- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vấn Đề Tài Liệu Nghiên Cứu Việt Sử (phần 3)

10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 91928)

 

320666_tunnel_0_300x200_1

Phần III.

G. TÀI LIỆU VIỆT:

Ngoài tài liệu Trung Quốc, sử quan Việt cũng sử dụng một số tư liệu trong nước.

Có 2 loại: truyền thuyết (cổ tích, tiểu sử các thần hoàng và văn miếu) và dã sử hay tác phẩm của các văn gia.

 

1. Truyền thuyết:

Truyền thuyết được sử dụng nhiều nhất cho phần Huyền sử hay Thượng cổ sử, tức từ thuở sơ khai tới thời Hùng Vương và Thục Phán. Truyền thuyết gây nhiều tranh luận sôi nổi là truyện Lộc Tục lấy Âu Cơ, sinh ra một bọc 100 trứng (đồng bào), nở ra trăm con trong phần “Ngoại Kỷ” của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Cả Ngô Sĩ Liên và Ngô Thời Sĩ, trong Việt sử tiêu án, đã nhận hiểu sự “quái dị” của đoạn huyền sử trên, nhưng vẫn chép lại vì thiếu sử liệu, hoặc vì tin rằng vĩ nhân thời tiền sử “khác với người thường.” Ngoài ra, Ngô Sĩ Liên còn dẫn truyện Liễu Nghị của Trung Quốc làm ấn chứng về liên hệ “đời đời làm thông gia với nhau đã lâu” giữa Động Đình Quân và Kinh Xuyên hầu biện hộ cho cuộc nhân duyên giữa Kinh Dương Vương Lộc Tục, con cháu Thần Nông thị, và Thần Long, con gái Động Đình Quân, rồi sinh ra Lạc Long Quân.( Toàn Thư [Giu 1967], tr. 59-60) Nhưng vua Tự Đức chỉ cho chép từ đời Hùng Vương vào phần Tiền Biên của bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, dĩ nghi truyền nghi truyện trăm trứng, trăm con giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ, vì nó quái dị, chẳng khác gì những ma trâu, thần rắn của huyền sử Trung Quốc trong Sơn Hải Kinh, Lã Thị Xuân Thu, hay Hoài Nam Tử (như Thần Nông mặt người, mình trâu; vua Vũ đi trị thủy, lấy người con gái họ Đỗ Sơn làm vợ, bốn ngày sau thì sinh ra Khải; Đỗ Sơn thấy Vũ hóa thân làm gấu, xấu hổ hóa đá, Vũ đòi lại con, đá bỗng nứt ra cho Khải trở lại trần thế với cha).

Xin lược kê một số truyện ma trâu, thần rắn khác của cổ sử Trung Quốc:

Bàn Cổ: Vua thứ nhất của Trung Hoa. Tương truyền, Bàn Cổ đã dựng nên Trời Đất, rồi đến Tam Hoàng là Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng (?)

Mẹ Phục [Bào] Hi [2852-2739 TTL] đi tắm sông, đạp vào dấu chân người khổng lồ mà mang thai ông quốc tổ của Trung Hoa này.( Thông Giám tập lãm, I:1; dẫn trong CM,TB, II:15n2)

Mẹ Kim Thiên [Thiếu Hạo, 2597-2512 TTL] là Loa Tổ cảm nhiễm ánh sao ở bờ sông Hoa chữ mà mang thai.

Mẹ Cao Dương [Xuyên hay Chuyên Húc, 2513-2435 TTL] cảm sao Dao mà sinh ra vua (kiểu Mẹ Đồng Trinh).

Khánh Đô, vợ Đế Cốc, giao cảm với con Rồng đỏ mà thụ thai Đế Nghiêu [Yao ti. 2356-2258 TTL].

Giản Địch, vợ Đế Cốc, một hôm cùng em gái đi tắm ở Huyền Khâu; bỗng có chim én ngậm trứng bay qua và làm rơi một trứng; bà Giản Địch nuốt trứng ấy rồi có thai sinh ra ông Tiết [Khiết], làm quan Tư đồ cho vua Thuấn (Shun ti, 2255-2208 BC). Tiết [Khiết] giúp vua Vũ [Yu, 2205-2179 TTL] (nhà Hạ) trị thủy có công, được phong đất Thương (nay là huyện Thương, tỉnh Thiểm Tây), tức thủy tổ của nhà Ân-Thương [Shang, (1766-1154 TTL), ở phía Bắc Trung Hoa, đồ dùng bằng đồng, phát minh chữ viết]. (Shih Chi, XIII, tờ 7a; CM, TB (Sài Gòn), II:15]

Khương Nguyên dẵm phải dấu chân người to lớn mà có thai, sinh ra Hậu Tắc, làm quan đại nông đời vua Nghiêu (2356-2258 TTL), được phong ở đất Thai (nay là huyện Vũ công tỉnh Thiểm Tây), tức là thủy tổ nhà Chu (Chou hay Zhou, 1122-255 TTL). (Shih Chi, XIII, tờ 7b) [Lại có sách ghi tích này liên hệ đến vua Phục Hi].

Những sự tích Mẹ Đồng Trinh sinh con (có tác giả gọi là The Virgin Birth) này đầy rẫy trong sử sách Trung Quốc.

 

Qua thế kỷ XX những người chỉ trích, như Nhượng Tống, cho rằng Ngô Sĩ Liên đã mang thần thoại Mường vào sử Việt để làm vừa lòng Lê Lợi, vốn xuất thân từ xứ Mường (Lam Sơn). Nhiều người đồng ý rằng truyện 100 trứng, 100 con giống như, nếu không phải lấy từ, truyền thuyết “Mo đẻ đất, đẻ nước” của người Mường. (Nguyễn Linh, “Về sự tồn tại của nước Văn Lang;” NCLS [Hà Nội], số 112 (7/1968), tr. 19-32). Mới đây, có tác giả còn cho rằng truyện 100 trứng, trăm con giống như truyền thuyết Cẩu chủa chang vừa của người Tày.

Lại có người cho rằng Ngô Sĩ Liên đã dựa theo Lĩnh Nam Chích Quái (1377?) của Trần Thế Pháp, do Vũ Quỳnh hiệu đính (1492). Như truyện Hồng Bàng thị, Phù Đổng thiên vương (Uy Vũ miếu), Chử Đồng Tử, v.. v... Ngoài ra, Ngô Sĩ Liên có thể lấy thêm một số chi tiết trong Việt Điện U Linh (ca 1329) của Lý Tế Xuyên, ghi chép về các vị thần miếu, thần sông, thần đất, v.. v.... (Xem thêm Gaspardone, “Bibliographie annamite;” BEFEO, số 34 (1934), tr. 126-30)

Hiển nhiên sử quan Ngô Sĩ Liên đã mang truyền thuyết vào phần Ngoại Kỷ của quốc sử. Đây không hẳn là một lầm lỗi đủ để bị chỉ trích là “khỉ sư.” Truyền thuyết hay huyền thoại được coi như sử truyền khẩu [oral history], không thể gạt bỏ vội vã mà nên được nghiên cứu và lượng giá. Truyền khẩu sử còn rất quan trọng với một dân tộc không có sử thành văn như cổ Việt.

[Ngay đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, quốc sử Việt Nam vẫn chưa gột hết được tính chất huyền thoại. Những thành phần trung gian bản xứ hợp tác với Pháp, tiếp tay quân viễn chinh Pháp chiếm đóng Việt Nam từ năm 1858 tới năm 1945–kể cả tập đoàn thông ngôn Petrus Key, Nguyễn Trường Tộ, Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, v.. v...– được ngợi ca, cung văn không tiếc lời. Hồ Chí Minh cũng được phong thánh với đủ loại thần rắn, ma trâu như “cha là một nhà nho yêu nước, không cam tâm phục vụ giặc Pháp;” từ năm 15, 16, Hồ đã bỏ học để đấu tranh chống Pháp; rồi đi tìm đường cứu nước từ cảng Sài Gòn bằng nghề phụ bồi tàu; tự mình tìm đến đất Nga; trọn đời không lấy vợ, sống độc thân, để phục vụ cách mạng, v.. v... Ngày nay, thì ai cũng rõ Phớ bảng Nguyễn Sanh Huy, cha Hồ Chí Minh (tên thực Nguyễn Sinh Côn), từng làm tri huyện đất Bình Khê, năm 1910 đánh chết người trong một cơn say nên bị cách chức, rồi lưu lạc vào Nam Kỳ; năm 1911, vừa tới Marseille, cậu Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) vội vã làm đơn xin vào trường Thuộc Địa Pháp (Ecole coloniale), hay đường ... kách mệnh là một chuỗi những năm tháng hoạt động tình báo cho Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, v.. v... (Xem Chính Đạo, Hồ Chí Minh, 1892-1969: Con người & huyền thoại, 3 tập) Nhà văn Dương Hùng Cường, qua truyện phiếm “Nếu Chàng Trương Chi đẹp trai,” đã có dịp luận thêm về những huyền thoại lấy thân mình cản pháo ở Điện Biên Phủ, v.. v.... (Xem Tướng Về Hưu [Houton, Văn Hóa: 1991]) Về đường vợ con thì nào là người vợ gốc Hoa năm 1927, nào là “Fan Lan” Nguyễn Thị Vịnh, Đỗ Thị Lạc. [Rồi mới đây còn có tin đồn con hoang của bà Nông Thị Zếnh cũng là sản phẩm cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 2001, tôi đã đề nghị nên dùng “lối thử nghiệm DNA” để biết rõ trắng đen, nhưng chắc Hà Nội chẳng bao giờ thực hiện. Đáng lẽ ông Nông Đức Mạnh nên âm thầm làm thử nghiệm DNA để biết rõ sự thực, hơn lối trả lời lưng chừng “chúng ta ai cũng là con cháu Bác Hồ.” Ít lâu sau, ông Nông Đức Mạnh khai cha họ Nông, mẹ họ Hoàng. Đó là chưa kể những chiến công “vĩ đại” của Võ Giáp (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp), nhưng chỉ có trên danh nghĩa; việc bày mưu, định kế, cung cấp tin tình báo, vũ khí, đại pháo, tiếp vận và chỉ huy đều trong tay cố vấn Trung Cộng dưới quyền chỉ huy của những Trần Canh (Chiến dịch biên giới, 9-10/1950), Vi Quốc Thanh (Điện Biên Phủ, 1953-1954, v.. v..)]

 

2. Dã sử:

Dã sử là một nguồn tài liệu quan trọng. Dù là dã sử, các tác phẩm trên có giá trị khá cao, vì đa số tác giả đều văn hay, chữ tốt, hoặc thuộc những gia đình có truyền thống văn học.

Dùng cho giai đoạn tiền-độc-lập, còn các sách biên soạn từ thời nhà Lý (1009-1226), nhà Trần (1226-1400). Từ giai đoạn nhà Hậu Lê (1428-1527) trở về sau, tức thời Trung Cổ, có Dư địa chíỨc Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi; Đại Việt thông sử, hay Lê triều thông sử của Lê Quí Đôn [30 quyển, từ Lê Lợi (1418) tới Lê Cung Hoàng (1522-1527); nhưng hiện chỉ còn đời Lê Thái Tổ. Đặc biệt, có nhiều chi tiết về nhà Mạc (1527-1592)]. Học giả Lê Quí Đôn cũng còn các bộ Vân Đài Luận NgữPhủ Biên Tạp Lục rất giá trị, phản ảnh kiến thức nho gia vào hạ bán thế kỷ XVIII, cùng những sử liệu về nhà Tây Sơn. Ngoài ra, còn Việt Sử Tiêu án của Ngô Thì Sĩ; Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái; Đăng Khoa Lục của Nguyễn Hoan; Đăng khoa bị khảo của Phan Huy Ôn; Ô Châu Cận lục của Dương Văn An; Cao Bằng Lục của Phan Lê Phiên, Lịch triều tạp kỷ của họ Cao [Ngô Cao Lãng] tại Ái châu [Thanh Hoa] và con là Siển Trai (Gaspardone, (1934), tr. 1-167 at 75)], v.. v....

Đời nhà Nguyễn thì có Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, Quốc Sử Di Biên của Phan Thúc Trực, v.. v... Thời Pháp thuộc (1858-1945) thì có rất nhiều tài liệu dã sử. Các tên tuổi quen thuộc có Petrus Key, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Phạm Quỳnh, v.. v...

 

H. TƯ LIỆU KHẢO CỔ:
Từ đầu thế kỷ XX, việc nghiên cứu sử học Việt Nam được thêm một nguồn tư liệu mới. Đó là tài liệu khảo cổ học. Loại tài liệu này khiến vào đầu năm 1979, có người đã hân hoan viết trên báo Nhân Dân (Hà Nội): “Lật đất lên, bốn ngàn năm lịch sử.”

Trước hết, phải nhấn mạnh, tài liệu khảo cổ học, hay những di tích khảo cổ, cực kỳ quan trọng trong việc tái dựng dĩ vãng; nhất là giai đoạn huyền sử. Một xã hội nào cũng trải qua những hưng phế, dời đổi, do tai ương thiên nhiên như bão, lụt, hỏa hoạn, động đất, hay chiến tranh tàn phá. Chỉ nguyên việc nước biển gia tăng trên dưới 100 mét từ trước đến nay, cơn hồng thủy vào khoảng năm 4,000 TTL, hay việc bồi đắp các đầm lầy, cửa biển bằng phù sa, chưa nói đến việc con người dời núi, xẻ sông khiến xã hội và cư dân không ngừng biến đổi. Ngành khảo cổ bởi thế giúp người nghiên cứu dựng lại được phần nào đời sống tiền nhân, qua những di tích về nhà cửa, thành quách, đồ dùng, dụng cụ cày cấy ruộng vườn, vũ khí, hay tế lễ.

Công trình khảo cổ tại Việt Nam chỉ khởi đầu từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chúng ta ai nấy đều đã nghe về trống đồng Đông Sơn, Hòa Bình, hay những di tích tại Ốc Eo, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), v.. v...

 

1. Sơ lược về thuyết tiến hóa:

Ngày nay, ai cũng đã rõ trái đất của chúng ta nằm trong thái dương hệ (tức một chùm những hành tinh xoay quanh một định tinh là mặt trời). Thái dương hệ này chỉ là một trong hàng triệu hệ khác trong vũ trụ, mà đa số các nhà khoa học cho rằng đã tạo lập từ 15 tỉ tới 10 tỉ năm trước.

Trên trái đất của chúng ta, theo những nhà dân tộc học chủ trương thuyết tiến hóa, có 2 loại người tiền sử: Homo sapiens và Homo sapiens sapiens.

a. Homo sapiens xuất hiện khoảng 7-5,000,000 TTL.

Tại Phi Châu, có 3 loại người tiền sử:

(1) Australopithecus: 4-3,000,000 TTL, tuyệt chủng.

(2) Homo habilis: 2,500,000 TTL, sống thành từng bầy, hái lượm thực phẩm, chia nhau ăn.

(3) Homo erectus: 1,750,000 BC, bắt đầu tràn qua Âu và Ấ châu. Biết dùng lửa, và ngôn ngữ sơ khai.

b. Homo sapiens sapiens [xuất hiện giữa 500,000-50,000 TTL]: giống loài người hiện nay.

Dấu vết của người tiền sử là các dụng cụ sinh hoạt thường ngày, chỗ cư trú như ngọn cây, hang động, nhà cửa, thực phẩm và tế tự (nghi lễ, tôn giáo). Người ta đã khám phá ra các di tích chỗ ở lợp gỗ của người tiền sử ở Nice, Pháp, vào khoảng 400,000 TTL. Tới khoảng 200,000-30,000 TTL có loại người Neanderthal ở Châu Âu, Phi châu, Trung Đông và Trung Á, với các dụng cụ như đồ đập (vồ, búa). Ngoài ra, còn có người Peking (Bắc Kinh) xuất hiện vào khoảng 500,000 TTL với các di tích tế lễ. Bởi thế, trong cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ và dân tộc học Tây phương bắt đầu đi tìm dấu tích người tiền sử tại Á châu nói chung, và Việt Nam nói riêng.

Cách làm việc của họ dựa theo những mẫu (mô thức) xã hội, phân loại, và định tuổi thông dụng ở Tây phương. Thí dụ như trước năm 10,000 TTL, người tiền sử đã biết dùng đồ đá, gọi là đồ đá cổ. Từ 10,000 tới 6,000 TTL, các dụng cụ thuộc về thời đá giữa. Từ 6,000 tới 3,000 TTL là thời kỳ đá mới, khi người tiền sử biết chế biến, mài đẽo đá thành các dụng cụ tinh vi, chuyên biệt cho việc mưu sinh hàng ngày (có người gọi là cuộc cách mạng đồ đá, đánh dấu thời điểm con người bắt đầu chinh phục để làm chủ thiên nhiên và môi sinh). Từ khoảng năm 4,000 TTL, tại vài nơi dân cư đã biết sử dụng đồ đồng. Sau đó, từ khoảng năm 2,000 TTL có nơi đã chế tạo đồ dùng bằng sắt.

Do khác biệt về kinh nghiệm sống, kiến thức và môi sinh, niên đại của các thời kỳ đá, đồng và sắt thay đổi tùy theo vùng được khảo cứu. Các nhà khảo cổ áp dụng hai lối phân tích: xếp hạng và nghiên cứu từng dụng cụ, và nghiên cứu, so sánh toàn thể các dụng cụ trên tại mỗi “di chỉ cư trú” (tức một khu vực như thôn, xã hay nghĩa địa, v.. v...).

 

2. Thời đại đồ đá:

Tại Việt Nam, thời đại đồ đá cổ còn di tích trên 10,000 năm TTL Người ta tìm thấy ở núi Đọ số lượng khá lớn lưỡi rìu sơ kỳ (cleavers hay hachereaux) đồ đá cũ. Tuy nhiên, bị hoài nghi vì thật khó định tuổi những dụng cụ bằng đá quá cổ (do ảnh hưởng của thời tiết và thời gian, thường gọi là weathering). Ngoài ra, chưa tìm được đồ dùng thời đá cổ trung kỳ và hậu kỳ. (P. I. Boriskokii, “Viet Nam in Primevial Time;” Soviet Anthropology and Archeology (Moscow), Vols. 7, 8 & 9 (1968-1970; “Bình luận ý kiến của Per-Sfrensen [Sorensen] về địa điểm sơ kỳ đá cũ Núi Đọ;” Khảo Cổ Học [Hà Nội], (1981), số 4, tr. 11-4).

Tại làng Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú, phát hiện một số dụng cụ đồ đá. (Phạm Văn Kỉnh, “Văn hoá Sơn Vi”)

Tại Việt Nam, có khá nhiều di tích thời Đồ đá mới sơ kỳ (Early Neolithic Period, 6,000-3,000 TTL), tức đồ đá mài (song song với việc trồng trọt và nuôi gia súc tại các vị trí cố định).

Dấu tích thời “Đồ đá mới” (xuất hiện vào khoảng 5,000 TTL) tìm thấy ở Hòa Bình và lưu vực sông Hoàng Hà [Huanghe]. Dụng cụ đồ đá mới xuất hiện nhiều nhất tại Bắc Sơn (6095( 60 B.P.) và Quỳnh Văn (4730 ( 75 B.P.). (R. B. Smith và W. Watson, Early South East Asia, (New York: Oxford Univ. Press, 1979), tr. 120). Đó là công cụ hình hạnh nhân, hình dĩa của dân sống trong hang động. Mặc dù có trình độ chế biến cao, vẫn là đồ đá lớn (megalith), không có đồ đá nhỏ như ở Âu châu (ngoại trừ Indonesia). [Giả thuyết: Phải chăng vì người tiền cổ dùng tre, nứa?] Có dấu hiệu trồng trọt, nhưng chắc chỉ trồng củ.

Đồ đá mới [hậu kỳ] [Late Neolithic Period] được phát hiện tại Quỳnh Văn năm 1963 (khác với rìu Bắc Sơn). Cư dân có thể đã biết trồng trọt. Chế tạo các đồ gốm thô [Mansuy cho rằng người Indonesian du nhập vào].

Đồ đá mới, hậu kỳ, thấy ở Phùng Nguyên (xã Kinh kệ, huyện Lâm thao, tỉnh Phú Thọ). (Lan & Kỉnh 1968, tr. 36)

Theo Phạm Văn Kỉnh, trong thời tiền kỳ đá mới người Việt bắt đầu trồng những loại củ (tuber plants) và có thể lúa dại (wild rice). Vào thời hậu kỳ đá mới bắt đầu có trồng trọt, như tại Quỳnh Văn, nhưng căn bản vẫn là săn bắn và hái, lượm trái cây. (“Vài ý kiến về một số vấn đề khảo cổ học trong quyển Kinh tế thời nguyên thủy ở Việt Nam;” NCLS, số 136 (1/1971), tr. 45-52, 64).

 

3. Thời đại đồ đồng:

Từ khoảng năm 4,000 TTL, dân Sumnerian dùng những bảng đất sét để vẽ những hình (hoa văn) tại Mesopotamia, thung lũng sông Tigris-Euphrates (Trung Đông hiện nay). Dân Sumnerian sống tại các thành phố lớn như Eridu, Uruk, Nippur, Kish, và Lagash. Tổ chức quanh các đền thờ với các giáo sĩ. Đồng ruộng được tưới bón bằng hệ thống dẫn thủy nhập điền. Đã biết dùng thuyền buồm, xe có bánh.

Tại cổ Việt, thời đại đồ đồng phát triển chậm hơn vùng Trung Đông (hiện nay). Theo Hà Văn Tấn, thời đại đồ đồng gắn liền với văn hoá Phùng Nguyên (Kinh kệ/Lâm thao/Vĩnh Phú, 1480-1280 TTL), khai quật năm 1959-1960. Sau đó một số di tích khác ở Vĩnh phú (Gò Mun [1215-975 TTL], Đồng Dậu [1220-1020 TTL]) và Hà Tây. Ngoài gần 70 trống loại Heger I, người ta còn tìm thấy hai lưỡi cuốc có vai [shouldered hoe] bằng đồng tại Bú Trăn, khoảng 17 cây số Tây Bắc Vinh. (Smith và Watson, Early South East Asia, 1979, tr. 126, 127, 128, 129, 130, 131, 133). Sau định lại niên đại vào khoảng 2,000-1,500 TTL (hậu kỳ thời đá mới), xếp thành “thời đồng thau.” (Lê Văn Lan cho rằng đó là cuối thời đá mới, đầu thời đồng thau. Tuy nhiên, nên nhớ nhược tiểu, chậm tiến, định niên đại rất phức tạp) Việc trồng trọt và nuôi gia súc mới phát triển qua việc phát hiện những lưỡi cày bằng đồng.

[Xem thêm Lê Văn Lan, “Tài liệu khảo cổ học và việc nghiên cứu thời đại các vua Hùng;” NCLS (Hà-nội), Bộ 124, số 7 (7/1969), tr. 52-79; Lê Văn Lan, “Về tục hỏa táng ở thời đại của các vua Hùng;” NCLS, số 132 (5-6/1970), tr. 74-80; Lê Văn Lan và Phạm Văn Kỉnh, “Di tích khảo cổ trên đất Phong châu, địa bàn gốc của các vua Hùng;” NCLS, Bộ 107, số 2 (2/1968), tr. 34-46].

 

Đồng thau: làng Thọ Xuân, thị xã Việt Trì; Gò Mun, Thanh Đình, Phú Hậu (Phú Thọ); Phượng Cách (Hà Tây); Văn Điển (Hà Nội). Đa số là di chỉ cư trú (Phùng Nguyên, An Đạo, Yên Tàng, Văn Điển).

Các di chỉ đều nằm trên đồi hoặc gò cao (vùng trung du) [lưu ý: mực nước tăng lên sau đại hồng thủy]

 

4. Thời đại đồ sắt:

Từ khoảng 2,000 TTL, các xã hội tân tiến bắt đầu dùng đồ sắt. Tại cổ Việt, theo Hà Văn Tấn, đồ sắt tìm thấy ở Đông Sơn (C-14 định tuổi vào khoảng từ 350 tới 285 TTL) và gò Chiên Vậy ở Hà Sơn Bình (khoảng 400 TTL). (Smith và Watson, Early South East Asia, 1979, tr. 131). Lưỡi cuốc sắt [iron hoe] có lẽ nhập cảng từ phía Bắc. Nếu tin được sử Trung Quốc, một nguyên cớ đưa đến việc Triệu Đà tự lập làm vua là Lữ Thái hậu không chịu bán đồ sắt cho Nam Việt.

[Xem thêm Diệp Đình Hoa, “Sơ kỳ thời đại đồ sắt ở nước ta và vấn đề Hùng Vương-An Dương Vương;” NCLS (4/1969)].

 

Những di tích khảo cổ khai quật được tại Việt Nam, Hoa Nam, và đặc biệt là Thái Lan (Non Nok Tha), vào những năm 1960 và đầu thập niên 1970 (Smith và Watson, Early South East Asia, 1979)–song song với sự tiến bộ của các kỹ thuật định tuổi di vật bằng Radiocarbon (C-14 phóng xạ), phương pháp tỉ đối Flour/Uranium/Nitrogen, hay các vòng tuổi của cây–khiến đảo lộn từ rễ gốc nhiều lối phân tích từ trước tới nay (như người Việt là Tàu lai (Olov R.T. Janse, Archeological Research in Indochina, 3 vols [Cambridge: 1947]), hay di cư từ Trung quốc xuống (Léonard Aurousseau đề xướng; Đào Duy Anh chế biến thêm với những hình khắc trên trống đồng, v.. v...); hoặc các dụng cụ được chế biến, nhất là kim loại, chỉ được nhập cảng từ ngoài vào (diffusionism). Người ta bắt đầu phác họa những thuyết về một chủng dân thật lớn ở Đông Nam Á, đã có mặt tại vùng này từ trước ngày mặt nước biển dâng cao từ 80 tới 120 thước như hiện nay. Như một hệ luận, thuyết di dân (như các dân tộc ở Đông Nam Á đã di cư từ Himalaya tới, hay ngược lại) bắt đầu bị thách thức và người ta đưa ra thuyết tiến hóa tại chỗ [local evolution].

Theo thuyết này, dân Bách Việt [Yue] có những nhóm đã sống đời người thuyền [boat people], cắt tóc ngắn và vẽ mình. Phần đông những nhóm Bách Việt tại vùng nam sông Dương Tử dần dần bị dân Hán đồng hóa, nhưng một nhóm dân Việt tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã thoát nạn mà lập nên dân tộc Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa dân Việt (Hồng Hà) là một sắc dân thuần chủng, mà đã có sự pha trộn với nhiều giống khác, kể cả người [ở cổ] Trung quốc. (William Meacham, “The Archeology of Hongkong;” Archeology, 33:4 (7-8/ 1980), tr. 16-23; “Local Revolution and Continuity in the Neo-lithic of South China: A Non-Nuclear Approach;” Current Anthropology, 18 (1977), tr. 419-40. Xem thêm Karl L. Hutterer, “An Evolutionary Approach to the Southeast Asian Cultural Sequence;” Current Anthropology, 17:2 (June 1976), tr. 221-42).

 

Các di tích khảo cổ tìm được cũng giúp đặt lại vấn đề niên biểu của nhà Hồng Bàng cùng các vua Hùng. Người ta đề nghị rằng các vua Hùng xuất hiện đâu đó giữa thời khoảng 1,500 tới 600 TTL.

Tuy nhiên, sử dụng tài liệu khảo cổ không dễ. Mục tiêu hoặc khuynh hướng chính trị của các nhà khảo cổ chi phối nặng nề các giả thuyết về giai đoạn tiền sử. Nên không có gì ngạc nhiên khi thấy thuyết di dân và nhập cảng thống trị các nghiên cứu trước Thế chiến thứ hai, trong khi thuyết tiến hóa tại chỗ chỉ bắt đầu thăng tiến sau ngày các thuộc địa cũ giành được độc lập.

Các di tích khảo cổ cũng chỉ là những dữ kiện chết; không có dẫn giải hay phê bình. Thật khó để suy đoán nguồn gốc thực sự (ai sáng chế) của các di tích khảo cổ, nói chi thể chế chính trị hay sự hình thành quốc gia [state formation].

Vấn đề sinh hoạt tinh thần cũng gây nhiều bàn cãi. Một đề tài gây nhiều tranh luận nhất là vấn đề tô-tem hay vật tổ. (Emile Durkheim, Les formes élémentaires de la vie religieuse [Những hình thái sơ đẳng của sinh hoạt tôn gíáo]). Victor Goloubew dựa theo hình vẽ [hoa văn] trên trống đồng Ngọc Lũ ra sức chứng minh rằng vật tổ của người Việt là “chim hậu điểu.” (“L'âge du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam;” BEFEO, XXIX [1930], tr. 28) Đào Duy Anh thì nghĩ rằng “tô-tem” (vật tổ) của người Việt là chim Lạc ở miền Giang Nam. (Cổ sử Việt Nam [Hà-nội: 1956], tr.86; dẫn trong Văn Tân 1959:15, 18)

Xem những hình thuyền chạm trổ trên thân trống đồng Ngọc lũ, người ta lại thấy rõ ràng đó là thuyền đi biển có cột buồm và bánh lái mũi. Những điểm ấy khiến chúng ta thấy rằng những người đúc trống ấy–người Lạc Việt–tất đã từng vượt biển. Những chim Hậu điểu ấy, người ta thấy khắc trên trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt. Tìm ý nghĩa chữ [Lạc, ] hay [Lạc, ] là họ, tức tên thị tộc của người Lạc Việt, chúng ta thấy chữ ấy chỉ một loài Hậu điểu ở vùng Giang Nam. Xã hội học cho chúng ta biết rằng các thị tộc ở xã hội nguyên thủy thường lấy tên các vật tổ mà đặt tên. Như thế thì chữ Lạc chính là tên vật tổ, tức loài chim hậu điểu mà chúng ta thấy hình dung trên trống đồng Ngọc lũ.”

 

Văn Tân bài bác lập luận này; thay bằng “rồng rắn”, “một loài bò sát,” (như cá sấu = giao long), sau chuyển thành “rồng” kiểu Trung Hoa. (tr. 24-5) Hà Văn Tấn, qua bài “Ý kiến trao đổi: trở lại vấn đề tô-tem của người Việt” cho rằng tô-tem vừa có chim Lạc, vừa có giao long. Chim Lạc khắc trên đầu thuyền để trấn áp gió. Giao long là cá sấu (trên búa Đông sơn nữa). (NCLS, tr. 66-79)

Cuộc bàn cãi, dĩ nhiên, sẽ chẳng bao giờ dứt.

Nhờ kỹ thuật định tuổi các di tích khảo cổ ngày một tân tiến, nhiều lập luận có vẻ khoa học của tiền bán thế kỷ XX (như đo sọ người) trở thành lỗi thời. Ngày nay, các nhà khảo cứu bắt đầu sử dụng phương pháp trắc nghiệm DNA (một hợp chất nucleic acid [gồm purines, pyrimidines, carbo-hydrates,phosphoric acid] chuyên chở đặc tính di truyền của tế bào) với mức chính xác rất cao.

Nhưng một số người, vì tín ngưỡng hoặc vì thành kiến, vẫn phủ nhận thuyết tiến hóa và các nghiên cứu khảo cổ học. Tin tưởng vào thuyết sáng tạo của Thượng đế (God hay Allah), cùng những cảnh giới gọi là thiên đường và địa ngục (mà Giáo hoàng John Paul II đã phủ nhận), đa số giáo mục và giáo dân với lòng cuồng tín Trung Cổ cực lực chống lại những điều mà họ mỉa mai là từ vượn lên người, hay duy vật. Trước viễn ảnh của khám phá mới về cloning [tái tạo], đang có khuynh hướng tân-Gallilei [neo-Gallileism]tân Tòa dị giáo [neo-Inquisition] để ngăn chặn bước tiến của khoa học.

 

I. TƯ LIỆU TÂY PHƯƠNG:

Từ thế kỷ XVI, ngoài tư liệu Trung Quốc và quốc sử quán Việt, người nghiên cứu có thêm hai nguồn tư liệu khác. Đó là thư từ và báo cáo của các giáo sĩ, cùng những tay phiêu lưu mạo hiểm, kể cả thương gia Arab.

1. Giống như quốc sử quán Việt, hay tư liệu Trung Quốc, các tư liệu Tây phương không khách quan như những người tôn sùng phương Tây ngộ nhận.

a. Các nhà truyền giáo, chẳng hạn, chỉ nhìn đất nước và dân tộc Việt dưới mắt nhìn đầy tư tâm của sứ mệnh truyền giáo. Trang bị bằng các Thánh lệnh (Bulls) cho phép các đoàn thám hiểm và truyền giáo chiếm đoạt bất cứ vùng đất và hải đảo nào chưa thuộc quyền sở hữu của các vua chúa Ki-tô, tịch thu tài sản và bắt làm nô lệ bất cứ kẻ vô thần hay ngoại đạo [infidels], ác quỉ [evil-doers] nào không chịu nhìn nhận và tôn thờ Thượng đế Ki-tô, giấc mơ của các nhà truyền giáo chỉ có việc giương cao cây thập tự trên các nóc giáo đường bản xứ. [Xem Phụ Bản Phân Chia Thế Giới]

Những báo cáo về trung ương, thư từ trao đổi giữa các giáo sĩ với nhau, hoặc gửi đến các giới chức thẩm quyền thuộc địa cho thấy rõ sự thiếu khách quan này.

2. Những con buôn và các tay phiêu lưu Tây phương cũng vậy. Tư liệu của họ thường chỉ là những mắt nhìn hời hợt từ các boong tàu, pha trộn chút hơi hướng phiêu lưu mạo hiểm. Hoặc những lời cổ võ về sự giàu có, vàng bạc đầy đường, cất dấu dưới biển của các nhà cầm quyền bản xứ. Những câu chuyện hoang tưởng về thế giới của những giống người da tím, một mắt mọc giữa trán, cùng những cung điện nguy nga đầy châu báu, những con lộ cúi xuống nhặt được vàng một thời dấy gợi bao giấc mơ phiêu lưu mạo hiểm của tuổi trẻ lục địa Âu châu. Marco Polo với những ngôi nhà Nhật có mái lợp bằng bạc; hay các thương gia Arab với những kho vàng cất dấu dưới biển của các sultan [tiểu vương] Malay là một thí dụ khác.

[Theo Marco Polo, Polo tới Trung Hoa vào đời Hốt Tất Liệt (Qublai Khan, 1260-1294), ở lại đây 17 năm. Polo được Hốt Tất Liệt cho chu du khắp vương quốc, rồi bổ nhiệm làm Tổng đốc Yangzhou (Dương Châu). Về nước, viết cuốn Description of the World [Những Kỳ quan của thế giới] trong tù. Tự nhận được Hốt Tất Liệt cử làm sứ giả gặp Giáo hoàng Ki-tô ở Roma.

Một học giả Mỹ cho rằng Polo đã bịa đặt, chưa bao giờ đặt chân tới Trung Quốc, và tác phẩm của Polo chỉ tổng hợp những huyền thoại nghe được tại Persia (Ba Tư). (Frances Wood, Did Marco Polo Go to China? [Boulder, Colorado: Westview Press, 1996], 154 trang) Theo Wood, Polo không nói lên được những đặc thù của Trung Quốc vào thời gian này: Vạn Lý Trường Thành, súng bắn đá và thành Tương Dương, những món đồ sứ của thế kỷ XIII, tục ưa ăn ngon của người Hoa, đặc sản của Suzhu (Tô Châu), v.. v... Wood ví Polo như một thứ Herodotus (480-425 TTL), “người chưa từng đặt chân tới những địa danh mà ông ta mô tả và trộn lẫn giữa sự kiện với chuyện hoang đường.” (tr. 150)

 

3. Từ thế kỷ XVII-XVIII, các tư liệu Tây phương còn có thêm chút hương hoa của sứ mệnh khai hóa, hay “gánh nặng của người da trắng.” Bởi thế cuộc xâm lăng và chiếm đóng Philippines [Phi Luật Tân] từ năm 1578 của người Espania hay “An Nam” của Pháp từ năm 1858 chỉ nhằm mục đích “mở cửa cho người bản xứ vào thế giới văn minh.” Nên chẳng có gì ngạc nhiên, khi thấy sau ngày Philippines độc lập, tại nơi từng dựng tượng tôn thờ nhà thám hiểm Ferdinand Magellan–thuyền trưởng Âu châu đầu tiên muốn đi vòng quanh thế giới–dân bản xứ đã dựng một bảng đồng, với lời ghi chú: “Đây là nơi, ngày 27/4/1521, Lapulapu và chiến hữu đã đánh đuổi những tên xâm lược Espania, giết chết tên cầm đầu Ferdinand Magellan. Như thế, Lalupalu trở thành người Filipino đầu tiên đã đẩy lui sự xâm lược của Âu châu.” (Steinberg ed., In Search of Southeast Asia, tr. XI)

Tại Việt Nam, hàng triệu người phải hy sinh mạng sống hay bị phế tật, hàng chục ngàn làng mạc, ruộng nương bị tàn phá mới chấm dứt được giai đoạn “khai hóa” của Pháp. Nhưng người Việt rất độ lượng. Người ta vẫn tạc tượng thờ hay đặt tên đường phố để tưởng nhớ những Alexandre de Rhodes, v.. v... (Trong tương lai, có thể có tượng Puginier, Gauthier, Lefèbvre, Lê Hoan, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Petrus Key, v.. v...?)

 

Phụ Bản:

Các Thánh Lệnh Phân Chia Thế Giới

 

Các giáo hoàng đầu tiên của thời Phục Hưng [Renaissance] dùng thần quyền để phân chia những vùng đất “mọi rợ” mà Portugal và Espania bắt đầu đi xâm chiếm ở duyên hải Tây Phi Châu (1416) hay “lục địa đã mất” Mỹ châu (thập niên 1480-1490).

Đó là các Thánh lệnh (bulls): Dudum cum ad nos (1436) và Rex Regum (1443) của Eugene IV (1431-1439, 1439-1447 [antipope Felix V (1439-1447]); Divino amore communiti (1452) và Romanus Pontifex (8/1/1454) của Nicholas V (1447-1455), Inter caetera (1456) của Callistus III (1455-1458), Aeterni Regis (1481) của Sixtus IV (1471-1484); và nhất là những Thánh lệnh (Papal bulls) của Alexander VI (1492-1503) trong hai năm 1493-1494, như Inter caetera ngày 3-4/5/1493, Eximiae devotionis ngày 3/5/1493, và Dudum siquidem ngày 23[26?]/ 9/1493. (Inter caetera ngày 4/5/1493 in trong Corpus của Luật tòa thánh Ki-tô, tức the Catholic canon law). (Luis N. Rivera, A Violent Evangelism: The Political and Religious Conquest of the Americas [Chính sách truyền đạo bằng bạo lực: Cuộc chinh phục chính trị và tôn giáo châu Mỹ] (Louisville, Kentucky: Westminster/John Knox Press, 1992), tr. 24-5, 28-9; H. Vander Linden, “Alexander VI and the Demarcation of the Maritime and Colonial Domains of Spain and Portugal, 1493-1494” [Alexander VI và sự phân chia lãnh hải và thuộc địa giữa Es-pa-ni-a và Pooc-tiu-gơn, 1493-1494]; American Historical Review [AHR], Vol. XXII, No. 1 (Oct 1916), pp. 1-20; John Fiske, The Discovery of America, 2 vols (Boston: Houghton, Mifflin & Co., 1892), I:324-6, 454-68; Phụ bản B, II:580-93).

[Bartolemi?] Las Casas, trong cuốn Historia de las Indias, nói đến việc năm 1442, sau khi Antonio Goncalves mang vàng và nô lệ từ Rio del Oro (Phi châu) về Portugal, triều đình Portugal và Hoàng tử Henry the Navigator xin Giáo hoàng “Martin V” ban cho một thánh lệnh độc quyền chiếm hữu đất đai và nô lệ, và sau đó các Giáo hoàng Eugene IV, Nicholas V, Calixto IV đều tái xác nhận. (I:185) Thực ra Las Casas bị lầm lẫn đôi chút, vì Martin V (1417-1431) đã chết trước đó 11 năm, và chính Eugene IV ban Thánh lệnh buôn nô lệ. (Fiske 1892, I:325n1) Nhiều tác giả đã sao lại lỗi kỹ thuật của Las Casas.

Thánh lệnh ngày 8/1/1454, ban cho vua Portuguese tất cả những lãnh thổ khám phá ra “trong vùng đại dương tới những vùng phía Nam và Đông” mà các vua theo đạo Ki-tô chưa hề tìm thấy hay sở hữu. (Alguns Documentos do Archivo Nacional da Torre do Tombo [Lisbon: 1892], tr. 15-6; dẫn trong Linden 1916, tr. 12)

Thánh lệnh ngày 21/6/1481 của Sixtus IV lập lại những lệnh kể trên, và phê chuẩn hòa ước Alcacovas năm 1479 giữa Espania và Portugal. (Linden 1916, tr. 12n28)

Thánh lệnh của các giáo hoàng ban cho vua Ki-tô người Portuguese những “quyền” sau tại các vùng đất chiếm đóng được ở Africa: (1) chủ quyền lãnh thổ tại những vùng mới khám phá hoặc chiếm đóng; (2) quyền được giáo hội ban phép lành; (3) quyền thu thuế [tithes] tại những vùng đất mới; (4) quyền truyền giảng đạo Ki-tô; và (5) quyền bắt thổ dân làm nô lệ nếu “không trở lại đạo.” (Morales Padron 1979, 16; dẫn trong Rivera 1992:28).

Ngoại trừ điều khoản bắt thổ dân làm nô lệ trong các thánh lệnh trên, nội dung của bốn thánh lệnh mà Alexander VI ban phát (grant and donation in perpetuity) cho Espania cũng tương tự. (Leturia 1959:I:153-204, dẫn trong Rivera 1992:29).

Theo Manzano (1948, 8-28), Thánh lệnh trong hai ngày 3-4/5/1493 và [26?]/ 9/1493 như sau:

Thánh lệnh thứ nhất (Inter caetera ngày 3/5/1893) ban phát những vùng đất mới khám phá cho Espania;

thánh lệnh thứ hai phân chia vùng quyền hạn (jurisdictions) giữa hai vua Espania và Portugal để tránh tranh chấp (Inter caetera ngày 4/5/1893); và,

thánh lệnh thứ ba (Dudum siquidem ngày [26]/9/1493). nới rộng vùng đất ban phát tới Đông An (Oriental Indies), mục tiêu đích thực của phong trào thám hiểm và khám phá (tức hạn chế Portugal tại những vùng đã chiếm được trước năm 1492).

Do yêu cầu của vua Ferdinand V và Isabella của Espania, Alexander VI còn ban hành một thánh lệnh khác, Eximiae devotionis đề ngày 3/5/1493 [chỉ gửi đi vào tháng 7/1493 (Register 879:234)], nhấn mạnh hơn cả hai thánh lệnh Inter caetera ngày 3-4/5/1493 [đã được gửi đi từ tháng 4 (Register 775:42 verso) và tháng 6/1493 (Register 777:192 verso)], và tổng hợp nội dung của hai Thánh lệnh trên.

Khi vua John của Portugal chống lại bốn Thánh lệnh trên, thương thuyết giữa hai nước bắt đầu từ ngày 18/8/1493. Ngày 7/6/1494, Espania và Portugal ký Hiệp ước Tordesillas, sửa lại đường phân chia thế giới. Espania đồng ý nhượng cho Portugal xứ Brazil (Brê-ziêu); tức đường ranh giới thế giới dời về hướng Tây thêm 10 kinh độ (từ khoảng 36.30 Tây tới 46.30 Tây, tương đương với 270 hải lý), cách bờ Tây quần đảo Cape Verde khoảng 370 hải lý]. Giáo hoàng Julius II (1503-1513) chấp thuận hiệp ước này bằng Thánh lệnh Ea quae năm 1506.

Bốn thánh lệnh của Alexander VI—Inter caetera “ (3-4/5/1493), Eximiae devotionis (3/5/1493), và Dudum siquidem ([26?]/ 9/1493)—được in lại trong nhiều tác phẩm Espania, như Marin Fernandez de Navarrete, Colección de los viages y descubrimientos que hicieron por mar los espanoles, desde fines del s. XV, 2 tập (Buenos Aires: Editorial Guarania, 1945), 2:34-49, 467-468, và Casas 1965 (2:1277-1290). Bản dịch tiếng Mỹ có thể tìm thấy trong Fiske, 1892, Appendix B; và Frances G. Davenport, European Treaties Bearing on the History of the United States and Its Dependencies to 1648, 4 vols. (Washington: Carnegie Institution, 1917) (1:64-70, 84-100, 107-11).

Mặc dù vài tư liệu đã bị gọi một cách sai lầm là “bulls” (Thánh lệnh hay Thánh luật), như Manuel Gimenez Fernandez nhận định (1944, xiii), chúng tôi dùng chữ “Thánh lệnh” như thường dùng (thay vì sắc chỉ, vì thuật ngữ này không sát nghĩa).

 

Có 3 khuynh hướng diễn giải về vai trò của Giáo Hoàng và Giáo Hội: (a) Giáo hoàng chỉ là trọng tài trong cuộc tranh chấp Espania-Portugual; (b) Giáo Hoàng là chánh án tối cao giải quyết sự tranh chấp giữa Espania và Portugal; và (c) Giáo hoàng chẳng có quyền lực gì, chỉ chấp nhận một thực tế. (Linden 1916:2-3).

Manuel Gimenez Fernandez (1944), người nghiên cứu về thư từ của Giáo hoàng—trong cách diễn tả khá khác thường so với các sử gia Ki-tô Vatican người Espania—cho rằng có cuộc trao đổi (simoniacal exchange) giữa Alexander VI và Fernando [Ferdinand] V, để có được những cuộc hôn nhân đầy lợi lộc cho các con ông ta (his sacrilegious sons), đặc biệt là gã vô lại (the bastard) Juan de Borgia, Quận công xứ Gandia (lấy Maria Enriquez, em họ Ferdinand V). Tác giả nhận định: “Như vậy, Inter caetera ngày 3/5 chỉ là bước đầu của liên hệ gia đình giữa các vua Aragon và con hoang của Alejandro Borgia [Thus the Inter caetera of May 3 is, then, but the first stage of the kinship between the monarchs of Aragon and the favorite sacrilegious son of Alejandro Borgia].” (Gimenez Ferniindez 1944, 86-7)

Sau Alexander VI, Ki-tô giáo được Espania và các quốc vương Ki-tô khác sử dụng như ý thức hệ nòng cốt của chính sách thực dân, tức tiếp nối tinh thần “thập tự quân” mới: Di chúc của Nữ hoàng Isabel (1504), Luật Burgos (1512), Yêu sách [Requerimiento] (1513), Tân Luật [Leyes Nuevas] (1542), cuộc tranh luận tại Valladolid (1550-1551), các sắc lệnh về những xứ và thành phố mới khám phá dưới thời Felipe II (1573), và cuối cùng Bộ Luật về thổ dân [Compilation of the Laws of the Indies] năm 1680 dưới triều Carlos II.

Thánh lệnh của Alexander VI trở thành căn bản “pháp lý” của những cuộc chinh phục Mỹ và á châu trong thế kỷ XVI-XVII. Năm 1530, chẳng hạn, vua Joao III viết cho Đại sứ Pháp:

Tất cả những chuyến du hành thám hiểm trên biển và trên đất liền đều có cơ sở pháp lý [tức quyền sở hữu], căn cứ vào Thánh lệnh mà các Thánh Cha đã ban phát từ xưa . . . . dựa trên những pháp lý vững chắc, và vì thế [những vùng đất khám phá được] là tài sản hợp pháp của Ta và ngôi vua vương quốc [Espania], [chúng] đang yên ổn nằm trong quyền sở hữu của Ta; không ai có thể xâm phạm chúng trong lẽ phải và công lý. (Zavala (1971, 348) ]

 

Một số quốc gia Au châu không tán thành và không nhìn nhận những Thánh lệnh này. Năm 1540, vua Francis I của Pháp mỉa mai: “Ta sẽ rất hân hoan nếu thấy trong lời chứng của Adam có câu loại Ta khỏi một phần chia chác thế giới.” (Leturia 1959, 1:280). Jean Francois Marmontel, một nhà bách khoa tự điển Pháp, cáo buộc Thánh lệnh của Alexander VI là “tội ác lớn nhất trong số các tội ác của nhà Borgia.” (Hoffner 1957, 268)

Nữ hoàng Elizabeth I của Bri-tên cũng không dấu bất mãn, nhấn mạnh rằng

“Ta không thể tin rằng dân bản xứ là sở hữu hợp pháp của Espania, do Thánh luật của một giáo hoàng ở Rome, mà Ta không nhìn nhận quyền hạn về vấn đề này, và lại càng không tin hơn nữa rằng ông ta có thể ràng buộc các vua không thuần phục ông ta.” (Zorraqufn Becu 1975, 587)

 

1497: Vasco de Gama vượt qua Mũi Hảo Vọng.

1506: Francisco de Almeida thăm Sri Lanka (tức Ceylon hay Tích Lan), sau sát nhập xứ này vào đế quốc Portugal.

1508: Người Portuguese, Sequeira, tới Sumatra.

1510: Portugal chiếm Goa.

1511: Alfonso de Albuquerque (Portugal) chiếm Malacca (trên bán đảo Malaysia), một trung tâm truyền giảng đạo Islam và thương mại ở Viễn Đông (1400-1511). Từ đây, Albuquerque cử sứ đoàn qua Ayuthia (Xiêm) và Molucca (trong quần đảo Spice). Pháo đài Malacca trở thành trung tâm thù nghịch của các tiểu vương Islam lân cận. Cuộc chiến tranh chống Portugal kéo dài tới năm 1587, do vua Acheh [Achin], trên đảo Sumatra (Indonesia ngày nay) lãnh đạo.

Thương gia Islam dời xuống Brunei (Borneo), chọn nơi đây làm trung tâm truyền giáo. Một cuộc thánh chiến mới diễn ra khốc liệt tại vùng đất của hồ tiêu, dầu, và nhất là vàng.

1517: Fernam de Andrade tới Quảng Châu, Nam Trung Hoa. (Fiske 1892, II:183)

1521: Ferdenand Magellan, trong ước muốn đi vòng quanh thế giới bằng tàu buồm, đã phát hiện ra quần đảo “San Lazaro” (tức Philippines ngày nay). 27/4/1521: Lapulapu, chúa đảo Mactan, giết Magellan. 6/9/1521: Tàu Victoria về tới San Lucar de Barrameda (Espania), hoàn tất chuyến đi vòng quanh thế giới.

1524: Ruy Lopez de Villabodos cùng với 5 tàu và 370 thủy thủ từ Mexico vượt biển trở lại Philippines. Một giáo sĩ dòng Augustin, Andres de Urdaneta, cũng chỉ huy một chiến hạm.

1529: Hòa ước Saragossa giữa Portugal và Espania: Phía Đông Molucca 17 độ là thuộc Portugal.

1533: Theo sách Dã Lục, Y-nê-xu [Ignatio hay Ignace] giảng đạo Gia-tô tại xã Ninh Cường, Quần Anh, và Trà Lũ huyện Giao Thủy [Nam Dịnh]. (Theo L. Cadière, Gaspard da Santa Cruz tới Dàng Trong năm 1550).

1549 [1540?]: Ignace de Loyola thành lập dòng Jesuite (Jesus hay Tên) tại Espania.

1550 [1555?]: Theo Marcos Gispert [Giopert?], giáo sĩ Gasparde Santa da Cruz tới Đại Việt.

1555: Người Portuguese lập nghiệp ở Macao (Ấo Môn).

- Gasparde Santa da Cruz, một giáo sĩ Dominican Portugal, đến Lovek (Chân Lạp).

1563: 900 người Portuguese lập nghiệp, và hàng vạn người sinh sống tại hải cảng Macao. Từ ngày này, người Portuguese dùng Macao làm địa bàn buôn bán với cả Đàng Ngoài (Tonqueen) và Đàng Trong (Kauchin Chine, hay Cochinchine).

1564: Miguel Lopez de Legaspi (?-1572) lại mang một đoàn chiến thuyền từ Mexico tới chiếm đóng Philippines. 4/1565: Lopez de Legaspi chiếm Cebu, lập khu định cư đầu tiên.

1568 [Mậu Thìn]: Người Espania chiếm Manila, và từ tháng 5/1571 lấy Manila làm thủ đô của Philippines. Các “friars” trở thành nhà cai trị (và được vua Espania trả lương) tại các vùng nông thôn.

1578: Sebastian bị giết ở Morocco.

- Pedro d'Alfaro, dòng Francisco [Phanxicô], lập tu viện ở Philippines và Macao. 1580: Vua Espania, Philip II, gồm chiếm đế quốc Portugal. Từ ngày này, Manila và Macao là hai trung tâm truyền giáo lớn nhất.

1580: - Luis de Fonseca, người Portuguese, và Grégoire de la Motte, người Pháp, thuộc giáo hội Malacca, đến Quảng Nam(?) truyền đạo. Đuợc ít lâu bị Nguyễn Hoàng trục xuất. Fonseca bị giết; de la Motte bị thương nặng, rồi chết.

1581: Từ Macao, Linh mục Giovanni-Battista de Pesaro, gốc Italia, liên lạc với Mạc Mậu Hợp, xin qua giảng đạo. 1584: Bortholoméo Ruiz thuộc đoàn truyền giáo của d'Oropesa, gốc Espania, từ Manila đến Thăng Long gặp Mạc Mậu Hợp. Mang theo một phụ nữ thông dịch viên. Khi tàu Portuguese bỏ đi, chỉ có Ruiz ở lại. Giảng đạo bằng hình ảnh. Năm 1585, khi Ruiz rời Đàng Ngoài, chỉ rửa tội được một em bé sắp chết. (Hồng Lam & Cadière, 1944:102-3)

1/5/1583: Linh mục Diego d'Oropesa, cùng Bortholoméo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Montila, và 4 phụ tá, dòng Francisco, từ Manila qua Đại Việt. (Romanet du Caillaud 1915, tr. 34)

1583-1584 [1570?]: Lopo Cordoso và Joan Madeira tới Lovek. Vua Satha muốn nhờ Malacca chống vua Ayuthia (Xiêm) là Phra Naret.

1588: Hạm đội Espania bị thảm bại. Bri-tên, Pháp và Dutch bắt đầu giành giật thuộc địa của Portugal và Espania. Dutch đặc biệt chú ý đến á châu. Chiếm Jawa và Sumatra (Indonesia ngày nay).

1591: Theo Ordonez de Zevallos (Zeballos), trong cuốn Histoiria Y Viage del Monde [Lịch sử cuộc du hành thế giới], ông ta từng giảng đạo ở triều Hậu Lê, rửa tội cho công chúa Flora Maria [Mai Hoa]?, nhiếp chính đại thần của một ông vua mới 7 tuổi, nên bị trục xuất vào Đàng Trong. Tại đây, rửa tội cho Nguyễn Hoàng (sic!). (Romanet du Caillaud 1915, tr. 83-144). Theo Borri, đây là chuyện bịa đặt. (Hồng Lam & Cadière, 1944:100-1)

1592: Nhật: Tokugawa thiết lập hệ thống tập trung việc thương mại với các nước Ấ Châu, gọi là “Red Seals.”

1593: Blas Ruiz de Hernan Gonzales và Gregorio Vargas Machuca từ Manila tới Chân Lạp.

1596: Diégo Adverte, thuộc dòng Dominican Espania, tới Đại Việt. (Gosselin, 89)

- Người Dutch [công ty Vereenigte Oost-Indische Compagnie, hay VOC] tới Jawa.

1602: Sir James Lancaster thiết lập sở buôn English East India Company tại Bantam, phía Tây Jawa.

1607: Dutch chiếm quần đảo Moluccas.

1614 [Giáp Dần]: Jean de la Croix, người Portuguese, lập lò đúc súng ở Thuận Hoá. (Maybon & Russier, Notion d'histoire d'Annam).

18/1/1615: Hai linh mục dòng Tên gốc Italia, Francesco Buzomi và Diego Carvalho, cùng Antonio Diaz (Portuguese) và 2 người Nhật (Paul & Joseph) từ Macao tới Faifo. (Huồn 1965, I:46) Carvalho ở khu phố Nhật một năm rồi sang Nhật, chết ở đây (1624). Buzomi hoạt động ở vùng Cửa Hàn (cho tới năm 1639; (Khiêm 1959:46)

1617: Chúa Sãi trục xuất Buzomi và Pina. Hai người lén lút ở lại, lập thêm được họ đạo Nước Mặn ở phủ Hoài Nhân (Qui Nhân).

1618 [Mậu Ngọ]: Chúa Sãi cho phép giảng đạo lại. Giám mục Macao gửi thêm Pedro Marquez và Christoforo Borri, cùng một thuyền buôn nhiều hàng hoá tới “Cacchian” [Quảng Nam] và Faifo (Hội An). (Pinkerton 1811:IX:795-97; Lamb 1970:21). Theo Borri, thị trấn Faifo khá lớn; chia làm hai khu vực người Hoa và người Nhật. (Cochin-China [London:1633]; reprinted in 1970 by Da Capo Press, NY, tr. I-3)

1620 [Canh Thân]: Chiến tranh Bắc-Nam khởi sự.

2/1623: Dutch đánh phá sở buôn English East India Company tại Amboyna, Moluccas.1654 [Giáp Ngọ]: Dưới áp lực của chúa Nguyễn, người Dutch phải bỏ Faifo, tập trung ở Phố Hiến. (Lamb 1970:26)

12/1624: Thêm 5 cố đạo tới Đàng Trong. Trong số này có lẽ có Alexandre de Rhodes (1593-1660), 3 giáo sĩ Portuguese, 1 Italia, và 1 Nhật (Michel Marchi).

1645: Portugal chiếm Brazil của Dutch.

2/8/1650: Rhodes tuyên bố với Bộ truyền giáo Roma là cần ít nhất 300 giáo sĩ để cai quản 300,000 giáo dân, và mỗi năm tăng lên 15,000 người. Innocent X (1644-1655) đồng ý, cử Rhodes làm Giám mục Đại Việt, nhưng Rhodes từ chối. Sau đó Rhodes qua Pháp, tìm người đi Đại Việt. Chết ở Iran ngày 5/11/1660. (Huồn 1965, I:129)

1659: Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667) cử Francois Pallu (1626-1684) và Pierre de la Motte-Lambert (1627-1693) làm đại diện giáo triều Vatican tại Trung Hoa và vùng lân cận, một bước cơ bản cho việc thiết lập Hội truyền giáo hải ngoại Pháp vào năm 1663.

1659 [Tháng 9 Kỷ Hợi]: Sau cuộc làm loạn ở Cao Mại của tín đồ Ki-tô, Trịnh Tạc cấm đạo. Cho lệnh Onofrio Borgès, người Switzerland, phải triệu tập các cố đạo về Hà Nội, rồi trục xuất lên Macao, ngoại trừ Borgès và Tissanier, một cố đạo gốc Pháp. (Huồn 1965, I:123).

1663: Trịnh Tạc cấm đạo.

1715: Clement XI (1700-1721) cấm giáo dân dự lễ cúng Khổng tử và thờ kính ông bà tổ tiên, vì đó là dị đoan. 1742: Benedict XIV (1740-1758) ra sắc dụ Ex quo Singulari, lập lại giáo lệnh của Clement XI tuyệt cấm giáo dân dự vào lễ cúng Khổng tử và thờ kính ông bà tổ tiên, vì đó là dị đoan. [1939: Pius XII (1939-1958) ra dụ Summi Pontificus, cho phép tham dự những lễ nghi kể trên. (Huồn 1965, I:319) 1962: Công đồng II đồng ý. Nhưng chỉ áp dụng tại Việt Nam từ 1974]

 Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu
Copyrighted 2002, 2009; All Rights Reserved

(còn tiếp) 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 102268)
Tháng Ba của người lính ấy thật ra chỉ 11 ngày. Nửa đầu quyển sách là nhật ký hành quân giản lược của 10 ngày, mở ra với vài ngày tiên khởi của một cái vòng luẩn quẩn, tiến dần đến việc từng ngày, rồi từng giờ từng lúc.
19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 155815)
LTS . ...Dù lịch sử đã sang trang từ lâu, bài ký ức về Tướng Lê Nguyên Vỹ, cố Tư lệnh SĐ 5 BB–người đã chọn chết theo thành, và không nỡ bắt "con em người ta gửi gấm cho mình" chết oan uổng ở những giờ phút tàn cuộc của chiến tranh Việt Nam–là một trong những tài liệu hiếm hoi, có giá trị sử liệu. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu tác giả Triệu Vũ với quí độc giả. Tạp Chí Hợp Lưu
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 91674)
Đầu Xuân Kỷ Sửu (25/1/2009) tôi khởi đầu việc hiệu đính phần tư liệu lịch sử Việt từ đời Ngô (938-965) tới đời Nguyễn (1802-1945). Đây có lẽ là lần hiệu đính cuối cùng, và khá tốn thì giờ vì việc chuyển đổi từ lịch Ta qua lịch Tây.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 95164)
Phần II. Cần nhấn mạnh, mang quân xâm chiếm, chia ra quận huyện để đặt dân Việt vào “vòng lễ giáo” Hán tộc [ kiểu cho đào mộ tổ tiên Lê Lợi năm 1418 (Thông sử, 208 [truyện Trịnh Khả]), hay thiến hoạn thiếu niên Việt] , chỉ là hai trong những biện pháp lấn đất giành dân.
10 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 103377)
Phần IV II. VIỆC NGHIÊN CỨU THỜI CẬN ĐẠI (1800-1975): Giai đoạn trước 1975, việc nghiên cứu sử học đã có nhiều nguồn tư liệu hơn để làm việc. Tài liệu đáng tin cậy nhất, dĩ nhiên, là tài liệu văn khố. Nhiều nhà nghiên cứu sử học chuyên nghiệp đã sử dụng tài liệu văn khố Pháp, Mỹ và Liên Sô. Mới đây, văn khố Hội truyền giáo Hải ngoại cũng đã mở rộng, sau nhiều thập niên “cho người chết ngủ yên.”
23 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 93522)
Tập tài liệu được nói tới ở đây là một tập hợp những bài viết của “một số lão đồng chí đã từng công tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 50 của thế kỷ 20” theo lời của Nhóm biên tập sách viết trong Lời Cuối Sách vào tháng 12 năm 2001.
29 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 83406)
Căn phòng của Jacob ấn tượng tôi đến nỗi, tôi sợ phải đọc lại. Vì tác phẩm vượt mọi khuôn khổ, như có điện, từ trường, đến mức không còn liên quan đến sáng tạo tiểu thuyết. Trên những trang đầu tiên, bằng tất cả ngây thơ, người đọc bước vào tác phẩm không chút ngờ vực.
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 113161)
- Gửi Thức Tối hôm qua từ nơi cửa sổ phòng tôi tuyết xuống tuyết rơi trên những cành tùng có tiếng đập cánh rất khẽ của con chim trốn tuyết
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 110634)
Sao anh lặng im nhìn lên bầu trời Em thành dải mây bối rối Vì tinh tú tròn đêm trẩy hội Vắt xiêm y ngang cành táo trong vườn.
28 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 83794)
Lời người dịch:... Có lẽ không gì chính xác bằng nghe chính tác giả "In Cold Blood" trình bầy câu chuyện đằng sau việc thực hiện cuốn tiểu thuyết đã thay đổi bộ mặt văn chương và cả báo chí Mỹ vào giữa thế kỷ trước, đem văn chương (vốn trí thức, "tháp ngà") lại gần với báo chí (vốn bình dân, "trần tục") hơn, và ngược lại. Trùng Dương (12/2008)