- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sông Xanh

31 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 109329)


song_xanh_2-content 
 
Căn bệnh kì lạ của ông ngày một nặng. Tôi vẫn mang bánh mỳ, sữa và vài ba can nước lên cho ông đều đặn. Vài ngày nữa là tôi phải chia tay với ông. Chuyến đi này có thể là mãi mãi.
Ông nằm trên giường, mỗi cử động của ông đều khiến chân giường kêu ken két. Những chiếc chậu cũ kĩ bày lộn nhộn. Mấy ngày nay không có mưa và nếu không phải tôi vô tình tới cái làng này thì rất có thể ông sẽ chết khô. Dân làng đã đi hết rồi.
- Hai ngày nữa là cháu đi rồi. Thật nhanh
- Cháu sẽ đưa đơn để làng ông có nước sạch.
Ông ho khan, những cục mủ lở toét ra. Căn nhà ông ở trên đồi. Từ cửa sổ hướng xuống là con sông đen. Sông đen, đó là cách gọi bây giờ.
Ông rót nước ra một cái chén rồi hất vào nhánh cây mọc ven nhà. Những nhánh cây khô đang mất dần sự sống. Nước sẽ tốt cho nó. Theo như những gì ông kể, từ mười năm nay dân làng đã bỏ đi hết. Con sông đã không dùng được. Căn bệnh của ông ngày một nặng. Những cục mủ đen ám muội đang huỷ diệt ông.
- Ông muốn kể cho cháu nghe về con sông.

Con sông này đã có từ rất lâu. Mỗi đứa trẻ khi mới sinh đều được người trong làng mang ra sông tắm. Có một câu chuyện huyền thoại. Ngàn năm trước nơi đây vốn là sa mạc. Không có người, không có cỏ cây, chỉ có nắng nóng và những con kên kên háu đói. Một ngày nọ, có hai cha con. Người cha sắp chết khát. Ông ta nằm bệt xuống cát, mắt nhám nghiền, có vẻ như cơ thể ông ta đã gặp trục trặc lớn. Người con thương cha quá nên đi tìm nguồn nước. Vô tình anh ta thấy có một vũng nước. Chỉ còn một vũng rất nhỏ và nó đang dần ngấm xuống cát. Anh ta lấy bát múc nước. Miếng nước chỉ đủ cứu một trong hai người. Anh ta đã cho cha mình uống. Ông ta uống rất nhiều, nước ngày càng tanh và khi thần trí ông ta trở lại minh mẫn ông ta thấy con mình đã chết. Chàng trai nằm dưới cát, chiếc bát nằm ngay đó, những giọt máu từ tay đang ngấm dần xuống cát. Ông ta gào lên và khi nước mắt ông rơi xuống, hoà vào máu cùng một giọt nước còn lưu lại trên vìa bát thì sa mạc bỗng biến mất. Chàng trai biến thành một con sông. Nước sông mát và có vị ngọt. Nó đã cứu sống tất cả. Đó chỉ là huyền thoại, không có ai kiểm chứng nhưng ai cũng tin. Con sông đó tên là sông Xanh. Ông vẫn rất nhớ, mình và đám trẻ trong làng thường đùa nghịch bên dòng sông đó. Nước sông ngọt và mát. Sông Xanh đi theo tuổi thơ ông. Nó cũng đã chứng kiến những nụ hôn vụng dại của đám trai gái trong làng.
 - Vậy tại sao nó lại trở ra thế này ?
 
Họ đã mờ mắt vì cái gọi là thành quả của những kĩ thuật tiên tiến. Lúc đó ông còn trẻ lắm và mỗi lần rượu vào là ông và bạn gái lại có một cuộc mây mưa điên cuồng. Ông làm tình chẳng suy nghĩ. Những lần vậy ông thường bị rượu chi phối, bạn gái ông thường phàn nàn vì ông quá mạnh tay và ông đành xin lỗi nàng bằng một cuộc mây mưa khác nhẹ nhàng hơn. Dù ông và nàng đã núp vào bụi rậm nhưng những cơ thể trần truồng đó vẫn không qua được mắt của sông Xanh. Sông nhìn thấy hết. Dù là ông hay một cặp tương tự. Những tiếng rúc rích và hàng loạt chiếc áo lót lất phất vắt trên cây là những gì sông Xanh có thể thấy được kể cả khi bóng tối đã đổ xuống làng.
Tiến bộ khoa học về làng. Ông lớn hơn và những gì ông hiểu cũng nhiều hơn. Dân làng đã có máy bơm nước, tủ lạnh. Ông trưởng làng tự hào vì làng đã theo kịp thời đại. Không còn cảnh đào giếng múc nước, không còn cảnh cầm xô ra sông xanh nữa. Sông xanh mờ đi và nhiều đứa trẻ lớn lên mà không được cha mẹ nó kể cho huyền thoại về sông xanh.
Ông trưởng thôn giơ tay giơ chân trước cuộc họp “ Chúng ta phải đi cùng thời đại. Phải công nghiệp hoá - Hiện đại hoá. Chúng ta phải cởi bỏ lớp vỏ tối cổ kia đi để khoác lên mình những bộ áo sang trọng.”
Những người tới họp, trong đó có ông đều nháo nhác. Mỗi người một ý nhưng chẳng ai nhắc tới con sông Xanh huyền thoại đó. Sông Xanh đang chết trong cái gọi là hiện đại, văn minh, tiên tiến. Có thể sẽ chẳng ai tin nhưng sông Xanh cũng có suy nghĩ đấy. Ông có thể nghe thấy tiếng than vãn của sông, chẳng ai nghĩ tới nó nữa nhưng sông xanh vẫn dõi theo từng bước phát triển của làng.
 Ông làm một chân trong làng, chỉ là tạp nham nhưng ông cũng có tiếng nói của mình. Sông Xanh đang van xin ông cứu nó. Thứ chất thải đặc sệt từ khu nhà máy đang tróc từng miếng vẩy của sông. Sông đau đớn và cần được giúp đỡ.
- Tôi nghĩ ông nên xem lại. Việc đặt nhà máy ở bờ sông có vẻ không ổn. Tôi nghĩ sông Xanh đang chết dần.
- Này anh bạn. Hãy nghĩ cho xa đi. Anh bạn được ăn ngon, mặc đẹp, được đi lại bằng những phương tiện hiện đại là do đâu. Là nhờ văn minh đấy.- Trưởng làng vỗ vai tôi nói – Sẽ còn nhiều nhà máy nữa. Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá. Đó là một công trình vỹ đại.
- Nhưng nó sẽ giết chết sông Xanh
- Có thành công thì phải có mất mát chứ. Cậu về đi, vài tiếng nữa tôi phải họp để mở thêm nhà máy luyện kim.

Mỗi đêm, khi đã yên trong giấc ngủ ông lại thấy tiếng nức nở của sông Xanh. Sông vẫn khóc và dường như trong làng ông là người duy nhất nghe được sự khẩn cầu này. Tôi dìu ông dậy, giờ đây ngay cả gió cũng có mùi thum thủm. Tôi phải chụp thêm một vài kiểu ảnh nữa. Nếu là trước, tôi sẽ rất vui mừng khi chụp được thêm những kiểu ảnh độc đáo này. Tôi sẽ có thêm chút ít để đi hộp đêm. Những bức ảnh này, chính xác, chân thực và dường còn mang hơi thở của cái chết.
Nước và lương thực mang theo đã gần hết. Tôi vốn định ở đây khoản năm ngày nhưng có lẽ tôi chỉ có thể ở thêm ngày nữa. Nơi ô nhiễm này sẽ đốt cháy sinh mạng tôi như đã làm với cả cái làng này vậy.
Sông Xanh đêm nào cũng khóc. Ông có thể thấy con mắt xanh màu bầu trời của nó đã ngả vàng, loài rô phi không còn thoải mái tung tăng như thuở nào nữa. Sẽ chẳng còn những cuộc tình vụng dại bên bờ sông. Đám trai làng, chúng không còn nhớ tới sông Xanh nữa. Tình yêu của chúng là trong các cuộc chat chít lăng nhăng và trên chiếc giường thơm mùi nước hoa trong những khu nhà nghỉ trá hình.

- Đây là thứ nước gì vậy ?
Trưởng làng hất cốc nước ông đưa cho xuống đất.
- Nước gì mà có mùi tanh lợm như vậy ?
- Nước của sông Xanh đấy. Sông Xanh bây giờ chỉ có thứ nước vậy thôi.
Ông lấy trong chiếc túi xách ra một bình nước. Ông rót ra cốc rồi mời trưởng làng uống. “Đây là nước sông Xanh ngày trước. Ông còn nhớ không, cái hồi chúng ta vẫn còn trần truồng đùa nghịch với sông.”
Trưởng làng cau mày, ông ta khìn khịt mũi rồi gạt tay. Cái hất tay khiến cốc nước rơi xuống đất. Chiếc cốc tuỷ tinh vỡ toang, nước tràn ra ngoài. Thứ nước dìu dịu, tinh khôi chảy lênh láng. Trưởng làng vỗ vai ông, bảo
- Hãy nghĩ xa hơn.
Mặt trưởng làng lạnh tanh, ông ta lấy chếc giẻ lau ở dưới gầm bàn, dúi vào tay ông “ Lau thứ nước bẩn kia rồi về vị trí của mình. Giờ giải lao hết rồi”
Ông chết lặng trong câu nói đó. Chiếc giẻ lau rơi khỏi tay ông lúc nào không biết. Ở đằng xa, những vũng dầu tanh tưởi vẫn chảy xuống lòng sông. Có lẽ đêm nay, sông Xanh sẽ lại tới tìm ông.

Những cái bụng trắng phếu bắt đầu trồi lên. Sông Xanh cầu xin ông giúp đỡ. Ông đã mủi lòng nhưng có lẽ ông vẫn phải bất lực. Trưởng làng, các cán bộ và những người dân mải mê với những khu công trình hiện đại cùng mớ thiết bị tân tiến đã rót vào túi họ những đồng polyme trơn nhẫy. Họ đã quên sông Xanh. Làng đã thành đô thị. Không còn cánh đồng, không còn những đống rơm, những con bò và những câu chuyện bông đùa mà mỗi người dân thường nói với nhau mỗi khi trên đồng về nhà.

Những cục mủ của ông lại vỡ ra. Chất dịch trăng trắng tràn ra ngoài. Ông nhăn mặt, tôi định lấy khăn lau giúp ông thì ông cản lại.
- Cháu hãy lấy giúp ta chiếc bình ta đặt trong chiếc chum sành ở góc bếp.
Căn bếp ông lộn xộn, những con nhện to bằng bàn tay nhởn nhơ bò trên những mành tơ. Bát, xoong, nồi mỗi thứ một nơi. Tôi bịt mũi và đi tới góc bếp. Thứ mùi ngăm ngẳm của gian bếp dù khó chịu nhưng chí ít vẫn hơn cái mùi nồng nặc của con sông. Tôi nhấc khối đá chẹn miệng sành lên. Có một chiếc bình sứ trong đó. Không phải bình, là một cái can thì đúng hơn. Một cái can trắng hình vuông và khá lớn. Tôi rờ tay vào mặt can, một cảm giác là lạ truyền ra. Tôi thấy sảng khoái như được truyền thêm sinh khí. Đây có thể là gì nhỉ, một thứ bảo bối ư ? Tôi lắc nhẹ, bên trong có tiếng ọc ạch. Là nước. Tôi ghé mũi ngửi thì thấy có một mùi lạ lẫm. Chẳng rõ có phải rượu không.
 Ông mở nút bình. Thứ mùi là lạ ngày một nồng. Ông nhìn chiếc bình rất lâu. Ông mở nút, miệng khe khẽ cười. Thứ nước màu xanh đổ xuống cốc đều đều. Ông đưa cho tôi “ Cháu uống thử đi”
 Tôi làm theo. Tôi nhìn rất kỹ cốc nước rồi mới uống. Nước có mùi thơm dìu dịu, nước trong tới nỗi tôi có thể nhìn thấy những vết xước nhỏ dưới đáy cốc. Và khi ghé miệng, thứ mùi đã chuyển sang ngòn ngọt. Ngụm nước mát và trong lành. Mùi thơm nhè nhẹ chảy vào huyết quản, thứ mùi lờm lợm trong không khí và ở cục mủ vừa vỡ ra không còn khiến tôi thấy khó thở. Cái cảm giác này thật kì lạ, nhè nhẹ, lâng lâng lại có chút khoan khoái. Tôi muốn tìm một từ nào đó để miêu tả nhưng khốn nỗi vốn hiểu biết của tôi quá nghèo nàn. Tôi không biết phải đặt câu ra sao. Nếu gã bạn già viết văn có ở đây có lẽ ông ta sẽ giúp được tôi.
- Đây là nước gì vậy ?
Ông dốc bình, chỉ còn một vài giọt nhỏ đọng ở đáy. Cái cốc bự con mà tôi vừa uống đã rút triệt để thứ nước màu xanh kì lạ ở chiếc bình. Ông ngửa tay hứng rồi xoa vào cục mủ vừa vỡ. Và kìa, cục mủ đã biến mất, vẻ mặt của ông cũng dịu đi.
- Chẳng lẽ đây là nước thánh ? – Tôi ngỡ ngàng buột miệng
Ông nhìn tôi mỉm cười “ Nước của sông Xanh đấy”
Tôi thót mình, tôi nhìn ra phía cửa sổ. Con sông đen ngòm ngòm, rác thải trôi lềnh phềnh trên đó. Giờ nó như một cái đầm lầy vậy. Con sông u ám này, lẽ nào lại có thứ nước thần kỳ như vậy.
- Chai nước này là thời trẻ ông đã múc đổ vào bình. Hồi đó ông rất yêu sông Xanh và việc lấy nước sông đổ vào bình đơn thuần chỉ là muốn khi chết rồi con cháu sẽ đặt chiếc bình này cạnh quan tài ông.
 Sông Xanh đã chảy cạn. Giờ thì sông đã chết thật. Tôi cũng đã đi khỏi cái làng ô nhiễm đó. Ông không muốn đi cùng tôi. Ông ở lại cùng sông Xanh. Rồi thì ông cũng thành một đống thịt bầy nhầy, như trưởng làng.

Những cột khói thải lên bầu trời thứ màu đen đặc. Sông Xanh tội nghiệp đang phải sống chung với thứ dầu thải hôi hám. Ông bị trưởng làng đuổi việc. Ông ta sai người quăng ông khỏi cổng vì ông đã liều lĩnh xé bản thiết kế nhà máy dầu thứ hai có hệ thống ống thải luồn vào sông Xanh. Con ông đi nơi khác sống vì không chịu nổi một ông già bảo thủ có lối suy nghĩ chậm tiến.
Không còn ai uống nước sông nữa. Ông chuyển lên núi ở. Nhưng có lẽ ngay cả nơi hiu vắng đó cũng đã trở thành một công trình của cái gọi là Văn Minh - Hiện đại.
Hàng đêm ông khóc cùng sông Xanh. Những người trong làng quẳng những túi rác xuống lòng sông Xanh. Sông trở thành bãi rác tự nhiên lúc nào không biết.
Ông cũng đã từng thấy một đám trẻ con vạch chim đái xuống sông, bên tia nước đái, những cục rác trôi lổn nhổn. Ông hỏi “ Tại sao các cháu lại đái xuống sông Xanh”. Đám trẻ nhìn ông, vẩy chim rồi kéo quần. “ Sông Xanh là sông gì vậy ông. Mẹ cháu bảo đây là sông Đen”
Ông chạnh lòng. Ông quỳ xuống bờ sông, hai tay ôm mặt. Những giọt nước chảy qua kẽ tay.
 Và từ đó ông ở biệt trên núi. Ông có thể thấy được màu xanh kia đã váng đục và rồi thì ngay cả cái màu sắc vàng vọt đó cũng lẫn vào thứ dầu thải đen đặc hôi hám. Sông Đen vậy đã thành hình. Ai đi qua sông cũng phải bịt mũi. Từ trên núi ông vẫn thấy những người trong làng. Ông trưởng làng đã không còn đi guốc mộc, mặc áo xếp. Ông ta diện bộ vét đen, đeo cà vạt và phì phèo xì gà như những tay mafia bặm trợn. Thanh niên thiếu nữ tìm tới nhau mỗi khi động dục và họ thường quẳng vào lòng sông những miếng “cao su bảo hiểm”.
 Mỗi khi mưa về ông lại đứng bên ô cửa hướng ra con sông. Ông đứng đó rất lâu, ánh mắt heo hắt nhìn xa xăm.
 Sông đen ngày càng hôi. Lòng sông không còn tôm cá nữa, chỉ có rác rưởi và hoá chất. Sông cũng không than khóc nữa. Hai mắt sông đã mù.
 Tôi đã được tổng biên tập cảnh báo về sự nguy hiểm ở làng. Vậy mà tôi vẫn cứ đi. Tôi mang theo nước và dụng cụ cá nhân. Tôi nghĩ khi bài báo được đăng, sẽ có rất nhiều người quan tâm.
 Khi tôi tới làng chẳng còn ai. Những khu nhà máy hiện đại đều bỏ trống. Làng heo hắt như cái nghĩa địa và nếu tôi không vô tình đi lên núi thì chắc không thể gặp được ông và bài báo này cũng khó có điểm nổi bật
- Họ chỉ thực sự sợ hãi khi căn bệnh đó xuất hiện.
Một căn bệnh lạ, toàn thân sẽ nổi mụn nước và mụn sẽ chuyển thành mủ. Thoạt tiên họ nghĩ chỉ là bệnh dị ứng nhưng khi ông trưởng làng chết thì họ như phát điên. Nước không còn màu trắng tinh khiết nữa. Nước vòi đã thành màu vàng.
Khi khâm liệm, không ai còn nhận ra trưởng làng. Khuôn mặt ông ta đã thành đống thịt bầy nhầy. Lớp da bên ngoài bị mủ ăn thối. Và cũng chẳng lâu sau từng người trong làng cũng bén gót ông ta. Cháu nghĩ có tức cười không. Thoạt đầu họ đổ tội cho sông Xanh nhưng rồi thì họ lập đàn cầu xin con sông huyền thoại kia cứu giúp. Nom họ thật tội nghiệp. Họ cầu xin rất nhiều, rất lâu. Nhưng sẽ chẳng ăn thua gì. Sông Xanh không còn nghe được những lời khẩn cầu đó. Chính những người tội nghiệp này đã bức tử sông Xanh. Chỉ còn sông Đen thôi. Sông đen nhìn ngắm và nhấm nháp sự sợ hãi, bất lực của họ.
Và khi lời cầu khẩn không được đáp lại họ bỏ đi, tháo chạy gấp rút như tránh thiên tai. Những nhà máy đóng cửa. Căn bệnh lạ kia vẫn tiếp tục lan tràn. Ông cũng bị.
- Sông Xanh cũng có linh hồn đấy. Mỗi khi trở bệnh ông lại uống nước ở chiếc bình kia. Bệnh ông đỡ hơn.
- Tại sao ông không rời khỏi đây.
- Ông không muốn xa sông Xanh.
- Sông Xanh đã chết rồi.
- Ông đã sống ở đây và khi chết ông cũng muốn mình phải ở đây.

Làng xá điêu tàn. Con sông đen ngòm vẫn thổi ra thứ bệnh độc hại. Tôi phải rời khỏi nơi này trước khi thứ bệnh đó xâm nhập vào ngũ tạng. Ông không tiễn tôi. Ông vẫn nhìn ra sông Đen. Nước trong chiếc bình đã cạn rồi đây sẽ chẳng có gì có thể cứu được ông. Lần cuối tôi nhìn thấy ông, khuôn mặt ông mủ đã loét thành những vũng máu.
Tôi đã có thể hiểu. Sông Xanh hiền từ luôn bao dung với dân làng. Căn bệnh này không phải là sự trừng phạt của sông Xanh. Mà chính dân làng.
Sông Xanh huyền thoại vậy đã không còn. Nhưng rồi những con sông huyền thoại khác nữa. Không chỉ ở một ngôi làng. Những con sông thơ mộng đó có thành hậu duệ kế tiếp của con sông ô uế này.
Tôi thấy cánh tay ngưa ngứa. Tôi lấy tay định gãi thì thấy bên cổ tay có một hạt mụn. Hạt mụn có vẻ mới mọc không lâu. Nó chỉ bé bằng hạt ngô và có màu đen. Trông nó thật giống một hạt giống nhỏ mới gieo, chờ nảy mầm.
 Minh Hà
Hà nội 20.9.2010 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89791)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75449)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103517)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86938)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92448)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109075)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84169)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83216)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75541)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80498)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.