- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bỉ ổi

20 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 39273)

tranductinh117
 Trần Đức Tĩnh

Khắp làng trên xóm dưới ai cũng biết chuyện về lão Hống. Lão có đến ba đời vợ, và không biết bao nhiêu người đàn bà đã sống chung chạ, nhưng rốt cuộc bà nào cũng sớm cuốn gói ra đi. Người ta bảo lão là con gà trống chuồng, có lần trong nhà lão chứa vài mụ đàn bà. Kể ra lão cũng tài, một mình cai quản hai mụ trên cùng một chiếc giường mà chẳng hề có chuyện. Trông bề ngoài lão là một người đàn ông xương xẩu, ít ai biết lão là một con quỷ trong những lần chăn gối, xong mỗi lần ân ái người đàn bà nào cũng tả tơi. Có lẽ vì vậy mà những người đàn bà thích lão? Ở trên đời này còn nhiều điều trái khoáy, nhiều đàn bà khi được nâng niu, chiều chuộng, âu yếm họ lại không thích, họ tìm được cảm giác sung sướng trong những lần bạo dâm! Nhưng không hẳn vì thế, ai cũng biết lão là một người đàn ông cục cằn, thô lỗ. Đấy có thể là lý do khiến cho họ bỏ lão mà đi, con người không thể sống kiếp lừa mãi được, họ phải tìm cho cuộc đời mình có một chốn yên thân. Lão Hống có cái tật hay uống rượu, mỗi lần lão uống rượu về là thể hiện cái thói vũ phu, túm tóc, bạt tai, lời lẽ bỉ ổi phát ra từ cái miệng thối òm như hố xí. Có những lần lão bắt vợ phải bò dưới gầm giường như chó. Không những làm chó cho lão vui mà còn phải đĩ để đáp ứng mỗi khi thú tính lão nổi lên.

Người đàn bà sau này bỏ lão không phải vì những chuyện ấy, ả ta là một người biết nhẫn nhục, chịu đựng. Ả bỏ lão vì không còn chốn nương thân. Lão có nhà, có đất đàng hoàng tử tế. Mảnh vườn nhà lão do bà cụ để lại ngay đầu làng, đấy là một vị trí lý tưởng để mở cửa hàng kinh doanh. Đầu tiên lão bảo miếng thịt nhà lão sẽ thái nhỏ, tha hồ ăn đến cả đời cũng không bao giờ hết, miếng đất đầu tiên lão bán cất lên được một ngôi nhà mái bằng, nhưng khi làm xong chỉ có mỗi cái xác nhà trống không như chiếc quan tài, nghe người khác xúi dục lão đành cắt thêm một sắt nữa để làm vốn mở cửa hàng bán tạp hóa cho vợ. Ai cũng nghĩ cuộc sống nhà lão như thế là hẳn êm xuôi, cũng bởi thái độ đối xử bạc với vợ con nên mới đến nông nỗi chỉ còn mỗi túp lều rách. Người đàn bà đầu tiên đi qua cuộc đời lão đã ôm toàn bộ khối tài sản, để lại cho lão chiếc quan tài rỗng tuyếch.
Với loại người cộc cằn như lão thì chẳng có đứa con gái tử tế nào trong làng dám để mắt tới, cho mãi tới khi sắp sửa ế vợ mới có một người chú họ đằng xa dắt về cho lão một ả con gái. Nghe đồn ả này cũng đã từng làm gái giang hồ nên mới chịu theo sự mối lái, lúc đấy mẹ lão vẫn còn sống nên làm vài ba mâm cơm mời họ hàng, ông trưởng thôn phải đến tận nhà bắt lão lên ủy ban làm giấy đăng ký kết hôn. Lão cưới vợ được hai năm thì mẹ già đột ngột qua đời. Rồi tiếp hai năm nữa ả sinh cho lão được một đứa con gái, những lần mang thai trước toàn bị xẩy, lũ đàn bà trong làng bảo nạo hút nhiều lần nên quen dạ. Tuy chẳng ai nói trực tiếp cái điều ấy nhưng lời lẽ thì luôn có cánh bay đập vào màng nhĩ của lão. Vì lão có cửa hàng tạp hóa nên chẳng phải làm gì, suốt ngày chỉ lêu lổng ra các bàn bi – a, ngồi quán uống rượu. Cứ mỗi lần trong người có men rượu là lão lại về nhà hành hạ vợ, nhưng chị vợ này cũng là một tay đáo để, mỗi lần bị lão túm tóc dìm đầu xuống là vơ vội lấy của quý khiến lão trợn mắt, buông tay ra. Lão ức lắm, chẳng làm gì được vợ. Tức rồi lão chửi cả bố, mẹ, tổ, tông đứa nào đẻ ra con đàn bà bất trị, lời lão phát ra như có gió rít qua hai kẽ răng.
Sau khi vợ bỏ đi lão bắt đầu hối hận. Lúc đầu lão bớt uống rượu. Càng tỉnh táo bao nhiêu cái đầu lại bắt lão phải suy nghĩ nhiều, nỗi cô đơn ập đến khiến lão không biết phải làm gì? Chỉ có rượu mới hiểu hết những tâm sự. Rượu sẽ an ủi cho cái đầu của lão nhẹ nhõm bớt đi. Rượu sẽ vuốt ve đưa lão vào giấc ngủ không mộng mị... Người ta bảo lấy đĩ về làm vợ cũng không sai, tuy bị bàn tán nhưng ít nhất mỗi lần say khướt lão cũng có người bế lên giường. Lần này chị ta bỏ đi nên lão chẳng còn ai chăm sóc, trong nhà lão ở chẳng khác nào chuồng lợn, mỗi lần say rượu về lão lại rúc đầu vào một xó, những đống thức ăn mửa ra lâu ngày lên men mốc xanh. Đồ dùng trong nhà lão cũng chẳng cần thiết, mỗi lần túng tiền lại cho một thứ đi ở là ung dung ngồi quán được ít ngày. Người đàn bà thứ hai ập đến cuộc đời lão thật tự nhiên. Ả này có phần hơi vụng về, nói năng như dùi đục chấm mắm cáy, nhưng bù lại sức lực thì ít có người phụ nữ nào sánh kịp, hai tay ả có thể cắp hai bao xi măng chạy phăm phăm. Đã ngoài băm nhưng ả chưa một lần được người đàn ông nào nắm tay. Hôm ấy ả đang trên đường đi phụ hồ, đúng đến lúc đi ngang nhà lão thì gặp cơn mưa rào bất ngờ đổ ập xuống, nghĩ bụng ả định vào hiên nhà trú tạm rồi tiếp tục đi. Từ khi vợ bỏ đi nhà lão Hống rất ít khi đóng cửa, đồ đạc trong nhà dần đội nón ra đi nên chẳng còn thứ gì mà phải cảnh giác, vả lại cũng chẳng ma nào dám bén mảng đến vì sợ gặp phải con ma rượu. Ả vừa dựng được chiếc xe đạp thì nhìn thấy trong nhà có người đang nằm co ro ngay đằng sau cánh cửa xếp, không ngần ngại ả bế thốc lão vào trong nhà đắp chăn. Gọi là say thế thôi còn trong đầu lão biết chán, vạ vật là thái độ của lão hờn dỗi với đời, khi ả đắp tấm chăn mỏng lên người lão bắt đầu nũng nịu như cậu bé. Ngoài trời vẫn mưa như cố tình giăng màn, lão nắm lấy hai cổ tay ả đặt sát vào ngực mình, toàn thân ả run rẩy như con mèo bị nhúng vào trong thùng nước. Trong đầu lão như có một luồng điện từ chạy qua dần dật, hai mắt sáng lên. Lão chồm dậy, đè ả nằm xuống, ngấu nghiến, bỉ ổi...

Kể từ sau cái lần mây mưa ấy ả thay đổi tính nết, trước kia mỗi lần bị người khác trêu là đỏ phừng phừng mặt lên, lần này ai ghẹo cũng kệ, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười nụ, hai gò má ửng hồng. Thế rồi mọi người để ý thấy chiều nào đi làm về ả cũng ghé qua hàng thịt, hôm thì mua khúc chân giò, hôm thì xẻo dăm lạng nạc sấn, đời đôi khi cũng nên xả láng một tí, có tiền cất mãi mối nó xông, làm việc vất vả phải bồi bổ sức khỏe.
Tự nhiên ả nghỉ không đi phụ hồ nữa, số tiền tiết kiệm được bấy lâu ả dành một phần mua sắm vật dụng, rồi khăn gói đến ở hẳn trong ngôi nhà của lão Hống. Từ khi có bàn tay của ả chiếc quan tài của lão Hống thêm hơi ấm của sự sống, ban đêm có tiếng chó sủa óc ách, ban ngày có gà mái cục tác, chốc chốc mụ đàn bà lại réo rắt gọi chồng. Đố ai biết cuộc đời lão Hống bắt đầu sung sướng hay bị cầm tù? Nhưng có một điều ai cũng biết là suốt ngày lão chẳng phải làm việc gì. Có người bảo đời lão Hống vậy mà sướng thật; Sáng sớm thức dậy đã có sẵn một thau nước ấm để rửa mặt, cả một tô mì úp sẵn dưới bếp nữa. Buổi trưa ngồi ăn cơm cũng có người quạt mát. Tối đến được bồi bổ thêm hẳn hai quả trứng vịt lộn. Đúng là cơm no bò cưỡi! Nhưng người khác lại nói lão Hống chẳng khác nào con lợn nòi, có thêm vợ như khoác cái nợ vào thân, suốt ngày có người kè kè bên cạnh, muốn tự do đôi chút cũng không xong.

…Ả bỏ lão Hống ra đi như dòng sông hạn hán. Người ta vẫn thường nói tức nước thì mới vỡ bờ. Nhưng đằng này ả đến với lão khi còn tràn trề sinh lực như dòng sông đầy nước, ra đi tàn tạ như con mẹ mướp. Thực ra không thể gọi lão Hống là người lười nhác, đã bao giờ lão phải lao động chân tay để kiếm miếng ăm đổ vào mồm đâu mà bảo lười? Nói đúng hơn là lão không biết làm một việc nào hết. Nhà lão vốn chỉ có hai mẹ con. Hồi nhỏ lão được mẹ cưng chiều lắm, hễ có người nào khuyên nhủ nên tập cho con biết lao động là bà bênh lão chằm chằm. Ấy, cháu nó còn nhỏ, nhà tôi chỉ có một mình nó, hễ xẩy ra mệnh hệ gì thì sau này tôi biết trông cậy vào ai? Người làng thường ít học, chỉ cần biết đọc biết viết là trẻ con có thể không phải cắp sách tới trường nữa. Riêng lão Hống bảng cửu chương vẫn chưa thuộc, người khác hỏi lão bảo mới học đến lớp hai chẳng may cô giáo bị ngan dẫm chết. Tụi trẻ cùng trang lứa với lão đảm đang được ối việc, đằng này lão chỉ việc ngồi ở nhà nghỉ mát, ra ao tập bơi bà cụ cũng sợ con chết đuối. Khi lão đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự thì bà cụ lên thẳng ủy ban nằng nặc xin miễn vì hoàn cảnh gia đình neo người. Hồi bà cụ còn sống lão Hống được mẹ chiều, đến khi lấy vợ về lão vẫn quen tác phong cũ nên thường hay bị vượt mặt, cái giống đàn bà không coi chồng bằng thớ gì thì lại lắm đàn ông ngả ngốn. Mỗi lần vợ nói chuyện với đàn ông khiến lão bực lắm. Lão biết thiên hạ ối thằng bám váy đàn bà nhưng chúng nó vẫn phục tùng răm rắp, lão nghe được thoang thoáng mấy cái mẹo vặt của lũ bợm nên về nhà cũng áp dụng nhưng rốt cuộc chẳng đi tới đâu. Riêng ả bị lão bắt bài nên hết sức cung phụng, ả tận tình đến mức có đồng nào cũng phải nướng hết vì lão. Ngày nào ả cũng quần quật từ sáng đến tối nhưng vẫn không đáp ứng đủ khoái thú. Người ta đã nói lành tính quá cũng không phải tốt, những người lành như đất hay bị kẻ khác vành đít ra thổi sáo, đằng này ả cũng vậy. Những người đàn ông phóng đãng thường hay có tính cả thèm chóng chán, một khi khoái lạc đã đạt tới đỉnh điểm là chán, đàn bà con gái hay bị đàn ông ruồng bỏ cũng chỉ vì đã hiến dâng trọn vẹn. Lão Hống có thừa cái phẩm chất của một gã đàn ông đó.
Thực ra ả cũng không phải là người đàn bà màu mỡ, chẳng qua ả chỉ là một miếng đất cằn tưới đầy phân nên lão Hống bắt buộc phải bám rễ vào đó. Lý do thứ nhất khiến ngoài băm nhưng chưa một lần được đàn ông nắm tay bởi vì ả quá xấu xí. Điều thứ hai khiến đàn ông tránh xa bởi đầu óc ả có vấn đề. Lão Hống tuy mới học đến lớp hai nhưng cái đầu còn khôn chán. Lão chấp nhận ả là bởi có ăn và tìm được chỗ đút ra đút vào, một khi điện đã tắt thì nhà ngói cũng chẳng khác nào nhà tranh! Bản chất lão Hống là một gã đàn ông sâu mọt! Hết tiền, hết khoái thú lão chẳng tha thiết, và lão cũng không cần phải dùng mẹo để khống chế ả phục tùng theo ý muốn của mình nữa, với một cái xơ mướp chẳng còn gì mà phải bám vào đấy cho mệt.

Đời lão Hống đôi lúc cũng lên tiên. Ả vốn là con út trong gia đình có bốn anh em, bà mẹ trước lúc nhắm mắt không quên dặn dò các anh nhớ bảo ban cô em cẩn thận. Đợt thấy ả ôm quần áo đến với ở với lão Hống ông cả làm dữ dội lắm, bà chị dâu nhìn đứa em chồng nên chép miệng bảo. “Mình à, cứ để em nó tự do, tôi nghiệp nó hơn ba mươi tuổi đầu…Con nhà người ta…” Bây giờ ả đã biết thế nào là mùi đời, lấy chồng đấy, mỗi lần vác cái mặt sưng húp về nhà nên anh cấm chỉ không cho đến ở với lão Hống nữa. Khi ả đi rồi lão Hống cũng cảm thấy vắng, ít nhất lão cũng mất đi một thứ gì quý giá lắm. Đời lão chỉ có một nỗi tâm tình sâu nặng nhất là đi cùng con ma men, vui vẻ lão cùng mấy gã bợm rượu ngồi nói chuyện làng chuyện nước, lúc buồn một mình lão lướt khướt để chôn vùi ngày tháng. Dạo ấy đất đai ở làng đang được giá, con đường cao tốc mở cắt ngang qua đầu làng. Bỗng một vùng quê náo nhiệt vì số lượng người kéo nhau về tụ họp, những người có đất tranh thủ mở cửa hàng, người có tiền thi nhau tậu đất làm của để dành, lão Hống chỉ còn mảnh đất thừa hình tam giác đã mấy lần gọi người đến bán nhưng chẳng ai muốn, thế rồi lão nghe người ta bán ngôi nhà đang ở rồi cất lên một túp lều ngay bên cạnh. Được một khoản tiền kha khá lão Hống tha hồ mà chè chén, mọi khi người ta tránh lão như tránh tà, nhưng đến lúc ấy thấy bóng lão ở đâu là chủ quán thi nhau gọi.

Chiều nào lão Hống cũng bước đi liêu xiêu trên con đường trải cấp phối, ả đi rồi con chó chẳng được lão cho ăn bao giờ, cũng may mỗi lần về nhà lão lại mửa ra một đống để nó có cái mà sống, nó béo ra nhờ hấp thụ được chất bổ từ người chủ. Cái giống chó cũng trung thành đáo để, mặc dù lão chủ không bao giờ quan tâm, thậm chí nó còn liên tục bị những trận đòn vô cớ nhưng vẫn cứ một mực đi theo. Con chó của lão Hống biết nghe cả tiếng người nói, hiểu được ý định của chủ thông qua từng cử chỉ, nhìn đôi mắt nó biết thái độ người hiền hay ác, chính vì vậy nó rất sợ chủ mỗi khi tỉnh táo, lúc lão say nó đên bên cạnh, thè lưỡi liếm hết bọt dãi mà lão phì ra từ cái miệng gớm giếc. Dáng lão Hống cứ đi xiêu vẹo trên đường làng mỗi lúc chiều chạng vạng, người ta nhận ra lão từ xa bởi nhìn bước chân lắt léo như tiền đạo đang dẫn bóng. Thế rồi cũng một buổi chiều chẳng biết đường chuyền ăn ý thế nào mà lão dắt được một người đàn bà về nhà. Cả làng không ai biết người đàn bà đó tên gì? Ở đâu? Con cái nhà ai? Nghe nói người đàn bà ấy trốn chạy từ bên Trung Quốc sang, chị ta bảo bị bán từ lúc tuổi mười lăm, khi về Việt Nam gia đình đã di tản vào Nam nên đành phải lang thang, lên thành phố làm đĩ cũng bị người ta xua đuổi, mà đĩ thõa thì em đã quen quá rồi, ở bên đấy có đêm em còn tiếp được cả bốn bố con. Chị ta cứ đi, đi mãi đến khi gặp lão Hống đang khật khưỡng…

Ôi, cái làng nhỏ bé này loạn lên mất rồi! Đèn xanh đèn đỏ thi nhau nhấp nháy, con gái con nứa mặc quần cộc cỡn, áo hai dây hở cả rãnh vú đứng trước cửa đưa tay vẫy chào khách qua đường, chúng cứ làm như những người trai trước mặt ngày mai sắp sửa ra trận. Làng đã loạn lên vì đám thanh niên choai choai ngậm thuốc lá hút phì phèo, đi xe gầm rú inh ỏi. Trong nhà lão Hống cũng loạn vì những cuộc tranh dành tình địch. Có những hôm hàng hóa ế ẩm, trong nhà lão chứa đến vài ả cave, chúng tranh nhau vào ngủ với lão Hống. Tất nhiên chẳng mấy khi kẻ nào chịu nhường bước kẻ nào, giằng xé mãi cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu lại rách việc, ồn ã chính quyền đưa dân quân đến trục xuất thì thất thu cả lút, thôi đằng nào chúng ta cũng đã trót đến đây rồi thì tất cả cùng ở lại. Đã thế lão Hống chả ngần ngại chút nào, cái gì đã đến cứ mặc kệ nó đến, cái gì không tồn tại cứ mặc xác tự dưng nó sẽ biến mất, đời thế mà sướng, mà lên tiên, mình ta cứ thỏa sức, kể cả trăm con đàn bà nằm ngửa trên giường cũng chiều, ta cứ việc thỏa sức, có của ăn không hết để mốc cũng chẳng sao, chỉ sợ nhiều lúc túng quẫn tìm không ra. Không bù những khi rình mò, soi mói chúng nó chửi xơi xơi. Cái giống đàn bà đã dễ thì hết chỗ dễ, đã khó rồi lại còn bị chồng chúng nó kiểm soát, đôi khi chẳng được gì vớ vẩn lại mua đòn vào người như chơi. Thật là sung sướng khi cuộc đời này được tự do! Thật là hạnh phúc khi xã hội này dân chủ, đứa nào còn bảo ta bỉ ổi nữa nào? Đứa nào chê ta vô học nữa nào? Chúng mày nói đạo đức, chúng mày bảo nhân cách, nhưng chúng mày chỉ bốc phét, thử hỏi mấy con đĩ xem cái bộ mặt thật của mọi người ra làm sao? Ôi! Đời sống này bất tận quá, cái gì cũng bất tận, chỉ tiếc rằng không đủ sức đi hết chiều dài của nó, con người cũng chỉ sống một lần rồi chết đi. Liệu khi chết đi rồi tiền tài địa vị có mang đi theo được không? Ta nói cuộc đời này cái gì cũng sướng, nhưng ta chưa đến điểm cực đại của nó nên khổ lắm.

Đến cuối cùng lão Hống cũng nhận ra một đường tròn ba trăm sáu mươi độ cũng chỉ bằng không. Lão Hống lại quay về điểm xuất phát ban đầu. Khi lão chợt nhận ra điều đó thì đã muộn, đầu lão tóc đã lốm đốm bạc, lão chỉ còn tấm thân tàn ma dại, chẳng còn tí sức lực nào mà làm lại cuộc đời nữa. Mà lão đã nghiện rượu mất rồi, chỉ cần có rượu suông cùng mấy quả ổi xanh lão cũng lai rai được cả ngày, không có chất men vào cơ thể là chân tay lão cứ run lật bật, mới nửa đời người mà trông giống một ông già thất thập. Đàn bà con gái chẳng phải sợ lão nữa, đến con ruồi đậu lên mép lão còn không muốn đuổi, nhưng người ta sợ vì dính vào lão là gặp phải đỉa, lão lê la khắp làng xem nhà nào có việc đến giúp đỡ cho một tay, và người ta biết thừa cái lòng tốt của lão, quen mui rồi lão bám riết lấy người ta, ngày nào lão cũng đến ở lỳ cốt là để kiếm cốc rượu đổ vào cái họng đang khát.
Kể ra cũng đáng đời nhà lão Hống. Đang đứng trên núi cao tự nhiên lại gieo mình xuống vực thẳm, ở cái làng này ối người còn phải ngóc đầu lên từ dưới đất, từ hai bàn tay trắng nhưng họ biết tích cóp, kiến tha lâu ắt sẽ đầy tổ. Chẳng bù cho lão Hống bán hết miếng đất này đến ngôi nhà khác, ngồi trên đống tiền đấy, nhưng mà miệng ăn núi lở, của chìm của nổi đào mãi cũng hết, số tiền bán nhà đã sạch sành sanh…

Dạo này người làng đi đâu hết? Nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, họ bảo bọn nghiện hút hay vào làng sục sạo lắm, người đang ngồi trong nhà uống nước chỉ nghe mỗi tiếng “quác” mà chạy ra đã mất con gà, cái bọn nghiện ăn cắp nhanh như chả chớp, gặp ai chúng cũng chào hỏi tử tế lắm, nhưng sểnh mắt là chúng thó mất đồ ngay, gặp giẻ rách với chổi cùn chúng cũng vơ, miễn sao kiếm được dăm nghìn rồi nói khó người ta bán cho một tép thuốc Tàu. Nghe nói cái loại thuốc ấy chích vào mạch máu nhanh chết lắm. Bọn Tàu toàn làm hàng dởm bán, cả rượu uống chúng cũng chế tác thành những viên nhỏ như đầu ngón tay, chỉ cần thả một viên vào ca nước lã là có ngay rượu trắng, cái loại rượu ấy bán rẻ hơn nước lọc. Lão Hống cũng nghiện, nhưng mà nghiện rượu không ai xếp vào danh sách những kẻ tình nghi.

Không ai ngờ kẻ cắp nhanh nhất lại là con chó của nhà lão Hống, từ trước đến giờ nó có được chủ cho ăn bữa nào? Ngược lại giờ này con chó đền ơn lại chủ, sự trung thành đấy cũng chẳng qua là cách sống của loài chó. Có một điều nó không thể hiểu, sự vắng mặt của lão Hống người ta sẽ cho nó là con chó vô chủ. Dĩ nhiên là con chó biết xung quanh nó đang có nhiều kẻ rình rập, mấy tay trộm phục bắt cả tháng trời cũng chẳng làm gì nổi, ngay cả lão Hống đã có lần bán nó cho một quán thịt chó nhưng một hôm laị nhìn thấy nó lù lù mò về. Kể từ đó con chó không bao giờ dám lại gần mỗi lúc lão tỉnh rượu, nó phải cảnh giác với từng cử chỉ của con người, trừ những lúc lão say nó mới mon men đến ăn những đống thức ăn do chủ mửa ra từ miệng. Đã từ lâu con chó không được chủ nuôi nấng, bản năng giống nòi bắt buộc nó phải lao đi tìm kiếm sự tồn tại, lão Hống say sưa bao nhiêu thì ngược lại nó bắt đầu khôn ranh chừng ấy, nó trở về nguyên hình của một con mãnh thú, thường xuyên bắt gà của hàng xóm nhưng chưa ai phát hiện được. Và trong thời gian ấy người ta thấy lão Hống không lang thang ngoài đường nữa, có người bảo gan lão đã khô như nấm linh chi, kể ra cũng tội nghiệp. Nhưng có người không tiếc lời rủa; chắc dạo hết tiền nên phải nằm co ro ở xó nhà, lúc ăn sung mặc sướng thì chẳng hề biết đến ai, chết thế mới đáng đời những kẻ vô chừng mực. Nhưng ít ai biết được chính lúc này lão Hống chẳng phải mò mẫm, ngày nào con chó cũng tha về một con gà to tướng, lão chỉ cần cướp lại của nó…

Dạo ấy làng thực hiện xây dựng môi trường theo nếp sống văn hóa mới. Đương nhiên những quán đèn xanh đèn đỏ sẽ bị dẹp hay bắt chủ bỏ tù, bọn nghiện hút cũng nghe tiếng mà rạt đi nơi khác. Lão Hống trở thành con người tàn dư cần có biện pháp giúp đỡ. Trước tiên người ta giao cho lão công việc dọn vệ sinh, hàng ngày lão đẩy chiếc xe cải tiến đi hót rác nhưng được một thời gian thì bỏ bê, cái việc ấy bắt buộc phải bàn giao cho người khác. Công việc ở làng thì rất nhiều nhưng chẳng ai muốn gọi lão Hống đến làm thuê, mất đồng tiền cũng phải thu lại năng xuất lao động xứng đáng! Thế rồi hội Chữ thập đỏ phải quyên góp tiền mua cho lão tạ thóc để sinh sống qua ngày.
Lão Hống là kẻ thất nghiệp nhưng hằng ngày vẫn sống nhăn nhở như thường! Thật là bỉ ổi, chẳng phải lao động vất vả cũng có ăn, trước bàn dân thiên hạ người ta coi lão như đống giẻ rách nhưng cái mặt lão vẫn trơ trơ. Chỉ còn nước đến nhổ nước bọt vào mặt lão cho bõ ghét! Nhưng ghét lão thì được gì nào? Nhà mình có phải hầu lão đâu mà ghét! Một khi con mọt rượu đã ngoài năm mươi tuổi rồi thì cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu! Những chiếc xe máy Tàu nát bươm cũng tại vì người ta bắt ép nó cõng hết công xuất, bản thân nó đã đểu lại còn chất đống lên bắt nó chạy ìn ìn, ngữ như nó chỉ đáng tống vào lò nung sắt vụn. Lão Hống cũng có một thời sống hết mình, ả này cô nọ cứ lần lượt kéo đến vắt kiệt nhựa sống trong cái thân thể đốn mạt kia.

Bà cụ đẻ ra lão Hống chiều con quá nên đến bây giờ vẫn bị người đời trách móc, giá như cụ chịu lắng nghe người khác dạy con biết lao động thì đâu đến nông nỗi này! Thời trước bà cụ là người phụ nữ biết chịu thương chịu khó, người ta kể bà đi công nhân nhưng vì trót ăn cơm trước kẻng nên mới phải bỏ nghề. Bà luôn nghĩ rằng đời mình bất hạnh rồi nên phải cưng chiều không để con vất vả, chẳng qua đấy là sự dốt nát cộng với thái độ nâng niu nên thành ra làm hại cho người khác. Thà rằng bà cứ dạy con biết tự lực từ nhỏ thì đến khi nhắm mắt xuôi tay chả ai đào bới mình lên nói nữa. Vì lão Hống mà khiến bà cụ chết đi rồi người khác vẫn chê cười. Chẳng thế nên con cái nhà tử tế không đứa nào dám kết thân cùng lão.

Người sống với người bạc hơn chó. Con chó của lão Hống tuy bị chủ nó kết án tử hình rồi nhưng vẫn không hề phụ bạc, chắc có lẽ chỉ có mình nó mang phận chó nên mới sống chung dưới một mái nhà cùng lão được lâu đến thế, những người khác vì nhiều lý do nên đã từ bỏ lão mà ra đi không ngoái đầu lại nữa.
Cuối cùng ở làng đã xẩy ra một vụ án mạng vô cùng hóc búa. Tất cả tình tiết dẫn đến nguyên nhân xẩy ra cái chết của lão Hống không ai ngờ tới. Thủ phạm giết chết lão chẳng phải ai khác lạ mà chính là con chó của nhà nuôi. Phen này cái chết của lão Hống chẳng làm cho báo chí bán chạy ào ào! Tuy cảnh sát đã đến kết luận chính xác nguyên nhân lão Hống chết là do chó cắn nhưng các phóng viên cứ dựa vào đấy tha hồ mà viết. Họ viết ngược, viết xuôi, rồi xáo tung cả cuộc đời lão Hống trên trang giấy. Lão Hống chết người làng chẳng ai thổ lộ cảm xúc vui buồn. Người ta nói bỉ ổi quá đến nỗi người đi ăn cướp của chó, rồi con chó đến nước đường cùng cũng phải quay đầu lại cắn chủ. Mà con chó ấy không quay đầu lại cắn lão Hống mới là lạ, một lần lão bán nó cho người ta làm thịt nhưng số nó chưa chết, nó chớp được thời cơ thoát thân quay trở về tiếp tục sống trung thành với chủ. Rồi con chó chẳng hề được chủ cho ăn bữa nào, nó phải tự kiếm ăn bằng bản năng vốn có nhưng gã chủ phũ phàng quá! Gã không để cho nó được hưởng mà giành hết miếng ngon và chỉ để lại vài mẩu xương khô khốc. Hôm đấy bắt buộc nó phải phản chủ tại vì lão đóng cửa nhà lại đòi bắt chó mang bán, đến nước đường cùng con chó ấy phải lao vào cắn toạc cổ họng đối phương như những lần hạ sát con mồi.

Trần Đức Tĩnh
Hà Nội
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 2760)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 4156)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 2258)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 3706)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 2019)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 2434)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 2459)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 3340)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.
24 Tháng Chín 202412:07 SA(Xem: 4318)
ừ có lụt thiên nhiên / nhưng có ai quên khuấy / vẫn còn cơn lụt kia / vẫn quanh năm thường trực ru ngủ / và đánh chìm
23 Tháng Chín 20241:01 SA(Xem: 2764)
Lời giới thiệu: Thủ tướng Hun Manet với hậu thuẫn của cha ông, người đã đề xướng ra công trình kênh Funan Techo như một Đại vận hà của dân tộc Khmer, đồng thời là di sản triều đại của cha con họ. Về địa chính trị, tuyến đường thủy vận này cho họ phương tiện chuyển hàng hóa từ Phnom Penh ra biển, không còn phải theo tuyến đi trên Sông Tiền hay Sông Hậu, sẽ giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào Việt Nam. Cha con Hun đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng khi đặt cho dự án này dưới tên Funan, khơi động lên tinh thần dân tộc bài Việt, và soi sáng lại lịch sử Đế chế Funan của họ. Theo giới chuyên gia quốc tế, và phân tích trên Viet Ecology Foundation, lợi ích kinh tế của công trình này chắc chắn không khả thi, tác động nặng trên môi sinh cho Cam Bốt và xuyên biên giới xuống Việt Nam nhưng đã bị chính quyền Phnom Penh giảm thiểu hóa và gạt bỏ. Phnom Penh không giải trình toàn bộ chi phí và việc di dời đền bù cho người dân họ như thế nào. Họ cung cấp thông tin bất nhất và sai lệch ...