày thứ 58. Ngày thứ 59, em phát điên lên sung sướng, em bắt đầu nghĩ ra đủ viễn cảnh một đám cưới, một gia đình với những đứa con xinh xắn hồng hồng như ngón út. Nhưng đến 23h59 phút của ngày thứ 59, điện thoại reo, em nhấc máy, hạnh phúc nói những lời yêu thương ngô nghê. Anh im lặng. Một phút em độc thoại trôi đi. Anh bắt đầu phút tiếp theo. Phút bắt đầu của một giờ mới. Ngày mới. Và em cũng bắt đầu một tên đàn ông khác anh. Em chẳng buồn khóc nữa. Chai Hennessy lại lăn lóc qua bên cạnh. Em lại tiếp một guồng yêu.

Em hơn 26 tuổi! 8 tháng 10 ngày nữa là tuổi 27. Ngày ngày. Em đi lang thang suốt từ con phố này sang con phố kia, nhìn ngó khuôn mặt, cử chỉ của từng người da vàng mũi tẹt. Em ghi chép những gì còn neo bám lại trong bộ nhớ về những con người ấy vào cuốn sổ nhỏ. Ngày ngày. Em nhìn. Nhớ. Ghi. Em làm việc này cho một tổ chức phi chính phủ của nước ngoài. Chẳng biết họ sẽ làm gì với mớ ghi chép hỗn độn em đem về, nhưng họ trả tiền khá hậu hĩnh: 300 đô cho một tháng. Quá tốt với một thạc sĩ văn chương. Một thạc sĩ chẳng để làm gì trong đất nước mà bằng cử nhân có thể mua, bằng thạc sĩ có thể bán, bằng tiến sĩ có thể trao đổi như mớ rau sạch.

Hà Nội mưa nhiều quá. Chẳng bao giờ em có thể tưởng tượng được ông Ngâu bà Ngâu lại gặp nhau đến hai lần trong năm. Mưa triền miên thối kẽ ngón chân của mấy ông già bà cả nơi ngõ, những tiếng bì bõm, đều đặn, chậm chãi. Những tiếng cằn nhằn kêu ca Ngâu khóc lóc nhiều, mệt. Em nằm, nghe, cười. Nằm, trò chuyện với Thạch Sùng, với anh về đứa con bé như ngón út, xinh đẹp nõn nà. Mỳ tôm hết. Cafe hết. Trà mạn hết. Em cẩu thả buông mái tóc còn nhàu nát bởi chăn nệm. Cẩu thả chui nhanh vào chiếc váy đỏ xuống phố. Em lê lết nỗi chán chường trong chiếc ghế nệm của những Highlands Cafe này đến chiếc ghế sắt của Hapro Cafe khác.

Mưa. Em toàn phải ngắm nghía những khuôn mặt tây nam tây nữ balô đầy tự tin thoả mãn, chẳng hề có nét nhăn nhó, chẳng hề kiểu cách nhún vai ra chiều khó hiểu, chẳng hề có kiểu cười ruồi…chẳng hề đặc trưng Việt lai như các khuôn mặt em đã thấy, đã ghi. Thật khó tìm dăm bảy khuôn mặt ấn tượng của Việt Nam trong những ngày mưa tại những nơi ồn ã này. Thoảng có vài khuôn mặt ta nhưng không mấy thiện cảm, cứ bì bì như miếng bóng lợn mà bà ngoại hay bắt em ngâm nước để nấu canh măng trong mỗi dịp tết, cứ nhìn thấy vài khuôn mặt ấy lại buồn mửa, em đã sợ hãi suốt tuổi thơ cho đến khi bà mất mới thấy yên ổn tâm hồn và cái dạ dầy. Em lật vài trang trong cuốn sổ nhỏ của ngày ghi gần nhất

"… Anh. Thấp. Lùn. Đôi mắt nhỏ, kéo dài. Môi đỏ như con bé 12 tuổi. Tóc đen, dầy, bờm xờm như cậu con trai mới lớn quen thói ngủ muộn…Anh ngồi nói chuyện với một cô gái, chắc họ không là gì.

… Chị. Khuôn mặt thon, dài, cũ kĩ…Anh nhún vai kèm những tiếng ừ hứ trong họng, nghe lai tây, hơi thinh thích khi được ngồi ngắm anh trong quán cafe, ở đúng góc ánh sáng ngược, nhìn anh lúc này chẳng khác nào con quỷ thích chơi trò ú tim đang dọa nạt con nít

…Anh xoè hai bàn tay ra trước mặt chị, chị nhíu mày mỉm cười dường như là thông cảm đối với những điều anh bức xúc…Anh kết thúc bằng cách rút tiền thanh toán, hành động chậm chạp như chờ đợi

…Chị mỉm cưởi bình thản, soi ánh mắt theo những tờ tiền polymer xanh xanh của anh được kẹp cẩn thận, rất chậm vào cuốn menu. Chị đứng dậy, khéo léo tách chiếc váy ra khỏi hai quả mông căng nứt, chiếc váy hơi nhăn, như khuôn mặt và nếp nghĩ mỗi ban mai

… Hắn, vừa ngồi vào quán, khạc nhổ đầy nền đá hoa bóng đen …fuck fuck vài lần trong miệng, vẫn nhai sing-gum, tóc vàng choé, mũi gắn vài hạt đá trắng nho nhỏ

…Cô ngồi cạnh hắn, thọt lỏm trong lòng, dúi tay hắn vào vú, cô thò tay xuống kéo nhẹ chiếc khoá quần bò te tua của hắn…"

Em thôi không đọc nữa, em còn nhớ vài trang viết tiếp theo, em nhớ cảm giác của mình khi cô gái lôi cục thịt của tên bạn trai ra khỏi chiếc khoá quần. Mắt hắn nhắm nghiền lại, đờ đẫn, le lưỡi đầy mồm cô gái, nước bọt rớt đẫm chiếc áo trễ cổ. Em nhớ mình đã tò mò ngắm nghía đôi tình nhân đó qua mắt kính đen đã choán khuôn mặt. Em nhớ mình đã mỉm cười nuốt nước bọt thầm phục họ dũng cảm, đưa nhau vào nơi cộng cộng này kích thích hồn nhiên. Em đặt tay xuống đũng quần. Ướt.

 

 

3.

-Chị điên ơi! Chị lại đái ra quần rồi kìa. Khiếp. Khai hoắng lên đấy.

-Mày im đi. Mày ngu lắm. Tao không đái.

-Chị lại bảo ngón út đái chứ gì. Lêu! Lêu! Lêu…

-Không. Tao không bảo thế. Nhưng tao biết là tao…tao…tao ẩm ướt nhé. Tao không khô.

-Đồ điên. Lại đòi lấy chồng. Lại đòi có con. Rồi sẽ khổ cả đời vì cái lũ ăn bám đấy. Đúng là chẳng biết thì thôi.

 

4.

Em nhặt được cái nhìn của anh trong Seventeen Saloon. Anh im lặng ngồi uống. Người ta đến đây một mình chỉ để tìm bạn. Anh đến một mình để hút thuốc. Uống. Nghe nhạc. Con bé nhân viên thấy em, đưa ra chai rượu, đẩy tới lui vài câu chuyện tục tĩu về đàn ông. Mắt hấp háy mong em hưởng ứng. Em cười, y chang kiểu chào tươi sáng trong ngõ phố cổ, chọn ngồi cạnh anh. Anh đáp cái nhìn xuống khuôn mặt em. Ngực em. Đùi em. Khoảng hở ngắn của lưng em. Anh quay đi uống tiếp. Em nhặt từng cảm giác của cái nhìn. Chẳng rợn ngợp gì. Chẳng ngượng ngùng gì. Mọi thứ thản nhiên như chút lạnh từ máy điều hoà phả xuống. Người đông. Chật chội. Nhạc ồn. Mấy cô gái xinh đẹp người Mã-lai nhẩy nhót tơi tả trên bục gỗ sát mặt đám khách. Những cái nhún, cái lắc. Mọi thứ dường như hài lòng.

Đêm sâu hơn. Saloon tắt. Em siêu vẹo ra cửa. Anh chàng trông xe ăn mặc giả cao bồi Miền Tây dắt xe hộ xuống phố, câu chúc ngủ ngon với nụ cười gợi dục khiến em xực nhớ mình là giống cái, xực nhớ mình đang cô đơn, xực nhớ mình ẩm ướt khát thèm. Em ngao ngán nghĩ đến một sê-ri bồ cũ, chẳng thằng giai nào đực tính ra hồn. Anh níu xệch áo, nói nhẹ: "Làm ơn cho đi nhờ, bé yêu" - Giọng anh nhừa nhựa, em gật đầu. Đấy là cái làm quen ban đầu của anh, em chợt nhận ra anh sẽ là tên đàn ông ăn cắp một thời ngăn ngắn của cuộc đời mình. Tất nhiên, em không biết cụ thể thời gian đó là bao lâu. Một tuần, hai tuần, hay một tháng, hai tháng. Rồi em sẽ nghĩ đến lễ cưới trong nhà thờ, sẽ nghĩ đến những tuýp hoa trắng ngát được kết trang trọng, những bộ váy trắng mặc suốt buổi lễ.

Em nghĩ. Giá như hai tháng chỉ dài bằng thời gian hai tuần thì em đã kết hôn, đã có chồng, đã có những đứa con xinh đẹp trắng muốt như búp hoa huệ. Nhưng hai tháng dài dằng dặc. Những tên đàn ông không yêu em quá hai tháng, không làm tình với em quá hai tháng, không chịu đeo nhẫn hôn ước vào tay em khi chưa sang ngày thứ 61.

Em nằm đây. Nhớ đến anh đầy mê muội, đắm chìm. Anh có năng khiếu bóc tách từng lớp cơ thể em, bóc tách từng cơn run rẩy, từng tiếng thở gấp đầy nhục cảm trong em. Có những lúc, em thấy mình bay vút lên không trung bằng vận tốc ánh sáng mỗi khi anh chạm đến từng ngón chân. Lúc ấy, em mong muốn mình đứt mạch máu não, để được chết khi đang ở trên đỉnh cao của khoái lạc. Những lỗ chân lông của em túa ra chất nhờn nhờn, chúng dính nhơm nhớp. Em lại thèm thuồng. Em lại khát.

 

5.

-Chị điên ơi! Thôi đừng yêu nữa. Đàn ông chẳng tốt đẹp gì đâu. Anh ta sẽ không ở với chị đến ngày thứ 61. Anh ta sẽ không đeo nhẫn cưới vào tay chị. Không dắt chị vào nhà thờ để qùy trước Chúa. Chị sẽ cô độc. Chị sẽ đau khổ.

-Mày câm đi. Tại sao mày luôn ám tao thế. Anh sẽ lấy tao, nhất định vậy. Tao đã ẩm ướt. Tao không khô. Con gái tao sẽ đẹp như ngón út, nó trắng trẻo, hồng hồng xinh xinh.

-Đồ điên. Lại đòi lấy chồng. Lại đòi có con. Rồi sẽ khổ cả đời vì cái lũ ăn bám đấy. Đúng là chẳng biết thì thôi.

 

6.

Mưa. Lại mưa. Thêm lần nữa em nằm một mình trên căn gác, nhìn xuống lối nhỏ ngập nước trong ngõ. Mưa thối kẽ ngón chân các bà già, ông già. Họ lại lầm bầm. Họ muôn đời lầm bầm. Thậm chí chẳng biết mình đang lầm bầm điều gì nữa. Mưa đến buồn chán. Con Thạch Sùng tành tạch lưỡi suốt đêm. Nó buồn vì đã ăn thịt vài con muỗi. Nhưng chuyện đấy chẳng liên quan gì đến chuyện em nhớ anh. Anh là người đàn ông đến và đi trong em, không mảy may suy nghĩ. Đôi lúc, em lần tìm khuôn mặt anh trong ngày, trong đêm, nhưng sao cứ nhập nhoạng… Em không quan tâm đến bao lần anh rời bỏ cơ thể em. Nhưng em muốn biết những con tinh trùng của anh đi đâu… nó ở lại trong em… Con chúng ta đã lớn rồi đấy, nó lớn bằng ngón út... Nó sẽ là con gái. Nó đẹp nõn nà, nó hồng hồng xinh xinh. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 120942)
L ịch sử 4000 năm đã minh chứng, ta mạnh địch lùi, ta lùi địch sẽ lấn lướt. Vậy tại sao chúng ta không biểu tình ôn hòa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, tai sao không rầm rộ kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý, đem Biển Đông ra đàm phán trước Liên Hiệp Quốc. Và quan trọng nữa, phải cho Trung Quốc biết ý chí quyết tâm giữ mỗi thước đất, mỗi thước biển của 90 triệu dân Việt. Hãy để tuổi trẻ Việt Nam nói lên tiếng nói tự trọng của một dân tộc, cho dù yếu sức cũng không đớn hèn.
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 102064)
"... B iểu hiện rực rỡ nhất của hoài niệm, là hoài niệm quê nhà, mà thực chất, cũng nằm trong chuỗi đơn cảm giác có tính cá nhân. Nên dễ nhận ra, chuỗi cảm giác đầu tiên là hướng về mô tả cảnh trí, phong vị tập quán, với một vóc dáng thi pháp ca dao đậm đà cảm hứng cội nguồn, đôi khi mang máng giọng điệu Tự Lực văn đoàn, đẹp, lãng mạn mà bùi ngùi.."
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 108707)
S áng nay Du về và tôi sẽ đi đón cô. Gã thầy thuốc có cái đầu trơn tuột chắc đã chán chê Du nên tôi vừa mở miệng là gật liền, gật mạnh và nhanh đến nỗi chút xíu nữa cái đầu kỳ dị của gã văng khỏi vai. [...] Du sẽ không còn lang thang dưới rặng dương liễu hay trên mái ngói lơ thơ những nhánh bồ đường vào những đêm khô nóng. Tôi sẽ không để cho ánh trăng tìm thấy cô.
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 101826)
Trong mọi cuộc chiến tranh, chiến tranh nào cũng vậy, không có kẻ thắng. Nhưng bao giờ cũng có một kẻ bại, một kẻ bại duy nhất - là nhân dân. [...] Đừng lừa dối nhân dân bằng những lời nói suông. Nhân dân rất sáng suốt. Người ta biết ai là người trung thực và kẻ nào là tên bịp bợm. Hãy nhớ lời Nguyễn Trãi “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
26 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 123782)
S inh viên Việt Nam tốt nghiệp ở các trường giỏi trong nước khi ra nước ngoài tiếp tục học ở các trường cấp trên thường đạt thành công không mấy khó khăn. Thế nhưng, khi nhìn vào chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay và theo dõi báo động của các nhà giáo dục trong nước, khó thể phủ nhận một thực tế là giáo dục tại Việt nam đang có vấn đề, ở mức độ khủng hoảng. Khủng hoảng hiện diện trong rất nhiều lãnh vực khác nhau của giáo dục.
24 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 130611)
B ằng giọt nước rơi thầm khoảng nắng Bằng tiếng dương cầm Nhẹ sâu tháng năm Bằng ánh mắt tan vào mộng tưởng Xuyên qua em Cơ hồ mênh mông
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 105354)
T rường thơ Loạn manh nha từ nhóm thơ Bình Định với những tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên. Đến năm 1936, nhận thấy tính khuynh hướng nổi trội trong sáng tác của từng người, Hàn Mặc Tử đã chủ trương thành lập trường thơ Loạn cùng với Yến Lan, Bích Khê và Chế Lan Viên. Từ đó mà trường thơ Loạn thực hiện cuộc hành trình đi từ âm vang Đường thi đến thung lũng đau thương , tràn bờ sang cả những bóng ma Hời trên tháp Chàm u uẩn, rồi chọn cho mình điểm dừng ở cuộc duy tân của Bích Khê.
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 112799)
C ơn mưa từ chiều đến giữa đêm vẫn chưa chấm dứt. Những cuộc hành hình liên tiếp bằng cách quấn rơm chung quanh kẻ bạo loạn rồi đốt giống như thui chó mấy ngày trước thịt vẫn còn khét. Sư bần thần đi lại trong thư phòng. Bất chợt một tiếng sét lớn sáng lòa đánh ngang cây gạo trước cổng chùa. Sư nghe thấy tiếng cây đổ vang dội trong tâm khảm. Điềm báo đến. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, sư ngồi xuống, xếp bằng hai chân. Tịnh.
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 94197)
... c ái bản sắc nói chung cho người Việt hải ngọai khắp nơi trong cộng đồng thế giới với biết bao dị biệt. Họ sẽ được giáo dục, có văn hóa, và có tiếng nói khác nhau. Quê hương đáng lẽ phải là những điểm chuẩn chung để mọi người còn có một cái gì để noi theo. Đó là niềm kiêu hãnh, là tình tự dân tộc, là đạo đức chính trị, là đạo đức kinh doanh, nếu chỉ thấy cái thua kém, thù hận, và ô nhiễm mọi mặt. thì có lẽ đã muộn rồi. Như đàn cá hồi khi ra biển rộng, lúc tìm đường về, nhưng cái tổ cũ đã bị phá bỏ, các kinh rạch cũ đã bị rác rưởi lấp kín, thì chắc là lại ra đi, về vùng vẫy tự do ở vùng biển rộng trời cao...
14 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 113315)
C hính phủ Hoa Kỳ ngày 12 tháng 5 loan báo cho công khai tập tài liệu nổi tiếng mang tên Hồ sơ Ngũ Giác Đài, sau khi các tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam từng một thời được xem là tối mật bị tiết lộ với báo chí cách nay 4 thập niên.