- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐI LỄ GIAO THỪA

25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106294)

 

le_chua_dem_giao_thua-content

 

Đã qua mấy chục năm ở Mỹ và dù không phải là Phật tử thuần thành, nhưng lễ Giao Thừa nào vợ chồng con cái chúng tôi cũng có mặt tại chùa Việt Nam, ngôi chùa đầu tiên của thành phố.

 

Chiều cuối năm chúng tôi dọn dẹp nhà cửa đón Tết, bầy bàn thờ, sắp mâm cơm cúng, thắp hương mời tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu. Vợ chồng chúng tôi theo ảnh hưởng của các cụ xưa, nên không quên cúng cả vàng bạc tiền giấy, mặc dầu không biết các cụ ở bên kia thế giới có dùng được hay không. Dần dần thành thông lệ, các con tôi khi còn nhỏ rất thích thú được tham gia việc đốt vàng như một trò chơi. Nay đã trưởng thành, làm việc trong các ngành khoa học, giáo dục, ngoại giao mà khi đi tảo mộ, các cháu cũng đốt vàng và tiền, chắc là để làm yên lòng chúng tôi?

Cúng Tất Niên xong, cả gia đình quần áo tươm tất lên xe đến chùa. Trong xe yên lặng, tôi mở nhạc nghe lại những bài mừng Xuân quen thuộc. Lời ca mơ hồ như từ thuở nào vọng lại, nghe thấy rưng rưng lãng mạn như thời còn đang tuổi thanh xuân:

 

 Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa 

 Hẹn gặp nhau khi pháo Giao Thừa

 Em đứng chờ tôi trước song thưa

 Tôi đi qua đầu ngõ,

 Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa…

 

Trời khuya, đường vắng nhưng chúng tôi luôn vội vã cố đến trước nửa đêm để kịp giờ xem đốt pháo. Có năm trời mưa lạnh, có năm tuyết bay phất phới như lông ngỗng trước kính xe. Lại có năm đến trễ không tìm được chỗ đậu, phải ngồi trong xe, nghe tiếng pháo vọng lại và ngửi mùi pháo thơm lừng trong làn sương lạnh đầu Xuân, cảm được thấy cái thiêng liêng của trời đất đang chuyển mình.

 

Năm nay, từ ngoài đường qua cổng tam quan vào trong sân chùa, người đông nghẹt. Những dây pháo giăng qua lại trên đầu như một màng lưới. Chúng tôi tìm chỗ đứng trên thềm chùa. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Chợt một tiếng pháo nổ vang, tiếp theo là những tràng tiếng nổ tiếp nối rộn rã như reo vui, như mừng rỡ. Các con tôi vừa tìm chỗ tránh khói pháo mù mịt vừa đếm …năm phút…mười phút…pháo năm nay dài quá. Tiếng pháo đùng kết thúc hồi pháo, mọi người vỗ tay rầm rộ, quay sang bắt tay và chúc nhau những lời tốt đẹp nhất cho năm mới. Tôi nhìn quanh, những người tị nạn đến đây trong đợt đầu trong năm 1975 và đợt thuyền nhân chỉ còn rất ít. Sự hiện diện của họ ngoài cộng đồng đã vắng dần. Họ đã quá già để đi ra ngoài hay họ đã rời về những miền nắng ấm? Hay họ đã không còn nữa? Dần dần họ sẽ trở thành “những người muôn năm cũ…”?

Chúng tôi lên chính điện, chen chân đứng lễ Phật. Các bàn thờ đều rực rỡ hương hoa. Tượng đức Phật ngồi trên cao trong ánh vàng lung linh như đang mỉm cười nhìn xuống đám người đi lễ với ánh mắt từ bi độ lượng. Vị sư trụ trì ở chùa từ bao nhiêu năm qua, nay cũng đã luống tuổi và yếu đi nhiều. Chúng tôi vái chào chúc thọ, hòa thượng đáp lễ thăm hỏi sức khỏe và trao lộc Phật, thường là một quả cam hay một trái táo.

 

Sang bàn thờ vong, chúng tôi lễ cha mẹ, ông bà. Hai bức tường ngày càng kín hình những người đã khuất, những người đã mất ở đây và cả những người đã qua đời ở Việt Nam. Chúng tôi xuống phòng khách của chùa, mua vài món ăn chay, lịch năm mới và cho các con mỗi cô một bông hoa mang về nhà như nhánh lộc đầu năm.

 

Bước ra sân, đi trên xác pháo đỏ ngập đầy, tôi xuống Am Vô Thường. Bên hồ sen cạn nước, trên tòa cao tượng Phật Bà uy nghi hiền từ nhìn xuống chúng sinh. Tôi vào thăm nơi thờ cha tôi. Cụ đã gửi tro tại đây hơn mười năm trước. Bỏ giầy ngoài cửa, tôi bước vào am, nơi có hàng trăm ngăn có gắn hình ảnh và tên tuổi những người đã khuất. Tôi đặt tay lên hộp tro của cha tôi một hồi lâu và nâng chiếc bình nhỏ trong đó đựng một nắm đất nơi mẹ tôi nằm xuống khi tôi mới có sáu tuổi. Lần về thăm Việt Nam mười năm trước tôi đã lấy mang về Mỹ. Tôi đóng lại ngăn cửa và bước ra ngoài. Vợ và các con tôi đang thắp hương thầm thì những lời khấn nguyện đầu năm với Phật Bà. 

 

Trên đường về, đã quá nửa đêm, xa lộ rộng thênh thang như hứa hẹn cả một mùa Xuân trước mặt. Sau khi mở cửa bước vào nhà để xông đất, chúng tôi tới trước bàn thờ lễ tổ tiên. Chờ xong một tuần hương, chúng tôi hạ mấy món cúng và cùng nhau nâng ly rượu Cointreau, chúc cho gia đình những sự tốt lành, để nhớ đến những năm cha tôi còn sống, tôi và người đều nâng ly rượu chúc mừng đầu năm.

 

Mấy ngày cuối năm vừa qua, khi cúng gia tiên, tôi chợt nhận ra cha mẹ tôi đã an nghỉ ở đây, hình ảnh những người thân đã khuất từ lâu cũng hiện diện trên bàn thờ tổ từ nhiều năm qua. Khi tôi ra cúng thần linh thổ địa bên ngoài, thì lại nghĩ ra thần linh và thổ địa mình đang cúng là Mỹ chứ đâu phải Việt Nam. Ngay như tuần trước cúng tiễn ông Công ông Táo về trời thì cũng là ông Công ông Táo của bếp Mỹ.

 

Tôi bỗng nhớ đến một cuốn truyện bằng Anh ngữ vừa được xuất bản vẫn còn luẩn quẩn trong đầu óc tôi từ mấy tuần nay. Cuốn truyện đã giới thiệu bằng bài phỏng vấn trong một tạp chí văn chương Mỹ. Tác giả là một thiếu nữ Việt Nam. Cũng như những truyện viết bằng Anh ngữ khác của thế hệ trẻ đã trưởng thành tại Mỹ, họ thường nhắc lại các kỷ niệm êm đềm ở quê hương cũ, đến cảnh trốn thoát đi tìm tự do và những dị biệt trong khi hội nhập với đời sống tại Mỹ. Cô tác giả đã về lại Việt Nam, thăm nơi cô sinh ra và thăm lại ngôi trường cũ mà cô đã học ở đó mấy năm đầu của bậc tiểu học. Những năm đó được cô coi là những hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam. Nhưng ngôi trường thời thơ ấu của cô không còn như trước mà nay nhem nhuốc, không được tu bổ. Không hiểu còn những điều gì nữa làm cô thất vọng mà khi trả lời cuộc phỏng vấn, cô nói cô sẽ không bao giờ còn muốn trở lại Việt Nam và cô khẳng định “I belong here”. Điều này cũng dễ hiểu, có hàng trăm lý do khiến người ta trở lại với Việt Nam, và cũng có hàng trăm điều khác khiến người ta không muốn trở về.

Tôi đã hai lần thoát nạn Cộng Sản, lần đầu từ Bắc vào Nam, lần sau từ Việt Nam qua Mỹ, lần nào tôi cũng tìm được một cuộc đời tốt đẹp và tự do hơn. Bây giờ nhìn lại quê hương mình đã rời bỏ, đa số vẫn chưa thoát khỏi cảnh sống khó khăn. Mỗi lần về thăm quê, tìm quanh nhà cũ không còn, người xưa đã mất, ngôn từ cũng thay đổi. Tôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi.

 

Nhạc mẫu tôi thường nói “Con đâu cha mẹ đó”. Bốn thế hệ chúng tôi đã nhiều năm sống ở phần đất này. Về tâm linh thì cha mẹ ông bà chúng tôi cũng đang gần gũi với con cháu nơi đây. Như cô tác giả trẻ tuổi kia, hiển nhiên chúng tôi đã “belong here”. Nghĩ thì nghĩ vậy mà trong lòng vẫn cảm thấy một cái gì ràng buộc không dễ ngoảnh mặt quay đi. Quê nhà dù còn nhiều bất công khốn khó nhưng vẫn là nơi tôi, vợ tôi và các con tôi ra đời, vẫn còn những gì làm tôi hãnh diện vì tôi vẫn nhận với người bản xứ tôi là người Việt Nam. Nhìn quanh, trong gia đình các bạn bè cũng như gia đình chúng tôi, có biết bao thanh thiếu niên vẫn được cha mẹ đặt cho cái tên Nam hoặc Việt Nam. Năm tới là năm Thìn, hi vọng con Rồng Việt Nam linh hiển sẽ dương oai xua đuổi kẻ xâm lăng và mang lại cho người dân Việt Nam một cuộc đời đáng sống.

 

 Nguyn Công Khanh

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 103539)
Mặt Trận Ở Sài Gòn’ sẽ tạo mối xúc động hay chú tâm cho những ai còn tha thiết tới số phận của Việt Nam. Nó cũng sẽ gây ngạc nhiên cho những ai ít hiểu biết về tâm trạng phức tạp của người dân miền Nam đối với cuộc chiến tranh mà cho đến nay vẫn còn để lại những hậu quả và ảnh hưởng trên số phận của họ.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 91874)
Vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và cho dân chủ, nhân quyền, Ngài đã bị nhà chức trách tống tù từ tháng 6 năm 1977. Đến năm 1982, Ngài cùng thân mẫu bị trục xuất về nguyên quán xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để quản thúc. Mười năm sau Ngài trở vào Nam hoạt động công khai đòi duy trì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng 1 năm 1995 Ngài lại bị Công an thành phố HCM bắt giam, kết án 5 năm tù và 5 năm quản chế.
26 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 93179)
Mùa xuân năm 2012 này, nước Pháp chuẩn bị bầu Tổng thống mới, nhiệm kì năm năm của Tổng thống tại chức Nicolas Sarkozy sắp hết hạn. Trong một nước dân chủ, ai cũng có quyền ứng cử trong vòng đầu, từ dân quèn cho đến chánh trị gia lão luyện, kể cả Tổng thống sắp mãn nhiệm, miễn là * tin mình có cơ được bầu, hoặc * muốn lợi dụng thời gian quần chúng chú tâm nghe đề giãi bày tâm huyết và í hướng của mình. Sau đó, hai nhà nào được nhiều phiếu hơn mấy người kia thì mới ứng cử tiếp. Trong vòng thứ hai này, người được đa số phiếu, từ 50,1% trở lên, sẽ đăng quang, chánh thức đóng vai Tổng thống trong nhiệm kì sắp tới.
22 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 97052)
Nhiều nhà phê bình vẫn phàn nàn Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn không có tim hay không có lương tâm. Sao y có thể say mê tẩn mẩn tỉ mỉ về cái ác đến bệnh hoạn vậy? Tôi thực sự nghĩ rằng đó là vì tấm lòng và tình yêu cuộc sống quá lớn của ông! Trong tác phẩm mới nhất,  Vong bướm cũng thể hiện rất rõ điều ấy!
16 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 134319)
mặt trời đã đi suốt đêm qua để sáng nay làm người khách đầu tiên trong vườn nhà nàng
16 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 122737)
Lọn sóng xanh thẳm vùng mật ngôn thất tán dấu thời gian trôi rong rêu lơ đãng cuộc du hành chưa định
16 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 109062)
Hạ tuần tháng 1/1979, Phó Thủ tướng Nước Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa [THNDCHQ] Deng Xiao-ping [Đặng Tiểu Bình] (1904-1997) qua Mỹ du Xuân hữu nghị Kỷ Mùi (28/1/1979), đánh dấu việc “trở lại với cộng đồng thế giới” của hơn 800 triệu dân Trung Hoa sau 30 năm tự cô lập hầu chấn chỉnh nội bộ, thiết lập một chế độ “Cộng Sản” theo kiểu mẫu Stalinist/Maoist. Thượng tuần tháng 2/1979, ghé Tokyo trên đường về nước, Tiểu Bình tuyên bố “Cần dạy cho Việt Nam một bài học.”
16 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 107681)
Sau Chiến Tranh Việt Nam, sự vắng bóng của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á đã để lại một khoảng trống về địa dư chánh trị, và đây cũng chính là vận hội để một Trung Quốc với tham vọng mau chóng lấp đầy. Với sức bành trướng của Trung Quốc từ kinh tế tới quân sự ngày càng đè nặng trên 5 quốc gia trong lưu vực sông Mekong, cộng thêm với những động thái hung hãn của Bắc Kinh nhằm “Tây Tạng Hóa vùng Biển Đông/ Tibetization of South China Sea”, nói theo ngôn từ rất tượng hình của B.A. Hamzak, thuộc Viện Hàng hải Mã Lai / Malaysian Institute of Maritime Affairs, đang trực tiếp đe dọa tới những quyền lợi thiết thân của chính nước Mỹ, đã đến lúc chánh quyền Tổng thống Obama không thể không quan tâm tới sự thách đố của Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới đang nhanh chóng vươn lên như một siêu cường cả về kinh tế lẫn quân sự.
26 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 103491)
K hánh Ly từng viết: “... một dĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nẩy mầm từ đó. Quán Văn cái tên dễ nhớ và dễ thương...Mỗi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi trên cái nền xi-măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Đó là nơi gặp gỡ đẹp nhất của một thời tôi còn trẻ...” 
26 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 102863)
H ai mươi tuổi, chúng tôi từng ngủ chung với nhau. Buổi chiều ấy mưa gió tơi bời. Cành hoàng lan già róng riết đập vào cửa sổ, tôi và Du ngồi co ro một góc phòng không đứa nào dám ra khép cánh cửa lại. Thế mà mẹ tôi vẫn đội mưa đội gió ra đi. Du bảo, bà đi vì tin rằng khung trời nơi xa ấy không bao giờ giông bão.