- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

30 tháng 4 tôi nhìn lại mình

30 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 32278)

red_sea_-tranh_tri_le-content
 Red Sea - tranh Trí Lê

LTS: Chúng tôi nhận được bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân vào những ngày tưởng niệm 30 tháng 4 vào năm thứ 39 . Ông Nguyễn Quốc Quân cho biết đây là bài viết đầu tiên của ông về ngày 30/4 từ hơn 30 năm vượt biển và bài này cũng để ghi lại cảm xúc sâu đậm của ông khi đón nhận nhận sự ra đi của thầy giáo Đinh Đăng Định. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài “30 tháng 4 tôi nhìn lại mình” cùng độc giả Hợp Lưu .

TẠP CHÍ HỢP LƯU

 

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm thứ năm ngày 3 tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã công bố rằng nhà nước sẽ cho cử hành một đại lễ cầu siêu tổ chức tại Trường Sa dành cho những anh hùng tử sĩ hy sinh vì biển đảo, kể cả chiến sĩ VNCH, cũng như tưởng niệm thuyền nhân bỏ mình trên biển Đông. Khi nhắc tới thuyền nhân VN, ông đã gọi bằng một tên mới đó là “nạn nhân chiến tranh” và cho biết nhà nước VN “không còn bận tâm đến mục đích ra đi của khoảng 4 triệu rưỡi người Việt đang sinh sống ở nước ngoài”.

Tạm gác qua bên sự khó chịu về kiểu nói trịch thượng của ông Sơn và kinh nghiệm đã có quá nhiều về những “ẩn ý” hay “toan tính” của các lãnh đạo của ông Sơn, người ta vẫn thấy không ổn trong những phát biểu này và chẳng thấy sự chân thành nào đối với những người đã mất.

Có lẽ điều không ổn lớn nhất là thắc mắc: Nếu ông Sơn thực sự có thiện tâm muốn "hòa giải dân tộc" thì thay vì chỉ biết níu áo “các xác chết” ông có thể đề nghị Nhà Nước của ông làm rất nhiều việc dễ dàng, cụ thể, và cấp thiết hơn nhiều; chẳng hạn như hoà giải với các nhà bất đồng chính kiến “vẫn còn sống” trong và ngoài các trại tù tại Việt Nam. Như nhà nước Myanmar đã làm.

Nhân mùa tưởng niệm 30/4, từ một cái chết khác - một cái chết được biết trước nhưng vẫn khiến nhiều người bàng hoàng và cúi đầu khâm phục - đã thôi thúc tôi ghi lại những diễn tiến tư tưởng qua vài khúc quanh nhỏ của đời mình để bày tỏ lòng biết ơn tới những tấm gương lớn, nhỏ đời thường trong dòng sống gian nan đầy khổ lụy của lòng yêu chuộng tự do và công lý. Và cũng để khẳng định thuyền nhân Việt Nam không bao giờ chỉ đơn giản là nạn nhân chiến tranh.

***

Hình ảnh ghi đậm vào tâm trí tôi, vào những ngày này năm 1975, là một sinh viên năm cuối Đại Học Sư Phạm Saigon ban Toán đang cùng mẹ và các em gái, tại một căn chung cư gần chợ Bà Chiểu, mỗi người một bọc nhỏ quần áo với ít tiền lộ phí ngồi ngóng ra cửa đợi người con trai cả ở xa chưa về. Với trí nhớ về Việt Minh trên da thịt của những người lớn tuổi phải di cư năm 1954 thời ấy, mẹ tôi chỉ mong cả nhà xum họp sống chết cùng nhau. Và một lần nữa, bà quyết định cả nhà phải "trốn thoát nanh vuốt của Cộng Sản!"

Khi ông anh Thiếu úy Hải quân VNCH vừa về tới, vào trưa hôm 29-4, để đón cả nhà lên một trong hai chiếc PCF vừa cập bến Bạch Đằng thì ... chuyến đi đã không thực hiện được. Bởi vì trong một khung thời gian rất hẹp, như một định mệnh – vắng mặt mẹ.

Thực ra, cá nhân tôi và người anh trai cùng các em sinh ra và lớn lên trên một vùng đất Miền Nam tự do nên không “dễ tin” vào những câu chuyện kinh hoàng thuở “xa xưa” của người lớn. Do đó, cũng chẳng háo hức gì lắm với việc hoà mình vào cái hỗn loạn lúc ấy để cố gắng tìm cho mình một chỗ thoát thân. Cả hai anh em chúng tôi thở phào: “Thôi ... ở nhà. Ít nhất cũng mừng đã hết chiến tranh rồi !”

Thế rồi ít lâu sau đó, anh trai tôi chuẩn bị quần áo và thức ăn khô cho "10 ngày tập trung cải tạo". Sau ba năm tù cải tạo, anh trở về cùng gia đình tại khu kinh tế mới ở Bình Long - như một điều kiện để ra tù. Sẵn lòng sống như một người nông dân bình thường, nhưng vẫn không được để yên! Thời gian sau, anh trốn về thành phố sống chui nhủi lây lất vài tháng và vượt biển năm 1979.

Riêng tôi, cùng cả lớp ba mươi mấy mạng, phải ở lại trường thêm một năm để học chính trị và vỗ tay hát đồng ca. Lúc ấy tuy có hơi chống đối những cái lố lăng, nhưng trong thâm tâm thấy vui vì đất nước thống nhất. Cố căng mình ra để trải nghiệm và phản biện với những thực tế rất đặc thù Cộng Sản. May mà cũng được ra trường bổ đi dạy học tại tỉnh Kiên Giang năm 1976.

Suốt 5 năm dạy học, dốc hết tâm lực và niềm tin để chiêm nghiệm tương lai đất nước qua ánh mắt và ước mơ của học trò mình. Tuy rất tin cậy vào sức mạnh của giáo dục; nhưng tôi chợt hiểu ra, giáo dục không phải là bước khởi đầu và chắc chắn cũng không là giải pháp duy nhất để canh tân đất nước. Ở quê hương mình, lúc ấy và có lẽ vẫn kéo dài đến tận bây giờ, người ta đã phải giả dối, lừa lọc, thờ ơ, và đôi khi phải tàn ác để vươn lên hay thậm chí chỉ để tồn tại!

5 năm ấy thật quí giá và ý nghĩa cho một đời người đủ để có thể quyết định trôi theo sóng biển năm 1981, tìm cho mình sự lắng đọng trong tâm hồn và một lời giải cho lý trí.

*o*

Những ngày gần đây, lòng tôi tràn đầy cảm phục, xót xa và trăn trở theo dõi từng bước chân, lời nói, tâm tư ... của nhà giáo Đinh Đăng Định từ khi nhà nước nhất quyết không cho chữa trị nhưng “đại xá” cho về chết bên vợ con. Và đây chính là cái chết báo trước đã thôi thúc mình chia sẻ về cái Tôi tầm thường rất nguyên tắc và lắm ước mơ này. Như để tự vấn lương tâm ?!

Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 3/4/2014 thầy giáo Đinh Đăng Định trút hơi thở cuối cùng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi cũng là một trong rất nhiều người cố gắng ghi nhận từng dữ kiện xung quanh thầy. Tôi hơi bất bình khi nghe gia đình thầy chỉ nghĩ rằng Nhà Nước đã nợ thầy Định một lời xin lỗi, nhưng rồi tôi phải thừa nhận gia đình thầy thực tế hơn tôi nhiều về những kẻ cầm quyền hiện nay. Hàng triệu người chết trên Biển Đông, sau 30 năm chỉ được lãnh đạo đảng "không còn bận tâm đến mục đích ra đi". Tôi chợt nghĩ những lời xin lỗi kiểu này, nếu có, đối với tất cả những cái chết mờ ám có dính líu tới bàn tay công an trong những năm tháng gần đây, sẽ thành khẩn hơn cả buổi đại lễ cầu siêu sắp tổ chức.

Xin được cùng thầy giáo Phạm Minh Hoàng tiễn bạn với lời cầu xin “Bây giờ, trên Miền Yên Vui, xin thầy cầu nguyện cho chúng tôi, đặc biệt là các đồng nghiệp của mình vượt qua sợ hãi để tiếp tục và hoàn tất ý nguyện của thầy – và cũng là ước vọng của tất cả chúng ta.”

*o*

Ước vọng của tất cả chúng ta dù có khác nhau đôi chút nhưng chắc hẳn cũng gần gũi với ý nguyện của thầy giáo Định. Như chân thật, như tự do, như thương yêu, như tương kính, như hạnh phúc, ... mà tựu chung, chính cái cơ chế Độc Tài Toàn Trị là thủ phạm chủ tâm hủy diệt ý chí từng người. Sợ Hãi là món quà phát không rất thường xuyên cho tất cả mọi người trong giới bị trị - bao gồm cả đủ các tầng lớp quan chức và nhân viên thừa hành.

Một sự thật đơn giản đến như vậy, thế mà tôi vẫn chưa thể lý giải một cách ngọn nguồn mãi tận đến năm 1985 sau khi tìm hiểu và tham gia một tổ chức đấu tranh. Tôi tham gia vào cái lúc mà tổ chức này đang bị điêu đứng nhiều nhất với sự lột xác trưởng thành. Tôi góp mặt với tổ chức không chỉ nhờ vào sự may mắn gặp gỡ các tấm gương trong sáng và kiên trì của các thành viên tiếp tục bước tới, mà còn vì đồng tình với chủ trương Đấu Tranh Vận Dụng dựa vào Sức Mạnh Toàn Dân. Coi như đây là bước nhích chân đầu tiên - bước chân của dò đường để hướng đến điều mình thường trăn trở.

Cuối năm 1986 hoàn tất luận án Tiến sĩ Toán tại NCSU chỉ để tự khẳng định sở trường sở thích của mình. Giữa năm sau, tham dự lễ phát bằng tốt nghiệp như một cách trả ơn cho cha mẹ. Sau đó, nhận được tin mẹ tôi – nghệ sĩ ngâm thơ Hồ Điệp (1930-1987) – mất tích trên đường vượt biên đường bộ. Thật là một bi kịch, khi vết dao đó cắt thẳng vào da thịt mình khiến suy tưởng ấy lan man đến những cảnh xảy ra cho hàng trăm ngàn người phụ nữ khác trên con đường tìm tự do! Thế rồi chỉ ít ngày sau, theo sự mách bảo của cái cảm tính mơ hồ trong trái tim của mình, tôi quyết định dành trọn thời gian trở thành một trong nhiều thủy thủ bình thường của tổ chức tiếp tục đoạn hải hành đầy gian khó. Con thuyền hướng về ước mơ chung từng gửi lại bên kia bờ Thái Bình Dương. Đây là bước nhích chân thứ hai, bước chân của ý thức.

Không phải lúc nào con thuyền cũng lướt sóng với nhiều hứng khởi và niềm vui. Bầu trời Việt Nam vẫn một màu tối đen mặc dù Đông Âu đã hửng sáng. Đôi lúc thủy thủ đoàn cũng vật vã với nhau và với hướng đi của con thuyền. Chúng tôi chỉ đoán là mình đang hướng về phương Đông, nơi của yêu thương và tổ quốc. Bởi vì, ở nơi ấy thỉnh thoảng loé lên những tia chớp cuối chân trời.

Từ năm 2000 và nhiều lần sau đó, âm thầm đặt chân về Việt Nam gặp bạn bè, người thân và đồng đội. Lòng càng trăn trở khi cả nước vật vã chuyện áo cơm; chia sẻ nhau nỗi sợ vô hình tuy không đậm nét nhưng đủ bao phủ một cách thầm lén lên tất cả mọi người. Có thể những năm tháng ấy chưa phải là thời “cực thịnh” của chó săn với tỉ lệ 1 trên 6 như hôm nay. Nhưng chúng tôi vẫn thấy cái sợ lây lan quá sâu qua từng kế hoạch công tác. Phải có bước đột phá!

Năm 2006, sự xuất hiện của khối 8406 cùng với thái độ đấu tranh kiên cường của Lm. Nguyễn Văn Lý là một mốc điểm quan trọng đã khởi đầu một giai đoạn mới cho lực lượng dân chủ. Trong suốt thời gian này chúng tôi ráo riết gần gũi các đồng đội để học hỏi lẫn nhau, xây dựng lực lượng và góp nhặt những kinh nghiệm đó đây của nhiều người trong cũng như ngoài nước. Đây là khung thời gian rất phấn chấn nên tôi đã đúc kết 2 phương thức, coi như bước nhích chân thứ ba - bước chân của trải nghiệm vì chính mình đã có cơ hội thử nghiệm từ cuối 2007 trong lần sa cơ đầu tiên. Hai phương thức đó là:

1. Sống hạnh phúc, sống hết mình : “Thương Yêu - Ước Mơ -Trải Nghiệm”

2. Vượt khó khăn : “sống với Niềm Tin - chọn thái độ Lạc Quan - giành thế Chủ Động”

Cùng lúc đó đã xuất hiện thêm nhiều mũi nhọn như anh Điếu Cày, Ls Lê Công Định, ... góp mặt cùng cha Lý, cha Lợi, Ls Lê Thị Công Nhân... đã thu hút đồng bào mọi giới từng bước nhập cuộc. Đông đảo dần, sôi động hơn, và dĩ nhiên đỡ sợ hơn với hơi ấm của Đám Đông. Tuy có lúc trồi lúc sụt tùy theo độ nóng của họng súng trấn áp, nhưng cao điểm cứ tăng dần từ cuối năm 2013 với sự góp mặt của đông đảo giới trẻ. Kéo dài đến năm 2014 vẫn còn ở cao điểm với sự góp mặt và phối hợp của dân oan và đồng bào nhiều giới dù cho sự đàn áp cũng đã lên cực điểm của tàn ác và phi lý. Mà đó cũng chẳng phải là điều nghịch lý, khi mà chế độ độc tài không còn điều tiết nổi mức độ tàn ác của bộ phận trấn áp.

Ngày hôm nay, như blogger Nguyễn Việt Trung cảm nhận “Qua rồi cái thời kỳ người ta làm cách mạng vì miếng cơm, manh áo. Có lẽ bây giờ là thời kỳ những cuộc cách mạng vì phẩm giá con người”

Từ dân oan đến trí thức, từ thanh niên son trẻ đến chú bác đã về hưu, cả trai lẫn gái chẳng hề kèn cựa nhau, cả vợ cả chồng, cả mẹ cả con, cả trong Đảng lẫn ngoài Đảng ... đang từng người xuất hiện, vượt qua chính mình để góp phần vào cuộc cách mạng vì phẩm giá con người.

Bà con đã dùng nhiều cách khác nhau để khống chế Sợ Hãi và vượt thắng chính mình. Một câu nói nổi tiếng của cha Lý mà tôi ghi nhớ mãi: “Đừng sợ những gì Cộng Sản làm. Hãy làm những gì Cộng Sản sợ.” Chắc mọi người cùng đồng ý rằng, Cộng Sản cũng như mọi chế độ độc tài khác sợ nhất 3 điều: Sự Thật, Lẽ Phải, và Liên Kết.

Cả ba điều này đều đã thể hiện thật rõ trong đám tang thầy giáo Đinh Đăng Định ngày 7 tháng 4 vừa qua. Ký giả Mặc Lâm đã ví sự kiện này với sức mạnh của “những chiếc đũa khi trở thành một bó”. Dù chỉ nhìn qua ảnh, mỗi chúng ta khó ai ngăn được xúc động.

Tự nhiên tôi muốn thốt lời tạ ơn hồn thiêng sông núi, Đất Trời và các đấng thiêng liêng. Không phải chỉ những người hiện diện trong đám tang tại Dòng Chúa Cứu Thế, mà còn rất nhiều người khác tôi rất muốn bày tỏ lòng biết ơn mà tôi không thể kể hết ra đây. Như gần đây nhất vợ chồng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở đến: người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, chị Du A Lien, kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, facebooker Lưu Gia Lạc, tiến sĩ Phạm Chí Dũng ... Dù các vị này không hề quen biết tôi nhưng cũng đã thực sự giúp vợ chồng tôi gia tăng thêm sức mạnh và vững lòng tin về tương lai của đất nước.

30/4 năm nay quả thực đã mang thêm một ý nghĩa mới, một động lực mới, một bậc thềm mới.

Riêng tôi mong đợi và sẵn sàng cho một vận hội mới.

Có thể đó là bước nhích chân thứ tư chăng.

Bước chân của chạm vai nhau?


Nguyễn Quốc Quân



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 201511:31 CH(Xem: 29914)
Sự nghiệp viết điếu văn của tôi bắt đầu từ Tạ Văn Thế, Thế trước đây học Văn khoa, công tác ở công ty mai táng quận, đã từng giữ đến chức trưởng phòng tổ chức nhân sự và thuộc diện quy hoạch cán bộ nòng cốt nhưng sau đợt bình chọn người đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, mặc dù ba năm liền là chiến sĩ thi đua nhưng vẫn bị loại nên Thế bất mãn và xin về nghỉ mất sức.
18 Tháng Bảy 201511:10 CH(Xem: 27134)
Ruben là một danh họa bậc nhất ở Mexico, ông lại yêu say đắm Isabel, cô người mẫu của mình. Ấy vậy mà ngược lại, cô nàng lại tỏ ra tình tứ với tình địch của ông, gã này chẳng tiếng tăm gì cả. Isabel vẫn hay gọi ông Ruben là “Churro” bé nhỏ của nàng. “Churro” vốn là tên một loại bánh ngọt, mà cũng là tên thường gọi của người Mễ cho những chú chó con nuôi trong nhà. Ruben lại cho đó là một cái tên gọi tuyệt vời. Bởi thế cho nên hễ có ai đến thăm nơi ông vẽ, ông lại hí hửng khoe: “Ấy, nàng lại sắp gọi tôi “Churro” đấy”. Mỗi khi ông cười, chiếc áo lót như muốn bật tung ra, bởi lẽ ông càng ngày càng béo ra.
07 Tháng Bảy 20153:38 SA(Xem: 31981)
LTS: Đông Duy là bút hiệu của Hoàng Kiếm Nam. Ông là nhà thơ, nhà văn, bên những sáng tác văn chương , ông còn có nhiều tác phẩm về hội họa và ca khúc, đồng thời cũng là nhà báo kỳ cựu trong làng báo Việt Nam ở hải ngoại. Chúng tôi xin hân hạnh gởi đến quí bạn đọc và văn hữu những thi phẩm của thi sĩ Đông Duy Hoàng Kiếm Nam.
07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 28593)
“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .
06 Tháng Bảy 20153:00 SA(Xem: 18416)
Ngày 4/7/1407, tại Kim Lăng, kinh đô đầu tiên của Đại Minh từ 1368 tới khoảng năm 1421, Chu Lệ hay Đệ [Zhou Li] miếu hiệu Thành Tổ (Ming Zhengzu, 17/7/1402-22/8/1424) họp triều thần, chấp thuận lời xin của “1120” kỳ lão xứ Giao Châu [An Nam] hơn hai tháng trước là “con cháu nhà Trần đă chết hết không người thừa kế…. Giao Châu là đất cũ của Trung Hoa xin đặt quan cai trị, để sớm được thánh giáo gột rửa thói tật man di.” (1) Hôm sau, 5/7/1407, Chu Lệ ban chiếu thành lập “Giao Chỉ Đô Thống sứ ti” [Jiaozhi dutong tusi], một đơn vị quân chính cấp phủ hay tỉnh [Provincial Commandery]. (2) Và, như thế, sau gần 500 năm tái lập quốc thống dưới tên Đại Việt—hay An Nam, từ 1164/1175—nước Việt trung cổ tạm thời bị xóa tên.
05 Tháng Bảy 20152:32 SA(Xem: 31595)
LTS_ Người Quân Tử là truyện ngắn trích từ Tầu Ngựa Cũ, tác phẩm văn học được trao giải thưởng văn chương 1961. Người Quân Tử và Áo Mới của Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút Quốc tế / PEN International tuyển chọn là hai trong số 26 truyện ngắn hay nhất thế giới năm đó.
05 Tháng Bảy 20151:57 SA(Xem: 29876)
Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tần là tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.
02 Tháng Bảy 20153:15 SA(Xem: 33312)
Lửa cháy cao, kêu lốp bốp. Lão nhìn ngọn lửa hồi lâu và định sẽ đếm số tiền lần cuối cùng. Đây là ngọn lửa lớn nhất, cũng là thứ ánh sáng rực rỡ nhất từng ấy năm ở căn nhà này. Lưỡi lửa ăn vào gỗ, và cao lớn thêm. Cánh cửa ngập trong lửa, khói bốc nghi ngút. Ngọn lửa nuốt lấy ngôi nhà, cái miệng nó thật rộng, ăn cũng thật nhanh. “….” – Bất chợt lão gào lên. Giọng lão khàn đặc, mấy con chữ như bị tắc và gãy từ trong họng. Và khi lão gào thêm một tiếng nữa, chúng văng ra thành những cục máu. Mồ hôi lão nhễ nhại nhưng không phải vì nóng. Những giọt mồ hôi lạnh như nước đá. “Cướp…Ối giời ơi…Cướp…”
21 Tháng Sáu 20151:37 SA(Xem: 31429)
Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.
07 Tháng Sáu 20152:55 SA(Xem: 31550)
Lẩn thẩn với màu Sắc Bây giờ quá nửa đêm Có thể giữa ngày- và Lại đi trên đường dài