- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Xanh như hồn phách

02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 96457)

 hue_ntlam-content

 Cứ sau một đêm, Hạn lại mập thêm một ít. Mỗi đêm mỗi mập ra cứ như giấc ngủ của cô chứa đầy đường, bánh mì và thịt nướng. Mập mà da không trắng thêm chút nào nên Hạn như một con rệp có trứng. Du nói lúc cô còn ở nhà, đó là do Hạn nuốt quá nhiều nước mắt.

Quá nhiều, cũng có thể như vậy, bởi vì Hạn và tôi đã có những ngày dài tươi đẹp, những đêm dài xanh ngắt trong góc phố chật cứng những chiếc xe bán sâm bổ lượng. Những đêm dài có trăng, gió khô và nóng đến nỗi nước sâm bổ lượng mằn mặn như là trộn thêm nước mắt. Và đó là những ngày tháng cũ, khi mà Hạn chỉ mới đầu tập cười bằng những cái răng cửa.

Tối qua sau khi gội đầu cho Du ở nhà gã thầy thuốc, trên đường quay về tôi đã nghĩ nhất định sẽ có mưa. Lúc nằm trên giường và lắng nghe tiếng thổn thức của những cành dương liễu khô chờ mưa, tôi thử đảo lộn thứ tự các công việc sẽ làm cho Du ngày mai. Chẳng mấy khi tôi được làm như vậy, làm những công việc ngớ ngẩn, mặc dù tôi rất thích. Sáng nay Du về và tôi sẽ đi đón cô. Gã thầy thuốc có cái đầu trơn tuột chắc đã chán chê Du nên tôi vừa mở miệng là gật liền, gật mạnh và nhanh đến nỗi chút xíu nữa cái đầu kỳ dị của gã văng khỏi vai. Vậy là Du được trả về cho tôi, nhưng trước khi đón cô tôi cần dọn dẹp căn gác một chút. Không thể tìm cuộc sống khác cho Du, nhưng tôi sẽ giữ cho cô được yên tĩnh. Du sẽ không còn lang thang dưới rặng dương liễu hay trên mái ngói lơ thơ những nhánh bồ đường vào những đêm khô nóng. Tôi sẽ không để cho ánh trăng tìm thấy cô.

Từ khi mập ra Hạn không còn có ý định đi nữa. Cô cười nhiều hơn và siêng năng đánh bóng những đồ vật cũ trong nhà. Thức dậy từ rất sớm, Hạn quỳ mọp trên nền gạch, miệt mài kỳ cọ những cánh cửa gỗ. Đôi khi cô đột ngột dựng người lên, lim dim nhìn xuyên qua những song gỗ được đẽo gọt cầu kỳ, rất sạch và đen chát chúa như cô, rồi cười bằng những cái răng cửa: Tối qua có mưa không hả ?

Giờ này chắc Bội còn trên gác, đang vuốt ve lần cuối những tờ bạc giấy và những ô phiếu hình vuông. Những đêm trăng sáng mười phân như đêm qua, Bội ngủ rất ít. Cô ngồi say sưa đếm đi đếm lại những mẩu giấy đủ màu đựng trong một cái hộp bằng đồng đỏ, suốt đêm cho tới khi dĩa trăng phía tây bạc xóa.

Căn gác lúc nào cũng tối, lảng vảng mùi thịt ướp và mùi dầu xả. Đó là mùi của chị em Du, không bao giờ tan được trong khoảng không bít kín bằng sáu cánh cửa gỗ thượng song hạ bản. Những cánh cửa này không được Hạn lau chùi vì không cần thiết. Dù có để lại bao nhiêu bạc giấy vào cái hộp đồng đỏ, khách cũng không bao giờ được lên gác. Nhưng nếu muốn, khách cũng có thể đứng ở sân trong, lắng nghe dư âm của chiếu bạc tứ sắc đã tàn cuộc, hoặc tìm kiếm mùi vị mơ hồ của một buổi trà minh quyết uống vào lúc nửa đêm dưới cây trứng cá và ngẩng đầu lên mà ngắm những tấm chạm dưới xà thượng cùng một mảng tường đất phồng rộp. Tôi thì khác. Khi cần xua đuổi tiếng gào thét của những con mèo hoang khát nước, tôi trải chiếu trước sáu tấm cửa đã cột chặt, với một cành dương liễu khô đang cháy trong tay. Chờ đợi lúc Du thức giấc đi hái cỏ bồ đường và chờ trời sáng, tôi nằm đếm những giọt trăng khô khốc lăn qua thềm gian phía đông. Bắt đầu từ mái ngói xuống đầu kèo, những giọt trăng xanh biếc lặng lẽ tan vỡ trên mảng tường bong rộp. Chưa bao giờ tôi bước qua bậc thềm gian phía đông và sáng nay là lần đầu tiên. Rất nhiều năm rồi bên trong những song cửa lắp kính mờ chỉ sáng lên mỗi khi Du chống gậy đem bữa ăn vào. Cô vào, khép cửa lại và chỉ còn tiếng sàn gác vặn mình trộn trong tiếng nhạc máy hát vọng ra. Tiếng máy hát sẽ được mở to hơn vào những ngày trời giông, với một ít mưa. Mỗi khi Du ngủ thiếp đi, tôi xếp sẵn bữa ăn trước thềm cửa, chừng nào tỉnh lại cô sẽ mò mẫm đem vào. Ông nội của chị em Du ở trong đó, hình như cả ba người đều nói vậy. Một ngày nào đó tự dưng ông ta thấy sợ những thứ bên ngoài, và không ra nữa. Cũng có thể ông ta say đắm gian phòng của mình đến nỗi không muốn rời ra, kể cả lúc đã rời bỏ cuộc sống. Từ khi cha mẹ của ba người theo chân ông nội, không ai ngăn Du đem thức ăn mỗi ngày cho một gian phòng trống. Mới đầu thì có nhưng sau lại thôi, vì như vậy sẽ làm cô mất đi niềm vui. Bây giờ thì Du không còn thức dậy để làm việc đó nữa.

Ngày xưa tôi cũng từng sống với một căn gác như vậy. Ở đó cũng có một gian phòng kín mít nhưng rộng hơn và sáng hơn. Ông nội tôi ở trong đó. Mỗi chiều tối tôi đứng trước ô cửa lắp kính mờ đợi nhận phần của mình, hai đầu bánh mì và một cục đường phèn. Lúc đó tôi còn nhỏ và để lên tới nơi tôi phải trèo từng bậc một, đuổi theo một vầng trăng xanh thăm thẳm treo ngoài cửa sổ cầu thang. Có những chiều tối tôi phải trèo rất lâu, khi mà ngoài cửa sổ vầng trăng chỉ là một ảo ảnh. Trong lúc chờ tôi ráng căng mũi tìm mùi bánh mì đang được xé nhỏ một cách chậm rãi lẫn trong mùi khen khét tận tụy của cái máy hát cứ chạy đi chạy lại một đoạn nhạc hiệu. Cũng có lúc chẳng biết tại sao tôi được nhận phần rất sớm. Đứng trước hiên gác, tôi ăn cục đường trước cho bớt sôi bụng, và khoái chí lắng nghe tiếng ông nội rên rỉ bên trong: Cái thằng răng tốt ghê, đường mà nó nhai rau ráu. Cũng từ nhỏ tôi đã biết cười bằng răng. Luôn luôn phải nhắc nhở người đem thức ăn cho ông nội tôi nhớ rằng tôi có bộ răng rất tốt. Sau này lần đầu tiên tập cho Hạn cười kiểu đó, tôi gần phát điên khi thấy mắt cô trợn ngược, rồi ói ra giữa phố một đống sâm bổ lượng. Cũng sau này tôi mới biết ông nội tôi đã ở trong gian phòng đó nhiều năm liền, cho tới khi rời bỏ cuộc sống. Một ngày nào đó tôi sẽ kể cho Du nghe câu chuyện của mình.

Thêm có mấy tháng mà căn gác đã tiều tụy đi bao nhiêu so với lần đầu tiên tôi tới cùng với những người thợ phục chế. Cần phải trát lại bức tường, thay cấu kiện rui kèo bị mối mọt. Còn dư một ít gỗ và tôi thay thêm vài cây xà mới mà không tính công. Nhưng còn căn gác, ban đầu tôi đã nản chí. Ván sàn nứt nhiều chỗ, cả căn gác có thể sập thình lình nếu như thời tiết không chịu thay đổi. Hạn cũng cản tôi, vì các chi tiết ở nhà dưới đã chiếm quá nhiều thời gian trong khi mùa đón khách đã bắt đầu. Tôi chọn cách dễ nhất là lắp thêm một giàn chịu lực phụ dưới căn gác, âm trong các bức tường, bằng những cây dương liễu. Dương liễu chết khô khi chưa kịp lớn vẫn có thể chịu được sức nặng của căn gác ít nhất là cho tới khi có mưa. Nước mưa sẽ làm thịt dương liễu mềm đi, ruột rời ra và đó là lúc giàn chịu lực trở thành gánh nặng cho nhà dưới. Không sao hết, Hạn gạt đi, mình sẽ đi chỗ khác trước khi có mưa. Tôi cũng nghĩ vậy. Thật là khủng khiếp khi mà ngày nào cũng có những con người lạ hoắc tự nhiên đi vào nhà mình, xộc cả vào bữa cơm, giấc ngủ của mình. Những con người ngớ ngẩn tới mức tin rằng với một ít tiền có thể thấy được linh hồn của một ngôi nhà phảng phất dưới mái vòm vỏ cua bị cố ý làm cho cũ đi, hay trên những bức hoành phi phẳng phiu do bàn tay ngu dốt của tên thợ phục chế. Hạn nói rằng cô không thể sống yên ổn trong một ngôi nhà như vậy, cho dù đó là vật báu giữa thiên hạ. Tôi sẵn sàng đi với Hạn cho dù tôi biết chuyện đó không bao giờ xảy ra. Khi yêu nhau người ta có thể nắm tay nhau đi qua một ngọn núi sắp sập một cách dễ dàng, nói gì một ngôi nhà. Ở bên kia núi tôi sẽ tìm được một chỗ mới cho hai đứa, vì tôi vẫn kiếm được miếng ăn cho dù không còn cái răng nào. Tôi chịu được một công việc ngớ ngẩn nào đó, đẽo những cái khuôn bánh in chẳng hạn, miễn là hai đứa có thể cười bình thường như những người khác. Có thể lúc đầu sẽ khó, cũng có thể sống với Hạn tôi phải ốm đi, mặt không tròn và da không mùi dầu xả. Đâu có sao, thật ra thì mặt Hạn đâu có giống một vầng trăng, chẳng qua là Bội chọc tức tôi đó thôi.

Tôi chịu ở lại đây với chị em Du, lúc đầu là vì Bội. Ngày đầu tiên tôi tới đây cùng những người thợ phục chế, Bội làm tôi điếng người vì hơi thở khen khét và cách đi đứng đờ đẫn của cô. Tôi nhìn thấy ở Bội hình bóng của một thằng nhỏ suốt ngày ủ rũ và thèm muốn đủ thứ, nhìn thấy cả những đoạn nhạc hiệu trong cái giọng mũi lười biếng của cô, cứ lặp đi lặp lại mỗi khi Bội giới thiệu những thứ trong nhà khách. Những lúc như vậy tôi luôn tìm cách đứng cạnh và ráng hít mùi khét từ miệng cô. Bội chưa bao giờ thuộc về tôi. Ngày xưa mỗi khi ăn xong đường và bánh mì, tôi vừa ì ạch leo xuống vừa cay cú tự trách mình: Tại sao không ăn chậm lại, tại sao phải nuốt thật nhanh những thứ đã thuộc về mình ? Rồi ngày hôm sau lại quên mất, lại trèo lên, chờ và nuốt nhanh phần còn lại, lại đau đớn tiếc rẻ, rồi lại quên. Nhiều năm sau đó, trong những lúc đói khát kiệt quệ nhất, tôi đã biết được rằng mình chưa bao giờ có đường và bánh mì trong đời. Bội chưa bao giờ và không bao giờ thuộc về tôi. Tôi biết như vậy khi đứng chờ cô đếm những mẩu giấy dưới ngọn đèn treo trước côn sơn, trong khi mắt đờ đẫn nhìn ra rặng dương liễu. Cả Du và Hạn cũng vậy, chưa bao giờ và mãi mãi tôi không có được họ. Cho nên tôi yêu cả ba người.

Một lần tìm Bội, tôi bắt gặp gã người Âu đang ở cạnh cô. Tay gã vừa bỏ những ô phiếu và tiền vào cái hộp đồng đỏ trong khi mắt nhìn như muốn úp chụp lấy Bội. Những lần sau gã đến với một xấp giấy trắng trên tay. Trong khi chờ Bội, gã tựa vào tường, ngửa cổ và thong thả vẽ lại hình dáng bộ rường chồng giả thủ lên xấp giấy. Xong việc gã lôi Bội đi, dẫn cô đi dọc con phố rồi chui vào rặng dương liễu. Họ ở đó rất lâu đủ cho một cơn giông đùa cợt chán chê với những cành dương liễu khô. Rồi khi tan cơn giông tôi là người ra đón Bội về. Lần cuối cùng tôi đón Bội trời chỉ mới chuyển. Trước khi ra khỏi nhà tôi bắt gặp Hạn đang đứng nuốt nước mắt. Cô đứng trên thềm gian giữa, ngửa mặt nhìn khoảng trời nhỏ xíu đang chạy vùn vụn qua mái ngói, và nuốt nước mắt: Sắp mưa rồi, mình có đi kịp không ? Hạn hỏi tôi như vậy đã nhiều lần rồi, cứ mỗi lần định dẫn nhau đi là cô lại nhìn trời và hỏi. Lúc đầu tôi định trấn an cô, nhưng đúng lúc Du ra khỏi giường và đang trèo lên mái ngói. Những lần sau tôi đã hiểu ra. Sẽ mãi mãi không bao giờ có mưa và câu hỏi của Hạn không phải dành cho tôi. Cả những giọt nước mắt ráng nuốt đó cũng không phải vì tôi.

Hình như là Bội đã chờ dưới rặng dương liễu rất lâu rồi. Điệu bộ đờ đẫn của cô đã sôi lên và tóc của cô như những cành khô điên dại ráng sức đón lấy từng luồng giông khô khốc. Những cành dương liễu khô sao mà giống chị em Du quá chừng, suốt đời chờ đợi. Tôi biết gã người Âu sẽ không cần Bội nữa vì cái khu làng trọ ngoài bãi cát của gã đã làm xong, sau khi đã ăn cắp gần hết hình dáng kiến trúc ngôi nhà của Bội. Gã là một người làm ăn và khu làng trọ của gã, bao gồm những phiên bản ngôi nhà của Bội, sẽ đón những người Âu khác vào ngày mai, bất chấp có mưa hay không. Nghĩ tới mấy cái xác nhà không hồn không phách của gã người Âu, tôi rống lên cười. Bội quắc mắt lên: Khi không lại cười. Tôi vuốt mặt Bội và nói nhỏ vào tai cô. Bội thở hắt một cái não nề: Thôi đừng xạo nữa, mặt chị Hạn mới tròn. Rồi cô đưa tay cho tôi dẫn về.

Chỉ bằng một chân tôi đã mở được cửa gian phòng cột chặt. Bột gỗ rơi lả tả trên bậc cửa trong khi mùi dầu xả và thịt ướp bốc lên ngùn ngụt. Một cái giường lớn với rèm bọc bốn phía nhưng không có mùng. Nệm mỏng không có vải bọc và một cái gối vuông đan bằng những sợi mây đã lên nước. Cạnh giường là một cái tủ lớn có cửa bọc kính, bên trong chỉ có mấy cái bình đất và một cái máy hát. Tôi mở tủ và thả kim vào đĩa hát. Chỉ có tiếng lẹt xẹt, đôi lúc bị ngắt nửa chừng. Có một cái bàn tròn để ở giữa phòng với mấy cái ghế. Cái bàn được chạm trổ kỹ lưỡng bằng hoa trà đẹp mới mức tay nghề của tôi không thể nào mơ thấy. Còn một cái ghế khác đặt cạnh cửa sổ phía đông, trên có một cái thau nhỏ vẫn còn một ít nước. Trong phòng các bức vách đều dán giấy hoa. Một bức ảnh rất lớn treo cô độc. Trong ảnh là một người đàn ông tóc ngắn mặc áo cao cổ với hai hốc mắt to, đăm chiêu như vừa mới bước ra từ gian chứa tiền xâu ngăn tiền sảnh với phòng khách. Chắc chắn đây là ông nội của chị em Du, một người đã từng trở về đây từ đáy đại dương chỉ với lòng kiên nhẫn vô tận của một thương nhân, là lòng đam mê vô tận với những niềm vui của mình. Sinh thời người đàn ông này có một chiếc thuyền nhỏ vừa đủ sức đương đầu với biển Đông. Ông ta chở quế ở đây ngược lên đảo Hải Nam để bán ở Hạ Môn, sau đó mua thuốc bắc đem về. Để tránh mùa giông và để tích lũy nhiều hơn, đôi khi ông ta cho thuyền đến tận Osaka, chở theo cả một hầm đầy những vật dụng bằng đất nung lấy từ vùng Trung Cận Đông. Có những chuyến đi bình yên và có những chuyến đi quyết đấu với bão tố, hải tặc. Những chuyến đi bình yên đã giúp ông hoàn thành ngôi nhà này trong vòng bốn mươi năm. Và cho ông ta bốn mươi năm khác tích lũy những xâu tiền bằng đồng đỏ. Nhưng rồi một chuyến đi khác đã làm cho ông ta suýt nữa phải nộp mạng. Một cơn giông và mưa kéo dài hai ngày đã đánh úp con thuyền chở đầy gốm sứ giữa biển Đông trong khi nó đang trên đường tới Nhật Bản, chỉ cách ngôi nhà của ông ta một trăm hải lý. Tuy không thể bị nhấn chìm nhưng người đàn ông này theo cơn giông trôi rất xa xuống miền Nam và phải mất hơn nửa năm mới tìm thấy đường về nhà với một nửa hồn người đã quặt quẹo. Từ đó ông ta không hề bước ra khỏi nhà một lần nào nữa mặc dù vẫn âm thầm thu lượm những món hàng đất nung Islam và vẫn cần mẫn ngồi đếm những xâu tiền của mình dưới ánh trăng xanh biếc vào những đêm không có giông. Tôi biết tất cả những chuyện này là do người thợ cả kể lại trong ngày đầu tiên tới đây cùng những người thợ phục chế.

Không mất nhiều thời gian tôi đã thu dọn sạch sẽ căn gác. Tháo hết những thanh chốt cửa sổ để thay ánh sáng, quét sàn gác hai lần sau khi đã thay rèm giường, vậy là đâu vào đó. Tôi không biết Du vui tới chừng nào khi nhiều năm liền đem bữa ăn vào đây. Nhưng sao mà thân phận của tôi với cô giống nhau quá vậy. Ngày xưa tôi đau khổ biết mấy, thương nhớ biết mấy và không sao tin được sẽ không còn những buổi tối hạnh phúc trên căn gác dịu dàng khúc nhạc hiệu quen thuộc. Không tin, nhưng sau đó không bao giờ tôi trèo lên các bậc thang nữa, cho dù trăng vẫn rất xanh và bình thản chờ đợi tôi ngoài cửa sổ. Tôi có một trái tim biết co giãn, dễ dàng để mất niềm vui của mình còn Du thì không. Mỗi bữa ăn Du đem vào gian phòng này có lòng kiên nhẫn vô tận trước sinh mệnh của chính mình mà ông nội cô đã để lại, trong đó cũng có cả niềm vui vô tận được giữ những dư âm quen thuộc ngày xưa. Tất cả những việc đó tạo thành cuộc đời Du và cô không chịu từ bỏ dù bất cứ chuyện gì đã xảy ra. Cũng như Du phải ngủ nhiều vì trong giấc ngủ cô sẽ tự do lang thang dưới rặng dương liễu hay trên mái ngói với cỏ bồ đường, những cuộc dạo chơi mà sau khi không ngủ, không có một cô gái mù nào có thể làm được một mình. Những cuộc dạo chơi bình yên đã cho Du niềm vui bất tận trong suốt bốn mươi năm chưa một lần thấy được vầng trăng xanh biếc đã quyến rũ cô, đưa cô đi đón cơn mưa đang còn ở vạn dặm xa vào những đêm khô nóng. Nhưng rồi một cuộc dạo chơi khác đã chấm dứt các cuộc dạo chơi tiếp theo. Tiếng gào thét vì khát nước của một con mèo đã làm cho Du rơi xuống theo những giọt trăng, cùng với một nhánh bồ đường xanh ngắt. Và Du không bao giờ thức dậy nữa.

Sáng nay tôi sẽ đón Du về. Gã thầy thuốc trơn tuột không chịu nói có khi nào đó thình lình Du sẽ thức giấc hay không, mặc dù tôi đã dọa sẽ không trả đủ tiền cho gã. Đành vậy, rốt cuộc thì tôi vẫn muốn ở lại đây với chị em Du. Trong khi con rệp có trứng đang lau chùi những cánh cửa, còn cành dương liễu khô dang tay đón khách vào nhà, tôi sẽ gội đầu cho Du trong khi cô đang ngủ. Rồi mỗi ngày tôi sẽ kể cho Du nghe một câu chuyện, sau khi đã trấn an cô rằng bữa ăn đã được đem vào gian phía đông. Tôi sẽ kể cho Du nghe một câu chuyện về những đêm khô nóng, một câu chuyện ngọt như đường phèn. Và tôi sẽ kể rằng trong giấc ngủ của cô, vầng trăng sáng mười phân còn xanh biếc hơn tất cả những vầng trăng đã sáng trên thế gian này, vào những đêm không mưa.

 

ĐỖ PHƯỚC TIẾN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33507)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 33529)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30841)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30584)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 30791)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31250)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 31927)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34134)
Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.(TCHL)
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34977)
C ánh tay tôi rơi dài bên tôi, tựa tiếng thở sâu từ ngàn năm trước. Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dồn dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Nước sông Hồng mùa đông cạn ráo. Dầu cho Hồ Tây tràn nước ra đường, sương mù dăng trắng thành phố. Không khí ẩm ướt đọng thành vũng trong những ngôi nhà phố cổ. Không ai, không gì biết đến sự tồn tại của tôi. Đồng loã cùng thân thể mát thơm, uốn dẻo và trái tim hỗn mang của tôi là màu đêm tối.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 34208)
Tôi xô nó ra nói thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngữa ra nền xi-măng. Bóng tối như đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.