- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trên Đỉnh Mù Sương

07 Tháng Mười 20144:56 CH(Xem: 32812)

Tren Dinh Mu Suong- BAN MAI-bw

Q chở tôi bay trên xa lộ, đường vắng. Những cây cầu diễm lệ bắt qua sông Hàn rực rỡ về khuya. Đêm se lạnh, những đôi tình nhân âu yếm bên thành cầu, họ ngắm nhìn thành phố rực sáng ở phía chân trời.

 
Qua khu mới, hai bên đường rợp bóng cây, ánh sáng của ngọn đèn đường hắt trên những cành lá đong đưa như những linh hồn đứng phất phơ trong gió. Đà Nẵng mà tôi biết trong “Tháng ba gãy súng” của Cao Xuân Huy, với tiếng xe tăng rít trên đường nhựa, người di tản dồn cứng ở cửa Thuận An, với xác người ngập ngụa trên biển cả, người con gái điên lõa lồ trên boong tàu, viên sĩ quan choàng vội chiếc áo lính quanh mình cô, tiếng cười ngây dại của người đàn bà đi tìm con, tiếng van xin của những cậu lính trẻ thất thần cố gắng bám lên thành tàu trong ngày cuối…Tôi trôi trên những con đường mọc đầy quán bar quanh đồn lính, những dây thép gai chằng chịt trong “Mùa biển động” của Nguyễn Mộng Giác.


Nhà của S thuộc vùng ngoại ô, mưa bắt đầu nặng hạt. Tụi tôi đến trễ, vì Q bận việc ở Đài. Mưa bắn vào người tôi lạnh buốt khi tôi chạy dưới cơn mưa. Căn biệt thự kiểu mới với khu vườn thoáng đãng, xanh mát ở giữa khuôn viên. Những cành trúc đọng nước lấp lánh dưới ngọn đèn vàng. Ngôi nhà ấm áp với những đứa con ngoan, S đã có một cuộc sống ổn định qua bao thăng trầm. Những lát bánh hồng thơm dẻo, sừng sực dừa béo ngọt của xứ Tam Quan, quà quê tôi mang vào. Mấy chục năm rồi, nhưng tụi bạn tôi vẫn còn hồn nhiên như con nít. Thời đại học vô tư, đứa nào cùng mang trong lòng nhiệt huyết, thời của “Thép đã tôi thế đấy” sách gối đầu giường của lũ chúng tôi. Nhưng ra trường, mọi mơ ước của thế hệ chúng tôi sụp đỗ tan tành trước thực tế cuộc đời trần trụi. Thời bao cấp nghề giáo là một trong những nghề đói rách, thê thảm, muốn giữ lấy hình ảnh đẹp của người thầy trong mắt học trò có lẽ phải bỏ dạy, bạn tôi than. Bây giờ S là bà chủ cửa hàng xây dựng đang ăn nên làm ra.


Quán gỏi cá Thanh Hương vắng khách vì trời mưa, vì giờ ăn tối đã trễ, ly rượu vang màu đỏ sóng sánh. Lần đầu tiên tôi ăn món gỏi cá trích cuốn với các loại rau rừng, những món dân quê bây giờ đã lên mâm “đặc sản”. Ngày nay đi du lịch, từ Nam chí Bắc nơi đâu bạn cũng được tiếp thị món rau đặc sản vùng quê. Đến Tam Đảo, trong các nhà hàng bạn sẽ được đãi món đọt susu xào tỏi, thịt thỏ nướng. Đến Pleiku khách sẽ có món lẩu nấm với các loại rau rừng, về Bình Định bạn sẽ có món rau lang luộc chấm mắm cua… món ăn mà ông Võ Phiến mấy chục năm đi xa vẫn nhớ tha thiết trong tùy bút của mình.


Q kể tôi nghe ngày mới ra trường Q dạy trên vùng núi, những ngày hè đói khổ, bạn theo xe hàng xuôi Nam ngược Bắc, có lúc bạn thấy cuộc đời vô nghĩa, buồn đến mức, cái chết như một cứu rổi. Một thời gian, không chịu nổi cảnh tù hãm, Q bỏ dạy xuống Đà Nẵng tìm việc, rồi đi học tiếp, rồi chuyển sang làm Đài truyền hình. Tính Q sôi nổi, nắm bắt nhanh nhạy, có tay nghề vững trong biên tập bài, nên chẳng bao lâu Q làm đạo diễn truyền hình. Nghề này phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều, bạn khác hẳn Q của những ngày xưa. Bốn năm học, chúng tôi ngồi cùng bàn, đi thực tập cùng nhau, cả hai trở thành hai đứa bạn thân. Nhớ những buổi chiều ở vùng quê Nhơn Hậu, bên cạnh thành Đồ Bàn, Q giành xách nước trên cái thành giếng đá ong cho P và tôi nấu cơm, cầm đèn hột vịt dò dẫm trên con đường làng tối đen cho chúng tôi đi sưu tầm văn học dân gian. Đêm nghe tiếng dế mèn nỉ non, tiếng ếch nhái ộp oạp dưới cánh đồng, tiếng gà gáy cầm canh…


Thời gian êm đềm tôi sống trong vòng tay gia đình, của những năm đầu tiên thời đại học cũng là thời gian H lang thang khắp nước Mỹ. Người bạn thân ngày tôi mới lớn, học hơn tôi một năm. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau nói chuyện trên trời dưới đất, cùng học bài, cùng nghe nhạc, cùng đọc sách, cùng kể những câu chuyện phiêu lưu. Khi đó, chúng tôi thích đọc cuốn “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne và mê thuyền trưởng Nemo. Rồi một ngày, H biến mất, một năm sau tôi nhận thư H từ Phi Luật Tân, lúc đó tôi học năm thứ nhất đại học. Thời đó, nhận thư từ nước ngoài trong thế giới tư bản là một điều còn cấm kỵ, nhất là từ những người vượt biển bị cho là phản quốc. Tôi được phê trong học bạ là sống xa rời quần chúng! Thành phần tiểu tư sản! Hàng tháng họp phê bình và tự phê bình xếp loại hạnh kiểm A,B,C…

 

Sau này, tôi nghe H kể, sau gần hai năm ở trại tị nạn H định cư ở Mỹ. Nơi H đặt chân đến là Seattle, Washington, miền Tây nước Mỹ. Lần đầu tiên đến đất nước xa lạ, rơi trúng mùa Đông, thành phố Seattle buốt giá, mưa nhiều, bầu trời u ám. Mọi viễn cảnh mà H vẽ ra trong đầu khi còn ở trại tị nạn sụp đỗ tan tành trước thực tế trước mắt. Khung cảnh nơi này buồn chán, không sinh động như H nghĩ. Nhiều lần H cảm thấy tuyệt vọng, là một người thích phiêu lưu, khám phá, H quyết định đón xe bus đến những tiểu bang khác, mong tìm một nơi khí hậu ấm áp hơn, không am tường địa lý, không quen biết ai, không biết phải đi đâu, nhưng H quyết đi. Vậy là H lang thang từ tiểu bang này đến tiểu bang khác để sinh sống, đến nơi nào H cũng vào nhà thờ hỏi xin việc làm, và không từ nan bất cứ công việc gì từ dọn dẹp sau vườn, hái quả, lau dọn nhà cửa. Lúc đó niềm khao khát lớn nhất của H là được đi học, H liên lạc với bạn bè đang tứ tán khắp nước Mỹ để hỏi thăm cách thức và nhờ chỉ cho con đường đi. Cuối cùng H đến tiểu bang Ohio, một nơi thật lạnh, xung quanh là băng tuyết, có nhiều khi nhiệt độ xuống đến -20 độ, nhưng bạn không nề hà, lại rất vui vì ở nơi này mình được đi học.


Đó cũng là thời gian đêm nào tôi cũng mở đài BBC để nghe tin tức về những người Việt Nam vượt biển tị nạn, mong tìm tin tức bạn bè.

Và rồi, hành trình của chúng tôi mỗi người mỗi ngã bặt tin nhau suốt 30 năm. Ba mươi năm một thời gian quá dài của cuộc đời mỗi con người.


Khách sạn Riverside bên chân cầu Rồng nhộn nhịp, chuyến tập huấn khoa học công nghệ của Bộ Giáo dục triệu tập các trường Đại học tổ chức nơi này. Đêm Đà Nẵng hoa lệ trãi dài dưới tầm mắt tôi, mới mấy năm trở lại Đà Nẵng thay đổi và phát triển nhanh đến mức kinh ngạc. Cầu Rồng đèn xanh, đỏ nhấp nháy liên tục, dưới chân cầu người ta đang tổ chức cuộc thi nhảy hip hop và các Ban nhạc cho giới trẻ thành phố.


Tôi không còn trẻ nữa để thả mình vào những âm thanh gầm rú của các nhạc cụ điện tử, không đủ năng lượng để nhảy những vũ điệu quay cuồng. 

Tôi chỉ muốn một không gian yên tĩnh, chìm đắm vào những giai điệu du dương của một thời quá vãng… Quán Piano bar Tiếng dương cầm nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, khu dân cư yên tĩnh là nơi chúng tôi tìm đến. Đây là quán của một người bạn Q. Xe con đậu hai bên đường chật cứng. Là một phòng trà nhỏ ấm áp, thân tình, nơi chốn tìm về của những người phần đông thuốc thế hệ chúng tôi. Phòng nhỏ, ca sĩ và khách ngồi nghe gần gũi, như những xẻ chia của người bạn lâu năm gặp mặt. Phong cách lãng tử, nhẹ nhàng. 
Nghe bạn kể căn nhà 3 tầng này trước đây là của một vị đại tá trong quân lực VNCH, sau 1975, vị đại tá đi học tập cải tạo, vợ con bị đuổi ra ngoài bắt đi kinh tế mới, nhà giao cho 3 vị cán bộ mới tiếp quản về, mỗi vị một tầng lầu. Mấy mẹ con vị đại tá này không biết sống ở đâu, không biết phải làm gì. Họ bèn lấy cái bàn đánh bóng bàn của gia đình để một góc trước căn nhà, ban ngày làm sạp bán vải, ban đêm cả nhà che màn ngủ trên cái bàn này. Rồi cũng sống qua, sau khi vị đại tá học tập trở về, cả nhà vượt biển, may mắn sau mấy ngày lênh đênh đói khát được tàu Vatican vớt đưa về định cư tại Ý. Chỉ còn một người con trai ở lại, căn nhà quá đỗi thân thương nên bằng mọi cách anh quyết chí làm ăn mua lại ngôi nhà của ba mẹ. Bây giờ, người con trai đã mua lại 2 tầng lầu, còn 1 tầng lầu nữa vị cán bộ vẫn còn ở chưa bán. Người chủ của quán “Tiếng dương cầm” này là người con trai ấy. Anh con trai buồn kể, đã bao nhiêu lần mời ba mẹ về lại VN thăm nhưng ông bà nhất quyết một đi không trở lại, không biết sau này có thay đổi không.
Những giai điệu thiết tha của Vũ Thành An trong Bài “Không tên số 1” qua tiếng đàn piano từng giọt thánh thót như thấm vào tim tôi:


Xin đời sống cho tôi mượn tiếng,
Xin cho cơn mê dài thêm một chuyến, 
...Còn đắng cay, còn hận, còn đau.

Mai đời có cho tôi gặp gỡ,
Xin cho đôi môi em cười rạng rỡ, 
...Để sống thêm, thêm lần trẻ thơ.


Lần đầu tiên tôi nghe giọng nói của H trên điện thoại sau hơn 30 năm, tôi ngập ngừng... thời gian đã cuốn trôi tất cả. Hành trình của H đã xảy ra điều gì tôi không biết, nhưng giờ đây bạn sống và chiêm nghiệm cuộc đời như một thiền sư. Bây giờ chúng ta suy ngẫm gì sau khi gần hết cuộc đời? có lần H hỏi tôi như vậy.


Nhìn lại mỗi con người là một hành trình khác biệt, và mấy ai hài lòng với cuộc đời mình đã sống. Nhưng dù sao đi nữa, cuộc sống của muôn loài là vậy, đều phải trãi qua những thăng trầm để tồn tại, cuộc đời là một thể nhị nguyên, luôn luôn bất toàn, luôn luôn thay đổi.


Một buổi sáng đứng trên đỉnh Bà Nà dưới cơn mưa tầm tả, gió buốt lạnh. Hoa Ban một màu tím biếc trên đỉnh sương mù. Tôi trôi bồng bềnh trong làn sương lạnh. Cảm nhận đời người như khói như sương.

Tôi hiểu vì sao ngày xưa, Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Bao ngàn năm đã trôi qua câu hỏi  “Ta là ai, Ai là ta…” cuối cùng tất cả đều trở thành cát bụi.

 

 

BAN MAI
Quy Nhơn, 9/2014

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 36948)
anh còn yêu em không? một ngày ánh nắng cắt con đường thành hình thù rối loạn chập chờn vẽ lại ảo ảnh nhiều màu
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 29998)
Theo tốc độ của truyền hình và internet, thói quen của con người cũng dần dần thay đổi. Với mức độ tự do gần như tuyệt đối, internet chuyển tải mau chóng những thông tin, phục vụ con người hữu hiệu hơn, đại chúng hơn. Nhưng, internet cũng đang đưa đến sự phá sản của một số nhật báo, tạp chí và nhà xuất bản trên thế giới. Những tạp chí chuyên về nghệ thuật văn chương Việt Nam ở hải ngoại cũng không ngoại lệ, lần lượt đình bản...
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37834)
T rang đầu chạy tít lớn “Lễ truy điệu các phục quốc quân hy sinh vì Tổ quốc”. Tôi lơ đãng mở các trang trong. Những tấm ảnh đen trắng với khuôn mặt của các phục quốc quân tử trận trong nước cùng với vị thủ lãnh của họ. Một cái ảnh đập vào mắt tôi. Trời! Thịnh đó, ảnh Thịnh... Tôi đọc vội sơ qua những cột tin về cuộc đụng độ cuối cùng trong vùng tam biên. Tô phở bưng ra, tôi chợt không thấy đói, không nuốt gì được.
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 32935)
K hắp làng trên xóm dưới ai cũng biết chuyện về lão Hống. Lão có đến ba đời vợ, và không biết bao nhiêu người đàn bà đã sống chung chạ, nhưng rốt cuộc bà nào cũng sớm cuốn gói ra đi. Người ta bảo lão là con gà trống chuồng, có lần trong nhà lão chứa vài mụ đàn bà. Kể ra lão cũng tài, một mình cai quản hai mụ trên cùng một chiếc giường mà chẳng hề có chuyện.
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 31422)
C hồng Phi dậy từ sớm, để phần cho vợ một lồng cơm sẵn trên bàn để cô mang đi ăn trưa ở công ty. Như mọi sáng, cô xé lại khẩu phần ăn của mình là một mẩu bánh mì và ít thức ăn đem sang cho Miki. Rồi mới đi làm. Cũng như thường lệ, nó lại lẽo đẽo chạy theo chiếc xe máy của cô...
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 31058)
T ôi không phải là người đàn bà luôn chơi trò ú tim để đi tìm một tình yêu đích thực. Tuổi trẻ ai mà chẳng có một tình yêu dù nó có đẹp hay không thì đó vẫn là tình yêu. Tôi đã yêu. Yêu mê mệt. Yêu đắm đuối. Yêu trong cơn hoan lạc của tiếng sét ái tình bậm vào tôi. Tôi đã không thể dứt ra. Và cứ thế tôi trượt dài trong men say tình ái.
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35249)
Ngô Tất Tố là một trong những tác gia nổi tiếng nhất của trào lưu hiện thực phê phán trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam. Những năm 30, 40 thế kỷ XX ông đã cho ra đời một loạt tác phẩm như tiểu thuyết Tắt đèn, Lều chõng , phóng sự Việc làng, Tập án cái đình , truyện ký lịch sử Trong rừng Nho, Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Lịch sử Đề Thám …
20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35131)
...biểu hiện của chứng vĩ cuồng, một chứng bệnh tâm thần có vẻ vô hại vì quá lắm cũng chỉ góp phần làm phong phú thêm vốn chuyện tiếu lâm, nhưng lại có thể trở thành rất nguy hiểm trong những điều kiện nhất định, khi nó nhiễm vào những người làm nghề viết lách...
19 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35036)
M ột hiện tượng, tưởng rằng đã chết khi ông Osho tức Bhagwan Shree Rajneesh bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ trục xuất về Ấn Độ vào năm 1987, nay đang có những chỉ dấu sống dậy, không phải chỉ trong cộng đồng Oregon, Hoa Kỳ như trước đây mà là trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và có thể ở cả trong nước qua một số sách do Osho giảng được Sư cô Thích nữ Minh Tâm và hội Osho International Foundation dịch ra Việt ngữ.
18 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 36786)
N hư buổi chiều vàng trong tiểu thuyết Những huyễn mơ làm người hùng áo vest Những chiến mã băng qua sa mạc Ta ra trận nơi không có quân thù