- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VÁN THẾ

22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 32885)

vanthe_0-content

Nàng là ảo ảnh

Là ánh trăng

Tôi nói với bà: mẹ, nếu con và chồng con không sống nổi với nhau, con sẽ về ở với mẹ đẻ. Mẹ chồng tôi thất sắc: con ơi, con đã phải khó khăn nhọc nhằn, cố nhẫn nại lên con. Tôi cười. Nụ cười chứa những tia lạnh lẽo như kiếm.

Mưa xuống rất mạnh. Những hạt nước rơi ào ạt từ trên trời như muốn uy hiếp lòng người, đẩy những con người bé nhỏ rúm ró trong những cái ổ của họ. Mẹ chồng tôi xếp nốt những khuôn than dính mưa vào gầm bếp rồi quay ra nhìn tôi chăm chú.

Tôi đang ném cái khố dính đầy máu đỏ ra ngoài trời mưa. Dòng nước tràn trề đẩy cái khố trôi trôi đi như tiếc nuối. Máu loang đỏ như vết thương bị xé toạc. Tôi cố tình cho bà nhìn thấy máu của mình. Để ngực bà co thắt lại từng cơn. Để bà cũng phải đau như tôi.

Tôi bảo: mẹ, con vẫn chưa ổn. Trong người con vô vàn kim chích.

Tôi nói, thái độ thật lòng. Nhưng tôi khó yêu bà. Khoảng cách giữa tôi và bà mảnh một đường và sâu thẳm. Tiếng sông âm thầm chảy phía sau nhà. Tôi cười nhạt nhìn dòng nước mưa tìm về sông.

Bà bảo: mẹ hiểu rồi. Nếu con thương con trai mẹ, con ơi, con phải làm gì đi chứ?

Tôi chạy băng qua đường phố nghẹt xe cộ và mùi mưa mới dứt.

Nắng dịu dàng lan tỏa, những cánh lan long lanh nhô ra sau những búp xanh vừa được tưới đẫm nước trời.

Chồng tôi đang ngồi đánh cờ trong cái quán nhỏ tồi tàn. Bên cạnh là một dòng mương tối om, hôi sình. Anh mặc áo trắng sơ-vin quần âu màu ghi xám. Từ xa tôi đã nhìn thấy đuôi con mắt như loài báo lúc si tình, mơn man, ấm áp và đầy bí hiểm của loài mãnh thú.

Tôi bảo: em đã mua cho anh ly cà phê này trong cái quán mọi khi chúng mình hay ngồi. Cà phê thật là thơm và đậm.

Anh nhấp ngụm cà phê, không nhìn thấy tôi. Anh và gã đàn ông đường phố, đối diện nhau, da diết với bàn cờ đang chờ phá thế.

Bàn tay chồng tôi quờ quờ vào túi áo ngực.

Tôi lấy bao thuốc trong túi ra, bảo: Đây. Loại thuốc này chắc anh thích. Còn đậm hơn cái thằng ba số.

Chồng tôi vớ cái quẹt, quẹt một cái. Ngọn lửa nhỏ xíu bùng lên. Lòng tôi ấm áp. Tôi ngắm người đàn ông của tôi cầm điếu thuốc. Mỗi khi anh cầm điếu thuốc đưa lên môi, tôi lại thấy trong lòng không còn muôn ngàn mũi kim chích nhói.

Tôi chờ anh rất lâu. Chân tôi mỏi nhừ tê cứng. Rồi không còn cảm giác. Tôi đứng lên đi đi lại lại. Phố đã xuống chiều. Những ánh đèn bật lên rạo rực. Tiếng quân cờ đập vào mặt bàn gỗ lách cách. Mùi mương hắt lên như có lớp lớp loài cá chết đang sắp hàng cùng nhau chiến đấu vì sự bình yên của bùn.

Xong tôi lại bảo: bánh mì này rất ngon, có trứng kẹp, còn có cả dưa chuột xắt mỏng.

Tôi đợi mãi, vẫn không thấy anh nói gì. Lòng tôi buồn hiu hắt.

Tôi kiên nhẫn: mẹ bảo em hãy thương anh.

Bỗng nhiên chồng tôi gắt: cô có im đi không? Như đồ dở người!

Ván cờ nghiêng phần thắng vào tay cao cờ ngồi đối diện. Tiếng loạch xoạch xóa ván, bày lại thế.

Mặt chồng tôi tím lại.

Gần nhà chồng tôi có một chùa nhỏ. Nói gần nhưng cũng phải đi sang bên kia sông. Chùa cổ đã sạt hết một bên mái ngói móc. Sư thầy nói với tôi, chùa này năm xưa vua Phật khi xuống núi vẫn thường lấy làm nơi đàm đạo và ăn cháo chay trường.

Tôi nói với sư thầy: sau này con có thể sang đây trồng rau với thầy?

Sư thầy mỉm nụ cười không vướng bận: A di đà! Cõi nhân gian đẹp hơn con người nhìn thấy.

Tôi đứng bên này sông nhìn sang bên kia. Bên kia là cõi mơ hay thực? Bên kia hàng ngày tôi vẫn đứng nhìn sang bên này. Bên này là cõi mơ hay thực? Nước sông lạnh như kiếm. Nồng nàn hơn kiếm.

Tay cao cờ khi mới xuất hiện trên đấu trường là đã có biệt danh. Nhờ có ưu thế hoạt bát và “nội công” thâm hậu mà gã được làng cờ gọi luôn không chút ngại ngần là “giang hồ hiểm ác” ở các bàn cờ độ. Đôi lần gã gặp chồng tôi đang ngồi mách nước.

Gã rủ: chấp một ngựa, không thì thôi.

Hai người ngồi qua đêm, qua thêm ngày hôm sau, qua tiếp đêm nữa, tiếp ngày hôm sau nữa.

Khi đứng dậy, chồng tôi như con quạ rũ cánh, tóc bồng bềnh rối bời, môi thâm xì vì tải hết hai chục tách cà phê đen đá, cả chục bao Thăng Long, loại thuốc rẻ tiền đi thẳng trực diện nicotin vào dạ dày. Thêm vài cái bánh mì do tôi đồng lõa tiếp tế.

Gã cao cờ nhìn vợ của đối thủ: tôi chưa thấy ai như cô.

Tôi căm ghét nhìn gã.

Gã giọng buồn như dòng mương hôi hám vô duyên vô định chảy ngoài kia: tôi chưa thấy ai như cô.

Tôi đi ngang qua cửa hiệu thời trang. Tôi thấy trong những tấm gương lấp lóa là người đàn bà xa lạ.

Người ấy không phải tôi. Cô ta nom rạng rỡ và bí ẩn. Cô ấy bước những bước trên hè phố khiến những người chạy xe qua phải ngoái lại nhìn.

Tôi, xấu xí và cô quạnh. Tôi tất bật cả ngày, đầu tóc rối bù, hai cẳng chân mỏi nhừ vì công việc. Tôi nhạt thếch, sau công việc thì chỉ biết hàng ngày chạy đi mua nào cà phê, thuốc lá, nào bánh mì kẹp thịt, nào những cái kẹo vô duyên không rõ nhãn mác. Tất cả cho những ván thế.

Còn cô ta. Gương mặt sao băng. Ai nấy ngưỡng mộ. Cô ta là người đàn bà của những giấc mơ. Rõ ràng cô ta đang phấn khích. Gã đàn ông xa lạ buồn buồn với những ngữ âm xa lạ: tôi - chưa - thấy - ai - như - cô.

Chồng tôi ngật ngưỡng về. Anh trút bộ quần áo vào máy giặt. Lấy nước trong tủ lạnh ra tu ừng ực.

Mẹ chồng tôi thở dài: hai ngày rồi con không về. Cái lưng con ngồi như thế rồi thì không khéo sẽ bị bệnh.

Tôi mở hộp thư điện tử của anh, thông báo cho anh những cái thư cần trả lời. Đây, họ hỏi anh có đồng ý ký hợp đồng xuất khẩu ớt bột không? Câu trả lời từ phía giường ngủ là không, ai đi thu mua được. Rồi nhỡ chuyển hàng không kịp, chúng nó phạt hợp đồng thì có mà vỡ nợ. Không chơi. Đây, có người nhắn bên Hàn đang cần hai lao động, giấy mời đã chuẩn bị, chỉ cần bên này mình chọn được người đủ tiêu chuẩn, giá cả như mọi khi. Trả lời: như mọi khi sao được, giá tăng chóng mặt thế này. Đây nữa, ông Thanh bảo ngày kia có đoàn sang, mình phải đi đón, trong đoàn ấy ông Thanh có nhờ một chị ôm con của một người lao động lưu vong về, gia đình họ sẽ đến đợi ở cửa đón khách, anh chỉ cần đến trước và thu một ngàn đô. Tiếng gắt: sao lại ngàn đô, viết thư bảo làm lại giá ngàn rưởi, không thì thôi cứ để bên đấy mà nuôi.

Rồi tiếng ngáy chập chờn. Hơi thở không đều phả khắp căn nhà…

Tôi tần ngần bên luống rau của sư thầy. Rồi hỏi: thầy ơi, tại sao thầy không ở ngoài đời?

Sư thầy nhìn tôi, chắc lúc này ông chỉ nhìn thấy vẻ nhạt thếch của tôi mà thôi, rồi cười: Đây cũng là ở ngoài đời.

Tôi giãi bày: vậy mà tại sao con cứ chuẩn bị cho mình một cuộc hành trình dài để có thể sau này vào đây trồng rau với thầy? Tại sao con lại cứ nhọc nhằn để hình dung sau này khi con đứng bên này sông nhìn sang bên kia? Bên ấy là căn nhà con từng ở. Bên ấy có người đàn ông từng ôm con vào lòng. Khi ấy có thể chồng con phải có một người khác để quên con? Và con thì không sao quên được một câu của một gã đàn ông đã nói với con, có thể anh ta khi nói chỉ là vô tình: tôi - chưa - thấy - ai - như - cô.

Sư thầy im lặng lần tràng hạt. Tiếng lách cách lần tràng âm âm.

Lát sau sư thầy ngẩng lên nhìn tôi: Cô là ảo ảnh. Là ánh trăng.

Mẹ chồng tôi bị bệnh nặng. Bà nằm như chiếc lá mỗi ngày mỗi khô đi một ít. Tôi không nhớ mình là ai nữa. Ngày ngày chăm bà như chăm đứa trẻ sơ sinh. Bà ngoan ngoãn cầu cứu tôi mọi thứ.

Một hôm bà bảo: nếu mẹ không còn trên cõi đời này, con cũng đừng về với mẹ đẻ của con, con nhé.

Tôi gật đầu. Lòng không còn nhớ tôi đã không yêu bà, vẫn không yêu bà. Mỗi ngày, bà thâm nhập vào từng mao mạch trái tim tôi như nước như hơi thở. Bà quen thuộc với tôi, dịu dàng với tôi, tốt với tôi cứ như bà phải gắng gượng làm như vậy. Cứ như bà đã phải gắng gượng suốt cả đời với chồng và con trai. Ngay cả khi ông đã ngồi trên cao nhìn xuống.

Chồng tôi vẫn ngày ngày ra quán hội cờ. Bên ấy, anh ngồi đối diện với gã cao cờ, tính nước đi. Anh vô tư và thỏa mãn. Không bao giờ thấu được ván thế.

Tai tôi luôn âm âm những lời ma mị của gã đàn ông đang lâm thế trận với chồng tôi. Lòng tôi vang lên niềm vui gian trá. Sự gian trá này nảy mầm từ sự thản nhiên tận hưởng cuộc sống của chồng tôi. Tôi không ân hận. Tôi tự cho mình quyền hạn vô biên để có thể bất cứ lúc nào cũng có thể xoẹt một đường kiếm vào cuộc sống bình lặng hàng ngày của chính mình.

Mẹ chồng tôi luôn thở dài và cứ nhắc đi nhắc lại: cho dù thế nào, mẹ cũng đã ở ngôi nhà này cả đời, không bỏ về bên nhà mẹ đẻ. Con cũng phải như vậy nhé, con dâu.

Tôi muốn hét lên với bà. Mẹ yên tâm đi, con đã chuẩn bị hết rồi. Con hứa sẽ không về với mẹ đẻ của con. Nhưng nếu con cứ ở đây, chồng con sẽ là người đàn ông bất hạnh nhất. Mẹ có nhìn thấy ngôi chùa bên kia sông không? Nơi ấy, con sẽ trồng rau. Nơi ấy con sẽ luôn nhìn thấy con trai mẹ bên này.

Chồng tôi có phần điều độ hơn trước. Ngày nào cũng chỉ đúng giờ đi, lại đúng giờ về. Lại chăm sóc tôi hơn tôi chăm sóc anh.

Lâu lắm tôi không mua cà phê, thuốc lá hay bánh mì cho chồng. Tôi mặc kệ anh với những tận hưởng không lối thoát.

Một ngày, mẹ chồng tôi không chờ được anh về. Bà bay đi, như ngọn gió. Để lại thân xác nhỏ xíu như đứa trẻ. Khi bà chuẩn bị bay đi thì níu lấy tay tôi không rời. Tôi phải gỡ từng ngón tay bà, và đặt vào đó những đồng tiền lẻ.

Tôi nấc lên. Mẹ ơi, con yêu mẹ.

Tình yêu của tôi bay theo bà. Cô đơn và lạnh…

 

VÕ THỊ XUÂN HÀ


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 99173)
LTS: "Nhà Có Cửa Khoá Trái" là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Trần Thị Ngh. trước 1975 của nền văn học Miền Nam. Sau mấy thập niên, đọc lại, truyện vẫn rất mới, gần gũi như khí hậu của Việt Nam. Hợp Lưu trân trọng mời quí độc giả và văn hữu vào thăm "Nhà Có Cửa Khoá Trái" của Trần Thi Ngh.
26 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 113571)
Và thuở ấy chuyện lũ gà cổ tích Trò ú tim thú vị đến không ngờ Ai có biết về sau viên ngói vỡ Mây lỡ thì vẫn sấp ngửa trong thơ.
22 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89672)
...Câu nói đó là một định mệnh. Tôi gọi định mệnh là hệ quả của một chuỗi liên tục những điều bất ngờ nhỏ dẫn đến một thay đổi đột ngột thật lớn. Chuỗi liên tục bắt đầu từ việc nhóm Hợp Lưu chọn chủ đề Yêu, bắt sang việc họ rủ rê tôi khá muộn màng, kéo theo việc tôi nhận lời tham dự trong khi tôi có toàn quyền từ chối. Chuỗi liên tục lại tiếp nối với chuyện tôi và anh cùng có mặt ở Coffee Factory sáng nay, rồi tình cờ anh ngồi cạnh tôi...
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 108704)
sau những đụn cát những làng mạc sát biển gió muối đang đánh phới trắng biển rộng rãi xanh muối chát đậm và những lượn sóng thăm thẳm kỳ cùng đang sắp bay lên trên đầu những chiếc mái lá, những căn nhà rông, những vạch chữ đã vạch bằng que ổi những hạt cát cắt rát
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 108685)
những đợt sóng xô đẩy khi gần tới bờ liền nắm tay nhau không có giá trị nào theo phép đo lường biển choàng ôm một thực thể trinh nguyên thể hiện tình yêu tuyệt đối với đất không cần phải xác tín về điều thiêng liêng và huyền thoại
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83114)
“Giấc” là tập thơ đầu tay của tác giả Lữ thị Mai. Nó - tập thơ đã nhắc với tôi rằng: Cuộc sống quanh chúng ta được bao bọc bởi hình ảnh. Chúng ta cần nó như cần ánh sáng để nhìn, không khí để thở. Hình ảnh chính là sự sống phản ánh vào trong con mắt ta, đó là một nguồn thông tin quý báu và cần thiết trong cuộc sống.
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92678)
Thử hình dung một con tàu đang rẽ sóng…Du khách tụ họp trên boong ngắm biển ngắm trời, thay phiên chụp những pô hình solo hay tập thể trên cái nền lô nhô đảo nhỏ đảo to dưới bầu trời đang bừng sáng vì vầng dương vừa lấn được mấy lớp mây mù để phết nhanh lên mặt nước từng mảng rộng đủ các cung bậc của màu lam.
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 94046)
...Người khách đầu tiên tìm đến là một gã đàn ông lùn tè lùn tẹt, gã hỏi mẹ chị đi ”tàu nhanh” giá bao nhiêu? Mẹ chị ngớ người không hiểu, hỏi lại gã tàu nhanh là gì? Gã văng tục:” Đ... mẹ, làm đĩ mà không biết tàu nhanh!”. Mẹ chị nói với gã lần đầu tiên đi bán mình nên chưa biết, gã giảng giải cho mẹ chị, đi tàu nhanh nghĩa là “làm” một cái thôi, giống như ăn bánh trả tiền, còn đi” tàu chậm” là qua đêm, “làm” bao nhiêu cái thì “làm”...
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 113296)
đêm phố cổ tạ ơn một nàng thơ cuối cùng vẫn còn biết giật mình trước mắt đêm chai lì như mắt loài chuột cống
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87328)
“Theo Trần Trọng Kim nhận rằng thơ là của Lý Thường Kiệt. Nhưng nói chắc là Thường Kiệt làm được thơ thì không có gì làm bằng cứ”[15]. Sau này, Bùi Văn Nguyên phân tích các cứ liệu và đoán định rằng: “Như vậy tác giả bài thơ “thần” này là khuyết danh”[16]. Bùi Duy Tân tiếp tục hướng này và chủ trương rằng “bài thơ này nên để khuyết danh tác giả”[17]...