- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đêm và mặt trời

31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96836)


sam_1355-content
 Phạm Phương_Hà Nội 2011

LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, Phạm Phương là bút danh, sinh năm 1987 ở Thái Bình.
Đã tốt nghiệp trường Đại học khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia năm 2009. Từng tham gia các trại sáng tác của hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (2009, 2010). Hiện tại đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Các tác phẩm đã có gồm tự truyện dài, truyện ngắn và thơ và kịch bản sân khấu.

TCHL


 


Tôi sinh năm 1991 — năm Liên Xô tan rã, người bố quân nhân oai hùng của tôi phải rời quân ngũ vì có người thân vượt biên, hoen ố lí lịch trong sạch mấy đời bần nông của gia đình.

Tôi bị đẻ rơi giữa đồng trong đêm. Mẹ dứt khoát đặt tên là Minh Phương. Minh nghĩa là sáng còn Phương là phương hướng. Hi vọng tôi không bao giờ chọn nhầm đường.

Năm nay, tôi vừa tròn hai mươi tuổi.

 

Chuyến tàu thuỷ dọc sông Hồng. Con sông nước đỏ, lịch sử hoà lẫn trong sự nhạt nhoà của dòng thời gian lưu chuyển. Màu đỏ cứ nhạt dần, hết năm cùng tháng tận. Chắc ngàn xưa, nước sông Hồng vốn là máu của các chiến binh. Khi người ta chết, máu vắt thành dòng để ghi nhớ. Ai bảo vô lý, bởi những con sông luôn là điều rất đặc biệt. Những điều đặc biệt phải được sinh ra một cách đặc biệt. Năm tháng, nước hoà nước, người vùng vẫy, sông chỉ còn màu đỏ nhờ nhờ. Dòng máu chiến binh đã trôi ra biển. Con người hình như cũng ươn hèn hơn.

Sông Hồng trong tâm thức của những người sinh ra ở đồng bằng Bắc bộ luôn là con sông giàu có, là người mẹ hiền lương, độ lượng, là những đồng lúa bát ngát vàng ươm, là ruộng cải ngồng với áo mớ ba mớ bẩy bay rợp kí ức, là người tình ấu thơ lén lút bên bờ dập dềnh sóng nước đêm trăng.

Chỉ là những kỉ niệm êm ái. Sao không biết rằng, có những buổi bình minh rực rỡ và cũng có những đêm đen kịt? Sao chỉ ghi nhớ quãng thời gian lững thững trôi đi ban ngày, kỉ niệm về tình yêu, về dòng vui ngọt ngào như chiếc kẹo lạc?

Sông Hồng ơi, sao không gầm thét lên đi. Sao không kéo lên những vĩ khúc của thuở khai thiên lập địa, rừng và nước, hồn thiêng sông núi nằm đây. Kéo về những con người biết đau đớn, biết xót xa trước hiện tại và viễn cảnh đầy đêm dài. Để sông đừng chảy êm êm mãi, hoài cảm về những tháng ngày xa xưa, hoảng sợ bên những cơn lũ lụt không bờ không bến. Thà cứ như thế, sông ơi!

Con tàu đi dọc sông Hồng. Sông êm ả nhưng người thuyền trưởng luôn miệng nhắc những đứa trẻ không được đứng quá sát lan can, đề phòng sóng ngầm.

Con tàu đã cũ, tiếng lạch cạch của nước vỗ vào mạn tàu luôn làm những kẻ yếu bóng vía, lần đầu đi tàu như tôi phải nổi gai ốc. Vị thuyền trưởng trẻ tuổi, ăn mặc chỉn chu, trắng toát như những chàng trai Pháp trong các bộ phim của Holywood trước thế chiến thứ hai, có vẻ quen nhìn thấy nỗi sợ hãi này trong mắt các vị khách của mình. Anh ta cầm một thùng nước khoáng, luôn miệng hỏi xem có ai cần nước uống không? Vài thuỷ thủ đi lại, nhìn anh với ánh mắt thân thiết.

“Sắp đến Đền tình yêu đấy các bác nhé.”Người thuyền trưởng nói.

Thứ âm sắc vừa to vừa nhẹ nhàng ấy chỉ có thể là người ở phía mạn Nam Định, Thái Bình. Cầm chai nước Lavie từ tay anh, tôi hỏi:

“Anh là người Thái Bình phải không?”

“Sao cô biết?” Anh ta ngạc nhiên.

“Tôi là người Thái Bình mà.” Tôi trả lời.

“Ô! Tôi thấy cô không nói giọng quê.”

“Tôi nói chuyện với người nơi khác nhiều nên bị lẫn giọng, tiếc thật.”

“Cô may mắn đấy chứ. Giọng cô rất hay.”

Tôi cười rồi quay lại phía bờ sông. Hai bên bờ, những ngôi nhà san sát nhau, có chỗ còn lấn ra cả lòng sông bằng những cái kè bê-tông. Đang mùa cạn nước, những chỗ rêu xanh phủ dập dềnh theo từng đợt sóng lên. Bèo hoa dâu trôi nổi. Lục bình tan tác như đã bị vùi dập qua bao dòng chảy. Sự êm ả vĩnh hằng bao giờ cũng ẩn giấu trong lòng quy luật muôn đời. Nước chảy thì đá cũng mòn huống chi cây lục bình yếu mềm ấy.

 

Ông ta đứng đó với hai đứa trẻ, một trai một gái. Đứa lớn là một cậu bé có đôi mắt thật buồn. Cô bé kia khoảng 3, 4 tuổi, rất xinh và hiếu động. Người đàn ông ấy cũng đã bước vào tuổi trung niên. Làn da trắng nhũn nhẽo với những lỗ chân lông có thể nhìn thấy được qua từng nếp nhăn. Đó là một người đàn ông tầm thước, mái tóc xanh rì và cái đầu hơi rụt xuống so với thân. Ngay khi bước lên tàu, ông đứng ngay trước tôi. Tôi nhìn thấy một nốt ruồi nhỏ sau gáy của ông, nơi đứa con gái nhỏ mà ông bế đang mân mê mấy sợ tóc đen của bố nó. Người tình đầu tiên của tôi cũng có một nốt ruồi đỏ sau gáy. Tôi yêu năm 17 tuổi, đã chia tay.

Tôi cảm thấy một sự thu hút kì lạ, nó gợi cho tôi một cái gì đó mà từ lâu, trong sâu thẳm trái tim mình, tôi đã cố gắng bỏ qua, nó nhắc cho tôi nhớ đến những kỉ niệm không vui thuở trước. Những người trẻ tuổi thường cứng rắn với hiện thực nhưng lại tìm cách trốn tránh cảm giác. Nếu họ đối mặt, hẳn là họ đang bất cần. Tôi không biết mình thuộc kiểu người gì nhưng vẫn trốn tránh. Tôi muốn quan sát họ mãi để tìm ra điểm thu hút ấy, nhưng không muốn nhìn trực diện vì ngại ngùng. Đôi mắt người đàn ông rất khô. Ánh nhìn ấy nếu quét qua tôi, có lẽ nó sẽ đốt cháy hết cảm xúc của tôi mất. Tôi nhìn vào tấm kính treo một cách vô lý trên cây cột buồm. Hơi sương buổi sớm làm nó mờ dần, những hình ảnh cứ méo mó, nhưng tôi vẫn cảm thấy thứ mùi Hugo Boss từ người đàn ông đang chăm chú nhìn vào khoảnh nước xanh lặng trước mặt. Trong trăm ngàn mơ tưởng và những nhớ thương vô biên về một tình yêu ráo hoảnh những tính người, tôi đã đi và bỏ lại, đã dừng lại và lại tiếp tục đi. Khi nào cảm thấy cái mùi không thể ngửi bằng mũi mà phải được ngửi bằng cảm giác này, tôi sẽ dừng lại.

Tôi cố gắng để họ không biết tôi đang quan sát họ, nhưng đôi mắt của cậu bé rất sắc, nó chậm rãi mà đờ đẫn, nó sâu như nước mà nhẹ như mây. Đôi mắt ấy từ từ tiến về phía tôi, một đôi tay nhỏ nhẹ nhàng quệt một đường trên tấm kính mờ hơi nước. Một dấu X. Tôi quay lại. Tôi tưởng sẽ bắt gặp một cái nhìn giễu cợt từ cậu bé. Nhưng không, cậu bé cười rất hiền.

“Chị sang đây chơi với bọn em không?”

“Chị á?” Tôi chỉ vào mình.

“Vâng, bé Bông nói chị rất xinh...”

Tôi mỉm cười rồi đi theo cậu bé. Tôi thấy người đàn ông vẫn không tỏ thái độ gì, ông ta có ý tránh ra phía sau để hai đứa con được chơi đùa. Nhìn vẻ căng cứng ở đôi vai, tôi có cảm giác như đó cũng là sự căng cứng của trái tim đang thì thầm đau khổ. Và đôi mắt ấy, có hàng mi lặng lẽ mang đầy nét xưa cũ, hoài vọng nặng ưu phiền. Tôi hơi ngại ngần, cái cách biểu đạt lạnh lùng ấy làm lòng tôi chùng xuống, suy nghĩ đầy mộng cảm.

Người đàn ông nhoẻn miệng cười như để khích lệ tôi. Từ đó, tôi không nhìn về phía ông ta nữa mà chỉ chăm chú chơi cùng hai đứa trẻ.

 

Con tàu ì ạch tiến lên phía sát mép nước. Sóng xoàm xoạp như có hàng ngàn mũi kim nhỏ đang vội vã may vá lại làn nước đang bị thứ sắt thép này xé rách. Dòng nước đỏ đục len lỏi vào những kí ức thần thoại về ngôi đền tình yêu – đền Chử Đồng Tử, Tiên Dung.

Ngôi đền linh thiêng này như thể nằm trong khoảng giữa của không gian và thời gian. Đâu đó tím tái lịch sử đang oằn mình, đền đài cũ nguy nga, người xưa chống gậy úp nón, nay chỉ còn là rêu phong cổ tích. Một mối lương duyên hữu hạn mà trở thành vô hạn. Đời người chẳng thể an hưởng vật chất, sung sướng được mấy ngàn năm? Chỉ có tình yêu là ở lại trong thần thoại. Bia đá trơ trơ cùng tuế nguyệt. Thu thuỷ hồng hoang cũng sững lại dưới chân đền. Người đàn ông đứng đó, dưới những bậc đá, bóng cây đa đổ dài. Tôi thấy ông ta nhìn tôi rất lâu, cơ hồ như một khắc thời gian ánh mắt ấy đã lướt qua trăm nghìn lần ướt đẫm ảo vọng mơ hồ. Tôi chạy lại gần hơn phía họ, tôi nắm lấy tay bé gái và bế nó lên. Cảm giác tốt lành hơn, bởi ba người bọn họ không chỉ là ảo giác của mình, tôi thấy phấn chấn hẳn. Tấm lưng người đàn ông đi phía trước tôi vẫn trong suốt.

Chuyện kể rằng, có chàng trai họ Chử, nhà nghèo đến nỗi hai bố con chỉ có một cái khố. Cha chết, nhường khố cho cha, để thân mình bơ vơ giữa chốn hoang liêu không một mảnh vải che thân. Một lần, gặp nàng công chúa đi ngao du sơn thuỷ bèn vùi mình xuống cát để giấu đi tấm thân trần truồng. Trong khung cảnh chỉ có trời, đất và nước ấy, công chúa quây màn tắm, đúng chỗ chàng trai đang vùi mình. Hai người nên mối lương duyên. Người đời nay vẫn gọi là truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

Hạnh phúc là định nghĩa chưa bao giờ tồn tại hoặc thật sự lâu dài, chỉ có trạng thái hạnh phúc mới là thứ hiện hữu và là sự thật. Hạnh phúc trường tồn chỉ là mớ lý thuyết mà các triết gia và nhà văn tạo ra để vỗ về thế giới trong cơn vật vã của sự tồn tại hay không tồn tại. Tồn tại để lòng quặn đau vì những ràng buộc, truyền thống hay vọng tưởng về sự quá hoàn hảo của một luận thuyết. Không tồn tại để trở về với cát bụi hay là vô nghĩa. Vì là một con vật tiến hoá thành nên người ta không muốn chết. Vì do Chúa, Phật, Allah sinh ra, nên họ muốn thoát xác.

Nghịch lý quá đỗi!

 

“Bàn tay này vẫn giữ những kỉ niệm đẹp nhất về em.” Người đàn ông nói với tôi.

Tôi giật mình quay lại. Tại sao lại là một câu của Kawabata? Đôi mắt long lanh của người đàn ông ấy vẫn nhìn tôi. Hai đứa bé chạy nhảy trên thềm đá. Bóng của chúng nhoè dần như những cánh bướm.

“Thật ư?”

Tôi muốn siết chặt đôi bàn tay thô ráp của ông như cái cách mà người vũ nữ trong truyện của Kawabata đã làm. Nhưng tôi sợ đây chỉ là một câu chuyện.

“Đây không phải là một câu chuyện.” Ông nói.

“Em đã giữ lời hứa.”

“Em chưa từng đi tìm anh. Anh đã tìm em.”

“Em chỉ hứa là sẽ trở lại... Bây giờ em đã trở lại rồi.”

“Ừ.”

Không khí quanh tôi lạnh hơn bình thường. Cái giá rét của những tấm thân đơn độc, giữa trời, nước và huyền thoại. Tôi chưa bao giờ hiểu, tại sao những sự việc đơn giản, diễn biến rất đơn giản và kết cục cũng đơn giản, lại chỉ có thể có trong truyện cổ tích hay thần thoại. Tôi đã không cố gắng tìm đến nơi mà tôi có thể được thoả mãn những ước muốn phù du của tôi về thế giới hạnh phúc hơn thế. Tôi đã đánh mất ông ấy trong khi còn quá mù quáng vì những câu hỏi tại sao. Khi còn trẻ, người ta thường như vậy.

Năm ấy, tôi mới 17 tuổi...

“Đừng nhớ lại quá khứ nữa.”

“Đúng rồi.” Tôi khẽ cười.

Ông ấy đứng cạnh tôi, mùi Hugo Boss vẫn nồng, như ngày hôm qua chưa từng biến mất.

“Con anh, chúng rất đẹp.”

“Con của chúng ta, nó...”

Tôi không muốn nói nữa. Quay mặt nhìn về phía mặt nước mênh mang.

 

Nhớ có một buổi đêm, cùng với người tôi yêu. Từng con phố Hà Nội cứ dài ra, đen kìn kịt những bóng người. Trong cơn say lung linh, đứa con bé bỏng của tôi đã sinh ra và chết đi như quyết định của người mẹ mới 17 tuổi của nó muốn vậy. Đứa con của tôi chưa từng nhìn thấy ánh mặt trời. Đến khi nước mắt lưng tròng, thời gian xoá hết mọi thứ. Tôi chỉ còn nhớ đến khoái cảm khi ân ái với người đàn ông này và nỗi đau khi bà bác sĩ có đôi mắt trắng dã nhìn tôi, đưa nó ra khỏi cơ thể tôi.

Tôi chưa từng hoảng sợ trước bất cứ điều gì. Ngược lại, càng ngày tôi càng trơ lì đến vô cảm. Tôi cũng không sợ điều đó, còn có phần vui mừng.

Người đàn ông nào cũng có một bộ mặt xã hội, một danh dự cần phải giữ. Tôi thì là một con ngựa hoang. Người này thuộc về bên kia chiến tuyến so với hệ tư tưởng vốn có của tôi. Tôi là người tự do đến mức phóng túng. Sẵn sàng bất chấp mọi thứ để đạt được tự do tuyệt đối, còn ông ta là người thuộc về thực tế. Sống trong một mảnh trời đầy cám dỗ nhỏ mọn, ông ta phải nương theo. Tôi trở thành kẻ man rợ hấp dẫn. Tôi thuộc về một thế hệ mới muốn vứt bỏ hết hào quang cũ để vươn đến đỉnh cao mới. Còn ông ta, cách tôi mấy thập kỉ tuổi tác, nhận thức đã đi về chỗ chỉ muốn có duy nhất bản thân mình.

 

“Công việc của anh dạo này sao rồi?”

“An ổn cả.”

“Không vướng vào vòng xoáy quyền lực và tiền bạc nữa chứ?”

“Vướng nhiều hơn. Anh thấy mình cần như vậy?”

“Nhìn anh già đi rất nhiều.”

“Anh đã 50 tuổi rồi.”

“...”

“Đã ly thân. Đợi nghỉ hưu rồi ly hôn.”

“Anh vẫn sợ sệt cho bộ mặt của mình nhỉ?”

“Anh không sợ. Anh thương con anh.”

“Em biết. Nếu có thể, chắc đã muốn làm tình với từ ‘thương’ của anh.”

“Lâu nay, anh vẫn tìm em...”

“Anh tỉnh ra đi, em mới chỉ 20 tuổi. Em vẫn chỉ là một đứa trẻ con.”

“Nếu em vất bớt cái tôi của em đi, nếu em biết thương người khác thì con chúng ta đã không phải chết, thì chúng ta đã có kết thúc...”

Tôi thở dài. Trên đời làm gì có từ “nếu”.

“Em vẫn đi theo đám người đó à?”

Tôi không trả lời nữa, tiến về phía hai đứa trẻ. Ráng chiều đỏ ửng phía xa. “Đám người” được nhắc đến là một nhóm nhà văn. Tôi là người trẻ nhất, viết mạnh bạo nhất và dứt khoát nhất.

Tất cả những người như ông ta đều coi đó là mầm hoạ. Còn tôi lại yêu ông ta cũng từ cái mầm hoạ đó mà ra.

“Thôi đừng nhớ về quá khứ nữa.”

Ông đưa tay xoa lên vai tôi. Đôi mắt đứa con trai lớn nhìn chằm chằm vào vai tôi rồi lảng đi chỗ khác. Tiếng còi tàu hú lên những hồi dài.

“Bố ơi, chúng ta về tàu đi.” Bé gái thỏ thẻ.

Người đàn ông quay qua nhìn tôi, ánh mắt ngập ngừng.

 

Sông Hồng gào lên bản hùng ca lúc triều xuống. Rào rào. Gầm gừ.

Sau hoàng hôn sẽ là đêm. Sau đêm, là mặt trời.

Ngày mai, chúng ta đã ở biển ...

Phạm Phương


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 33442)
t ôi rượt mặt trời về bên kia núi hoàng hôn vỡ buồn bật khóc thơ ngây tôi thấy em của những ngày ngơ ngác nơi cuối trời hoan lạc tàn phai
28 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 34823)
N hư những giọt mưa từ trời muôn đời tìm về đất Ta tìm nhau Sài Gòn nỗi nhớ giăng mây Em giấu mưa đầy mắt
28 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 33149)
S au khi mẹ cô bỏ mấy chị em cô và cha cô đi theo tiếng gọi thăm thẳm của núi xa. Cô lại càng khát khao thấy núi. Cô giận mẹ. Nhưng Cô không thể hiểu cha. Người đàn ông của đồng bằng đơn giản , phẳng lặng đó không hề oán trách, hận thù người đàn bà đã nhẫn tâm từ bỏ gia đình. Cha gói ghém hành trang, dắt 2 chị em cô đi tìm mẹ.
28 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 35370)
“Bỏ Đảng hay là bỏ con Lan?”. Ông Kí trừng mắt nhìn thằng Rừng . Đời thằng Rừng chỉ có hai người mà nó thương yêu nhất . Đó là ông Sáu và con Lan . Ông Sáu thì chết rồi . Còn con Lan, chồng không về, mà cái bụng cứ lùm lùm ngày càng to biểu nó bỏ sao đành, vả lại như lời ông Kí nói . Cái chính trị ấy đâu phải là của nó . Nó là rừng, là mủ chai, là trái ư .. Thôi thì cứ cởi bỏ cái áo xã đội trưởng, mà dẫn con Lan về ngôi nhà cũ sinh sống. 
19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 59635)
Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ qua ba giai đọan trong vòng ba năm tới và chế độ của nó sẽ cáo chung vào năm 2016, theo tạp chí Frontline của Hương Cảng, một tờ báo tập trung phân tích tình hình chính trị Hoa lục.
19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 39636)
Chưa khi nào, từ lúc vung khẩu hiệu Hữu nghị Việt-Trung, Đảng cầm quyền ngậm đắng nuốt cay 16 chữ vàng như lúc này. Bao nhiêu khiếp nhược quỵ lụy dâng đất dâng thác với ôm hôn thắm thiết, vô ích. Đàn áp dân biểu tình chống Tàu để chứng tỏ hòa hiếu, vô ích. Gửi sĩ quan Việt sang cho Bắc Kinh tập huấn, ưu tiên các dự án thầu cho công ty Trung quốc, ngay cả chấp nhận điều kiện mai hậu nguy hiểm: cho phép Hoa kiều sinh sống đông đúc không cần chiếu khán trong các đặc khu, vẫn vô ích .
19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 31084)
C ửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng được Nxb Văn Nghệ phát hành tại Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 2000, đây là lần tái bản thứ ba ở hải ngoại nhưng là lần đầu tiên có sự hợp tác của một nhà xuất bản trong nước.
15 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 29412)
Lúc này, đám đông xuất hiện ở các con đường đã nhiều hơn. Họ đang cần cái gì đó để giải tỏa, cần một cái gì đó để đập phá, thể hiện sức mạnh của mình. Vừa chạy vừa điểm lại các sự kiện, Văn nhắc tôi rằng phần lớn những người có vẻ như chỉ huy, hướng dẫn mọi người, đều chạy trên các xe có biển số 36 – số Thanh Hóa. Tôi sực nhớ đến một người bạn ở Bình Dương đã nhắn tin nói với tôi về các cuộc bạo động xảy ra, một cách buồn phiền rằng “người Bình Dương không tệ như vậy, phần lớn các người gây bạo loạn đều đi xe số ba mươi mấy”. Quả là như vậy thật. Những người chạy trên những chiếc xe có số như 36, đều trang bị kỹ lưỡng bằng ống sắt, xà beng, cờ trống… như một cách có tính toán trước.
15 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 29193)
L úc 10g sáng ngày 14/5, Tôi cùng 2 người bạn là Thiên Văn và Phạm Thy quyết định chạy xuống khu Gò Vấp, gần Lái Thiêu, khi nghe nghe tin các công ty ở khu Tân Thới Hiệp bắt đầu có đình công. E rằng sẽ có đập phá và bạo động, chúng tôi không dám mang theo nhiều máy móc, chủ yếu là mang theo sự liều lĩnh, để tìm hiểu vì sao lại có những chuyện đập phá và cướp bóc như trên các trang mạng xã hội mô tả.
14 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 34090)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Hoàng Hải Lâm, sinh năm 1979, hiện đang sống và làm việc tại Quảng Trị, Việt Nam, đã có một số truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ, Lao động, Tiền Phong.... Với lối viết lạnh, khô khốc, truyện ngắn “Sông Tô Châu” của Hoàng Hải Lâm như vết cắt sâu về nỗi bất hạnh và đớn đau…Xin mời quí bạn đọc cùng chúng tôi đi vào không gian truyện "Sông Tô Châu". (Tạp Chí Hợp Lưu)