- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bạn Tôi

27 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 52957)


ngaycuoicuocchien-nick_ut-ap-content
  Vietnam 1975- Photo Nick Ut / AP

Bạn Tôi

Tháng 3 năm 75, cái hiền hòa thơ mộng của thành phố Nha Trang đã biến mất. Đà Nẵng đã thất thủ, dân và lính từ Kontum, Pleiku đang ào ạt đổ về thành phố biển. Thành phố bụi bặm và đông nghẹt người di tản với khuôn mặt ngơ ngác lo âu, những chiếc xe M-113 phủ lá cây ngụy trang từ Tây Nguyên ầm ì chạy vào thành phố và ngồi sau những khẩu đại liên là những người lính mệt mỏi đăm chiêu.

Lũ học trò tụi tôi không còn đàn đúm vui đùa hay bàn luận về các bài học luyện thi tú tài nữa. Trong lớp thấy thưa thớt dần đi, một số đã theo gia đình di tản vào Sài Gòn. Nhà trường mở tung kho học bạ để hoc sinh tự do tràn vào tự tìm lấy hồ sơ của mình trước khi rời thành phố. Tôi bước chân vào văn phòng học bạ nằm phía tay trái của cổng chính, đây là một văn phòng mà tôi sợ nhất vì sổ học bạ của tôi đầy những cặp trứng vịt quái ác. Nhưng ngày hôm đó tôi cảm thấy bâng khuâng xao xuyến khi thấy những cuốn sổ học bạ màu đỏ quăng tung tóe trên bàn và dưới đất. Văn phòng đã bỏ ngỏ và còn rất ít nhân viên làm việc. Trường Võ Tánh mình cũng đã tan hàng hay sao?

Mấy chiếc áo sơ mi trắng có bảng tên trường trên túi áo của tôi đã quá dơ được thay thế bằng áo ka ki vàng đầu đội nón bo lính để chống nắng vì mấy tuần lễ tình nguyện lao động khiêng dọn bàn ghế ra ngoài và phối trí giúp người tị nạn dọn vào tạm trú trong các lớp học. Buổi chiều về nhà ăn qua loa xong chạy vào trường làm việc tiếp. Đêm tối ngồi bên cạnh những người lính BĐQ để nghe kể về cuộc lui binh trong máu và nước mắt ở Che Reo, Phú Bổn và thấy lòng mình cũng bốc lên cơn phẫn nộ. Mình thua dễ dàng thế sao?

Cũng trong sân trường Võ Tánh tôi không bao giờ quên một bà chị thật đẹp, không phải nét đẹp son phấn yểu điệu thục nữ của người thành phố, nhưng chị đẹp vì vẻ dáng chắc chắn ngang tàng và bộ quần áo dân sự bạc màu nhàu nát và lấm lem đất đỏ cao nguyên. Chị lớn tiếng đòi bắn bỏ những người có trách nhiệm đã làm mất Kontum-Pleiku, trên tay của con cháu hai bà Trưng này cầm lăm lăm một khẩu tiểu liên carbine M-2 báng xếp. Không biết chị là ai nhưng chị nhìn ngầu quá và có phong cách của một người chỉ huy, mở đường máu về được tới đây không phải là công việc bình thường của người phụ nữ. Nhưng giặc đến nhà đàn bà phải đánh!

Phụ nữ mình hào hùng và kiên cường, thế mà sao ta phải di tản một cách tủi nhục như vậy? “Chị ơi, em học ở đây, chị còn súng không chị, tụi em cần trang bị để bảo vệ trường và nếu cần tử thủ ở Nha Trang”. Chị nhìn tôi và im lặng, sau vài phút chị kêu một anh thanh niên dẫn tôi qua bên kia đường trước một quán chè có chiến xe Dodge nhà binh để lấy súng. Nhìn đống súng trên xe tôi đã kính phục vì những người này khi rút lui đã không bỏ súng đạn lại cho quân giặc. Một anh chuẩn úy BĐQ đưa tôi khẩu súng phóng lựu M-79, mủ sắc, áo giáp và nói “ông ở lại đây giữ lấy cây này mà xài”.

Bữa trưa hôm ấy đi bộ về nhà ăn cơm trưa, con đường Hoàng Hoa Thám trở nên vắng vẻ vì dân địa phương và người tị nạn từ các nơi về mấy tuần trước đó đã di tản vào Cam Ranh. Đầu óc của tôi chập chờn quay cuồng hình ảnh những thanh niên trẻ NDTV của Tiểu Khu Bình Long dùng M-72 để bắn xe tăng T-54 VC trong cuộc chiến mùa hè đỏ lửa. Tại sao không tổ chức tử thủ ở đây nhỉ, những câu hỏi phẫn uất bùng nổ trong đầu. Một chiếc xe Tuần Cảnh đi kè kè chậm lại, những người Cảnh Sát nhìn tôi dò xét như muốn chặn lại hỏi giấy tờ. Không hiểu sao họ gật đầu chào rồi lái xe đi thẳng. Có lẽ cái áo ka ki vàng dơ bẩn của tôi, mặt mủi hốc hác đen xạm cau có, lại choàng thêm cái cái áo giáp bên ngoài và tay cầm súng M-79. Chắc mấy bố Tuần Cảnh thấy mặt mủi thằng này hung dữ quá, chắc nó mới ở Pleiku chạy về. Giờ này còn giấy tờ gì nữa cha, có đạn M-79 không xin vài trái coi.

Hôm sau quay trở lại trường thì thấy hoang vắng, bước vào các lớp học trống không thấy nhớ nhớ và buồn buồn. Mình đã từng ngồi học nơi đây bao nhiêu năm, và đã khiêng bàn khiêng ghế để ân cần đưa từng gia đình của dân tị nạn vào đây. Cũng nơi này đây ngồi vẽ bậy và khắc tên mình lên mặt bàn, đã đè đầu Dũng Ngựa xuống mặt bàn và đấm một quả hết lực vào màng tang nó mà tưởng cổ tay mình trật gân đau buốt vì không ngờ cái đầu con Ngựa quá cứng, bạn thật thân nhưng khi gây gổ đánh nhau cũng thật đau.

Những giây phút sau cùng không quên được với bạn bè và các thầy trước khi tan hàng, là có một bạn gia đình có nhà cho Mỹ thuê nên khi Mỹ di tản bỏ lại mấy chai rượu Whisky chưa uống hết nên ông này đem một chai vào lớp. Một lớp năm sáu chục đứa khi chia tay chỉ còn khoảng hơn 10 thằng, đứng thành một vòng tròn, chuyền nhau chai rượu rót vào nắp rồi đánh ực mặt nhăn nhó vì có đứa lần đầu tiên uống rượu mạnh. Vị Giáo Sư duy nhất của trường còn lại lúc ấy lại là thầy Giám Học, hung thần của kỷ luật, người đã bắt tôi mấy lần vì tội để tóc dài, bỏ áo ngoài quần, dùng cổng ra vào dành riêng cho các thầy v.v. Thầy cũng đứng trong cái vòng người tội nghiệp ngây thơ đó để nâng nắp khà một hớp rượu. Không ai nói lên lời, im lặng buồn buồn và không biết có còn gặp lại nhau không.

Trực thăng bắt đầu xuống bốc người ở khu vực Tổng Lãnh Sự Mỹ, những loạt đạn phẫn uất nổ rang đó đây. Ngoài đường chỉ còn vài người đi nhớn nhác trên đường phố hoang vắng như mộng du. Thành phố thân yêu đã bỏ ngỏ và đang hấp hối. Không có tử thủ như ở An Lộc Anh Hùng. Tôi bỏ xấp học bạ của mình vào một cái ba lô nhà binh, đạn dược mủ sắc áo giáp và súng M-16 sẳn sàng để rút theo quân đội. Hy vọng đến được Cam Ranh hay Phan Rang phòng tuyến của phe ta.

Đêm xuống phố Độc Lập lửa cháy bập bùng, những toán người võ trang như bóng ma đi giữa lửa khói. Một người NDTV đi giữa đường khuông mặt lầm lì bóng loáng mồ hôi phản chiếu ánh lửa và khẩu trung liên BAR chỉa ngang như sẵn sàng khạc đạn làm tôi nhớ đến những đoạn phim “Combat” có hình ảnh Âu Châu hoang tàn thời đệ nhị thế chiến.

Xe đến gần Cam Ranh thì kẹt cứng vì cầu đã bị phá sập. Trời lại mưa và tôi cảm thấy lạnh buốt vì vết thương nơi chân ra máu khá nhiều. Mặc kệ, xe không đi được nữa thì mình bỏ xe xuống đi bộ, phải về cho được phòng tuyến của phe ta. Khoát ba lô lên vai, mũ sắt áo giáp, tôi dùng súng M-16 làm gậy chống, khập khểnh bước đi trên con đường lầy lội bùn nước, mỗi bước đi là máu tươi vọt ra từ vết thương đau buốt. Làm sao mình qua bên kia sông được với vết thương như thế này và không thể quay trở lại đầu hàng kẻ thù. Súng đạn này này để làm gì, hình ảnh quân dân miền Nam đã bắn cháy xe tăng địch ở Bình Long Anh Dũng vang dội trong đầu. Tôi cũng nghĩ đến tấm gương của Võ Tánh đã nổi lửa và chết theo thành, dân tộc ta là dân tộc anh hùng và tại sao ta không đánh cho tới người cuối cùng để bảo vệ thành phố thân yêu này?

Quay trở về Nha Trang vì tôi không thể đi bộ với vết thương nơi chân. Đêm đó Nha Trang cúp điện, thành phố chìm vào bóng tối. Tôi nửa mê nửa tỉnh vì mất nhiều máu, thấy leo lét ánh đèn cầy chập chờn và những bóng áo trắng của các đoàn viên Hồng Thập Tự Việt Nam đang lúi cúi phía dưới, hình như ai đó đang băng bó tôi. Trong cơn mê tôi cảm thấy mặt đất rung chuyển và tiếng động cơ ì ầm. Xe tăng T-54 của quân thù đang vào thành phố. Sao không ai bắn vào xe của chúng nó? Ta quyết không đầu hàng, Việt Nam ơi.


Tháng 9 năm 1985

Rồi mình cũng đến cái tuổi 29, tuổi học trò với những mối tình ngây ngô hời hợt đã qua lâu rồi. Bây giờ 29 tuổi mắt sáng tâm hồn lồng lộng yêu thương và đi giữa đoàn người võ trang với niềm tin sắc đá. Một buổi sáng dừng quân bên triền núi, nhìn bên kia đồi thấy từng cụm mây lững lờ phía dưới mà thấy mình như thoát tục, những ưu phiền của đời sống đã để lại phía sau. Một anh đi bên cạnh đùa “chúng mình là những tiên ông, nhìn kìa mây đang trôi phía dưới chân chúng ta”. Ngắc một đóa Lan rừng thật đẹp cắm lên ba lô và chạnh lòng nhớ đến những người bạn năm xưa. Nguyễn Xuân Đừng, Đừng "Ghẻ" ơi tao sẽ rửa mối hận cho mày.

Có một lần nấu ăn, hùn tiền nhau mua bia và tổ chức nhậu ở nhà và mời các ông thần Võ Tánh đến tham dự cuộc vui . Đêm khuya 2 giờ sáng tiệc đã tàn, tôi thức dậy, đứng im lặng nhìn lũ bạn thân nằm ngủ lăn lóc trên đi văng, những khuôn mặt vô tư đang say ngủ thật bình yên. Nhưng khi thấy Nguyễn Xuân Đừng nằm ngủ co quắp với khuôn mặt nhăn nhó như đau đớn lắm đã làm tôi bâng khuâng lo lắng. Đừng ơi, tao sợ số mày sau này sẽ khổ, tao thương mày lắm và luôn luôn muốn được bảo vệ mày.

Đừng học rất giỏi và tính tình hiền lành không gây sự ai. Nó thường kiên nhẫn chỉ tôi cách giải những bài toán mà cái đầu bò của mình nghĩ mãi không ra.

Gia đình của Đừng ở trong một con đường hẻm của một khu rất bình dân mà hầu như ngày nào tôi cũng đến chơi. Tôi hay đòi nó dẫn lên căng gác nhỏ phía trên chơi mà hiếm khi nó chịu, có lẽ nó ngượng vì cái ọp ẹp khiêm tốn của căn phòng chỉ có vài mét vuông. Thân thiết với nó bao nhiêu năm mà chỉ được phép leo lên cái thang dựng đứng để mò mẫm vào căn phòng tối đen của nó khoảng 2 lần. Căn phòng ọp ẹp không có đèn, lợp mái tôn thấp lè tè, tối thui thì làm sao mầy học bài hả mầy, tôi hỏi ngớ ngẩn. Đừng cầm sợi dây điện vặn vặn mấy cái vào cái bóng đèn pin nhỏ bằng cái móng tay. Tao có mấy cục pin quân đội nối vào cái bóng đèn này đủ sáng để đọc sách cũng được. Nhìn ánh sáng yếu ớt của bóng đèn pin tôi kính phục bạn mình vô cùng, và càng thương nó hơn.

Đừng hiền hậu, nói năng chừng mực và không văng tục to tiếng như tôi. Nó không bao giờ từ chối mỗi khi tôi đến rủ rê đi phá làng phá xóm, hình như nó chìu bạn và không muốn làm tôi cụt hứng. Nhiều đêm khuya khi phố xá đã đóng cửa, mọi người đã ngủ, tôi mò đến rủ nó đi coi mắt chó hoang. Trong bóng tối tôi dùng đèn pin rọi vào những con chó chạy lang thang cách xa nhiều khi cả trăm thước, trong bóng tối thấy cặp mắt chó phản chiếu lung linh xanh lè như hai ngọn đèn và 2 thằng ồ lên trầm trồ. Cứ thế đêm đêm đi rình coi mắt chó, mấy em trai của Đừng cũng không ngủ mà đi theo 2 ông anh thập thò trong những con đường tối và cười rú lên từng tràng sằng sặc khoái trá trong đêm vắng.

Có một lần Đừng bị mấy anh em rất du côn ở trong một căn nhà lớn ngoài đầu hẻm gây sự và đánh nó. Tụi này cũng đã có lần xì chó Bẹt-gê cắn Đừng một lần chảy máu tay rồi. Mấy thằng hèn mất dạy ỷ đông bắt nạt thằng bạn hiền lành của tôi. Để tụi nó cho tao nhe mầy. Nhà của tôi nằm khuất ở một góc đường bên cạnh và tôi tính toán khoảng cách đường chim bay từ nhà mình cho tới nhà của mấy thằng du đãng khoảng 70 mét. Phải tổ chức cuộc phản công vũ bão mới được.

Kiếm được 3 cái dàn ná cao su. Tôi, Đừng và một đứa em trai của nó, lượm sỏi đá đựng đầy 3 hộp sắt lớn rồi leo lên nóc nhà của tôi ngồi đợi trời tối. Khi bầu trời đã tối hẳn rồi, tôi chỉ hướng cho anh em Đừng rồi ra lệnh để cả 3 cùng khai hoả những cái ná cao su bắn cầu vòng. Từng viên từng viên đạn thù phóng lên trời đêm nhịp nhàng. Được khoảng 15 phút tôi biểu anh em Đừng cứ tiếp tục bắn để tôi dọt đi trinh sát "đề lô" pháo binh cho chắc ăn.

Chạy vòng qua xóm Đừng, quan cảnh của hiện trường đã làm tôi điếng người. Chung quanh ngôi nhà của mấy thằng du đãng người đứng đông lố nhố, hầu hết họ đứng núp dưới mái hiên hay cột đèn để tránh đạn, tay chỉ lên trời, tiếng người la xôn xao hốt hoảng. Tôi khớp quá vì không ngờ “đồng bào” đổ xô ra đường đông quá. Vì trời tối nên không ai thấy được đường đạn đi nên nhiều vị đứng núp sau cột đèn hay mái hiên lại xoay lưng về phía những họng súng pháo kích. Đứng coi đông như vậy lạc đạn chết cha.

Tôi đi sát mái hiên bên kia đường tránh xa mục tiêu và trà trộn vào đám đông và nghe trái tim của mình đang đánh lô tô vừa sợ và cũng vừa thích chí. Bùm, ken, cốp, choảng... một trái đạn pháo kích chính xác nhiểu trúng bàn thờ phật bà Quan Âm dựng trước sân nhà của bọn du đãng, tiếng thuỷ tinh đổ vỡ loảng xoảng. Một ông già, có lẽ ba của chúng nó ra đứng trước mái hiên nhìn lên trời và không biết ổng đang đứng đối diện với những viên đá đang lao nhanh đến . Ối, trời ơi... vài người phóng ra dìu ông cụ chạy vào trong, ông ôm lấy đầu. Ha ha bể gáo dừa ổng rồi, ai biểu con làm thì cha phải chịu mờ. Rồi tiếng la ó "nó đó nó đó, nó đứng ở cửa sổ kia kìa", vài người chỉ tay về một cao ốc ở đường Độc Lập. Một ông lính cầm súng M-16 hung hăn chạy ra và tốp người rầm rập chạy về hướng đường Độc Lập, họ vẫn chưa biết vị trí súng đặt trên nóc nhà và sau những tàng cây um tùm ở đường Hai Chùa. Người xưa đã có câu phán không ngoa: nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò!

Nhưng Nguyễn Xuân Đừng, ngưòi bạn thân yêu của tôi đã chết!

Đừng đã bị đám bộ đội biên phòng ở đảo Trường Sa bắn chết trong chuyến vượt biên năm 1979. Trước khi chết Đừng muốn gặp lại tôi và muốn được đi học đại học ở Mỹ.

Sau khi miền Nam thất thủ, Nguyễn Xuân Đừng vào Sài Gòn thi vào đại học và thi đâu rớt đó . Nó viết thơ tâm sự và ai oán "mày biết rồi, tao học đâu đến nổi tệ, vậy mà thi vào đại học rớt lạch bạch".

Đừng bị bắt đi nghĩa vụ quân sự và gởi sang Kampuchia, nó bị thương nên được về phép. Về nhà Đừng nghe lời bạn bè nên đào ngủ và trốn đi trên một chiếc ghe đi vượt biên.

Ghe vượt biên của Đừng vì bão tố nên tấp vào và mắc cạn ở quần đảo Trường Sa. Đến sáng bộ đội biên phòng phát giác ra chiếc ghe tị nạn nên đứng trên bờ ngoắc mọi người vào bờ. Những người nhẹ dạ nhảy xuống nước tới bụng để lội vào bờ. Đừng khôn hơn nên ở lại ghe. Những tên bộ đội VC đứng đợi sẵn trên bờ chờ mọi người đến gần rồi nổ súng bắn xối xả. Xác và máu người đỏ cả một vùng biển.

Nó giúp những người còn lại trên ghe nhảy xuống nước bơi ra xa thoát thân. VC bắt đầu dùng súng cối bắn ra ghe và Đừng bị trúng đạn bị thương nặng. Nguyễn Hùng Hoàng của 12B1, đẩy Nguyễn Xuân Lộc em trai của Đừng nhảy xuống biển thoát thân. Cả đám bám vào miếng gỗ mảnh vỡ của chiếc ghe bơi ra xa. Đừng ở lại ghe và biến mất sau những tiếng nổ kinh hoàng của đạn cối.

Tổng số 93 người trên ghe vượt biên hôm đó chỉ có 8 người sống sót và sau 2 ngày trôi dạt trên biển, họ được Hải quân Phi cứu vớt. Nguyễn Xuân Lộc bị thương nặng vì bị nhiều mảnh đạn súng cối vào đầu. Tất cả được đi định cư ở Úc.

Ngô Chí Minh một thằng bạn chí thân khác ở 12B1 vượt biên với gia đình cũng bị chìm ghe, chết cả nhà. Nguyễn Hùng Hoàng, sống sót sau vụ thảm sát ở Trường Sa, đang học đại học ở Úc, bị tai nạn xe cũng đã chết.

Có những đêm khuya nằm trên vỏng trong rừng núi chiến khu tôi vẫn nhớ đến bạn bè và đời học trò mình đã đi qua. Nhớ Nguyễn Xuân Đừng nằm ngủ co quắp nhăn nhó khó khăn trên chiếc đi văng ngày nào và hình dung được những giây phút sau cùng của người bạn chí thân đã ngã xuống nơi vùng biển biên giới. Đừng ơi mày ra đi có dễ dàng hay không, hay quằn quại hấp hối đau đớn vì những viên đạn AK và miểng cối ghim vào người. Xin mây gió đưa những lời thề nguyền này về phương Đông nơi biển xanh rì rầm như lời trò chuyện của người bạn hiền năm xưa.

Mưa rơi ào ạt trong rừng rồi rừng núi chuyển động với những dòng nước lũ chảy ồ ạt dưới võng. Tôi ngồi co chân ôm ba lô cô đơn im lặng trong bóng đêm đe dọa, các toán bảo vệ có còn ở chung quanh đây không hay bị cuốn trôi hết rồi. Mưa tạnh, rừng đêm bỗng sáng rực rỡ ánh lân tinh xanh biết huyền hoặc, tiếng tí tách của những giọt nước rơi trên lá cây trên mái poncho, và mùi thơm nồng nồng của núi rừng. Xin hồn thiên sông núi và anh linh của bạn bè thân yêu che chở và hướng dẫn những người còn sống đi đến đích.

Lưu Tú Ngọc

30/04/2013



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4674)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4474)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 4789)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5361)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 4968)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4528)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4889)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7077)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6322)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4591)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi