- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phụng, trở lại với đời

17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 93217)

st_tcp_1

Tôi điếng người sau cú phôn. Phôn của anh bạn ở Portland. Phụng dính ung thư gan! Tôi loanh quanh chẳng biết mình đang làm gì và đang muốn làm gì. Có lẽ nào! Đang khi không bỗng trời ập xuống. Cảm giác này tôi đã có khi nghe tin Trường Kỳ vừa vội vã ra đi. Khi Phụng sang Montreal là ba đứa tôi hàn huyên ríu rít. Cho tới bây giờ tôi không nhớ là tôi quen Kỳ lúc nào và quen Phụng lúc nào. Hình như tình thân có sẵn đó. Chưa bao giờ tới và chưa bao giờ đi. Chỉ có con người đi. Kỳ đã đi. Phụng bên bờ vực!

Anh bạn luôn sát cánh bên Phụng cho biết là bác sĩ cho Phụng cái hạn ba tháng. Biết mình chỉ còn ba tháng trên đời, Phụng tính những chi? Tôi băn khoăn mà không dám nhấc phôn hỏi. Tôi sợ sự sợ hãi. Phụng đang nằm trong sự sợ hãi của một kẻ bị dồn tới chân tường. Phôn rồi biết nói chi với Phụng. Ông khoẻ không? Vô duyên! Ông đang làm gì đó? Lại vô duyên. Phụng không còn cái yên ắng của những người chưa phải thấy cái hàng rào thời gian chặn trước mặt. Ba tháng để thu xếp một đời. Có ngắn quá không? Có dài quá không? Kỳ không có thời gian đối mặt đó. Ào một cái, Kỳ đi. Dứt khoát. Chẳng phải tính toán chi. Khỏe re!

Chuyện gì cũng vậy. Biết trước vẫn hơn. Không phải bất ngờ đưa đến những sai lầm của vội vàng. Nhưng chuyện đi, đi một đường thẳng, chắc có khác. Ba tháng của Phụng nhất định là ba tháng khốn khó. Tôi cũng thấy khó. Làm sao bấm được 8 con số để với tới Phụng. Loanh quanh mãi tôi cũng bấm được hàng số nằm thản nhiên trên chiếc phôn. Hàng số của anh bạn tâm giao với cả tôi và Phụng. Tôi quen anh bạn từ ngày dạy học ở Vũng Tầu. Hai đứa đều là giáo sư dân chính dạy giờ tại trường Thiếu Sinh Quân trong khi chưa xong nợ sách đèn tại Đại Học. Dạy học để có tiền đi học. Trên bãi biển Vũng Tàu, giữa tiếng sóng ầm ì, trong những đêm trăng sáng, mấy tên nhà giáo thứ thiệt có ngạch trật đàng hoàng, bên trường Trung Học Vũng Tầu, vẫn mắng chúng tôi là giáo…gian! Chẳng oan chút nào!

Dựa vào sự quen biết từ những ngày hàn vi xa lắc xa lơ, tôi vẫn dùng anh bạn làm cục kê trong những lần ngại gọi thẳng Phụng. Giao hả? Tôi thầm thì như sợ Phụng nghe thấy tuy nhà anh và nhà Phụng cách nhau tới cả giờ lái xe. Phụng ra sao? Tai tôi ghé sát ống nghe. Thì như moa đã mail cho toa. Bác sĩ đã có…phán quyết rồi! Tôi hụt hẫng. Toa thấy Phụng ra sao? Buồn lắm! Khoảng hai, ba năm trước Phụng đã một lần bị anh chàng ung thư thăm hỏi. Lần đó là ung thư túi mật. Theo chị Ái, bà xã của Phụng, chị thấy anh mất cân dần, mặt mày hốc hác nên vội đưa anh tới bệnh viện. Thử mới lòi ra bệnh. Dính chấu! Nhà thương vội mổ ngay. Cắt đứt cái túi phản bội trong con người anh. Tưởng rằng đã yên. Mà yên thật. Anh đã hát hò lại.

Phụng rất mê hát. Đó là lẽ sống của anh. Nhớ trong lần tôi chở vợ chồng Phụng từ Toronto đi thăm thác Niagara, Phụng vừa hát vừa mở đĩa nghe mình hát suốt chặng đường. Anh say mê nhạc như say mê người tình. Nói như vậy sai bét. Phụng là người rất gọn gàng trong tình cảm. Người thương anh thiếu giống. Người yêu nhạc của anh và tác giả của nó cũng thiếu chi. Nhưng anh chàng văn nghệ này rất có trật tự. Văn nghệ thì được nhưng lai rai thì không. Vậy thì Phụng mê nhạc như điếu đổ. Cái thứ tương tư thảo Phụng mê thật. Mê trong lén lút. Thời buổi bây giờ người ta được khuyến khích phụ lòng thứ cỏ thơm. Phụng, cũng như các đệ tử của khói, chẳng thể lạc hậu được nữa. Nhưng dứt ngang thì chẳng đặng nên cứ lén lút thỉnh thoảng làm vài hơi. Tôi đã có lần nối giáo cho…bạn. Có chết thằng tây nào đâu!

Các bạn tôi nhiều người có tật. Các cụ đã phán là có tật có tài. Họ là những con cháu ngoan của các cụ. Có tài mà không có tật sẽ làm buồn lòng các cụ. Tài họ đã có thì tật dĩ nhiên cũng phải có. Ông nhà thơ Hoàng Xuân Sơn cư ngụ cùng một thành phố với tôi, có lần đau cổ mất tiếng. Nhà thơ kiêm nhà…hát mà mất tiếng thì còn ra làm sao nữa! Y chang! Ông sang Boston dự ra mắt thơ của ông Phan Xuân Sinh. Dĩ nhiên ông bị điệu lên micro. Xui làm sao bữa đó tôi cũng có mặt tại chỗ. Chàng nhà thơ họ Hoàng thoái thác không được. Nghe tiếng hát lạ tai tôi muốn biến mất trên cõi đời phiền muộn này. Mang chuông đi đánh xứ người! Phiền cái chuông rè này quá. Không biết có phải vì vết nứt của chuông không mà bạn tôi chịu đi bệnh viện cho bác sĩ coi cái cần cổ. Trước khi đi, bạn tôi dõng dạc đặt điều kiện với vợ. Nếu đúng là ung thư thì phải cho chàng hút thuốc thả cửa từ giờ tới chết. Thiệt xui cho bạn tôi! Không phải ung thư!

Ông bạn Du Tử Lê, bạn ông Từ Công Phụng và là người có nhiều thơ được ông Phụng phổ nhạc, cũng nặng khói thuốc. Nhưng ông này vốn là…du tử họ Du nên chẳng care chi ai. Ông chỉ care lũ cầm quyền. Khi sang Montreal. Lúc các quán cà phê còn được cho phép thả khói thuốc mịt mù, ông khen. Cái xứ này văn minh thiệt!

Chuyện mê khói mà sánh với chuyện mê nhạc là đúng chỉ số. Toàn là thứ sống chết cả! Cuối cùng tôi cũng sống chết phải phôn. Nhấc cái phôn, quay số, chuông reo. Bên kia đầu giây là chị Ái. Cuộc chuyện trò đẫm nước mắt. Người bệnh đã xong phần cam chịu của người bệnh. Người đầu ấp tay gối có cái đau khác. Cái đau không ở trong người nhưng da diết ruột gan. Phụng đang nằm đâu đó trong nhà. Chị Ái đưa phôn cho Phụng. Tôi chờ một giọng trầm buồn nhưng lại được nghe một giọng…bạt mạng. Nó đánh mình thì mình đánh lại! Bạn mình khá, tôi nghĩ.

Tuổi của lũ chúng tôi bây giờ là tuổi vàng. Nghe yếu xìu. Thân thể của chúng tôi bây giờ là vùng oanh kích tự do của tật bệnh. Chúng muốn lui tới lúc nào cũng được. Ông bạn thân của Từ Công Phụng và tôi, nhà thơ Du Tử Lê, đã thấm sự…mở cửa của mình. Ngày 30 tháng 4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn của cô Thuý Anh trên đài Văn Nghệ Thúy Nga, Du Tử Lê đã cho biết: “Tôi may mắn được qua cơn bệnh hiểm nghèo là bệnh ung thư ruột. Theo nguyên tắc, các bác sĩ nói, khi qua được 5 năm thì coi như bệnh nhân không còn bị đe dọa bởi cơn bệnh nữa. Tuy nhiên chưa kịp vui trọn thì các bác sĩ lại khám phá trong phổi tôi có một cái bướu…Nhỏ thôi. Sau nhiều lần CT Scan vẫn không thấy cái bướu tăng truởng, nên bác sĩ Lê Trần Hoàng, người theo dõi tình trạng phổi của tôi, cho hay, ông hy vọng không phải là một di căn của cancer. Kết luận tạm thời của bác sĩ Hoàng là một kết luận tốt. Vì tôi cũng mong là được như vậy. Tuy nhiên nếu có là cancer thì mình cũng vui thôi!”.

Niềm vui ung thư, đó là tên một truyện ngắn của nhà văn bác sĩ Trần Long Hồ. Niềm vui trong truyện là niềm vui của ông Parker, bệnh nhân ung thư phổi của bác sĩ Trần. Ông chán nản phải chịu đựng căn bệnh nên tung hê hết. “Tôi đẩy cửa [phòng vệ sinh] bước vào. Ông Parker đang ngồi trên bồn cầu, đầu ông dựa ngửa ra sau nhưng mắt ông nhắm nghiền. Trên môi ông còn ngậm điếu thuốc cháy dở. Bàn tay ông đặt trên đùi còn nắm chặt tấm hình trần truồng của [bà vợ] Nancy. Cái đầu trọc lốc vẫn tựa vào vách. Tôi nhìn kỹ lại thấy mạch của ông không còn đập và ông đã ngưng thở”. Ông Parker này cũng là đệ tử của khói và cũng biết thưởng thức thứ văn nghệ trần truồng của bà vợ. Kể cũng nòi...cự phách! Cự Phách là tên cúng cơm của ông Du Tử Lê. Niềm vui của ông bạn này…vui hơn nhiều. Ông bay từ Cali qua Portland thăm ông Phụng. Ông ung thư ruột thăm ông ung thư gan. Coi video cuộc trùng phùng của hai tác giả bản nhạc “Giữ Đời Cho Nhau”, một ông làm thơ, một ông đặt nhạc, tôi chỉ thấy tiếng cười. Trước đây, ông bạn Lê Đình Điểu, cũng ung thư, khi sắp ra đi, còn gửi thư cho bạn bè cho biết rất bằng lòng với số phận vì dù sao cũng đã có mặt trên đời được một hoa giáp. Một hoa giáp là sáu chục năm. Tuổi đó, cả hai ông Từ Công Phụng và Du Tử Lê đã qua cầu. Vậy thì có chi mà care! Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông Du Tử lê đã hiên ngang: “…Sau khi tôi trải qua một cơn bệnh ngặt nghèo và, tôi sống được đến ngày hôm nay, tôi cho đó là một điều may mắn. Một sự kỳ diệu. Nên, mỗi ngày được sống thêm, tôi đều tận hưởng nó, như một bonus, với tất cả lòng biết ơn đời sống. Biết ơn trời đất. Biết ơn gia đình. Biết ơn vợ con. Biết ơn bằng hữu. Nên, tôi luôn thấy mình hân hoan. Mỗi buổi sáng, khi mở mắt ra, thấy mình còn sống, tôi lại nói: “Cám ơn Trời Đất đã cho con sống thêm một ngày”. Và tôi mỉm cười với gia đình, với vợ con chung quanh sau câu cám ơn ấy”.

Cũng trong cuốn video cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn văn nghệ, Phụng, với chiếc mũ nồi sùm sụp trên đầu, vẫn hào hứng chỉ dẫn cho một người bạn hát cho đúng một bản nhạc của anh. Đôi khi anh hát làm mẫu với tiếng đàn tây ban cầm. Giọng anh không còn là giọng trên sân khấu nhưng mắt anh vẫn ngời ngời say sưa. Bệnh tật không lấy đi được âm nhạc của anh tuy nó đã quật anh te tua bằng cách ăn cắp của anh một vài ký thịt, một nhúm tóc muối tiêu. Có một lúc anh đã giở chiếc mũ ra, nắm một nhúm tóc, vê vê trên tay, giơ ra cho mọi người thấy.

Tóc của Phụng, đó là một mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ. Nhất định không thể là Phụng nếu không có mái tóc đó. Vậy mà cũng tới lúc anh phải buông bỏ. Những cú phôn của chúng tôi, trước hay sau khi Phụng vướng bệnh, đều là những tiếng cười. Khi đã trải qua mấy lần làm chemo, trong một lần Phụng cười nghiêng ngả trong phone, anh đã bảo tôi: “Thôi ông, tôi cười đau cái bụng quá!”. Lần đó, Phụng cho biết anh đã xuống tóc. “Nó rụng hàng nắm, cạo trọc luôn cho khỏi rắc rối!”. Chiếc đầu bình vôi đó tôi đã được chiêm ngưỡng. Phụng có khác đi nhưng cũng không đến nỗi nào. Phụng đã quen với bệnh thì bạn bè cũng phải quen với cái đầu không tóc của Phụng. Như Mai Thảo đã thơ. Bệnh ở trong người thành bệnh bạn / Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân / Gối tay lên bệnh nằm thanh thản / Thành một đôi ta rất đá vàng. Bạn tôi đang phải thù tiếp ông bạn không hẹn mà đến, không mời mà ngồi lỳ không chịu đi đó.

Ông bạn bệnh tinh quái đã thay đổi hình hài của người nhạc sĩ tài hoa lịch lãm. Nhớ, ngày vợ chồng tôi cùng vợ chồng Phụng lang thang trên đường phố Vancouver. Trời hây hây lạnh. Phụng khoác chiếc áo dạ nâu dài, thả hững hờ chiếc khăn choàng sọc nâu đỏ dài xuống tới thắt lưng. Đường phố vào thu. Những chiếc lá vàng lăn tăn chạy theo gió. Chúng tôi lang thang suốt ngày. Thường thì sau mỗi lần trình diễn, vợ chồng Phụng trở về liền. Lần đó, chúng tôi hẹn nhau. Phụng từ Portland tới, tôi từ Montreal sang. Sau ngày trình diễn, vợ chồng Phụng ở lại để rong chơi với vợ chồng tôi. Lũ chúng tôi xác xơ dần, mỗi lần gặp nhau là một lần khó. Ngày vui càng lúc càng hiếm.

Nhớ, lần Phụng qua Montreal trình diễn. Ngày hôm trước Phụng hát ở Montreal. Ngày hôm sau, Luân Hoán, oaàng Xuân SơnHHoàng Xuân Sơn và tôi ra mắt sách ở Toronto. Chương trình sơ khởi do Lê Hân tổ chức chỉ là một chương trình hát tình ca phụ diễn. Tôi phone qua Phụng từ vài tuần trước hỏi Phụng có chơi văn nghệ với anh em, xuống Toronto hát chùa trong buổi ra mắt sách không? Phụng…chơi ngay. Vui là chính. Đêm hôm trước, trong khi Phụng hát ở Montreal, vợ chồng Luân Hoán và vợ chồng tôi lái xe xuống Toronto trước. Nửa đêm mới vãn hát, sáng sớm ngày hôm sau, từ khi mặt trời chưa thức dậy, vợ chồng Phụng đã khăn gói ra phi trường. Hơn một giờ bay, Phụng tới Toronto, Lê Hân và tôi đã có mặt tại phi trường Pearson của Toronto đón. Buổi ra mắt sách dự định vào cửa tự do đã phải đổi thành tặng vé vào cửa. Khán giả sẽ phải tới lấy vé tặng nơi ban tổ chức. Nếu không, chắc rạp hát sẽ bể vì lượng người tuôn tới. Đây là lần đầu tiên Phụng hát ở Toronto. Một tập nhạc đã được Lê Hân in cấp tốc để Phụng cũng ra mắt sách cho vui. Phụng mang thêm một số đĩa nhạc qua. Khán giả xúm xít vào nơi Phụng ngồi ký sách và băng nhạc. Vui ơi là vui. Trên sân khấu, trong phần giới thiệu Phụng, tôi lên tung hứng với Phụng trong một màn không sửa soạn, không tập dượt nhưng đầy cảm hứng. Nhạc sĩ Trường Sa ngồi ở hàng ghế đầu cũng được móc lên giới thiệu với khán giả. Ông khóc vì cảm động. Đã lâu Từ Công Phụng và Trường Sa không gặp nhau. Có lẽ từ khi hai người, mỗi người một cách, mỗi người một thời gian khác nhau, bỏ nước ra đi.

Nhớ, ngày tôi bắt xe đò từ Seattle qua Portland thăm Phụng. Những buổi sáng, cà phê do Phụng pha (Tôi pha cà phê ngon nức tiếng đó ông!) ngay trên lan can phía trước căn nhà cổ của Phụng, chuyện miên man, từ chuyện viết lách, văn nghệ lan qua tới cả chuyện tâm linh. Phụng có niềm tin tôn giáo rất vững vàng. Chính niềm tin đó đã cứu rỗi Phụng qua những ngày bệnh ngặt nghèo.

Bệnh cứ bệnh, sống cứ sống, bạn tôi vẫn cười với đời. Khóc chăng là chị Ái, người đã từng trải bao gian nan trong cuộc sống. Cú gian nan này xem ra cũng không làm nhụt được ý chí của người đàn bà đã từng bao lần vươn vai đứng dậy. Chị cuống cuồng giữ hơi thở của chồng. Chemo cứ chemo, ai chỉ bài thuốc nào chị cũng lăn ra làm. Người Phụng là nơi tiếp nhận đủ cả đông y tây y. Từ những thang thuốc bổ tới lá đu đủ, từ linh chi tới măng tây, cọng sả, hay bất cứ thứ lá lẩu nào có thể làm quê anh ung thư. Bệnh Phụng khi trồi khi sụt. Có lần tôi phone qua, Phụng mệt không nói được. Có lần Phụng nhanh nhẹn tán chuyện liên chi hồ điệp. Hỏi thăm về bệnh, Phụng coi nhẹ: “Mình đánh nó, nó đánh lại mình, nó thua thì nó chạy, mình thua thì mình lui. Lui tới chân tường là cùng!”. Nhiều khi ngại không biết bây giờ bệnh Phụng ra sao (bây giờ tháng mấy nhỉ?) tôi lại đi đường vòng phone cho Giao hỏi thăm tình hình trước. Nếu không vui thì để Phụng nghỉ, cứ mang bệnh ra mà tán chán chết, cho cả tôi và Phụng. Nếu nghe thấy Phụng khỏe, phone qua Phụng ngay, chia nhau những nụ cười, tiếp chút sức cho bạn. Có lần Phụng cao hứng nói huyên thuyên, cười đã, lại còn hát hỏng coi xem còn được không. Hát được có lẽ nhờ những tô phở gà của chị Ái. Phụng ưa ăn phở. “Bi chừ tôi đâu có ăn được phở bò! Ăn để tiếp đạn cho quân địch sao? Thịt đỏ là thứ anh cancer thích lắm. Cứ phở gà mà chơi”. Phở gà của chị Ái là thứ phở tinh khiết, không mỡ màng, thứ được chọn lọc cẩn thận, Phụng ăn vào là an toàn. Tình trạng của Phụng được tính theo phở. Ít ra là với đệ tử của phở như tôi. Cứ hỏi những bát phở Phụng ăn là biết được sức khỏe của Phụng. Từ đầu năm, tình trạng của Phụng lên dần. Và chót hết lên tới…đỉnh bình yên. Giao mail qua cho tôi. Phụng đã ăn hết bay hai tô phở một lúc. Vui mừng phone qua Phụng, chàng xác nhận vết ung trong gan đã teo lại. Quân ta thắng.

Trong số quân ta có những người yêu nhạc của Phụng. Có lần Phụng bi quan nới với tôi khi anh cho biết có người không biết anh bệnh nên mời anh đi hát: “Hát hò chi nữa. Chắc kiếp sau!”. Kiếp sau thì xa quá. Mà lúc đó biết Phụng ở đâu mà tìm tới nghe. Phụng vốn galant đâu có làm buồn người ái mộ đến vậy. Giờ, đánh cho anh chàng bệnh lui, Phụng phải hát lại. Anh phone qua tôi. Anh sẽ “Tạ Ơn Đời”. Đó là chủ đề và cũng là lý do mà Phụng sẽ gặp lại khán giả.

Khi tôi đến nơi đây nắng rực rỡ ngoài khoang trời xa, và lòng tôi thấy rộng mở những thiên đường…Phụng đã trở lại với đời. Bởi vì anh vẫn còn nợ đời! Hay đời còn nợ Phụng?

 

SONG THAO

05/2011

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 61821)
“… (Bệnh viện) Ung Bướu VN đã làm một điều quá tàn nhẫn với em là chuẩn đoán sai và phẫu thuật cẩu thả. bây giờ, mỗi khi nhìn xuống ngực mình là em rớt nước mắt. không biết nó đã cứu em hay đã giết chết em bằng 1 cách nào đó. em rất muốn gặp 1 người phụ nữ mất ngực để hỏi xem bằng cách nào mà họ vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui. em chưa thể...” ...Từ chỗ nằm gần như suốt ngày đêm, thư của Trang khiến tôi bật dậy..
18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 72562)
L TS: Về quê xưa gặp người cũ là bức tranh tình cảm thơ mộng. Tuy nhiên, với vài trang viết ngắn Nguyễn Văn đã đưa câu chuyện thường tình của một thời đại phân ly bỗng mặn nước mắt và phũ phàng như những cơn mưa miền Trung. Chúng tôi trân trọng giới thiệu Tóc Mai Ngày Cũ , một sáng tác mới của Nguyễn Văn với quí độc giả và văn hữu của Hợp Lưu. Tạp Chí Hợp Lưu
15 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 52427)
Lời người dịch.  Đứa con gái đồng hoang (La fanciulla della Pampa) dịch từ nguyên bản Ý ngữ là một trong bảy truyện ngắn trong tập truyện Sette donne intorno al mondo (Bảy người phụ nữ vòng quanh thế giới) của Arnaldo Fraccaroli, một nhà văn kiêm nhà báo và diễn viên hí viện Ý vào thời đầu cho đến giữa thế kỷ 20.
08 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 32521)
Đ ã 40 năm trôi qua, kể từ mùa Xuân-Hè rực lửa 1972. Trận đánh còn to hơn Điện Biên Phủ 1954 này—thí dụ như sử dụng tới hơn 90,000 quân, so với 40,000 trong trận Điện Biên Phủ—chưa được nghiên cứu tường tận. Một trong những lý do chính là tài liệu ; chính xác hơn, thiếu tài liệu khả tín, và quá nhiều cung văn hay đào mộ. Trận chiến Quốc-Cộng 1945-1975 là một trận chiến bị ô nhiễm nặng hệ tuyên truyền ...
14 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 76799)
M ùa xuân vừa chạm ngõ đã nghe buồn qua tay em đang làm chi đó? ngày trôi như dấu ngày
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 74421)
T a đuổi bắt ước mơ cùng chân thật Đời không vui tiếc mãi một nụ cười Mùa xuân ơi em hiền như nắng mới Chạy loanh quanh cũng chỉ một vòng tròn.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 75231)
C hẳng thể nào thay đổi được Dù nhiều lần anh tự dối Bằng những câu thơ đêm anh viết vội Ôi chao, xuân thênh thang như cánh quỳnh hoa Sao đêm lại buồn như thế...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 55656)
Con đường thơ của Nguyễn Lãm Thắng có nhiều bước chuyển. Sau “Điệp ngữ tình”, “Giấc mơ buổi sáng” (333 bài thơ thiếu nhi), anh thử nghiệm, gieo hạt giống thơ của mình vào thế trận khác: thế trận đời. Thế trận này đã đánh dấu tiếng nói riêng cho “họng đêm” [ *] trong hành trình sáng - tạo - thi ca của anh. Anh gần như đoạn tuyệt hẳn cái nhìn trong trẻo của “Điệp ngữ tình”, cái hồn nhiên thơ trẻ của “Giấc mơ buổi sáng” để ném vào “họng đêm” cái nhìn từ góc độ người mù và “có thể nói nhiều về điều không thể nói”.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65158)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 53493)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...