- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cát Hoang

06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 121449)

dune_sable_2_0_300x225_1Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ. Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo. Chó mèo của con họ lại đi rình bắt thỏ nhà khác. Bắt được lại thả ra, thả ra lại rình bắt. Con họ thì vỗ tay, thì nựng nịu những con vật cưng ấy. Con họ chòng ghẹo nhau. Con họ rất thích buổi tối. Tối đến chúng núp sau lùm cây, chúng nhìn bóng đen lúi húi, bóng đen đi từng cặp. Mùa hè nóng, bóng đen gửi xe rồi đi bộ lên cầu, xuống bãi giữa này rồi họ lúi húi.

Bãi đất nổi giữa dòng sông, nhô cao hẳn lên và chạy thành vạch dài. Bãi đất chỉ có ngô, rau và lùm, bụi. Bãi đất không có cây mọc quá đầu người. Bãi đất không có điện, người ta đốt nến, đốt dầu, nhưng tối đến người ta không đốt gì cả, người ta chui vào trong nhà. Hai cây cầu bắc qua sông, bắc qua đầu họ. Đèn trên cầu rất sáng, họ nhầm lẫn cả, trăng không còn trăng nữa, sao không còn sao nữa.

Con họ không đi học. Họ không cho con đi học. Họ, lọt thỏm giữa dòng sông, giữa hai con đê hùng vĩ, nhà cao tầng và một chùm ánh sáng không bao giờ chiếu tới. Phía trên đầu họ mênh mông, họ đủ thấp để không nhìn lên cao. Phía trên đầu họ là hai cây cầu, tàu hú còi trên đầu, ô-tô lũ lượt kéo nhau đi, xe đạp, xe máy và có cả bước chân người, nhưng họ đủ thấp để không cảm thấy gì cả.

Bao quanh bãi đất là một dải cát khá rộng, thấp, sát mặt nước, nhiều chỗ ngấm nước mềm sựt. Sáng sớm, như một thói quen, họ lại đứng trên cao nhìn theo con nước rút. Cát phơi mình ẩm ướt, bọ nước lao xao chạy. Họ xắn cao quần bước thận trọng. Cát nhún nhún. Dấu bàn chân in thành hàng. Bọn trẻ cũng đứng trên cao, nhưng chúng không được phép xuống. Lũ thỏ đẻ rất nhanh, chúng ri ri khắp các luống rau, ri ri cạnh các thân ngô. Đàn bà đứng chống cán cuốc cau mày. Đàn bà nhốt thỏ đực vào chuồng. Đàn bà ném thỏ cái cho lũ trẻ. Đàn bà không ném chúng vào nồi. Đàn bà không cần thịt.

Một hôm có người con gái xuất hiện. “Con điên” họ nháy nhau. Cô điên ngồi trên bãi cát, dùng gậy vạch ngoằn ngoèo trên cát, lẩm nhẩm. “Kệ nó. Con điên” - Họ nháy nhau. Lũ trẻ mò tới. Cô vẫy tay. Lũ trẻ lùi ra. Cô cúi mặt xuống. Lũ trẻ tới gần. Cô vạch xuống đất. “A”. Cô nhìn lũ trẻ.” A”. Cô chỉ xuống đất.” A”. Cô vẫy tay.” A”. Lũ trẻ nhìn nhau. Lũ trẻ “A”. “Chữ đấy” - Một người nói. “Chữ” - Họ gật đầu với nhau. Cô vạch ra cát, lũ trẻ vạch ra cát. Người ta chăng mấy tấm vải bạt rách tả tơi thành lều. Cô trốn họ, núp trong bụi cây thò mặt ra cười. Lũ thỏ nhảy lóc chóc vào lều, chúng ri ri gặm cà rốt. Cô nhảy theo ri ri với chúng. Mắt cô ngơ ngơ. “Cô giáo điên”. Lũ trẻ rón rén bịt mắt cô lại, chúng nắm tay nhau xoay tròn quanh cô. “Bịt mắt bắt dê”. “Hé hé hé...”. Cô rú lên cười ằng ặc. “ù à ù ập”. Chúng duỗi hai tay, vừa nhún nhẩy vừa bước lùi ra xa. Cô ngênh đầu, quờ quạng tay. “Ngồi sập xuống đây”. Chúng hét váng vào tai cô. “Hé hé hé...”. Cô rú lên sằng sặc.

Ngày ngày, tháng tháng, lũ trẻ đứng trên cao, chúng nhìn đàn bà xắn quần lội trên cát vào sáng sớm, chúng nhìn bóng đen lúi húi vào tối mịt, chúng “A A B B” vào buổi trưa. Một lần chúng nhìn thấy những con thuyền neo ngoài bãi cát. Chúng chỉ cho mẹ. “Cực quá các chị ạ, chúng em đành phải bỏ làng mà đi, may ra sống được”. Đàn bà sụt sịt cầm tay nhau. Đàn ông cúi gầm mặt xuống. Đàn bà có con, mắt rạng theo làn khói trắng quấn trên nắp vung nồi cơm chiều đang sôi. Đàn bà có chồng sụt sịt. Đàn bà bắt thỏ làm thịt. Đàn bà rót rượu. Mùi rượu thơm nồng.

Cô điên ngồi tịt trong lều. Cô quan sát họ qua lỗ thủng trên vách, qua khóm cây lúp xúp, qua mô đất thoải. Họ đi, họ đứng, bưng, bê. Lũ thỏ ri ri gặm cà rốt. Cô ngồi thu lu một góc. Một người thấy cái lều. Một người đàn ông. Người đàn ông tiến lại. Cô xua tay, lắc đầu, mắt trợn trừng, cuống cuồng bỏ chạy. Người đàn ông ngạc nhiên đứng sững rồi hềnh hệch cười.

Ngày ngày, tháng tháng, bọn con trai bắt đầu vỡ giọng, lũ thỏ nhảy lóc chóc, chó mèo kiếm chỗ làm ổ và hoạnh họe với mọi thứ. Trẻ con trồng rau, bẻ ngô. Đàn bà đem rau và ngô lên cầu ngồi bán, từng thúng, từng thúng một, người ta cũng mua từng thúng, từng thúng một. Chó mèo con ra đời, chó mèo lớn vênh vang đi lại, chúng gầm gè những bóng đen lúi húi ở bãi cát, bọn thỏ buồn nhai cà rốt trong lều. Cô điên nằm thở dốc. Bụng cô ngày một to, đến nay đã quá to. Cô không ra bãi cát. Bãi giữa nhốn nháo, họ túm nhau lại ngồi trước lều cô. Đàn bà quắc mắt nhìn đàn ông, đàn ông ngấm ngầm rủa nhau, vợ bọn đàn ông găm đay nghiến vào trán chồng. Họ nhốn nháo.

“Của tao, của chúng tao thiu hay sao mà phải ấy con điên”.

“Thằng khốn nào ăn vụng không chùi mép thế”.

“Có cái của mà đút cũng không đúng chỗ. Tiên sư đời”.

“Mẹ khiếp nó nhanh hơn ông”.

Cô điên ôm bụng. Cô điên rên. Bọn thỏ ri ri quanh lều. Đàn bà có con phủi quần bỏ về. Đàn ông lủi mất. Vợ bọn đàn ông bậm môi bật máu, xúm quanh cô điên lào xào:

“Ối chà! thế là cô điên sắp làm mẹ rồi đấy.”

“Khí con trai. Mừng nhá”.

“Ai đun nước nào, đun sôi vào”.

“Khăn sạch đâu”...

Họ ngoạc mồm ra, họ phùng mang, tay họ ấn, họ lần, họ bóp, họ nắn xem còn cái của nào dắt ở đấy. Cô đau, cô rú lên ằng ặc. Tay cô vung loạn xị, cào, cấu, mắt đỏ xọc. Vợ bọn đàn ông dạt ra, rồi lại xắn tay lao vào.

“Yên nào, để bọn chị giúp”.

“Hỏng bây giờ. Hỏng... Đ.mẹ con điên”.

“Á á á...”

*

Khi tỉnh lại thì chỉ còn mình cô. Trời đã sáng. Vài dòng bụi chui qua lỗ hổng ở tấm bạt khoanh từng lỗ xuống đất, chúng nhẩy nhót trên những tia nắng - lũ bụi. Cô hé mắt, mí mắt thâm đen sâu trũng vụt mở rồi nhắm lại. Cô há miệng nuốt khan không khí, bờ môi nứt khô, mớ tóc bết mồ hôi ngả rũ ra theo cái bức non tháng bốn. Mùi tanh ngái nồng trong lều bu ruồi đến, chúng vo ve bên tai. Cô lắc đầu, lắc mạnh đầu, ngọ nguậy. Ruồi tản ra, ruồi bu lại. Khát quá. Cô há miệng hớp không khí rồi rướn người bò ra khỏi lều. Cô bò xuống suờn đất thoải. Cô bò ngang qua bụi thấp, bò qua hoa dại. Cỏ gà vướng vào tay. Cô bò xuống cát khô. Cát lạo xạo, lạo xạo. Cô bò xuống cát mềm. Cát nhun nhún. Cô vục mặt vào nước. Dòng nước đục phù sa. Uống ừng ực. Nước mát. Cô chụm ngón, vốc nước. Tõm tũm. Nước văng tung tóe. Tõm tũm.

“Tỉnh rồi đấy hả? Vui nhỉ!”

“Đỡ chút nào chửa? Khỏe chửa?

Mấy người đàn bà ngồi giặt gần đấy. Mấy người đàn bà hích hích. Cô ngẩn ra rồi hốt nhiên đưa tay xuống bụng. Xẹp lép. Cô chết trân. Xẹp lép. Cô đấm vào bụng. Bùm bụp. Đau. Cô ngã vật ra.

“Ấy, làm gì thế, chưa khỏe hẳn đâu, đừng làm thế.”

Họ giữ tay cô lại. Cô ngây ngô. Mắt cô rơm rớm. Nước chảy vòng qua từng mô gồ trên mặt. Cô nghiêng đầu.

“Sinh ba đấy, sinh hẳn ba đứa cơ đấy. Đẹp lắm nhé!”

“Nhờ người khác nuôi hộ rồi. Yên tâm nhá”.

“Rồi hôm nào lại chửa, lại đẻ”.

Họ huých nhau, hinh hích. Cô quay nhìn một người. Họ cười. Cô quay nhìn một người. Họ cười. Ai cũng cười. Họ ngoạc mồm ra cười. “Ú ớ ú ớ”. Cô vùng đứng dậy. “A âu ú ớ âu âu”. Cô đẩy họ. Cô chạy. Cát rung rinh dưới chân. Cô xé mảnh áo. Cát sậm sựt. Mọi người gọi:

“Đừng chạy nữa. Nguy hiểm lắm”.

Cô xé ống tay. Cát nhún nhún. Nước nhỏ giọt xuống cằm. Tong tỏng. Mọi người dừng lại, nhăn mặt, gọi với theo:

“Dừng lại đi, quay về đây”.

“Ú ớ u ơ âu âu”. Cô cảm giác có cái gì đó tách ra, rớt xuống, từng giọt, từng giọt một. Nó loang ra cái váy ngắn ai đó mặc cho cô. Đỏ. Nó xuôi thành dòng theo bắp chân. Thành dòng. Vo tròn từng hạt lẫn vào cát. Đỏ. Cát mềm sựt, cát há ra. Cô ngoắc tay lên trời. Lựt xựt... Không một tiếng động, không tiếng kêu, không bóng dáng. Họ lùi lại, họ ồ lên, họ ú ớ.... Đàn ông từ đâu sầm sập chạy tới, thì thào:

“Ba đứa sao rồi?”

“Để xa lắm. Yên tâm, xa lắm, không ai biết.”

“Nó đâu?”

“Sụt xuống cát rồi. Kia, kia kìa, còn vạt áo đấy.”

Bọn nhỏ lúi húi vạch xuống cát.

Ngày tháng, ngày tháng. Lũ trẻ cao lên. Con trai tảng sáng đi vào phố. Con gái gánh gồng lên cầu bán. Người ta kéo nhau xuống bãi giữa”dzô dzô” rồi châm lửa đốt. Lửa lẹt xẹt đến sáng.

Ngày tháng, ngày tháng. Lũ trẻ ở phố kéo xuống bãi cát chơi. Thỏ nhảy lóc chóc. Chúng đá bóng, đuổi bắt. Chúng chạy. Chạy trên cát. Sụt... sụt... sụt... Chúng run bắn lên, chúng ôm chầm lấy nhau, hét loạn xị. Đàn ông đàn bà bấm nhau. “Ba đứa, ba đứa đấy”.

PHẠM NGỌC LƯỢNG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103192)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86535)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92025)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 108428)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83702)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82721)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75086)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80058)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.
28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 84836)
Con tàu đã trở nên ọp ẹp, mấy mươi năm còn gì. Người ta nói đây là chuyến tàu tốt nhất hiện nay. Hành khách bực dọc phàn nàn tốt gì mà tốt, như đống sắt vụn, làm như họ là kẻ trên trời rơi xuống không bằng.
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 88148)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?