- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Giã Từ Trung Quốc

25 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 104712)

liaoyiwu_2010-content

 Liao Yiwu, 2010 (Ảnh Wikipedia)

Lời giới thiệu: Bài “Giã Từ Trung Quốc” được dịch từ bản Anh ngữ tựa là “Walking Out on China”(do Wen Huang dịch từ tiếng Trung Hoa) của nhà văn đối kháng Trung Hoa, Liao Yiwu, xuất bản trên The New York Times số ra ngày 15 tháng 9, 2011. Ông Liao, tên Hán Việt là Liêu Diệc Vũ, cũng còn được biết tới dưới tên Lao Wei, sinh năm 1958 tại tỉnh Sichuan, đúng vào năm Mao trạch Động phát động chiến dịch Một Bước Nhẩy Vọt đã đưa cả nước vào nạn đói trầm trọng. Chính ông Liao cũng suýt chết đói khi mới 2 tuổi.
Ông là tác giả, phóng viên, nhạc sĩ và thi sĩ của nhiều tác phẩm bị chính phủ Trung Cộng liệt vào loại phản cách mạng vì đã mô tả bề trái của chế độ thay vì tô hồng, và đã góp phần đưa ông vào chốn lao tù, bị vợ con bằng hữu xa lánh. Ra tù có lúc ông đã sống như một người không nhà, kiếm ăn độ nhật bằng ngón thổi sáo mà ông đã học được từ một vị sư trong thời gian ở tù, trong khi tiếp tục ghi nhận đời sống của những người bị lọt qua các kẽ hở của cuộc cải cách kinh tế bằng hệ thống tư bản của Bắc Kinh. Tác phẩm của ông, trong số đó có nhiều cuốn là những gom góp các cuộc phỏng vấn với những người cùng đinh hay sống bên lề xã hội -- những tay anh chị du thủ du thực, những người sống ngoài vòng pháp luật, các nghệ sĩ hè phố, những cựu đảng viên cộng sản, người tàn tật, phu đổ rác, hốt phân, lượm xác chết, lang vườn, phạm pháp và cả những kẻ ăn thịt người, vv… -- đã được xuất bản ở Đài Loan và Hương Cảng song bị cấm tại Hoa Lục. Một số đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp và Đức (xem thư mục và chi tiết tiểu sử tại http://en.wikipedia.org/wiki/Liao_Yiwu). Vào năm 2003, ông được giải Nhân Quyền Hellman-Hammett, và năm 2007, ông được giải Tự Do Sáng tác (Freedom to Write Award) của Trung tâm Văn bút Trung Hoa. Mặc dù buổi trao giải diễn ra ở Bắc Kinh, song ông bị chính quyền ngăn cản không cho tới dự.
Sau 16 lần xin giấy xuất cảnh song bị bác, ông Liao quyết định đào thoát. Ngày 6 tháng 7 vừa qua ông đã tới được Đức sau khi vượt biên giới Hoa-Việt tới Hà Nội rồi đáp máy bay đi Ba Lan và sau đó tới Đức. Sau đây là bản dịch từ bản Anh ngữ bài viết của ông về hành trình vượt biên tìm tự do của ông.

***

Tỉnh Yunnan ở tây nam Trung Hoa từ lâu đã là lối thoát cho những người khao khát một đời sống bên ngoài nước này. Tại đây, ta có thể vượt biên bằng đường bộ xuyên qua những khu rừng còn tinh khôi, hoặc bằng đường thủy lênh đênh từ sông Lancang cho đến khi nó trở thành sông Mekong len lỏi qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cao Mên và Việt Nam.

Do đấy mỗi lần tôi đặt chân tới đây, nơi đất đỏ tỏa sáng dưới ánh mặt trời, tôi thấy xốn xang; óc tưởng tượng của tôi mặc sức vẫy vùng. Thực tế là sau khi bị bỏ tù bốn năm vì đã viết một bài thơ kết án chính quyền Trung Cộng đã đàn áp dã man các sinh viên tranh đấu vào năm 1989 [nhân vụ sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn – chú thích của người dịch], tôi đã bị nhà cầm quyền từ chối không cấp giấy xuất cảnh 16 lần.

Tôi cảm thấy bị cám dỗ. Bạn không cần phải có sổ thông hành hay hộ chiếu. Cái đáng kể duy nhất là số tiền bạn có trong túi. Bạn chỉ việc liệng cái điện thoại cầm tay đi, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài và lẩn vào trong một ngôi làng nơi bạn có thể tìm thấy một cách dễ dàng một người dân quê hay một tay buôn lậu sẵn sàng giúp đỡ bạn. Sau khi đã thỏa thuận giá cả, bạn sẽ được đưa ra khỏi Trung Hoa qua một ngả đường bí mật ngoài tầm hiểu biết của loài người và ma.

Cho tới hồi đầu năm nay tôi chống lại sự thôi thúc đào thoát. Thay vì thế, tôi đã chọn ở lại, tiếp tục thu thập tư liệu về những mảnh đời nơi hạ tầng xã hội. Thế rồi những cuộc biểu tình đòi dân chủ lan khắp thế giới Ả rập, và các lời kêu gọi trên Internet để thực hiện những cuộc xuống đường tương tự tại Trung Hoa. Vào tháng Hai và Ba, có những cuộc tụ họp tại các trung tâm thương mại và du lịch ở mấy chục thành phố vào mỗi ngày Chủ nhật. Chính quyền hoảng hốt, dàn chào biểu dương lực lượng khắp nơi. Lính tráng thay đồng phục bằng đồ dân sự và đứng đầy đường phố, chặn bắt bất kỳ ai thấy có vẻ tình nghi.

Trong khi đó, bất cứ đề cập nào tới Cuộc Cách Mạng Hoa Nhài của Tunisia (ngay cả nhắc tới chữ hoa nhài thôi) cũng bị kiểm duyệt trong các điện thư và search engines. Cảnh sát bắt bớ các luật sư nhân quyền, nhà văn và nghệ sĩ. Nhà vận động dân chủ Liu Xianbin, người đã bị giam cầm chín năm vì đã tiếp tay thành lập Đảng Dân Chủ Trung Hoa, lại bị kết án thêm 10 năm tù. Nghệ sĩ Ai Weiwei biến mất hồi tháng Tư và đã bị quản thúc chặt chẽ tại gia từ khi được thả ra vào giữa tháng Sáu.

Là một người cầm bút cổ hủ, tôi ít khi lên Internet, và Mùa Xuân Ả Rập đã qua mặt tôi. Tuy đứng bên lề vậy chứ tôi cũng không tránh khỏi bị cảnh sát làm rầy rà. Khi các nhân viên mật vụ biết là sách tôi sẽ được xuất bản tại Đức, Đài Loan và Hoa Kỳ, họ bắt đầu gọi điện thoại và tới thăm tôi thường xuyên.

Vào tháng Ba, bọn mật vụ đến đóng đô ở trước nhà tôi để theo dõi sinh hoạt hàng ngày của tôi. “Xuất bản ở Tây phương là vi phạm luật lệ của Trung Quốc,” họ bảo tôi. “Hồi ký ở tù làm ô uế tiếng tăm của hệ thống nhà tù của Trung Quốc và cuốn ‘Thượng Đế Đỏ’ xuyên tạc chính sách của đảng về tôn giáo và đề cao các nhà thờ lậu.” Nếu tôi từ chối không chịu hủy bỏ giao kèo in sách với các nhà xuất bản Tây phương, họ bảo tôi, thì tôi sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý.

Rồi thư của [nhà văn] Salman Rushdie tới, mời tôi đi dự Đại hội PEN World Voices ở Nữu Ước. Tôi liền liên lạc với nhà chức trách địa phương để xin phép dời Trung Hoa, và đã đặt mua vé máy bay. Tuy nhiên, ngay trước ngày tôi lên đường, một sĩ quan cảnh sát gọi tôi tới “uống trà,” thông báo cho tôi hay là đơn xin phép của tôi đã bị khước từ. Nếu tôi cứ nhất định ra phi trường, ông ta bảo tôi, họ là làm tôi biến mất, như đã xẩy ra cho Ai Weiwei.

Đối với một người cầm bút, nhất là khi người đó lại muốn làm nhân chứng về những gì đang diễn ra ở Trung Hoa, tự do ngôn luận và xuất bản mang một ý nghĩa lớn hơn chính sự sống. Bạn thân tôi, nhà văn đoạt giải Nobel Liu Xiaobo, đã trả một giá rất đắt cho những tác phẩm và hành động chính trị của mình [Hiện ông này vẫn còn bị tù mặc dù được trao giải Nobel năm 2010, nhà văn đầu tiên của Trung Hoa được giải văn chương Nobel song bị cấm đi, kể cả cử người đi lãnh giải thay mình.] Tôi không muốn dẵm vào vết chân của ông. Tôi không có ý định trở lại nhà tù. Tôi lại cũng không muốn bị coi như là “biểu tượng của tự do” bởi những người ở bên ngoài những bức tường cao của nhà giam.

Chỉ có việc thoát khỏi cái nhà tù vĩ đại và vô hình có tên là Trung Quốc này tôi mới có thể viết và xuất bản một cách tự do. Tôi có trách nhiệm cho thế giới biết một Trung Quốc hiện thực được che dấu bởi ảo tưởng về một nền kinh tế bùng phát -- một Trung Quốc vô cảm đối với niềm bất mãn đang âm ỉ của người dân thường.

Tôi giữ ý định đào thoát cho riêng mình. Tôi đã không hỏi phép bọn mật vụ canh chừng tôi như tôi vẫn làm. Thay vì thế, tôi gói ít quần áo, cây sáo Trung Hoa, một cái bát chuông Tây Tạng và hai cuốn sách qúy, “Hồ sơ của nhà Đại Sử Gia” và cuốn “Đạo Đức Kinh.” Rồi tôi ra khỏi nhà khi lũ mật vụ không để ý, và lên đường đi Yunnan. Mặc dù đang lúc trời nóng mà tôi cảm thấy như mình là một con chuột đồng vào mùa đông, nằm im để để dành năng lượng. Tôi trải qua phần lớn thời giờ với đám dân hè phố. Tôi biết là nếu tôi lục lọi tìm kíếm thế nào tôi cũng sẽ tìm ra một lối thoát.

Với cuốn sổ thông hành và hộ chiếu nhập cảnh Đức Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam, tôi bắt đầu tiến hành. Tôi tắt điện thoại di động sau khi liên lạc vắn tắt với các thân hữu ở phương Tây, những người đã hợp tác trong dự tính thoát ly. Nhiều ngày sau, tôi tới một tỉnh nhỏ dọc biên giới, từ đó tôi có thể thấy Việt Nam bên kia một giòng sông đang chẩy xiết. Người giúp tôi tại địa phương nói tôi có thể thuê người bí mật chở tôi qua sông, nhưng tôi từ chối. Tôi có cuốn sổ thông hành còn giá trị. Tôi chọn ra đi bằng ngả trạm kiểm soát biên giới trên cầu.

Trước cuộc đào thoát, người giúp tôi mướn một phòng khách sạn sát biên giới. Giữa những cơn mưa, tôi trôi nổi giữa các cơn mộng và thực tại, rồi thức giấc phập phồng trước tiếng gõ cửa để chỉ bắt gặp một cô gái điếm run rẩy trong mưa xin vào tá túc. Mặc dù tội nghiệp song tôi không thể giúp đỡ cô ta.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 7, tôi bước 100 yards [khoảng gần 1km] tới trạm gác biên giới, sẵn sàng chấp nhận chuyện ghê gớm nhất, song một phép lạ đã xẩy ra. Viên chức xem xét giấy tờ của tôi, thỉnh thoảng ngó tôi quan sát, rồi đóng dấu vào sổ thông hành của tôi. Tôi đi một mạch không ngừng tới Hà Nội rồi đáp một chuyến bay tới Ba Lan và sau đó Đức quốc. Khi tôi bước ra khỏi phi trường Tegel ở Bá Linh vào buổi sáng ngày mồng 6 tháng 7, viên chủ bút người Đức, Peter Sillem, đón tôi. “Trời ơi, Trời ơi,” anh ta kêu lên. Anh ta vô cùng xúc động và không tin được là tôi thực sự đã tới được Đức. Bên ngoài phi trường không khí tươi mát và tôi cảm thấy tự do.

Sau khi tôi đã ổn định, tôi gọi cho gia đình và cô bạn gái của tôi, những người đã bị nhà chức trách chất vấn. Tin tôi đã đào thoát lan ra nhanh chóng. Một anh bạn họa sĩ bảo tôi là anh ta đã tới thăm Ai Weiwei vẫn bị canh chừng gắt gao. Khi người bạn nói là tôi đã bí mật đặt chân tới nước Đức, đôi mắt Lão Ai mở lớn. Ông ta rú lên, như không tin đó là sự thực, “Thật vậy sao? Thật vậy sao? Thật vậy sao?”


Trùng Dương giới thiệu & chuyển ngữ
09/2011

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười 201510:41 CH(Xem: 33859)
Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore. Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ; song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự giàu có của con tim.
18 Tháng Mười 20154:41 CH(Xem: 31108)
Ngồi giữa buổi chiều mênh mông hắn chờ một cuộc điện thoại, bầu trời mở rộng trước mắt hắn, một dãy nhà cao thấp lô nhô trải dài làm cho đường chân trời trở nên răng cưa, gấp khúc. Xa hơn nữa, ở một góc nhỏ xíu lóe lên những tia sét lẫn trong những đám mây xám, những tiếng sét không âm thanh chớp lên rồi tắt ngúm một cách vô thưởng vô phạt.
18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 33336)
Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự...
18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 34967)
Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bằng tay trắng.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 37367)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
16 Tháng Mười 201510:03 CH(Xem: 32506)
Em không thể đi hết còn đường còn lại của mưa, anh biết không, có thể chúng dài hơn điều em nghĩ, có thể chúng đang ghen tuông với điều tự do của gió
12 Tháng Mười 201512:25 SA(Xem: 30107)
không phải thơ đâu em chỉ là lời nguyện đêm tha thiết không phải sáng mai nào cũng trong veo như sáng nay gió về vẩn đục lời kinh rớt xuống lũng oan cừu
11 Tháng Mười 201511:40 CH(Xem: 31445)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Thanh Hiện có lối viết rất lạ như thơ xuôi, từ đầu đến cuối chỉ dấu phẩy, không chấm. Chúng tôi hân hạnh mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào không gian truyện của Nguyễn Thanh Hiện.
11 Tháng Mười 20154:46 CH(Xem: 28545)
Đang ngồi trầm tư bên ấm trà nóng, ông Hội bỗng giật nảy mình khi nghe ngoài sân có tiếng rên rỉ. Ai nửa đêm khuya khoắt lại vào nhà ông than khóc? Vội vã ông chay lại mở cửa. Ánh điện trên thềm hắt xuống sân, ông trông thấy một người phụ nữ nằm sõng xoài trong vũng nước. Phương. Đúng là Phương.
11 Tháng Mười 20154:38 CH(Xem: 28717)
Mùa thu sắp cạn. Những hàng cây trên phố phơi dần những cánh tay trơ xương. Cuộc sống trong gia đình ông Hội vẫn diễn ra như một vở kịch mà ở đó những người diễn viên luôn phải oằn mình thể hiện vai diễn trái ngược với nội dung kịch bản. Nhiều lúc Phương tự hỏi, thật ra những con người này họ đã và đang nghĩ suy gì trong tâm não?