- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hợp Lưu 114

29 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 91567)

lg_thutoasoan-thumbnail

Hợp Lưu 114 đến với quí độc giả và văn hữu trong những ngày đầu tháng 7 khi những cơn mưa bất chợt ở Sài Gòn và Hà Nội báo hiệu một mùa ngập lụt mới. Trong khi cuộc cách mạng tự do dân chủ như những cơn bão lốc xoá tan và thay đổi các thể chế độc tài tại Trung Đông và Bắc Phi, mặc cho những cuộc trấn áp, bưng bít thông tin, ngăn chận những mạng lưới điện tử toàn cầu... Nhưng tất cả rồi cũng như một ván cờ đã đến hồi tàn cuộc.

Những ngày đầu hè thật nóng như các cuộc xuống đường liên tục của người dân Việt Nam để phản đối Trung Quốc về sự lấn chiếm vùng biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những cuộc biểu tình của người Việt cùng khắp từ trong nước ra hải ngoại; từ Hà Nội, Sài Gòn đến Liên bang Mỹ, Pháp, Nhật, Úc...như những dòng nước mưa tìm nơi thoát, khiến người ta có cảm giác bớt tù túng, nhất là người dân trong nước. Và đây cũng là dịp chúng ta thấy ra sự gắn bó, tình yêu quê hương và tổ quốc của người dân Việt; đất nước như một điểm tụ để hướng về, như những dòng sông hợp lại... sức mạnh của quần chúng, tự do và nhân bản sẽ thăng hoa đời sống của con người.

Hợp Lưu 114 được mở đầu với (phần 2) bài biên khảo của Sử gia Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu về giai đoạn ngắn ngủi từ ngày 9-10/3/1945 tới ngày 21/8/1945, khi guồng máy quân sự Nhật bị sụp đổ là một trong những thời kỳ quan trọng trong lịch sử cận đại chấm dứt hơn tám mươi năm Pháp đô hộ, và kích động một cuộc cách mạng xã hội mà đặc điểm là hiện tượng Việt-Nam-Hóa tất cả các cấu trúc xã hội. Và một biên khảo của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng với “Tinh thần dấn thân cùng dân tộc của Phật tử Việt Nam thời kỳ đầu quốc gia tự chủ” một tấm gương sáng cho các đời sau noi theo.

Hợp Lưu 114 đặc biệt với song truyện hay cặp truyện, vì là hai truyện riêng, nhưng cùng nhân vật, cùng cốt truyện, nhìn từ hai nhân vật chính khác phái của Trần Vũ và Trầm Hương. Truyện kể về thân phận của hai người đi vượt biên sau năm 1975, thay vì đến Indo hay Mã Lai, lại tấp vào đảo Iwo Jima năm 1944, lúc Nhật và Mỹ đang huyết chiến trên hòn đảo bé tí sắp bom đạn này... khi đã lìa xa quê hương và tổ quốc không dung chứa, tương lai sẽ đi về đâu? Đây là song truyện thật lạ trong văn chương Việt Nam ở cả trong nước và hải ngoại.

Hợp Lưu 114 có nhiều văn thi hữu lần đầu cộng tác, như Nguyễn Thị Khánh Minh có nhiều thi phẩm đã xuất bản từ 1991 đến 2009 tại Việt Nam. Nguyễn Thị Quyên ở Bình Định. Nguyễn Lệ Uyên người viết trong nước từ trước 1975. Nhà văn Quý Thể mới định cư tại Hoa Kỳ. Cùng những người còn rất trẻ như Nguyễn Lãm Thắng, Trần Hồ Thuý Hằng, Song Ninh...

Ngoài ra là những sáng tác mới nhất về thơ, truyện, tuỳ bút, của các văn thi hữu quen thuộc như Lý Thừa Nghiệp, Luân Hoán, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Xuân Tường Vy, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Đức Bạn, Lữ Thị Mai, Đoàn Minh Châu, Đỗ Phấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lê Nguyệt Minh, Đoàn Nhã Văn, Vũ Trọng Quang, Khiêm Nhu, Trần Thiên Thị, Song Thao, Trần Mộng Tú, Hoàng Chính, Lưu Diệu Vân, Lưu Na, Phạm Thị Ngọc, Khaly Chàm, Đặng Hiền...

Phần truyện dịch là trích đoạn hồi ký Samuraï  của Saburo Sakai do Nguyễn Nhược Nghiễm chuyển ngữ. Mục thường xuyên vẫn duyên dáng sâu sắc với Phiếm Luận của Song Thao và Mạn Đàm Văn Học với Trần Thiện Đạo...

Hợp Lưu 114 hân hạnh giới thiệu bức tranh bìa Ngày Mùa của hoạ sĩ Ái Lan một tác phẩm thể hiện nét đẹp xưa của Việt Nam như một lời mời cùng Hợp Lưu và những cơn mưa tự do đi vào mùa nóng 2011.

Chúc quí độc giả và văn hữu một mùa hè vui tươi hạnh phúc.

 

Tạp Chí Hợp Lưu 

 




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33507)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33523)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30836)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30577)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30782)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31245)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31923)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34130)
Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.(TCHL)
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34969)
C ánh tay tôi rơi dài bên tôi, tựa tiếng thở sâu từ ngàn năm trước. Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dồn dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Nước sông Hồng mùa đông cạn ráo. Dầu cho Hồ Tây tràn nước ra đường, sương mù dăng trắng thành phố. Không khí ẩm ướt đọng thành vũng trong những ngôi nhà phố cổ. Không ai, không gì biết đến sự tồn tại của tôi. Đồng loã cùng thân thể mát thơm, uốn dẻo và trái tim hỗn mang của tôi là màu đêm tối.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34205)
Tôi xô nó ra nói thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngữa ra nền xi-măng. Bóng tối như đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.