- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHIẾC XE ĐẠP

09 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 34675)


xedap-bnk-content

 Photo Internet


- Chú nói mai em phải đi trường, vậy mai đi nha!

Thằng bé không đáp, giương mắt nhìn tôi như nó đang cố đọc trong mắt tôi những gì tôi nghĩ. Tôi cũng tìm trong ánh mắt nó ý nghĩ của nó nhưng chịu, không tài nào tìm được, không biết nó nghĩ gì, muốn gì, chỉ biết nó không muốn đến trường. Nó ở nhà một mình đã mấy ngày nay trong khi chị nó phải đi làm.

- Em cứ ở nhà một mình như vậy, không được đâu, người ta đến bắt em đi foster, rồi chị em mình không gặp nhau nữa.

Câu dọa của con Thương chị nó vẫn không làm nó suy suyển, nó vẫn ngồi im, vẫn giương mắt nhìn tôi trong khi tôi nhìn đồng hồ trên tường. Gần năm giờ chiều. Chắc Huyền sắp ra sở lên xe đến nhà hàng. Tôi đã đặt bàn cho bữa cơm tối tại nhà hàng sang trọng nhất tỉnh để kỷ niệm hai năm quen Huyền. Đêm nay tôi sẽ ngỏ lời cầu hôn, đoan chắc Huyền sẽ chịu.

- Em không chịu đi học thì thôi, chị để người ta đến bắt em đi foster. Nghe chưa!

Hai chữ “Nghe chưa” nghe như quát lên. Thằng bé con bật khóc. Chị nó cuống lên. Tôi đâm bối rối. Nhìn hai giòng nước mắt chẩy dài trên má, chị nó đưa tay lên định quệt. Tôi chặn lại, rút vội một tờ giấy Kleenex trên bàn làm việc đưa cho con bé, nói nó đừng dùng tay chùi, tay dơ làm đau mắt.

Con Thương lí nhí cám ơn, lấy tờ giấy lau nước mắt thằng em. Liếc nhìn đồng hồ một lần nữa, tôi vội nói với sáng mai sẽ lại nhà hai đứa để thuyết phục thằng bé đi học. Nghe vậy, con chị ngồi thẳng người lên như thể một khối nặng trên lưng vừa được ai nhấc đi, nó thở ra nhẹ nhõm. Tôi đưa hai chị em nó ra khỏi văn phòng. Trong hành lang đi ra ngoài bãi đậu xe, tôi nhắc lại với con Thương là Sở Xã Hội đang để ý trường hợp hai chị em nó và họ sẵn sàng can thiệp, nghĩa là bắt thằng bé đi foster home nếu họ thấy chị không nuôi em nổi. Con bé nài nỉ tôi giúp một tay.

- Chú là người Việt, chú giúp hai chị em con. Ba má mất rồi chỉ còn nó thôi chớ có ai nữa đâu, bà con ở Việt Nam không à.

Tôi lên tiếng trấn an, tội nghiệp cho chị em nó thì ít mà cho nó khỏi kỳ kèo trì hoãn tôi đi gặp Huyền thì nhiều. Ra đến ngoài văn phòng đúng lúc chiếc bus số 22A vừa lăn bánh rời trạm trước bãi đậu xe. Hai đứa hụt xe rồi, phải chờ hơn mười lăm phút mới có chuyến khác. Dù đã năm giờ chiều nhưng giữa hè, mặt trời còn trên cao soi nắng nóng xuống đất mà trạm bus không có mái che. Rồi tôi ngạc nhiên thấy Thương dẫn thằng em đi về hướng khác thay vì ra trạm bus. Tôi gọi vói chúng hỏi tại sao không đi bus về nhà, tôi biết nhà hai đứa không gần đây.

Con bé mặt có vẻ bối rối, miệng nói gì lí nhí tôi không hiểu xong nó cho tôi cái nhìn quả quyết.

- Không sao, đi bộ được mà.

Tôi đoán hai đứa không có tiền đi xe. Tôi ái ngại nhìn chúng, nắng gắt là một chuyện nhưng nơi tụi nó ở phải đi qua một khu có tiếng nhiều du côn. Tôi lo cho đứa con gái, nó vừa mười tám mặt xinh xắn người nẩy nở. Tôi lấy tờ năm đô trong ví ra và một nắm tiền cắc trong đáy túi đưa cho nó, bảo ra trạm chờ chuyến bus tới. Nó ngần ngại nhưng cầm lấy tiền, lôi thằng em đi ra trạm bus. Tôi lớn tiếng nhắc tám giờ sáng mai tôi sẽ đến nhà.

***

Nhìn cái chuông không có nút bấm, tôi bật cười, mở cánh cửa lưới cản ruồi xộc xệch rồi đưa tay lên định gõ nhưng ngón tay tôi chưa đụng lên mặt cửa gỗ sơn tróc lỗm chỗm nhiều chỗ thì cửa đã xịch mở. Thương mời tôi vào. Con bé đầu đội mũ sẵn, tay cầm một bịch plastic sắp sửa đi làm, nó lầm bầm:

- Trễ giờ đi làm rồi chú. Đồ ăn con làm để trong tủ lạnh đó. Trưa con về.

Tôi còn đang hoang mang thì con bé đã mở cửa chạy xuống lầu chung cư. Đứng trên này nhìn từ cửa sổ xuống, tôi thấy con bé vừa đi vừa chạy về đầu đường chỗ có trạm bus đúng lúc xe vừa đến, nó nhanh nhẹn nhẩy lên xe. Cửa xe đóng lại, tôi quay lưng đi vào bếp bực mình nghĩ "Mình là counselor bị bắt làm babysitter". Thằng bé con ngồi cạnh bàn ăn, trên mặt bàn một tô cereal ăn dở, một ly nước cam gần cạn. Nó đứng lên mở cửa tủ lạnh lấy bình nước cam ra đổ vào ly nhưng chỉ đủ gần nửa ly. Tôi ngồi xuống đối diện với nó. Khác với hôm qua, sáng nay nó không dám giương mắt nhìn thẳng vào mặt tôi mà cúi gằm mặt xuống tô cereal. Tôi bảo nó ăn nhanh đi để tôi còn đưa nó đi học. Nghe hai chữ "đi học", nó đứng lên chạy tụt vào phòng ngủ đóng cửa lại. Đứng ngoài cửa, tôi cố thuyết phục nó đổi ý nhưng vô hiệu. Khi thì tôi dọa nạt nào là chị nó sẽ phạt nó nào là Sở Xã Hội sẽ bắt nó đi ở với bố mẹ nuôi, lúc thì tôi dụ nó nó sẽ tặng nó đồ chơi mua kem dẫn đi xem phim.

Sau mười phút lải nhải, tôi bực mình đẩy cửa của cái phòng ngủ duy nhất bước vào.

Một căn phòng nhỏ bừa bộn vô cùng. Quần áo nằm vương vãi dưới đất, vài tờ báo tiếng việt trên một tấm nệm xộc xệch, vài chén đũa nằm lỏng chỏng cạnh đó. Trong góc phòng có một cái bàn con thấp lè tè với một bức ảnh hai người đứng tuổi, một chén nhang trong có vài chân nhang cắm trong gạo, một ít tàn nhang trên mặt gạo. Tôi để mặc thằng bé ngồi co ro trong góc phòng, đi lại cầm bức ảnh lên nhìn. Chị thằng bé có nét hao hao người đàn ông trong hình.

- Ba má chết rồi.

Tiếng thằng bé tỉnh bơ, không nghe gì là buồn là xúc động. Đi lại góc phòng, tôi ngồi bệt xuống đất dưạ lưng lên tường cạnh nó.

- Con ghét ba, ba nói mua xe đạp mà không mua, giờ chết rồi sao mua được.

Tôi bàng hoàng nhìn nó. Trước đó tôi ngỡ sẽ phải đối phó với một đứa con nít bị khủng hoảng tinh thần vì cha mẹ chết sớm, cảm thấy bị bỏ rơi, nhớ cha thương mẹ, lo sợ nỗi cô đơn. Nhưng không, thằng bé không có vẻ gì là buồn bã mà còn tỏ vẻ giận cha nó vì cái xe đạp. Tự nhiên tôi muốn nổi nóng lên, muốn cất đi cái bộ mặt tôn trọng trẻ con theo kiểu Mỹ để mắng nó một trận về tội bất hiếu nhưng kềm lại để xem thằng bé còn nói gì nữa. Nó cầm hình cha mẹ lên nhìn xong đặt úp mặt hình xuống, tôi cầm lên đặt lại cho đúng. Thằng bé nhìn tôi, đôi mắt giương lên giống buổi sáng hôm qua. Tôi nhìn xâu trong mắt nó. Con ngươi ươn ướt. Nó đang khóc vì mồ côi?

- Không mua con xe đạp thì con ở nhà.

À, nó mớm cho tôi hối lộ nó. Nó tưởng đầu óc non nớt của nó khôn hơn đầu tôi già trên ba mươi tuổi. Tôi càng giận hơn vì ghét bất cứ ai nhất là con trẻ có tính láu cá. Tôi hỏi nó mấy tuổi, học lớp mấy. Nó đáp bảy tuổi học lớp hai. Nó không nói gì, tay lại cầm hình cha mẹ lên nhìn xong đặt xuống nhưng lần này không úp mặt hình xuống bàn rồi đứng dậy, chồm người lên cửa sổ nhìn xuống đường. Tôi biết thằng bé đang nóng lòng chờ tôi lên tiếng hỏi về vụ chiếc xe đạp. Làm ngơ nó, tôi cầm một tờ báo dưới đất lên đọc. Lúc đầu tôi vờ đọc chờ xem nó làm lì được bao lâu. Thằng nhỏ lì thật, nó tựa cằm lên thành cửa sổ nhìn xuống đường cứ như là đang chờ chị nó về. Đang đọc báo thì điện thoại ngoài bếp reo vang. Thằng bé vụt chạy ra bếp nhắc máy lên, một phút sau nó vào phòng ngủ nói cú điện thoại đó là cho tôi.

Thương gọi, con bé hỏi tôi em nó ra sao, chịu đi học chưa. Tôi hỏi nó về vụ chiếc xe đạp, Thương xác nhận là đúng, cha hứa mua nhưng cứ lần lữa mãi rồi bị tai nạn xe hơi chết. Tôi hỏi nó khi nào đi làm về vì tôi phải vào sở. Nó không đáp, gác máy. Thêm một đứa láu cá.

Gần trưa con Thương mới đi làm về. Nó bước vào mặt mày đỏ gay vì nắng, mồ hôi nhễ nhại. Nó nói phải đi bộ vì xe bus hôm nay đổi lộ trình. Nhìn đồng hồ, tôi nói tôi phải đi ăn trưa rồi vào sở ngay, đã mất cả buổi sáng. Ra đến cửa tôi nghe thằng bé lè nhè khóc đòi chị dẫn đi ăn. Chị nó bảo để nấu cơm. Tôi nhớ ban sáng khi nó mở tủ lạnh, tôi thấy bên trong chỉ lỏng chỏng vài bó rau. Chạnh lòng, tôi quay trở lại nói chở hai đứa đi ăn trưa. Thằng bé nhanh nhẩu chạy ra tôi, chị nó lưỡng lự rồi đi theo. Lên xe thằng nhỏ tự động ngồi ghế trước cạnh tôi. Nó nhe răng sún cười.

- Lâu quá không được đi xe hơi, nó nói.

Nhìn lên kính chiếu hậu, tôi thoáng thấy con Thương đưa tay lên chùi nước mắt rồi mắng thằng em vì nó đòi tôi đưa đến tiệm phở downtown, nói chú đưa đi đâu ăn thì đi, không được đòi. Tôi chở hai đứa đến tiệm phở đó vì trong đầu đã nghĩ ra cách dụ thằng nhỏ đi học.

***

Ý nghĩ đem hai đứa nhỏ mồ côi về nuôi tôi đã nhiều lần định bụng hỏi Huyền nhưng ngại. Huyền đã nhận lời hỏi cưới của tôi nhưng muốn chờ một năm để học ra trường và tìm việc làm trước đã. Tôi mường tượng ra khuôn mặt nhăn nhó của Huyền nói "Rồi mình sẽ có con của mình để nuôi, hơi đâu đi nuôi con thiên hạ" nhưng nhiều lúc câu nói "Lâu quá không được đi xe hơi" của thằng bé và những giọt nước mắt của chị nó cứ làm tôi thấy mềm lòng đi. Tôi tự an ủi dù sao tình cảnh hai đứa cũng khá lên sau khi thằng bé con chịu đi học vì tôi hứa mỗi tuần nếu rảnh tôi sẽ ghé đưa chị em nó đi ăn trưa và sẽ mua cho nó chiếc xe đạp nếu nó đi học đàng hoàng cho đến cuối năm. Hôm nay là thứ sáu làm xong việc sở, tôi muốn đưa hai đứa đi ăn trưa.

Ghé trường tiểu học đón thằng bé xong tôi chở nó lại siêu thị chỗ chị nó làm để đón. Đến sớm, tôi đậu xe ngay trước cửa tiệm chờ. Tôi thấy Thương mặc áo tạp-dề xanh đậm khệ nệ khiêng những thùng gỗ đựng hàng từ chỗ này sang chỗ kia. Chắc phải nặng lắm vì nó khòm lưng, mặt đỏ gay lên mồ hôi nhễ nhại. Trông thật đáng thương. Thấy xe tôi, nó xua tay như bảo đi đi, đừng chờ, làm sốt ruột. Tôi cười cười lắc đầu mong nó hiểu ý tôi là đừng lo, cứ làm việc đi.

Mười lăm phút sau nó xong việc, gỡ tạp dề, cuộn lại, chào một bà lớn tuổi rồi chạy ra xe. Tôi vội nổ máy bật máy lạnh lên, Thương dùng tay áo lau đi những giọt mồ hôi xong dí mặt vào cái vent để luồng gió mát thổi thẳng vào mặt, nhe răng cười nói.

- Mát quá, mình đi ăn đi chú.

Cũng như những lần trước, thằng em gọi phở, con chị kêu hủ tíu, tôi thì dĩa cơm cho chắc bụng. Trong bữa ăn tôi đề nghị dậy Thương lái xe, mười tám biết lái là vừa, lái xe là chuyện cần thiết. Thương nói nó đã có bằng viết nhưng xe cha nó nằm ụ một chỗ từ ngày ông qua đời, không biết còn chạy không. Tôi nói để cuối tuần đến xem. Nghe tôi nói cuối tuần đến, thằng bé cười toe. Chắc nó nghĩ sẽ được đưa đi chơi.

Ăn xong về lại apartment, Thương chỉ cho tôi thấy xe cha nó đậu sát nhà dưới carport. Một chiếc xe Corolla cũ sơn đã phai nhưng trông rất sạch trên kính xe không bụi cản xe thì bóng loáng.

- Mỗi tuần con rửa xe ba con để ... Thương giọng hơi nghẹn ngào, vội quay mặt đi chỗ khác xong móc túi đưa tôi chùm chìa khóa.

Xe còn tốt, tôi chỉ cần đề hai cái là máy nổ. Thằng bé con đứng bên cạnh mặt tươi rói lên.

Tắt máy xe, tôi đi xuống nói phải trở vào sở, sáng thứ bảy sẽ đến đưa nó đi tập lái.

Ra đến đầu ngõ chỗ đậu xe, tôi quay lại thấy Thương và thằng em ngồi trong chiếc Corolla, chị ghế tài xế, em bên cạnh. Tôi dừng chân nhìn hai đứa. Tôi thấy con bé gục mặt xuống tay lái xe, không biết đôi vai nó có rung không. Thằng em ngồi im nhìn về phía trước, không còn nhảy cỡn lên như lúc nãy.

Sáng thứ bảy tôi đến hơi trễ, Thương và em trai đã ngồi chờ sẵn. Thấy tôi vào, Thương móc túi ra đưa cho tôi xem cái permit lái. Nhìn kỹ, tôi thấy nó chỉ còn hai tuần để lấy bằng lái trước khi permit hết hạn. Đã tính trước, tôi dùng chiếc Corolla chở hai đứa ra bãi đậu xe của khu chợ phiên county vắng vẻ vì không có nhóm. Hoạ chăng chỉ vài chiếc xe của mấy người cắt cỏ chăm sóc công thự. Sau khi chỉ con bé sơ qua về các bộ phận xe và dặn dò cả chục lần, tôi nhường tay lái cho nó, qua ngồi ghế bên cạnh trong khi thằng bé con bị tôi bắt ra đứng chỗ xe bán giải khát của một bà già Mễ.

Mặc dù mặt mày trông căng thẳng nhưng những cử chỉ của Thương có vẻ thành thạo làm tôi ngạc nhiên lẫn nhẹ nhõm. Khi nhường tay lái cho nó, tôi cứ tưởng tượng ra cảnh tông thùng rác, quẹt cây ... mà trong lòng cứ thấp thỏm lo sợ. Nghe tôi khen, Thương nói "cha con đã cho con lái vài lần rồi nên quen tay". Nói vậy chớ con bé còn nhiều khuyết điểm, cần tập thêm mấy giờ đồng hồ nữa. Sau hơn nửa giờ tập, tôi cho nghỉ, bảo đi ăn trưa về xong ngày mai tập tiếp. Nó đòi lái ra nhà hàng. Tôi lắc đầu mạnh. Con bé không hờn, vui vẻ xuống xe chạy sang ghế bên kia. Tự nhiên tôi thấy mến nó vô cùng. Không cha không mẹ rồi phải cưu mang một em trai nhỏ tuổi, con bé ra dáng người lớn. Không đòi hỏi, giận dỗi trẻ con. Dù tuổi mười tám đối với pháp luật là người lớn nhưng có mấy thanh thiếu niên tuổi đó mà cư xử như người lớn nhất là ở cái xứ chủ nghĩa cá nhân trọng trẻ khinh già này. Ngay cả bên mình. Tôi đi ngược giòng thời gian mười mấy năm trước khi mình cũng mười tám như Thương. Sao vô tư lự quá, chỉ lo đi học xong đi chơi. Dù gia đình không khá giả nhưng có khi nào tôi phải lo nghĩ về miếng ăn về áo mặc. Cả đời ngay cả sau khi qua bên này tôi có lo cho ai khác ngoài chính thân mình?

- Ngày mai chú đến chiều nha, sáng con phải đi làm.

Thương dặn tôi khi đang ăn tô hủ tíu trong khi thằng em nó húp nước phở xùm xụp. Tôi nói sẽ đến hai giờ, trong đầu định tâm đem Huyền theo để thấy tình cảnh hai đứa, biết đâu Huyền sẽ chịu giúp một tay, ít ra thế.

Ăn xong ra xe, tôi nhìn đồng hồ. Mới hơn một giờ trưa, chiều nay tôi có hẹn với Huyền nhưng bốn giờ lận. Tôi hỏi Thương chiều thứ bảy hai chị em thường làm gì, đi đâu.

- Dạ, tụi con ở nhà coi tivi thôi chú.

- Tivi hư rồi, có gì mà coi, thằng bé vội chêm vào.

Tôi thấy con Thương đưa mắt lừ thằng em một cái, thằng nhỏ vẫn cãi:

- Hư thì nói hư chớ sao, hổng có gì làm hết.

Tôi chợt nhớ đến cái TV cũ nhỏ tôi nhét trong tủ sau khi mua một cái mới lớn hơn. Tôi nói để chở hai đứa về nhà mình chơi, trong bụng định sẽ cho chúng cái TV cũ. Dĩ nhiên thằng bé chịu đi ngay nhưng chị nó cản:

- Em có homework mà.

Thằng em cãi mai chủ nhật nhưng con chị nói nó bị behind dữ lắm, mấy hôm không đi học bài vở dồn lại. Thấy thằng bé xụ mặt, tôi đâm tội nghiệp nhưng nhanh trí nghĩ ra kế nói nó học bài làm bài xong đàng hoàng thì chở tụi nó tới nhà chơi xong còn có quà cho.

Về lại nhà con Thương, tôi bắt thằng bé đem bài vở ra cho tôi xem. Đọc sơ qua tôi chỉ nó những bài nào phải đọc và bài nào phải làm xong ra bậc cầu thang trước cửa nhà móc thuốc hút. Thương đi tới ngồi xuống bên cạnh. Nó lấy tay quạt tan khói thuốc, giọng trầm trầm:

- Hồi đó ba con cũng hút thuốc như chú vậy, má biểu bỏ đi chớ hút nhiều chết sớm ai nuôi con ... rồi ...

Nhìn khuôn mặt buồn của Thương, tôi thắc mắc khi nào nó sẽ bớt buồn. Khi nào nỗi buồn nguôi ngoai thì gánh nặng nuôi em nhắc nhở về sự mất mát để đem nỗi buồn trở lại. Nếu vậy thì nỗi buồn chắc sẽ ngự trên mặt Thương thật lâu. Tôi tự nhiên thấy bất lực trước tình cảnh hai đứa, bất lực đến tự giận rồi tự biện minh với chính mình, "Rồi mình sẽ có gia đình, có con để lo, đâu thể đi lo con người khác. Vả lại Huyền chắc không chịu đâu".

Cái nhìn của con bé đi từ điếu thuốc giữa hai ngón tay trái tôi xuống chiếc Corolla đậu trong carport ngay dưới cầu thang cạnh những chiếc xe của những nhà hàng xóm. Trưa trời nắng chang chang, cả xóm vắng tanh ngoại trừ vài đứa trẻ đang nghịch vòi nước trên bãi cỏ. Xóm toàn những người da màu nghèo còn ăn tiền trợ cấp hay tiền già. Tôi thấy một vài chiếc xe mới bảnh, chắc của những người vừa ăn trợ cấp vừa đi làm lấy tiền mặt.

Tôi lại lên tiếng khen Thương giữ xe sạch sẽ. Con bé vẫn giọng trầm trầm:

- Xe sắp phải đăng ký lại mà con không có tiền, rồi bảo hiểm nữa.

Trong đầu không nghĩ nó nói vậy để xin tiền nhưng tôi buột miệng nói mình muốn giúp nhưng lúc này không dư nhiều vì có dự định.

- Con đâu nhờ chú giúp đâu, giọng trầm giờ đượm giận.

Tôi vội đính chính nói mình có ý giúp nhưng phải tháng tới. Thương không nói gì, đưa tay lên quệt mồ hôi rịn trên trán. Nhìn những giọt mồ hôi trên mặt con bé, tôi nhớ lại cái hôm đến chợ nơi nó làm đón thấy nó mồ hôi nhễ nhại khiêng những thùng hàng nặng. Có hồ sơ chị em nó trong sở, tôi nhớ số lương nó làm không là bao, lương tối thiểu mà chỉ làm part time thì sống rất chật vật. Tôi định hỏi nó có làm thêm ăn tiền mặt không nhưng sực nhớ vai trò case worker của mình, sức mấy nó dám thú thật.

Có tiếng thằng bé trong phòng vọng ra nói đã làm bài xong. Thương ngồi yên. Tôi nhìn nó như nhắc đi vào xem lại bài cho em, con bé nhìn tôi như nói chú vô coi đi. Bật cười, tôi vừa lắc đầu vừa đứng lên, bắt gặp cái cười mỉm của nó.

"Từ counselor thành babysitter rồi driving instructor xong làm tutor," tôi chặc lưỡi than thầm, "rồi gì nữa? Chả lẽ làm suitor?" Không biết Thương đọc được ý nghĩ tôi không nhưng hai má nó hơi đỏ lên.

Xem bài làm thằng bé xong tôi thấy đã hơn ba giờ. Tôi nói phải thất hứa không đưa Thương và em đến nhà tôi, mai đến đi.

- Chú có hẹn ai hả? Thương hỏi trong khi thằng em lên tiếng phản đối.

Tôi gật đầu.

- Ai vậy chú? Bạn gái hả?

Tự nhiên tôi không cảm thấy bực mình về câu hỏi tọc mạch của Thương, tôi ừ hử trong miệng rồi đi xuống cầu thang. Thương chợt nắm tay tôi kéo lại.

- Mai chú đến hai giờ nha. Đừng quên đó!

Con bé kéo tay về nhưng cảm giác mơn trớn vẫn còn trên da tôi.

Xe tôi ra đến con đường ngoài xóm nhưng Thương còn đứng trên lan can nhìn theo.

***

Cho xe mình vào carport sát chiếc Corolla xong tôi bấm còi nhưng nghĩ sao mở cửa sau lôi cái TV cũ ra khiêng lên lầu. Để hai đứa nhỏ khiêng lên lỡ làm rớt bể thì thật tiếc. Cửa nhà mở sằn, tôi đi vào.

Thấy cái TV, thằng bé reo lên kêu chị nó ra. Tôi ngạc nhiên nhìn Thương diện trong chiếc áo dài vàng trông thật lớn hơn, thật xinh. Sau một phút nhìn nó trân trân, tôi cười bảo đi tập lái xe chi cần diện đẹp. Con bé xụ mặt, hai vai trùng xuống. Nó quay lưng định vào phòng thay nhưng tôi lên tiếng nói sau này cũng có khi mặc áo dài khi lái xe, sẵn đây tập luôn cho quen, khỏi thay ra.

- Vậy mình đi thôi, nó nói xong lôi tay thằng em đứng lên lúc này đang vặn nút TV tìm đài.

Lên xe Thương bật cái visor xuống soi mặt mình trong cái gương nhỏ xong nhìn tôi miệng cười chúm chím. Tôi bỗng dưng thấy bối rối như hồi còn học trung học đi chơi với đào. Tôi tin nụ cười đáp lại của tôi trông ngô nghê lắm.

Vẫn cái bãi đậu xe của phiên chợ county vắng, vẫn cái xe bán nước và bà Mễ già ngồi ngáp ruồi. Mua cho thằng bé lon Pepsi bắt nó ngồi đó xong tôi nói Thương ngồi vào tay lái.

Hôm nay con bé lái rất khá. Nó vừa lái vừa ra vẻ nhởn nhơ không có gì là căng thẳng như hôm qua. Lạ thật, mới một ngày mà sao nó tiến nhanh thế. Tôi khen nó xong bất thần hỏi dồn có phải sáng nay nó lén lấy xe tập lái một mình không. Thương nhăn mặt lè lưỡi điệu bộ trẻ con, miệng cười khì. Tôi la nó sao làm vậy, lỡ cảnh sát bắt thì ai coi em. Con bé giải thích sáng nay làm sớm về sớm mà tôi mãi hai giờ mới đến, nó nhìn chiếc Corolla dưới lầu mà không cầm lòng được, nó lại còn muốn làm tôi ngạc nhiên nên lấy xe lái vòng vòng mấy con đường nhỏ trong xóm.

- Con có chạy ra đường lớn ... chút xíu thôi, nó le lưỡi một lần nữa.

Tôi nói Thương ngừng xe rồi kêu thằng em lên xong nói con bé lái ra nhà hàng. Tôi biết giờ này ngày chủ nhật đường phố xe thưa nên mới liều. Thương bình tĩnh lái rất vững đến nơi. Xuống xe tôi nói sẽ lấy hẹn DMV cho nó thi lấy bằng lái. Đến cửa tiệm, Thương đẩy đứa em vào trước rồi đi cạnh tôi. Mặt nó nghiêm lên trông già dặn hơn. Tôi lấy làm lạ về sự thay đổi thái độ của nó nhưng khi chạm những cái nhìn soi mói của những người trong tiệm tôi mới hiểu. Nhìn Thương, tôi thấy con bé lúc này coi nhỏ hơn tôi chỉ chừng vài tuổi. Nhột nhạt, tôi bước vội đến bà chủ tiệm nói cần bàn cho ba người.

Tối hôm đó đi ăn cơm tối ngồi cạnh Huyền nhưng tôi cứ nghĩ về Thương. Tôi quyết định sau khi giúp nó lấy bằng lái, tôi sẽ bớt gặp chị em nó. Rồi Thương lấy được bằng lái và tôi bớt gặp chị em Thương và hồ sơ của hai đứa cũng được đóng vì Sở Xã Hội không còn lý do gì để kiểm soát. Tôi nghĩ thế là xong.

Sự thể như vậy được hơn tháng thì tôi bắt đầu nhận được những cú điện thoại của Thương trong giờ làm việc. Ban đầu nó hỏi thăm, sau nó hỏi tại sao tôi không đến thăm. Tôi giải thích hồ sơ của hai chị em nó đã được đóng "Closed Case" và tôi không còn trách nhiệm gì với tụi nó và không còn lý do gì để đến.

- Bộ chú không nhớ tụi con sao? Con bé nhõng nhẽo nói.

Tôi nói láo là có in ít nhưng bận việc sở việc nhà nên không rảnh. Nó vặn hỏi có phải tôi bận đi chơi với bạn gái không. Không hiểu tại sao bỗng dưng tôi nói là không có bạn gái rồi nói láo tiếp có thân nhân từ Cali sang chơi nên ít rảnh. Thương gác điện thoại. Tôi đoán thế là xong nhưng chỉ hơn tuầu sau tôi gặp lại nó trong văn phòng. Con bé đến cầu cứu tôi về thằng em.

- Nó lại không chịu đi học chú ơi. Chú nói nó giùm cho con đi.

Ngập ngừng một lúc Thương giải thích:

- Nó nói chú hứa cho nó cái xe đạp, nó chờ riết không có, nó làm reo.

À, cái xe đạp. Bây giờ tôi mới nhớ ra, đúng, mình đã hứa mua cho nó nhưng quên bẵng. Tôi nói Thương về trấn an em nói nó thứ bảy này tôi sẽ mua xe đem đến. Con bé đứng lên chào tôi, miệng cười toe nói "See you Saturday nha".

***

Chiếc Corolla trông bẩn hơn mấy tháng trước. Tôi đoán Thương lái nhiều và bận không có thì giờ rửa. Đóng cửa xe tôi đi lên lầu mà trong đầu mường tượng Thương trong chiếc áo dài vàng hôm nọ. Tôi sẽ trả lời Không nếu nó mặc áo dài đòi đưa đi ăn. Chưa lên đến lầu trên thì tôi đã đánh hơi được mùi thức ăn thơm phức từ trong nhà bay ra ngoài.

Phòng trọ chị em Thương trông khác hẳn. Cái thảm cũ kỹ được rửa sạch trông sáng hẳn lên, bàn ghế trông như được lau chùi, phòng gọn ghẽ không thấy báo chí vương vãi mọi chỗ. Vô bếp tôi thấy thằng bé con đang lăng xăng dọn chén dĩa ra bàn trong khi con chị đang xào nấu. Nó quay đầu lại nhìn tôi nhe răng cười:

- Chú ngồi chơi chút xíu xong mình ăn cơm, còn món mực xào nữa là xong.

Quay sang thằng em, Thương nói lấy bia trong tủ lạnh ra cho tôi uống. Cầm lon Budweiser lạnh tôi tu một hơi hết nửa lon.

- Bữa nay mình ăn cơm nhà, khỏi đi tiệm tốn tiền, chú. Con muốn trổ tài nấu đồ ăn ngon cho chú thưởng thức, không thua gì tiệm. Mấy món này má con dậy con nấu khi xưa, còn món mực xào thì con mới học cái bà trong chợ con làm.

Tôi khen nó đảm đang lắm. Con bé có vẻ thẹn, không biết hai má nó đỏ lên vì thẹn hay hơi nóng từ lò.

Các đĩa thức ăn được dọn ra trưng bày gọn gàng hấp dẫn. Thương nói đợi nó chút xíu chạy vô trong thay quần áo vì bộ đồ trên người bị dầu mỡ văng và ám mùi nước mắm. Tôi ngồi đó chờ, nhìn thằng bé ngoan ngoãn ngồi hai tay đặt trên bàn nhưng không đụng thức ăn. Tôi thấy lạ nó không đả động gì đến cái xe đạp. Tiếng cửa phòng ngủ mở ra rồi đóng lại. Tôi chờ thấy lại chiếc áo dài vàng. Không, Thương trở ra trong bộ đồ bộ để bận trong nhà trông rất mát mẻ. Mái tóc dài được búi lên trên để lộ một cần cổ thon trắng ngần, hai má đánh một lớp phấn hồng mỏng.

Thương ngồi xuống. Tôi khen thằng em ngoan chờ chị ra chớ không nhào vô ăn trước.

- Nó vậy chớ ngoan lắm chú, Thương giải thích, ba con dậy nó chờ má ngồi xuống rồi phải mời xong mới ăn. Bây giờ mình ... ăn đi.

Thằng bé nhe răng cười nói lớn "Dạ, đủ người rồi" xong gắp một miếng thịt ngay. Liếc nhìn Thương, tôi thấy nó cục cựa người như mắc cở về câu thằng em mới nói nhưng tôi cũng thấy nét vui sướng trên mặt nó. Tôi cầm đũa nếm qua mỗi dĩa một ít. Ngon!

Tôi khen Thương, buột miệng nói thêm ai sau này cưới được nó là phúc đức lắm.

- Thiệt không chú, con vừa nghèo vừa xấu ai mà thèm lấy.

Tôi nói nó có nét, xinh, dễ thương, tốt bụng, khéo tay. Tôi càng khen nó bao nhiêu nó càng thẹn thêm bấy nhiêu, chịu không nổi nữa phải đưa tay lên che mặt. Lời khen của tôi phần thật tình phần đến từ hai lon bia. Mà con bé nấu ăn khéo thật, các món ăn ngon vừa miệng. Không quá mặn, không quá ngọt. Tôi thích nhất là tô canh cá me chua. Trong khi thằng bé ngồi cạnh ăn uống nhồm nhoàm, tôi thấy con chị ngồi đó không đụng đũa mà chỉ ngó tôi ăn, chờ tôi ăn xong chén nào là xới thêm cơm. Tôi đặt đũa xuống nói sẽ không ăn cho đến khi nào nó ăn.

- Tại con thích coi chú ăn ngon miệng ... làm con vui.

Thằng bé nuốt vội miếng cơm trong miệng rồi nói:

- Má con cũng vậy, má ngồi nhìn ba với tụi con ăn đã rồi má mới ăn.

- Mày nói làm xàm à, Thương đỏ mặt lên mắng em xong quay qua tôi, con ăn nè.

Đã đi ăn với Thương nhiều lần, chiều nay tôi thấy hình như nó đổi cách ăn uống, ăn ít, từ tốn, cử chỉ nhẹ nhàng, trông như nó làm điệu với tôi.

Bình thường ở nhà hay đi tiệm một mình tôi ăn rất nhanh nhưng tối nay tôi ăn chậm đi, tôi muốn kéo dài những giây phút gia đình ấm cúng với chị em con Thương. Tứ cố vô thân ở nơi lưa thưa đồng hương, tôi thường cảm thấy cô đơn, thiếu và nhớ cái không khí gia đình. Tôi biết khi cưới Huyền mình sẽ gây dựng lên một gia đình nhưng lúc này tôi không nghĩ gì đến người vợ tương lai.

Ăn xong tôi nói muốn giúp rửa chén dĩa nhưng Thương không chịu, bắt tôi ra ngoài cầu thang ngồi hóng gió cho mát. Thằng bé đi theo tôi ra ngoài ngồi xuống bên cạnh. Tôi đoán ngày mai là chủ nhật không đi học nên nó không cần coi bài vở. Tôi định đốt điếu thuốc nhưng thôi khi nghĩ đến gì Thương nói tôi hôm nọ. Tôi hỏi thằng bé về việc học hành. Nó khoe dạo này thầy cô khen nó học giỏi, được điểm cao, chị nó rất hài lòng. Ngạc nhiên nhưng tôi không nói ra. Thằng bé còn khoe là đi học đều, chỉ nghỉ một hai lần vì bệnh. Thêm một ngạc nhiên. Nó lơ đãng nhìn xuống dưới carport chỗ chị nó đậu chiếc Corolla. Tôi không biết nó nghĩ gì, một đứa bé trai mới bảy tám tuổi. Về một tương lai không cha mẹ? Về bạn bè, về trường học? Về chiếc xe đạp tôi hứa cho và quên nhưng hôm nay đang nằm trong xe hơi tôi dưới đường chờ được đem lên. Không dằn được, tôi hỏi nó về chiếc xe đạp. Nghe chữ "xe đạp", nó nhe răng cười nói nó tin tôi không quên nên nó ráng đi học giữ lời hứa để được thưởng.

Im lặng trở lại ngoài này, bên trong nhà tiếng vòi nước chảy tiếng chén dĩa chạm nhau.

- Hồi đó cũng vậy, thằng bé khẽ nói, ăn cơm xong trời nóng ba ra đầy ngồi với con, má rửa chén xong ra ngồi nói chuyện.

Nó dựa đầu lên vai tôi, mùi ngai ngái của tóc cháy. Tôi quàng tay lên vai nó, vỗ nhè nhẹ. Sau này khi tôi và Huyền có con, không biết nó trông có giống thằng bé này không. Tôi sẽ không quên nó, sẽ để hai đứa quen nhau, lớn lên thành bạn thành bè. Tiếng chân Thương sau lưng. Em nó quay lại ngước nhìn lên rồi nói tôi nó đi vào xem TV. Thương ngồi xuống chỗ đứa em. Tôi nói con bé em nó nói lúc trước hôm nào trời nóng ăn cơm xong ba má hai đứa ra ngồi hiên nói chuyện cho mát. Thương nói Dạ thật khẽ rồi mỉm cười nhìn lên bầu trời đầy sao. Tôi biết trong lòng Thương lúc này là một hạnh phúc nhỏ nhoi đang được vun sới với một hy vọng, dù mong manh, một ngày sẽ thành tựu. Tôi cũng đang cảm thấy vui sướng vì một gần gũi ấm cúng nhưng đồng thời đau khổ bởi một dằn vặt là rồi sẽ gây thất vọng ê chề, sẽ dập tắt ngọn lửa hạnh phúc le lói của một thiếu nữ mới vào đời, sẽ xé rách một bức tranh hạnh phúc đang được họa lên. Biết mình phải có can đảm nói thẳng cho Luông để con bé ngưng vẽ vời nhưng tôi hèn nhát không dám.

Tôi thở dài. Tôi cảm thấy một bàn tay nhỏ đặt nhẹ lên cánh tay tôi rồi tiếng Thương khẽ hỏi:

- Chú có chuyện gì buồn vậy. Nói con nghe đi. Con muốn nghe.

Chắc khi xưa ngồi ngoài hiên này ba con bé cũng đã thở dài về những chuyện buồn bực trong sở làm để má nó nghe và an ủi nhưng những rối rắm trong tim óc tôi lúc này làm sao thố lộ được. Tôi lắc đầu nói không có gì quan trọng để kể, không có gì nó phải lo.

- Bộ chú nghĩ con còn là con nít sao, không đủ sức lo chuyện đời. Một mình con làm hết, đi làm lo việc nhà coi em, có ai giúp đâu.

Để đánh lạc hướng con bé, tôi hỏi nó khi nào nó sẽ đi học trở lại, chả lẽ đi làm chợ khiêng mấy thùng hàng nặng và quét dọn mãi sao. Rồi trong một giây dại dột, tôi nói thêm hay là công việc bây giờ là tạm bợ, sau này nó sẽ lấy chồng và ở nhà lo cho em và chồng con.

- Con ước vậy đó chú, giống như ba má con. Nhà nghèo nhưng có hạnh phúc chớ không như mấy gia đình dưới kia, họ giầu lắm, ăn welfare rồi làm thêm tiền mặt nhưng lúc nào cũng có chuyện, ngày nào cũng cãi lộn mấy vụ tiền bạc chi tiêu.

Cái nhìn trong mắt con bé trở nên mơ màng.

- Con nhớ hồi con còn đi học, mỗi tối ở trong phòng học bài đi ra kiếm nước uống thấy ba má con ngồi đây nói chuyện hạnh phúc lắm. Con chỉ ước ...

Nó quay mặt đi chỗ khác. Tôi không biết nó đang mơ mộng về một hạnh phúc mới hay đau buồn cho một hạnh phúc đã mất. Con bé quay lại. Giọt nước long lanh trên khóe mắt. Tôi xin lỗi đã làm nó nhớ lại chuyện xưa, con bé gượng cười.

- Có sao đâu chú. Chuyện gì xảy ra thì xảy ra, con chỉ muốn nhìn về tương lai hy vọng.

Tiếng điểm chương trình tin tức 10 giờ đêm của đài truyền hình vọng ra. Tôi sực nhớ mình có hẹn đi nghe nhạc với Huyền đêm nay tại một quán cà phê nhỏ mới mở. Nếu chạy vội thì có thể kịp. Tôi lên tiếng gọi thằng bé. Nó đi ra. Tôi nói đi theo tôi xuống xe đem chiếc xe đạp lên. Nó ra vẻ ngạc nhiên. Tôi nhìn Thương, con bé bối rối, ngượng ngập nói em nó đi theo tôi lấy xe đạp đi chớ, làm gì đứng đó như trời trồng.

Khi tôi và thằng bé trở lên với chiếc xe đạp, Thương vẫn còn ngồi trên cầu thang. Nó nói thằng em đem xe vô trong rồi sửa soạn đi ngủ, khuya rồi. Tôi biết sắp đến lúc quan trọng, lúc tôi phải vượt qua tính hèn của mình để nói cho Thương biết, biết thật về tôi, về Huyền, về hai chị em nó. Phải biết bây giờ để tránh đau đớn sau này.

Thấy tôi đứng tần ngần đó thay vì ngồi xuống, Thương đoán tôi muốn đi.

- Tối thứ bảy mai không đi làm mà chú về sớm làm chi. Sáng mai con được nghỉ, không cần đi ngủ sớm. Chú ở lại chút xíu đi. Mình nói chuyện đến khuya rồi chú về.

Tôi lắc đầu. Con bé khẩn khoản:

- Trong tủ lạnh còn mấy lon bia, chú cứ uống thêm, giọng nó run run, nếu chú say thì ngủ lại phòng khách sáng mai về cũng được.

Tôi biết nếu mình ở lại tối nay, phòng khách sẽ không là chỗ tôi ngủ. Tôi thương cảm cho con bé quá. Nó liều đánh hết vốn, sẵn sàng cho hết. Tôi tội nghiệp cho sự tuyệt vọng của nó. Với giọng quả quyết, tôi nói là mình phải đi rồi ngập ngừng nói thêm vì có chuyện.

Nó hỏi giọng đượm buồn:

- Chú có hẹn với cô nào chớ gì.

Tránh cái nhìn thất vọng trên mặt Thương, tôi bắt đầu kể cho nó về Huyền, về dự định hôn nhân. Tôi nói tôi mến chị em nó, xem nó như đứa em gái đang sống bên Cali với cha mẹ mà tôi hy vọng sẽ có ngày hội ngộ, tức là tôi sẽ đi khỏi chốn này một ngày nào đó. Tôi khuyên nó tập trung vào việc làm và đứa em trai, nói nó phải cố đi học lại. Tôi không biết con bé có nghe tôi nói không. Nó đứng đó trong bộ đồ bộ như thể nó cố tình ăn mặc vậy để cho tôi thấy nó xem tôi là người trong nhà nên cứ tự nhiên không cần màu mè, cho tôi thấy gia cảnh với tôi thay thế cha nó và nó đóng vai mẹ nó. Bây giờ tất cả những ấp ủ đó ...

- Thôi, chú đi đi.

Vừa quay lưng, tôi nghe con bé gọi giật lại. Quay lại tôi thấy nó đứng ngay sau lưng.

- Tặng chú nè.

Con bé nhón chân lên, hôn lên môi tôi, đôi môi và đầu lưỡi nhỏ mềm mại vị ngọt ngào. Nó thì thầm, "Lần đầu tiên con hôn", xong nó chạy biến lên trên lầu vào trong nhà.

Cánh cửa đóng xầm lại, đèn bên trong vụt tắt. Lòng tôi tối tăm như căn phòng trên kia.

Tôi bước như chạy ra xe.

***

Nắng chan hòa. Nắng trên Sài Gòn Nhỏ, nắng trên con đường Bolsa. Tôi đã quá quen những con phố Việt ở đây, ở thành phố Westminster quận Cam. Tôi quen và thích cái nắng ở đây, dịu và khô, không âm ẩm như nơi tôi và Huyền bỏ đi ba năm trước. Có những buổi trưa tôi và Huyền nghỉ lunch break rủ nhau vào những quán ăn nhỏ nhan nhản khắp nơi, không như nơi chúng tôi bỏ đi, nơi mà cả tỉnh chỉ có một tiệm phở và một chợ cho đến ngày chúng tôi đi thì thêm được một tiệm cơm. Tôi yêu nơi này quá, tôi có gia đình ở đây, vợ tôi cũng thế.

Trong tiệm cơm đi ra, tôi lững thững đi bộ lại Phước Lộc Thọ lấy xe. Thời tiết tốt, tôi thường cố tình đậu xe hơi xa để đi bộ tà tà ngắm cảnh ngắm thiên hạ. Bên kia đời nào tôi làm chuyện này. Đến ngã tư đường là một trạm xe bus, một người con gái đứng chờ xe, tay cầm túi tay vuốt tóc. Cô ta chợt quay lại. Tôi và người con gái nhìn nhau, sững sờ.

- Ủa, chú!

Thương đó, Thương cũng về Cali như tôi. Thương trông lớn hẳn sau ba năm. Vẫn xinh, vẫn trông dễ mến như xưa dù nét đẹp hồn nhiên như bớt đi. Tôi không quên Thương được. Tôi đã không nói cho Huyền về chị em Thương nhưng vẫn giữ những hình ảnh hai chị em nó trong tâm khảm. Những ký ức đó không ngự trị tim tôi vì nó là của Huyền nhưng chúng sống mãi trong một góc nho nhỏ nào đó. Và bây giờ tôi gặp lại đứa con gái đó, trước mặt tôi.

Thấy tôi đến, Thương không vồn vã, chỉ nở một nụ cười nhẹ rồi nói, "Chú trông vẫn như hồi đó". Tôi hỏi dồn dập, bây giờ Thương ở đâu, làm gì, qua đây hồi nào, còn thằng em thì sao hả con? Nó học đàng hoàng không? À, Thương lấy chồng chưa?

Nụ cười gượng buồn rười rượi trên môi Thương làm tôi thấy nhói lên trong tim. Con bé nhìn tôi xong cúi mặt xuống kể bằng một giọng trầm buồn chịu đựng:

- Con về Cali hai năm rồi. Chú đi khi nào con không biết, chú đâu tới bye con đâu. Thằng em con chết rồi. Nó chạy xe đạp ra đường, cái xe đạp chú tặng nó đó, bị xe đụng chết. May là nó chết ngay, không bị đau đớn. Rồi con gặp anh Minh rồi cưới ảnh. Gia đình ảnh bên Cali, tụi con về đây ở nhưng ảnh bỏ con đi theo một con nhỏ nào làm nails trên đường Beach đó. Ảnh bỏ con hơn một năm rồi. Con move ra, con share phòng với người ta.

Con bé đưa tay lên chỉ về văn phòng du lịch trong cái mall bên cạnh.

- Con mới mua vé đi Việt Nam. Con về Việt Nam ở luôn với bà ngoại và mấy dì con. Bên đây con đâu có ai đâu. Hổng có ai hết. Buồn quá!

Chiếc xe bus trườn đến. Cánh cửa xe mở ra. Thương cúi đầu nói khẽ "Thôi, con đi. Chúc chú hạnh phúc." xong bất chợt nó hôn lên môi tôi rồi quay lưng bước lên xe.

Nhìn chiếc bus lăn bánh đi, tôi chợt thấy lòng mình trống trải. Vị ngọt ngào từ đôi môi đầu lưỡi mềm mại của Thương đưa tôi trở lại cái đêm cuối trên cầu thang nhà chị em con bé.


BÙI NGỌC KHÔI

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 92734)
Đ ây là bài viết thứ hai, trong số 3 bài viết về tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long “Nhìn Xa Nửa Thế Kỷ Tới” . Bài thứ nhất, như một tổng quan, với nhận định: thủy điện vẫn là nguồn năng lượng rẻ nhất, do nhu cầu phát triển, những bước khai thác thủy điện trên sông Mekong, cho dù mau hay chậm, trước hoặc sau, thì đó vẫn là một tiến trình không thể đảo nghịch trong vòng nửa thế kỷ tới.( Ngô Thế Vinh )
05 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 112407)
T ôi ký họa mặt người vào dòng sông buông Nơi có lau sậy hóa mình trôi theo tiềm thức Đột ngột giận mình
04 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 86491)
C hủ nhật ngày 1 tháng 5, 2011[...]Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden cùng các thành viên trong ban an ninh quốc gia theo giõi, qua "hệ thống truyền hình riêng" (secure communications systems) tại phòng hội (Situation Room) tại toà Bạch Ốc, cuộc đột kích của toán Navy SEAL Team Six, dưới sự điều động của cơ quan tình báo Hoa Kỳ Central Intelligence Agency (CIA), vào sào huyệt của Osama bin Laden tại Abbottabad, Pakistan, cách Washington, D.C. trên 7,000 miles.
30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 94103)
T ôi cũng nhớ cả đến những đêm về sáng ở vũ trường Tự Do, ngồi nghe Lệ Thu hát hết bài Tôi Đưa Em Sang Sông , để rồi ngày mai lại phải xa thành phố về một nơi mịt mù của đất nước. Sau này, lần nào từ Mỹ về thăm lại Saigon, chúng tôi cũng đến Givral ngồi bên ly cà phê, trầm ngâm nhớ lại cả một thời và những người bạn ngày xưa. Bây giờ thì Givral không còn nữa rồi.
30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 93466)
...T ại sao lại đặt cột mốc trước và sau 30-4-1975 cho lý lịch của mỗi con người? Ngày chấm dứt chiến tranh, ngày hòa bình, ngày thống nhất đất nước. Đó cũng là ngày phán xử. Kẻ thua người thắng. Ngày định phận. Kẻ có công người có tội. Và mỗi lần khai lý lịch là mỗi lần xác nhận cái sự thua thắng, công tội đó. Một lằn ranh không cho phép ai vượt qua. Một sự chia cắt vĩnh viễn giữa các con người, giữa các công dân...
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 110013)
C ha bỏ xác trên rừng mẹ ngồi đan áo mũi kim đâm vào đầu ngón tay nước mắt rơi xuống hai chữ anh hùng tôi tiếp tục cầm súng đi ngược chiều Trường Sơn
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 114153)
M ỗi chúng ta phải chỉ có một thứ thôi Yêu tổ quốc mình và yêu tự do là trên hết Hãy làm đi và xin đừng rên nữa Đớn đau quá nhiều và hèn kém đã ăn sâu.
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 96773)
...T hoắt đó họ ngã xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết. Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền... 
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82141)
" Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viển vông này chúng tôi đã chọn xuất bản." (Bùi Chát)
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 81057)
...C ó người cho rằng Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng lớn chủ nghĩa siêu thực của Baudelaire.[20] Ông đã thụ lĩnh từ tác giả “Hoa ác” một cảm quan ma quái để đi vào thế giới đau thương, rồi cứ bị thôi miên bởi vẻ đẹp kỳ lạ, kinh dị.[13] Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần lý giải theo chiều hướng khác, dưới góc nhìn của văn học so sánh. Đây chính là hiện tượng tương đồng khi có cùng hoàn cảnh sáng tác trong sáng tạo nghệ thuật...