- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đất Đai Việt Nam Bị Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Xâm Chiếm

05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 185845)


nguyenvu_0_204x300_1

 LTG. Đầu năm Kỷ Sửu (26/1/2009), nhân dịp Khai Bút đầu Xuân, tôi đã viết bài “Đất Đai Việt Nam Mất Vào Tay Trung Hoa.” Bài này đăng ở Hợp Lưu website... Sau đó, tu chỉnh lại, đăng trên Hợp Lưu 105, tháng 5-6/2009. Gồm phần tổng luận, có phụ chú, và Phụ Bản, đưa ra 6 trường hợp mất đất tiêu biểu, cùng 1 phóng đồ Lạng Sơn-Trấn Nam Quan (Porte de Chine) của quân lực Pháp năm 1886-1887. Mục đích chính của tôi chỉ nhằm giúp người Việt thấy rõ sự thực lịch sử về cái gọi là tình hữu nghị “môi hở răng lạnh” theo kiểu Hán tộc.
Mới đây, được nghe Đại biểu Quốc Hội/sử gia Dương Trung Quốc chính thức đòi hỏi chính phủ Việt Nam điều trần về cuộc tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa; hay Tòa Đại sứ Trung Hoa ở Hà Nội đòi chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Đảng CSVN có biện pháp kỷ luật với những chuyên viên như Phạm Chi Lan hay Nguyễn Minh Phong vì họ can đảm tiết lộ với quần chúng những thủ đoạn kinh tế bất lương của Trung Hoa để biến Việt Nam thành một thuộc địa kinh tế mới, cũng như sự xuống tay của chính quyền Việt Nam với những luật gia, trí thức chỉ có một tội là yêu nước, thương nòi.
Vị thế địa lý chính trị Việt Nam khiến người Việt luôn mong mỏi và tìm cách duy trì chính sách ngoại giao hòa bình, thân hữu với các liên bang Á Châu, nhất là hai nước Trung Hoa và Đài Loan. Nhưng tình hữu nghị có giới hạn của nó. Những lãnh đạo gốc Hán ở Trung Nam Hải như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo dường đang đi vào vết xe đổ của thời phong kiến Trung Hoa.
Houston, 8/7/2009.
Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu

Không ai có thể phủ nhận một sự thực: quốc gia tự nhận là Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc [Zhonghua Renmin Gongheguo] đã kiên nhẫn xâm chiếm và cướp đoạt đất đai lân bang hơn 2000 năm qua để lập nên đế quốc hiện nay.

Năm trong hàng chục cựu vương quốc bị đế quốc TH cướp đoạt chủ quyền, "đặt vào bản đồ," "mở quận huyện" còn để lại chứng từ cụ thể là Miêu Cương (ca 300-1283) phía Tây Bắc Guizhou [Quí Châu] hiện nay; Nanzhao [Nam Chiếu] và Dale [Đại Lý] ở vùng Yunnan [Vân Nam] và nam Sichuan [Tứ Xuyên]; Đại Lịch/Đại Nam của Nùng Trí Cao; hay Nam Hán của Lưu Nghiễm (Quảng Nam Đông và Tây, tức Quảng Đông hiện nay). (1)

Gần đây, ngoài những phần lãnh thổ của dân Mongols, Tibet và Manchus bị cưỡng ép sát nhập vào lãnh thổ, THNDCHQ còn tự nhận chủ quyền trên đảo Đài Loan [Foremosa], và vùng biển Nam, nơi có dầu hỏa và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác dưới thềm lục địa, mà họ mệnh danh là "vùng chiến lược sinh tồn." ( 2)

Vua Trung Hoa luôn tự xưng là Thiên tử, làm chủ cả thiên hạ. Chủ quyền của con Trời biến thái từ chủ quyền tối thượng [sovereignty] tới bá chủ [suzerainty], tùy theo sức mạnh của triều đại cai trị. Triết lý để biện minh và yểm trợ cho chính sách thực dân là "Thiên mệnh""lễ, nghĩa" do Khổng Khâu cùng đệ tử rao giảng. Phương tiện chính yếu là xâm lăng và tái xâm lăng bằng vũ lực, chiếm đất, giết lãnh đạo và nô dịch hóa dân chúng. Nếu cướp đoạt bằng võ lực không thành công, linh động chuyển sang áp lực kinh tế/ngoại giao–tức hệ thống triều cống [tributory network] qui tâm về kinh đô Hán–vì hoàng đế Hán tộc là "thánh nhân" và uy đức được đo lường bằng số chư hầu tìm đến tỏ lòng "trung hiếu" giữa "con" với "cha," hoặc "em" với "anh."

Việt Nam là nạn nhân trường kỳ của tham vọng đế quốc, thực dân Hán tộc [Hanism]. Đồng thời cũng là 1 trong 2 dân tộc–cho tới thế kỷ XXI–thoát được chính sách đồng hóa.

Khó thể xác định những cuộc "chinh phạt" đầu tiên của Hán tộc. Suốt hai ngàn năm qua, người ta lập đi lập lại vài đoạn về liên hệ cổ Việt với Trung Hoa mà giá trị sử học thật giới hạn: Zhao Tuo [Triệu Đà], một huyện lệnh nhà Tần, xưng đế, lập ra Nan yue [Nam Việt] quốc ở Phiên Ngung (Quảng Đông ngày nay), và mang quân đi đánh dẹp Bách Việt lân cận. Trong số những người bị Zhao Tuo tiêu diệt có An Dương Vương. Năm 111 TTL, ba đầu mục Cổ Việt mang theo "100 trâu, 1000 chén rượu và sổ hộ tịch" tới xin nội phụ Lộ Bác Đức, được giữ nguyên tước vị, ở ba quận Chiao Chih (Giao Chỉ, 10 huyện), Chiu Chen (Cửu Chân, 7 huyện), và Jih Nan (Nhật Nam, 5 huyện). (3) Năm sau, 110 TTL, Lưu Triệt (Hán Hiếu vũ, 140-87 TTL) cử Thạch Đái làm Thứ sử [thái thú?] Giao Chỉ bộ.

Những khai quật khảo cổ vào hạ bán thế kỷ XX xác nhận Nan yue là một thực thể chính trị, và họ Zhao (Triệu) là những tác nhân lịch sử. Nhưng cuộc giao lưu văn hóa giữa nhà Hán và cổ Việt vẫn còn dầy phủ bóng tối nghi hoặc.

Cách nào đi nữa, sử sách Trung Hoa lập đi lập lại một cách ước lệ [rhetorics]:

Hán Vũ Đế giết Lữ Gia, mở 9 quận, đặt thứ sử để trấn áp, đưa dân Trung Quốc tới ở chung, giúp mở mang việc học, biết tiếng Trung Hoa một cách thô vụng, sứ đoàn đi lại, cho thổ dân biết được lễ nghĩa, phong hóa ["Hán Vũ đế tru Lữ Gia khai cửu quận, thiết thứ sử dĩ trấn chi, tỉ Trung Quốc nhân tạp cư kỳ gian, sảo sử học thư, thô tri ngôn ngữ, sứ dịch vãng lai, quan kiến Lễ hóa..."]. (4)

Năm 231, Thái thú Hiệp Phố và Giao Chỉ là Tiết Tông (từng lánh nạn qua Giao Chỉ, phục vụ Sĩ Nhiếp, sau theo Lữ Đại qua đánh Giao Châu) dâng sớ lên Ngô Tôn Quyền:

Hiếu vũ [Lưu Triệt, 140-87 TTL] giết Lữ Gia, mở 9 quận, đặt thứ sử Giao Chỉ, dời những người có tội ở Trung Hoa sang ở lẫn các nơi ấy, cho học sách ít nhiều, hơi hiểu ngôn ngữ, sứ và trạm quan lại, biết qua lễ hóa. Đến khi Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân, dạy dân cày bừa, đội mũ, đi giày, đặt quan làm mối, [mới biết hôn thú], dựng lên nhà học, dạy cho lễ nghĩa. . . . Song đất rộng người nhiều, núi rừng hiểm trở, dễ bề làm loạn. [Hiếu Vũ tru Lữ Gia, khai cửu quận, thiết Giao Chỉ dĩ trấn chi; sơn xuyên trường viễn, tập tục bất tề, trưởng ấu vô biệt, dân khuyết lễ nghĩa, trưởng lại chi thiết, tuy hữu nhược vô. Tự tư dĩ lai, phá tỉ Trung quốc tội nhân, tạp xử kỳ gian, sảo sử học thơ, thô thông lễ hóa. Cập Tich Quang vi Giao Chỉ, Nhâm Diên thú Cửu Chân, nãi giáo dân lê canh, sử chi quan lý, kiến lập học hiệu, đạo dĩ lễ nghĩa, do thử nhi giảng, tứ bách dư niên, phả tợ hữu hiệu, nhiên thổ quảng nhân chúng, hiểm trở sơn lâm, dị dĩ vi loạn, nan sử tùng trị, huyện quan cơ mi, thị linh oai phục; . . . .] (5)

May mắn hơn những tiểu quốc lân bang ở phía Nam bản đồ Trung Hoa, hiện đã bị xóa tên, dân Việt thắng vượt thành một quốc gia độc lập, qua hàng chục cuộc kháng Hán lớn nhỏ. Lưu Nghiễm, hoàng đế nhà Nam Hán đương thời với cha con Khúc Hạo, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền, chưa hẳn là người cuối cùng phải thốt lên rằng dân cổ Việt [Giao Chỉ] "ưa làm loạn." Khó thể đếm xiết những quan chức Hán bị dân đánh đuổi. Nhà Đường có người chối nhận chức ở An Nam Đô hộ, thà chết cũng cam. (6)

Tiết Tông ghi nhận:

Thần đã thấy Hoàng Cái ở Nam Hải làm thái thú Nhật Nam, khi đến nơi, vì thấy đồ cung đốn, trần thiết không đủ, đánh chết người chủ bạ, rồi bị đánh đuổi; thái thú Giao Chỉ là Đạm Manh vì bố vợ là Chu Kỉnh mà bày tiệc mời các quan to uống rượu, khi rượu say, làm vui, công tào Phan Hàm đứng dạy múa, nhắm vào Kỉnh, Kỉnh không chịu đứng dạy. Hàm muốn cưỡng bách, Mành giận giết Hàm, em của Hàm đến đánh Manh; thái thú Giao Chỉ cũ là Sĩ Nhiếp mang binh tới đánh không được. Lại thứ sử Ngu Phù cho bọn cùng làng là Ngu Bao, Lưu Ngạn làm trưởng lại, vơ vét của dân, một con cá vàng lấy thuế một hộc gạo, dân oán ghét nổi lên đánh đuổi.... (7)

 

Suốt nhiều thế kỷ kế sau chiến công bảo quốc Bạch Đằng Giang năm 938 của Ngô Quyền (897-944), vua quan Việt chưa thoát được mối đe dọa phương Bắc, trong thế giới "luật kẻ mạnh." Tháng 9-10/980, Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái Tông, em Khuông Dẫn) sai Vương Vũ Xứng viết cho Lê Hoàn:

Trung quốc đối với các nước mọi rợ như mình với tứ chi, khi vận động co ruỗi là tùy tâm, cho nên nói bậc đế vương là trái tim. Một người có chân hay tay đau, mạch máu không thông, thì phải uống thuốc để trị lành bệnh. Nếu uống thuốc không hết thì dùng châm cứu vào chỗ đau. Không phải không biết rằng thuốc uống thì đắng miệng, châm cứu thì tổn hại ngoài da, nhưng sự thiệt hại chỉ ít thôi mà sự ích lợi thì nhiều hơn. . .

Chức vi đế vương như ông thày chữa bệnh, trông thấy mọi rợ nào có chứng đau, thì tìm thuốc chữa.... Cho nên luyện đơn thuốc nhơn nghĩa, sửa soạn cái kim và mũi đá đạo đức, chữa bệnh nơi gần cho thật mạnh, rồi điều trị cả chín châu, bốn biển, chẳng còn đau ốm gì. [Cư đế vương chi vị, thị di địch chi bệnh... Ư thị, luyện nhơn nghĩa chi dược nhĩ, tu đạo đức chi châm biêm, đại liêu vu cận, nhi dũ cửu châu tứ hải, ký khương khả ninh]

[Xứ Giao Châu so với Trung Hoa chỉ như ngón tay, nhưng thánh nhân vẫn phải chữa]. "Vì thế cần mở lòng ngu tối của ngươi để được thấm nhuần thánh giáo."

Vì lòng nhân từ trùm muôn nước, phải chữa trị cho [Giao Châu] khỏi đau, sớm bỏ thói "cắt tóc ngắn," "uống nước bằng lỗ mũi," "nói líu lo như chim." Nếu theo thì tha tội, nghịch lại thì ta đánh [hướng hóa ngã kỳ xá, nghịch mạng ngã kỳ phạt]. (8)


Đại Việt ít nhất phải 7 lần đại chiến chống lại ước muốn "chữa bệnh" của Hán tộc.

1. Năm 938, Ngô Quyền phá tan thủy quân Nam Hán trên Bạch Đằng Giang– còn gọi là sông Vân Cừ. Giết chết Giao Châu vương Hoằng Tháo, con Lưu Nghiễm (Cung). (9)

2. Tháng 4-5/981, Lê Hoàn đánh tan 3 cánh quân Tống, giết chết Hầu Nhân Bảo. Chiến công này khiến Điền Tích có dịp dâng sớ xin bãi việc binh, khuyên Triệu Quang Nghĩa nên lấy thánh đức thuyết phục man di. Dù khó thể coi như thánh nhân, Quang Nghĩa tán thành bãi binh. Không nhắc gì đến âm mưu "đánh như sét đánh không kịp bưng tai," hầu khai thác tình trạng hỗn loạn sau cái chết đột ngột của cha con Đinh Tiên Hoàng. Rồi, tự biện hộ chỉ muốn "bảo hộ cho họ Đinh đã nhiều đời cống lễ"–một chiêu bài sẽ được các vua Trung Hoa sử dụng nhiều lần. (10)

3. Triều Lý (1009-1226) là chế độ đầu tiên đủ chiều dài thời gian để xây dựng nền móng các cơ cấu chính quyền, luật pháp, và nhất là sự liên tục chính trị. (11) Việc dời đô từ "chiến khu" Hoa Lư ra Thăng Long–trung tâm hành chính, văn hóa và chính trị vương quốc(12)–tự nó phản ánh sự ủng hộ rộng rãi cho chế độ.

Nhiệm vụ vệ quốc, chống tham vọng thực dân Hán tộc, dưới triều Lý nặng nề không kém thời Tiền Lê. Tháng 12/1075, Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công tự vệ đầu tiên để bẻ gãy kế hoạch mưu chiếm Đại Việt của Vương An Thạch, Trầm Khởi, Lưu Di. (13). Sau 40 ngày vây hãm Yongzhu [Ung Châu] tháng 2/1076, Tôn Đản hạ được thành, "giết 5 vạn, 8 ngàn người." Trương Thủ Tiết mang quân cứu Ung Châu, bị Thường Kiệt phục kích chết tại Côn Lôn quan (gần Nam Ninh). Tổng số người bị giết lên tới 100,000, kể cả số thương vong ở Qinzhou (Khâm châu), Lianzhu (châu Liêm). Ngoài ra, bắt một số tù binh mang về. (14)

Năm sau, Thường Kiệt đả bại cuộc phản công của bọn Triệu Tiết, Lý Hiến và Yên Đạt, với sự tiếp tay của Chiêm Thành và Chân Lạp. Tháng 4/1077, sau trận thủy chiến tại làng Như Nguyệt (Bắc Ninh). Quách Quì rút giữ Quảng Nguyên, Tô Mậu, Tư Long và huyện Quang Lang (thuộc tỉnh Cao Bằng ngày nay). 8 vạn [80,000] binh Tống ngày xuất quân chết đến 6 phần mười. (15)

Đề nghị xin hòa của Lý Nhân Tông [dưới tên Lý Càn Đức], được thảo luận sôi nổi ở Biện Kinh. Trong tờ sớ đề nghị bãi binh vào tháng 2-3/1077, Giám sát Ngự sử Thái Phụng Hy viết:

Thánh nhân là người "không trị mà là trị" ở những nơi man di. Từ ngày Giao Châu không phục, binh lính chết nhiều, lương thực hao tốn, chỉ được đất Quảng Nguyên. "Núi cùng, biển độc, vực sâu rừng rậm mù sương, hơi độc xông lên khiến diều quạ đang bay bị rơi xuống; khí ẩm thấp, tràn lan làm cho người sinh bệnh; cơ hồ một cảnh giới không người; dẫu có lấy được cũng chẳng lợi ích gì cho thiên hạ." (16)

 

Trước đó, khi bàn việc đánh Giao Chỉ, Vương An Thạch cũng từng bị chống đối. Thạch nói có thể lấy được [dĩ vi khả thủ], nhưng Ngô Sung cho rằng có lấy cũng vô ích [đắc chi vô ích]. Bởi thế, Triệu Húc đồng ý bãi binh.

Tháng 10-11/1078, Lý Nhân Tông sai Đào Nguyên mang 5 voi qua tặng, và đòi lại Quảng Nguyên, Tư Lăng, Tô Châu, Mậu Châu (không biết ở đâu) và Quang Lang (Ôn Châu ngày nay). Tháng 2/1079, Lý trao trả 221 tù trong số 1000 nhà Tống đòi hỏi. Phần nhà Tống đồng ý trả lại châu Quảng Nguyên. Năm năm sau, 1084, Lê Văn Thịnh mới đạt thỏa thuận về biên giới. Nhà Tống trả lại 6 huyện, ba động. Dân Tống không hài lòng, có thơ rằng: Nhân tham Giao Chỉ tượng; khước thất Quảng Nguyên kim [Tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên]. (17)

Tuy nhiên, cuối cùng, nhà Lý cũng mất một phần đất đai. Theo Thanh Nhất Thống Chí, châu Tư Lăng hiện nay thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây. (18)

Phần nào nhờ những chiến công của nhà Lý–khi nhà Tống ngày một suy yếu–nền độc lập Đại Việt liên lũy được củng cố. Năm 1164, Triệu Tích (Hiếu Tông, 1163-1184) nhìn nhận Đại Việt là An-Nam quốc, và phong Lý Anh Tông [Lý Thiên Tộ] làm An Nam Quốc Vương. Đây là chiến thắng ngoại giao lớn cho nhà Lý nói riêng, và dân tộc Việt nói chung. Dù sự thừa nhận ngoại giao này không có tính cách vĩnh viễn trong thế giới luật kẻ mạnh, lãnh thổ vương quốc đàn hồi, thay đổi theo vũ lực, tiền lệ trên giúp vị thế vương quốc và tước An Nam Quốc Vương ngày một vững chắc hơn.

4. Vua quan Trần, với những anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư cũng ba lần làm chồn vó ngựa Mông Cổ vào các năm 1258, 1285 và 1288–tức giai đoạn hưng thịnh nhất của Qblai Khan [Hốt Tất Liệt]. Trận thử lửa đầu tiên vào đầu năm 1258 phác họa một diễn tiến chung cho các chiến dịch. Quan binh Mông Cổ khởi đánh ào ạt, nhanh và mạnh, Vua Việt phải bỏ kinh thành kháng chiến, làm hao hụt chủ lực và nhuệ khí địch, rồi đạt được chiến thắng cuối cùng với sự phụ giúp của địa thế và thời tiết.

Dẫu vậy, sau mỗi chiến công vệ quốc, các vua Trần phải chấp nhận "thông hiếu" với phương Bắc. Thái Tông và Thánh Tông tiếp tục cống lễ và nhận sắc phong An Nam Quốc Vương cũng như nền tự trị của cả hai chế độ Nam Tống và Nguyên. Đồng thời khẳng định lập trường không vào triều kiến vua Trung Hoa.

5. Nền độc lập của Đại Việt bị xâm phạm trầm trọng nhất vào đầu thế kỷ XV, sau khi Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần, đổi quốc hiệu thành Đại Ngu (1400-1407). Mặc dù Hồ Hán Thương được phong làm An Nam Quốc Vương từ tháng 2-3/1403, cha con Quí Ly đã xin cắt đất đổi hòa bình, Chu Lệ (Minh Thành Tổ, 1403-1424) vẫn đưa quân qua xâm lược.

Chu Lệ đưa ra chiêu bài "phò Trần, diệt Hồ." Nhân dịp Nguyễn Khang, một gia bộc của Trần Nguyên Huy, mạo xưng con Trần Nghệ Tông, tố cáo họ Hồ [Lê] soán ngôi, Chu Lệ sai 5,000 quân Quảng Tây mang Khang–dưới tên mới Trần Thiêm [Thiên] Bình–về nước. Nhưng tháng 9-10/1406 phục binh Hồ vây đánh ở ải Chi Lăng, bắt được "Thiêm Bình." (19) Chu Lệ bèn sai Trương Phụ, Mộc Thạnh dẫn 2 cánh quân Quảng Tây và Vân Nam vào khoảng 800,000 [?] tràn sang Đại Việt, phù Trần diệt Hồ.

Ngày 20/1/1407, quân Minh vượt sông tấn công đồn Đa Bang bảo vệ phía Tây Đông Đô. Ngày 22/1, tiến về Hà Nội. Ngày 24/1 quân Hồ đốt phá kho tàng, rút lui. Tiền quân Minh đốt luôn tất cả nhà cửa ngoài thành. Quan quân Minh tranh nhau cướp đoạt con gái, của cải, lụa là, lương thực. Con trai ít tuổi phần lớn bị thiến. Ngày 16/6, Liễu Thăng bắt sống Quí Ly ở ghềnh Chẩy Chẩy gần Kỳ La (cửa Lân, huyện Kỳ Anh, Thanh Hoa [Hà Tĩnh đời Nguyễn]). Hôm sau, 17/6, tới Hán Thương ở núi Cao Vọng. (20)

Chu Lệ hân hoan làm lễ đón nhận tù binh. Chiến lợi phẩm khá hậu hĩ: 48 châu phủ, 168 huyện, 112 voi, 420 ngựa, 35,750 trâu, 8,865 thuyền, 3,129,500 hộ dân (có lẽ gồm cả dân Hóa Châu mới chiếm năm 1402). (21)

Chiêu bài "phù Trần, diệt Hồ" là một vũ khí chính trị hữu hiệu. Nhiều người Việt ngả theo quân Minh, hay ít nữa giữ trung lập, chỉ vì chống Hồ. Hồ Nguyên Trừng–người được giao trọng trách phòng thủ–từ tháng 9-10/1405 đã phải thốt lên rằng "chỉ sợ lòng người không theo." (22)

Hai tôn thất đứng ra nắm quyền chỉ huy phủ Diễn Châu [Thanh Hoa] và Nghệ An. Đặng Tất chống giữ Hóa Châu khi Chiêm Thành đánh phá. Trần Quí Khoáng, con Mẫn vương Ngạc, cháu Nghệ Tông, cũng từng hai lần gửi sứ qua Kim Lăng. (23)

Nhưng sau khi bắt được cha con Hồ Quí Ly, ngày 5/7/1407 Chu Lệ chấp thuận lời xin của Mạc Thúy và "hơn 1100" kỳ lão là "Con cháu nhà Trần đă chết hết không có người thừa kế... An-Nam là đất cũ của Trung-Quốc xin đặt quan cai trị," xuống chiếu cải tên Đại Việt thành "Giao Chỉ bố chính ti." Lập quan lại, phủ huyện (17 phủ, 5 châu, 12 vệ). (24)

Chu Lệ còn thi hành chính sách bóc lột kinh tế, bắt dân Việt đồng hóa theo phong tục Hán, tịch thu hết sách sử Việt. Bởi thế, dòng giõi họ Trần và nhiều thổ hào thay đổi thái độ. Sau khi phất cờ kháng chiến vào ngày 1/11/1407 [2/10 Đinh Hợi] ở Mô Độ, châu Trường Yên (nay là Yên Mô, Ninh Bình), bị thua chạy vào Nghệ An, Trần Ngỗi hay "Đế Ngỗi" phải ra tay tàn sát Trần Thúc Đao [Diễn Châu] và Trần Nhật Chiêu [Nghệ An] cùng hơn 600 tôn thất hợp tác với Minh–gần gấp đôi số bị Hồ thủ tiêu sau vụ mưu sát hụt trên đài tuyên thệ. (25)

Những người như Bùi Bá Kỳ, tì tướng của Trần Khát Chân, đã theo Trương Phụ về nước; Nguyễn Đại tiếp tay bắt giữ cha con họ Hồ; hay Đặng Tất ở Hóa Châu, đều thay đổi lập trường. Tùy theo hoàn cảnh mỗi người, sau một thời gian ngắn, hoặc âm thầm tự tách biệt khỏi quân Minh (như Bá Kỳ), hoặc tham gia phong trào kháng Minh (Đặng Tất), hay nuôi một tâm ý khác (như Giao chỉ Đô Chỉ huy sứ Nguyễn Đại). (26) Đó là chưa kể hàng chục ngàn hào kiệt tham dự vào hơn 60 cuộc nổi dạy trên khắp vương quốc. Trần Quí Khoách (1409-1413), hay Lê Lợi (1418-1427, 1428-1433) chỉ là hai nhân vật được nhắc nhở nhiều nhất. Trương Phụ phải trở lại Đại Việt thêm hai lần vẫn không yên. Liễu Thăng bị giết ở Chi Lăng, Mộc Thạnh hai lần một người một ngựa chạy thoát thân. Cuối cùng, Vương Thông phải xin định hòa ước.

Số người bản xứ hợp tác với nhà Minh–kể cả 9000 "thổ quan" đã cùng Bố chính sứ Nguyễn Huân, tham chính Lương Nhữ Hốt và Đỗ Duy Trung sang tận Kim Lăng thụ nhận sắc phong năm 1416, và được Chu Lệ khen ngợi là "trung lương," tên tuổi sẽ ngàn đời ghi vào sử xanh(27)–chỉ là thiểu số.

Hơn bốn trăm năm độc lập từ triều Ngô Quyền đã đóng góp không nhỏ vào phong trào "bình Ngô" rộng lớn từ 1407 tới 1427.


7. Hoàng Lịch (Qainlong hay Càn Long, 1736-1796), dù là người Mãn Châu, thêm một lần đi vào vết xe đổ. Năm 1788, Hoàng Lịch mượn chiêu bài "phò Lê," phô trương thanh thế của "nửa triệu quân bốn tỉnh Hoa Nam," mong thôn tính nửa giang sơn phía Bắc Đại Việt. Điều Hoàng Lịch tính toán sai lầm là suốt gần hai thế kỷ thiết triều ở Thăng Long, "vua Lê" chỉ là những vòng hoa vương giả cho họ Trịnh và Nguyễn. Những nhà truyền giáo Espania thế kỷ XIX cũng dường thiếu khôn ngoan khi dựng lên "con cháu nhà Lê" như Tạ Văn Phụng, v.. v... trong âm mưu tiếp tay liên quân Pháp-Espania đánh chiếm Việt Nam, hoặc tách lập ra một "nước Đường Ngoài [Tonkin] Ki-tô tự trị" trong thế kỷ XIX.

Một hiện tượng quen thuộc ở Việt Nam là chiến thắng quân sự không bao giờ là chiến thắng cuối cùng. Vị trí địa lý-chính trị Việt Nam (Đại Việt) khiến không thể không duy trì liên hệ ngoại giao với phương Bắc, trong khuôn khổ "luật kẻ mạnh." Thứ trật tự ngoại giao thông hiếu [tributory networks] đặc thù Á Đông, qui tâm về Bắc Kinh này, dĩ nhiên, khó thể bình đẳng. Vua quan Hán ngang ngược bắt tất cả vua chúa lân bang phải chấp nhận thứ quan hệ "cha-con, giữ gìn nhau như môi với răng" ["do tử dữ phụ mẫu chi tương thân," "phụ tử chi quốc, thần xỉ chi bang"], "thuận trời thì sống, nghịch trời thì diệt" [thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong]. (28)

Sử quan Phan Phu Tiên đã xuất sắc tóm gọn được chính sách thực dân Hán tộc trong vỏn vẹn 4 chữ: "mềm nắn, rắn buông." Hễ thời cơ thuận lợi là sử dụng ngay vũ lực để "mở quận huyện, đặt nước Việt vào bản đồ thiên quốc." Thất bại thì tìm đủ cách biện minh, từ khí hậu độc hại khiến quân sĩ đau ốm, mỏi mệt; tới việc vua Việt biết hối lỗi xin hòa hiếu.

Bởi vậy, Bình Định Vuơng Lê Lợi, các vua nhà Mạc hay Lê Trung Hưng từ Thế Tông tới gần cuối nhà Minh đều gặp nhiều khó khăn khi xin cầu phong. (29)

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, mang quân xâm chiếm, chia ra quận huyện để đặt dân Việt vào "vòng lễ giáo" Hán tộc chỉ là một trong những biện pháp thực thi chủ nghĩa bành trướng. Trung Hoa không bỏ qua bất cứ cơ hội rối loạn chính trị, hay tranh chấp quyền lực nào trong nội địa Việt Nam để mở rộng bờ cõi. (30)

Chua chát là từ đời con cháu nhà Trần trở đi, triều đại sắp bị diệt vong nào cũng cầu viện Trung Hoa–từ Nguyễn Kim (Cam) và hình nhân giát vàng "con Lê Chiêu Tông," tới con cháu Tây Sơn. Và, chỉ những người mới đẻ ngày hôm trước mới tin rằng có sự hiện hữu của thứ "viện trợ không thòng lọng hay không móc câu" hoặc "cống hiến vô tư" của Thiên Triều! Những chế độ mới lên cầm quyền ở Việt Nam thường phải "cắt đất đổi hòa bình"–chẳng khác biệt bao lăm những cuộc chiến nối ngôi ở Kampuchea hay Lào, và số đất đai cắt xén cho Đại Việt cùng Xiêm La Hộc.

Cách này hay cách khác, Trung Hoa đã cướp đoạt của Đại Việt nhiều vùng quặng mỏ dài theo biên giới. Mỏ vàng Quảng Nguyên (Cao Bằng), hay những mỏ sắt, mỏ đồng (Tụ Long), mỏ bạc ở Tây Bắc Bắc Việt đều từng có tranh chấp. Nếu người Pháp không chiếm đóng Việt Nam–"đặt lại quận huyện, mở cửa cho dân An-na-mít vào thế giới văn minh" Đại Pháp, chẳng hiểu tình trạng biên giới Việt Nam biến hóa ra sao dưới sự khuynh đảo của bọn thổ phỉ và hải tặc Trung Hoa, cùng lính đánh thuê cho Pháp. (31)

Khi cuộc nội chiến Quốc-Cộng (1945-1975) còn đang tiếp diễn, THNDCHQ lại bắt đầu một chu trình tằm thực mới. Tấn công Hoàng Sa đầu năm 1974, hay hai hòa ước về biên giới đất liền và lãnh hải vịnh Bắc Bộ năm 1999 và 2000 mới chỉ là khởi đầu. Đầu thiên kỷ 2000, bắt chước Mao Trạch Đông, lãnh đạo THNDCHQ tới tắm bãi biển Đà Nẵng, tuyên bố muốn thấy thanh thiếu niên Hoa-Việt vui cười tung tăng an bình sống bên nhau, nhưng thỉnh thoảng lại sai chiến hạm tới bắn giết thanh niên Việt chỉ để giành độc quyền những túi vàng đen ở khu vực quần đảo Trường Sa mà THNDCHQ đặt tên là Nansha!

Trong khi đó, một viên chức Lai Châu tiết lộ (năm 2005) rằng thổ dân và thổ quan THNDCHQ ở vùng biên giới tiếp tục xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Họ tuyên bố "ở đâu có chuối xanh là lãnh thổ Trung Quốc." Phương cách tằm thực này nhiều khi không do chính quyền trung ương chủ xướng, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là làng bênh làng, "Thiên triều" bắt ép "bồi thần."

Những vùng đất bị Trung Hoa xâm lấn nhiều nhất nằm ở phía Tây Bắc hơn phía Đông Bắc (như Trấn Nam Quan [ải Pha Lũy, nay là Hữu Nghị Quan] hay Thác Bản Giốc mà dư luận hải ngoại khua chiêng gõ trống). Vài địa danh lịch sử như "ải Lê Hoa" trong trận chiến đánh đuổi quân Minh của Lê Lợi, đã "vào bản đồ" Mông Tự, Vân Nam, từ năm nào không rõ.

Nhiều "chuyên viên" trong nước–vì lý do nào đó–vẫn nuôi ảo tưởng về lòng thành thực của Mao Trạch Đông và tinh thần "quốc tế vô sản," trút mọi trách nhiệm cho Đặng Tiểu Bình. Không nhận hiểu dã tâm của Mao khi sử dụng xương máu người Việt để củng cố trận tuyến chiến lược Đông Nam, trong cuộc đương đầu sắt máu với Liên Bang Mỹ. Hồi ký cựu Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè, đoạn nói về Mao tiếp phái đoàn VNDCCH ở Di Niên Đường năm 1951, nhắc đến cảnh Mao thỉnh thoảng ném kẹo táo, trái cây cho Tôn Đức Thắng, Vũ Đình Hoè và các đại diện nhân dân Việt (kể cả nữ anh hùng dân công Triệu Thị Soi), ân cần nói: Ăn đi, ăn nhiều đi, rồi đánh giặc cho khoẻ! (32) Những bài viết của Trường Chinh về tư tưởng "Mao Trạch Đông vĩ đại," v.. v... trên tờ Tạp Chí Cộng Sản, trước khi chết không nhắm mắt vào năm 1988, đi thẳng vào vấn đề hơn.

Việc cắt đất, cắt lãnh hải cho Trung Cộng của nhóm Lê Công Phụng, do lệnh từ Bộ Chính Trị Đảng CSVN, là một sự thực lịch sử. Giống như lá thư Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai năm 1958 mà chúng tôi đã công bố cách đây hơn 20 năm. (33) Dù chi tiết hành động "cắt đất đổi hòa bình" chưa bạch hóa, không thể không nghĩ đến số phận quặng uranium ở mỏ Tĩnh Túc, Pia Ouac (Cao Bằng), mà chuyên viên Nhật tìm ra trong khoảng 1946-1947.

Điều khiến những chuyên viên về công pháp quốc tế thắc mắc nhất là tại sao Bộ Ngoại Giao Việt Nam không ngớt tuyên bố là việc định lại biên giới phù hợp với công pháp quốc tế, và họ rất thỏa mãn. Những lời khẳng định trên, cùng với lá thư gửi Chu Ân Lai của Phạm Văn Đồng năm 1958, dập tắt mọi hy vọng khôi phục đất đai. Nếu việc tranh chấp đưa ra trước một tòa án quốc tế, Việt Nam ở hẳn vào thế yếu–tất cả những bản án tiền lệ về tranh chấp biên giới đều dựa trên yếu tố "tư nguyện" của hai phe. Chính phủ CHXHCNVN đã tình nguyện nhìn nhận biên giới Trung Hoa NDCHQ vẽ ra, kể cả tấm bản đồ với những vùng lãnh hải gồm nhiều dấu chấm. Không rõ đây là hiệu quả sự thiếu hiểu biết về công pháp quốc tế, hay do một ẩn ý nào khác. Cách nào đi nữa, bản minh định lập trường mà chính phủ CHXHCNVN nhờ một văn phòng luật New York soạn thảo chẳng đưa ra được một lợi thế nào cho Việt Nam. (Giống như vụ kiện về chất độc da cam mà toà án Mỹ từ chối căn bản tố tụng).


PHỤ CHÚ:

1. Xem thêm John E. Herman, Amid the Clouds and Mist: China’s Colonization of Guizhou, 1200-1700 (Cambridge, Mass: Harvard Univ. Press, 2007); C. Paterson Giersch, Asian Borderlands: The Transformation of Qing China’s Yunnan Frontier (Cambridge, Mass: Harvard Univ. Press, 2006). Nasu Yi Mu’egu là vùng trái độn giữa Bắc Kinh và Yunnan.

2. Vũ Ngự Chiêu, "From Embargo to Normalization: The Human Rights Aspects Of The United States-Vietnam Relations, 1975-1995;" unpublished J. D. Human Rights Seminar (Spring 1999) under the supervision of Professor Jordan J. Paust, University of Houston Law School, Houston, TX; Dibyesh Anand, "Strategic Hypocrisy: The British Imperial Scripting of Tibet’s Geopolitical Identity;" Journal of Asian Studies, vol. 68, No. 1 (Feb 2009), pp. 227-252.

3. Sima Qian [Ssu-Ma Ch’ien, ca. 145-86 TTL], Shih chi (bản dịch Burton Watson (1961), II, chapter 113:239-242; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Tiền Biên [TB], bản dịch Trương Bửu Lâm et al. (Sài Gòn, 1965-1970), I:32-34, II:1-2, 23-27; II: 98-15, 134-141, 142-147; bản dịch Viện Sử học Hà Nội (Huế: 1998), I:106; Đại Việt Sử Ký Tiền Biên [ĐVSKTB], 1997:55-57; Lê Tắc, An Nam Chí Lược [ANCL], bản dịch Trần Kính Hòa (Huế: 1961), q. 4, 1961:92 [Giao châu ký viết: Lộ Bác Đức nhơn bài tam giả vi tam quận tú, Lạc vương Lạc tướng trị dân như cố]

4. CM, Tiền Biên (Sài Gòn: 1970), III:6A.

5. ANCL, q. 5, 1961:112-114; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [ĐVSKTT], bản dịch Cao Huy Giu et al. (Hà Nội: 1967), I:104-105; CM, TB III:5-8; (Sài Gòn 1970), III:22-35; (Huế: 1998), I:139-141.

6. ANCL, Bk 9, 1961:161.

7. ANCL, q. 5, 1961:112-114.

8. Thư Vương Vũ Xương gửi Lê Hoàn [980]; ANCL, Bk. 5, 1961:115-116 [trích Tống Sử]; ĐVSKTT, 1967, I:162-164; Người đưa thư là Lư Đa Tốn; CM, CB I:16, (Huế), 1998, I:250-251.

9. ĐVSK,TB, 1997:139; CM, TB, V:18- 20; (Huế),1998, I:221-22. [Ngô Thì Sĩ chép là bắt sống Tháo, rồi giết đi].

10. ANCL, q. 5, 1961:117-118; CM, CB I:17, (Huế), 1998, I:251-252.

11. Nhà Lý cai trị từ 1009 tới 1226 vì Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Nhật Cảnh (1218-1277), tức Trần Thái Tông (1226-1258) ngày 20/1/1226 [25/12 Ất Dậu] ; ĐVSKTT, Bản kỷ, IV, 1967, I:310; Ibid., II:5; CM, V:42-43, 1998, I:440-441. [Ngày 22/11/1925 [21/10 Ất Dậu], Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng, 7 tuổi, lấy Trần Nhật Cảnh, 7 tuổi, làm chồng ; ĐVSKTT, Bản kỷ, IV, 1967, I:309-310].

12. Hành lục của Tống Cảo [ca 991]; ANCL, q 4, 1961:83; CM, CB I:24-25, (Huế), 1998, I:258-259.

13. CM, III:2-3, 13-14, 16-19; (Huế: 1998), II:320-321, 330-331, 333, 335-336.

14. CM, III:35-37; 1998, I:350-352; ĐVSK, TB, 1997:244; "La vérité sur les relations sino-vietnmiennes;" La Chine et le Monde ["Sự thật về quan hệ Trung Hoa-Việt Nam," trong Trung Hoa và Thế Giới] (Beijing: Beijing Information, 1982), tr. 105 [102-141] [Trong vòng 246 năm, từ năm 995 đời Taizong tới 1241 đời Lizong, Việt Nam đã tấn công TH tới 10 lần].

Một cuộc tấn công tự vệ khác xảy ra vào năm 1311, khi Trần Anh Tông mang 30000 quân tấn công Quảng Tây để trả thù việc thổ quan Tri châu Trấn An là Triệu Giác bắt giữ một người đi buôn châu Tư Lăng của Đại Việt cướp đoạt 1 lọ vàng, lấn hơn 1000 khoảnh ruộng; ANCL, q. 5, 1961:106; ĐVSKTT, Bản kỷ, VI, 1967 (Giu), II:272-273; ĐVSKTB, 1997:415-416; Nguyên sử, q. 209; ĐVSKTT, VI, 1967, 2:272-273. Năm Bính Thìn [25/1/1316-13/1/1317], Anh Tông đồng ý bãi binh.

15. ANCL, q. 2, 1961:65-66, q. 4, 98-99; ĐVSKTT, Bản kỷ, III, 1967 (Giu), I:238; 19. ĐVSK, TB, 1997:247; CM III:35-37, 38-40; 1998, I: 350-352, 353-355) [CM ghi là tháng 12 Bính Thìn].

16. ANCL, q. 4, 1961:98-99; q. 5, 1961:118-119.

17. CM 3:40, 41-42; 1998, I:355, 356-357; ĐVSKTT, Bản kỷ, III, 1967 (Giu), I:240; ĐVSK, TB, 1997:247.

18. CM 2:41; 1998, I:314.

19. ĐVSKTB, 1997:515, 517, 518, 520-521; CM, XII:2-3, 6, 10-12; (1998), I: 716-717, 720, 724-725. Sau đó Quí Ly gửi 2 sứ giả qua nhà Minh, nhưng bị Chu Lệ giữ sứ lại, không cho về; CM, XII:10-12; (1998), I:) (ĐVSKTB, 1997:521.

20. ĐVSKTB, 1997:523, 526; CM, XII:17-19, 21; 1998, I:731-732, 734-735; ĐVSKTT, VIII, 3:285 [trích Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng]).

21. ĐVSKTB, 1997:527-528; ĐVSKTT, IX, 2:230. Minh sử, "Trương Phụ truyện" (q. 154:230) ghi là "312 vạn hộ."

22. ĐVSKTT, VIII, 1967, 3:222; CM, XII:9-10; 1998, I:722-723; ĐVSKTB, 1997:520.

23. Nguyễn Nhật Ti và Lê Ngân bị giết; Hồ Nghiện Thần và Bùi Nột Ngôn trúng kế phản gián của Chu Lệ, chết trong tay Quí Khoáng; ĐVSKTT, IX, 1967, 3: 233-234, 242; CM, XII:33-34; 1998, I:747.

24. ĐVSKTT, VIII, 1967, 286-287n10; CM, XII:20-23; 1998, I:733-737; ĐVSKTB, 1997:525; Minh Thái Tông Thực Lục, q. 68, tr. 943. Tháng1/1413 [Tháng Chạp Nhâm Thìn, 3-31/1/1413], Tham chính Mạc Thúy bị Nông Văn Lịch nổi dạy. giết ở Lạng Sơn; ĐVSK, Bản kỷ, IX, 1967:244-245.

25. ĐVSKTT, VIII, 1967, 3:233-234; CM, XII:22-24, 25-26; 1998, I:736-737, 739; ĐVSKTB, 1997:529.

26. ĐVSKTT, IX, 1967, 3:232; CM, XII:24, 1998, I:737-738 [Bùi Bá Kỳ], CM, XII:22, 1998, I:736 ; ĐVSKTB, 1997:529 [Trần Đại]; ĐVSKTT, IX, 1967, 3:231-232, 233-234, 236-237 [Đặng Tất]; CM 19-20, 26-27;1998, I:732-733 (1407), 740 [Đặng Tất]; ĐVSKTB, 1997:527 [Đặng Tất] 529; CM, XII:22; (1998), I:736).

27. ĐVSK, Bản kỷ, IX, 1967, 3:244-245, 251-252; CM, XII:44- 45; 1998, I:757.

28. Thư Trương Lập Đạo gửi Trần Nhân Tông năm 1291; ANCL, q. 5, 1961:102-103.

29. Ít nhất có 4 trường hợp ngoại lệ. (1) Tây Hạ tự xưng là Đại Hạ quốc, năm 1044, bắt Bắc Tống phải nạp quà mới chịu thần phục. (2) Từ năm 1003, Vua Khiết Đan gọi vua Tống là "anh," vua Bắc Tống gọi Khiết Đan là "em." (3) Tại Việt Nam, năm 1744, Võ Vương Nguyễn Phước Khoát–sau nhiều nỗ lực xin cầu phong nhà Thanh của ông cha từ đầu thế kỷ XVIII–tự phong làm An Nam Quốc Vương. (4) Sau khi tái chiếm Sài Gòn, Nguyễn Chủng cũng tự xưng An Nam Quốc Vương trong các văn thư, kể ca thư ủy thác Giám Mục Pierre Pigneau de Béhaine đi cầu viện Đại Pháp, hay kết ước với Phật vương [Rama] Xiêm chống lại Tây Sơn, và An Nam Quốc Vương Quang Trung (1789-1792) của nhà Thanh.

30. Thông sử, 1978:208 [truyện Trịnh Khả]; ANCL, q. 5, 1961:106 [105-107]; ĐVSKTB, 1997:415-416; CM 9:8-9; 1998, I:582-584.

31. Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập III.

32. Vũ Đình Hoè, Hồi ký, 2004:938.

33. Xem Chính Đạo, 55 Ngày & 55 Đêm, in lần thứ 5 (Houston: Văn Hóa, 1987, 1999), tr. 20; & Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963 (Houston: Văn Hóa, 2000), tr. 120.

Phụ Bản:

Xin ghi lại những trường hợp mất đất tiêu biểu nhất trước thời Pháp thuộc:


I. GIA ĐÌNH HỒ QUÍ LY (1400-1407):


Vì nhà Hồ (1400-1407)–giống như nhà Mạc (1527-1593) và Tây Sơn (1778-1802), chỉ phụ chép trong "quốc sử" như "Ngụy" và "nghịch thần truyện" (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [ĐVSKTT], q. IX; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], XI:36-43, XII:1-21; (1998), I:707-735); Lê Quí Đôn, Thông sử, 1978, III:253-397–xin ghi lại những chi tiết sau theo "quốc sử":


A. Tháng 3/1405, Hồ Hán Thương sai Hoàng Hối Khanh cắt đất Lộc Châu (59 xã thôn) của Lạng Sơn cho nhà Minh. (CM, XII:7; (1998), I:720-721; ĐVSKTB, 1997:518)

Hoàng Quảng Thành, thổ quan Tư Minh, tâu lên rằng nhà Trần đã cướp đất Cổ Lâu [Lộc Châu] (Lạng Sơn). Chu Lệ (Thành Tổ 1403-1424); ĐVSKTB, 1997:515)] cho lệnh Quí Ly trả lại đất trên. Nay sứ nhà Minh lại qua. Hán Thương sai Hối Khanh làm "cát địa sứ."

Không hài lòng việc Hối Khanh cắt nhượng quá nhiều đất, Quí Ly ngầm cho lệnh đầu độc các thổ quan do nhà Minh bổ nhiệm. Tuy nhiên, châu Tây Long và huyện Tây Lâm này ngày nay nằm trong lãnh thổ đạo Điền Nam, tỉnh Quảng Tây, của THNDCHQ. (CM XII:7, 1998, I:721)

B. Năm 1407, Chu Lệ xâm lược, bắt Quí Ly và gia quyến về Kim Lăng. Tháng 7/1407, cải tên Đại Việt thành "Giao Chỉ bố chính ti," lập phủ huyện (17 phủ, 5 châu, 12 vệ), đặt quan lại, Cuối năm 1427, Lê Lợi mới khôi phục được đất nước. [Xem supra]


II. GIA ĐÌNH MẠC ĐĂNG DUNG:


A. Ngày 30/11/1540, Mạc Đăng Dung cùng Minh Văn và hơn 40 thuộc hạ qua Trấn Nam Quan tạ tội với quan tướng Minh.

Nguyên bọn Tướng nhà Minh là Cừu Loan và Mao Bá Ôn đã tới Quảng Tây, tập trung quân lính chuẩn bị đánh Đại Việt. Quân Minh, kể cả chính binh và kỳ binh (quân lưu động), dự trù lên tới 220,000, chia làm ba cánh xâm phạm Đại Việt theo ngả Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh. Vân Nam cũng được lệnh mang ba đội tiễu binh, mỗi đội 21,000, từ ghềnh Liên Hoa (Mông Tự, phủ Khai Hóa nhà Thanh [nguyên là đất của Việt, mất vào dịp nào không rõ]) tràn vào Đại Việt.

Lại truyền hịch hạch tội Đăng Dung diệt nhà Lê, ai bắt được một tội nhân sẽ thưởng 2 nén vàng và ban quan tước. (CM,CB, 27:31-32; 1998, II:114-115) Mặt khác, dụ bảo cha con Đăng Dung tự trói mình đợi tội, dâng nạp sổ sách đất đai, dân đinh, sẽ được tha tội chết. Đăng Dung bèn sai sứ sang gặp bọn Bá Ôn dàn xếp. Bá Ôn đồng ý ngày 30/11/1540, Đăng Dung phải làm lễ đầu hàng tại Trấn Nam Quan. Ngày này, Đăng Dung cùng cháu là Văn Minh và hơn 40 tùy tùng

"[M]ỗi người đều cầm thước, buộc dây vào cổ, đi chân không đến bò rạp ở mạc phủ nước Minh, giập đầu quì dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai quân dân quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương của châu Vĩnh Yên, trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc lệ vào Khâm Châu." Rồi sai cháu vào Yên Kinh dâng biểu đầu hàng. (ĐVSK, BKTB, XVI:131-132).

Theo sử quan nhà Nguyễn, Khâm châu chí của nhà Thanh chép là "năm Gia Tĩnh nhà Minh" (Chu HậuTổng [hay Thế Tông], 1522- 1566), Đăng Dung nạp trả 5 động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, không có An Lương.

Quảng Yên sách thì chép động An Lương nay là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh, phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên.

KĐVSTGCM cho rằng không cắt động An Lương. (CM,CB, 27:34; 1998, II:116)

Nam Quan ở về phía Tây Nam châu Bằng Tường, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây. (CM,CB, 27:34-35; 1998, II:116-117)

Minh sử thông sự (q.32) chép tới năm 1538 Đăng Dung mới cử sứ qua nhà Minh vì đường ra biên ải bị bọn Trần Cung ngăn chặn.


Bọn Bá Ôn cho Đăng Dung về nước đợi lệnh. Văn Minh và Nguyễn Văn Thái lên Kim Lăng yết kiến vua Minh. Ngày 7/11/1541, bọn Bá Ôn và Văn Minh tới Kim Lăng. Bá Ôn đề nghị Hậu Tổng nhìn nhận Đăng Dung, vì Đăng Dung thành khẩn qui phục, lại nộp đất. Phần bọn Trịnh Duy Liêu, sứ giả của Nguyễn Kim gửi tới–dưới danh nghĩa một dòng giõi nhà Lê giả là Lê Ninh–chẳng nên cứu xét thêm. (ĐVSKTT, XVII, 3:132-133)

Hậu Tổng đồng ý, đặt An Nam đô thống sứ ti, cho Đăng Dung chức quan tòng nhị phẩm (đô thống sứ), được quyền thế tập. Tuy nhiên, ngày 11/9/1541, Đăng Dung đã chết. (Thông sử, 1978:272-273, 280; CM :36-37; 1998, II:118-120).

B. Đời Hậu Lê Trung Hưng (1593-1789), tức Lê-Trịnh, con cháu nhà Mạc được nhà Minh, nhà Thanh can thiệp cho giữ 4 châu đông bắc trấn Thái Nguyên (Cao Bằng ngày nay) tới 1677.

1. Việc cắt nhượng này được thỏa thuận vào năm 1599, sau khi Phùng Khắc Khoan đi sứ về. Mạc Kính Cung được giữ 4 châu Thạch Lâm (22 xã), Quảng Uyên (38 xã), Thượng Lang (32 xã), Hạ Lang (22 xã). [Xem infra]

2. Sau khi lật đổ nhà Minh, tháng 2-3/1669, Huyền Hoa (Khang Hi, 1662-1722) sai bọn Lý Tiên Căn và Dương Doãn Kiệt mang chỉ dụ bắt Trịnh Tạc nhường bốn châu Thái Nguyên cho Kính Vũ. Hai bên thảo luận sôi nổi, nhưng nhà Thanh không lùi bước. Cuối cùng, Trịnh Tạc đành "thờ nước lớn." (ĐVSK, BKTB, q. 19; 1967:314-315; CM, 33:25-26; 1998, II:320-321)

3. Tháng 8-9/1677, Đinh Văn Tả đánh Cao Bình. Kính Vũ chạy qua Long Châu. Trước đây Kính Vũ ủng hộ Ngô Tam Quế, nên nhà Thanh che chở. Nay Quế làm phản, Thanh quay lưng.

Tuy nhiên, sau 85 năm dưới sự cai quản của họ Mạc, địa giới các châu, bản thay đổi rất nhiều. Không rõ bao nhiêu đất đai bị đặt vào bản đồ châu Tư Minh và Quảng Tây. Sử quan nhà Nguyễn, chẳng hạn, không thể khảo cứu được "Đương Châu" phủ Bắc Bình dưới đời Lê Thánh Tông. (ĐNNTC, 1997, IV:419)


III. ẢI LÊ HOA (MÔNG TỰ NGÀY NAY):


Tháng 10/1427, giữa khí thế đang lên của Lê Lợi, viện quân của Liễu Thăng và Mộc Thạnh kéo vào lãnh thổ Đại Việt, hy vọng cứu nguy Đông Đô. Trần Nguyên Hãn, Lê Sát và Lê Nhân Chú giữ ải Chi Lăng [ngăn chặn Liễu Thăng]; Phạm Văn Xảo và Lê Khả giữ ải Lê Hoa ở Mông Tự [ngăn chặn Mộc Thạnh]. (Thông sử, 1978:64-65, 191-192 [truyện Phạm Văn Xảo], 209 [truyện Trịnh Khả])

Ngày 8/10/1427 [18/9 Đinh Mùi], Liễu Thăng kéo quân qua ải Pha Lũy. Trần Lựu lui quân về Ải Lựu, rồi ải Chi Lăng. Hai ngày sau, 10/10, Trần Nguyên Hãn và Lê Sát phục binh giết chết Liễu Thăng tại núi Mã Yên (Chi Lăng). (Thông sử, 1978:66)

Ngày 15/10, viện binh Lê đến Chi Lăng. Giết thêm Lương Minh. Ngày 18/10, từ Chi Lăng, Thôi Tụ và Hoàng Phúc tiếp tục tiến binh. Nhưng Thái úy Trần Nguyên Hãn, Tư mã Lê Sát, Thiếu úy Lê Lý chiếm được thành Xương Giang. Tri phủ nhà Minh Lưu Tử Phu tử trận cùng Kim Dận, Lý Nhậm. Vòng vây quanh Đông đô xiết chặt hơn. Rồi ngày 3/11, Lê Vấn và Lê Khôi phá tan quân Minh ở Xương Giang. Bắt sống Thôi Tụ cùng Hoàng Phúc và hơn 3,000 quân. Giết chết 50,000 quân Minh.

Quân Mộc Thạnh được tin tan rã. Trịnh Khả chém chết hơn 10,000, bắt hơn 1000 tù binh "giặc Ngô," hơn 1000 ngựa ở Lãnh Câu, Đan Xá. Mộc Thạnh một mình thoát thân. (Thông Sử, 1978:67, 209 [truyện Trịnh Khả]; CM XIV, 1998, I:820)

[Theo Ngô Thì Sĩ, Lê Lợi mật chỉ cho các Tướng là Tổng binh Vân Nam Mộc Thạnh đã già, chỉ có ý cầm cự với quân Phạm Văn Xảo, chờ tin Liễu Thăng. Khi quân Lê đưa tù nhân và cờ xí tới nơi, quân Thạnh chưa đánh đã tan. Mộc Thạnh một mình thoát thân. Quân Lê bắt được vũ khí, xe cộ nhiều gấp 2 lần thành Xương Giang; ĐVSKTB, 1997:562)]

Từ Đông Quan, ngày 10/12/1427, Lê Lợi và Vương Thông định hòa ước. Ngày 29/12, quân Minh rút lui. (Thông sử, 1978:69; ĐVSKTB, 1997:563)

Tại Kim Lăng, tháng 12/1427, sau khi nghe tin Liễu Thăng tử trận và Vương Thông bị vây khốn, Chu Chiêm Cơ đồng ý bãi binh. [Trương Phụ không đồng ý; quan nội các Kiến Nghĩa và Hạ Nguyên Cát cũng vậy. Dương Vĩnh Kỳ và Dương Vinh muốn hòa. Theo họ, 20 năm chiến tranh đã quá dài. Chiêm Cơ đồng ý, sai La Nhữ Kính mang chiếu phong Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương. (Thông sử, 1978:70; ĐVSKTB, 1997:563)

Ngày 29/12, Vương Thông dẫn quân về nước. Mười phần khi đến chỉ còn lại hai. La Nhữ Kính tới Long Châu đã gặp Vương Thông. Thông sau bị tống giam, tước đoạt tài sản. (ĐVSKTB, 1997:564)

Tuy nhiên, sau đó ải Lê Hoa bị mất vào Trung Hoa. Trong lời chú, sử quan KĐVSTGCM cho rằng có tin quân Mộc Thạnh kéo tới châu Thủy Vĩ [ranh giới Tuyên Quang].


IV. LÊ-TRỊNH: "HƯNG HÓA"


A. Năm 1728 [đời Huỳnh Hoa, Thanh Thành Tông (1662-1735), niên hiệu Ung Chính thứ 6, quan Việt và Thanh đặt bia đá giới mốc "châu Vị Xuyên, Tuyên Quang" trên bờ sông Đỗ Chú, huyện Vĩnh Tuy. Năm 1831, Minh Mạng cho lệnh làm lại bia, khắc thêm văn bia nhà Thanh như sau: "Ngày 11/10/1728 Ngô Sĩ Côn, Tri phủ Khai Hoá và Vương Võ Đảng, Du kích trung dinh trấn Khai Hóa, bàn định biên giới với đại diện "Giao Chỉ" là Nguyễn Huy Nhuận [tả thị lang bộ Binh, và tế tửu Nguyễn Công Thái], đồng ý dựng bia biên giới ngày 22/10/1728, lấy sông Đỗ Chú làm căn cứ." (ĐNNTC, 1997, 4:353-354].

Tháng 2/1769, Tướng Trịnh là Đoàn Nguyễn Thục chiếm được động Mãnh Thiên (huyện Thanh Châu) của "giặc khâu mắt" Hoàng Công Chất (1751-1769). Chất đã chết. Con là Công Toản chạy thoát qua Vân Nam. 7 châu dưới quyền Công Toản [Tung Lãng (Mường La), Lễ Tuyên, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu] đều xin qui phụ nhà Thanh [nay là 6 trại thuộc huyện Kiến Thủy, phủ Lâm An, Vân Nam]. (LTHCLC, q.IV, "Hưng Hóa," Dư Địa Chí, 1992, I:142-143; CM 43:21-23, 28-29; 1998, II:684-686, 691-692 [đánh Lê Duy Mật].

[Theo Phạm Thận Duật, năm 1775, Nguyễn Thục qua đòi nhà Thanh 7 châu, không thành, nên nhà Lê cắt đặt lại làm 16 châu như cũ để dấu việc mất đất; Idem., "Hưng Hóa Kỷ Lược" [1856], bản dịch Ngô Thế Long; trong Nguyễn Văn Huyền, Phạm Thận Duật, cuộc đời và tác phẩm (Hà Nội: KHXH, 1989), tr. 114-115, 120-121. KĐVSTGCM không ghi việc này]

B. Năm 1780, nhà Thanh xâm lấn thêm 4 châu Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, và Lễ Tuyên thuộc phủ An Tây (Hưng Hóa, nay thuộc Lai Châu), sát nhập vào phủ Khai Hóa, Vân Nam. Cuối năm đó, Trịnh Sâm viết thư cho quan Thanh ở Vân Quí, họ chỉ im lặng. Sau Sâm bệnh, phải bỏ qua.

Quảng Lăng, Khiêm Châu thành lãnh thổ huyện Kiến Thủy, phủ Khai Hóa. (CM 45:23; 1998, II:754-755)

C. Tháng 6-7/1806, dân Thanh lấn chiếm một số động ở biên giới Hưng Hóa. Đây là cuộc tranh chấp lãnh thổ và dân cư từ đời Lê-Trịnh. Không những từ chối trả lại 6 châu thuộc phủ An Tây, quan địa phương Vân Nam còn lấn chiếm dân hai châu Chiêu Tấn và Lai Chính vào trại Mãnh. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành làm sớ xin Gia Long cho người bàn luận việc biên giới với Tổng đốc Vân Quí. Gia Long tuyên bố mới dựng nước, chưa tiện. Bởi thế 6 châu mất vào nhà Thanh. (ĐNTLCB, I, 3:286; ĐNNTC, 1997, IV:288-289. Châu Quảng Lăng hay Tung Lăng (Mương La) có mỏ vàng. Quan Thanh đưa dân Hồ Quảng tới, mở 3 phố.)

D. Năm 1831, nhà Thanh lại định xâm lấn một phần lãnh thổ Hưng Hóa. Mục luyện phủ Lâm An đưa 600 lính tới đòi chiếm đồn Phong Thu. Nói Phong Thu là lãnh thổ Thanh. Minh Mạng sai Hộ tào Đặng Văn Thiêm và thống quản Nguyễn Đình Phổ đem 1000 quân và 10 thớt voi lên đóng giữ trấn Hưng Hóa. Tới Hưng Hóa, trích giao trấn thủ Vũ Văn Tín 300 biền binh, trấn binh và thổ binh cùng 5 thớt voi tới Chiêu Tấn phòng ngự. Rồi viết thư cho chỉ huy người Thanh, khẳng định Phong Thu là đấtViệt.

Tháng 7/1831, trấn thủ Hưng Hóa Vũ Văn Tín và tham hiệp Ngô Huy Tuấn đi kinh lược Chiêu Tấn. Mục luyện Thanh tấn công Phong Thu. Thủ đồn Chử Đình Thông rút về động Bình Lư. Minh Mạng cho Đặng Văn Thiêm thêm 200 biền binh và 2 thớt voi để theo Vũ Văn Tín tới Phong Thu. Đến nơi, quân Thanh đã triệt thoái vì bệnh tật, bỏ lại súng, cờ. Giao cho Chánh xuất đội Bùi Văn Lương giữ đồn với 100 lính. Sau đó viết thư cho nhà Thanh. Nhà Thanh muốn giảng hòa, hẹn ngày bàn thảo. (ĐNTLCB, II, 10:284-285)

Tháng 9/1831, sau khi bắt được Điêu Doãn An–một thổ tù đã xúi bẩy quan Thanh chiếm Phong Thu–Vũ Văn Tín rút về Hưng Hóa. Dọc đường, Tín ốm chết. Ngô Huy Tuấn bị bệnh. Hơn 300 biền binh cũng bị bệnh, ốm chết dọc đường. Dẫn bọn Điêu Doãn An, Điêu Doãn Kiên và Điêu Doãn Võ về kinh. Dùng Điêu Quốc Long, con Quốc Thuyên, quản trị 2 động Phong Thu và Bình Lự. Nhưng muốn giữ tình hữu nghị với nhà Thanh, bỏ qua việc 6 châu mất từ đời Lê-Trịnh. (ĐNTL, CB, II, 10:325-327. Theo Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ, họ "Điêu" chính xác hơn "Đèo.")

Tháng 11/1831, Minh Mạng bỏ tổ chức Bắc thành và 11 trấn. Đặt tỉnh hạt từ Quảng Trị trở ra. Hiệu lực từ ngày 2/2/1832. (ĐNTL, CB, II, 10:355-73, 394) Tỉnh Hưng Hóa mới gồm 3 phủ [Qui Hóa, Gia Hưng, An Tây], 5 huyện, 16 châu. [Phủ Gia Hưng là huyện Tam Nông, phủ Sơn Tây cũ]

Tháng 6-7/1841, Thiệu Trị lập phủ Điện Biên, kiêm lý châu Ninh Biên, lấy Lai Châu và Tuần Giáo làm thống hạt. (ĐNTL, CB, III, 23:263-265) Tháng 7-8/1852, Tự Đức cắt thêm châu Quỳnh Nhai và châu Luân vào phủ Điện Biên. Phủ An Tây chỉ còn 1 châu Chiêu Tấn [Mường So hay Mường Thu]. (Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (q. 24; bản dịch Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh, Viện Sử Học, 5 tập, (NXB Thuận Hóa, 1997), tr. 285-291 [265-332])

Tháng 7-8/1852, ranh giới Tuyên Quang cũng định lại. Địa phận xã Bình Di/làng Đông An (Khai Hoá). Tuần phủ Khai Hóa bí mật sai người tràn sang lập nhà cửa, đuổi dân cư chạy đi. Phó Kinh lược sứ Ngụy Khắc Tuần mang quân tới người Thanh mới rút. (ĐNTL, CB, IV, 27:349-350)

Tuyên Quang: 1 phủ [Yên Bình], 1 huyện [Hàm Yên], 5 châu [Vị Xuyên, Thu Châu, Đại Man, Lục Yên, Bảo Lạc].


 

Từ năm 1848, thổ phỉ và hải tặc Thanh bắt đầu lộng hành ở miền thượng du. Tình hình nghiêm trọng đến độ sau này Tự Đức sẽ phải mời quân Thanh vào tiếp tay diệt phỉ. Đồng thời "nuôi vỗ" những nhóm thổ phỉ mạnh, "dĩ phỉ trị phỉ." Giặc Cờ Đen, Cờ Vàng, chẳng hạn, được giao quyền cai trị và thu thuế ở các tỉnh Hưng Hóa, Tuyên Quang.


V. TỰ ĐỨC XIN NỘI PHỤ NHÀ THANH (1882-1883)


Đáng ghi nhận là "Hán Văn Đế" ở Thuận Hóa, vào lúc cuối đời còn xin phụ thuộc vào nhà Thanh! (ĐNTLCB, IV, 35:89-91; Sogny, 1943:124-125)

Ngày 11/2/1882, Đường Đình Canh tới Huế, cùng Mã Phục Bôn [Bân]. Tự Đức không tiếp, sợ Pháp nghi kị. Cho Nguyễn Văn Tường và Trần Thúc Nhẫn tiếp. Canh mật báo với Tường kế hoạch đánh Bắc Kỳ của Pháp, dưới chiêu bài đuổi Lưu Vĩnh Phúc, mà Tăng Kỷ Trạch đã trình về Yên Kinh.

Tự Đức sai Tường yêu cầu nhà Thanh can thiệp. Đề nghị làm thuộc quốc của nhà Thanh, đặt đại diện ở Yên Kinh và Quảng Đông. Xin nhờ tàu Thanh đưa người Việt đi các nước Anh, Nga, Phổ, Pháp, Mỹ, Áo, Nhật Bản xem xét và học.

[Theo tài liệu Trung Hoa: (1) Cho Đại Nam cử một đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Yên Kinh, và gửi một số quan chức qua tập sự ở Tổng lý nha môn; (2) cho Đại Nam cử nhân viên qua Bri-tên và Pháp, làm việc tại sứ quán Trung Hoa, để khẳng định quan hệ truyền thống giữa hai nước; (3) Cho Lưu Vĩnh Phúc tới Quảng Châu để tiếp tế súng đạn, quân nhu. Tháng 3/1882, Đình Canh viết báo cáo gửi Lý Hồng Chương, nhưng Tổng lí nha môn không trả lời; Thọ, 1995:268)].

Tự Đức cũng viết thư cho Lý Hồng Chương, Trương Thụ Thanh. (ĐNTLCB, IV, 35:89-91) Vua Thanh trả lời: "Khả, sỉ bắc phong tái biên" [Nous prendrons des mesures dès l’arrivée du vent du nord."] Ngày 24/11/1882, Rheinart đã có được bản sao thư trả lời của vua Thanh. (Sogny, 1943:124-125)


VI. VỀ LẠNG SƠN-NAM QUAN:


Lạng Sơn là tỉnh biên giới Đông Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, phía Bắc giáp Trấn Nam Quan, thuộc châu Bằng Tường, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây; phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Yên và địa giới Trung Hoa.

Phủ lị thành Lạng Sơn cách châu lị Tư Minh (nay là Ninh Minh) 10 dặm về phía Tây Nam. (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí (q. 24); bản dịch Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh, Viện Sử Học, 5 tập, (NXB Thuận Hóa, 1997), IV:365-400).

Địa danh Trấn Nam Quan–mà nhiều người dưới thời Pháp thuộc gọi là "Ải Nam Quan"–xuất hiện lần đầu tiên trong đoạn sử nói về việc họ Mạc cắt đất cho nhà Minh dẫn trên. (ĐNNTC, 1997, IV:384-386) Trước đó, thời nhà Trần (1226-1400), chỉ ghi việc Trần Thái Tông đưa quân qua Bằng Tường để khai thông liên lạc với nhà Nam Tống. Đầu đời nhà Hồ, hai lần nhắc đến "Ải Pha Lũy" (1406 và 1427). Đây là cửa ải chính thức cho các sứ đoàn, chỉ có một cánh cổng bằng gỗ, có khóa. Tường bằng gạch, dài 119 trượng, xây dựa theo triền núi. Khoảng gần chính giữa, có cửa quan với biển "Trấn Nam Quan," dựng từ năm 1728 (Ung Chính thứ 6). Bên trên cửa, có một trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung Ngoại Nhất Gia," dựng từ năm 1781 đời Càn Long (1736-1796). Phía Bắc có Chiêu Đức Đài. Đằng sau đài này có Đình tham đường (nhà dừng ngựa của nước Thanh). Phía Nam, trên lãnh thổ Việt chỉ có "Ngưỡng Đức Đài." Hai bên tả hữu đài này có hành lang, mỗi khi sứ bộ tới nơi, dùng làm chỗ tạm nghỉ.

Những dịch vụ khác–như giao giải tù nhân–dùng "Ải Du Thôn," cách tỉnh Lạng Sơn 30 dặm về phía Bắc, nằm về phía hữu của Trấn Nam Quan. Đi đường núi mất khoảng 2 canh giờ rưỡi [5 tiếng đồng hồ tới Trấn Nam Quan].

Bản đồ quân sự Pháp năm 1887 (tỉ lệ 1/100000), ghi từ Lạng Sơn đến Đồng Đăng đường bộ là 13 cây số. Từ Đồng Đăng tới Trấn Nam Quan, tức Porte de Chine (trong lãnh thổ Bằng Tường, Quảng Tây), là 2,8 cây số. (In lại trong Nguyên Vũ, Ngàn Năm Soi Mặt (Houston, TX: Văn Hóa, 2002), tr. 308).

"Porte de Chine" bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai, khi quân Nhật tấn công Đồng Đăng. Ngày nay, gọi là Mục Nam Quan hay Hữu Nghị Quan. Năm 2005, không còn Ngưỡng Đức Đài của Việt Nam nữa. Tại cây số "0 km"chỉ có một gờ sắt nổi trên mặt đường. Hai bên lằn ranh này đều có trạm kiểm soát người qua lại.

Sách sử Việt còn ít nhất 4 chứng từ về Trấn Nam Quan.

1. Đoạn nói về Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh, và cắt 5 động trấn Lạng Sơn để "đổi hòa bình." (supra)

Vì không tìm được dấu vết ngày xây dựng Trấn Nam Quan trong cả tài liệu Hoa và Việt, sử quan nhà Lê và Nguyễn chú thích rằng "Cửa quan Nam Giao" hay Trấn Nam Quan chỉ được ghi vào sử từ đời Mạc Đăng Dung [1540]. (ĐNNTC, 1997, IV:384-386)

[Một thông tin ghi lập nên trong niên hiệu Gia Tĩnh (1522-1566) của Hậu Tổng; ĐNNTC, 1997, 4:387. Tuy nhiên, chỉ là phỏng đoán].

2. Những đoạn nói về việc Trịnh Tùng xin cầu phong cho Lê Thế Tông từ 1595 tới 1599; và quyết định của nhà Minh bắt Trịnh Tùng phải nhường cho con cháu họ Mạc giữ 4 châu Đông Bắc Thái Nguyên–sau này đổi tên làm Cao Bình (1677), và rồi Cao Bằng (từ đời Tây Sơn, 1789).

1595: Tuần phủ Đái Diệu của nhà Minh tới biên giới Long Châu, gọi bọn Kính Dụng tới tra hỏi. Cho Kính Dụng, Trang vương Kính Chương, Kính Cung ở Hải Đông để lo việc tế tự họ Mạc.

a. Ngày 26/2/1596, sứ Trịnh là Đỗ Uông và Nguyễn Văn Giai tới Trấn Nam Quan gặp Trần Đôn Lâm. Trịnh Tùng còn sai tộc mục [tôn thất] Lê Nganh và Lê Hưu (anh Thế Tông) cùng Công bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan mang 2 tờ kiểu ấn đóng mực của ấn An Nam Đô Thống Sứ Ti và ấn An Nam Quốc Vương, cùng 100 cân vàng, 1000 lạng bạc, vài mươi kỳ lão, tới Trấn Nam Quan. Ít năm qua, con cháu nhà Mạc khiếu nại là họ Trịnh mạo xưng dòng giõi họ Lê. (ĐVSK,BKTB, 1967:209)

Ngày 28/2/1596, Trần Đôn Lâm gửi điệp thư yêu cầu Lê Thế Tông (1573-1599) tới Trấn Nam Quan hội khám. Ngày 3/3 Thế Tông tới Trấn Nam Quan. Nhưng đại diện Minh không đến, đòi các vật sự tích về người vàng, ấn vàng. Tháng 4/1596, Thế Tông phải trở lại Hà Nội. (ĐVSK,BKTB, 1967:210)

b. Ngày 13/5/1597, Lê Thế Tông tới Trấn Nam Quan. Ngày 26/5, Thế Tông cùng Trần Đôn Lâm vượt qua Trấn Nam Quan, để họp với quan tướng nhà Minh trên đất Bằng Tường, Quảng Tây, hội khám. Bàn định xong việc giao hảo. (Thông sử, 1978:372; ĐVSK,BKTB, 1967:214-215; CM, 30:19; 1998, II:214-215)

Tổng đốc Trần Đại Khoa tâu nên chuẩn y. "Nghĩ chúng là dòng giõi cống thần, thì nên gia ơn bảo toàn cho nó. Nên cắt một nơi ở phủ trị Cao Bằng [?]cấp cho Mạc Kính Dung để an trí y ở đó." (Thông sử, 1978:372-373). Tuần phủ Đái Diệu cũng tâu tương tự. Vì cấp dưới đã nhận hối lộ của con cháu họ Mạc, Lý Trinh, thị lang bộ Binh hoặc bộ Công, trình thuận. Dực Quân (Thần Tông, 1573-1619) đồng ý. Ngày 4/6/1597 Thế Tông về đến Hà Nội.

Ngày 9/6/1597, công bộ thượng thư Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Nhân Thiêm mang cống vật qua Yên Kinh. Ngày 2/1/1599, Khắc Khoan rời Yên Kinh về nước, mang theo sắc phong của Chu Dực Quân, cho Lê Thế Tông chức An Nam Đô thống sứ ti Đô thống sứ. (Thông sử, 1978:375; ĐVSK,BKTB, 1967:214-215, 224, 225; CM, 30:19, 26; 1998, II:214-215, 221)

Thổ quan Quảng Tây nhận hối lộ, xin cho Mạc Kính Cung giữ 4 châu thuộc trấn Thái Nguyên. Phùng Khắc Khoan khuyên Chúa Trịnh "phải thờ nước lớn." (ĐVSK,BKTB, 1967:225; CM, 30:27, 1998, II:221- 222; Thông sử, 1978:375; ĐNNTC, 1997, 4:402)]

3. Khi đi sứ Trung Hoa năm 1760, Bảng nhãn Lê Quí Đôn chép được hai bản văn bia của Trung Hoa về vấn đề quan ải.

a. Bia thứ nhất do Tuần phủ Quảng Tây Lý Công Phất dựng khoảng năm 1725, sau khi tu bổ lại Trấn Nam Quan từ tháng 3/1925 [Tháng Hai 15/3-12/4/1725] tới cuối năm mới xong.

(Lý Công Phất, "Trùng tu Trấn Nam Quan ký;" (1725), Lê Quí Đôn, Vân Đài Luận Ngữ, bản dịch Phạm Vũ, Lê Hiền (Sài Gòn: 1972), tr. 160-162. ĐNNTC ghi là Cam Nhữ Lai (1997, 4:384-385)

b. Bia thứ hai, "Tuần duyệt An Nam biên ải ký" của Án sát Quảng Tây Hoàng Nhạc Mục. Theo Nhạc Mục, ngày 13/3/1746 Mục đến Điền Châu, cách Bách Sắc chừng 100 dặm. Ngày 22/3/1746 [1/3 Bính Dần nhà Thanh], đi từ phủ Thái Bình tới quận Bằng Tường. Từ Bằng Tường tới Trấn Nam Quan mất 4 ngày. Khu vực Lạng Sơn-Cao Bằng này vừa cũ, vừa mới có 116 cửa quan dài theo biên giới, quân biên phòng 1935 tên, quân thổ dân 1170 người. (VĐLN, 1972:165) Ở Thủy Khẩu quan, có một con sông nước trong, rộng hơn 10 trượng từ Cao Bằng chảy tới. (VĐLN, 1972:164)

Ngày 3/5/1746 [14/4 Bính Dần], về lại Liễu Châu. Ngày 19/5, về tới tỉnh Quảng Tây. Ngày 27/6 [9/5 nhuận Bính Dần], trở lại Liễu Châu vẽ bản đồ và khắc bia đá. (VĐLN, 1972:165) [Lịch Thanh ghi tháng 3 nhuận. Lịch Lê-Trịnh ghi tháng 12 Ất Sửu nhuận].

4. Hai đoạn sử nói về cuộc xâm lược của Tôn Sĩ Nghị:

a. Tháng 10-11/1788, Tôn Sĩ Nghị đưa quân thuộc bốn tỉnh Hoa Nam, chia làm 2 cánh tiến vào đất Bắc xâm phạm Đại Việt.. Cánh quân phía Đông, chia làm 3 mũi: Mũi chủ lực do Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh ra cửa Trấn Nam Quan, tiến vào Lạng Sơn, xuống Kinh Bắc, rồi Thăng Long; Mũi thứ hai do Sầm Nghi Đống, tri chi phủ Điền Châu tiến vào Cao Bằng, đến Thái Nguyên; Mũi thứ ba, tiến từ Khâm Châu vào Quảng Ninh, Hải Dương. Cánh quân phía Tây, dưới quyền Đề đốc Ô Đại Kình, từ Mông Tự tiến vào Tuyên Quang, Việt Trì trên bờ sông Thao. (ĐNTLCB, I, 2:80; CM CB 47:33-35; 1998, II:838-840)

b. Tháng 1-2/1789, Lê Duy Kỳ theo Tôn Sĩ Nghị chạy tới Trấn Nam Quan. Duy Kỳ muốn ở lại kháng chiến, nhưng Sĩ Nghị thuyết phục vua qua thành Quế Lâm, sẽ có quân tăng viện. Duy Kỳ chạy qua TH cùng 25 người khác. (CM, CB 47:43; 1998, II:848)

Càn Long sai Phúc Khang An làm Tổng đốc Lưỡng Quảng; định đưa quân qua phục thù. Huệ sai sứ cầu hòa. Tháng 2-3/1789, Ngô Thì Nhiệm bí mật qua gặp Khang An. Khang An đồng ý xin ngưng việc binh. Tháng 4-5/1789, Khang An tới Quế Lâm. Tuyên bố trời nóng nực phải tạm ngưng việc binh. Yêu cầu Duy Kỳ gióc tóc theo nhà Thanh để chuẩn bị về đánh Tây Sơn. Sau đó, Khang An mật tâu Duy Kỳ đã xin nhập nhà Thanh, tiếp sứ Tây Sơn. (CM, CB 47:43-44; 1998, II:849-850)


Houston, 18/2-14/4//2009

Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu

2009, Copyright by Chieu N. Vu, All Rights Reserved

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 89863)
Hai người lớn lên cạnh nhà nhau, tại rìa thành phố, nơi tiếp giáp cánh đồng, khu rừng và vườn cây trái, trong tầm nhìn cái tháp chuông xinh xắn của ngôi trường cho người mù.
02 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 90150)
Khái Hưng gốc làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương–nơi chính quyền Bảo hộ Pháp từng dùng bom đạn san bằng sau cuộc khởi nghĩa mùa Xuân năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ]. Thân phụ là Trần Mỹ, Tuần phủ Phú Thọ [Thái Bình?].
01 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 111454)
có một thời đạn bom bay qua tình trai trẻ có những hẹn hò hình như đã phôi pha có một xấp phong bì nào vàng úa trong tay ta và có lẻ tình yêu là một điều rất thật
29 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 80742)
Mọi Rợ văn hóa [cultural barbarism]. Thoạt nghe có vẻ lạ tai, nhưng suy nghĩ kỹ, mới thấy thấm thía. Đọc cổ thư Trung Hoa, thường thấy những người tự xưng là “người Hoa hạ” rất tự hào về tập tục đội mũ, mặc áo, dinh thự nguy nga, ăn uống tiếp khách ngồi bàn, ngồi ghế, có chữ viết, sách vở.
22 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 116074)
Buổi sáng Hilton café nguội em đã ủ nó trong đôi tay em đã gắng giữ nó khỏi nguội bằng những giọt nước mắt nóng...
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 122124)
Nhà văn Nhật Tiến, trong phần phát biểu cảm tưởng tại đám giỗ anh ở phòng sinh hoạt Người Việt, đã kể lại một chuyện cảm động, đó là niềm xúc động đẫm nước mắt khi cầm tờ báo Người Việt trên tay ở trong trại tị nạn vào năm 1979 sau khi ông và những thuyền nhân đồng hành còn sống sót, trong đó có cả cặp ký giả tên tuổi Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, sau một thời gian bị hải tặc bắt, giam cầm và hành hạ trên đảo Ko Kra trong Vịnh Thái Lan suốt cả tháng trời.
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 122755)
Chàng hôn tôi. Bỗng tôi cảm thấy đau nhói lên ở phía sau lưng vì chiếc móc soutien bị cấn vào vách ván. Tôi dướn người về phía trước làm như đáp trả lại nụ hôn vội vàng của Vị nhưng thật ra là để tránh cho phiến lưng bị chàng ép mãi vào vách. ...Chúng tôi vẫn im lặng hôn nhau. Tôi nhắm khít mắt khi Vị yêu tôi. Nắng rực rỡ đổ xuống, vách ván nóng cùng với hơi thở hâm hấp nóng của Vị không ngớt phả vào cổ vào mặt. Tôi cắn chặt răng để ngăn một tiếng khóc tội nghiệp. Quả thật chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng chúng tôi lại có lúc trở nên khốn đốn như lúc này.
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 114518)
Tôi chạy tìm tôi, ngày đã cạn Thắp đèn phủ dụ đám phù du Năm tháng lại trôi , chân lại bước Tôi còn nương tựa bóng thiên thu
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 97136)
Saburo Sakai đã trở thành một huyền thoại “sống” ở Nhật Bản trong suốt thời đệ nhị thế chiến. Khắp nơi, các phi công Nhật Bản đã nói đến những chiến công không thể tưởng tượng được của Sakai với tất cả sự nể phục.
09 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 95423)
LTS:Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư và trải qua tuổi thơ ở Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Tường Vy vượt biên đến Phi Luật Tân năm 14 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân Sinh Hóa ở San José, Nguyễn Xuân Tường Vy thuộc lớp người viết mới, vừa xuất hiện, của Văn học Di dân Việt Nam. Tạp Chí Hợp Lưu