- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Santiago Sylvester – Thi sĩ dấn thân gì ?

08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 30510)

thi_si-tv3

Santiago Sylvester là nhà thơ, nhà văn viết truyện ngắn người Á Căn Đình, sinh năm 1942 tại Salta và từng sống gần hai thập niên tại Tây Ban Nha trước khi quay về Buenos Aires. Ông nhận nhiều giải thưởng quốc gia về nghệ thuật, giải thi ca toàn quốc Á Căn Đình và đặc biệt Grand Prix International Jorge Luis Borges. Santiago Sylvester thường được nhắc đến qua hai tác phẩm El Reloj Biológico (2007) và Oficio de Lector (2003).

“Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?” là một tranh luận lâu đời giữa các nhà văn. Tại Việt Nam, câu hỏi này chìm khuất vào trong chiến tranh rồi chịu kiểm soát của Ban Tuyên giáo. Tại Nam Mỹ, dấn thân vẫn còn là nguyên liệu của sáng tác và Santiago Sylvester nhắc lại một lần nữa ý nghĩa cùng điều kiện của dấn thân. [Trần Vũ]

thi_si-tv1-content

Trên nền cách mạng công nghiệp, thế kỷ 19 đặt một câu hỏi bấy giờ còn mới lạ: Nghệ thuật phải ích lợi hay chỉ đi tìm cái Đẹp lý tưởng? Sang thế kỷ sau, sự tra vấn này hừng lên với màu sắc chính trị. Nhưng trước hết, còn cần phải xem liệu đem thẩm mỹ đối lập với hữu dụng là chính đáng. [Le Monde Diplomatique]

 

Jorge Luis Borges từng quả quyết là từ ngữ “nghệ thuật dấn thân” gây cho ông cùng một cảm giác tựa như khi nghe nói đến “cách cưỡi ngựa Tin Lành”[1]: quá thiếu nghiêm túc để không trượt vào phi lý. Borges nhắc lại sự khó chịu của mình đối với một tính từ được dùng khá phổ biến trong nửa sau thế kỷ 20. Tuy vậy, từ ngữ ấy đã không quá vãng và dùng riêng cho một lối dấn thân: về chính trị. Có sự thâu hẹp phạm vi đến lạ lùng: ví dụ, đã có những dấn thân từ ngàn năm nay của nghệ thuật Tây phương trong lĩnh vực tôn giáo, đã tạo ra nhiều hình dung từ, Byzantin, Lãng Mạn, Gothique, hay chỉ đơn giản là Cơ Đốc — nhưng không hề có từ Dấn Thân.

Những lý do thâm sâu biện minh cho sự hiện hữu của nghệ thuật là phải ứng xử ra sao với chính trị, hay chính xác hơn nữa, trước chính quyền (giống như tình yêu, thần chết hay tín ngưỡng). Song, với tính từ Dấn Thân, thiết tưởng nghệ sĩ không những chỉ cần có một quan điểm chính trị mà còn cần lấy quyết định gần như ám ảnh là trưng bày chính kiến ấy, thậm chí khẳng quyết là nghệ thuật có thể dùng làm công cụ chuyển đổi xã hội. “Thay đổi cuộc sống”, theo ước muốn triệt để của Arthur Rimbaud, là tạo lập ra một cái gì khác, với nhiều phương án giả định.

 

Tại Châu Mỹ La Tinh, đã có một lúc, chưa quá xa, dường như không thể tách rời nghệ thuật ra khỏi chính trị, hay tinh thần tranh đấu; và rồi tính từ Dấn Thân trở nên có vẻ mạnh hơn là danh từ Sự Dấn Thân. Chính trong sự mất quân bình này cần phải tìm nguyên nhân gây mất uy tín ít nhiều cho từ ngữ “nghệ thuật dấn thân” và tất nhiên, về bình luận của Borges. Bởi vì nếu “sự dấn thân” thật sự đi cùng với một đổi mới quan trọng (ví dụ nền thi ca nổi lên từ cách mạng Mễ 1910) và nghệ sĩ bắt buộc phải suy nghĩ về vị trí của hắn trong tiến trình lịch sử, vận động này cùng lúc áp đặt một khuôn sáo: thứ ngôn từ của nghệ thuật gồng gánh thông điệp; nếu không, chúng ta bị kết án là duy mỹ, rơi vào thẩm mỹ suông. Con đường được lát bằng những ý định tốt, nhưng thường kết thúc thất bại… Một số đông nghệ sĩ đã chết, để lại một cách nghịch lý, nghệ thuật y nguyên như họ đã tìm thấy. Dĩ nhiên có những biệt lệ. “Trên Đỉnh Machu Picchu” của Pablo Neruda, nhằm tôn vinh Châu Mỹ La Tinh, chạm đến chiều kích thần thoại bằng cách ngợi ca một vùng đất, một lịch sử, với tính cách anh hùng vô danh của một dân tộc. Tác phẩm đầy ấn tượng, vừa trong đề tài, vừa trong cách nhìn.

 

Ngay cả khi cách đặt vấn đề về duy mỹ chiếm phần lớn những tranh luận nghệ thuật trong thế kỷ hai mươi và những thái quá kéo theo phản ứng (nhà văn Đức Gottfried Benn từng viết: “Nếu ai buộc tội anh theo trường phái duy mỹ, cho hắn thấy lợi ích: hắn còn sống trong hang động tiền sử.”) ― sự “dấn thân,” trong hay ngoài ngoặc kép, vẫn chính đáng. Tuy nhiên (luôn có tuy nhiên), người nghệ sĩ không thể không quan tâm đến chất liệu đặc thù mình sử dụng, trong cách mình vận dụng, có nghĩa bằng cách nào: từ cấu trúc, đến hình thức, những gì giúp vật được thao tác tạo lập mối liên kết với những gì vây quanh. Người nghệ sĩ, như vậy ― chuyên tâm vào thể nghiệm sáng tạo của mình ― không thể quên rằng hiện tại luôn can thiệp xuyên qua hình thức, và hình thức này mang dấu triện của thời gian: thế giới quan luôn dính liền vào thời đại sản sinh ra những hình thức tương ứng. Chính ý thức này cho phép phân biệt giữa sáng tạo (poïésis)[2] với việc nhai lại một công thức. Nghệ thuật dấn thân bằng những chủ đề chọn lựa, và bằng mối quan hệ với ngôn ngữ: một ngôn ngữ có khả năng chụp bắt thế giới thật, đòi hỏi kết hợp trí tưởng tượng, cũng giống như huyền thoại và truyền thuyết được trộn lẫn với lịch sử.

 

Cách đây đã bốn mươi năm, Octavio Paz phát biểu về một “truyền thống của cắt đứt.” Paz đề cập đến việc tìm kiếm những hình thức mới, khởi đi từ những trào lưu tiền phong, đã tiến hành suốt gần hết thế kỷ 20, cho mục đích hiện đại hóa hình thức. Paz nhận chân, như ông đã tuyên bố, là việc lập lại sự đoạn tuyệt đã khai sinh ra một truyền thống thật sự. Paz tố giác như thế, một mâu thuẫn hiển nhiên: Những kẻ khăng khăng đoạn tuyệt với truyền thống, sau cùng đã tạo lập ra một truyền thống khác. Điều này bắt buộc đặt lại vấn đề làm ra cái Mới, dính liền vào với vấn đề của Dấn Thân, hai mặt của cùng một ý chí sáng tạo. Tuy vậy, song hành với “truyền thống của đoạn tuyệt” này, đã luôn hiện hữu một xu thế khác, có thể quan trọng hơn, là “truyền thống của kiến tạo,” nổi lên mỗi một khi một nghệ sĩ tự đề xuất tạo tác những cấu trúc mới sau khi dùng cạn những cấu trúc cũ. Thời hoàng kim Tây Ban Nha sẽ không kết tựu nếu thiếu cấu trúc castillane của những vần thơ mười hai âm tiết xuất phát từ Ý, được các thi sĩ Garcilaso de la Vega và Juan Boscán du nhập vào Tây Ban Nha. Cũng sẽ không kết tựu thời Hiện Đại nếu thiếu sự đóng góp của thơ Tự Do, hay không kết tựu sự mẫn cảm thi tính hiện nay nếu thiếu sáng tạo hình thức vào đầu thế kỷ 20. Không nhất thiết phải theo cách của Filippo Tommaso Marinetti, tìm cách phá sập để xem sản sinh ra gì từ sự rung chuyển này, nhưng là thay thế những công thức tàn tật bằng những công thức khác đã cải tiến. Stéphane Mallarmé, Thomas Stearns Elliot, Guillaume Apollinaire, Marianne Moore, Saint-John Perse, Carlos Drummond de Andrade, Rubén Dario hay César Vallejo, chỉ kể tên một vài người, gần như ngẫu nhiên, đã là những kiến tạo gia xuất sắc.

 

Trong lĩnh vực của những quan niệm đối lập, sự dấn thân của nghệ thuật nằm ở đâu? Ở ngay chính giữa. Sự dấn thân của nghệ sĩ, kẻ kháng cự lại thời gian, gắn liền với những vấn đề sâu xa nhất của xã hội, mà không đi cùng với các chính sách chính trị. Đến một thời điểm, sự khẩn cấp của hiện trạng đòi hỏi nghệ sĩ làm người chứng rõ ràng. Cách thức tham dự này, có thể sẽ tái diễn vì cần thiết, nhưng hôm nay đã mất đi sức vóc.

Tuy nhiên, sự dấn thân trong nghĩa rộng, có nghĩa sự cần thiết cho xã hội, từ những cộng hưởng với xã hội, căn bản vẫn tồn tại. Sự cộng hưởng này khó dự báo. Ví như một bài thơ của Borges đã tạo ra một tương tác, không có nghĩa là bài thơ ấy mang chất dấn thân, và nếu thi ca của Francis Ponge được xem là thi ca dấn thân, không có nghĩa thi ca này xử lý những câu hỏi thời sự. Đây là những tác phẩm đã giao cảm được với xã hội, được xã hội cảm thụ tuy không hề được khẩn cầu xuất hiện.

 

thi_si-tv2-contentChỉ cần ném một tia mắt ra thế giới: nghệ thuật dấn thân không thiếu những biện minh. Nhưng chúng ta sẽ không trở nên những nghệ sĩ tài hoa nhất bằng những biện minh: mà chỉ là những ủy viên tuyên truyền mẫn cán. Không phải sự tố giác một hệ thống, đã được thực thi trong nhiều lĩnh vực, đem đến tính hợp pháp nghệ thuật.

Ở đây, chúng ta không bảo vệ hình thức chỉ để bảo vệ hình thức. Trong một cuộc trò chuyện với Javier Adúriz, thi sĩ Á Căn Đình này nói với tôi: “thi sĩ phải nói những điều gây ấn tượng.” Adúriz không yêu cầu phải viết về rồng lửa hay những vụ sát nhân vì tình, nhưng nhấn mạnh là tác phẩm phải cho chúng ta nhìn thấy một chuyện gì đó, mà đến khi ấy, chúng ta chưa biết đến. Làm thành một phong trào phát hiện ra cách chiếu sáng. Và những từ ngữ, cấu trúc, định dạng, cho phép cách chiếu sáng này. Chính từ đây những chủ đề được trông đợi nhiều nhất, như tình yêu, tôn giáo, hay chính trị sẽ biến hóa trở nên “ấn tượng.” Vậy thì đúng, nghệ thuật sẽ được xem là dấn thân với tiêu chuẩn nghệ thuật, như “Trên Đỉnh Machu Picchu,” nhưng không còn tính nghệ thuật chân chính, một khi Neruda ca tụng, không chút liêm sĩ, thiên thần Trung Ương Đảng Cộng Sản[3].

 

Sau chiến tranh, trong thời kỳ thô nhám lúc này khi sự dấn thân chính trị rõ rệt biểu hiện một cấp bách, một thư ký của nhà xuất bản Einaudi đã nói với Cesare Pavese, một văn gia Ý vừa cho xuất bản một tập tiểu thuyết: “Giới thượng lưu và cả giai cấp vô sản sẽ không ưa tiểu thuyết này.” Pavese đã ghi trong nhật ký lời chú vắn tắt: “Tốt.” Không có nghĩa là nhà văn chấp nhận lời phê phán. Pavese công nhận một cách đơn giản là nghệ thuật phân xử những con đường khác nhau để đạt đến mục đích, và ông nhìn đúng.

 

Santiago Sylvester, 08-2011

(Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn “A quoi s’engage le poète” đăng trên trang văn học của Le Monde Diplomatique số tháng 8, 2011)

http://www.monde-diplomatique.fr/2011/08/SYLVESTER/20870

 

Phụ chú của người dịch:

[1] Qua cách trình bày của Santiago Sylvester: Đối với Borges, dùng từ “nghệ thuật dấn thân” cũng phi lý như dùng từ “cưỡi ngựa Tin Lành,” khi ghép Tin Lành là một tôn giáo siêu hình vào cưỡi ngựa là việc hoàn toàn cụ thể. Với Borges, không có “nghệ thuật dấn thân” hay “nghệ thuật không dấn thân,” chỉ có nghệ thuật mà thôi. Cũng như không có cách “cưỡi ngựa Công Giáo” khác với cách “cưỡi ngựa Tin Lành.”

[2] Poïésis mang nghĩa “làm ra” trong tiếng Hy Lạp cổ đại. Từ gốc của thi ca (Poésie) hiện đại, như vậy ban đầu là một động từ: Một hành động vừa làm biến đổi vừa làm nối tiếp thế giới. Không là sản phẩm kỹ thuật, cũng không là một tạo tác trong nghĩa lãng mạn, tác phẩm mang tính Poïésis giao thoa tư duy với vật chất và thời gian, và con người với vũ trụ.

Theo http://poiesis-architecture.com/

[3] Qua hình ảnh thiên thần, Santiago Sylvester muốn phê phán Pablo Neruda, từng là đảng viên, đã ca ngợi và cổ võ cho tiêu chí thẫm mỹ của nền văn nghệ phục vụ đảng cầm quyền.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Bảy 202311:26 CH(Xem: 6049)
Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn kính báo tin cùng Chư Tôn Đức, Thân Bằng Quyến Thuộc và Bạn Hữu xa gần: Con, cháu chúng tôi là: Phật tử: PHẠM TRƯỜNG SONNY / Pháp danh: TRÍ LẠC / Sinh ngày: 11 tháng 9 năm 1994 tại Orange County, California./ Mất ngày: 11 tháng 7 năm 2023 tại Orange County, California. Hưởng dương: 30 tuổi
13 Tháng Bảy 20235:38 CH(Xem: 5917)
con lòng tong nhỏ / trôi đi / bâng khuâng / buồn lại phương phi / giữa trời
10 Tháng Bảy 20235:10 CH(Xem: 4890)
cửa em / không phải cửa mình / cửa ta / nhà bạn / thình lình mở toang
10 Tháng Bảy 20231:55 CH(Xem: 6342)
PHỤ NỮ GIỮA CHIẾN TRANH VIỆT NAM: THỜI ĐIỂM 1969 Tầm nhìn Chiến tranh, Giấc mơ Hòa bình [Visions of War, Dreams of Peace] [1] là nhan đề một tuyển tập thơ của các nhà thơ nữ; nếu là Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, họ đã là những nữ quân nhân như y tá, bác sĩ đã từng chăm sóc các thương bệnh binh; nếu ở những ngành nghề khác, họ đảm trách các dịch vụ không tác chiến như chuyên viên truyền tin, tiếp vận, kiểm soát không lưu, nhân viên Hồng Thập Tự... Nếu là người Việt, họ là những phụ nữ thuộc hai miền Nam hay Bắc, với những trải nghiệm khác nhau, qua những năm tháng chiến tranh. Và như từ bao giờ, cho dù ở đâu, phụ nữ và trẻ em vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh. Trong tập thơ này, có 34 nhà thơ nữ Hoa Kỳ, và sáu nhà thơ nữ Việt Nam: Xuân Quỳnh (My Son’s Childhood), Hương Tràm (The Vietnamese Mother), Hà Phương (To An Phu, From This Distance I Talk To You), Trần Mộng Tú (The Gift In Wartime, Dream of Peace), Minh Đức Hoài Trinh..., Nguyễn Ngọc Xuân...
28 Tháng Sáu 20239:58 CH(Xem: 6782)
anh là chim cánh mỏi / bay về tổ chiều hôm / không còn ai ngóng đợi / tay với cành hoa thơm
18 Tháng Sáu 20236:37 CH(Xem: 5662)
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ. Truyện & kịch của Trần C. Trí mở ra cho ta thấy một cách sáng rõ ngôn ngữ là những quan hệ. Là giao tiếp. Là tâm hồn con người. Nó phả ra cái hơi thở, cái tình cảm của con người. Nó soi chiếu và phóng lên màn hình nội tâm chúng ta những phác đồ tâm lý người. Tôi lại nghĩ đến Heidegger với ý tưởng Ngôn ngữ là nơi an cư của tính thể. Con người cư ngụ trong chính ngôn ngữ của nó.
18 Tháng Sáu 20236:10 CH(Xem: 6584)
có một đêm rằm trăng sáng thơ thẩn ta đi trên đường bỗng dưng nhớ bài thơ cũ … “cúi đầu chợt nhớ cố hương”
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 5827)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:22 CH(Xem: 6252)
mấp mé mấp mé chiều quanh / tiếng kêu sẫm buồn rợn tối / chim. lia rẽ / một khúc quành / xao xác đường về rất vội
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 5899)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.