- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ghềnh V

26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 96857)


(trích đoạn tiểu thuyết Ghềnh V)

(...)
Xe tới thị xã khoảng ba giờ trưa. Xuống xe, tôi vào quán cà phê, gọi nước uống. Để tiền boa hậu hĩ, tôi hỏi cô bé bưng bê:
“ Ghềnh V có xa đây không em?”
Cô bé lùi một bước, quay lưng không đáp. Đi ra sau quầy hàng, cô thì thào với bà chủ. Bà ngước mắt nhìn về phía tay cô chỉ, đầu lắc, ghé vào tai cô bé nói gì đó. Tôi đứng lên xốc balô, đến bên bà chủ.
“ Thưa chị, ghềnh V ở đâu chị?”
“ Anh hỏi làm chi cà?”
“ Tôi có chút việc tới đó...Ghềnh có xa đây không?”
Bà chủ quay ngoắt người, giọng đanh đá:
“ Không biết, anh đi nơi khác mà hỏi! Đây không ai biết ghềnh mô đâu!”
Ra khỏi quán, tôi ngạc nhiên, không hiểu gì. Nắng QN rát cháy hắt một màu vàng chói lên cỏ cây xanh sạm và những mái ngói màu đỏ gụ. Trời nóng, gió lặng, mặt đất nứt nẻ đợi mưa. Men quốc lộ, tôi vào trung tâm thị trấn. Đến trước một chòi canh giao thông, tôi chào anh công an, miệng tươi cười làm duyên:
“ Đồng chí cho hỏi, đi ghềnh V thì hướng nào?”
Ngước mắt nhìn trời, anh không đáp. Tôi nhắc câu hỏi, tay móc thẻ nhà báo ra, hy vọng nhân viên công quyền giúp đỡ báo chí khi làm nghiệp vụ. Anh công an liếc nhìn, sẵng giọng:
“ Không biết, vào chợ mà hỏi!”
Vào chợ, nhưng bây giờ là chợ chiều, bạn hàng đang lúi húi dọn dẹp. Tôi hỏi vẫn đúng một câu. Không ai đáp, thậm chí nhìn tôi như một quái vật. Có cảm tuởng như đến từ một hành tinh lạ, tôi xem thử mơ hay tỉnh, thét tướng lên:
“ Có ai biết ghềnh V ở đâu thì nói, tiền thưởng đây!”
Hai tay bảo vệ chợ ở đâu xồ tới, tay giật nắm bạc lẻ tôi đang giơ lên, miệng la:
“ Cút, cút ngay tức thì...”
Tay lực lưỡng tiện đà tống cho tôi một đạp, tay kia chỉ tay tru tréo:
“ Tính phá hả, ở đâu tới zậy cha... Đi đi!”
Tôi rảo bước theo phía tay tên bảo vệ chợ chỉ, chẳng biết đi đâu. Lát sau, tôi gặp một tốp trẻ đi học về, cổ quàng khăn đỏ, miệng nói cười. Bình tĩnh lại, tôi giang tay ngăn đường, miệng hỏi:
“ Mấy cháu có biết ghềnh V ở hướng nào không? “
Bọn trẻ ngơ ngác nhìn tôi rồi ù té bỏ chạy. Chúng la làng, chắc thằng cha này điên, bay ơi. Một đứa trai gầy lênh khênh cúi xuống lượm đá rồi thẳng tay ném về phía tôi. Những đứa khác bắt chước. Gạch đá bay rào rào.
Tôi cắm đầu chạy.
Một lát sau, tôi định thần, nhưng vẫn chẳng hiểu cớ sự gì ở cái thị trấn quạnh hiu này khi hỏi đường đi ghềnh V. Hẳn ghềnh ở ven biển. Vậy tôi cứ nhắm hướng đông, hướng ra biển, đến gần ghềnh rồi sau sẽ tính. Nhìn đồng hồ tay, tôi ước còn ít ra là hai, ba giờ trước khi trời tối. Rảo bước, tôi rẽ vào con đường đất men những thửa ruộng cằn nay đầy cuống rạ trỏng trơ, im ắng, ngơ ngác trong mùa gặt đã tàn . Xa xa, núi nhô cao, xanh rì. Gió lên, những cơn gió mát rượi bất ngờ vuốt ve. Nhưng nắng vẫn ập xuống, vẫn chói chan, không khoan nhượng.
Cứ thế, tôi đi trên bước đường tìm cái Đẹp cứu rỗi. Như con lạc đà trong sa mạc chong mắt tìm sau những đụn cát bóng nước hư thực khôn lường. Cứ thế, tôi đi về phía trước, nhưng chẳng biết đến đâu. Chờ phép lạ cho gặp một con người bằng da bằng thịt sẽ đáp câu tôi hỏi, tôi thầm khấn vong linh những kẻ đã khuất bóng nhân gian. Đến gần chân núi, phép lạ hiển hiện. Một cụ già dựa lưng thân một cây cổ thụ, tay cầm roi tre, chăn một con trâu đang gặm đám cỏ còn chút tươi xanh gần đó.
Tôi cởi ba-lô nay nặng như đá, đến gần. Cụ già giương cặp mắt hấp háy nhìn tôi, lòng trắng đục ngầu, miệng cười móm mém.
“ Đi mô chừ?”
Tôi còn ngần ngại chưa biết có nên hỏi câu hỏi chưa ai trả lời hay không thì cụ già trỏ tay vào tai nói:
“ Nói lớn lên...Già, điếc rồi!”
Cụ lại cười. Tôi đánh bạo, hỏi.
“ Ghềnh nào thì già không biết ở chỗ mô...Nhiều ghềnh trên núi này lắm. Chú tìm chi trên nớ?” Cụ già đáp, mắt nhướng lên.
Không lẽ tôi lại trả lời cụ bằng cái tít “ Nơi để Chết trong cái Đẹp cứu rỗi” ? Chắc chắn cụ không hiểu. Thật ra, chính tôi, tôi nào đã hiểu gì đâu. Chợt nhớ bài phóng sự có nói ghềnh V cách mộ nhà thơ ba mươi phút chim bay, tôi ghé tai cụ hỏi mộ nhà thơ tên tuổi.
“ À, mộ nhà thơ thì già biết... Ổng gốc Huế, nhưng ra QN sống, phải không! Từ đây đi, chắc cũng hơn một giờ mới tới mộ được.”
Cụ già chỉ đường với mọi chi tiết để tôi không lạc trong núi trong buổi chiều tà. Tôi sợ, hỏi:
“ Ở đây còn có cọp không cụ?”
Cụ bật cười:
“ Thời chiến, bom bỏ nhiều, cọp chạy sang Lào…Hết bom đạn, cọp về nhưng người mình ăn nó hết, xương nấu làm cao, bán lời lắm. Đừng sợ cọp, nhưng coi chừng rắn độc! Và bọn ăn cướp! “
Tôi mỉm cười, thầm nhủ chết dưới nanh vuốt cọp hay nọc độc rắn không thể là trong cái Đẹp.
“ Đi lên mộ thì đi liền, kẻo trời tối``, cụ già vỗ vai tôi như giục.
Cám ơn cụ, tôi lại quàng ba-lô lên lưng. Bây giờ, tôi biết đi đâu, trước khi tiếp tục đặt chân trên con đường dài ba mươi phút chim bay.
*
Trời chập choạng khi tôi leo lên mỏm núi nơi chôn nhà thơ tên tuổi. Ngay bên cạnh mộ, là một ngôi đền. Trong cái sảnh khá rộng, thơ in lại mới đây bầy bán. Một người trung niên đứng dậy chào, giới thiệu mình là cháu gọi nhà thơ bằng ông. Làm công việc thủ đền, ông bán những mặt hàng lưu niệm và chấp bút chép thơ theo thư pháp viết chữ Việt kiểu chữ Hán khi có khách đặt hàng. Mùa này ít kẻ vãng lai, và có thì họ đến quãng trưa, chẳng mấy ai lên mộ lúc tối trời. Nhìn tôi, người thủ đền hơi ngạc nhiên, nhưng vui vẻ đưa cho tôi ba nén nhang, dẫn đường đưa tôi vào nơi đặt bàn thờ ở đằng sau sảnh.
Bài vị nhà thơ đặt trên cao, ngay dưới là tủ kính bày hàng chục tác phẩm in vào những năm 40 của thế kỷ trước. Tôi châm nhang, nhìn thật lâu vào bức ảnh nhà thơ, chắp tay vái ba vái. Người thủ đền nói, và tôi giật mình thót bụng khi nghe nhà thơ lìa dương lúc tôi còn chưa ra đời. Thế thì cớ sao tôi lại gửi thơ của tôi đến một người đã tạ thế? Có phải rằng tôi không biết ông đã lìa đời nên tôi gửi? Không, đứa trẻ nào học đến cấp 2 có chút quan tâm đến thơ văn cũng đều biết điều này. Vậy, tôi biết nhưng vẫn gửi, gửi từ tiềm thức nỗi tri âm vô vọng đến một nhà thơ không còn sống? Mắt cay sè, tôi đưa tay lau giọt những giọt nước mắt cứ ứa ra không sao kiềm chế được. Người thủ đền có vẻ ái ngại, lui ra đứng sau.
Tôi đứng như thế rất lâu. Lâu có lẽ cả thế kỷ. Tôi lẩm nhẩm đọc bài thơ xưa tôi gửi cho nhà thơ. Thơ tôi kể nỗi đau của những kẻ thân xác đầy đủ nhưng tâm hồn mắc chứng phong, và cũng như những đốt tay cùi hủi, phần tâm linh rụng dần cho đến khi không còn chi để xác quyết mình vẫn là người.
Maria linh hồn tôi ớn lạnh.
Thơ ông thăng hoa từ nỗi hủy hoại thân xác, tìm ra bí nhiệm của lẽ sống qua vật vã với những đau đớn xác thân. Thơ ông, qua cái Đẹp chiêm nghiệm khi đặt đến bước tận cùng của lẽ sống, ca hát cho đời. Còn thơ tôi, cao nhất thì tôi cũng chỉ gào lên hỡi Mẹ yêu thương, làm sao cứu vớt được đàn con này khi chúng hạ giá linh hồn bán ra để mua chút đòi hỏi xác thân.
Thế đấy, thơ tôi là loại thơ tải đạo dễ dãi.
Chẳng khác gì một hạt muối nhạt nhẽo trong đại dương vốn đã mặn chát vị nước mắt, tôi thương vay khóc mướn, thơ là những tiếng khóc thừa thãi vô duyên. 
Thì thào vào tai người thủ đền cho tôi hoá vàng, tôi lôi từ ba-lô bản thảo tập thơ. Người thủ đền hỏi:
``Chi vậy?”
Tôi thẫn thờ:
“ Một tập thơ không có người đọc!”
Tôi châm lửa.
Người thủ đền sững sờ thất thanh kêu “ Đừng, đừng!”.
Nhẹ nhàng, tôi nắm nhẹ tay người thủ đền, nói nhỏ:
 “ Không hề chi đâu, toàn chỉ những rong rêu... Của một thời để quên!”.
Tôi cầu sao cho người đời quên những bài thơ du dương hạng ba tôi chót gửi đăng báo.
Và tôi hiểu.
Tôi vừa làm một việc có ý thức. Với Thơ.

*
Tôi xin người thủ đền cho trọ qua đêm.
Trăng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện. Sương xuống. Dưới chân tôi, khói lơ lửng bay lên như nhấc tôi khỏi thế gian này. Thiên nhiên, phép lạ vi diệu khiến tôi nhỏ dần cho đến khi thành một hạt bụi nước li ti. Hạt bụi bỗng nhiên nhớ, dẫu nơi này nào phải thôn Vỹ Dạ,
thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay.
Tôi thầm nghĩ, nếu không có Lời, cái Đẹp không tái hiện được trong tâm thức để rồi trở thành vĩnh hằng cho con người. Đó là một cách cứu rỗi. Nhưng không có cái Đẹp cảm nhận được, Lời không đạt đến chức năng cao quí nhất, và phải chăng cái Đẹp cứu rỗi là thế? Phương Tây, buộc tri thức vào phép nhị nguyên, tách cái chết ra khỏi sự sống như hai trạng thái biệt lập giữa thân xác và linh hồn. Cứu rỗi, tức linh hồn lên Thiên Đàng khi thân xác trở về với cát bụi. Rất có thể anh bạn phóng viên của tôi là người đạo gốc đã tin thế nên anh mới bảo ghềnh V là nơi Chết trong cái Đẹp cứu rỗi. Nhưng phương Đông thì sao? Tôi đọc Kim Cương kinh của Phật Giáo. Rồi Nam Hoa kinh của Trang Tử. Sống , chết, rồi lại sống...Cứ thế vòng sinh diệt luân hồi chứ không phải chết là hoặc lên Thiên Đàng hoặc xuống Địa Ngục muôn đời. Cho nên, nhận ra yếu tính vô thường, ý nghĩa của cứu rỗi ở phương Đông có thể khác hẳn. Nhưng khốn thay, tôi vẫn bước trong vòng vô minh.
Những bước chân người mù, đêm cũng như ngày. Ai chỉ lối cho tôi đây? Đốt tập thơ, đâu phải tôi đã đạt đến được sự minh triết của cõi vô ngôn. Tôi chỉ chập chững đặt chân vào biên giới mong manh giữa hư và thực.
*
Sáng hôm sau, tôi kể cho người thủ đền nghe những điều kỳ lạ tôi trải nghiệm khi tôi hỏi tìm đường lên ghềnh V. Anh ta cười:
“Từ ngày đến ghềnh V tìm giải thoát thành một phong trào thì người ta ra lệnh cấm. Cấm nhưng vô hiệu, phải đặt ra huyền thoại, phao những ai chỉ đường đều bị người chết đến đòi mạng. Thế là chẳng còn một ai dám nói năng gì về cái ghềnh oan nghiệt đó nữa. Cứ vậy, riết thành truyền thống để dân gian sợ và quên cái ghềnh đó đi...”
Tôi ngập ngừng:
“ Thế anh lên ghềnh xem hư thực thế nào chưa?”
“ Chưa! Giữ phần mộ ông tôi, tôi đâu đã hết nợ với những người đi trước...”
Nghe tôi khẩn khoản xin chỉ lối đến ghềnh V, anh hỏi:
“ Đến đó làm chi?”
Thú thực với anh là khi đốt tập thơ tôi đã cố khai tử một ảo tưởng. Hiện tôi vẫn còn hoang mang. Chưa có một vọng niệm gì ngoài cái ao ước thấy tận mắt cái Đẹp nhưng, tôi thú thật, tôi rất ngờ rằng cái Đẹp có thể cứu rỗi bất cứ chi. Anh gật gù, giọng giễu cợt:
“ Làm sao thì cũng đừng về đòi mạng tôi nhé!”
(...)
Nam Dao
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 90144)
Khái Hưng gốc làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương–nơi chính quyền Bảo hộ Pháp từng dùng bom đạn san bằng sau cuộc khởi nghĩa mùa Xuân năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ]. Thân phụ là Trần Mỹ, Tuần phủ Phú Thọ [Thái Bình?].
01 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 111450)
có một thời đạn bom bay qua tình trai trẻ có những hẹn hò hình như đã phôi pha có một xấp phong bì nào vàng úa trong tay ta và có lẻ tình yêu là một điều rất thật
29 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 80741)
Mọi Rợ văn hóa [cultural barbarism]. Thoạt nghe có vẻ lạ tai, nhưng suy nghĩ kỹ, mới thấy thấm thía. Đọc cổ thư Trung Hoa, thường thấy những người tự xưng là “người Hoa hạ” rất tự hào về tập tục đội mũ, mặc áo, dinh thự nguy nga, ăn uống tiếp khách ngồi bàn, ngồi ghế, có chữ viết, sách vở.
22 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 116068)
Buổi sáng Hilton café nguội em đã ủ nó trong đôi tay em đã gắng giữ nó khỏi nguội bằng những giọt nước mắt nóng...
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 122122)
Nhà văn Nhật Tiến, trong phần phát biểu cảm tưởng tại đám giỗ anh ở phòng sinh hoạt Người Việt, đã kể lại một chuyện cảm động, đó là niềm xúc động đẫm nước mắt khi cầm tờ báo Người Việt trên tay ở trong trại tị nạn vào năm 1979 sau khi ông và những thuyền nhân đồng hành còn sống sót, trong đó có cả cặp ký giả tên tuổi Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, sau một thời gian bị hải tặc bắt, giam cầm và hành hạ trên đảo Ko Kra trong Vịnh Thái Lan suốt cả tháng trời.
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 122753)
Chàng hôn tôi. Bỗng tôi cảm thấy đau nhói lên ở phía sau lưng vì chiếc móc soutien bị cấn vào vách ván. Tôi dướn người về phía trước làm như đáp trả lại nụ hôn vội vàng của Vị nhưng thật ra là để tránh cho phiến lưng bị chàng ép mãi vào vách. ...Chúng tôi vẫn im lặng hôn nhau. Tôi nhắm khít mắt khi Vị yêu tôi. Nắng rực rỡ đổ xuống, vách ván nóng cùng với hơi thở hâm hấp nóng của Vị không ngớt phả vào cổ vào mặt. Tôi cắn chặt răng để ngăn một tiếng khóc tội nghiệp. Quả thật chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng chúng tôi lại có lúc trở nên khốn đốn như lúc này.
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 114511)
Tôi chạy tìm tôi, ngày đã cạn Thắp đèn phủ dụ đám phù du Năm tháng lại trôi , chân lại bước Tôi còn nương tựa bóng thiên thu
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 97132)
Saburo Sakai đã trở thành một huyền thoại “sống” ở Nhật Bản trong suốt thời đệ nhị thế chiến. Khắp nơi, các phi công Nhật Bản đã nói đến những chiến công không thể tưởng tượng được của Sakai với tất cả sự nể phục.
09 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 95420)
LTS:Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư và trải qua tuổi thơ ở Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Tường Vy vượt biên đến Phi Luật Tân năm 14 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân Sinh Hóa ở San José, Nguyễn Xuân Tường Vy thuộc lớp người viết mới, vừa xuất hiện, của Văn học Di dân Việt Nam. Tạp Chí Hợp Lưu
17 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 166175)
Tìm hiểu về rùa Hoàn Kiếm chúng ta hãy đi ngược trở lại những trang sử Việt Nam , chính sử cũng như huyền sử, và những bài viết thực tế đương thời đã được lưu trữ trong các mạng lưới. Khi đọc những dữ liệu trên, nhiều người sẽ có một cảm tưởng những dữ kiện về rùa không được thống nhất cả về huyền sử lẫn thực tế, và có những vấn đề cần được thảo luận.