- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngôi trường cũ

26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 85861)



hkpvatranvanthuy-content

Hoàng Khởi Phong ngồi đúng vào chỗ ngồi của mình trong ngôi trường cũ

cách đây đã nửa thế kỷ (đạo diễn Trần Văn Thủy ngồi trên bàn thầy giáo)



1

Chúng tôi tới thị xã Cẩm Phả vào hồi mười giờ sáng. Một cơn mưa bất thường ập xuống, làm như trời cũng cảm được lòng người, nhỏ những giọt nước mắt của trời để làm chất xúc tác cho những giọt nước mắt của người có dịp tuôn trào.


Sau hơn nửa thế kỷ quay lại, thị xã Cẩm Phả hoàn toàn không còn một vết tích cũ. Cũng không hẳn như thế, những ngọn núi tất nhiên vẫn còn đó, ẩn sâu trong lòng núi vẫn là những vầng than đá đen nhánh và bóng loáng như gương, được thiên nhiên cấu tạo từ hàng tỉ năm về trước. Nếu có khác đi chính là con người, và những gì do bàn tay con người tạo dựng. Tất nhiên thiên nhiên cũng sẽ bị con người vun quén, bồi đắp, phá hủy và làm biến thái phần nào, song nhìn chung thì non xanh vẫn còn đó, và nước biếc vẫn còn đây, kể cả những cây thông tuy có xơ xác hơn vì không được gìn giữ đúng mức, nhưng chúng vẫn còn mọc khá nhiều trên sườn núi, chĩa những cái ngọn nhọn hoắt chọc thẳng lên trời xanh. Chỉ có nhà cửa, phố xá, xe cộ thì không còn một vết tích gì của nửa thế kỷ trước. Sau cơn mưa bất thường ập xuống, lớp bụi than đá tạo thành những giòng nước đen ngòm chẩy lênh láng trên mặt đường.


Dọc theo con đường chính chạy ngang thị xã những ngôi nhà vài ba tầng vươn lên khỏi ngọn những tàng cây bàng cổ thụ. Ít nhất thì những cây bàng này vẫn còn tồn tại. Tôi không hiểu nhiều về đời sống thực vật, nhưng có lẽ loại cây này có thể sống hàng thế kỷ, và như thế thì chính những cây bàng này là vật chứng cho sự thay da đổi thịt của thị xã Cẩm Phả Mỏ này. Trước một quang cảnh hoàn toàn lạ lẫm, tôi lúng túng không biết phải xử trí như thế nào, phải bắt đầu từ đâu để tìm lại dấu vết của ngôi trường cũ, nhưng hai người bạn đồng hành của tôi, đạo diễn Trần Văn Thủy vốn là người của Hà Nội, và Nguyễn Kỳ Hùng, một anh bạn cũng ở Mỹ về chung với tôi kỳ này thì tỉnh táo hơn tôi. Từ phía sau chồm lên vỗ vai anh tài xế, Thủy nói:


- Đậu xe lại đây. Ông Phong này, có cái trường Mầm Non to đùng, bọn mình vào hỏi các thầy cô ở đây may ra họ biết. Thế nào cũng có người biết ông ạ.


Tôi mở cửa xe dợm bước xuống. Dẫu chưa tìm thấy ngôi trường cũ, nhưng tôi biết tôi sắp bước xuống một phần đất mà nửa thế kỷ trước tôi đã từng chạy nhẩy, chơi đùa với chúng bạn. Tôi có cảm giác toàn thân tôi run lên, như có một luồng khí lạnh chạy dọc xương sống xuống tới tận bàn chân, khi chân phải tôi vừa mới chạm xuống lớp nhựa trên mặt đường.


Bên kia đường tôi thấy một tấm bảng lớn ghi tên trường, mà vừa thoáng nhìn qua tôi biết ngay ngôi trường Mầm Non này dứt khoát không phải là ngôi trường Tiểu Học Cẩm Phả Mỏ mà tôi đã học năm mươi mốt năm về trước. Không lẽ người ta đã phá ngôi trường cũ của tôi, để dựng lên ngôi trường này. Tuy vậy tôi cũng lẽo đẽo đi sau Trần Văn Thủy. Anh đẩy cái cổng sắt khép hờ, bước vào sân trường. Mới có hơn 10 giờ sáng, trong một ngày bình thường mà sao sân trường vắng hoe, không cả tiếng lao xao vẳng lên nơi những lớp học. Cho dù học trò đang giờ học ở trong lớp, thì thế nào nơi sân trường cũng có những chỉ dấu của một ngôi trường đang hoạt động. Thế nhưng tôi nhìn khắp sân trường, tuyệt không thấy một dấu vết gì, chỉ có vài con chim tránh mưa trong những tàng cây lớn trong sân trường.


Là một đạo diễn thành danh ở trong nước, đã từng tiếp cận với đủ mọi loại người, Trần Văn Thủy xăm xăm bước tới một căn phòng mở cửa. Đi sau anh vài bước, tôi nghe tiếng anh nói với tôi, nhưng thật ra là để phân bua với một người nào đó trong phòng:


- May quá ông Phong ạ, vào đây. Có cô giám hiệu đang làm việc mình có thể hỏi cô về ngôi trường tiểu học cũ của ông.


Tôi líu ríu theo chân Trần Văn Thủy bước vào phòng. Một phụ nữ chừng ngoài bốn chục mặc áo dài mầu nhã đang cắm cúi làm việc, ngước mặt lên chào chúng tôi bằng cách tự giới thiệu mình không phải là giám hiệu, mà chỉ là hiệu phó, và mời chúng tôi ngồi xuống hai cái ghế tiếp khách trước bàn làm việc. Thủy chỉ vào tôi và nói:


- Chúng tôi từ Hà Nội về đây, anh bạn tôi ở trong Nam ra. Trước kia anh ấy học tại trường tiểu học Cẩm Phả Mỏ, giờ có dịp về đây muốn tìm thăm ngôi trường cũ. Xin hỏi cô trường ta có phải là trường tiểu học trước đây không.


- Không phải hai ông ạ, ngôi trường này mới xây cất cách đây chừng mười năm mà thôi. Xin lỗi ông học ở đây thời kỳ nào?


- Lâu lắm rồi, từ hồi trước 54, bây giờ có dịp về thăm chốn cũ, nhân thể tìm xem ngôi trường cũ có còn không?


- Như vậy là khi ông học ở đây thì tôi chưa ra đời, nhưng tôi biết chắc ngôi trường đó vẫn còn. Hai ông đi thẳng thêm chừng một cây số nữa, bỏ hai ngã tư, gặp ngã ba đầu tiên ông rẽ trái chừng độ vài chục, một trăm thước, thì thấy ngôi trường cũ các ông muốn tìm.


Chúng tôi chào cô hiệu phó đi ra, hai tách trà cô rót mời chúng tôi vẫn còn bốc khói.



2

Leo lên xe Thủy dặn anh tài xế chạy thật chậm, để tôi có thể nhìn xem cảnh cũ, người xưa có còn một chút dấu vết nào không. Tôi rất muốn đi bộ, trên con đường nửa thế kỷ trước tôi vẫn la cà mỗi khi tan học, nhất là theo lời cô hiệu phó ở trường Mầm Non thì từ đây tới ngôi trường cũ của tôi đâu có xa xôi gì, chỉ hơn một cây số và tôi nhìn thấy thấp thoáng cái ngã ba đó. Nhưng cơn mưa bất thường đã làm cho mặt đường phủ một lớp nhầy nhầy đen kịt, tôi không nỡ để các bạn phải lội bộ đành leo lên xe.


Tôi hạ hết tấm kính xe, những giọt nước mưa thỉnh thoảng hắt vào mặt tôi, như muốn rửa sạch cho tôi mớ hình ảnh lùng bùng hỗn độn của ngày thơ ấu. Nhà cửa hai bên đường mọc san sát như bát úp. Trong trí nhớ của tôi, toàn thị xã Cẩm Phả này không hề có một ngôi nhà ba tầng, song giờ đây trên con phố chính họa hoằn tôi mới nhìn thấy một ngôi nhà trệt không có lầu. Trong trí nhớ của tôi, những ngôi nhà ở đây là nơi trú ngụ cho từng gia đình, bây giờ mỗi căn nhà ngoài mặt tiền là một cửa hiệu, bầy bán một loại hàng nào đó. Ngày xa xưa đó việc mua bán thường diễn ra ở chợ, những ngôi nhà dù lớn hay nhỏ, khang trang sáng sủa hay lụp xụp tối tăm thường chỉ là chỗ trú ngụ cho mỗi gia đình. Thỉnh thoảng tôi thấy người ta dùng rơm thui chó ở bên hông nhà, rồi mang ra cái giếng công cộng mổ bụng, máu loang ra hòa với nước đọng thành những vũng mầu hồng. Mỗi lần có đánh đụng chó thì bọn trẻ con chúng tôi bu lấy vòng trong vòng ngoài, xúm xít nói cười ầm ĩ, giờ đây tôi nhìn thấy hai bên đường ít nhất cũng có vài ba
“cửa hàng thịt chó”.

Đột nhiên tôi nhìn thấy một trụ cây số ngay trên hè phố, trên tấm trụ xi măng này ghi rõ “Cửa Ông 11 km”. Cả một thời thơ ấu của tôi hiện về cùng với cái bảng cây số này, và tôi biết chắc nếu đi thêm một cây số nữa sẽ có một cái trụ khác ghi “Cửa Ông 10 km”. Nửa thế kỷ trước hầu như hai tấm bảng này giới hạn khu vực trung tâm của thị xã Cẩm Phả Mỏ. Địa danh Cửa Ông chỉ là một địa danh khác của Cẩm Phả Bến. Cũng là Cẩm Phả, song nơi gia đình tôi trú ngụ là mỏ than, người Pháp gọi là Cam Pha Mines, còn Cửa Ông là nơi những con tầu ăn than cập bến, để chở than từ Cẩm Phả Mỏ đi đến những chân trời xa thẳm, được người Pháp gọi là Cam Pha Port.


Thuở nhỏ tôi đã nhiều lần tiểu vào hai cột cây số này, bởi vì thời đó tôi là một cậu trò nhỏ tinh nghịch, và khúc đường này thời đó tuy là khu vực trung tâm của thị xã, nhưng nhà cửa thưa thớt hơn nhiều và thỉnh thoảng có nhiều khoảng trống, nên tôi không úy kỵ điều gì. Thời đó tôi đi học buổi sáng, khi thức dậy thì cha tôi đã đi làm từ sớm, khi tôi tan trường thì cha tôi cũng chưa về, do đó tôi một mình lang thang trên đoạn đường này, và thường nghịch ngợm leo trèo cho tới khi nào nghe tiếng còi tan tầm tôi mới ù té chạy về nhà trước ông chừng mười, mười lăm phút mà thôi. Bởi vì cha tôi làm việc ngay bên cạnh nhà, song mỗi khi còi tan tầm rồi cha tôi còn phải làm nốt một số công việc hàng ngày của người giám thị rồi mới được ra về.


Có hôm tôi thủ một cái súng cao su, túi quần soóc đầy những viên cuội tròn, tôi bắn bất cứ một sinh vật nào, chạy nhẩy, bay lượn trong tầm súng của tôi. Có hôm kiếm được một trái bòng non, tôi đá bóng một mình tại sân vận động gần sát cổng trường cho tới khi trái bòng vỡ nát. Có hôm tôi nhặt một cái ống bơ rỉ, vừa đi vừa đá dọc đường cho tới khi tôi phải leo một cái dốc cao để về nhà, vì thời gian đó cha tôi được bác tôi giới thiệu vào làm cho mỏ than, vì tương đối ông là người nói tiếng Pháp trôi chẩy, nên được tuyển dụng làm giám thị cho mỏ than, được sở mỏ cấp phát một căn nhà ở trên đỉnh núi, sát ngay với công trường để dễ dàng trông coi công việc. Nhà tôi ở sát với một đường dây cáp để trục các xe goòng than từ trên núi xuống dưới chân núi, ở đó có hàng chục chiếc xe vận tải chở than chờ sẵn. Con đường đi học hàng ngày của tôi nương dưới bóng của cầu trục này, thành thử có một đoạn đường dốc ngược đúc bằng bê tông chạy ngay dưới dây cáp của cầu trục.


Tôi nhớ tới những buổi sáng mùa đông, cứ nghĩ tới con dốc dựng đứng ngay dưới cần trục là tôi chỉ muốn nằm luôn tại nhà, thế nhưng bao giờ tôi cũng tốc chăn đứng dậy, vì hình ảnh cái roi mây trong tay thầy giáo quẫy như một con lươn trước mặt tôi, và sợ hơn nữa là cái thở dài của cha tôi mỗi khi tôi phạm lỗi nặng. Tuy nhiên tôi chỉ phải đi học theo con dốc cầu trục một thời gian nửa năm đầu ở Cẩm Phả, vì tôi là đứa trẻ đủ cứng cáp theo cha tôi đi trước. Nửa năm đầu ở Cẩm Phả chỉ có cha con tôi ở trong căn nhà lưng chừng núi này. Sau khi đã thu xếp công việc, nơi ăn chốn ở đâu vào đó cha tôi viết thư về nhà, nhắn mẹ tôi đưa toàn bộ gia đình ra xum họp với cha tôi, vì sở mỏ cấp cho cha tôi một căn nhà dưới phố, chỉ cách trường một thôi đường ngắn.


Từ lúc nhìn thấy cái cột cây số trên lề đường, tôi biết chắc tôi sẽ tìm được ngôi trường cũ.



3


Xe vừa mới chớm quẹo trái ở ngã ba, tôi nhìn thấy một tháp chuông nhà thờ nhô lên cao, và ngay lập tức làm như tôi ngửi thấy mùi hăng hắc của những cái hột bàng bị đập vỡ, sau khi lớp cùi bên ngoài mầu vàng ối ngọt lự bị tôi gặm hết, tôi thường đập vỡ đôi cái hột, để lấy cái nhân mầu trắng ăn bùi bùi. Có lần gặp phải một hột bàng quá trơn, tôi để cái hột này lên trên nền xi măng, dùng tay trái để giữ hột bàng, tay phải cầm một hòn đá đập xuống. Hột bàng văng ra xa, hòn đá đập trúng ngón tay sưng vù tím ngắt. Phải rồi ngôi trường của tôi quanh quẩn đâu đây nơi nhà thờ này. Chính nơi đây cũng là nơi đã dung chứa tâm hồn thơ dại của tôi trong những buổi trưa nắng gắt. Trong trí nhớ của tôi, thời đó ngôi nhà thờ này dường như không có cái tháp chuông cao, nhưng chắc chắn ngôi nhà thờ đã có đó từ trước khi tôi theo chân cha tôi ra Cẩm Phả.


Cơn mưa bất thường dường như đã gột bớt được lớp bụi than bên ngoài, làm cho mầu vàng của tháp chuông sáng sủa hơn, đồng thời trí nhớ của tôi cũng nhờ đó mà rõ nét hơn. Đúng rồi, ngôi nhà thờ này nằm phía sau trường tôi, nơi mà mỗi lần chào cờ hát quốc ca đầu tuần, trong trí nhớ của tôi tuy không có tháp chuông cao nghệu, nhưng dường như có một cây thánh giá nhô lên đằng sau trường, và bọn trẻ ngoại đạo chúng tôi thường đứng bên đường chỉ trỏ, cười nói huyên thuyên mỗi lần có dịp xem giáo dân rước kiệu.


Anh tài xế vừa ngừng xe lại. Tôi còn đang bàng hoàng khi nhìn thấy cổng trường cũ, thì Kỳ Hùng ngồi phía bên cạnh tài xế, cùng với Trần Văn Thủy ở phía sau đã mở cửa xe bước xuống trước tôi. Chưa bước vào trong sân trường. Thủy đã reo lên:


- Chắc chắn đây là ngôi trường cũ của ông rồi ông Phong ạ. May quá ông về kịp, người ta đã xây một ngôi trường bề thế hơn ở ngay bên cạnh. Tôi sợ rằng nhiều lắm là một hai năm nữa người ta sẽ đập mấy lớp học quá cũ, mà nếu lúc đó ông về sẽ không tìm được cái gì ông muốn tìm.


Tôi nhìn thấy ống kính máy hình của Kỳ Hùng lóe sáng liên hồi. Anh chụp hình từ cổng trường trở vào. Một tấm bảng treo sát với mái trường, choán hết hai phòng học ở giữa với hàng chữ “Dạy Tốt – Học Tốt” làm tôi bỡ ngỡ. Chữ Việt là một ngôn ngữ giầu hình ảnh và âm thanh, câu khẩu hiệu này cụt ngủn kiểu “Ba đảm đang, ba sẵn sàng” khiến cho tôi khựng lại.


Đây là ngôi trường năm mươi mốt năm trước tôi đã học. Dẫy phòng học bốn lớp nằm ngay trước mắt tôi. Người ta đã thay cái sân cỏ bằng một sân xi măng, những cây bàng trước kia đâu hết mà thay vào đó là vài cây bàng nhỏ xíu, mới trồng nằm ngay giữa sân trường. Tôi vẫn đứng ở ngoài sân nhìn lên thềm lớp. Hôm nay là một ngày giữa tuần, tôi không hiểu vì lý do gì mà cả trường Mầm Non lẫn ngôi trường này đều cho học trò nghỉ, nhờ vậy mà tôi được hoàn toàn thoải mái với những hình ảnh của riêng tôi lưu trữ trong đầu. Sân trường trong một ngày nghỉ học rộng mông mênh, nước mưa vừa mới đọng thành từng vũng loang loáng trên mặt đất.


Đột nhiên tai tôi như bị ù đi bởi những âm thanh lùng bùng, hỗn độn, rồi những tạp âm dần dần dịu lại, để nhường chỗ cho những tiếng lao xao xì xào vang ra từ trong các lớp. Rồi bỗng nhiên ngay khi còn đứng ở ngoài sân, tôi đã nhìn thấy các câu thành ngữ treo trong các phòng học:
“Ngày nay học tập ngày mai giúp đời”, “Tiên học lễ hậu học văn”, “Một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện”. Tôi nhìn thấy các tấm bản đồ của nước ta, với mầu xanh của biển Đông ôm ấp mầu vàng của lãnh thổ. Chưa bước chân vào trong lớp, nhưng hình như tôi đã nhìn rõ cái bàn của thầy Phái kê sát gần bên cửa sổ, trên một bục xi măng cao hơn nền lớp chừng nửa thước tây. Cái bục xi măng này chạy dài suốt bề ngang lớp học, để thỉnh thoảng thầy từ bàn bước ra, viết các đầu đề lên trên bảng đen. Chữ của thầy viết tuyệt đẹp, ngay hàng thẳng lối mà đều như chữ in. Tôi nhớ rõ chỗ tôi ngồi năm mươi mốt năm về trước, đó là một chỗ đầu bàn thứ hai. Bàn trên cùng là chỗ các chị Thúy, Mão cùng vài chị nữa ngồi. Mấy chị khi ngồi xuống cao hơn tôi hẳn một cái đầu, do đó tôi luôn phải nghiêng mình ra lối đi ở giữa lớp để có thể nhìn thấy những hàng chữ thầy viết trên bảng đen.

Từ dưới sân trường, tôi dợm bước chân lên thềm lớp với những hình ảnh thoáng qua đầu tôi: Ba lớp học buổi sáng xếp hàng vào lớp. Lớp Nhất của chúng tôi đứng ngoài cùng, kế bên là Lớp Nhì của thầy Lâm và sau cùng lẽ ra là lớp Ba, của một thầy tôi đã quên tên, vì khi tới Cẩm Phả tôi đã học nửa năm lớp nhì với thầy Lâm, rồi lên lớp Nhất của thầy Phái. Thay vào Lớp Ba buổi sáng lại là Lớp Năm của thầy Phiên, một lớp học buổi chiều, và tôi thấy hình ảnh đặc biệt thầy Phiên mỗi buổi chiều khi tan trường, tôi phải đi đón em gái tôi học lớp của thầy. Tôi đứng ở ngoài hành lang, thầy to miệng đọc
: “O tròn như quả trứng gà, Ô thì có mũ, Ơ thì có râu ”, bọn trẻ con chúng tôi đứng ngoài gào lên Ô, Ô, Ô, Ô bởi vì thầy Phiên có một hàng ria mép, nên lúc nào mở miệng cũng là một chữ Ô to tướng. Khác với thầy Phái và thầy Lâm mặc complet khi dậy học, thầy Phiên mặc quần ta, áo the thâm khăn xếp trên đầu, giầy Gia Định dưới chân. Thầy là một khuôn mặt đặc biệt trong trường, lúc nào cũng khoan hòa với học trò, không quá nghiêm như thầy Lâm và không dữ đòn như thầy Phái.

Bước chân lên thềm lớp tôi thấy lòng quặn lại, nước vôi quét tường bị bong ra từng mảng lớn, mầu xanh của sơn cửa bị bụi bám đầy trở thành một mầu đen xỉn, và những tấm gỗ cánh cửa bị thời gian làm cho co lại, tạo thành những kẽ hở rộng bằng đốt ngón tay. Đẩy cửa bước vào, tôi nhận thấy phòng học này dường như đã bị bỏ hoang khá lâu, bàn ghế xiêu vẹo, những mảng ố trên trần, trên tường và trên nền nhà chứng tỏ mái trường đã bị dột khá nhiều. Những hàng chữ viết bằng gạch non nguệch ngoạc trên tường, và thậm chí thỉnh thoảng còn có những hình vẽ bậy bạ chứng tỏ phòng học này đã không còn là nơi cho học trò đến học.


Tôi nhìn lại những cái bàn học trò, chỗ tôi ngồi đầu bàn hai, chắc hẳn năm chục năm qua đã có ít nhất hàng trăm cô cậu bé con ngồi vào chỗ tôi đã ngồi. Với hàng trăm cô cậu bé con dầy vò, nghịch ngợm, leo trèo, nhẩy nhót chắc hẳn những bàn ghế trong lớp học đã phải thay đồi ít ra một hai lần. Cái chỗ đầu bàn hai đó là nơi tôi đã ngồi, nhưng cái bàn đó chắc chắn không phải là cái bàn cũ. Tuy đã nghĩ như vậy, tôi vẫn xăm xăm bước tới, và vẫn thất vọng khi thấy trên mặt bàn không có những lỗ khoét hình tròn, để học trò đặt bình mực của mình cho khỏi đổ. Đã không có chỗ để lọ mực thì tất nhiên tôi cũng không tìm thấy tên mình ngay dưới đường rãnh để bút, mà tôi đã dùng đầu kim của cái compas khắc tên mình ngay dưới đường rãnh để bút này. Đã hơn bốn chục năm nay tôi không còn nhìn thấy cái compas, cái thước kẻ, bình mực tím, những cái ngòi bút lá tre, lá đề, những cục tẩy, những tờ giấy thấm...


Tôi ngồi xuống chỗ mình đã ngồi năm mươi mốt năm trước, khoanh tay lại để trên mặt bàn, mắt chăm chú ngó lên tấm bảng đen. Trên bàn thầy giáo anh bạn đạo diễn Trần Văn Thủy đã ngồi chễm trệ, thế rồi hình ảnh của Thủy nhòe đi. Rõ ràng tôi nghe tiếng thầy Phái kêu tên điểm danh cả lớp. Lố nhố quanh tôi những người bạn cũ ở đâu hiện về.


Tôi nhớ cả lớp tôi năm chục người, chỉ có bảy người theo gia đình vào Nam. Trong bảy người này hai anh em Nguyễn Đức Thìn, Nguyễn Đức Phúc còn học chung với tôi thêm sáu năm nữa ở Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Sài Gòn. Ngô Quang Nghiêm và Chu Quang Trung cũng học chung trường với tôi, nhưng không cùng lớp như tôi với Thìn và Phúc. Riêng Trần Tuấn Phong thì học Hồ Ngọc Cẩn cho gần nhà. Ngoài ra chị Thúy, chị ruột của Ngô Quang Nghiêm vào trong Nam mất sớm vì bạo bệnh. Cả sáu người học trò của thầy Phái hiện giờ đều cư ngụ ở Mỹ. Nhỏ nhất là tôi đã 62, Phong và Nghiêm 63, Trung và Phúc 64 và sau cùng Thìn 65.


Trước tôi năm năm, bác sĩ Ngô Quang Nghiêm từ Dallas đã đưa mẹ về thăm chốn cũ. Anh ở lại ở Cẩm Phả vài ngày, cùng với một nhóm y sĩ bạn làm một vài công việc từ thiện cho dân chúng. Anh tìm được gần hết những người bạn cùng lớp còn cư ngụ ở đây, mời các bạn cũ ăn một bữa cơm chung. Khi trở lại Dallas, Nghiêm gọi cho tôi biết anh đã mời được hơn một chục người, những người khác hoặc là đã chết, hay đã xiêu tán đi nơi khác. Nhưng chị Mão thì già đến độ như một bà lão tám mươi, mặc dù khi Nghiêm về thăm chốn cũ chị chỉ mới chẵn tròn sáu chục. Trước tôi hai năm bác sĩ Trần Tuấn Phong cũng về thăm Cẩm Phả. Phong cho biết căn nhà cũ của gia đình anh bây giờ vẫn là Ty Bưu Điện, nhưng vườn tược chung quanh thì đã mọc lên những căn nhà khác. Hoài aáycha của Phong là Chủ Sự Nhà Giây Thép Cẩm Phả Mỏ (Ty Bưu Điện), rồi về hưu. Người thay cho cha Phong lại là bác ruột tôi. Khi bác tôi mới đổi lên đây, mỗi buổi tối cha tôi dẫn tôi sang nhà bác, hai anh em nói chuyện làng mạc, họ hàng nội ngoại có khi suốt đêm, nên căn nhà đó tôi đã từng ngủ lại nhiều lần.


Còn đang ngơ ngẩn thì tiếng quát của Trần Văn Thủy lôi tôi ngược trở về nửa thế kỷ trước:


- Trò Hiển, mang cuốn vở lên đây cho thầy chấm bài.


Tôi ngước mắt nhìn lên, thấy bóng dáng lờ mờ của thầy Nguyễn Huy Phái, với một bộ complet trắng, trên tay thầy là một cái roi mây nhỏ bằng ngón tay bay lượn trong không khí. Một cậu học trò nằm xấp trên một cái ghế dài trước bảng đen, rồi tiếng roi vun vút quất vào mông cậu bé bị phạt. Lần đó tôi bỏ quên cuốn vở tập vẽ ở nhà. Khi thầy gọi lên chấm điểm, tôi quơ đại cuốn vở của Trần Đăng Mô ngồi bên cạnh mang lên trình thầy. Thầy tôi rất tinh mắt nhìn thấy mọi chuyện, nhưng thầy thản nhiên như không thấy gì. Chấm điểm cho tôi xong, thầy gọi tiếp Trần Đăng Mô, thế là cả hai đứa chúng tôi cùng bị đòn. Mô chỉ bị hai roi đòn cảnh cáo, còn tôi lãnh đủ năm roi mây đau quắn đít. Khi đánh đòn, thầy tôi còn nhiếc: “Đánh cho chừa cái thói dối thầy hại bạn”.


Ngô Quang Nghiêm cho tôi biết Mô hiện đã có cháu nội và ngoại, trước kia Mô làm phu mỏ. Cha con, ông cháu sống như những cái bóng trong một căn nhà ẩm thấp. Mô có nhờ Nghiêm chuyển cho tôi một lá thư, kèm với cái thư là bản fotocopy tấm hình của tôi chụp để làm thẻ học sinh khi chúng tôi đi thi Tiểu Học. Tấm hình này tôi đã cho Mô khi gia đình tôi vào Nam. Lá thư viết tay trên giấy vở học trò của Mô, sau vài lần dọn nhà đã thất lạc trong đống giấy tờ sách vở, thành thử trước hôm về tôi có ý định tìm mà không thấy. Thoắt một cái đã năm chục năm qua đi, đời người ta như một bóng câu qua cửa sổ, tôi không biết hiện giờ người bạn cũ sinh sống ra sao. Khi Nghiêm về thăm Cẩm Phả gặp Mô thì đã năm năm qua, liệu anh còn hiện diện trên cõi đời này, hay anh đã quá bộ theo thầy Nguyễn Huy Phái về nơi tiên cảnh.


Từ trong lớp học bước ra, tôi nhìn sang bên trái thấy một dẫy nhà lầu ba tầng. Đây mới là trụ sở của ngôi trường hiện nay của thị xã Cẩm Phả, và trường đã không còn là trường tiểu học nữa mà đã trở thành trường cấp 2 hay cấp 3 gì đó. Cho dù ngôi trường mới này to và đẹp cách mấy cũng không ăn nhậu gì tới tôi. Trần Văn Thủy nói đúng. Tôi về kịp lúc, chỉ một hai năm nữa thì người ta sẽ phá hủy cái dẫy nhà ngang có bốn lớp học tồi tàn này.


Tôi không hiểu những người bạn cùng lớp của tôi ai còn ai mất. Hoï cư xử với nhau thế nào trong suốt nửa thế kỷ qua. Theo Ngô Quang Nghiêm thì ngay những baïn hoïc cuõ coøn ở tại Cẩm Phả dường như không ai giữ liên lạc với ai. Có một hai người tương đối khá giả và có quyền thế, nhưng phần lớn đều khó khăn chật vật như Trần Đăng Mô. Phần chúng tôi, baûy người học trò vào Nam còn sáu, vì chị Thúy chẳng may mất sớm. Sáu đứa chúng tôi có thể vì đường đời đã phân tán ra khắp bốn phương trời, mười phương đất, nhưng vẫn giữ được tình bạn thời thơ ấu. Mỗi lần tôi qua Dallas, nếu Ngô Quang Nghiêm biết thì không thể nào tôi trốn thoát anh một bữa ăn, còn nếu Nghiêm từ Dallas về chỗ tôi chơi thì thế nào anh cũng tới tìm tôi. Trần Tuấn Phong ở gần tôi hơn, tuy chúng tôi không gặp mặt nhau thường, song thỉnh thoảng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau mật thiết. Chu Quang Trung cũng ở gần tôi, thỉnh thoảng anh đọc một cái gì của tôi mà anh cho là được, thì thế nào anh cũng lôi tôi đi ăn trưa rồi nói chuyện cũ. Hai anh em Nguyễn Đức Thìn và Nguyễn Đức Phúc thì định cư ở Oklahoma. Thìn chẳng những là bạn học cùng lớp với tôi ở Cẩm Phả, còn là bạn học ở các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An trong Nam. Có một dạo tôi thất nghiệp, từ Oklahoma Thìn liên lạc với tôi rủ tôi sang Oklahoma làm thợ tiện với anh.


Nửa thế kỷ qua đi như một cái chớp mắt, hương linh thầy giáo của tôi giờ đây đang ở một nơi an bình nào đó. Mỗi năm trong ngày giỗ thầy, em Tần con gái đầu của thầy thường mời Trần Tuấn Phong và Trần Tuấn Lưu tham dự. Lưu là em ruột Phong, là học trò cưng của thầy Phái. Sau này vào Nam Lưu nưong theo con đường đi trước của Phong, cũng theo Y Khoa. Sang Mỹ học lại nghề cũ, Lưu trở thành một bác sĩ có tiếng về ung thư, và đã có một thời giảng dậy tại trường UCLA. Cách đây vài năm bác sĩ Trần Tuấn Lưu mất vì ung thư. Thật là sinh nghề tử nghiệp. Anh dạy về ung thư, sống với ung thư rồi mất vì ung thư. Lưu đã nhanh chân đến trước với thầy Phái, nên vài năm nay trong ngày giỗ thầy chỉ có vợ chồng Tần và Trần Tuấn Phong. Sau khi đọc loạt bài ký của tôi nhắc đến trường xưa, nhắc đến thầy cũ, năm nay Tần mời tôi đến ăn giỗ. Thế nào tôi cũng rủ thêm Chu Quang Trung cùng đến, để nhìn lại di ảnh của thầy, người đã mở mắt cho hàng vạn học trò từ Bắc vào Nam, từ Cẩm Phả tới Quảng Ngãi, Quảng Đức, Sài Gòn.


Đứng trên thềm trường cũ, nhìn mấy cây bàng con mới nhú trong sân trường, thay thế cho những cây bàng cổ thụ đã mọc ở đây từ hơn nửa thế kỷ trước, tôi hiểu rằng một thời đại đã qua đi, nhiều thế hệ đã nằm xuống. Những con người mới của xã hội mới đã và đang ầm ầm lao tới...


HOÀNG KHỞI PHONG

(Đã in trên HL 82)


 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 112740)
n hư địa chỉ không bao giờ có cho một lá thư chưa bao giờ viết, tịch mịch một nốt nhạc chưa ngân, thành tiếng vang vọng bao lâu trong mơ hồ tĩnh lặng nơi chốn
12 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 114928)
m ột đêm uống trăng máu ướp vần thơ mộ đỏ bào thai chưa kịp lớn kià thú dữ nốc cạn huyết tươi...
11 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 90095)
Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù. Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc Anh có về gọi nắng đến cho em…( Trần Mộng Tú) Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle gần 36 năm trời .
10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 90191)
Đ ổi mới, không thể viết như cũ, họ biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu? Họ chưa cơ hội nhận được thông tin đa chiều hay tiếp nhận nền thơ ca thế giới với bao nhiêu trào lưu như thứ cửa hàng bách hóa tổng hợp để tha hồ chọn lựa, như thế hệ thơ hậu đổi mới. Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của nghệ sĩ tự do. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Phải gánh lấy trách nhiệm định phận thi sĩ của thế hệ, của thời đại.
10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 102906)
M ón trà sữa trân châu rất thịnh hành trong giới trẻ ở Việt Nam, nhưng được biết là món trân châu nhập cảng từ Trung Cộng có pha chất nhựa rất nguy hiểm...
09 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 89827)
N goại trưởng Mỹ nêu đích danh một số nước nặng tay nhất với việc sử dụng Internet như Saudi Arabia, Việt Nam, Sudan và Trung Cộng. Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ nhưng lại chống đối Hoa Kỳ đẩy mạnh việc cải thiện Dân Chủ trong thế giới Ả Rập.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 76428)
N gười mù, người câm, người điếc, ai cũng thấy hiện trạng xã hội Việt Nam đương đại đang xoay thế nào. Một xã hội bất bình đẳng kinh khủng với ngàn tệ nạn lớn-nhỏ, trẻ-già, sang-hèn. [...] Nhưng chúng ta đã nhìn thấy gì, đã viết được dòng nào từ nguyên liệu khổng lồ ấy? Hay rời rạc dăm câu thơ không rõ nghĩa, vài ba truyện ngăn ngắn kháy khía tủn mủn [...] ngồi nhìn bầu trời xám xịt ô nhiễm, gác chân cho những đứa trẻ tội nghiệp lau giầy, rên ư ử trong nhà hàng bia ôm máy lạnh mà làm thơ móc máy lẫn nhau.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 71731)
C hristine Falkenland, sinh năm 1967, đang là hiện tượng và hy vọng của văn chương Thụy Điển hiện nay. Cô viết tiểu thuyết và làm thơ. Những tác phẩm đã được dịch qua tiếng Pháp: Bóng Tôi (Mon ombre), Cơn Khát Của Hồn (La soif de l’âme), Búa Đe (Le marteau et l’enclume). Bút pháp tiêu biểu Bắc Âu. Văn phong đơn giản, cô đặc nhưng lại cực kỳ day rứt. Nội dung thường hướng về những đau đớn và khúc mắc ái, dục. Búa Đe là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Christine Falkenland được dịch ra tiếng Pháp, do nhà Actes Sud xuất bản tháng Sáu năm 1998.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85691)
T hơ Việt đi về đâu? Đây là câu hỏi mà tập thể các nhà thơ và giới làm văn hoá-giáo dục VN phải trả lời, với sự đóng góp của ý thức và bản lĩnh từ mỗi cá nhân. Những trang dông dài trên đây chỉ muốn phác họa quang cảnh và vài xu thế chính mà các nhà văn nhà thơ VN đang chứng kiến và đối diện: Sự hình thành nền cộng hòa văn chương VN trong bối cảnh toàn cầu hóa một chiều, cộng thêm bóng đen của toàn trị-mafia và vòng kim cô tự kiểm duyệt trên đầu. May mắn được làm một người quan sát từ ngoài nước [...] Chỉ xin đóng góp ở đây vài ý kiến nghề nghiệp.
07 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82833)
Q ua chiến tranh, Việt Nam đã chịu biết bao đau thương tan nát. Bằng những hình ảnh và những trang viết, Hợp Lưu 113 sẽ đưa chúng ta một lần nữa... lội qua chiến tranh. Nhìn lại, không phải để đào sâu thêm sự thù hận bởi biên giới chính trị, mà để suy nghiệm về cuộc chiến Việt Nam như những “trận hậu chấn” dần dần tan vào lịch sử...