- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Quyên Mán

19 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 110656)

quyenman_1-content

1. Quyên xinh. Quyên lên xe buýt. Những cặp mắt đổ dồn về phía Quyên, hau háu. Quyên kiêu hãnh vênh mặt lên, bước và ghế ngồi và kín đáo nhìn xuống bàn chân to bè của mình. Cô thoáng mỉm cười mỉa mai và lật đi lật lại hai bàn tay cũng to không kém.
Chiếc xe buýt đi qua một đoạn đường cong. Quyên khẽ nhổm người nhìn lên phía trước rồi thong thả đứng dậy để chuẩn bị xuống. Bỗng chiếc xe tăng tốc cua thật nhanh. Quyên vừa đứng dậy, không vịn vào đâu nên mất đà ngã đâm sầm vào thành xe. Cả xe ồ lên nhìn Quyên một cách thú vị. Không sao, chẳng đau đớn gì… Quyên thản nhiên đứng dậy và loay hoay với đôi guốc cao gót để giữ thăng bằng. Bỗng “rầm” thêm phát nữa, Quyên đập mặt vào cánh cửa xe buýt. Gã soát vé lắc đầu, mỉm cười.
Đến điểm, Quyên bước xuống đường với một tay ôm lấy mặt. Chiếc xe lao vút đi, Quyên choáng váng đứng lặng bên đường. Bên ngoài khu thể thao Mĩ Đình về trưa khá vắng vẻ. Quyên cố gắng nhìn quanh. Trước mặt cô chỉ có một người đàn ông chừng 35 tuổi với đứa con gái khoảng 5 tuổi đang ngồi trên xe máy như chờ đợi ai đó. Xung quanh Quyên, những người đi đường đang vội vã qua lại.
Quyên cảm thấy lành lạnh trong những kẽ ngón tay. Cô từ từ bỏ tay ra khỏi mặt và đưa mắt nhìn: Trong lòng bàn tay cô đầy máu. Máu đỏ tràn qua các kẽ tay và nhỏ xuống đường, tạo thành những giọt hình hoa thị. Quyên mờ mắt, lập cập bước lên vỉa hè. Hai bố con gã đàn ông nọ vẫn ngồi yên trên xe máy. Gã nhìn Quyên thương hại. Đứa trẻ thì tò mò giương mắt lên nhìn Quyên rồi sợ hãi gục đầu xuống tay lái. Gã đàn ông chép miệng rút cái khẩu trang từ trong túi ra và đưa cho Quyên.
- Cầm lấy mà lau máu đi.
Quyên lờ mờ nhìn thấy bàn tay gã đang chìa về phía mình. Quyên với tay lấy chiếc khẩu trang, lắp bắp cảm ơn rồi lau sạch máu trong tay và trên mũi. Nhưng máu vẫn chảy không ngừng. Quyên nhăn mặt, ngồi bệt xuống đất để thở và bưng chặt lấy mũi.
- Bị sao thế?
Gã đàn ông hỏi, không rời khỏi xe. Quyên mở mắt ra và ngước lên nhìn gã.
- Đập mặt vào xe buýt.
- Sao không bắt đền chúng nó?
Gã vừa làu bàu vừa rút ra một điếu thuốc lá, bẻ làm đôi rồi vẫy tay bảo Quyên.
- Lại đây, tôi cho điếu thuốc mà cầm máu.
Quyên gượng đứng dậy, đi sát lại chiếc xe của gã. Gã cắm hai nửa điếu thuốc vào hai lỗ mũi Quyên rồi nói như ra lệnh.
- Ngồi tạm xuống đất, ngửa mặt lên trời cho máu nó đỡ chảy. Mà sao điên thế, đập mặt vào xe buýt thì phải tóm lấy cái lão lái xe ẩu ấy chứ… Có sao không, có bị đau đầu không?
Quyên ngồi xuống, người bắt đầu run lên, nhưng vẫn lắc đầu tỏ ý không sao.
Một người công an rất trẻ, chắc chỉ mới ngoài hai mươi tuổi đang phóng xe máy đi tới. Người công an dừng xe ở chỗ Quyên và vồn vã bước xuống xe, hất đầu hỏi người đàn ông.
- Anh làm gì chị ấy thế?
- Làm gì? Tôi thấy người ta bị nạn thì tôi giúp chứ làm gì? Anh không tin thì hỏi cô ta xem.
Người công an nghi hoặc nhìn gã rồi cúi xuống.
- Chị có sao không?
Quyên lắc đầu. Hình ảnh của người công an xoay tít mù trước mắt. Người công an đứng thẳng dậy và chống tay.
- Anh thấy người ta bị nạn sao không đưa đi bệnh viện.
- Tôi bận. Anh là công an, anh đưa đi đi.
Gã trả lời rồi thản nhiên đội cái mũ phớt lên đầu. Quyên nhìn người công an chờ đợi… Nhưng… anh ta đã không nói gì nữa, ngồi lên xe máy và phóng đi mất. Gã đàn ông cũng chỉnh lại tư thế ngồi cho đứa con và lẩm bẩm.
- Đi nào, đi đón mẹ nào.
 Rồi gã cũng lao xe xuống đường. Quyên thất vọng cúi mặt xuống, lại nhìn bàn chân to bè của mình. Bàn chân của cô gái Mường từng lẫm chẫm quanh các mũi kim tiêm mà bọn nghịên ngập vứt lên vùng đất kinh tế mới. Quyên mỉm cười chua chát và cố đứng dậy. Mẹ kiếp, cô lẩm bẩm, đầu gối khuỵ xuống và cô đổ sầm xuống đường. Và chính lúc ấy thì Quân xuất hiện.
 
2. Đấy là câu chuyện của mấy năm trước, khi Quyên còn là một học viên tạo nguồn của trường đại học sân khấu điện ảnh. Khi tôi quen Quyên thì Quyên đã là sinh viên chính thức, mà lại đỗ vào ngành oai nhất trường: ngành biên kịch. Ai cũng bảo chuyện này thật lạ. Cả đời Quyên có lẽ không động đến cái bìa quyển sách chứ đừng nói đến việc mày mò học tập. Năm đầu tiên, Quyên thi vào diễn viên, trượt. Lớp học tạo nguồn chỉ là cái cớ để Quyên không phải về nhà mà trụ lại Hà Nội với mỗi tháng hai triệu tiền trợ cấp từ bố mẹ. Với chúng tôi, được tiêu mỗi tháng bảy tám trăm nghìn là sung sướng lắm rồi, nhưng Quyên lại được những hai triệu… “Như thế bõ bèn gì?”, Quyên thường nói. Bố Quyên chạy xe ôm, mẹ Quyên mở một quán nước nhỏ ven thị xã Hoà Bình, nhưng thực chất, bà là tay ôm đề có hạng. Quyên là người dân tộc Mường nhưng từ bé đã quen với những câu chửi tục, những kim tiêm, những hình ảnh gái lẳng lơ câu khách mà bố mẹ cô vẫn dắt mối hàng ngày. “Nó mất trinh từ năm tám tuổi, bị thằng xe ôm bạn bố nó thịt, mày tin không?” Giang Bớp hất đầu hỏi tôi khi chúng tôi đang ngồi với nhau và buôn chuyện về Quyên. Tôi lắc đầu. Tôi không biết về Quyên nhiều, nhưng tôi biết rõ Giang Bớp. Hai người họ ở cùng phòng, hay đi với nhau và hiểu rõ về nhau. Chính cái tên Quyên Mán cũng là do Giang Bớp đặt, rồi mọi người gọi mãi mà thành. “Quyên Mán, vì nó là người Mường. Mà mày nhìn xem, cái mặt xinh xinh của nó mang cái vẻ man man của núi rừng, dáng đi thì quỳnh quàng như đàn ông, lại đầu gấu như bọn giang hồ.” Giang Bớp giải thích như thế mỗi khi có ai đó hỏi về cái nicknam của Quyên. “Thế sao lại gọi chị là Giang Bớp”, tôi hỏi. “Vì tao lẻo mép, và vì tao ba bớp”, Giang Bớp cười hì hì, cái mặt vuông chữ điền và cái miệng cũng vừa to vừa vuông. Tôi vắt tay lên trán suy nghĩ. Tôi là sinh viên ngoan, giỏi giang. Quyên là người không ai nghĩ rằng có thể học được thì lại đỗ vào ngành biên kịch. Giang Bớp ở giữa, ai cũng chơi được và là tổ trưởng tổ buôn của cả trường. Khi chúng tôi có bí mật nào đó, chúng tôi vẫn thường hay doạ nhau: Tớ sẽ không nói bí mật của cậu cho nhiều người đâu, chỉ nói với Giang Bớp thôi. Nghĩa là chỉ cần Giang Bớp biết, thì ngay ngày hôm sau cả trường đều biết bạn có bí mật gì…
 
3. Tôi vẫn đang kể câu chuyện của Quyên. Khi Quân đưa Quyên vào đến bệnh viện thì Quyên gần như đã kiệt sức vì mất máu. Khi cô nàng tỉnh lại, Quyên nhìn thấy Quân quen lắm mà không nhớ là mình đã gặp ở đâu. Quân cười toe: “Lạ lắm à? Anh học diễn viên trong trường, gặp em trong kí túc xá luôn. Em không biết anh đấy thôi”. Quyên à lên một tiếng. Quân đẹp trai thật, trông lại trắng trẻo như gã công tử bột. Rồi họ yêu nhau, và sinh viên chúng tôi suốt ngày méo mặt nghe kể chuyện tình yêu của họ. Ba tháng sau ngày Quyên ra viện, Giang Bớp dẫn Quyên đến bệnh viện phụ sản để bỏ đi một linh hồn chưa kịp hình hài. Hai lần sau, Quân và Quyên tự dẫn nhau đến các trung tâm tư nhân để giải quyết. Chúng tôi rùng mình. Giang Bớp phất tay bảo: “Nó không sao, gầy một tí lại càng xinh.” Quả vậy, trông Quyên vẫn tươi rói và ngang ngược như thường. Tôi thường thấy lành lạnh sau gáy khi đứng đối diện với Quyên, với đôi mắt sắc sảo và man dại trên gương mặt trắng trẻo, gai góc của Quyên. “ Không sao đâu”, Giang Bớp vỗ vai tôi, “nó mất dạy với những đứa mất dạy, và sẽ tử tế với những người tử tế. Mày nói chuyện thử với nó thì biết à.” Tôi hơi ngập ngừng. Lân đầu tiên tôi nói chuyện với Quyên là khi tôi bị mất tiền. Tôi đang dò dẫm đi tìm thì gặp Quyên đi từ nhà tắm tập thể vào. Tôi hỏi: “Quyên có thấy tớ đánh rơi tiền trong nhà tắm không?” Quyên nhìn thẳng vào mắt tôi, nói rất khẽ: “Tớ không thấy, Vân Anh ạ” rồi đi qua. Tôi thở phào, quên mất chuyện rơi mấy đồng bạc. Tôi không nghĩ mình lại có thể dễ chịu đến thế sau khi nghe Quyên trả lời.
Lần thứ hai, khi thấy tôi đang mày mò ôm quyển truyện tranh, Quyên lân la đến cạnh và hỏi mượn rất tử tế: “Hay quá, Vân Anh còn cuốn nào không, cho Quyên mượn xem với. Quyên cũng thích đọc Đôrêmon lắm.” Tôi trả lời: “Trên giường trong phòng tớ ấy, cậu vào mà lấy.” Quyên cảm ơn tôi rồi đi thẳng vào phòng lấy cuốn truyện. Chị Linh phòng tôi gọi giật theo: “Mày vào không chào hỏi ai hả con kia?”. Quyên im lặng cầm cuốn truyện đi ra. Linh lẩm bẩm: “Đồ mất dạy”. Quyên quay phắt lại, trừng mắt lên và giáng bốp cuốn truyện vào mặt chị Linh. Hai người lao vào đánh nhau túi bụi, cả kí túc xá kéo nhau đến xem rầm rộ, bảo vệ lên lập biên bản cảnh cáo… Sau lần ấy tôi cứ áy náy mãi, nghĩ chỉ vì cuốn truyện dở hơi của mình mà họ đánh nhau.
Sự thật thì không phải vậy. Giang Bớp giải thích: Quyên nó cũng ghét con Linh lếu láo từ lâu rồi, đánh là phải. Đến thằng Quân mà còn choảng nhau với nó luôn nữa là… Chúng tôi há miệng ngồi nghe. Có hôm, những cái đầu thập thò ở các cửa phòng và nhìn ra cầu thang. Quyên mặc chiếc áo hai dây mỏng dính, chiếc quần đùi sát bẹn, mái tóc rối bù đang đứng chống tay gào lên như điên: “Thằng chó, mày dám nói tao như thế à?” Quân cũng không vừa, nhảy xổ đến trước mặt Quyên: “Mày oan lắm à? Con đĩ, mày ngủ với nhiều thằng như thế chỉ để lấy mấy bộ quần áo rẻ tiền thôi sao?” Quyên gầm gừ, tát thẳng vào mặt Quân: “Kệ tao. Tao ngủ với chúng nó còn có quần lót mà mặc, ngủ với mày, mày có xía cho tao cái gì không?” Quân lồng lộn lên và đi về phòng. Quyên bước loạng quạng, nằm bổ ra giường và khóc. Những cái đầu ở các cửa phòng vội và rụt vào… Họ giận nhau được hai ngày. Đến ngày thứ ba thì Quân mò sang làm lành trước. Quyên nằm quay mặt vào trong. Quân tò tò ngồi bên cạnh, ân cần: “Thôi mà. Cho anh xem vở em, xem em học hành thế nào nào?”. Quyên cười tủm tỉm: “Không phải xem, anh có phải là bố em đâu. Đến ông bà già em còn chưa bao giờ kiểm tra vở của em đâu đấy”. Quân làm bộ nài nỉ: “Anh muốn xem cho biết chứ, dẫu gì anh cũng là người yêu của em mà.” Quyên bướng bỉnh lắc đầu: Đã bảo không là không. Lời qua tiếng lại… Rồi nửa tiếng đồng hồ sau, Quân lại hầm hầm bỏ về phòng, Quyên lại lăn ra khóc. “Có chuyện Quyên ngủ với nhiều thằng thật không?”, tôi hỏi. “Có chứ, thằng Quân cũng cả tá con nữa là… Mà con Quyên dạo này bị cắt lương rồi, bố mẹ nó quên việc có nó trên đời rồi… nó kiếm mấy bộ đồ mới là điều dễ hiểu… Nhưng tao thấy nó cũng ngu lắm, xinh đẹp, lại trình độ đại học như nó thì chỉ cần khéo léo một chút, kiếm đâu chả được một đại gia… Thế mà phải tội nó lúc nào cũng tục tĩu bậy bạ, bố nào nó ngửi nổi, chỉ ngủ được với những thằng rẻ tiền thôi”. Tôi so vai, trùm chăn lại và thở mạnh. “Thế Quân và Quyên yêu nhau kiểu gì hả chị?”. Giang Bớp thản nhiên: “Mày biết mà, chúng nó dù sao cũng yêu nhau lắm. Có lần giận nhau, thằng Quân ốm, con Quyên vẫn chăm đến gầy rạc người đi. Mà bọn con trai nó tâm lí lắm, chỉ cần con Quyên vào phòng là chúng nó rút hết, thằng Quân không khoẻ mới lạ. Được như chúng nó, khối đứa thèm không được đâu em ạ. Chúng nó sống thật, bóc trần mình ra trước mọi người mà không giả dối gì. Lắm đứa còn be bét hơn nó, nhưng bên ngoài vẫn hay tỏ ra thiên thần là tao chúa ghét.” Tôi gật đầu, thấy Giang Bớp nói đúng quá.
Rồi Quyên có thai lần nữa, chẳng biết con ai nhưng Quyên đi lấy chồng. Không phải lấy Quân. Chồng của Quyên là con trai một của một gia đình buôn bán khá giả ở thị xã Sơn La. Vậy là đang học năm thứ ba thì Quyên bỏ học. Quyên đi phát thiếp mời với cái bụng bầu năm tháng và bộ mặt lạnh tanh như không. Quân phát điên lên. Ngày Quyên sinh con, Quân uống rượu say, ngồi với chúng tôi và đục ngầu đôi mắt. “Nó là con anh, con anh đấy, thằng bé ấy là con anh, anh sẽ lên tận Sơn La anh bắt nó về.” Quân lèm bèm sau khi tu gần hết năm chai rượu. Giang Bớp cười khẩy: “Mày có mà đón, bây giờ đằng sằng thằng Hoàng là bố nó thì thằng Hoàng được. Vàng rơi nhà ai nhà ấy hưởng, mà trộm vía, thằng bé xinh và ngoan như cục bột ấy”. Quân lừ mắt: Em là cục bột, nó cũng là cục bột, vậy thì nó phải là con em rồi. Chúng tôi ngán ngẩm đứng dậy ra về. Tự nhiên, tôi thấy tiêng tiếc cho Quân và Quyên.
Hoàng - Chồng Quyên là người học ít, trình độ lớp 9 và đi buôn với bố mẹ. Anh ta béo, cục mịch và quen thất bại khi đi buôn một mình mà không có bố mẹ đi kèm. Chính trong những lần đi buôn ấy, anh ta đã đến với Quyên và lại mang cho Quyên mấy bộ đồ. Khi Quyên mang thai, Hoàng cũng không khó khăn gì khi nhận nó là con của mình. Bố mẹ Hoàng thì hơi chua chát, chật vật mãi mới chịu cưới xin cho. Mẹ Quyên thì khỏi nói, vui mừng hết sức: Con này nó đĩ từ trong trứng rồi, vớ được thằng Hoàng khác gì mèo mù ăn cá rán. Chúng tôi không ai nói gì, và cũng không biết Quyên nghĩ gì. Chỉ biết, khi thằng bé được hơn một tháng tuổi, thì số lần Quyên và Hoàng đánh nhau cũng bằng số ngày họ sống chúng với nhau. Bố mẹ Hoàng khinh Quyên ra mặt. Và, đúng khi thằng bé con đươc một tháng 10 ngày thì Quyên bỏ về Hoà Bình. “Mà không phải đi xe ô tô đâu nhé, nó sợ say xăng nên bắt xe ôm đi luôn từ Sơn La về Hoà Bình mới máu chứ”, Giang Bớp hoa chân múa tay kể. Rồi cái miệng vuông vức của Giang Bớp cũng đến tai Quân, Quân gọi điện cho Quyên ngay lập tức. Vậy là về Hoà Bình được một ngày, Quyên lại bắt xe ôm và đưa con xuống Hà Nội để gặp Quân. Quân hí hửng ôm lấy thằng bé và hôn chùn chụt vào mặt nó. Của đáng mừng, thằng bé giống Quân như đúc. “Rồi tối hôm đó chúng nó đi hát karaoke mày ạ, thằng bé mới hơn một tháng ngồi giương mắt lên trong phòng hát. Nhưng chuyện này còn thú vị hơn cơ, Quân và Quyên dắt nhau vào nhà nghỉ. Bố mẹ cứ việc chiến, thằng nhóc nằm cạnh cứ hoa chân múa tay rối rít.” Chúng tôi lăn bò ra cười.

4. Nửa năm sau đó, chúng tôi đều đã ra trường. Tôi gặp lại Giang Bớp trong một chiều rất bụi bặm. “Em biết tin gì chưa? Ngày kia Quân và Quyên cưới nhau đấy”. Tôi tự nhiên sáng mắt lên: “Thật hả chị? Vậy là nó li dị được với ông Hoàng rồi à?” Giang Bớp cười phớ lớ: “Được chứ sao không, vừa mới bỏ xong tháng trước. Chuyện hay lắm. Khi ra toà, thằng Hoàng đòi con Quyên bồi thường.” Tôi trố mắt: “Bồi thường gì?”. “Bồi thường vì đã lấy con Quyên, thế mới ngố. Thằng Hoàng bảo với quan toà: Tôi đã lấy phải một con điếm, nên tôi phải được bồi thường. Toà đang không biết nói sao thì con Quyên đã đứng dậy: “Thưa toà, tôi có là con đĩ tôi mới lấy nó”. Giang Bớp vừa kể vừa đưa ra cho tôi một tấp thiệp cưới. “Rồi sao hả chị”, tôi vẫn tò mò. Giang Bớp lắc đầu: Thì đến thế là hết chứ ai nói được gì nữa. Thôi, ngày kia có đến được thì đến với nó cho vui nhé. “Yêu như thế mới là yêu chứ” – Tôi kết luận và thầm ước ao một điều gì đó. Và hôm qua, khi tôi đứng trước cổng hãng phim truyện thì thấy gia đình Quyên dắt tay nhau đi qua. Thằng bé lẫm chẫm đi giữa bố mẹ, trắng trẻo và dễ thương. Tôi không muốn gọi, mà chỉ đứng lặng lẽ nhìn theo họ cho đến khi học đi khuất.

Nguyễn Hoàng Vân Anh.
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 20242:46 SA(Xem: 2277)
Đôi tình nhân đã có một thời 20 hoặc 30 năm… / Họ, dường như khó hoặc là (!)nhận ra nhau. / “Xin lỗi cô, tôi không cố ý!” / Sự gặp nhau trên bãi tắm . Họ đang bơi và vô tình va chạm nhau.
07 Tháng Hai 20244:36 SA(Xem: 2214)
em gở vòng tay đêm, choàng dậy / những tia chớp đuổi nhau / tiếng sấm gầm, tiếng bầu trời nổ tung / nghìn hạt thuỷ tinh đen / mưa tháng chạp /
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 3058)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 4016)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 3690)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 3331)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
06 Tháng Hai 202410:00 CH(Xem: 2416)
BÊN BỜ AO- Khuyết danh - Trần C. Trí chuyển ngữ
18 Tháng Giêng 20248:59 CH(Xem: 2675)
PHÂN ƯU / Nhận được tin buồn / Cụ Bà : PHẠM THỊ SỰ / Pháp danh Quảng Diệu Nhẫn / Sinh ngày 7 tháng 3 năm 1935 tại Mỹ Thi, Đà Nẵng, Việt Nam / Đã tạ thế ngày 12 tháng 01 năm 2024 / (Nhằm ngày 2 tháng 12 năm Quý Mão) / Hưởng thượng thọ 89 tuổi.
17 Tháng Giêng 20243:42 CH(Xem: 4520)
“Thế là Tết 1999, lần đầu tiên tôi được bước vào ngôi nhà mà tôi không biết rằng sau này tôi sẽ thường xuyên tới. Mang tới một bó hoa lớn, cầm tờ ghi địa chỉ trong tay, tôi mò mẫm tìm. Khác hẳn suy nghĩ của tôi, ngôi nhà khá rộng rãi, khang trang, lại mang hơi hướng Tây hóa. Thấy tôi, mọi người ai cũng vui vẻ tiếp đón. Trùng hợp là Tết năm đó có cả em dâu cùng cháu trai bên Đức cũng về Việt Nam thăm họ hàng. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han về cuộc sống, những vấn đề vấp phải trong xã hội, và kết thúc bằng tiết mục karaoke tại nhà để chào đón một năm mới đầy niềm vui, thành đạt hơn. Ngày hôm đó qua đi nhanh đến nỗi mà tôi gần như không còn nhớ gì đến nó.” (Phạm Ngọc Lương)
04 Tháng Giêng 20249:03 CH(Xem: 3142)
CHIA BUỒN / Nhận được tin trễ / Văn Thi Sĩ / Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn / từ trần vào ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại Nam California / HƯỞNG THỌ 87 TUỔI