- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Công Ty Điếu Văn

18 Tháng Bảy 201511:31 CH(Xem: 29886)

 Nhang bw

Sự nghiệp viết điếu văn của tôi bắt đầu từ Tạ Văn Thế, Thế trước đây học Văn khoa, công tác ở công ty mai táng quận, đã từng giữ đến chức trưởng phòng tổ chức nhân sự và thuộc diện quy hoạch cán bộ nòng cốt nhưng sau đợt bình chọn người đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, mặc dù ba năm liền là chiến sĩ thi đua nhưng vẫn bị loại nên Thế bất mãn và xin về nghỉ mất sức. Ai cũng đinh ninh rằng cái nền kinh tế ọp ẹp của gia đình Thế, sau khi Thế mất chức hết quyền không còn các khoản kính biếu của thiên hạ để thân nhân quá cố để của họ được an giấc ngàn thu ở khu A, khu B sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng, nhưng tất cả đều lầm lẫn, đều bàng hoàng trước tộc độ tăng trưởng kinh tế đến chóng mặt của gia đình Thế. Người đồn rằng Thế buôn thuốc phiện, kẻ cho Thế làm bạc giả hoặc tham gia một tổ chức tống tiền nào đó! Những tin vỉa hè này đều sai bét, còn nguyên nhân dẫn đến sự giàu có của Thế ấy là do Thế viết điếu văn.

Còn nhớ đó là một buổi sáng đẹp trời, tôi đang ôm nàng nằm ngủ thì có tiếng gõ cửa, tưởng là thằng chồng béo ị như con lợn của nàng mò đến, tôi mặc quần áo rồi ra mở cửa trong tư thế quyết tử cho tình yêu quyết sinh, song sự phòng thủ của tôi vô nghĩa, bởi trước mặt tôi không phải là gã mà là Thế, Thế tủm tỉm cười:

- Đang “làm ăn” hả? Thông cảm nhé, mình có việc gấp muốn nhờ ông.

- Gì vậy?

Tôi hỏi rồi ngáp mấy cái liền, Thế đi vào, đặt một chồng giấy lên bàn, bảo:

- Tôi muốn ông viết cấp tốc cho tôi cái điếu văn này, có thằng cha chủ thầu xây dựng vừa nghẻo vì tai nạn giao thông, thân nhân nhà nó đến thuê tôi viết cho hắn một cái điếu thật kêu nhưng ông già tôi đang ốm nặng ở viện. Yên tâm đi, công sá tính bằng “cây” cả đấy!

- Nhưng tôi đâu có viết điếu văn bao giờ?

Tôi nói và tốc ngược mắt nhìn Thế, Thế vỗ vai tôi:

- Tôi đã đọc mấy cái truyện ngắn của ông đăng trên báo, theo nhận định chủ quan của tôi, ông có thể viết được điếu văn mà viết thành công nữa là đằng khác. Viết điếu văn không cần phải tả cảnh, phân tích tâm lý, đối thoại, điều cơ bản là phải viết sao cho thật bi ai, thật lay động lòng người nhưng cũng thật uy nghiêm, hào khí. Thôi, ông cố gằng vì tình xóm giềng mà giúp tôi, nếu được, sau này tôi với ông sẽ hợp tác lâu dài với nhau.

Trước những lời năn nỉ, lại vừa nặng mùi kinh tế thị trường của Thế, tôi đành liều mạng gật đầu. Thế mừng lắm, chỉ vào đống giấy tờ:

- Đây là một số điếu văn để ông tham khảo, còn đây là tiểu sử của gã, ông nghiền thật kỹ rồi hãy viết. Và điều quan trọng không thể thiếu trong bài điếu văn, ông phải nhấn mạnh vai trò to lớn của gã trong cuộc thi hoa hậu váy ngắn Thành phố vừa qua mà hắn là người cai thầu, đại loại: “ông M là người tiên phong du nhập nền văn minh phương Tây vào Việt Nam...”

Nói xong Thế bước ra như ma đuổi, chắc Thế sợ tôi thay đổi! Tôi bị mớ giấy hớp mất hồn, liền thụp xuống ghế đọc, say sưa đến nỗi quên cả nàng.

- Em đến cơ quan đây.

- Tiếng nàng làm tôi thót mình, tôi đứng lên hôn nhẹ lên môi nàng rồi đưa nàng ra đến đầu cầu thang. Quay vào, tôi chúi mũi đọc gần hai chục cái điếu văn, toàn những bí thư, chủ tịch. Đọc xong cái cuối cùng, tôi thét lên:

- Ơ rê ka! Ơ rê ka!

Tôi đã tìm được con đường làm giàu của Thế. Viết điếu văn! Đúng, chỉ có viết điếu văn Thế mới có thể tót một bước lên ông chủ như vậy. Có ai ngờ một con người trông lù đù như Thế mà lại có tầm nhìn chiến lược sáng sủa đến thế. Có lẽ do Thế đúc rút được kinh nghiệm từ những năm còn công cán ở Công ty mái táng. Điều đầu tiên mà Thế nhận rõ như một cộng với một bằng hai; ấy là đất nước này thì nghĩa tử là nghĩa tận, cho dù người quá cố lúc còn sống có bị người thân khinh bỉ, xa lánh như xa lánh một kẻ bị đấu tố thời cải cách ruộng đất thì khi sang định cư ở thế giới bên kia, họ sẽ được tiễn đưa một cách trọng thể. Chức càng cao thì đám ma càng sang trọng, càng to lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Còn điều thứ hai, điều tối quan trọng mà Thế tiếp thị được, ấy là người chết có kèm điếu văn thường là hạng người quyền chức hoặc tiền vàng rủng rẻng. Một tỉnh, thành phố, một công ty, xí nghiệp nếu hàng năm không có bảng tổng kết thì làm sao thiên hạ có thể biết được thành tích? Huống hồ đây là những người đã từng vào sinh, ra tử, đã từng giữ chức nọ, chức kia, đã từng cầm trong tay tỷ tỷ đồng. Oanh liệt như vậy mà khi nhắm mắt, xuôi tay nếu không có điếu văn - cái bảng tổng kết cuộc đời tối quan trọng thì nào ai có thể biết ông hay bà đã từng vang bóng một thời, thậm chí vang bóng ngay từ khi chui ra khỏi “cái ấy” của mẹ đến khi chui vào lòng đất? Vậy thì việc quẳng ra bạc triệu để có được bảng thành tích cuộc đời vẻ vang cho gia quyến, sao lại có thể không xẩy ra như một quy luật tự nhiên? Và Tạ Văn Thế đã liên tục phát triển bởi biết đi trước thời đại cũng là một điều hiển nhiên quá đi chứ!

“Làm ăn lớn! Làm ăn lớn!”. Tôi hét lên như vừa tìm ra được nguyên tố hóa học mới có thể bê nguyên một giải Nôben. Sự phấn kích trong tôi đã biến thành hành động cụ thể, tôi say sưa viết, cẩn trọng, tỷ mẫn cứ như viết diễn văn nhận một chức vụ béo bở nào đó. Và thành công đã đến, vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Khi bài điếu văn của tôi vừa dứt thì tiếng lụt xụt rộ lên như tằm ăn lá. Tất cả những người đưa đám, từ các quan chức, các nhà doanh nghiệp cho đến tôi đều hoe mắt, đều cảm thấy thương xót, đau đớn quằn quại như đẻ con so, như chính người thân của mình đang nằm kia. Sau cú khai bút vang dội này, uy tín của tôi và Thế lên như diều gặp gió, đơn đặt hàng ngày càng gia tăng và chính sự thịnh đạt này mà Thế đi đến quyết định táo bạo, thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn điếu văn với tên giao dịch: “ Điva Company”. Thế bảo: “ở Việt Nam và trên thế giới chưa có một Công ty chuyên nghiệp viết điếu văn nào, Điva Company ra đời sẽ gây một tiếng vang lớn, hơn nữa Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận rồi, việc kêu gọi vốn đầu tư và thành lập các chi nhánh trên toàn cầu là trong tầm tay”. Một hội đồng quản trị đã gấp rút được thành lập gồm: một Giáo sư, hai Tiến sĩ, Thế và tôi. Bài toán khó giải nhất bây giờ là giấy phép thành lập Công ty. Hội đồng Quản trị sau bảy phiên họp, cuối cùng quyết định giao cho tôi đi tìm nghiệm số, bởi tôi có nàng. Nàng là thiên đàng của đời tôi, tôi yêu nàng đến mức bỏ cả gia đình và thành đô Sài Gòn, nơi tôi đã từng sinh ra và lớn lên; nơi tôi đã từng tuyên cáo rằng, có chết cũng phải chết ở Sài Gòn. Nhưng cuộc tình say đắm của tôi và nàng chỉ tồn tại được ba tháng khi mà bố nàng hết nhiệm kỳ về nước. Lý do: Thời quá khứ ông vượt Trường Sơn đi cứu nước, còn bố tôi một giáo sư ăn lương Ngụy quyền. Thời hiện tại, ông mỗi bước đều có xe đưa đón, còn bố tôi phải đưa đón thiên hạ (bố tôi đạp xích lô). Để cứu mạng sống của tôi, nàng đã phải gạt nước mắt về làm dâu nhà ông Bộ trưởng với một lời thề: “ Dù không lấy được anh nhưng nhất định em sẽ có con với anh”.

Vào một ngày không lấy gì đẹp trời cho lắm, tôi nói với nàng về ý định nhờ bố nàng xin hộ giấy phép, nàng tròn mắt tưởng là tôi đùa, nhưng sau khi nghe tôi giảng giải về tầm nhìn chiến lược của Điva Company thì nàng hứa sẽ làm hết sức mình để chứng minh tình yêu đích thực mà nàng luôn giành cho tôi. Đúng cái lúc đang tràn đầy hy vọng thì một tai họa đã xảy ra với chúng tôi. Tôi không thể nào quên được cái đêm chết tiệt ấy, đêm ấy trời như một gã dở hơi, khi thì mưa ầm ầm như thác lũ, khi thì nóng đến ngạt thở, tôi đang “kéo gỗ” thì Thế đến lôi đi với nhiệm vụ : “Ông phải hoàn thành gấp một điếu văn cho một nhân vật quan trọng, bài điếu văn này sẽ là giấy khai sinh hoặc khai tử cho Điva Company”.

Tôi đến nơi thì đã thấy ba người đang chầu chực sẵn quanh chiếc bàn chất đầy giấy tờ; một nhà kiến trúc sư, một nhà kinh tế, một nhà tâm lý học - họ là những người mà Thế thuê đến để cố vấn cho tôi, chả là ông “quan trọng” đã từng làm nghề xây dựng, đã từng làm lãnh đạo kinh tế, đã từng viết một cuốn sách tâm lý tái bản năm lần bằng vốn ngân sách. Thế giới thiệu xong, ra về, tôi bắt đầu chất vấn, khởi đầu từ nhà kiến trúc sư:

- Xin ngài cho biết, ngài sẽ nói gì trong bài điếu văn này?

Ông kiến trúc sư có mái tóc muối tiêu, gãi tai nhìn vào trang giấy chi chít chữ, rõ ràng ông rất lúng túng. Tôi nói với ông thời gian quá eo hẹp, ông có thể tóm tắt ý chính, ông gật đầu:

- Xin lỗi, anh có thể cho tôi biết, bài điếu văn này anh dự định viết bao nhiêu trang?

- Dao động trong khoảng từ năm đến mươi trang đánh máy, tùy theo công trạng nhiều hay ít.

Ông kiến trúc sư rầu rĩ:

- Nếu chỉ căn cứ vào thành tích, tôi chẳng có gì để nói, ngày xưa, ông ấy thiết kế năm công trình thì ba cái chưa ráo vữa đã sập, một cái phải nhờ chuyên gia nước ngoài xử lý hộ mới thoát chết, thiệt hại ước tính cả trăm tỷ.

- Cố nhiên - Tôi nói - không thể đưa những thành tích bất hảo này vào được, ngài thử xem có cái gì đáng nói không. Chẳng lẽ hơn mười năm công tác trong ngành xây dựng, ông ấy không làm được một chút trò trống nào sao?

Ông kiến trúc sư lắc đầu, đẩy tập tài liệu cùng mấy trang giấy đầy chữ về phía tôi, ông đầu hàng, bảo tôi muốn xào xáo thế nào thì xào. Đành phải dùng nghệ thuật vậy! Tôi gật đầu ra hiệu cho ông có thể ra về được. Quay sang nhà kinh tế, tôi bảo:

- Còn ngài?

Có lẽ mọi cái ông đã chuẩn bị từ trước nên không cần phải suy nghĩ, ông nổ luôn một tràng:

- Hãy coi ông ấy như một nhà cải cách kinh tế. Hai lần nhập mười lăm tấn rác thải công nghiệp độc hại, ngài đều thành công. Ngài đã phát hiện ra ý tưởng độc đáo, việc lai tạo giữa cây đay và cây chuối, hẳn các vị đã biết một cây chuối có số bẹ nhiều gấp ba mươi lần cây đay. Nếu sự lai tạo này thành công, ngành công nghiệp dệt của chúng ta sẽ mở ra một chân trời mới.

Nói xong, ông nở một nụ cười, rồi khoanh tay chờ đợi.

- Xin cám ơn ngài! Công việc của ngài đã xong, chúng tôi sẽ thanh toán hậu hĩ cho ngài.

Tôi nói, nhà kinh tế hân hoan ra về. Trong phòng chỉ còn lại tôi và nhà tâm lý, tôi hiểu rằng đối với các nhà tâm lý, muốn khai thác được điều mình cần, hiển nhiên phải đánh trúng vào tâm lý của họ. Họ thích được đề cao, tất nhiên, nhưng không được sống sượng quá mức.

- Thưa ngài! Một đất nước thiếu các nhà tâm học sẽ ra sao? Đó là một thảm họa. Tâm lý học, phân tâm học cần phải đưa vào giảng dạy trong các nhà trường như một môn học bắt buộc ngay từ cấp tiểu học. Một con người không có sự biểu cảm về mặt tâm lý sẽ chỉ là một con vật, thậm chí thua cả loài vật, vì loài vật cũng có đời sống tâm lý riêng của nó.

Tôi tin tưởng một cách tuyệt đối, với những lời đầy nhiệt huyết tâm lý này, hẳn mũi nhà tâm lý sẽ nở như bỏng ngô, nhưng không, khi tôi vừa dứt lời, nhà tâm lý hét vào mặt tôi:

- Tất cả chúng ta đều là một lũ bịp bợm. Anh có biết cuốn sách tâm lý đó do ai viết không? Chính thằng tôi là tác giả đấy, tôi đã vác đến hàng chục nhà xuất bản nhưng chẳng một nơi nào nhận in, xin tài trợ cũng không được một xu, trong khi đó người ta sẵn sàng quẳng bạc tỷ vào công trình vô bổ. Vợ tôi nằm cấp cứu, cần phải có năm triệu để mổ, tôi đã bán rẻ danh dự cho hắn để cứu lấy mạng sống của vợ tôi. Bao năm qua tôi sống trong dằn vặt, đau khổ, tưởng trả giá như vậy đã quá đủ, nào ngờ hôm nay tôi lại một lần nữa bị đẩy vào nơi bẩn thỉu này. Tôi tưởng các anh là nhà khoa học đang nghiên cứu công trình gì đó, cần sự giúp đỡ của tôi, nhưng tôi đã bị lừa.

Nhà tâm lý càng nói càng giận dữ, khuôn mặt ông giật giật liên tục. Ông mở cặp lấy ra một xấp tiền ứng trước ném vào mặt tôi.
Mẹ kiếp! Thiên tài mà không có ăn rồi cũng toi thôi ngài ạ! Tôi tiễn chân nhà tâm lý bằng một lời nguyền rủa. Quay vào bàn, tôi đọc lướt qua đống giấy và mấy bản viết tay của nhà kiến trúc sư rồi bắt đầu viết. Cơn tức giận với nhà tâm lý làm tôi mở đầu hết sức khó khăn, phải mất ba mươi phút sau, ngòi bút của tôi mới bắt đầu sục sạo trên trang giấy. Tôi viết miệt mài đến năm giờ sáng thì xong. Đôi mắt nặng chịch như đeo đá, tôi gục xuống bàn thiếp đi.

Chín giờ, Thế đến trên một chiếc xe hơi cá mập, điểm tâm xong tôi và Thế lên xe.
Chiếc “cá mập” chở chúng tôi tới nơi thì đã thấy hàng ngàn người đang tụ tập chỉnh tề ở nghĩa trang giành cho những người đủ tiêu chuẩn. Khi chiếc linh cữu đỏ chói như tiết gà được từ từ đưa ra khỏi xe tang thì tiếng khóc lại rào rào rộ lên. Một người khóc rất thảm thiết làm ai cũng mủi lòng, tôi ngó nhìn và nhận ra bà Hạnh vẫn bán xôi xéo ở chân cầu thang khu tập thể tôi tá túc, tôi ngạc nhiên hỏi Thế: “Bà Hạnh cũng có họ hàng với ông này cơ à?”. Thế bật cười khanh khách, khóc thuê, khóc thuê. Tôi đỏ mặt trước câu hỏi ngu ngốc của mình. Một người đàn ông phương phi béo tốt rẽ đám đông đi đến trước huyệt. Bố nàng!
Tôi suýt bật thành tiếng. Thế bấm vào tay tôi, nói nhỏ:

- Không hiểu sao tôi có linh cảm bài điếu văn này sẽ là điếu văn cho Điva Company?

Nghĩ là Thế nói về chất lượng, tuy mặt phừng phừng vì tự ái nhưng tôi cũng cố kiềm chế mà rằng:

- Ông yên tâm, tôi đã nhờ một giáo sư văn học kiêm chuyên gia tử vi xem lại lá số của tôi rồi, có cả sao văn chương, văn khúc nữa cơ đấy!

Nói rồi tôi hất đầu về phía trước, muốn bảo Thế: “Hãy đợi đấy”. Bố nàng lấy khăn mùi xoa chấm chấm mắt rồi đeo kính, cất giọng bi ai:

- Thưa toàn thể các đồng chí! Hôm nay chúng ta vô cùng sung sướng và tự hào được đón tiếp đồng chí...

Tôi và Thế đứng chết lặng. Trời ơi! Vì quá mệt lại quá vội nên tôi đã đưa nhầm bài diễn văn đón cấp trên của một cơ quan nọ...

VŨ ĐẢM

                                                     

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 201511:10 CH(Xem: 27115)
Ruben là một danh họa bậc nhất ở Mexico, ông lại yêu say đắm Isabel, cô người mẫu của mình. Ấy vậy mà ngược lại, cô nàng lại tỏ ra tình tứ với tình địch của ông, gã này chẳng tiếng tăm gì cả. Isabel vẫn hay gọi ông Ruben là “Churro” bé nhỏ của nàng. “Churro” vốn là tên một loại bánh ngọt, mà cũng là tên thường gọi của người Mễ cho những chú chó con nuôi trong nhà. Ruben lại cho đó là một cái tên gọi tuyệt vời. Bởi thế cho nên hễ có ai đến thăm nơi ông vẽ, ông lại hí hửng khoe: “Ấy, nàng lại sắp gọi tôi “Churro” đấy”. Mỗi khi ông cười, chiếc áo lót như muốn bật tung ra, bởi lẽ ông càng ngày càng béo ra.
07 Tháng Bảy 20153:38 SA(Xem: 31951)
LTS: Đông Duy là bút hiệu của Hoàng Kiếm Nam. Ông là nhà thơ, nhà văn, bên những sáng tác văn chương , ông còn có nhiều tác phẩm về hội họa và ca khúc, đồng thời cũng là nhà báo kỳ cựu trong làng báo Việt Nam ở hải ngoại. Chúng tôi xin hân hạnh gởi đến quí bạn đọc và văn hữu những thi phẩm của thi sĩ Đông Duy Hoàng Kiếm Nam.
07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 28571)
“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .
06 Tháng Bảy 20153:00 SA(Xem: 18393)
Ngày 4/7/1407, tại Kim Lăng, kinh đô đầu tiên của Đại Minh từ 1368 tới khoảng năm 1421, Chu Lệ hay Đệ [Zhou Li] miếu hiệu Thành Tổ (Ming Zhengzu, 17/7/1402-22/8/1424) họp triều thần, chấp thuận lời xin của “1120” kỳ lão xứ Giao Châu [An Nam] hơn hai tháng trước là “con cháu nhà Trần đă chết hết không người thừa kế…. Giao Châu là đất cũ của Trung Hoa xin đặt quan cai trị, để sớm được thánh giáo gột rửa thói tật man di.” (1) Hôm sau, 5/7/1407, Chu Lệ ban chiếu thành lập “Giao Chỉ Đô Thống sứ ti” [Jiaozhi dutong tusi], một đơn vị quân chính cấp phủ hay tỉnh [Provincial Commandery]. (2) Và, như thế, sau gần 500 năm tái lập quốc thống dưới tên Đại Việt—hay An Nam, từ 1164/1175—nước Việt trung cổ tạm thời bị xóa tên.
05 Tháng Bảy 20152:32 SA(Xem: 31540)
LTS_ Người Quân Tử là truyện ngắn trích từ Tầu Ngựa Cũ, tác phẩm văn học được trao giải thưởng văn chương 1961. Người Quân Tử và Áo Mới của Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút Quốc tế / PEN International tuyển chọn là hai trong số 26 truyện ngắn hay nhất thế giới năm đó.
05 Tháng Bảy 20151:57 SA(Xem: 29833)
Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tần là tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.
02 Tháng Bảy 20153:15 SA(Xem: 33268)
Lửa cháy cao, kêu lốp bốp. Lão nhìn ngọn lửa hồi lâu và định sẽ đếm số tiền lần cuối cùng. Đây là ngọn lửa lớn nhất, cũng là thứ ánh sáng rực rỡ nhất từng ấy năm ở căn nhà này. Lưỡi lửa ăn vào gỗ, và cao lớn thêm. Cánh cửa ngập trong lửa, khói bốc nghi ngút. Ngọn lửa nuốt lấy ngôi nhà, cái miệng nó thật rộng, ăn cũng thật nhanh. “….” – Bất chợt lão gào lên. Giọng lão khàn đặc, mấy con chữ như bị tắc và gãy từ trong họng. Và khi lão gào thêm một tiếng nữa, chúng văng ra thành những cục máu. Mồ hôi lão nhễ nhại nhưng không phải vì nóng. Những giọt mồ hôi lạnh như nước đá. “Cướp…Ối giời ơi…Cướp…”
21 Tháng Sáu 20151:37 SA(Xem: 31377)
Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.
07 Tháng Sáu 20152:55 SA(Xem: 31504)
Lẩn thẩn với màu Sắc Bây giờ quá nửa đêm Có thể giữa ngày- và Lại đi trên đường dài
06 Tháng Sáu 201511:54 SA(Xem: 34170)
em và mùa hoa ngọc lan sót lại chỉ vài cánh mỏng so le thành phố bây giờ không còn những mái mây che những góc xưa bộn bừa