- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chân Không

02 Tháng Mười Một 20142:32 SA(Xem: 30956)
Nguyen Hoang Nam - song
Sóng / ảnh Nguyễn Hoàng Nam


Chúng đang bị tiêu đi. Nhà của tôi. Cái cơ ngoai sáu tầng, với vườn tược, bể bơi, những gian kiến trúc Tây Âu, phòng để sách, rượu, đồ cổ…biến mất dần như bị nung chảy. Cái bể cá ở phòng khách đã không thấy nữa. Cũng trong phòng khách, tôi không còn thấy cặp sừng voi Tây tạng, bộ lông Bạch Hổ trải lót sàn. Những chai rượu rắn hổ, bò cạp rỗng ruột. Một ít chai thì còn lưu lại một mẩu da rắn, hoặc một, hai cái chân rết. Nửa giây khi con mắt tôi nhìn vào, số tàn vật biến mất. Một ngày sau, tôi không vào được phòng khách vì cái cầu thang uốn hình xoắn ốc đã bị tiêu mất. Chỉ còn lại một khoảng trống lớn và xa giữa nơi tôi đứng và phòng khách. Tôi đoán rằng cũng chẳng còn gì thừa lại trong phòng khách. Mấy ngày trước, tôi không còn nghe thấy tiếng xòe đuôi của con công trắng tôi mua từ Pardubice. Con công vẫn ngoài vườn. Vẫn đi lại, vẫn ăn được thóc ngô, uống được nước. Nó không xòe đuôi nữa vì bộ lông vũ đã trụi sạch. Con công đi lại, ngúc ngoắc cái đuôi cụt ngủn và bất lực. Đám giúp việc nhà tôi chẳng còn ai. Bọn chúng hoặc xin nghỉ, hoặc đã lén lút trốn mà không cần nhận tiền công. Một vài đứa có hỏi tôi về bạn của mình. Tôi nói không biết. Lúc này đây, vách tường phòng đồ cổ bị khoét một lỗ lớn. Dưới đất không thấy vỏi tường, bụi dính lại. Nó đang bị tiêu đi.

            Đứng bên ngoài nhìn, nhà của tôi vẫn vậy. Còn khang trang, rộng lớn, toát vẻ khí phái. Tầng bốn đã bị tiêu hết. Chẳng còn tường, nóc hay mặt sàn. Lúc mở cửa phòng, chỉ thấy một khoảng không rỗng hoác. Từng có lần tôi vấp ngã và lộn cổ xuống tầng dưới. Chới với, may sao tôi ngã đúng vào cái đệm. Tôi không biết nhà mình bị thế từ bao giờ. Thoạt tiên, tôi chỉ thấy mất đi mấy món đồ cổ, chậu hoa cảnh. Rồi những vật dụng mất đi. Phòng tranh ở tầng bốn chỉ còn trơ khung. Sơn dầu, Phố Phái, Dã Thú rồi Salvador biến mất một cách quái lạ. Tôi không nghĩ là có trộm vì camera vẫn hoạt động. Mở các đoạn phim, tôi được thấy tường tận. Một trong các đoạn phim, ghi lại việc cái bình gốm thời Gia Long biến mất. Cái bình trong tủ kính chống đạn, có khóa mật mã. Không thấy một bóng đen khả nghi. Rồi thì, chiếc bình bị tan đi một nửa. Một chốc sau, nửa còn lại cũng tan biến theo. Thước phim được chiếu đi chiếu lại cả chục lần. Và vẫn thế. Từng món đồ cổ đều bị tan rữa vào hư không theo cách như vậy. Sau này, tôi không xem lại phim trên camera. Những món đồ đã bị cái gì đó hút mất ư? Không có một tên đạo trích nào. Tôi nghĩ về một loại mối phàm ăn, có bộ hàm thép đang trú ẩn nơi nào đó trong nhà. Đoạn phim trên camera đã xóa bỏ giả thiết đấy. Không có con vật nào. Chỉ có sự tiêu biến vào cát bụi.

            Vách của từng phòng bị mòn đi và tiêu biến mất. Cái bể bơi bị rút cạn nước, khu vườn sau nhà cũng trơ trụi như một mả đất hoang.

            Tôi phải đi rất cẩn thận vì bất cứ lúc nào cũng có thể mắc chân vào một lỗ thủng dưới sàn. Vết hổng đáy nhỏ thì chân tôi bị tụt xuống, lớn hơn thì nửa người kẹt lại như sa xuống đầm lầy. Những vụ tiêu biến vô tăm tích vẫn như vậy. Kéo dài, và thường xuyên như một thời khóa biểu. Tôi gọi một số người đến chơi. Bọn họ được tôi kể về cái nhà mình. Chẳng ai tin. Lúc nói về những hốc thủng quanh nhà, họ cười và bảo tôi có sở thích quái gở. Ngày hôm sau, đám người đã đi đâu mất. Gian phòng nơi đám người ngủ qua đêm, đã bị tiêu đi mất. Bên ngoài nhà vẫn thế. Thật quái lạ khi nhiều tầng nhà đã bị tiêu đến mức trở thành một cái khung. Vậy mà nhà tôi chưa nghiêng, chưa sập chỗ nào. Nhìn vẫn rất vững trãi.

            “Từ lúc nào?” – Tôi tự hỏi, tự nói, rồi trả lời bằng chính câu đấy. Tôi nằm ở tầng một, và nhìn thẳng được lên tầng ba. Sàn gạch bị thủng lỗ chỗ. Không một viên gạch nào rơi xuống, cát cũng thế. Nhìn những góc tủ bị gặm thủng, còn chẳng thấy mạt gỗ hay mùn cưa. Đường ống nước, điện đóm vẫn ổn định. Lúc mở vòi, nước vẫn chảy. Cũng chỉ một thời gian, rồi nước cũng cạn. Thoạt tiên nước chảy bé, rồi chỉ vài giọt rỉ ra. Mở vòi cả ngày, số nước rỉ còn chưa làm đầy một bát cơm. Đường ống không trục trặc gì, chỉ là vặn không ra nước. Tôi đoán mạch nước ngầm nhà tôi bị ứ đọng, hoặc thoát đi đâu đấy. Có thể lắm, nếu nghĩ số nước ngầm đã bị tiêu biến đi, như nhà của tôi giờ đây. Ánh sáng có thể đi qua một lỗ nhỏ trên tường và dùi đến tận móng nhà. Nếu tôi nằm, tia sáng sẽ đâm thẳng và bóc con mắt đang khép lại của tôi bằng luồng nhiệt tăng từ từ. Chính Ngọ, nhà tôi như một cái lò lửa. Vô vàn tia nắng đâm xen kẽ nhau, kéo vào nhà. Vì chẳng còn vật dụng nào nên tia nắng chiếu thành đường thẳng, từ nóc tầng sáu xuống nền tầng một. Tôi bị bủa vây bởi các đường sáng. Nắm lấy một viên gạch lót nền để đội lên đầu thay mũ. Một tíc tắc, viên gạch tan mất như bọt xà phòng.

            Tổng thể nhà vẫn vững như bàn thạch. Tường nhà lõm sâu như dính phải acid đậm đặc. Lần này tôi thấy rõ, sự bào thực rất nhanh và theo từng khắc. Cái két của tôi đã bị tiêu hết sắt thép, nắm kéo cửa. Ngay đến một cái đinh ốc cũng chẳng rớt lại. Riêng số đô la, vàng, tiền mặt và cổ phiếu là còn. Đấy cũng là may, vì tôi có thể mua nước, đồ ăn hay cái ra giường để nằm tạm dù biết chắc chúng sẽ tiêu biến đi.

            Tường nhà mỏng tang như làm bằng giấy. Một mũi kim nhỏ cũng có thể đâm xuyên thấu tường nhà. Chạm tay vào, toàn thể nhà ngả nghiêng. Một cơn gió nhỏ cũng có thể cuốn nhà tôi sang phương Bắc. Ấy thế mà nhà tôi vẫn chưa bị kéo sập, chưa bị thổi mất dù lúc này nó chỉ còn là một cái khung rỗng. Mái nhà chưa tiêu mất. Nó còn lồ lộ trên đầu tôi, nhưng nếu có nắng, có mưa thì tôi chẳng tránh đâu được. Lúc sấm đánh, tôi cảm thấy như bị đánh ngay bên tai. Tôi còn nhìn thấy ánh sét ngoằn ngoèo in trên mái nhà. Hệt như vốn trên mái đã có hình vẽ ánh sét, và vô tình luồng sét đánh đấy ướm đúng vào hình vẽ. “Mái nhà làm bằng thứ nguyên liệu trong, bằng pha lê, thủy tinh siêu bền hoặc băng hàn ngàn năm…” – Tôi tự lẩm bẩm nhiều lần để sáo ngôn ăn thẳng vào trí não, trở thành tượng hình. Dù thế, nửa não bộ của tôi vẫn biết mái nhà được làm bằng ngói, bê tông loại một.

            Nhân viên đưa cơm đến nhà tôi. Gõ cửa. Hắn chưa kịp lấy tiền hàng thì nửa bên người của hắn bị ăn cụt vào khoảng không. Chẳng có máu, thậm chí nửa còn lại chẳng còn lộ ra xương, thịt đỏ hay ngũ tạng. Phẳng lì, nhẵn hín như mảnh giấy. Tôi nhét tiền vào tay bên kia. Tập tiền rơi xuống. Nửa còn lại bị mòn dần đi. Và trước mắt tôi là cái đầu với một mẩu cổ lơ lửng. “Này!” – Tiếng gọi quá muộn. Cái đầu cùng mẩu cổ tan phụt đi. Thùng đồ ăn đóng hộp, nước khoáng lăn lóc dưới nền đất đã tróc hết gạch. Tôi cúi nhặt. Vì quá đói, nên tôi chẳng buồn tìm bát hay đũa. Tôi bốc ăn. Mỗi chai nước, tôi uống bằng một hơi.

            Tôi phải gọi cho siêu thị để mua thêm hàng cho bữa chiều vì số thức ăn còn dư không thấy đâu nữa. Tôi ăn chưa hết. Chúng bị tiêu đi rồi.

            Tôi gọi cho nhiều siêu thị. Đặt mua thật nhiều. Vào đúng giờ đấy, cả một đoàn người nối thành hàng đi vào nhà tôi, Họ nói toáng lên và tôi thấy hài lòng. Cũng như tên nhân viên nọ, bọn người này không lấy được một hào nào của tôi. Từng kẻ bị tiêu biến cùng lúc. Ngay cả khi bọn họ chen chúc nhau và làm cửa ra vào như muốn vỡ tung ra, thì cũng chỉ mất vài giây để tiêu biến mất. Họ như những hình vẽ từ bút chì, bị một cái tẩy loại tốt chà vào. Mười thùng đồ hộp, mười thùng mỳ gói, hai mươi thùng nước. Lúc đếm lại, tôi thấy mất đâu ba thùng. Đếm một lần nữa, chỉ còn đúng mười thùng, cả nước lẫn đồ ăn.

            Tiêu biến.

            “Chó thật!” – Tôi ăn nhồm ngoàm, phồng cả hai má, thậm chí chẳng thèm bóc vỏ. Nhiều khi, tôi gặm một mẩu mỳ sống và phải nhổ ra bằng hết. Trong miệng tôi, chỉ là cái vỏ mỳ. Đến gói phụ gia cũng chẳng có. Mở chai, thì nước cũng bị tiêu cạn đi. Gạch nhà đã chẳng còn một viên. Chỉ còn cát vữa, và hàng chục chồng ngoại tệ, vàng thỏi và thẻ tín dụng. Số của cải dày đặc, lớp này chồng lớp kia và ngổn ngang quanh tôi. Tôi không nhai được thứ nào.

            Tôi ở tầng một và nhìn lên tầng trệt. Mọi kiến trúc nhà đã bị chảy thành bọt khí. Đến mấy bậc thang để bước lên, nhằm bám nhảy lên tầng trên cũng không còn. Nhìn ra ngoài. Không thấy vườn, bể bơi hay hàng rào. Mọi vật trơ trụi, tan tác như vừa trải qua một trận rải bom và bị sa mạc hóa.

            Tranh ảnh, giấy báo, sách vở hoặc một bộ áo quần để đắp lên người thay chăn cũng không còn nữa. Người tôi lem luốc và hoàn toàn trần truồng. Đói, khát, và vẫn sống khỏe re. Đi lại trong nhà, lúc nào tôi cũng vấp chân phải một miếng vàng, bó đô la. Và ngã sõng soài.

            “Chó thật!”-  Tôi nghĩ. “Từ lúc nào?” – Tôi nói. “Chó thật!” – Tôi nghĩ.

            Miếng đất ngoài vườn chẳng gieo nổi mầm cây nào. Đến một nhánh cỏ dại cũng chẳng thấy mọc. Không còn mạch nước dưới đất. Dưỡng chất từ đất có khi cũng bị tiêu cạn. Long mạch nhà tôi đã vỡ, hay bị cái gì đấy ăn nhẵn. Cái gì đấy, đó là gì, cái thứ chó đẻ nào, thứ ngoại lai với cái miệng tổ bố…Điều gì đã ăn tiêu đất tổ nhà tôi. Người vợ của tôi đã bị tiêu đi từ lâu. Đứa cháu tôi cũng thế. Bọn người làm, rồi đám bạn hữu của tôi…Cũng tuần tự bị ăn tiêu như vậy. Bọn họ hoặc bị tiêu liền theo phần nào đó trong nhà, hoặc bị bã ran gay trước mặt tôi. Tôi thò tay, và không cứu được. Những người đấy, như một cốc nước bị nung dưới ngọn lửa trăm độ. Hóa hơi dần dần. Và hóa hơi hoàn toàn. Chẳng còn gì ở họ, ngoài những ký ức đang dần chết đi vì sự suy yếu trí nhớ lúc tuổi già. Tôi không bị tiêu. Tôi sống sót. Chỉ mình tôi, còn lại và tạm bợ trong cái lõi nhà bị tiêu rỗng đến tận đáy.

            Miếng nước hãn hữu còn sót lại trong mảnh sành sau cơn mưa. “Của tao! Trả lại tao!” – Lời bật ra thì miếng nước cũng tiêu mất. Tôi văng mạng, chửi thề, chửi lớn, chửi to và nguyền rủa, cũng thật to. Điện đóm chẳng còn nữa. Bấm máy điện thoại, còn không nghe thấy tiếng tút tút. Nhà tôi. Ngày cũng như đêm. Chẳng sáng, chẳng tối. Trông loạng nhoạng, lòe nhòe. Chả ra âm mà cũng không ra dương. Nhìn lên, vẫn thấy mái nhà. Nhìn từ ngoài, vẫn thấy sừng sững cái cơ ngơi hoàng kim của nhà tài phú hào hoa - Tôi.

            Không còn gì để tiêu đi.

            Nhưng chỉ một vật, như cánh bướm, như cái sừng chữ Y, tiếng chim hót chợt vướng vào nhà, là liền bị tiêu mất.

            Tôi chỉ tay. Chỉ thẳng ngón tay. Vào phía này, phía nọ. Bên này, bên kia. Tôi lại nguyền rủa, rồi tôi cười. Tôi đi lại, đạp vào tường, chẳng đổ. Dẫm xuống đất, cũng chả lún thêm. Vàng, đô la, ngoại tệ vẫn lúc nhúc dưới chân tôi. Chúng nhiều lên phải không? Bới chỉ thấy tiền vàng. Không có ai ở đây cả. Bửa đầu mình, tôi mơ hồ nhìn thấy họ. Rồi từng dư ảnh bị nhai cụt. Nghĩ, thấy, rồi bị tiêu đi. Lại nghĩ, lại thấy, rồi lại bị tiêu. Tiếp tục nghĩ, tiếp tục thấy, rồi tiếp tục bị tiêu…

            Tôi chưa bị tiêu đi. Tôi sót lại.

 

TRU SA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tám 201512:59 SA(Xem: 44494)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Dương Phương Linh sống và làm việc tại Paris. Ngoài sáng tác thơ, cô còn vẽ và soạn nhạc. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những tác phẩm của Dương Phương Linh đến với quý độc giả và văn hữu Hợp Lưu.
14 Tháng Tám 20151:33 SA(Xem: 34742)
Mang tiếng lấy chồng có cái mát Việt Kiều gia thế, sang đến nơi mới vở lẽ gả ta chỉ giàu mỗi mớ chữ vô dụng, uổng công thị mưu toan tính toán lấy chồng đi Mỹ. Bỏ làng bỏ xóm theo gả sang đây sinh con đẻ cái, thị làm việc đầu tắt mặt tối. Làm quần quật bao nhiêu cũng không đủ ăn thua với thiên hạ.
12 Tháng Tám 20153:54 SA(Xem: 30091)
Dù ai có nghệ sĩ tính tận mây xanh, vốn coi tiền chả ra gì, chắc cũng có lúc phải lúng túng im lặng, khi vắng nó. Ít tiền mà để anh bạn mới quen bao cho bữa nhậu lớn hai người, để nợ mãi một bữa nhậu, thì chắc chừng nào bao lại được thì mới dám bè bạn tiếp với người ta. Ít tiền sao dám rủ rê ai, không rủ không đến với ai thì có ai chơi với mình.
12 Tháng Tám 20153:45 SA(Xem: 30878)
Khung cửa sổ. Những con người đang di chuyển ở phía dưới con đường. Tạp âm trộn lẫn vào nhau: tiếng người và tiếng còi xe rú rít. Nga tìm kiếm một chút trong trẻo xung quanh, nhưng cái váng vất kia chỉ làm bẹp dí quả tim xuống phía dưới lồng ngực.
12 Tháng Tám 20153:27 SA(Xem: 32328)
Thời đó, và có thể còn đậm nét ở thế hệ của tôi (1940), văn nghệ, văn chương theo định nghĩa của Xuân Diệu là “run với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Mây gió trăng, sao, bầu trời xanh biền biệt vẫn là những đề tài muôn thưở của văn hoá, văn học. Thiên nhiên vẫn mãi là cái nền để thị hiện sự hiện hữu và tâm cảm của con người. Cái vở tuồng đời sống cần có mộït sân khấu để người ta yêu nhau, ghét nhau, ham muốn, thù hận, chiến tranh. Mặt trời lên, mang hơi ấm và sự bao bọc yên bình, đêm về với niềm đe doạ nhưng cũng đầy quyến rũ của một vũ trụ thăm thẳm “thiên la địa võng” vây bủa chung quanh.
06 Tháng Tám 20152:42 SA(Xem: 31078)
những mảnh vỡ quá khứ một hôm cắt đứt niềm tin cái thói hèn trở chứng trong một ngày bi quan
06 Tháng Tám 20152:28 SA(Xem: 15545)
Lễ Đầu Hàng Của Ông Cháu Mạc Đăng Dung (30/11/1540-29/4/1541) tiếp cận một thời khoảng dày phủ sương mù của những cuộc tâm lý chiến giữa Trung Hoa và Việt Nam, kéo dài từ thời thượng và trung cổ, tới hiện tại, cũng như các phe phái đối nghịch nhau tại mỗi nước.
04 Tháng Tám 20151:25 SA(Xem: 31650)
“ Tôi nhìn người đàn bà qua lớp gương mờ - tái nhợt như một cái xác chết di động. Gương mặt người đàn bà còn tinh tươm những trăn trở, héo úa. Cơn hoảng loạn còn in sâu vào đồng tử, nó trao tráo như mắt của một con cá đang mắc vào chiếc lao móc.”
04 Tháng Tám 20151:15 SA(Xem: 33506)
Em khóc trên ngực anh bằng đôi mắt của ngàn năm về trước nơi chúng mình gặp nhau miệng vực thấy cánh sao rụng xuống lưng chừng
02 Tháng Tám 201511:48 CH(Xem: 30693)
Cô chờ cho thời gian trôi dần tới nửa đêm, trong căn phòng không bật đèn bóng tối như đang trùm lấy tất cả; nằm trên tấm nệm mỏng, cô nhìn lên trần nhà. Một con thằn lằn đang ẩn mình trong bóng tối thỉnh thoảng lại chắc lưỡi khe khẽ. Đêm tưởng chừng như tĩnh lặng nhưng lại ẩn chứa trong mình vô vàn âm thanh.