- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRẦU CAU TÂN TRUYỆN

17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 32198)

trau_cau


 

Vua vạch lá trèo lên nhìn khắp mọi chỗ và sai một người trèo cây hái quả xuống nếm thử. Vị chát không có gì lạ. Nhưng khi nhai với lá cây dây thì một vị là lạ đến ở đầu lưỡi: nó vừa ngon ngọt, vừa thơm cay.

Vua sai lấy cả ba thứ nhai lẫn với nhau thì bỗng người thấy nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi sắc mặt hồng hào tươi đẹp. Vua bảo:

- Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu thương của họ thật là nồng nàn thắm đỏ.”

 

 

Khi em vừa lên 7 tuổi, anh Hai anh Ba tròn 15 tuổi, nghề trầu cau Nam Phổ hầu như suy tàn, đã qua thời kỳ cực thịnh. Vườn cau xưa san sát nhau vắt vẻo nhìn trời xanh đã thưa thớt, hàng cau già khẳng khiu trong gió. Cảnh thương lái thu mua tấp nập vào mùa cau rộ chỉ còn lại trong những câu chuyện kể chen lẫn tiếng chắt lưỡi thở dài như thạch sùng đeo dính thân cau của vú Mười hàng đêm.

 

Mỗi lần trời nắng trong, bên bốn gốc cau hồng, loại tứ quý cuối vườn, trên tảng đá xanh to bằng cái bàn lớn, anh Ba nằm ngửa cổ nhìn vòm trời, em ngồi chèo queo trên thảm cỏ đậu phộng nở hoa vàng rung rinh như ngón tay út, em lại nèo nẹo:

- Anh Ba, kể chuyện làng cau mình xưa cho em nghe đi!

- Ờ, thôn mình ri là Tây Phổ nằm bên kia sông Lợi Nông, là một trong năm thôn của làng Năm Phổ. Em không nghe vú Mười hay ru em như ri :

 

Ru em em théc cho muồi

để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh

 

Từ Tây Phổ ri mà đi qua Phổ Đông, Phổ Trung, Phổ Nam, Phổ Thượng phải qua một con sông một cái cầu mới tới được chợ Mai, Chợ Dinh, Chợ Gia Lạc.

Đếm mùa cau rộ, trong nhà ngoài sân hàng chục nhân công ngồi xếp lớp róc vỏ cau , tiện chum sạch sẽ rồi bổ ra thành miếng tám, miếng sáu, miếng tư xếp vào những cái xề lớn đường kính hai sãi tay người lớn. Cau tươi gửi đi xuống chợ lớn được đóng vào những giỏ tre đan như cái bội gà lớn sau khi lót tơi lá cau và mo cau cho thật kín. Cau khô thì hong trên những chảo than hồng phủ tro được vây kín lại bằng cái bồ bằng cót đan khít mắt. Ngày đó cau khô nhà mình chứa trong mấy bồ cót to kín hết mấy gian nhà.

Anh Ba lấy tay quẹt vào má em, cười thành tiếng:

- “Con gái Nam phổ, ở lỗ trèo cau”, may cho mi nhé bé, chừ mi lớn đã hết cau, lấy đâu cho mi ở lỗ mà trèo!

-Răng mà cau Năm Phổ mình lại ngon nổi tiếng hả anh?

-Thì nhờ con sông Lợi Nông mà thôn mình được cái thổ nghi trồng cau bánh dầy, hội đủ tiêu chuẩn bốn sao “Mỏng vỏ, Nhỏ xơ, Tơ lòng, Trong ruột”.

-Trời, chi mà nói hay rứa anh hè?

- Anh chắc là không có cau mô mà ngon như cau phổ thôn mình cả, vỏ thì mảnh dẻ , ruột lại non xơ dai dai giòn giòn, hạt cau gân đỏ li ti như huyết mạch, bổ tư , bổ sáu ra ruột cau trong veo mọng nước. Bé hiểu chưa? –bao giờ anh Ba cũng kết thúc câu chuyện bằng cái cốc nhẹ lên đầu em.

- Còn em? Vú Mười nhặt được em ở mô?

- Thì ngay tảng đá này nè, dưới gốc cây cau hồng tứ quý. Em nằm trong bọc lụa đỏ, da trắng như bẹ cau thơm ngát như hoa cau, tiếng khóc to như còi tàu hỏa. Vú Mười nói chắc em là con gái của bà Cau Chúa.

 

Em vùi tóc vào lòng anh Ba nũng nịu:

- Anh kể cho em nghe chuyện cổ tích Trầu Cau đi mà!

-Trời phật, ngày nào cũng hành hạ anh bắt kể đi kể lại có chừng nớ thôi- miệng thì cằn nhằn nhưng tay anh Ba vẫn gãi nhè nhẹ vào sống lưng còm nhom thiếu sữa mẹ của em, vừa thủ thỉ kể:

- Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai sinh đôi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em. Năm hai anh em mười bảy mười tám tuổi thì cha mẹ đều chết cả. Hai anh em vốn đã thương yêu ngau, nay gặp cảnh hiu quạnh, lại càng yêu thương nhau hơn trước….

 

Câu chuyện mới quá nửa, em đã ngoẹo đầu ngủ say trong lòng anh Ba. Anh Hai sầm sầm bước tới, cau trán:

- Đã nói mi đừng kể mấy chuyện lăng nhăng như rứa cho hắn nghe!

Rồi nhẹ nhàng xốc em trên tay, đi vào nhà, đặt xuống mặt phản gổ mít nhẵn bóng. Em chần chừ nấn níu hồi lâu chưa chịu rời buông vòng tay quanh cổ anh, lẩm bẩm trong cơn ngái ngủ:

- Anh Ba, anh Ba…

 

Một hơi thở dài lướt qua trên tóc em, ẩn ức, nặng nề.

 

 

Anh Hai và anh Ba là hai anh em sinh đôi. Vừa sinh hai anh em ra là mẹ Cả qua đời, tuổi thơ hai anh em trôi qua trong khu vườn u tịch, hàng cau cũng u tịch, niềm u tịch len lỏi vào trong không gian. Cha ở vậy nuôi hai con trai, cô độc đứng sừng sững như hàng cau cứng cỏi vươn cao vắt vẻo tới trời xanh, chỉ trong đêm tĩnh lặng, mới nghe tiếng thở dài của hàng cau.

 

Đêm Huế tĩnh mịch đến nỗi nghe cả tiếng hàng cau trở mình thở dài, tiếng tàu lá chuối rách bươm xác xơ xào xạc, tiếng chim Từ Quy lẻ bầy kêu thương chao chác, tiếng tàu cau rụng giật mình như bước chân ai trở về, tiếng ru ví dầu xa xôi, tiếng kẽo kẹt võng não lòng. Vú Mười nói không có đêm ở mô buồn như đêm Huế, đêm Huế buồn não ruột!

Từ khi vú Mười nhặt được em ở vườn cau, Huế của hai anh và cha mới trở nên khác. Bận bịu hơn, nôn nóng hơn, ấm áp hơn vì phải chăm lo cho một đứa bé èo oặt như con mèo hen thiếu sữa mẹ. Nước cháo gạo hoa cau, lon sữa bò đặc pha loãng và hơi ấm của 3 người đàn ông đã thổi em lớn lên từng ngày.

 

Tuổi thơ của em là khu vườn xanh mướt hàng cau, em đã vịn vào thân cau, vịn vào anh Hai, anh Ba, vịn vào vú Mười mà tập đi. Tuổi thơ của em không biết sông Hương, núi Ngự Bình, cầu Đập đá ở nơi mô, chỉ thấy bốn bề là thân cau cao vút tới trời, là tàng cau đan thành một khoảng trời xanh riêng, một bầu trời mướt xanh ngoài bầu trời màu cánh vạc cho em. Thỉnh thoảng, cây cau rơi xuống cho tuổi thơ em chiếc tàu cau thần tiên, để em sung sướng ngồi lên mo cau cho anh Ba kéo đi vòng vòng quanh thế giới vườn, vừa đi vừa thổi còi tí toe như từ Đông Ba mà qua Gia Hội, như từ Đập đá về cửa Thuận An, đi cho tới khi chiếc mo cau rách bươm, đi cho tới khi em chán chê, thân hình hai anh em trùm trong bùn đất mới thôi…

 

Tuổi thơ của em không có mẹ, nhưng em chưa biết buồn nỗi buồn của tàu cau phải rụng khỏi thân cau xa lìa nguồn cội. Em vui niềm vui của trẻ thơ khám phá thế giới quanh mình lớn lên từng ngày. Niềm vui theo câu hát của vú Mười:

 

Măng giang nấu cá ngạnh nguồn,

Tới đây xin hãy đổi buồn làm vui.

 

Nào biết cá ngạnh nguồn là con cá chi, chỉ biết con bống thệ kho khô cong, con cá chuồn nấu mít non, con tôm tép tươi hơn hớn sông Truồi ủ với cơm nắm ủ trong mo cau, con hến dưới cồn, con nghêu ngoài Sịa cùng gạo thơm Phú Vang, Phú Lộc, Phú cam nuôi em lớn phổng phao, mắt môi biết cười từng ngày. Đến khi anh Ba nhìn em biết ngây người, nín thở, anh Hai nhìn em thở dài, em hay mình đã lớn rồi!

Tóc em cũng dài rồi, từng sợi mướt ủ hương hoa cau, ủ mùi mít chín, mùi trái sim tím thẫm sườn đồi, mùi trái vã, mùi thị, mùi ổi hồng đào chín cây, cho đến một ngày anh Ba gội đầu cho em phải la thầm:

- Tóc em có hương của khu vườn mùa hè.

 

Em cười hồng má và biết mình đã lớn.

 

Hai anh không còn cưng chiều em như xưa, em hết được nằm trong lòng anh Ba vừa nghe kể chuyện vừa được gại lưng, anh Hai cũng không bế xốc em vào giường phản mỗi tối, em thôi vòng tay qua cổ anh, ngái ngủ gọi nhầm tên anh Ba .

Chỉ khi ngái ngủ, em mới gọi lầm tên hai anh. Vì ngoài vú Mười ra chỉ có em nhận ra được ai là anh Hai và ai là anh Ba.

 

Cũng đôi mắt sâu dưới hàng lông mày đậm xếch hình lưỡi mác, kiểu mắt đen đa tình của đàn ông xứ Huế, khuôn mặt chữ điền, xương quai hàm cứng cỏi của người miền Trung mưa dầm, nắng hại nhưng mắt anh Hai có màu xám lạnh như màu núi, tia nhìn sắc nhọn như cánh cửa đóng kín , trong khi đồng tử mắt anh Ba nâu trong veo, bình yên như mặt nước sông An Cựu. Cùng cặp môi dầy dặn nhưng cái cười của anh Hai sao mà ngạo nghễ lạnh lùng, cái cười không tròn, kiểu cười nhếch nửa miệng làm người ta sợ hãi, anh Ba có nụ cười hiền, nụ cười làm sáng bừng khuôn mặt, làm người ta mềm lòng. Từ nhỏ em đã quen nể sợ anh Hai mà quấn quít quyến luyến anh Ba.

 

Năm em tròn 15 tuổi, Cha đột ngột qua đời. Một sáng sau cơn bão lớn năm Thìn nặng nhọc kéo qua vườn, một trận giông gió đã quật đổ cây cau cổ thụ già nhất vườn. Từ ngày đó cha không gượng dậy được nữa. Thì ra như thân cây đã héo khô từ bên trong, cha vẫn gắng gượng đứng sừng sững là chỗ dựa cho ba anh em. Đến ngày cây cau cổ thụ mất đi, khoảng trống trải quá lớn sau bóng cây làm người ta hụt hẫng, choáng váng.

 

Ngay lập tức em cảm nhận nổi hụt hẫng đó đầu tiên.

 

Từ lâu vườn cau không đem lại hoa lợi nào nữa, ngoài trừ bóng mát và ký ức của một thời huy hoàng xưa. Nhiều nhà đã đốn vườn cau để trồng loại cây khác có lợi ích kinh tế hơn, nhưng cha nhất định không chịu bỏ vườn cau, nơi đã gắn bó quá nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời và ký ức, hai anh em đành xoay sở đủ nghề, đánh cá làm nông để sinh sống. Khu vườn cứ thế mà hoang phế, già đi mỗi ngày.

Đêm giỗ đầu của cha, dưới ánh trăng 17 đỏ quạch, em núp sau gốc cau ứa nước mắt chứng kiến anh Hai và anh Ba dằng co vật lộn :

 

- Anh Hai, anh không được nhổ cọc vườn đi bán! Đó là kỷ niệm của cha. Cha chỉ mới nằm xuống!

- Kỷ niệm có nuôi mi sống được không? Mi có cạp ký ức ra mà ăn không? Mi để mặc tau!

 

Tiếng cọc sắt va vào nhau, cứa vào tim chát chúa.

Tờ mờ sáng, em chạy dọc theo bờ sông, một triền sông dằng dặc chìm trong sương mờ trắng đục, em vừa chạy vừa khóc, có khi mắc vào gốc phượng, rể tre vấp té chúi nhủi rồi bò lóp ngóp đứng dậy chạy tiếp:

 

- Anh Hai ơi, anh đừng đi! Anh Hai ơi, anh về đi!

 

Tiếng gọi yếu ớt của em chìm trong màn sương dày đặc, chỉ thấy bóng con đò chập chờn lúc ẩn lúc hiện, rồi mất hẳn. Nhiều năm về sau này nữa, cơn ác mộng đó luôn trở về, trong giấc mơ em chỉ thấy mình chạy mải miết suốt một triền sông dằng dặc trắng xóa sương và tiếng em yếu ớt thảng thốt như tiếng khóc của chim Từ Quy:

 

- Anh Hai ơi, anh đừng đi!

Tuổi thơ êm đềm của em bên vườn cau Nam Phổ đã chấm dứt từ đó!

 

 

 

"Mấy ngày đường, Lang tới bờ một con sông lớn nước chảy xiết. Lang quyết không chịu trở lại, cúi gục trên bờ, ôm mặt khóc. Chàng khóc mãi, khóc mãi, đến nỗi những con chim đi kiếm ăn khuya vẫn còn nghe tiếng nức nở. Sáng hôm sau, Lang hóa đá."

Sau hai năm bỏ đi, anh Hai lại trở về.

 

Trong hai năm đó tin đồn về anh Hai chờn vờn khắp thôn Tây Phổ nhỏ bé, rằng anh Hai đã thành trùm buôn lậu sắt vụn, lính của anh thu mua sắt vụn khắp rẻo đất miền Trung chở kình kình về Hà nội mỗi ngày. Rồi số sắt phế liệu đó đi đâu nữa không ai rõ.

Anh Hai trở về một buổi sáng, râu quai nón rậm rì trên mặt, đôi mắt xám lạnh nay lẫn màu sắt gỉ đục mờ. Anh vứt một bó tiền trên bàn hất hàm:

 

- Chuyến này tau vào Sài gòn luôn, tau kêu người bán mảnh đất vườn rồi chia hai, tau cần một nửa tiền để đi buôn lớn.

- Không được, đây là đất hương hỏa của ông bà để lại, không ai được bán. Tui không để ai đặt chân vào vườn cau này đâu!- anh Ba rên lên, thất thần.

- Mi có cần tau nhắc lại không? Không ai cạp đất ra mà ăn được. Nghề trồng cau không thể làm giàu- Mặt anh Hai sắt lại- Tau muốn làm giàu. Tau thề là tau sẽ giàu. Tau mà quyết định rồi thì không ai cản được! Mi có một năm để rao bán hoặc là nguyên cả mảnh vườn, hoặc chỉ là 1 nửa của tau. Tau sẽ trở lại lấy tiền.

Anh quay sang tôi, đôi mắt đen thẫm lại:

 

- Bé đi với anh, anh sẽ lo cho bé ăn học đàng hoàng. Ở nơi quê mùa này em không ngóc đầu lên nỗi đâu. Mà em cũng phải cần cứng cáp lên, yếu đuối hay mủi lòng như anh Ba thì cả đời nghèo khổ.

- Em không nỡ bỏ vườn, em không bỏ anh Ba mà đi đâu! – em lí nhí.

- Em cũng thề là trong vòng một năm em sẽ phục hồi vườn cau! Bé đi với anh Hai đi, anh Hai cần bé hơn- Anh Ba chỉ lặng lẽ nói có vậy rồi quay lưng đi.

 

Em ngơ ngẩn cầm theo một chậu dây trầu không, và cứ như vậy mà ra đi khỏi Nam Phổ

 

 

***

 

 

“Anh à, có nhiều đêm em giật mình thức dậy, vẫn còn nghe hương hoa cau thơm thoang thoảng trong vườn, nghe tiếng gió bấc nghiến thân cau, nghe tiếng nước mưa chảy từ máng tàu cau vào bể nước. Em nhớ vườn, nhớ cau, nhớ Huế quá!”

 

“ Anh à, bây giờ em biết em vịn vào nỗi nhớ để mà sống, như ngày xưa em đã vịn vào thân cau, vịn vào tay anh để mà lớn lên. Ngày mưa em ngơ ngơ đi tìm tàu lá chuối rách, ngày nắng em đi tìm tiếng dế kêu trong vườn. Sài gòn mãi không là quê hương thứ hai của em, em chỉ có một quê hương là Huế, nơi nào cất giữ tuổi thơ của mình, nơi đó mới là quê hương”…

 

“ Anh à, khi em đi xa rồi, em mới biết tâm hồn mình lưu trú ở đâu. Ở Sài gòn chỉ là nơi tâm hồn em lưu lạc. Anh và vườn xưa Nam Phổ mới là nơi tâm hồn em lưu trú. Người ta làm sao có thể lìa bỏ được nơi tâm hồn người ta đã lưu trú?”

 

Trong lá thư nào gửi cho anh Ba, em cũng viết đi viết lại về nỗi nhớ. Ba năm ở Sài gòn, mỗi tuần một lá thư. 144 lá thư. Chỉ viết về một nỗi nhớ vườn.

 

Ba năm trời, em đã tốt nghiệp đai học ngữ văn. Em trở thành cô giáo dạy Văn. Cái môn chẳng thể dạy thêm kiếm tiền ở thành phố.

 

Ba năm trời anh Hai đã kịp trở thành ông trùm của ngành hóa chất. Từ một người bán hóa chất lẻ cho các cửa hàng ở chợ Kim Biên, nhờ biết phát triển các mối quan hệ làm ăn, networking, như cái cách người Sài gòn hay nói, anh Hai đã trở thành đầu mối cung cấp hóa chất cho các nhà máy lớn của thành phố. Cái đầu lạnh biết tính toán nhanh hơn người và chính xác hơn người làm người ta nể phục anh Hai, đôi mắt lạnh làm người ta sợ anh Hai, những ràng buộc mềm mại của tiền, quyền và “chân dài” cột chặt người ta với Anh Hai. “Đó là bí quyết đơn giản để thành công” Anh Hai thường giơ 1 ngón tay cái lên ngạo nghễ nói.

 

- Và tiền cứ đẻ thêm ra tiền, đất đẻ thêm ra nhà, ra biệt thự.

 

Sài gòn có loại cau nào, nhà anh Hai có loại cau đó, ngày đầu tiên anh Hai dọn về nhà mới, xe tải mấy lượt chỉ ùng ùng chở về đổ xuống bao nhiêu là cây cau: cau đỏ tía trái đỏ son, cau kiểng, cau lùn, cau bụng bự, cao bonsai, cao non bộ… Chỉ có thiếu cây cau Nam phổ trái cau bánh dầy, hoa trắng tươi thơm ngan ngát là không tìm đâu có được. Dây trầu không em mang theo ba năm trước vẫn xanh ngắt 1 góc vườn.

 

Nhà có 3,4 người làm, anh Hai không muốn em đụng tay đến bất cứ việc gì nặng nhọc nữa. Nhưng con gái Nam Phổ sao có thể chịu ngồi không. Hết gói bánh lá, chả tôm, rồi nấu chè đậu ván, nấu bánh canh, chè bắp hột, bắp trái. Bánh canh Năm Phổ khác bánh canh Sài gòn , nấu bằng bột gạo, có pha một ít “bột năng” nên rất trong và mềm. Nhụy thuần tôm tươi, nhưng không phải tôm gân mà tôm càng, vỏ dày, khi luộc có màu đỏ tự nhiên, tôm giã nhuyễn mà không bị xơ, cũng không nát. Lúc múc vào tô, nhụy tôm mới được rải trên mặt, nhụy tôm tươi hồng, thêm vài cọng ngò rí xanh rì, tô bánh canh như một bức tranh nồng nàn màu sắc. Có những lúc anh Hai ngồi thần người trước tô bánh canh Nam Phổ nhụy tôm đỏ tươi, khóe mắt ướt nhòe rất nhanh rồi tắt ngúm, sắt lạnh.

Quanh năm em chỉ vò một ấm chè tươi, đập dập thêm miếng gừng tinh tắn, khách đến nhà cũng chỉ mời một loại nước chè ấm hương gừng. Em giữ nguyên nét nhà quê Nam phổ.

 

Đêm nay trời Sài gòn sau cơn mưa trong vắt, trăng 16 mọc muộn, gần nửa đêm vầng trăng tròn nhợt nhạt mới lên tới giữa bầu trời. Em giật mình thức dậy, sau cửa sổ, bóng tàu cau và ánh trăng vương vãi khắp khu vườn. Tàu lá chuối lênh loáng ánh trăng và sương mưa, hương hoa lài, hoa ngâu, dạ lý gần như cùng một lúc theo ánh trăng ùa vào trong phòng . Hơi tĩnh lặng của đêm gần như đêm tịch mịch của Huế, mơ hồ một tiếng kêu rất khẻ lúc xa lúc gần, rung rinh trong không gian:

 

- Bé ơi, về đi em, anh nhớ em !

 

Em rùng mình, như có ai cứa vào tim. Em phải trở về thôi, em phải trở về với anh, về với vườn cau, về với Nam phổ.

Vừa lúc đó, anh Hai loạng choạng sau buổi tiệc đêm về. Đôi mắt xám lạnh ngầu đỏ. Anh gõ cửa phòng em rầm rĩ:

- Bé, anh khát quá, cho anh ly nước chè xanh.

 

Em ngồi đối diện với anh, không nhận ra anh Hai ngày tuổi nhỏ, khuôn mặt lầm lì lớp cơ mặt chảy xệ, vòng bụng nặng nề và đôi mắt mệt mỏi. Mắt anh chỉ ấm lại khi ủ hai tay vào ly nước chè xanh ấm sực.

- Mùi chè thơm quá bé à, không có chi bằng uống ly nước chè quê mình.

 

Em chỉ chờ có thế, em nói nhanh:

- Anh Hai à, cho em về quê, em không thể ở Sài gòn được nữa.

Anh trở lại lầm lì:

 

- Về làm gì? Có chi đâu chốn đó mà về? Đi bao nhiêu năm nay mà chưa vứt được cái gốc quê à?

- Em nhớ quê lắm, em nhớ anh Ba, em nhớ vườn. Em không thể sống ở đây được nữa, em phải về! Mai em về liền!

 

Anh lồng lộn như hóa điên:

- Anh cấm em ra khỏi nhà. EM ở đây! Ở đây là nhà của em! em không được đi đâu hết!

- Em lớn rồi, anh không có quyền chi với em mà cấm em !- Em cũng gào lên, nỗi nhớ và tuyệt vọng đã làm em như hóa điên theo- Mà anh cũng đâu cần có em, anh có tất cả mọi thứ, tiền bạc, nhà cửa, gái đẹp vây quanh, đêm nào anh cũng đi đến khuya, nhậu đến khuya. Em chỉ ở nhà một mình!

 

Anh đột nhiên ôm xiết em vào lòng, kề khuôn mặt đỏ lựng sát khuôn mặt của em:

- Em ăn nói chi khùng điên rứa? Anh chẳng có chi cả, em là tất cả của anh. Không có em anh không có sống nỗi, Anh không cần Nam Phổ, vì em là cả Nam phổ của anh. Em đừng bỏ đi! Anh xin em! Em đừng bỏ đi!

 

Anh áp môi vào môi em, tha thiết:

- Lần đầu tiên anh bỏ nhà ra đi, Đêm nào anh cũng mơ thấy em chạy chân đất theo anh dọc bờ sông, em gọi anh “anh Hai ơi, về đi”. Anh không đi đâu được với giấc mơ đó, anh phải về với em. Anh phải có em!

 

Trong cơn hoảng loạn, nước mắt anh ứa ra tràn trề trên khuôn mặt nhàu nhò, mùi rượu mạnh xộc vào mặt em tê dại. Toàn bộ thần kinh của em tê dại, nước mắt của đàn ông, nỗi tuyệt vọng thê lương của anh làm em tê dại. Người đàn ông này, người luôn có sức mạnh khuất phục khôn lường, đang quỳ gối trước mặt em, đang khóc vì em. Em nhắm nghiền mắt, một nỗi xót thương đau đớn tràn ngập tâm hồn.

Sau cánh cửa mở tung, giông gió tràn vào nhà. Giông gió quăng quật từng hồi trên tàng cau.

 

Sáng ra, khu vườn tan tác ngập tràn lá rụng.

Anh Hai đã bỏ đi từ rất sớm. Trên bàn chỉ còn dằn lại một lá thư ngắn ngủn, viết vội:

- Em hãy trở về với Nam Phổ! Suốt đêm qua, em lại gọi nhầm tên anh!

 

***

 

Làng Cau Năm Phổ đã sống lại.

Lời hứa ba năm về trước của anh Ba đã trở thành sự thật.

Từng đàn chim chào mào, chim sáo, chìa vôi, chèo bẻo lại bắt đầu rủ nhau về ríu rít trên tàng cau vào tháng 4 tháng 5 mùa buồng cau chín rộ. Âm thanh tràn đầy. Rộn rã.

 

Mùa cau chín không chỉ còn quanh quẩn tháng hè mà đã kéo dài cho trái cau chín muộn ra quanh năm, tăng giá cau gấp mấy lần lúc mùa vào rộ. Ngoài vườn xanh san sát hàng cau già khẳng khiu, chen lẩn hàng cau mới mập mạp, cau con làm giống chạy từng luống dài tít tắp. Người mua kẻ bán ra vào tấp nập, rộn ràng. Hương cau ngan ngát hồi sinh, như gió thổi luồng sinh khí mới lan khắp thôn Tây Phổ.

 

Nghề cau đã có đất sống, đây đó, khói trắng lò sấy cau vướng vít trên tàng lá cau, vươn tới trời xanh. Trái cau không quẩn quanh mấy thành phố lớn mà xuất rầm rộ sang Trung quốc, Đài Loan nơi cau được ưa chuộng và gia công thành nhiều sản phẩm, nhiều mặt hàng chất lượng cao.

 

Nhiều đêm anh Ba vẫn rủ rỉ với em, "anh biết là cau xuất cho người ta chế biến lại thành phẩm giá cao gấp năm lần. Biết vậy mà phải chịu cắn răng xuất cau thô thôi. Anh ước gì mình biết cách chế biến thì đâu có để tài nguyên của Nam Phổ chịu chảy máu ra nước ngoài như vậy!"

 

Trong bóng đêm mượt như nhung của vườn cau, em nằm ôm bụng cười thầm. Hạnh phúc tràn trề như ánh trăng loang loáng trên tàng cau, rớt xuống tàu lá chuối, len vào tận cửa phòng . Anh xoa lên cái bụng tròn vo của em, mới năm tháng mà to gấp đôi người cùng tháng bình thường làm anh hớn hở chờ một cặp sinh đôi.

- Trời thương mình cho một trai một gái, chắc anh thành người hạnh phúc nhất trên đời!

 

Em hốt hoảng lấy tay bịt miệng anh lại.

- Cái miệng ăn mắm muối của anh, hư thì thôi. Trời cho sao biết rứa đi, ai lại được voi đòi tiên!

 

Anh vùi vào tóc em, cười thành tiếng:

- Ờ, tội lỗi của anh hết, được em rồi còn đòi tiên thần chi nữa.

 

Dường như đã xa lắm rồi những ngày xa cách tối tăm tuyệt vọng.

Mổi sáng anh theo bạn hàng đi thu mua cau từ sớm, em ngồi ngong ngóng trên tảng đá xanh đầu vườn, bên cạnh bốn cây cau tứ quý lúc lĩu trái chín màu gạch son thơm lừng, hoa cỏ đậu phộng vẫn nở vàng như những ngón tay út rung rinh trên thãm lá mượt xanh.

Nắng từng đốm nhảy nhót trên lối đi rải sỏi.

 

Có tiếng giày giẫm trên đường sỏi lạo xạo, một bóng người to lớn đổ trùm xuống em. Và giọng trầm ấm quen cất lên:

- Nhìn em kìa, hồng hào như trái táo!

- Anh Hai!- tiếng kêu thảng thốt nghẹn lại trong cổ họng em. Anh Hai gầy guộc, xanh xao, hàm râu quai nón rậm rì hằn thêm nét khắc khổ. Tia nhìn dịu dàng vuốt ve chiếc bụng căng tròn của em.

- Con được mấy tháng rồi em?

 

Không đợi em trả lời, anh nhìn quanh vui vẻ:

- Vườn thay đổi quá, coi bộ khấm khá hơn xưa nhiều.

- Anh Ba vẫn đợi để trả tiền đất lại cho anh. Tụi em đã dành dụm đủ tiền- em lí nhí.

- Anh không về đây để đòi tiền, em biết là anh chả cần tiền! Tiền của anh đủ để mua cả làng cau Năm Phổ. Anh về đưa em đi lên thành phố. Em sắp sinh rồi, ở thành phố mới đủ điều kiện tốt nhất cho em.

 

Em co người lại, hoảng hốt:

- Không, em không đi lên thành phố. Anh Ba muốn con của tụi em phải sinh ra và lớn lên ở đây, ở Năm Phổ. Bao nhiêu bà mẹ đã sinh con được ở đây, em cũng làm được!

 

Anh ngẩn ngơ nhìn em, hai mắt bạc đi, xa vắng:

- Em nói Con của tụi em! Con của em và anh Ba?

- Dạ đã được năm tháng rồi, em nghĩ là song sinh- em mỉm cười xoa chiếc bụng tròn âu yếm, không để ý đến vẻ hoảng loạn thê thiết trong giọng nói của anh.

 

Anh bỗng bật cười gằn, tiếng cười lạnh lẻo thê lương dội lại âm u trong vườn cau.

- Anh phải đi đây- anh quay lưng- em nói đúng, em nên ở lại đây. Anh Ba cần em hơn anh.

 

Em ngồi ngẩn ngơ nhìn bóng anh xa dần, đôi vai rụt xuống cổ mệt mỏi. Lòng tràn xót xa.

Vú Mười từ trong nhà bước thấp bước cao đến bên em, cười te tái:

- Vú nghe tiếng ai như tiếng cậu Hai, cô nờ- Rồi không đợi em trả lời, vú sà xuống bên cạnh em, nựng nịu cái bụng của em chầm bập- chà, nhỏ mau lớn như ri! Cậu Ba có được đứa con là phước lớn lắm cô nì. Vú đã tưởng hắn không bao giờ có con được. Hồi nhỏ hắn bị bệnh quai bị nặng lắm, một tay vú nuôi, vú biết mà...May nhờ, hắn ăn ở hiền lành, ông trời còn có mắt, mới có được như ngày hôm ni!

 

Cả bầu trời xanh chao đảo úp chụp xuống em, cả tàng lá cau trên đầu cũng quay cuồng. Tiếng cười thê lương u uất của anh Hai vọng lại, kéo dài u u như tiếng khóc.

Tự dưng, vú Mười kéo em vào lòng, giọng ru mượt mà ngân nga, lúc xa lúc gần:

 

Ước gì anh hóa ra vôi

Em hóa trầu lộc tốt tươi lại nồng

Anh thương em trầu hết lá lươn

Cau hết nửa vườn cha với mẹ nào hay

 

Trên bầu trời, những đám mây của Huế vẫn chín mọng thơm lừng như trái cây chín tới gió thổi bay lang thang từ cửa Thuận An dừng lại trên tàng cau xanh mướt, Nắng mới hồng hây hây.

 

***

 

Chàng đến bờ con sông thấy em đã hóa thành đá. Tân đứng bên cạnh hòn đá khóc mãi cho đến lúc chết và hóa thành một cây thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá.

Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Nàng cũng tới con sông khóc cạn cả nước mắt và chết hóa thành một cây dây quấn quanh lấy cây kia.*

 

UYÊN LÊ

 


 

 




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 4575)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4062)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4365)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 6525)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 5804)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4365)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 6039)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 5624)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 6332)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 5588)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.