- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mắt nhìn chín cõi

18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 90719)

 

vanhoc144-content

Tháng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.

Tôi không tin. Một nhà văn đích thật, tự nhiên sẽ quý văn người như văn mình.


“Không tin ư?” Bạn tôi nói. “Văn của Dương Nghiễm Mậu từng bị quăng vào sọt rác, thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng phải luồn cúi mới được đăng.”


Tôi xót xa, “Thế còn gì là văn chương?”


Cả ngày, tôi lan man thương cảm cho những ngòi bút đã mịt mùng trong quên lãng.


Bạn tôi “bồi” thêm, “Vì sao mà Đối Diện, Trình Bày, Ý Thức,… ra đời? Vì sao có những tên tuổi bây giờ lại chưa từng có mặt trên Bách Khoa, Văn Học, Văn,… thuở trước?”


Trong tích tắc, lòng tôi bỗng chùng xuống.


Rượu, tôi không uống. Xã giao, tôi không thích. Phe nhóm, tôi không ưa. Tôi thở dài, liều mạng tuyên bố một câu xanh dờn. “Được thôi. Vậy thì tôi sẽ viết để giun dế đọc.”


Qua ngày hôm sau, Văn Học email hồi âm. Ông Nguyễn Mộng Giác viết vài lời nhận xét và khen ngợi. Tôi hồi âm, kiệm lời, kiệm ý. Và tự răn mình trước những lời khen. Lời khen giống như một thứ rượu ngon, dễ quá chén.


Mấy ngày sau, hơn mười giờ tối, ông Giác gọi hỏi thăm. Giọng ông hòa nhã, vui vẻ. Ông tỏ ý thích những tư tưởng trong bài và nhắn nhủ mong có sự hợp tác dài lâu. Sau này, qua một vài người quen, tôi vở lẽ, ông gọi bất ngờ chỉ để kiểm chứng coi tôi có phải là phụ nữ thật không.


Năm 2001, tôi có dịp đi Cali và đến thăm “tòa soạn” báo Văn Học. Đó là căn nhà riêng của ông Nguyễn Mộng Giác. Đó cũng là căn nhà chung của giới văn nghệ sĩ. Ông Giác dẫn tôi đi loanh quanh xem góc làm việc của tờ Văn Học, chỗ garage làm kho chứa báo.


Với những người viết, sự gặp gỡ chỉ là cơ hội để kiểm chứng giữa văn và người. Bởi họ đã quen biết nhau qua tác phẩm. Nhưng Nguyễn Mộng Giác đã đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.


Cảm giác ngạc nhiên đầu tiên, ông là người đàn ông không đẹp trai. Nhưng càng nói chuyện, tôi càng bất ngờ. Bên trong cái bề ngoài thô ráp kia là một tâm hồn tinh tế, tỉ mỉ, sâu sắc và đẹp. Đẹp đến xúc động. Trí nhớ tôi bất chợt lui về trên những trang sách. Loáng thoáng, tôi bắt gặp vài nét quen quen trong những nhân vật của ông. Ông Giáo Hiến, Lãng, người tù cải tạo, anh chàng kéo vĩ cầm,… đều đang lẩn quất đâu đó.


Câu chuyện văn học lan man đủ thứ. Mỗi người góp một chút. Tôi im lặng ngồi nghe những khúc chắp nối, không đầu không đuôi. Có người ngắt một vài giai thoại trước 75, chị Chi kể một vài kỷ niệm khi anh Giác viết Sông Côn Mùa Lũ, ông Giác nói về giai đoạn khó khăn khi bắt đầu làm tờ Văn Học, và những khuynh hướng mới, những người mới trong giai đoạn sau này ở hải ngoại.


Khi câu chuyện bắt đầu lơi, mọi người quay sang nhận xét về tôi. Ông Giác tiên đoán, sau này tôi sẽ là một cây viết độc lập, không giống ai. Có nghĩa là, (ông giải thích thêm), tôi sẽ đứng một mình một cõi.


“Một mình một cõi?” Tôi lớ ngớ hỏi, “Cõi nào?” Lập tức, trong đầu liên tưởng ra những chủ đề mình đang viết.


Ông Giác nói, thông thường những người mới viết đều viết truyện về mình, sau mới viết về người. Tại sao tôi không viết về mình. Hay truyện tình, chẳng hạn. Tại sao không?


Tôi cười cười. Nói về mình? Truyện nhạt mất. Còn truyện tình. Là chuyện nhỏ. Ở mỗi một chuyện tình ngang trái đều có một cái gút. Cái gút ví như hòn sỏi nhỏ trong đôi giày. Tôi không hiểu sao, các tác giả thường bắt những nhân vật chính mang đôi giày đi một cách khốn khổ từ đầu tới cuối truyện.


Ông cười khuyên, vậy thì tôi nên viết truyện dài.


Thời gian sau, Văn Học giao cho nhà văn Cao Xuân Huy. Tôi không còn liên lạc với ông như trước. Thỉnh thoảng, tôi lục bài viết của ông, đọc đi đọc lại. Còn ông, cũng đọc những bài viết của tôi đăng trên net.


Hai năm sau này, thỉnh thoảng bạn bè ở Cali báo tin sang. Tôi mới gọi điện thoại thăm. Chị Diệu Chi kể sơ sơ về bệnh tình. Ông Giác bắt điện thoại. Ông lại nhắc tôi viết truyện dài. Giọng ông vẫn hăm hở. Hình như câu chuyện hôm nay vẫn đang tiếp nối cuộc chuyện trò của mười năm trước. Lời đồn quả không ngoa. Lòng đam mê văn chương đang thổi rốc lên một tia lửa, làm hồi sinh một thân xác đang suy tàn.


Vẫn biết “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?”, tôi khuyên mọi người, nhưng không khuyên được chính mình. Những vì sao trong văn học cứ rơi rụng dần.


Biết ông bệnh nặng, nhưng tôi không đi thăm. Không có người đàn ông nào muốn người phụ nữ thấy mình trong tình trạng đang suy kiệt. Tôi cứ ngồi nhà mà nghĩ tới ông, thì cũng được. Nói đúng ra, tôi muốn giữ hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác thời nào của tờ Văn Học. Một người trí thức điềm tĩnh, hiền hòa, mô phạm. Một ngòi bút sâu sắc, tinh tế, đầy nhân bản. Một phong cách điển hình cho văn nghệ sĩ Miền Nam. Một loại “thạch trung ẩn ngọc” phải lôi trôi, luân lưu theo thời vận.


Tin ông qua đời không làm tôi ngạc nhiên. Tôi chuẩn bị tinh thần đã nhiều lần trước đó. Dù vậy, vẫn không tránh khỏi sự xúc động. Xúc động đến lao đao. Mấy hôm nay ra vào, tôi cứ ngẩn ngơ.


Sau cái chết, linh hồn người ta đi đâu?


Lên thiên đàng? Xuống địa ngục? Hay lạc bước về đâu trong chốn vũ trụ khôn cùng?


Còn người viết, linh hồn của họ sẽ về đâu?


Tôi lên net, đọc lại bài 
Bầu Ơi, Thương Lấy Bí Cùng. Bất chợt, gặp ông sống dậy trong vai người tù cải tạo.

… Tôi cố giữ trầm tĩnh ngồi bó gối nhưng trong lòng như có ai đốt lửa. Nhà tiếp tân vắng dần. Bốn giờ 23, rồi bốn giờ 24 phút. Đúng 4 giờ 25 thì chuyến tàu chợ từ Sài Gòn lên xình xịch đỗ ngoài ga. Niềm hy vọng của tôi đây. Không dằn được nữa, cả tôi lẫn cụ thiếu tá đều đứng bật dậy dợm chạy ra nhà tiếp tân. Tôi đã không lầm. Lúc hồi kẻng báo hiệu giờ thăm nuôi đã hết uể oải điểm đều từng tiếng, tôi thấy mẹ và em tôi vội vã xách hai cái giỏ lát khá lớn chạy từ nhà ga vào cổng trại. Em gái tôi gầy gò, mẹ tôi già yếu, nên thấy dáng hối hả của hai mẹ con, tôi xúc động quá bất giác kêu lớn:


- Mẹ, con đang chờ đây!

Có lẽ tiếng gọi của tôi bị gió rừng bạt mất, vì tôi không thấy mẹ và em tôi quay lại. Anh vệ binh đứng tuổi mang kính râm giữ việc kiểm soát giấy phép đã đứng dậy ra về, toán thân nhân đến trễ đang bu quanh anh, nét mặt người nào cũng khẩn khoản, chới với. Họ năn nỉ gì đó, nhưng tôi thấy anh vệ binh cứ lắc đầu. Một bà cụ nắm tay anh nói một hồi. Anh ta chăm chú nghe, nhưng đưa tay lên xem đồng hồ, rồi cương quyết lắc đầu. Đến phiên mẹ tôi chen vào. Mẹ tôi nói gì tôi không rõ, chỉ thấy mẹ tôi vừa nói vừa trỏ về phía nhà ga. Có thể bà cụ đang đổ lỗi cho chuyến tàu chợ trễ nãi. Anh vệ binh vẫn lắc đầu. Nóng ruột quá, tôi liều lĩnh bỏ chỗ gốc sấu chạy đến khu thăm nuôi. Tôi nghe rõ mồn-một giọng Nghệ Tĩnh giận dữ tức tối của anh ta:

- … Các người còn muốn đòi gì nữa? Chồng con các người mang tội với nhân dân phải học tập cải tạo nhưng còn có ngày được về. Còn tôi đây này, nhập ngũ từ 1965, đi khắp các chiến trường cho đến lúc về ở cái xó rừng này, biết bao giờ tôi mới được về? Chồng con các người còn được tiếp tế giỏ này giỏ nọ. Còn tôi đây, vợ con không có đủ tiền gửi cho lấy một cái kẹo. Các người có dư tiền để mua vé xe lửa lên đây thăm nuôi. Vợ tôi biết tôi ở đây từ hơn hai năm nay, chưa thấy mặt tôi gần bảy năm rồi mà không có đủ tiền mua lấy cái vé xe hạng chót! Các người còn đòi gì nữa!

Nghe lén được mấy câu đó, tôi sững sờ đến nổi gai ốc. Tôi va đầu vào cái tường sự thật tàn nhẫn nên choáng váng. Người tôi ngây ngây, quên cả ý định lên tiếng để mẹ và em tôi trông thấy. Có lẽ các thân nhân đến trễ cũng có tâm trạng y như tôi, nên nghe anh vệ binh nói xong, họ tản ra hết. Đã nói đến nước đó thì nằn nì cũng vô ích, nên tôi thấy mẹ và em buồn bã xách đồ ra ga mà không biết phải làm gì. Cuối cùng tôi chỉ còn biết sợ! Tôi nháy mắt ra hiệu cho cụ thiếu tá hồi hưu, rồi se sẽ nép vào các gốc cây để trở lại chỗ cũ. Chúng tôi về trại tay không, lòng vừa buồn rầu vừa hoang mang thật khó tả. Anh vệ binh già cầm xấp giấy phép hướng dẫn chúng tôi vào. Nét mặt anh lầm lì, bước chân nặng nề, đầu cúi xuống. Chiều ở rừng buốt lạnh. Chuyến tàu chợ ngược về Sài Gòn xình xịch đỗ ở cái ga xép. Tiếng còi tàu khao khao hơi nghẹn. Cổ họng tôi cũng nghẹn. Buổi tối hôm đó tôi nằm riêng một góc không tham dự cuộc vui chung. Các bạn tưởng vì không được thăm nuôi tôi buồn, nên ân cần đem đến tận chỗ tôi nằm mời ăn hết thức này đến thức khác. Tôi cầm cho họ vui lòng, nhưng không thể nói hết lý do nỗi hoang mang của tôi.

Tôi tiếp tục được hưởng sự ân cần mời mọc của bạn bè suốt nửa tháng thăm nuôi còn lại. Thật ngược đời! Trong láng, tôi và cụ thiếu tá bảo an hồi hưu trở thành hai đứa trẻ được nuông chiều. Tôi ăn uống sang trọng phủ phê còn hơn cả những người được thăm nuôi đầy đủ. Nhưng “sự phồn thịnh ấy giả tạo” đúng như bài học chính trị chúng tôi học thuộc làu trong năm đầu. Lúc các thức ăn chơi đã cạn và trong giỏ xách từng người chỉ còn lương khô, thì ai ai cũng lo tính đến đường xa. Kỳ thăm nuôi sắp tới chưa biết lúc nào, sức mang, xách, khiêng, đội, gánh gồng của những người vợ héo hon những bà mẹ già nua những đứa em yếu ớt thì có hạn. Cho nên ai cũng phải dè xẻng tính toán từng mẩu bánh khô, từng nắm cốm dẹp. Không muốn ích kỷ cũng phải đâm ra ích kỷ. Tôi trở lại sống nghèo đói đúng 100% nghĩa đen giữa đám bạn bè tương đối đầy đủ. Tinh thần tôi còn sa sút hơn trước. Không còn sự bình đẳng trong thiếu thốn nữa, nên tôi và cụ thiếu tá thui thủi một mình, mỗi lần thấy ai mở giỏ lương thực hoặc nấu nướng thứ gì, phải tìm cách lánh đi chỗ khác để họ khỏi khó xử. Và thành thực hơn, phải nói thêm là để đỡ thèm thuồng! Đã thế hình như ban quản giáo ỷ y vào đồ thăm nuôi nên lặng lẽ rút bớt tiêu chuẩn cấp phát xuống. Tôi đói mà không kêu ca than van với ai được! Kêu ca với các cán bộ hoặc vệ binh ư? Lỗi tại mẹ và em tôi đi trễ chứ đâu phải tại tổ chức! Than van với bạn bè thì có khác nào xin khéo để buộc họ bố thí. Cụ thiếu tá đã trên 60 ăn uống nhỏ nhẻ và giỏi chịu đựng như đã từng chịu đựng cuộc đời 60 năm dài. Còn tôi, sức tôi còn trẻ. Tôi cần ăn nhiều. Tôi mới 24 tuổi. Nhưng lấy gì bỏ vào mồm bây giờ?


Đọc tới đây, tôi đâm ra thương anh tù trẻ này quá đỗi. Trong lúc đói tới hoang mang mà vẫn coi nhân cách nặng hơn cái chết. Con người hơn con vật chỉ vì cái cách ăn.


Nhưng điểm nhất của bài này là ở câu kết. Cái đoạn sau kể về một đêm tối canh rẫy bắp. Người tù và kẻ canh tù chạm trán trong khi “ăn cắp” bắp. Dù bắp do chính tay mình trồng. Cả hai cùng “giành quyền làm chủ ngang xương”


… Bầu ơi, thương lấy bí cùng.


Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

…Từ lâu, tôi vẫn nghĩ lẩn thẩn: không biết người nghệ sĩ nào đặt ra hai câu ca dao đó, có tiên đoán tác phẩm của mình về sau lại được sử dụng vào hoàn cảnh oái oăm như thế không? Tôi nghĩ rằng có, vì đôi mắt nghệ sĩ có thể nhìn suốt chín cõi. Kể cả cảnh hai chúng ta lén ăn bắp nướng, phải không?


Đóng trang sách lại. Bây giờ thì tôi tin, sau khi chết, người viết sẽ lại trở về giữa những dòng chữ của mình. Ví như một vì sao tắt, còn để lại trên bầu trời những dấu vết lấp lánh.


Sao ơi!


ntta


7/7/2012


Nguồn: http://damau.org/archives/25063

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 93048)
H ằng đêm tôi sống trong lo sợ. Chung quanh tĩnh lặng, tối ám đến hoang mang. Gió lộng đánh phần phật trên các cánh cửa. Cứ độ giữa đêm, tiếng chân thình thịch đến từ xa, từng bước dẫm nặng nề. Tôi thu mình, rúc sát vào vách. Tôi trong suốt trong màu mực của đêm, không nhìn thấy cả chính mình...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 117799)
t a đã nhiều năm xa tổ quốc nhưng nào tổ quốc có xa ta sờ tay lên ngực nghe còn ấm hơi thở cỏ cây ở quê nhà
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 92274)
P hật giáo đã đồng hành cùng dân tộc gần hai nghìn năm qua, có những đóng góp quan trọng không chỉ trong sự phát triển văn hóa dân tộc, mà còn trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước thời kỳ đầu quốc gia tự chủ vô vàn gian khó... nhận thức rõ hơn cái “nhiệm trọng đạo viễn” của mình trước đất nước và dân tộc, chứ không phải chỉ biết chăm chú xây chùa đúc tượng...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 119999)
T hì cứ gầm lên biển quê nhà Lòng ta vừa dậy sóng Trường Sa Sừng sững oai linh hề! Tổ-Quốc Truyền đăng, gờn gợn máu ông cha.
25 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 113801)
G ót giày đạp vào cái mặt một người một người yêu nước thân chăng bốn góc công an
20 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 88076)
N ói chung, người ta nghĩ đến giải nobel văn học cho Trần Dần. Tuy nhiên, Trần Dần còn có thể được xét tặng một giải nobel nữa: nobel hòa bình, nobel chính trị. Bài viết này đề xuất vấn đề đó.
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 118940)
A nh đã tới chỗ ấy Đã gặp vầng trăng mươn mướt của anh Nó ngồi đó, một mình, không cô đơn nhưng tràn trề tĩnh lặng Nó tự sáng hay em làm nó sáng
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 111719)
LTS : Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, nhà văn Quý Thể hiện định cư tại USA.Hân hạnh giới thiệu một trong những truyện ngắn như những nụ cười ý nhị của Quý Thể gởi đến quí độc giả và văn hữu của Hợp Lưu. TCHL
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 96723)
S au năm 75, cũng như bao nhiêu nhà văn khác, Hạc Thành Hoa bị rơi vào vùng hẫng hụt của những nghị quyết, bo bo, sắn mì… Cả bối cảnh xã hội và hoàn cảnh cá nhân đã đặt ông vào tình cảnh trì trệ, đầu óc khô cứng. Dẫu vậy ông vẫn cầm bút và tiếp tục viết, để cuối cùng cũng cho ra mắt độc giả 2 tập Phía Sau Một Vầng Trăng và Khói Tóc. Song thú thật, khi đọc tôi có cảm giác như thơ ông đã sắp ngừng hơi thở những cơn mộng mị đẹp, đối mặt với thực tế có phần khắc nghiệt hơn nhiều, bởi hoàn cảnh xã hội đã chọn chúng ta chứ chúng ta không có quyền chọn lựa gì cả. Cái quyền thiêng liêng bất khả kia giống như ngọn đèn cạn dầu, leo lét.
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 93724)
T ôi điếng người sau cú phôn. Phôn của anh bạn ở Portland. Phụng dính ung thư gan! Tôi loanh quanh chẳng biết mình đang làm gì và đang muốn làm gì. Có lẽ nào! Đang khi không bỗng trời ập xuống.