- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cao Xuân Huy: Cái Lưỡi Câu

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 127393)
image0010

 Thạnh năn nỉ:

“Mày thông cảm, tao chỉ có hai thìa.”

Tường lắc đầu:

“Ba là ba.”

Thạnh thở dài:

“Hay mày cho tao thiếu.”

“Thiếu? Rồi lấy gì mày trả?”

“Thì...”

“Không.”

Thạnh thất vọng:

“Thôi thì, lấy cái hạng nhì vậy.”

“Đưa đây.”

Thạnh móc trong túi ra một miếng vải được buộc túm chặt bằng lạt tre, cẩn thận gỡ sợi lạt. Một dúm muối hột đen bẩn hiện ra. Thạnh trân trọng, nâng niu múc, vừa chẵn được hai thìa, đổ vào bát của Tường. Tường chăm chú nhìn Thạnh đong muối. Xong xuôi, Tường chùi cái lưỡi câu thêm một lần trước khi đưa cho Thạnh. Thạnh cầm lưỡi câu, mắt nhìn với theo bát muối trên tay Tường. Còn một ít muối vụn dính vào miếng vải, Thạnh thè lưỡi chấm chấm. Vị ngọt lan nhanh trong miệng, nước bọt ứa ra.

Những sợi chỉ tháo từ cái ba lô rách trở thành dây cước, Thạnh buộc vụng về nhưng cẩn thận vào cái lưỡi câu vừa “mua” được. Có thế chứ, cuối cùng mình cũng đã có được cái lưỡi câu. Dù không bằng cái hạng nhất làm từ kim băng, nhưng, vẫn là một cái lưỡi câu, hạng nhì.

*

Để chống lại cái rét căm căm của mùa Đông núi rừng miền Bắc, hơn bốn chục người tù phải bốc thăm để chia nhau một cái áo ấm. Ngoài sân, lửa phải đốt suốt ngày. Đêm, phải mang than hồng lót dưới sạp nằm. Lúc nửa đêm, cái lạnh nhức xương làm Thạnh thức giấc, than đã tàn, Thạnh ra đống lửa ngoài sân hút một điếu thuốc lào.

Vừa đặt điếu xuống, Thạnh thấy thốn đau ở ngực, cổ họng như có cái gì muốn trào ra, mà không phải là nôn. Chúi đầu xuống đống lửa, Thạnh há miệng, nước lẫn bọt từ trong ngực dồn lên, rồi tự động tuôn ộc ra khỏi miệng từng đợt từng đợt.

Toàn, cũng không ngủ được, đang ngồi hơ lửa, hốt hoảng kêu lên:

“Thạnh! Mày ói ra máu!”

Thạnh đưa tay quệt ngang miệng, giơ ra ánh lửa. Màu đỏ tươi dính trên tay áo. Thạnh lại gập người xuống, há hốc miệng vào đống lửa, máu lại trào ra.

Toàn chồm tới, đưa tay đỡ lấy ngực Thạnh:

“Để tao lên bệnh xá xin thuốc cầm máu.”

Toàn đứng dậy, dợm bước. Thạnh thều thào gọi giật lại:

“Thôi Toàn, để họ ngủ.”

“Nhưng máu ra nhiều thế kia.”

“Có thuốc đâu mà xin. Mà... cũng không cần. Chỉ cần mày... làm chứng... cho tao... là đủ rồi.”

Làm chứng tao mửa ra máu, may ra, tao sẽ được nghỉ lao động một ngày. Được nghỉ những nguyên một ngày lao động... Bỗng dưng, đám máu tươi bầy nhầy không làm Thạnh sợ choáng người như lúc vừa nôn. Ngược lại, nó đã trở thành những tia hy vọng.

Thạnh nhìn Toàn, hy vọng...

Toàn chỉ lắc đầu, lẩm bẩm trong miệng:

“Không có thuốc, rồi làm sao qua được mùa Đông này...”

Thạnh đưa tay chận ngực, hổn hển:

“Qua được hay không qua được, nói làm gì. Mày nhớ... làm chứng... cho tao nghe.”

*

Cái phao động đậy, Thạnh hồi hộp đợi. Cái phao vẫn động đậy. Chờ cho đến khi cái phao đứng yên, Thạnh cẩn thận nhấc cần. Con giun mồi biến mất, chỉ còn trơ ra cái lưỡi câu.

Cái phao lại động đậy, Thạnh hồi hộp. Cái phao đứng yên, Thạnh lại cẩn thận nhấc cần. Con mồi biến mất, lại chỉ còn trơ ra cái lưỡi câu.

Cái phao động đậy. Lần này, Thạnh không đợi nữa mà, vút... Thạnh giựt mạnh cần.

Nặng tay. Sợi dây cước căng hết cỡ làm cong đầu cần.

Thạnh giựt giựt cần, vẫn nặng tay.

Chắc là một con cá to, phải là cá to chứ. Cái hố bom B-52 kín đáo, nằm khuất sâu trong rừng già, mới chỉ có một mình Thạnh tìm ra. Cái hố bom mà Thạnh phải thật gian nan mới vào đến được, chưa kể phải đánh dấu để khỏi lạc đường về trước khi trời tối. “Một con cá to,” Thạnh nhớ ngay đến Toàn, chắc cũng phải tìm cách chia cho nó một phần. Nghĩ đến đây, Thạnh hứng chí, mẹ, thằng vua “cờ tây” suốt ngày ngâm nga “sống trên đời...”, con vật “ăn đủ thứ” ấy mà bạn tao còn khen ngon, thì huống gì mày, cá ơi là cá! Bất kể mày ăn cái gì ở dưới hố bom này, chúng ông cũng ăn mày, chúng ông cũng ăn mày cho đã đời. Thạnh liếm môi, hít hít mùi thơm tưởng tượng, nuốt ực miếng nước bọt vừa ứa ra.

 

Nhưng, nhìn lại, cái phao không còn động đậy, Thạnh đâm nghĩ ngợi. Nếu là cá to, thì cái lưỡi câu hạng nhì và cái gọi là dây cước, nó chỉ cần táp nhẹ một cái là đã đi đời nhà ma rồi, chứ sao lại nặng. Hay là... rắn? Hay... một con quái vật rừng già nào khác? Hay là, lưỡi câu đã lọt thỏm vào giữa hàm răng của... một cái đầu lâu đã thành tinh dưới đáy hố bom cũng là đáy huyệt? Thạnh chùn tay, đảo mắt nhìn quanh, bỗng nhận ra, trong cái không gian âm u đầy đe dọa của núi rừng hoang rợ vào lúc buổi chiều đang dẫy chết này, Thạnh chỉ có mỗi một mình, với cái hố bom ma quái.

Gió bắt đầu thổi mạnh, luồn qua khe núi, thốc qua những lùm cây, những bụi gai rừng, rít lên từng chập. Tiếng côn trùng rền rĩ càng làm khung cảnh thêm thê lương. Thạnh gai người, nhớ lại những đêm hành quân lởn vởn những xác người và chờn vờn những bóng ma.

Nghĩ đến ma, Thạnh nhớ lại câu chuyện một người lính kể vào một đêm trời cũng chập choạng tối như đêm nay:

Đơn vị em vừa tái chiếm một ngọn đồi, sau một trận đánh khốc liệt. Mùi máu tanh như vẫn còn vướng vất trên những lùm cây. Em ngồi gác, trong bóng tối nhá nhem của buổi chiều, khu rừng già trước mặt như vẫn còn đầy bất trắc. Trong không gian im vắng, đột nhiên em thấy như có gì di động trong rừng cây. Phản xạ của một thằng lính gác là mở chốt an toàn của khẩu súng trên tay. Nhưng trong khoảnh khắc, em chợt nghe rõ "cách", tiếng mở khóa an toàn một khẩu M-16 khác ngay bên cạnh. Em giật mình quay lại, một thằng lính lạ mặt, không cùng đơn vị đã đứng cạnh em từ lúc nào. Quái lạ và vô lý, em đang gác ca đơn, ca gác đơn không thể có hai người. Thằng này ở đâu ra?

Nó nhìn em:

"Vô sự. Gió đấy thôi!"

Kinh ngạc và hoang mang, em hỏi nó:

"Mày là ai? Sao lại ở đây?"

Nó co ro:

“Lạnh quá, cho tao ngồi chung với. Giờ này là ca gác của tao.”

Rôài nó tự động lót mũ sắt ngồi xuống. Em nhìn phù hiệu trên tay áo nó:

“Mày có lộn không?Đây là đơn vị tao, mày về đơn vị mày mà gác.”

Nó cãi:

“Đơn vị tao ở đây”.

Nó vừa nói vừa chỉ tay xuống đất, ngay dưới chỗ hai đứa đang ngồi.

Lúc em nhìn lên, nó biến mất, em vụt nhớ lại khuôn mặt nó, khuôn mặt xanh lè của một xác chết, với bệt máu còn đọng trên mép chưa khô, phù hiệu đeo trên tay là của một đơn vị bạn từng đóng trên ngọn đôài này, đã chết không còn ai, trong một trận tấn công của địch mấy tháng trước, xác không kịp mang đi, được lấp vội vàng tại đây, ngay dưới chân vọng gác này.

*

Gió rít mạnh hơn, tiếng rít của núi rừng hay tiếng rít ai oán của những thây ma đang nằm rên rỉ dưới đáy hố bom? Thạnh rùng mình kéo cao cổ áo. Người anh em phía bên kia muốn về báo hận ta chăng? Thôi, hận nhau làm gì nữa, các anh nằm dưới đáy hố bom thì cũng đâu khác gì tôi đang ngồi dưới đáy vực của cuộc sống này. Nói cho cùng, chúng ta không phải là đồng đội, nhưng là đồng nghiệp với nhau đấy chứ. Các anh không thấy sao? Chúng ta đều là những người trẻ, đi lùng giết nhau để tranh giành những thung lũng, những ngọn đồi đầy xác chết.

Thạnh dợm người, với tay kéo mạnh chiếc cần câu. Chiếc cần vẫn cứng ngắc như có ai ghì lại dưới đáy. Mặt nước bây giờ đã đầy bóng tối. Thạnh căng mắt nhìn.

Không còn thấy cái phao.

Bõm...

Có ai vừa nhảy xuống nước, hay tiếng của một vật gì rơi.

Thạnh giật mình hốt hoảng, định bỏ chạy, nhưng cái cần câu trên tay kéo giữ Thạnh lại.

Và, Thạnh thoắt nghĩ đến cái lưỡi câu.

Ừ, cái lưỡi câu. Thạnh không thể để mất cái lưỡi câu. Hai thìa muối, cả một gia tài đã mất, một quyết định lớn đã làm sau bao đêm suy nghĩ đắn đo. Cái lưỡi câu và những con cá mơ ước, có lẽ nào Thạnh lại chịu thua.

Thạnh toát mồ hôi. Phải quyết định. Giật mạnh cần thì sẽ mất cái lưỡi câu. Lội xuống nước mò theo sợi dây cước tìm cái lưỡi câu thì... Thạnh rợn người không muốn nghĩ tiếp.

 Bóng tối bây giờ đã dày đặc. Thạnh co dúm người, gục đầu xuống hai tay đang ghì chặt chiếc cần câu.

Lạnh, và sợ. Nỗi sợ hãi ập xuống cùng bóng đêm, cái lạnh cào xé cùng gió buốt. Thạnh run rẩy, tuyệt vọng. Và muốn bật khóc.

Nhưng cùng lúc ấy, hình ảnh cái lưỡi câu và những con cá béo nhẫy hiện ra. Can đảm lên Thạnh ơi, chỉ cần mò theo sợi dây cước, lặn xuống nước thì sẽ “cứu” được cái lưỡi câu, sẽ có cá ăn. Sẽ có cá ăn...

Bỗng dưng, Thạnh nhận ra mình đang đói.

Cái đói cồn cào ruột gan, cái đói quắt quay trí não, cái đói thúc giục chân tay, nó kéo đôi chân cong queo của Thạnh đứng lên, nó đẩy thân hình xác xơ xiêu vẹo của Thạnh chập choạng bước tới.

Thạnh nhắm mắt. Hai tay ôm ngực chận cơn nôn. Méo miệng cười, nhào xuống nước...

 Cao Xuân Huy

Ý kiến bạn đọc
28 Tháng Sáu 20206:33 SA
Khách
Đau lòng !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Bảy 202311:26 CH(Xem: 6049)
Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn kính báo tin cùng Chư Tôn Đức, Thân Bằng Quyến Thuộc và Bạn Hữu xa gần: Con, cháu chúng tôi là: Phật tử: PHẠM TRƯỜNG SONNY / Pháp danh: TRÍ LẠC / Sinh ngày: 11 tháng 9 năm 1994 tại Orange County, California./ Mất ngày: 11 tháng 7 năm 2023 tại Orange County, California. Hưởng dương: 30 tuổi
13 Tháng Bảy 20235:38 CH(Xem: 5917)
con lòng tong nhỏ / trôi đi / bâng khuâng / buồn lại phương phi / giữa trời
10 Tháng Bảy 20235:10 CH(Xem: 4890)
cửa em / không phải cửa mình / cửa ta / nhà bạn / thình lình mở toang
10 Tháng Bảy 20231:55 CH(Xem: 6342)
PHỤ NỮ GIỮA CHIẾN TRANH VIỆT NAM: THỜI ĐIỂM 1969 Tầm nhìn Chiến tranh, Giấc mơ Hòa bình [Visions of War, Dreams of Peace] [1] là nhan đề một tuyển tập thơ của các nhà thơ nữ; nếu là Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, họ đã là những nữ quân nhân như y tá, bác sĩ đã từng chăm sóc các thương bệnh binh; nếu ở những ngành nghề khác, họ đảm trách các dịch vụ không tác chiến như chuyên viên truyền tin, tiếp vận, kiểm soát không lưu, nhân viên Hồng Thập Tự... Nếu là người Việt, họ là những phụ nữ thuộc hai miền Nam hay Bắc, với những trải nghiệm khác nhau, qua những năm tháng chiến tranh. Và như từ bao giờ, cho dù ở đâu, phụ nữ và trẻ em vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh. Trong tập thơ này, có 34 nhà thơ nữ Hoa Kỳ, và sáu nhà thơ nữ Việt Nam: Xuân Quỳnh (My Son’s Childhood), Hương Tràm (The Vietnamese Mother), Hà Phương (To An Phu, From This Distance I Talk To You), Trần Mộng Tú (The Gift In Wartime, Dream of Peace), Minh Đức Hoài Trinh..., Nguyễn Ngọc Xuân...
28 Tháng Sáu 20239:58 CH(Xem: 6782)
anh là chim cánh mỏi / bay về tổ chiều hôm / không còn ai ngóng đợi / tay với cành hoa thơm
18 Tháng Sáu 20236:37 CH(Xem: 5662)
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ. Truyện & kịch của Trần C. Trí mở ra cho ta thấy một cách sáng rõ ngôn ngữ là những quan hệ. Là giao tiếp. Là tâm hồn con người. Nó phả ra cái hơi thở, cái tình cảm của con người. Nó soi chiếu và phóng lên màn hình nội tâm chúng ta những phác đồ tâm lý người. Tôi lại nghĩ đến Heidegger với ý tưởng Ngôn ngữ là nơi an cư của tính thể. Con người cư ngụ trong chính ngôn ngữ của nó.
18 Tháng Sáu 20236:10 CH(Xem: 6584)
có một đêm rằm trăng sáng thơ thẩn ta đi trên đường bỗng dưng nhớ bài thơ cũ … “cúi đầu chợt nhớ cố hương”
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 5828)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:22 CH(Xem: 6252)
mấp mé mấp mé chiều quanh / tiếng kêu sẫm buồn rợn tối / chim. lia rẽ / một khúc quành / xao xác đường về rất vội
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 5900)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.