- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mùa Ngâu

07 Tháng Mười Hai 201411:10 CH(Xem: 28902)
Lanh-PhamAnhDung
Lạnh - ảnh Phạm Anh Dũng


Ngày và đêm đã báo hiệu một mùa Ngâu nữa.
Những đám mây đen lướt thướt từ rạng ngày đó, và màn sương hơi nước là đà trên ngọn cây, tia mặt trời rét mướt không xuyên qua nổi đám mây hình tầng tháp ngược để đến được đồng cỏ, và ngọn cỏ se mình trĩu nặng tiếng thở dài của đêm sâu, tất cả báo hiệu mùa Ngâu.
Dòng sông sau nhà lấp xấp con nước, lục bình từ đâu ùa về nhiều đếm không xuể được, sắc tím nhàn nhạt rưng rưng dập dềnh nổi trôi thứ "nhan sắc muộn phiền".
Và gió, cơ man nào là gió rền rĩ, kêu than, xào xạc trên từng cao kia xanh lá, lang thang dật dờ trên khắp cánh đồng, xộc vào áo, tung tóe vào tóc, quẩn quanh lạnh ngắt tay chân khi đêm về.
Và một trời sao lặng lờ dấu ánh mắt hăm hở về tối, trăng non đầu mùa như nửa vành móng tay màu hồng nhạt cũng không thấy nữa.
Chỉ còn một dải ngân hà sáng bạc, như một dòng uốn khúc miên man, vô tận, vô tình vắt ngang trên bầu trời.
Mùa Ngâu lại về rồi!
Nghe trong tiếng mưa đã có mùi khóc than, bạc nhược, đã có hơi héo hắt ảo não u sầu. Những cung trường đoản đứt đoạn trong đêm khuya trỗi lên không ngớt...

Tình là tình vì đâu?
Người và người lìa nhau
sao vội yêu chi để biết đau.
Ai hỏi sầu là gì?
ai hỏi yêu là gì?
Nhìn lên trời cao,
chỉ thấy mây trôi,
chỉ thấy sao trôi
chỉ thấy sầu thương không dứt!...

Đó là khúc đoạn trường của mùa Ngâu tháng bảy. Bao giờ cũng vậy, đến mỗi mùa ngâu, ông già mù đánh đờn cuối hẻm lại đem chiếc cần đàn đã ẩm ra phơi, rồi gõ lên mấy tiếng sắc cạnh thê lương hòa quyện với hơi mây, hơi sương, hơi mưa mà thành khúc Ngâu ẩn ức...

Những người đàn bà trong xóm lục tục hong áo nâu trong hơi khói mù mịt , mùi ẩm ương ngây ngất bốc lên khắp mấy gian nhà. Có người cho thêm vỏ quế vào bếp, có người rắc thêm chút trầm, rồi những đêm rằm, dù mịt mù không trăng, mùi hương sẽ bốc thẳng lên trời cao dịu nhĩu một vùng u uất.

Những người đàn ông mắt nhìn xa vào chân trời không đi đến được. Chân trời vào mùa ngâu mướt màu tím khói, lãng đãng vừa xa vừa gần, gợi nhiều nỗ niềm tiếc thương, chiều thì hoang vắng mà đêm là trống rỗng.

Chiều chị ra đứng bên hàng rào, tay vịn vào kẽm gai đến trầy sướt mà không hay. Đã ứa máu đến tận sâu trong tim, người ta còn thấy đau đớn chi đến ngoại thân da thịt. Mẹ nhìn theo mà thì thầm. 

Chị là nhan sắc của muộn phiền, mẹ than thở. Nhan sắc đàn bà song hành với thời gian và tiếng thở dài. Thời gian lướt qua còn ghi dấu lại đã đành, mà tiếng thở dài không nuốt trọn vào đêm sâu, không trôi ngược vào bụng dạ sâu sắc rối bời bời mà quấn quyện trên làn da, cơ mặt thành những đường rãnh chi chít vì nhớ thương và đợi chờ.

Thân đàn bà có thì, đợi chờ chi cho cơ cực. Mẹ che miệng rì rầm.

Mà là đàn bà nhan sắc, càng tăng thêm vẻ bi thương của đợi chờ.
Chị là một nhan sắc của làng. Nhan sắc không được thừa nhận. Vì mẹ chị sinh rớt dưới nước, người ta rủ rỉ với nhau, từ 9 tháng 10 ngày trước hình thành trong dạ nhau của người mẹ, đứa trẻ đã bị thủy thần đánh dấu. Ngày tiếng khóc của chị chạm vào làn nước xanh như sắc trời tháng bảy mùa ngâu là ngày thủy thần trồi lên nhìn mặt con dâu, con nước chưa bao giờ xiết lớn đến thế, trôi mất một cù lao chỉ trong một giờ đồng hồ!

Vậy là duyên số chị đã định đoạt, không ai dám rước về một nhan sắc "họa thủy" sinh ra vào tháng bảy mùa Ngâu, lại thêm nốt ruồi đen nhỏ như hột đậu chìm sâu dưới khóe, "trích lệ tương phu" chỉ khổ khóc chồng, đã hết đâu còn thêm lúm đồng tiền sâu hoắm rờ rỡ dưới gò má cao màu mận ửng, sâu như một hồ chứa lệ ngầm.

Vậy là người ta có để ý, có chọc ghẹo, có lăng nhăng, có thương thầm, trộm nhớ, có đêm về bụng dạ râm ran, nhưng chưa một ai dám ngỏ ý rước chị về nhà làm vợ.

Đàn bà mà không ai rước, chẳng họa trước cũng họa sau. Mẹ rên rỉ. Không chi hãnh diện bằng đàn bà có người rước về, dẫu rước về để cắm đầu vào chảo cám heo, ngập tay chân trong bùn ao hái rau, thái chuối, hay đẻ quanh năm sòn sòn từ khi son rỗi đến lúc má xệ lưng còng, vẫn ngẩng cao đầu xênh xang hơn thứ đàn bà không ai rước. Đã là ước lệ của tục làng.

Cho đến ngày người đàn ông đó tới.
Thật ra chưa ai thấy được khuôn mặt của người đàn ông đó. Anh ta chỉ đến trong bóng đêm, rạng ngày đã đi. Hò hẹn bắt đầu từ tháng bảy, khi những trận mưa rỉ rả trắng trời, mù đất làm lòng người ta như dịu ra, nhũn đi trong nỗi sầu mang mang đất trời. Khi đó họ gặp nhau.

Ký ức của người đàn ông đó thật đẹp trong chị. Những ngày vui, ký ức đó ẩn hiện trong môi cười thắm và mắt sáng lóng lánh, như cả hồ nước rờn rợn hơi thu mong manh về hết trong mắt nhan sắc vốn muộn phiền.
Dù ký ức đó chỉ là về đêm, vòng tay ôm xiết cũng trong đêm, hơi thở rạo rực hòa trong tiếng nước sông hối hả và cỏ ướt dưới thân mềm hơn nhung lụa là gối đầu.

Ký ức sau này chị kể lại buồn như nước mà rực rỡ như nước.

Và người ấy cũng ra đi như con nước đến kỳ trở về biển. 
Mấy lần tò mò em hỏi gặng, chị chỉ cười rất xa vắng: anh ấy trong veo như nước, mà cũng sâu đằm như nước, vừa dịu dàng như nước vừa cuồng nhiệt như nước.

Em suy nghĩ, con người đến 78.8% phần trăm cơ thể là nước, thiếu nước có ai sống được, vậy người đàn ông bí ẩn đó là ai?

Khi em kể chị nghe chuyện mối tình Trương Chi Mỵ nương, đến đoạn chàng trai si tình chết đi, khối tình si còn tụ lại một viên ngọc trong vắt, chị bụm mặt khóc, nước mắt tuôn từ khóe mắt đen rức đa tình, lăn dài đọng trong lúm đồng tiền như hồ lệ. rồi xòe ra viên cuội trắng tròn vành vạnh, không vết nứt, chị nhặt được bên bờ cỏ sau những ngày hẹn hò và đợi chờ. Tình nước chỉ còn một viên cuội này mà thôi.

Em giấu chị không kể tiếp đoạn hậu của truyện khi Mỵ nương nhỏ lệ vào chén ngọc, chén ngọc vỡ tan và bóng chàng Trương chi cũng theo khói bay lên mà khuất. Hận tình được đền bằng chút tình bao nhiêu oan khuất đều tiêu tan.

Nước mắt chị nhỏ vào đá cuội bao nhiêu đêm, đá vẫn trơ lì không mòn. Tình dẫu đầy như nước nhưng lòng người lãng quên chỉ là đá cuội. Đá cuội không biết đau, không biết nhớ nhau, không biết u sầu.

Và chiều nay chị lại ra sát bên hàng rào, hai bàn tay cắm sâu vào kẽm gai không thấy nhói. Rồi cứ đứng vậy cho đến khi dải ngân hà màu sữa bạc uyển chuyển rùng rùng kéo qua bầu trời đêm trong hành trình vô tận vào tháng bảy.

Mùa ngâu đã bắt đầu rồi!
UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89221)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 110309)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91065)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 90619)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 80955)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85417)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86539)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 77683)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 99580)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 80583)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.