- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cao Xuân Huy (1947-2010)

26 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 99094)



cxh_hl_113

 (CXH Xuân Cali 2010 / Ảnh tư liệu HL)


LTS: Nhà văn Cao Xuân Huy mất vào mùa Thu 2010, đã có rất nhiều bài viết về anh trên các báo in và báo mạng. Tạp chí Hợp Lưu trong thời gian đó chỉ kịp đăng lời phân ưu. Đến nay, Hợp Lưu 113 số tháng Ba và Tư của năm 2011, chúng tôi xin dành riêng một số trang đặc biệt để đăng những bài viết về anh của văn hữu Hợp Lưu, đồng thời trích đăng một số sáng tác trong hai tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng” và “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy như một nén hương thân kính gởi đến anh thay lời từ biệt.

 

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

 

 

Vài dòng tiểu sử:

 

Cao Xuân Huy sinh ngày 14/7/1947 tại Bắc Ninh, mất ngày 12/11/2010 tại Lake Forest, Nam Cali, Hoa Kỳ. Vợ: Đỗ Thị Minh. Con: Cao Nguyên Chúc Dung, Cao Nguyên Xuân Dung. Nhập ngũ tháng 2/1968. Thuỷ quân lục chiến. Cấp bậc trung úy. Tháng ba 1975 bị bắt. Đi học tập cải tạo đến tháng 9/1979 được thả. 12/1982 vượt biển. 10/1983 tới Hoa Kỳ.

Tháng 6/1985, in Tháng ba gẫy súng.

11/1989 - 6/1992, Tổng thư ký tạp chí Văn Học.

4/1993 - 10/1994, Tổng thư ký tạp chí Văn Học.

9/2004 - 2/2008, Chủ biên tạp chí Văn Học.

Tháng 7/2010, in Vài mẩu chuyện.

 

 

 

 

Cao Xuân Huy

Chờ tôi với

 

 Tiếng rít của vỏ đạn hỏa châu phá tan cái im lặng của mặt trận. Mỗi lần có hỏa châu, vỏ đạn rơi thẳng xuống chỗ Toàn đang nằm, Toàn rúm người, thu nhỏ thân hình, sợ vỏ đạn rơi xuyên qua thân thể mình. Trời lạnh, mưa mỏng hạt, ánh trăng hạ tuần nhờ nhợ lẫn vào màu cát. Toàn căng mắt nhìn, không thấy gì. Màu vàng nhợt xóa mờ đường ranh giữa trời và đất. Ánh sáng hỏa châu nhập nhòe không làm rõ được đường nét vùng quan sát.

 Tựa lưng vào thành giao thông hào, Toàn hồi hộp đợi lệnh tấn công lần chót trước giờ ngưng bắn. Đã quá bốn giờ sáng, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ. Một cuộc ngưng bắn toàn diện, chính thức được hai bên thỏa thuận và quốc tế công nhận bằng hiệp định Paris, và đã được thông báo, phổ biến trong toàn quân. Tám giờ sáng, đúng tám giờ sáng ngày 28 tháng Giêng năm 1973, cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm chấm dứt. Vĩnh viễn.

 Toàn chỉ huy một đơn vị tác chiến chuyên nghiệp, những người lính là những tay cảm tử, xem cái chết “nhẹ tựa hồng mao”, những cái lông hồng của Toàn đã rụng hơn ba phần. Đại đội Toàn tả tơi qua những đợt tấn công liên tục trong ngày. Mục tiêu, vị trí phòng thủ của một trung đoàn địch. Một chọi mười không chột thì cũng phải què, cánh quân bên kia thế nào không biết, cánh của Toàn từ điểm xuất phát gần hai trăm, sau hai mươi tiếng đồng hồ, còn hơn ba chục, đang nằm dọc theo giao thông hào vừa chiếm được, hồi hộp đợi lệnh tấn công đợt chót.

 Tuổi trên dưới hai mươi, những thằng em còn lại của mình phải sống. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ thôi, Toàn, mày phải sống, mày phải là người chứng kiến giờ phút lịch sử này. Phải bám vào cái chuyển mình này của lịch sử. Bỗng dưng, Toàn đâm sợ chết.

 

*

 

 Máy truyền tin PRC-25 kêu “khè” một tiếng, Toàn chụp vội ống liên hợp:

 “520 – 05.”

 “05 – 520.”

 “Rồi. Hướng mười giờ.”

 “Nhận năm.”

 Cuộc tấn công chót bắt đầu.

 Toàn nhìn đồng hồ, mới sáu giờ sáng. Còn hai tiếng nữa.

 

*

 

 Đúng tám giờ. Trời sáng rõ. Tiếng súng vẫn còn nổ.

 Toàn bảo thằng máy:

 “Kháng, mày la lên là tới giờ ngưng bắn rồi.”

 Kháng nghiêng đầu, quay miệng chếch lên, la:

 “Tám giờ rồi. Tám giờ rồi nghe.”

 Toàn bật cười:

 “Tám giờ rồi thì sao?”

 Kháng cũng cười theo, lại chếch miệng lên, la tiếp:

 “Tám giờ rồi, tới giờ ngưng bắn rồi nghe.”

 Tiếng súng vẫn chưa ngưng.

 Những đồi cát hình cánh cung toàn là địch, thầy trò Toàn nằm lọt vào giữa, dưới thấp. Ước lượng theo tiếng súng, Toàn đoán ít nhất địch vẫn còn đông gấp chục lần mình. Lúc nãy, khi khởi sự cuộc tấn công lần chót, trời còn tối dễ nhập nhằng, nhưng bây giờ, trời sáng rõ. Thầy trò Toàn đang nằm chịu trận. Giờ ngưng bắn đã bắt đầu có hiệu lực, nhưng thực tế, đủ các loại đạn vẫn hướng về phía Toàn mà nổ.

 Tám giờ năm, tiếng súng vẫn chưa ngưng.

 Toàn lại nhắc Kháng:

 “Mày la nữa lên.”

 Kháng lại chếch miệng lên, la tiếp:

 “Tới giờ rồi, tới giờ ngưng bắn rồi nghe.”

 Chỉ có tiếng súng trả lời.

 Toàn bảo Kháng:

 “Mày giơ thử ngón tay lên coi tụi nó còn nhắm bắn mình không.”

 Kháng tròn mắt nhìn Toàn:

 “Bộ ông giỡn hả?”

 “Mày ngu thấy mẹ. Lỡ nó bắn cụt ngón tay, có phải là được giải ngũ không?”

 Kháng nhìn quanh, vớ được nhánh dương cong queo trong mức an toàn duy nhất, giơ lên khỏi đầu. Chưa đầy chớp mắt, nhánh dương bị bắn gẫy.

 Toàn gọi máy qua cánh quân bên phải:

 “05 – 520.”

 “520 – 05.”

 “Phía ông ngưng chưa?”

 “Chưa.”

 “Ông ‘thọc’ mạnh lên. Sườn tôi hở, lạnh thấy mẹ.”

 Tiếng súng rộ lên phía bên phải. Toàn và Kháng nhào lên chốt địch phía trước. Tâm, tên cao bồi của Toàn, chồm người tung quả lựu đạn. Lựu đạn vừa rời khỏi tay Tâm, Toàn nghe tiếng thét:

 “Chết tui.”

 Toàn quay lại nhìn, Tâm nằm ngửa bất động trên cát, máu trong bụng nhỉ ra.

 Cùng lúc, Toàn và Kháng tung lựu đạn vào trong hầm rồi vọt theo, làm chủ cái chốt. Toàn nhào ngược về đằng sau, nắm chân Tâm kéo thụt xuống sau mô cát.

 Tâm nhìn Toàn:

 “Đù má nó. Ngưng bắn rồi mà sao tui chết hả ông thầy? Ông rán sống nghe ông thầy!”

 Nói dứt câu, người Tâm giựt mạnh rồi mềm xuống.

 Toàn vuốt mắt Tâm rồi nhào lên với Kháng:

 “La lên nữa đi!”

 Kháng:

 “Đù má, tới giờ ngưng bắn rồi nghe.”

 Tám giờ mười lăm, tiếng súng thưa dần.

 Tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Toàn nhìn đồng hồ, tám giờ hai mươi lăm.

 Cho chắc ăn không còn là mục tiêu, Toàn bảo Kháng:

 “Mày giơ ngón tay lần nữa coi.”

 Không tìm đâu ra nhánh dương nào khác, Kháng giơ ngón tay trỏ lên ngang mắt ngắm nghía, cười cười thủ thỉ: “Đụ má, đừng bỏ tao nghe mảy!”

 Toàn gắt:

“Đù má mày, giơ ngón tay lên.”

 Kháng rụt rè đưa ngón trỏ lên khỏi đầu, cao hơn mô cát một chút, rồi lại thụt xuống. Nhấp nhứ như vậy một lúc, Kháng để hẳn ngón tay cao hơn mô cát. Không thấy động tĩnh gì, Kháng nhích tay cao hơn, cao hơn tí nữa. Kháng giơ cả bàn tay, vẫn yên lặng. Toàn nhìn quanh kiểm soát đám đàn em. Tất cả đang nhìn Toàn chờ.

 Toàn đẩy đẩy cái mũ sắt của mình lên cao khỏi mô cát. Không có gì.

 Toàn ghếch đầu nhìn lên phía trước. Dãy đồi cát hình cánh cung trước mặt Toàn đầy người. Tất cả đều đứng dưới giao thông hào, chỉ lộ từ ngực trở lên.

 Toàn đứng hẳn dậy. Lính tráng chỉ đợi có thế, cũng đứng hẳn lên. Tháo dây đạn, bỏ súng, bỏ mũ sắt xuống.

 Binh nhất Phước đen, một tên cao bồi khác của Toàn, vụt băng mình lao về phía trước. Toàn hốt hoảng ra lệnh cho lính ứng chiến ngay lập tức, sợ có gì nguy hiểm cho Phước đen. Nhưng không, những người bộ đội phía bên kia nhào lên khỏi giao thông hào, ôm chầm lấy Phước đen. Phước đen móc trong túi ra gói thuốc mời, mời, mời hết người này đến người khác.

 Lính hai bên ùa lên phía trước, ôm nhau hò hét:

 “Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!”

 Những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc. Cố không khóc nhưng nước mắt Toàn cứ ứa ra, không kềm được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn mặc cho nước mắt trào ra.

 Có tiếng nghẹn ngào bên cạnh:

 “Anh khóc đấy à?”

 Toàn quay qua, một người bộ đội nước mắt cũng đang nhòe nhoẹt. Chẳng nói chẳng rằng, cả hai ôm chầm lấy nhau…

 Toàn bảo lính buộc cờ vào những lùm dương thấp lè tè rải rác quanh chỗ vừa chiếm được. Bắc quân ở tại chỗ nên có sẵn cây, sẵn cột để cắm cờ.

 Có lá cờ buộc không kỹ rơi xuống cát, người bộ đội vỗ vỗ Toàn, chỉ:

 “Anh ơi, cờ của anh rơi kìa!”

 

*

 

 “Chào anh.”

 Toàn nhận ra người bộ đội lúc nãy:

 “Chào anh.”

 “Anh ăn cơm chưa?”

 “Sao anh lại hỏi ăn uống giờ này?”

 “Xin lỗi anh. Đó chỉ là câu chào quen miệng của chúng em.”

 “Vậy hả? Anh khỏe không?”

 “Anh nói giọng Bắc? Ngoài Bắc anh ở đâu?”

 “Tôi dân Hà Nội, vào Nam từ 54.”

 “Em cũng dân Hà Nội.”

 “Thế à? Vậy mình là đồng hương đấy nhỉ? Thế anh xa Hà Nội bao lâu rồi?”

 “Hơn bốn năm rồi anh ạ.”

 Toàn nhìn người bộ đội, cũng khoảng tuổi trên dưới hai mươi như lính của mình, nước da men mét tái có lẽ do sốt rét, nhưng mặt mũi sáng sủa. Trên mũ cối, những hàng chữ viết tên các địa danh như Cùa, Ba Lòng, Khe Sanh, Làng Vey, đường Chín… bên hông mũ gắn tấm ảnh bẩn, vàng ố vì thời gian, chụp bán thân một người đàn bà luống tuổi vấn tóc trần.

 Toàn chỉ tay lên những địa danh viết trên mũ sắt của mình:

 “Hóa ra mình là đồng hương, và cũng đã gặp nhau qua những chỗ này rồi đấy nhỉ!”

 “Em đi trận đã ba, bốn năm rồi, toàn quanh quẩn vùng này!”

 Thấy Toàn nhìn chăm chăm vào tấm ảnh, người bộ đội ngượng nghịu nói:

 “Ảnh mẹ em đấy! Em mang theo từ khi đi nghĩa vụ.”

 “Thế anh không có người yêu à?”

 “Có anh ạ, nhưng… cô ấy đang học đại học.”

 “Học đại học thì tại sao lại nhưng?”

 Người bộ đội ngập ngừng, nói qua chuyện khác:

 “Ở trong Nam, các anh muốn được học đại học phải có những điều kiện gì?”

 Toàn bỡ ngỡ với câu hỏi nhưng cũng trả lời:

 “Điều kiện ấy à? Một điều kiện duy nhất là phải học xong trung học, tức là phải có bằng tú tài, thế thôi. Mới mấy năm sau này, khi cuộc chiến khốc liệt, những người học đúng tuổi mới được học tiếp lên đại học, còn những người dù chỉ học trễ một năm, cũng phải đi lính đã.”

 “Ở ngoài em thì khác. Ở ngoài Bắc thì ‘học tài thi… lý lịch’, vào đại học không theo sức học hay tuổi tác.”

 “Lý lịch phải tốt anh mới được đi bộ đội chứ?”

 Người bộ đội cười nhẹ:

 “Anh chẳng hiểu gì cả. Ở ngoài em, lý lịch tốt thì học đại học. Ông nội em bị đấu tố trong kỳ ‘cải cách ruộng đất’, mẹ thuộc gia đình tư sản ở Hà Nội, thì em phải đi B thôi.”

 “Sao gia đình anh không di cư vào Nam năm 54?”

 “À, gia đình em là gia đình liệt sĩ, bố em chết trận thời kháng chiến chống Pháp, lúc đang làm đại đoàn phó. Mẹ em nghĩ gia đình có công với cách mạng nên không đi. Hơn nữa, mẹ em muốn đợi hòa bình lập lại để đi tìm xác bố em. Chỉ có người anh ruột của em theo ông chú vào Nam thôi.”

 “Thế anh của anh làm gì ở trong Nam?”

 “Có lẽ anh của em cũng đi lính. Trước khi đi B, mẹ em dặn là nếu ra trận cố tránh đừng bắn vào anh mình.”

 “Làm sao mà tránh!”

 “Thì thế…”

 Người bộ đội thở dài, đổi chuyện:

 “Lúc này sắp Tết rồi và máy bay Mỹ đã hết đánh phá, chắc Hà Nội đang trưng bán đầy hoa Tết.”

 “Ở ngoài Bắc… Hà Nội… Thế Hồ Gươm bây giờ ra sao?”

 “Ra sao là gì, anh?”

 “Có tu bổ, có chỉnh trang gì không? Có còn đẹp không?”

 “Không đâu anh ơi. Trên bờ thì bẩn và dưới hồ thì đầy rác.”

 “Có một buổi tối ngày lễ, tôi ngồi trên vai mẹ xem bắn pháo bông ở Hồ Gươm. Đêm ấy người đâu ra mà đông đến thế.”

 “Em thường lang thang nghịch ngợm ở Hồ Gươm.”

 “Nhà tôi ở ngõ Lê Đại Hành, gần Chợ Đuổi, đằng sau Nhà Diêm.”

 “Em ở phố Duy Tân.”

 “Có một lần tôi suýt chết đuối vì không biết bơi mà dám nhảy xuống hồ, cho chuồn chuồn cắn rốn rồi, tưởng là đã biết bơi.”

 “Em cũng có xuống chơi dưới Chợ Đuổi.”

 “Tôi bị xe đạp đâm vì thích nhắm mắt đi qua đường.”

 “Em thích nhảy tàu điện.”

 “Tôi đi theo mấy anh lớn nhặt quả sấu, quả cơm nguội. Cây cơm nguội sao mà to và cao thế.”

 Cả hai đang hào hứng thao thao nói chuyện không đầu không đuôi, chẳng ngô chẳng khoai gì hết về Hà Nội. Bất chợt, người bộ đội không nhìn thẳng vào mặt Toàn nữa, mà nhìn lệch sang một bên, rồi thì thào thật nhanh:

 “Mình ăn cây nào thì rào cây nấy anh ạ. Anh đừng nghe tuyên truyền.” Rồi đổi giọng đanh thép, chậm và rõ từng tiếng: “Bây giờ anh đã thấy được là chính nghĩa thuộc về chúng tôi chưa?”

 Toàn ngơ ngác và chợt hiểu. Một người bộ đội nữa đang đi đến từ phía sau lưng.

 

*

 

 Không phải là hưu chiến, mà là ngưng bắn, là hết bắn giết nhau, là chấm dứt chiến tranh. Chấm dứt chiến tranh. Toàn say sưa hít thở không khí một đêm yên tĩnh của ngày hòa bình đầu tiên. Tưởng tượng sẽ đi theo chàng bộ đội về Hà Nội thăm những cây cơm nguội, những hàng sấu, ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm… Nằm dài trên cát, gác chân lên mũ sắt, Toàn châm điếu thuốc mơ màng, mặc cho ý tưởng lang thang những nơi Toàn đã sống trong thời thơ ấu…

 “Uỳnh…”

 Nhanh như chớp, Toàn chụp khẩu súng, nhào xuống giao thông hào.

 Một quả đạn đại bác không giật bắn vào ngay giữa vị trí phòng thủ. May không ai bị thương.

Sáng hôm sau, cảnh mũ sắt, mũ cối quấn quýt nhau chỉ còn là giấc mơ cũ.

 Không khí căng thẳng.

 Địch tăng cường một đơn vị lớn từ phía Bắc xuống. Toàn báo cáo về bộ chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh nằm tại chỗ và tuyệt đối không nổ súng vì bất cứ lý do gì. Lệnh nhấn mạnh: “Hiệp định ngưng bắn đã hiệu lực. Ai nổ súng sẽ ra tòa án quân sự mặt trận”. Thế hóa ra chỉ có một bên ngưng bắn thôi à. Nó quất cho vỡ mặt cũng phải nhịn à. Quân tử Tàu thì chỉ có mà chết. Mẹ kiếp.

Trời chập choạng tối. Đột nhiên, đèn pha chiếu sáng rực sang phía đơn vị Toàn. Hai chiếc T-54 xuất hiện. Tiếng xích sắt ken két nghiến vào nhau dữ dội. Toàn lạnh người, sởn gai ốc. Toàn giương khẩu súng chống chiến xa M-72, kê lên ba lô, nhắm vào một chiếc T-54, miệng lẩm bẩm: “Mẹ, còn mỗi một khẩu, không đủ gãi ghẻ bố mày cũng chơi. Có chết bố mày cũng phải ‘ôm’ theo dăm đứa chúng mày, các con ạ”.

 Đêm thứ hai của ngày hòa bình, đơn vị Toàn bị tấn công.

Những đợt tấn công đầu bằng đặc công của địch, đơn vị Toàn đẩy lui dễ dàng bằng lựu đạn. Toàn đã sẵn sàng chờ T-54 lâm trận, nhưng không, sau vài đợt tấn công dọ dẫm, địch dùng bộ binh đánh biển người, ồ ạt xung phong vào vị trí của Toàn. Thì ra mấy chiếc T-54 chỉ để… “nhát ma.”

 Khi địch tràn ngập, lưỡi lê và lựu đạn thay cho súng.

 Sau một lúc quần thảo bằng lưỡi lê, Toàn gập người, ngã chúi xuống phía trước, mắt hoa đi, mũ sắt văng ra. Mất mũ là mất mạng. Phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn bật dậy, Toàn nhoài người, vói tay về phía cái mũ. Cả thân thể lẫn cánh tay như không còn theo lệnh Toàn, chỉ nhích từng chút từng chút. Toàn cố nhoài người lên, vói tay. Cuối cùng, tay Toàn cũng chạm được vào cái mũ. Dùng hết sức bình sinh, Toàn kéo cái mũ nặng nghìn cân về phía mình. Cái mũ nhích tới. Nhích tới gần. Cái mũ tới sát mặt Toàn.

 Mắt Toàn dại đi, cái mũ trong tay không phải là mũ sắt, mà là mũ cối. Trên cái mũ cối mà Toàn đã một lần nhìn thấy, những hàng chữ viết tên các địa danh và ảnh người đàn bà vấn tóc trần Hà Nội rõ lên rồi nhòa dần, nhòa dần. Tiếng gào thét giết chóc vẫn vẳng vào tai cùng lúc loáng thoáng hình ảnh Toàn sánh vai người bộ đội đồng hương lang thang bên hồ Hoàn Kiếm… Đột nhiên, một tiếng gọi bật ra trong đầu Toàn “Anh bộ đội ơi, chờ tôi với…”.

 

Cao Xuân Huy

 

 

* từ tập truyện ngắn Vài Mẩu Chuyện do nhà Văn Học xuất bản, ấn bản đầu tiên, năm 2010.

 

 

Cao Xuân Huy

Vải bao cát

 

Toàn mơ màng, suy nghĩ. Đã nhiều lần anh chàng tự nhủ, ừ, tại sao lại không, tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ. Nghĩ thế, Toàn cứ một mình tiếp tục ung dung suy nghĩ, đố đứa nào báo cáo, chúng mày có giỏi thì kiểm thảo xem. Nghĩ, miên man hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện giày cao gót, chuyện giày saut, chuyện dép râu, rồi thì chuyện củ sắn củ khoai... Kể cả chuyện một mai anh trở về dang dở đời em...

Ấy thế mà, cái phần gia tài duy nhất ấy rồi cũng cạn dần theo năm tháng. Toàn bây giờ như phiến đá, như cây rừng. Thôi ngủ yên đi con, ngủ cho qua cơn mộng dữ này. Đừng vui, đừng buồn, đừng hy vọng thì lấy gì mà tuyệt vọng.

“Toàn, mày tiếc bữa ăn sáng phải không?”

Lại cái thằng Phương lý tài, Toàn dấm dẳn:

“Tiếc cái con củ cải tao ấy, càng đỡ phải nhịn đi cầu.”

“Không tiếc thì tại sao lại cứ thừ người ra như vậy?”

“Thừ với thiếc cái mẹ gì. Có bốn cái khoái trên đời...”

“Áp-phe thì phải vậy chứ. Muốn được cái nọ thì phải bỏ cái kia. Bỏ cái khoái thứ nhất đổi lấy cái thứ ba, lời thêm được cái thứ tư, cái đỡ phải nhịn... còn than gì nữa?”

“Cái khoản thứ ba ấy à, cái khoản này, mẹ, ’nhìn’ còn không có, có chi ‘chi’. Tao với cái khoản ấy đã ly tán từ cơn gió bụi này rồi.”

“ ‘Ly tán’? Sắp ‘tha hương ngộ cố tri’ chứ.”

“Ừ thì ‘ngộ cố tri’.”

Không muốn nói chuyện thêm với Phương, Toàn quay đi. Nhưng cái vụ “ngộ cố tri” cứ lẩn quẩn trong đầu.

Đã bao năm rồi không thấy nó,

Mà ta vẫn sống, có lạ không?

Toàn lắc đầu, vậy mà cũng đòi làm thơ, lạ mẹ gì, thi sĩ mà không có óc tưởng tượng, hoặc kiếm được gì gợi hứng cho sự tưởng tượng, anh mới than thân như vậy. Chứ còn như ta đây:

Ta “sờ râu” ta cho đỡ nhớ

Không thanh tâm tuyền,

Không Thanh Tâm Tuyền!

Toàn bật cười, vừa ngâm nga một cách thú vị, vừa đưa tay xoa xoa, sờ sờ cái cằm lởm chởm râu. Bộ râu chẳng phải vật “tư hữu” của Toàn là gì. Vậy mà, có mỗi bộ râu để “sờ”, anh chàng cũng phải để một cách lén lút. Mà râu thì ở ngay trên mặt, ở ngay trên cằm chứ có kín đáo gì cho cam, để lén thế quái nào được, làm sao mà để “chui” cho được, hơi lởm chởm thế này cũng đã là một kỳ công rồi. Thành thử ra...

Ta sờ râu ta cho đỡ nhớ...

Râu thì cũng lại đành là, có đủ đâu để mà sờ, nhưng chút nữa đây, một chút nữa thôi, cái “cố tri”, cái mà Toàn phải sờ râu “cho đỡ nhớ” sẽ hiện ra, ngay trước mặt, bằng “xương”, bằng thịt.

Mắt Toàn sáng lên khi thấy toán tải thương thấp thoáng ngoài cổng trạm xá. Ta đợi em từ ba mươi năm. Cuối cùng thì Toàn cũng sẽ được nhìn, có thể còn được cả chạm tay vào cái “em”, cái mà lâu nay anh chàng chỉ được nhìn ngắm, chiêm nghiệm qua trí nhớ, mà mấy năm nay anh chàng chỉ được sờ, được mân mó qua chính cái... cằm của mình. “Cái ấy” đang đến gần, đang tình cờ đến gần và lọt thỏm vào tầm tay Toàn.

Toàn đã phải năn nỉ, ỉ ôi, đã phải nộp nguyên phần ăn sáng ngày hôm sau cho cái thằng Phương nhất định giành “công tác” cầm đèn với mình. Đói thì đã đói rồi, nhịn thêm một bữa ăn sáng cũng vẫn là đói, chứ có thằng Tây nào chết đâu. Nhịn phần ăn sáng để đổi lấy việc cầm đèn.

Cầm đèn!

Ừ, cầm đèn.

Chỉ cần nghĩ đến cảnh một chút nữa đây, tay trái cầm đèn soi thật rõ để tay phải lần cởi cái cúc áo, nhẹ nhàng cởi cái dải rút... Trời ơi, Phương ơi, dù có phải nộp mười phần ăn sáng cho mày tao cũng ừ, chứ đừng nói là có mỗi một phần. Thiên hạ cứ hay nói “ăn cái dải gì” một cách ngon lành, mà chắc gì đã hiểu được cái giá trị “kinh tế vĩ đại” này. Thế hóa ra cái “dải rút”, trong một vài trường hợp cũng “ăn” được đấy chứ, Phương nhỉ.

Toán tải thương dùng võng cáng vào phòng mổ một người con gái bị trúng mảnh đạn M-79 khi cô nàng đang cuốc đất. Nhìn con mồi mơn mởn nằm trên võng, mắt nhắm nghiền, mặt tái xanh, Toàn mỉm cười. Qua kinh nghiệm, rõ ràng là cô nàng thiếp đi vì sợ, chứ vết thương tuy nhiều, máu ra cũng khá, nhưng, ối giào, một loại kiến cắn, cao lắm cũng chỉ ngang với gà mổ là cùng, đâu nguy hiểm đến nỗi mà phải ngất đi như thế kia.

Bác sĩ Thông, buông dao đang băm dây lang nấu cháo heo xuống, rửa vội tay trong thau nước, quẹt quẹt hai tay vào hai bên hông, rồi chạy thẳng vào phòng mổ. Thiên chức thầy thuốc khiến bác sĩ Thông nhà ta đành phải buông dao nuôi heo chuyển sang cầm dao cứu người.

Phòng mổ, một gian nhà tranh, vách trét đất, bên trong kê một cái bàn bằng gỗ tạp để dao kéo.

Giường mổ, một cái chõng tre, có giăng mùng để che ruồi.

Toàn mặt mũi hớn hở đứng sẵn trong mùng, tay cầm đèn quơ qua quơ lại trên thân thể cô gái lúc đó vẫn chưa tỉnh, miệng không ngớt réo Phương đang ngồi hì hục quay máy phát điện bên ngoài:

“Mạnh tay lên chút coi. Đèn mờ quá.”

“Mờ cái gì? Có câm mồm đi không?”

“Mẹ kiếp, một bữa ăn sáng, nhớ nghe con.”

Bác sĩ Thông cười cười:

“Cũng mua bán được à?”

“Mua chứ! Ba bốn năm nay mới có một thuở mà, ông ơi. Vợ con thì đã chẳng...”

“Còn thằng Phương?”

“Nó dân địa phương ông ơi, vợ nó ở ngay đây, lâu lâu vẫn ‘mang’ vào cho nó. Ít nhất thì dù lén lút, ‘xuân thu’ nó cũng còn được ‘nhị kỳ’.”

“Thôi đủ rồi cha nội, làm việc đi. Mà cởi từ từ thôi nghe. Chỗ mấy vết thương, nhẹ tay nghe cha.”

“Yên tâm đi bác sĩ. Chỗ nào cũng nhẹ tay hết. Mọi chỗ, mọi chỗ đều nhẹ tay, nhẹ tay...”

Dù hai hàm răng đang trong thời kỳ giống như miền Nam vào những ngày cuối tháng Tư, Toàn vẫn dùng răng ngậm đèn để rảnh tay cởi quần áo cô gái. Cố gắng dùng thật ít ngón tay để cởi cúc áo, mấy ngón còn lại Toàn cố tình vi phạm hiệp định, lấn đất giành... da!

Người con gái vẫn nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền.

Bác sĩ Thông nhìn Toàn, khó chịu, hơi gắt:

“Nhanh tay lên! Cái ngữ anh, chỉ cần làm y tá một buổi là tôi tống cổ ra tác chiến rồi.”

Hai hàm răng Toàn vẫn cắn lấy cái đèn:

“Thế ông mới là bác sĩ. Chứ tôi có phải là bác sĩ đâu mà ông không cho tôi động lòng... lương y như từ mẫu.”

Toàn vừa banh áo cô gái ra, vừa lẩm bẩm một mình:

“Cha mẹ ơi, gái quê, suốt ngày ngoài nắng mà sao da thịt trắng đến thế này!”

“Ông đang ‘khấn tiên sư’ gì đấy?”

“ ‘Con khô mực’ này đâu có banh ra được, phải cởi ra chứ?”

“Làm lẹ đi cha nội!”

“Ông cầm hộ tôi cái đèn.”

 

Toàn vòng hai tay ra sau lưng cô gái, mũi dí sát vào một bên cổ cô nàng hít hít. Mùi khét nắng từ tóc, mùi hơi thở từ miệng, mùi da thịt giống cái từ dưới vành tai thốc thẳng vào mũi Toàn. Mê mẩn, lúc này, mùi gì từ trong thân thể cô gái toát ra mà chẳng làm anh chàng mê mẩn. Không biết vì lâu ngày không “nhớ chỗ” hay vì cố tình lính quýnh, mà anh chàng cứ như thằng hậu đậu, loay hoay mãi mới tháo được cái móc.

Ôi chao trắng quá nhìn không “da”.

Toàn liếm môi, Bộ ngực bi thương “co... ó...” rợn tình. Hai cái núm như hai “nốt ruồi son” đỏ hồng, con gái nguyên si? “Vú em chum chủm chũm cau; Cho anh bóp tí, nhỡ đau anh đền”. Trời ơi. Thế này thì có chết người ta không cơ chứ. Chết chứ, chết thật chứ chẳng chơi. Đền, nhất định là anh đền, dù đền bằng gì anh cũng vẫn cứ đền. Vẫn là cứ đền...

Những vết thương loang máu trên bụng, trên ngực làm cho nước da càng như trắng thêm. Da trắng thế này mà bì bạch thì phải biết! Anh chàng ngẩn ra, bị hai “nốt ruồi son” thôi miên mất rồi.

“Cởi nốt cái quần, rồi xê ra cho tôi làm việc.”

Tiếng bác sĩ Thông khiến Toàn chợt tỉnh. Bây giờ mới bắt đầu vào cao điểm của “chiến dịch tiến chiếm mục tiêu”.

“Cố tri” ơi, ta sắp “ngộ” nhau rồi!

Hai mắt Toàn hau háu.

Hai tay Toàn lính quýnh.

Toàn từ từ kéo quần cô gái xuống.

Hồi hộp.

Đợi chờ.

Trời ơi, bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày; Hôm nay tao mới gặp mày, “cố tri” ơi. Không còn phải tưởng tượng nữa, không còn phải sờ râu nữa. Tao sẽ nhìn mày tận mắt, tao sẽ bắt mày tận tay, tao sẽ day mày tận...

Toàn háo hức đắm chìm theo những tưởng tượng...

Bất chợt, hai mắt đang hau háu chợt dịu lại.

Lúng túng.

Hai tay đang tụt quần cô gái chợt khựng lại.

Ngập ngừng.

“Làm gì mà đứng nghệt ra vậy?”

Toàn như không nghe tiếng bác sĩ Thông, vẫn đứng trơ ra, mắt như dán vào mảnh vải che phần dưới thân thể cô gái.

Đờ đẫn.

Thẫn thờ.

Mắt Toàn như dại đi.

 

Trong đầu, chập chờn những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn, xác dân. Bữa ăn vội vã bên bìa rừng, một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa, bát cơm biến thành bát máu. Đôi dép râu với cặp chân xanh mét vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu một người dân, người thiếu nữ chết banh thây trên nóc một hầm trú ẩn, thịt da dính bầy nhầy trên những bao cát, óc trắng, tóc đen hòa với máu đỏ trộn lẫn với đất từ những bao cát... Cái chết bi thảm, cái hình ảnh tang thương của người thiếu nữ xuân thì ấy đã in đậm trong tâm trí Toàn, trở thành nỗi ám ảnh triền miên.

Và, bao cát, phương tiện thô sơ tận cùng, có mặt khắp mọi ngõ ngách của chiến tranh, bảo vệ người sống, chôn vùi người chết, đẫm máu người banh thây, mà lại còn có mặt như thế này sao? Phải thôi chứ, phải hết rồi chứ. Bao cát, sao lại bao cát, chiến tranh đã hết rồi mà, đã hết lâu rồi mà.

Chém giết đâu còn nữa mà trong đầu Toàn chập chờn những hình ảnh cố quên. Đạn bom đâu còn nữa, mà trong tai Toàn vang dội những âm thanh đã cũ. Chỉ vì miếng vải thô nhám này sao?

Toàn dụi mắt, quẹt mồ hôi trán, cố trấn tĩnh nhìn lại thêm một lần nữa miếng vải duy nhất còn lại trên thân thể cô gái. Và bỗng dưng, thấy tràn ngập trong lòng một niềm cảm động, xót thương.

Bằng tất cả gượng nhẹ, với tất cả ân cần, Toàn cúi xuống gỡ nốt phần vải thô nhám loang những vết máu khô. Chàng lẩm bẩm nói với cô, như thầm nói với người thiếu nữ thịt da bầy nhầy dính vào những bao cát trên nóc hầm trú ẩn ngày nào:

“Khốn khổ cho cô, và cũng khốn khổ cả cho tôi, đã đành. Khốn khổ cho đất nước tang thương này. Nhưng chiến tranh đã qua rồi, chiến tranh đã qua lâu rồi mà, mọi chuyện rồi sẽ phải qua đi. Yên tâm đi cô bé, vết thương cô sẽ lành. Mọi vết thương đều sẽ phải lành. Ngủ yên đi cô. Thôi nhé, hãy ngủ yên và đừng sợ hãi. Sẽ không có ai làm gì cô đâu.

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm gì nữa. Không dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Và, như những phụ nữ may mắn được sống trong những nước không bị tan nát bởi chiến tranh như đất nước chúng ta, cô sẽ có lụa là mềm mại để mặc lên thân mình con gái, chứ không còn phải dùng bao cát để làm vải che thân nữa!

Chiến tranh đã hết rồi mà...”

Cao Xuân Huy

 

 

 

Cao Xuân Huy

Trả lại tiền

 

Cơn thèm đàn bà bắt gã đạp xe loanh quanh trong thành phố.

Đường Hồng Thập Tự lác đác chị em ta đứng thập thò dưới các gốc cây. “Xe qua lại nhiều quá, không được.”

Gã đảo một vòng công viên trước cổng Dinh Độc Lập. Tối. Mỗi gốc cây đều thấp thoáng bóng người. Vài tay cũng đạp xe rảo rảo giống gã. “Được rồi.”

Gã tấp vào một gốc cây.

Một ả ló ra kéo tay gã:

“Dzô sát trong đây.”

“Nhiêu?”

“Hai chục.”

“Không có đủ.”

“Dzậy có nhiêu?”

“’Thổi’ không thì nhiêu?”

“Mười.”

“Vẫn không đủ.”

“Dzậy chớ muốn nhiêu?”

“Có năm thôi.”

“Hổng được. Đụ má… Chưa mở hàng.”

“Nguyên một ngày lương! Không được hả? Thì thôi.”

Gã quay đi. Ả kéo lại.

“Thôi, có nhiêu lấy nhiêu!”

Gã đứng tựa lưng vào gốc cây. Tụt quần.

Ả ngồi xổm xuống. Làm việc.

. . .

Ánh đèn pin bất ngờ chiếu thẳng vào mặt gã đàn ông, kèm theo tiếng quát:

“Đứng yên!”

Gã mở choàng mắt, kéo vội quần lên.

Ả bật dậy, co chân định chạy.

Tiếng lên đạn lách cách. Tiếng quát của tên dân phòng:

“Đưa giấy tờ coi.”

Gã lúng túng moi ra tờ giấy: “Ra Lệnh Tha” với tội danh: “Can tội sĩ quan ngụy”.

Ánh đèn pin dừng lại trên những hàng chữ, ngập ngừng.

Tiếng gã phân bua:

“Tôi mới được thả. Lâu ngày… Thèm quá…”

Tên dân phòng nhỏ giọng:

“Anh tui cũng bị mấy năm như cha, mà đâu có tầm bậy tầm bạ như dzầy. Phải kiếm chỗ kín kín một chút chớ.”

“Tôi cũng muốn vậy, nhưng tiền đâu mà mướn phòng.”

“Nó lấy cha nhiêu?”

“Năm đồng.”

“Năm đồng?” Tên dân phòng bật tiếng cười.

Quay sang phía ả đàn bà, hắn ra lệnh:

“Trả lại tiền cho người ta!”

Không hiểu, ả hỏi lại:

“Tiền? Trả lại…”

Hắn quát:

“Trả lại cho người ta. Rồi đi đi.”

Ả ngập ngừng định lên tiếng, nhưng đành im lặng trả lại tiền.

Gã đàn ông lên xe, đạp đi. Đợi tên dân phòng đi khuất, hắn vòng lại, đến gần ả.

“Này, tôi trả lại năm đồng.”

Ả quay lại. Cái nhìn đậu trên mặt gã vài giây, rồi nói:

“Thôi, giữ lấy xài đi.”

 

Cao Xuân Huy

 

* từ tập truyện ngắn Vài Mẩu Chuyện do nhà Văn Học xuất bản, ấn bản đầu tiên, năm 2010.


 cxh_vmchuyen


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 202412:07 SA(Xem: 1239)
ừ có lụt thiên nhiên / nhưng có ai quên khuấy / vẫn còn cơn lụt kia / vẫn quanh năm thường trực ru ngủ / và đánh chìm
23 Tháng Chín 20241:01 SA(Xem: 1229)
Lời giới thiệu: Thủ tướng Hun Manet với hậu thuẫn của cha ông, người đã đề xướng ra công trình kênh Funan Techo như một Đại vận hà của dân tộc Khmer, đồng thời là di sản triều đại của cha con họ. Về địa chính trị, tuyến đường thủy vận này cho họ phương tiện chuyển hàng hóa từ Phnom Penh ra biển, không còn phải theo tuyến đi trên Sông Tiền hay Sông Hậu, sẽ giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào Việt Nam. Cha con Hun đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng khi đặt cho dự án này dưới tên Funan, khơi động lên tinh thần dân tộc bài Việt, và soi sáng lại lịch sử Đế chế Funan của họ. Theo giới chuyên gia quốc tế, và phân tích trên Viet Ecology Foundation, lợi ích kinh tế của công trình này chắc chắn không khả thi, tác động nặng trên môi sinh cho Cam Bốt và xuyên biên giới xuống Việt Nam nhưng đã bị chính quyền Phnom Penh giảm thiểu hóa và gạt bỏ. Phnom Penh không giải trình toàn bộ chi phí và việc di dời đền bù cho người dân họ như thế nào. Họ cung cấp thông tin bất nhất và sai lệch ...
23 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 1385)
Ướt chùng lòng anh / Thềm mưa bụi / Con tàu lầm lũi vùng quên lãng / Đi vào đi vào sương, hoa muồng vàng mù tối / Đắng khói hai hàng cây nuôi dưỡng tình đầu
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 1220)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:51 CH(Xem: 1559)
Thu rung rung ánh tơ vàng / Phím loan lãng đãng, nồng nàn đêm mơ / Trăng nghiêng nghiêng đắm vườn thơ / Lao xao hoa mộng nờ… bờ nhân gian
22 Tháng Chín 202411:34 CH(Xem: 1524)
Anh à, giữa những ngày hội của người làm phim cả nước tại thành phố biển Nha Trang, quặn lòng trước thảm cảnh của dân ta - nhất là người dân vùng núi Tây Bắc - Đông Bắc qua mấy đợt lũ lụt lên tiếp, em bỗng nhớ về anh… Những điều anh dự báo và khẩn thiết kêu gọi trong kịch bản phim truyện "Vùng rừng nóng bỏng" chưa kịp lên màn ảnh đã rơi ập vào chính số phận của anh: chiếc xe khách chở anh đã bị đổ tại đèo Chiềng Đông hiểm trở, do hậu quả của những cơn lũ rừng, sau nhiều năm tháng dài đốt phá rừng triền miên vô tội vạ!
22 Tháng Chín 202411:26 CH(Xem: 1649)
tôi về gặp lại mùa thu / gặp lại một đám cỏ mù bên sông / mẹ tôi đã bỏ cánh đồng / theo mây lên núi hóa rồng mà bay
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 1436)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
13 Tháng Chín 20243:25 SA(Xem: 1648)
bay nửa vòng đời ngơ ngác tìm nhau / chưa kịp chạm tay / mùa thu đã cháy / trong lá khô đôi môi nào run rẩy / mãi hoài không gọi nổi / một cái tên
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 2371)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).