- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trở về cùng nhịp thở đất nước...

25 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 81652)


co_ngu-content

CỔ NGƯ

Trở về cùng nhịp thở đất nước

 

Sinh 1963 và định cư tại Pháp từ 1988, Cổ Ngư là bút hiệu của Nguyễn Linh Quang, đã viết nhiều ca khúc, thơ, truyện ngắn, tùy bút và dịch thuật. Trở về làm việc tại Sàigòn từ tháng 11-2004, Cổ Ngư đang sống hành trình quay về đất Mẹ, dường như sẽ là hành trình chung của nhiều nhà văn di dân Việt trong tương lai. “Trung tính” là đặc điểm trong cách xây dựng nhân vật truyện ngắn của Cổ Ngư.

 

HL: Là một người làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc bên ngoài tổ quốc, anh nghĩ gì về dấu mốc 30-04-1975?

CN: “Đại thắng mùa xuân” là cách nói, cách nhìn của những người Việt đã hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử. “Tháng 4 đen” là sự thừa nhận của những người Việt không được phép chiến đấu, phải bất lực bó tay trước các âm mưu và tham vọng mang tính cách quốc tế. Và tiếp sau cái mốc lịch sử đó là những biến động dữ dội lên toàn dân, trong đó, có tôi.

 

HL: Theo anh, một người trưởng thành trong Nam, chiến thắng quân sự này đem đến gì cho miền Nam?

CN: Năm 1975, tôi mới 12 tuổi. 30 năm sau, tôi vẫn còn nhớ rất rõ khoảng thời gian 1975-1980, với tất cả những đau buồn, lo âu, mất mát của một ký ức tuổi thơ: đại gia đình ly tán, tiểu gia đình ly tán, nguy cơ phải rời thành phố đi kinh tế mới, nhiều bữa cơm độn, không được vào đại học vì lý do lý lịch… Nhiều người Sài Gòn đã bỏ đi, rất nhiều người miền Nam đã bỏ đi trong giai đoạn này. Thuộc lòng nhiều bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên đôi khi, tôi đã nghĩ vớ vẩn: thay vì hân hoan ‘Nối vòng tay lớn’, nếu biết trước những gì sẽ xảy ra sau ngày 30-04-1975 cho miền Nam, có thể Trịnh Công Sơn đã hát Gia tài của mẹ trên đài phát thanh để chào đón những người anh em miền Bắc. Chiến dịch mùa xuân 1975 của người Việt miền Bắc đã thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc chiến tranh ý thức hệ - huynh đệ tương tàn hơn hai mươi năm, tạo điều kiện để Việt Nam không còn phải phí phạm xương máu, để toàn dân có thể dồn sức dồn chí vào việc kiến thiết và xây dựng lại cả hai miền từ những hoang tàn đổ nát. Đáng tiếc, cơ hội ngàn năm một thuở ấy đã bị bỏ lỡ. Việt Nam 30 năm hậu chiến không thể nào so sánh được với một nước Nhật hay một nước Đức bại trận đã gắng sức lột xác vươn mình, dù những thành quả về nhiều mặt những năm gần đây chứng tỏ: Việt Nam đang tìm cách vượt qua những chậm trễ cuả chính mình.

Như tôi đã nói ở trên, sau biến cố 30-04-75, rất nhiều người miền Nam đã rời bỏ quê hương, bằng đường biển, đường bộ, đường hàng không, để rồi phân tán ra khắp nơi trên thế giới. Đó là một cái rủi, đồng thời cũng là một cái may cho họ. Dù phải trả một cái giá quá đắt, nhưng khoảng một triệu người Việt thế hệ đầu tiên và con cái họ, trong 30 năm, đã tạo được một vị thế kinh tế-chính trị-văn hoá-xã hội quan trọng trên những xứ sở tạm dung, nay đã trở thành tổ quốc thứ hai của họ. Đó cũng chính là nguồn tiềm năng to lớn của dân tộc, đất nước Việt. Cũng cần nói thêm, Sài Gòn hôm nay thực sự là một thủ đô kinh tế của Việt Nam, khi so sánh với Hà Nội, thủ đô chính trị của cả nước.

 

HL: Hôm nay, trở về Sài Gòn sống và làm việc, nơi anh đã tự nguyện ra đi năm 1988, tâm trạng anh ra sao? Và vì sao anh ra đi khi ấy?

CN: Từ 1988 đến nay, tôi đã có dịp quay về Việt Nam vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên, sống và làm việc liên tiếp nhiều tháng tại Sài Gòn. Vì không hề có một sự ‘‘cắt đứt’’ với gia đình, bạn bè còn ở lại, nên chuyến ĐI này, thực sự là một cuộc TRỞ VỀ (không biết tôi đang dùng ý, dùng từ của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay Du Tử Lê đây?) Trong chuyến đi trước, tôi đã có dịp ghi lại một phần tâm trạng của mình trong truyện ngắn ‘‘Trưa nắng rực’’: người ở lại và người ra đi, theo thời gian, đều thay đổi và biến thiên theo hai nhánh cuả một parabol, có nghiã là càng lúc càng xa cách, càng trở nên khó hiểu đối với nhau, dù đó chính là người thân, bạn bè cũ. Rất nhiều «Việt kiều», sau vài tuần lễ về thăm xứ sở, mang tâm trạng cuả một kẻ đứng bên lề, xa lạ và không hoà nhập được vào cuộc sống thường nhật cuả Việt Nam. Trong chuyến đi này, sau hơn ba tháng, tôi nghĩ mình đã bắt cùng được nhịp thở cuả người chung quanh, cùng lo nghĩ, «bức xúc» như họ trước các vấn đề cuả cuộc sống: chuyện giáo dục – y tế, ô nhiễm đô thị, tham ô, lãng phí, tệ nạn xã hội, Tiger Cup và Liên đoàn bóng đá Việt Nam, dịch cúm gia cầm, ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công và sát hại, vấn đề tôn giáo và đất đai của người Thượng Tây Nguyên… Tôi cũng hiểu được niềm hãnh diện và ước mơ cuả người bản điạ khi cùng họ viếng thăm những khu đô thị mới, theo khá sát sự quy hoạch và thiết kế đô thị hiện đại, khi ghé vào những cao ốc vưà xây dựng xong, với đầy đủ siêu thị, văn phòng làm việc, nhà hàng, nơi giải trí… theo tiêu chuẩn quốc tế, khi bàn luận với họ về những công trình, kế hoạch cuả năm, mười năm sắp đến. Sau gần hai tháng sống ở Sài Gòn, gặp lại một thằng bạn thời trung học, nó vỗ vai tôi và nói: ‘‘Bây giờ tao mới thật sự nhận ra mày’’.

Năm 1988, Việt Nam bắt đầu dọ dẫm bước vào thời kỳ ‘‘mở cưả kinh tế’’. Gia đình tôi vẫn bị xếp vào loại ‘‘công dân hạng hai’’. Bố tôi đi học tập cải tạo về, được lưu dụng trong các bệnh viện, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải ‘‘trình diện’’ tại uỷ ban nhân dân phường. Anh em tôi không có hy vọng vào đại học. Tuy vậy, khi cùng cả gia đình đi Pháp, tôi vẫn luôn mong muốn sẽ có dịp quay về làm việc ở Việt Nam, vì những biến động của một giai đoạn lịch sử rồi cũng qua đi, chỉ có người dân, đất nước là sẽ mãi trường tồn.

 

HL: Xin anh giải thích rõ hơn: Vì sao gia đình anh di cư vào Nam năm 1954 rồi tiếp tục chối từ Thống Nhất năm 1975? Đã có bao giờ anh suy nghĩ về quyết định quan trọng này của song thân và anh đã đồng ý hay không với chọn lựa ấy?

CN: Năm 1954, mẹ tôi hãy còn ít tuổi và cùng toàn gia đình di cư vào Nam theo quyết định cuả ông ngoại. Bố tôi và các bác bên nội khi ấy đã là sinh viên, có người tham gia vào Đội Quyết Tử cuả thanh niên Hà Nội khi quân Pháp tái chiếm thủ đô, đã sống nhiều năm trong vùng kháng chiến trước khi về thành rồi vào Nam. Việc đánh giá sự lưạ chọn cuả họ đúng hay sai, hợp lý hay không, tuỳ vào hệ quy chiếu, vào quan điểm chính trị cuả người đứng từ bên ngoài nhìn vào. Nhưng, theo chỗ tôi được biết, cả bên nội lẫn bên ngoại, không ai tỏ ra tiếc nuối miền Bắc sau khi đã vào Nam sinh sống, nhất là khi họ nhận được những tin tức không mấy lạc quan cuả người thân, quen còn ở lại.

 

HL: Là công dân Cộng Hoà Pháp, anh có sự so sánh nào giữa hai thể chế Cộng hoà và Xã hội chủ nghĩa?

CN: Tôi nhớ, có lần nghe bố nói: Pháp đúng là một nước Xã hội chủ nghiã, an sinh xã hội tốt, người già, người bệnh, người nghèo được quan tâm đúng mức, trẻ em bắt buộc phải đến trường và việc học hoàn toàn miễn phí từ nhà trẻ đến cuối cấp đại học. Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam hiện nay đã thực hiện được những điều nêu trên hay chưa? Cùng có chữ Cộng Hoà trong tên nước, nhưng thể chế cuả CHXHCNVN và Cộng Hoà Pháp khác nhau rất xa, cả về mặt tư pháp, lập pháp lẫn hành pháp. Việc người công dân tham gia ứng cử và bầu cử đã có từ lâu ở cả hai nước, nhưng việc họ có tin tưởng vào giá trị lá phiếu mình cầm trên tay hay không lại là chuyện khác.

 

HL: Trong thơ, văn của anh, thân phận người Việt xa xứ hiện ra rõ nét với những hoài niệm về tuổi thơ, quá khứ. Phải chăng sống xa quê hương nên kỷ niệm có một chỗ đứng đặc biệt, không thôi ám ảnh?

CN: Đối với tôi, ngày hôm qua, đã là kỷ niệm. Vì vậy, hoài tưởng về tuổi thơ, quê hương… chỉ chiếm một phần trong các chủ đề sáng tác. Những suy ngẫm nội tại, những rung động cuả bản thân về cuộc sống, thế giới bao quanh, có lẽ, được thể hiện rõ nét nhất qua các bài thơ. Ngược lại, nhân vật trong những truyện ngắn cuả tôi thuộc nhiều lưá tuổi, phái tính, quốc tịch, tầng lớp xã hội khác nhau. Một ông già bán tạp hoá người Maroc lưu lạc xứ người không thể có hành động và suy nghĩ như một sinh viên Việt ngoài ba mươi, sống xa quê hương. Có nhiều nhân vật được xây dựng một cách ‘trung tính’, người đọc, với khả năng tưởng tượng phong phú, có thể gán một cái ‘mác’ nào đó cho nhân vật: hoặc đàn ông, hoặc đàn bà, thậm chí, con mèo, con chó; hoặc chỉ đơn giản là người Việt Nam, hay phổ quát hơn, là công dân cuả điạ cầu cuối thế kỷ hai mươi, đầu thế kỷ hai mươi mốt. Và tại sao một số người đọc cứ phải lấy tập quán, tính, thói cuả người Việt Nam ra làm tiêu chuẩn để đánh giá nhân vật, khi nhân vật ấy được người viết cố ý không cấp cho căn cước? 

 

HL: Thuộc thế hệ nhà văn khởi viết ở ngoài nước, sau thế hệ của Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác… và đặc biệt đang tiếp cận thực tế ngay tại Việt Nam, anh nhận xét gì về xã hội cùng lối sống của thanh niên bây giờ? Theo dõi văn học trong nước, anh thấy các tác phẩm đường thời đã phản ánh được đời sống cùng tâm tư của giới trẻ?

CN: Sống ở Việt Nam đến năm hai mươi lăm tuổi, mười hai năm trước-75 và mười ba năm sau-75, tôi tự nghĩ mình đã có tạm đủ lưng vốn để suy xét về nhiều vấn đề, mà không ngả theo ảnh hưởng cuả phe này hay nhóm nọ. Thêm mười lăm năm thực sự trưởng thành trên đất Pháp, nơi quyền tự do tư tưởng được tuyệt đối tôn trọng, tôi hiểu mình hơn trong việc đi tìm sự thăng bằng cho cuộc sống. Bắt đầu viết từ thập niên 90, với những truyện ngắn đầu tay đăng trên Văn Học, không sáng tác đều đặn, lại sống ở Pháp, nơi các hoạt động văn hoá-văn nghệ cuả cộng đồng người Việt không phong phú và đa dạng như tại Hoa Kỳ, nên tôi ít có dịp tiếp xúc, học hỏi và trao đổi với những người viết của thế hệ trước, lẫn người đồng tuổi. Vài năm gần đây, bằng internet, Mạch Nha-nhà tôi, và tôi có điều kiện liên lạc thường xuyên hơn với các văn hữu ở xa, đồng thời, qua những lần làm việc chung với các báo Văn và Hợp Lưu, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ và kết thân với những người viết sống tại Pháp: Thụy Khuê, Trương Thị Liễu, Trần Thị Diệu Tâm, Mai Ninh, Phan Thị Trọng Tuyến, Đỗ Quỳnh Dao, Đặng Mai Lan, Miêng, Phạm Trọng Luật, Phan Huy Đường, Kiệt Tấn, Trần Vũ… Trong ba tháng vưà qua, dù thường xuyên phải làm việc tại văn phòng ở Sài Gòn từ mười đến mười hai giờ một ngày, nhưng tôi may mắn được dịp trò chuyện, bàn luận với các anh chị văn-nghệ sĩ trong nước: Trần Thị Ngh, Trịnh Cung, Sâm Thương, Nguyễn Quang Tấn, Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Đỗ Hoàng Diệu, Phạm Tường Vân, Lynh Bacardi, Thận Nhiên, Đoàn Khoa, Phan Bá Thọ, Phan Triều Hải, Bùi Chát, Vương Văn Quang, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Nguyên… Qua nhận xét chủ quan của tôi, những người trong lưá tuổi 30-40 tại Việt Nam muốn nói, muốn viết về những điều họ cảm nhận trực tiếp được từ cuộc sống hừng hực ở chung quanh, hay về những ám ảnh đè nặng muốn vượt qua, muốn xé toang, đập vụn, nhưng, họ lại không đại diện cho lớp thanh niên thành thị hiện nay, đang say đắm những ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc, Đài Loan, Hương Cảng trong nhiều bộ phim truyền hình tình cảm lãng mạn ướt át kiểu Quỳnh Dao, hoặc đang mê mẩn với những ngôi sao ca nhạc quốc nội mang tên quốc ngoại, trình bày các ca khúc nghe-rồi-để-quên. Những con người sống bằng nội tâm bị nhận chìm mất tăm tích trong cơn sóng cuồng của chủ nghiã thực dụng, chuộng bề ngoài hào nhoáng, hình thức và thời thượng. Các sáng tác hôi hổi tim óc của họ không được đón nhận một cách công bằng, hoặc vì trái với chính sách và chủ trương ‘mở cửa’, hoặc vì những suy tư và cảm xúc của họ cũng chẳng thích ứng được với thị hiếu của đám đông.

 

HL: Đọc một số truyện dịch của anh, chẳng hạn Thống Muội của Florence Dugas, văn rất mạnh mẽ, bạo liệt, chuyện tình dục được phô bày trước thanh thiên bạch nhật với đầy rẫy ngôn từ như lằn roi quất. Gần đây, nhiều truyện ngắn Việt Nam và truyện dịch thế giới cũng mang xu hướng này. Có phải đang là một trào lưu? Được biết, ngoài Thống Muội của Florence Dugas, anh còn tham dự biên tập Búa Đe của Christine Falkenland, Cục Cưng Thượng Hải của Vệ Tuệ qua bản dịch của Mạch Nha, vì sao anh quyết định giới thiệu những tác phẩm văn chương khá táo bạo này với độc giả Hợp Lưu?

CN: Chuyện phòng the, hình như lúc nào cũng rất cũ và rất mới. Bài viết của tác giả Thế Uyên về vấn đề tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 trên HL80 đã phần nào nói lên điều đó. Nhìn ra văn chương thế giới, từ Anais Nin của thập niên 30 thế kỷ trước, Sade thời Cách Mạng Pháp, Kim Bình Mai, Kama Sutra hoặc những bản viết, tranh, tượng còn sót lại của nền văn minh Hy Lạp-La Mã, mới thấy nhiều điều cấm kỵ của người Việt nói riêng và người ‘‘văn minh, hiện đại’’ toàn thế giới nói chung đã được miêu tả tỉ mỉ, sinh động từ cả ngàn năm nay: khổ dâm, bạo dâm, cuồng dâm, loạn ẩm, đồng tính, song tính, ấu dâm…, đó là không kể đến những ‘kỹ thuật phòng the’ mà mẹ truyền lại cho con gái, cha dạy bảo con trai từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, khi quyết định dịch các trích đoạn tác phẩm đã nêu, tôi và Mạch Nha không nghĩ đến ‘xu hướng’ hay ‘trào lưu’ gì cả, mà chỉ mong giới thiệu đến độc giả Hợp Lưu những phong cách viết cuả các ngòi bút trẻ: Florence Dugas tại Pháp, Christine Falkenland ở Thụy Điển, Vệ Tuệ bên Hoa Lục. Họ có những điểm chung: phái nữ và viết mạnh tay về dục tính. Nhưng bên dưới những trang viết nóng bỏng, ngập nguạ xác thịt, lại là những thông điệp rất riêng tư, rất sâu sắc. Dugas với sự phân thân và nội soi thân xác, để người hành hạ rồi quay sang hành hạ người mình yêu, gắn liền những đớn đau thể xác với sự dằn vặt tinh thần. Falkenland xoáy vào nỗi cô đơn tột cùng cuả kẻ, vì không được hưởng tình mẫu tử, đành lang thang từ bờ này đến bến nọ để mong tìm hạnh phúc. Vệ Tuệ hiện thân là một thứ hồng-vệ-binh-đợt-sóng-mới, muốn đạp tung những rào cản gia đình, xích xiềng xã hội áp đặt lên tuổi trẻ Á châu từ 5000 năm nay để aỏ tưởng hướng về một phương Tây tự do, hoàn toàn cá nhân chủ nghiã. Bên cạnh những tác giả vưà nêu, Mạch Nha cũng đã giới thiệu đến độc giả Hợp Lưu truyện ngắn phê phán xã hội ‘‘Paris-Alger, mạt rệp’’ qua ngòi bút trào lộng của nhà văn trẻ người Algérie: Mustapha Benfodil, và tôi đã dịch chương cuối cùng quyển hồi ký chiến tranh ‘‘Bão thép’’ của nhà văn Đức Ernst Junger. Điều lạ lùng, là hình như hai bản dịch cuối lại không gây được chú ý và ít tạo tiếng vang bằng những bản dịch của Dugas, Falkenland và Vệ Tuệ, dù dịch giả giữ cùng một tinh thần làm việc và sự tôn trọng văn phong tác giả, không khí tác phẩm như nhau. Phải chăng tình yêu nam nữ – tinh thần hay xác thịt – lúc nào cũng gần gũi và mật thiết hơn những vấn đề khác của đời sống, như chiến tranh, hận thù và tệ nạn xã hội, chẳng hạn?

 

HL: Xin cám ơn Cổ Ngư.

 




than_nhien 

THẬN NHIÊN

Thơ, con đường ngắn nhất

 

Sinh 1962 và định cư Hoa Kỳ từ đầu thập niên 90, Thận Nhiên là một trong những nhà văn di dân đầu tiên sớm lấy quyết định trở về nước sinh sống. Không như một Việt kiều và chưa như một công dân, nhưng với tư cách của một nhà thơ tìm lại vị trí của mình giữa các bạn thơ đồng hành. Phong cách “Bất cần một cách mất ngủ” là tính chất chủ yếu trong sáng tác của Thận Nhiên.

 

Hợp Lưu:Vào trưa 30-4-75, anh đang ở đâu? Anh có thể kể lại đôi chút hoàn cảnh của mình trong ngày định mệnh đã trở thành mốc thay đổi hoàn toàn đời sống của người Miền Nam, cũng như của người Miền Bắc sau đó.

Thận Nhiên: Trưa 30-4-75, tôi ở Sài Gòn, trong một căn hộ ở cư xá Thanh Đa. Năm đó tôi 13 tuổi. Trường tôi đóng cửa từ những ngày đầu tháng. Mẹ vừa sanh đứa em út được 20 ngày. Cha mẹ tôi đều là giáo viên. Những năm 70 trở về sau đời sống gia đình tôi cũng như hầu hết các gia đình công chức khác là rất đạm bạc. Chiến tranh ám ảnh và đè nặng lên số phận mọi người. Tôi chứng kiến và tham dự, như nạn nhân, trong nhiều cuộc chết chóc và máu lửa từ những năm tiểu học. Trong tâm trí một thằng bé 13 tuổi, tôi muốn chấm dứt chiến tranh, tôi muốn hoà bình. Những ngày đó, vài người lính quân đội cộng hòa đặt súng đại liên trong khu chung cư , họng súng hướng xuống đường. Nếu có bắn nhau thì gia đình tôi nằm trong tầm đạn. Khoảng 8 giờ sáng thì họ rút đi. Từng đoàn lính lột bỏ áo quần, quân trang quân dụng bỏ lại trên đường. Trực thăng vần vũ đưa đón người đi. Chú tôi là trung úy đóng quân ở Chu Lai, chạy bộ mất hơn nửa tháng vừa về đến nhà. Một thằng bé hàng xóm nhặt được một cầu vai có ngôi sao cấp tướng trong khu vườn bên sông. Tôi đi xe đạp ra Hàng Xanh thấy một chiếc xe tăng chạy ngang, trên pháo tháp một cái xác mất đầu nẩy tưng tưng theo nhịp xe chạy. Trên đài phát thanh có bài hát tôi còn nhớ mang máng là: “Ngồi lại đây ta ngồi lại đây-cùng chung vai ta cùng chung vai- non nước này chỉ còn có anh và tôi…”. Từng đoàn xe chở lính Bắc Việt chạy vào thành phố. Họ rất trẻ, ngơ ngác, và có vẻ e dè với mọi người. Tôi theo bọn nhóc tì trong xóm đi bộ ra kho Tân Cảng để “hôi” gạo, đồ hộp, và đủ thứ vặt vãnh được để lại trong kho. Một người bị bắn. Máu ông ta chảy thấm lên gạo đổ tung tóe trên mặt đất. Tôi dẫm lên, máu sền sệt dép. Chiều, tôi mang một cuốn album có hình cô gái nheo mắt đổi cho một ông Việt Cộng lấy mấy thanh lương khô Trung Quốc. Ba bốn anh lính chuyền tay nhau cuốn album, săm soi hình cô gái rồi bá vai nhau cười ngô nghê.

 

HL: Những ngày vừa qua, anh có chứng kiến nhà nước VN tổ chức ăn mừng kỷ niệm 30 năm ngày 30/4? Tâm trạng của anh ra sao, có giống với tâm trạngtrong những ngày 30/4 khi anh vẫn còn ở Hoa Kỳ? Với nhà thơ Thận Nhiên, 30/4 thật sự là một chiến thắng, “Đại thắng mùa xuân” nói theo ngôn ngữ của quân đội nhân dân, hay vẫn còn là “tháng 4 đen”?

TN: Trước khi đi Mỹ tôi có thấy những cuộc lễ ăn mừng ngày này của nhà nước VN. Thời điểm trả lời bài phỏng vấn này chưa đến ngày 30/4 nhưng tôi có thể hình dung ra cờ xí trống kèn của nó. Hôm nay, tôi không còn quan tâm đến chuyện này. Đó là chuyện khóc cười, là ân oán của các thế hệ đi trước mà tôi không tham dự, không có trách nhiệm. Tôi chỉ thấy buồn và buồn cười vì người ta hào hứng ăn mừng hay day dứt với một chuyện đã quá cũ, đã không còn sửa đổi được gì. Thái độ lau chùi các tấm huân chương và sướt mướt mân mê các vết sẹo chiến tích đều lạc hậu và bệnh hoạn như nhau. Thế hệ của tôi, và sau tôi, nên quan tâm đến những gì đang xảy ra và những gì sẽ đến. Với tôi, hôm nay, ngày 30/4 ở Mỹ hay ở VN cũng không khác một ngày bất kỳ nào trong năm. Không là “đại thắng mùa xuân”, cũng không là “tháng 4 đen”. Đừng khoác cho tôi những vinh quang giả tạo! Đừng chất lên vai tôi những đau đớn, buồn tủi mà tôi không can dự! Đó là một ngày làm thay đổi đời sống tôi, nhưng tôi không muốn nhắc lại hay đau đầu với nó một cách triền miên và nhảm nhí, trong khi trước mắt còn quá nhiều chuyện để làm.

 

HL: Sang Mỹ đầu thập niên 90, rồi đột ngột bỏ về Sài Gòn sinh sống. Có thể xem hành động quay về đất tổ là một thất bại hội nhập của nhà thơ Thận Nhiên? Có phải anh làm tất cả để rời khỏi Hoa Kỳ. Anh không nghĩ vừa vứt bỏ tương lai made in USA mà nhiều triệu người Việt còn đang mơ ước?

TN: Tùy vào việc định nghĩa như thế nào là quay về đất tổ và như thế nào là thành công hay thất bại trong việc hội nhập thì mới trả lời được rốt ráo câu hỏi này. Tôi không nghĩ là mình thất bại. Tôi chưa từng tuyên bố mình làm tất cả để rời khỏi Hoa Kỳ. Nhưng trước đây, tôi đã cố gắng làm tất cả để rời khỏi VN. Tôi là người mau chán với đời sống bình lặng, tôi nghĩ là tôi nên thay đổi không gian sống biết đâu lại chẳng “lên đời”. Bài học và cũng là món quà lớn nhất mà tôi học được ở Hoa Kỳ là Tự Do. Ở một đất nước tự do như Hoa Kỳ thì Tự Do không cần thiết phải cổ vũ như ở một đất nước thiếu tự do, nơi mà người ta còn cần phải học, cần phải ý thức để biết mình chưa là một con-người-hoàn-chỉnh nếu thiếu tự do.

Tôi chán kiểu ví von tổ quốc bằng hình tượng các bà mẹ: mẹ Bàn Cờ, mẹ đào hầm, mẹ Việt Nam gươm thiêng ái quốc, mẹ đứng dưới mưa, mẹ già nón lá che nghiêng, mẹ Suốt, mẹ vót chông… Tất cả các bà mẹ ấy, dù kiêu hãnh đến mấy cũng đều gầy gò và buồn thảm quá! Tôi không muốn nhìn tổ quốc của mình như vậy. Tổ quốc nên là một người yêu thơm tho, tươi trẻ, tràn đầy sinh lực…để mà ôm ấp, vuốt ve, yêu đương và sinh cho ta những con người mới, những con người sạch sẽ, trong sáng, đẹp đẽ, tráng kiện hơn thế hệ của tôi và những thế hệ đi trước. Và muốn được như vậy, người ta phải làm việc chứ không phải ngồi than vãn, nguyền rủa, chế giễu, nghi ngại, hô hào và nói suông. Tôi không “vứt bỏ tương lai made in USA mà nhiều triệu người Việt còn đang mơ ước”, vì tôi không có cái tương lai nào mang nhãn hiệu như thế cả. Tôi thực hiện bài học và sử dụng món quà ý-thức-Tự -Do mà đất nước Hoa Kỳ, tổ quốc thứ hai của tôi, đã trao tặng.

 

HL: Trở về VN kiếm sống bằng nghề viết báo, đôi khi dạy Anh văn, đời sống chưa ổn định. Đã 2 năm, anh có thực sự thấy mình “sống được” trên quê hương không? Anh gặp phải khó khăn nào khi cố gắng hòa mình vào một môi trường khác hẳn với môi trường sống ở Hoa Kỳ? Sách báo Âu Mỹ không làm anh thiếu thốn? Anh vẫn còn bị/được xem là Việt kiều hay người Việt bình thường?

TN: Cho đến nay thì tôi nghĩ rằng tôi “sống được”. Nhu cầu vật chất của tôi rất đơn giản và tôi có thể kiếm sống bằng việc dịch sách, viết báo, dạy học như hiện nay. Dĩ nhiên là có một số khó khăn ngoại tại khi chuyển đổi từ môi trường sống này đến môi trường sống khác, nhưng tôi hi vọng với nỗ lực của mình, tôi sẽ vượt qua. Internet bù đắp và giúp nhiều cho tôi những thông tin và nhu cầu về mặt tinh thần. Thỉnh thoảng tôi vẫn có được sách báo bên ngoài từ nhiều nguồn. Mỗi ngày ngồi click chuột một giờ là tôi đến được mọi nơi trên trần gian này mà mình muốn. Ở đây, tôi như mọi người Việt bình thường trong mọi quan hệ. Nhưng mỗi khi đến hạn phải gia hạn visa, hoặc khi bị “chặt” đau điếng trong mua bán, thì tôi sực nhớ ra rằng mình cũng là Việt kiều như ai (!). Tôi chơi với nhiều bạn bè, trong Nam, ngoài Bắc, hải ngoại, trong luồng, ngoài luồng, đặc biệt tôi yêu quý các nữ sĩ. (Chặc lưỡi) Ôi, Ước gì…! {Ca khúc Mỹ Tâm (?)}. Có khi tôi có cảm giác mình “Sài Gòn” hơn cả người Sài Gòn.

 

HL: Đọc các sáng tác của anh trên Hợp Lưu, trên Web Tiền Vệ, độc giả không hình dung anh đang “đi thực tế”. Vì sao đang sống giữa lòng Sài Gòn hôm nay, giữa nền hiện thực xô bồ ngồn ngộn chất liệu, nhưng các bài thơ và truyện cực ngắn của anh không phản ánh hiện thực ấy?

TN: Tôi đang “sống” chứ không phải là đang “đi thực tế”. Tôi không “mặn” với ý tưởng văn chương phải có trách nhiệm phản ánh hiện thực. Nếu cần điều đó, hãy đọc báo Công An. Độc giả khắp nơi có thể lên net để đọc. Tờ báo này giúp “mở mang kiến thức” về các thực trạng của đời sống VN từ những góc nhìn xấu nhất. Tôi viết – điều và theo cách - chính tôi cảm thấy cần viết. Và như thế không có nghĩa là quay lưng hay tránh né thực tại. Xin mời độc giả Hợp Lưu đọc bài thơ “Danh Sách” của tôi trong số báo này.

 

HL: Vì sao đã quy cố hương nhưng anh vẫn công bố các tác phẩm trên các báo ngoài nước? Vì anh gần gũi với tâm thức bên ngoài hay vì anh gặp kiểm duyệt không thể đăng những gì mình muốn trên các diễn đàn quốc nội?

TN: Đúng, tôi vẫn công bố các tác phẩm trên các báo ngoài nước vì cả hai lý do vừa nói. Tôi cũng đã hai lần thử gởi những truyện ngắn của mình đến hai tờ báo văn nghệ ở đây để thăm dò. Lần đầu là tờ Sông Hương, do tôi ghé thăm tòa soạn và được sự mời gọi các nhà văn Việt kiều tham gia của ông chủ bút Nguyễn Khắc Thạch. Tôi gởi theo email một truyện ngắn và không nhận được một sự hồi âm nào. Sau này tôi hiểu ra một điều là: nếu anh chị là người viết hải ngoại mà muốn công bố tác phẩm của mình trên các diễn đàn trong nước, thì anh chị cần có sự giới thiệu hoặc bảo đảm của người quen có thân thế. Tuy nhiên, tác phẩm của anh chị sẽ được soi rọi đặc biệt. Trong những năm gần đây, một số tác giả hải ngoại đã in được sách của mình trong nước. Dĩ nhiên đó là những tác phẩm không có vấn đề gì về mặt chính trị. Thậm chí có 2 nhà văn di dân đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà Văn trong 2 năm liên tiếp, là Phạm Hải Anh và Nguyễn Văn Thọ. Có điều, 2 nhà văn đó là người ra hải ngoại từ miền Bắc.

 

HL: Khi chọn viết báo kiếm sống, anh có nghĩ vô hình chung mình đã phải thỏa hiệp với đường lối báo chí có kiểm duyệt theo tiêu chí nhà nước và chấp nhận bị biên tập, điều mà không nhà văn di dân nào bên ngoài đồng ý. Ví dụ bài phỏng vấn nhà thơ Thận Nhiên trên báo Thể thao & Văn hóa với nhan đề “2 đô-la một ngày, thú vị đấy chứ” hình như được sửa đổi. Câu chuyện như thế nào?

TN: Đúng là có sự thỏa hiệp ngầm đó. Và tôi chấp nhận sự tương nhượng đến một mức độ nào đó có thể chịu đựng được. Nhưng nếu đến khi nào không chịu được nữa thì sẽ nghỉ chơi. Còn không thì tiếp tục như một công việc kiếm sống bằng ngòi bút, điều mà tôi không thể làm được ở Mỹ. Tôi nghĩ, ít ra trong 10 sự thật tôi muốn nói, tôi cũng nói được 5, 6 sự thật, còn hơn không nói được gì cả. Điều muốn nói lại đến được một số độc giả rất đông so với hải ngoại. Và nó có ơn ích với đời hơn là thái độ im lặng hoặc nói cho một nhóm nhỏ với nhau. Vấn đề còn lại là nói cái gì, nói như thế nào. Và đó cũng là một thử thách bản lĩnh của ngòi bút. Tôi không tin nhận định “mà không nhà văn di dân nào bên ngoài đồng ý” là đúng. Tôi tin rằng mọi nhà văn đã in sách, hoặc đang vận động để in sách trong nước đều chấp nhận sự kiểm duyệt theo tiêu chí nhà nước và chấp nhận bị biên tập tác phẩm của họ, không nhiều thì ít. Nhà nước VN đã đón nhận sự đóng góp tiền bạc, kỹ thuật, năng lực trong nhiều lãnh vực của Việt kiều, thì có lẽ cũng nên đón nhận những đóng góp về văn học nghệ thuật. Tôi nghĩ mình nên lạc quan.

Bài phỏng vấn ấy không bị biên tập khi đăng trên báo Thể thao & Văn hóa. Nhưng sau đó vài ngày, mạng Vnexpress lại cho đăng lại mà không hỏi ý kiến của tôi cũng như của người phỏng vấn. Tựa bài bị sửa lại là: Nhà thơ Thận Nhiên chọn ở lại với “Tổ Quốc”. Tôi muốn phản ứng, nhưng bạn tôi cho chuyện như thế này ở trong nước là chuyện thường ngày ở huyện, nên thôi. Nó nói lên thực trạng về “tính chuyên nghiệp” của báo chí trong nước. Mới đây tôi nghe đồn rằng bài phỏng vấn ấy còn được đăng trên Tạp Chí Cộng Sản nữa. Ôi, trang trọng quá! Ok, xứ này nó vậy!

 

HL: Anh sẽ nạp đơn xin vào hội nhà văn Thành phố HCM?

TN: Không.

HL: Vì sao?

TN: Vì tôi không có thì giờ để họp với hành. Đời ngắn lắm! Tôi rất bận rượu chè bù khú gái gú vân vân…. Và theo tôi biết, muốn gia nhập hội nhà văn VN bạn phải có 2 tác phẩm đã in. Hội nhà văn thành phố thì phải có 1 tác phẩm. Và được các hội viên giới thiệu. Nếu nhà nước cho tôi tự do in sách thì biết đâu có lúc mủi lòng tôi sẽ nghĩ lại... Nhưng thật lòng tôi không khoái các loại hội văn nghệ, dù hội nhà văn VN hay hội văn bút của người Việt hải ngoại, lẩm cẩm và già nua. Có nên gọi đó là các hội dưỡng sinh và tương tế chăng?

 

HL: Quan sát sinh hoạt văn học VN, dễ dàng nhận thấy ở Sài Gòn số lượng người sáng tác văn xuôi rất ít. Văn xuôi dường như nằm hết ở miền Bắc, với hàng trăm nhà văn, với mỗi năm nhiều mươi đầu tiểu thuyết, hàng trăm tập truyện ngắn. Số lượng ít hơn rất nhiều trong Nam. Trong miền Nam, bên cạnh Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Minh Ngọc, các nhà văn lớp cũ như Dương Nghiễm Mậu, Cung Tích Biền, Nguyễn Thị Hoàng…sống trong im lặng, một số khác thỉnh thoảng gởi bài ra bên ngoài đăng trên Hợp Lưu, Văn, Tiền Vệ như Trần Thị Ngh, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Đạt nhưng không nhiều. Số nhà văn lớp mới đếm trên đầu ngón tay: Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Viện, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Triều Hải… Vì sao lại có tình trạng bỏ trống văn xuôi như vậy? Và tại sao đổ dồn vào thơ ca như Phương Lan (EL), Vương Huy, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Lê Sơn Ý, Lynh Bacardi, Lê Thánh Thư, Inrasara, Khúc Duy, Quang Thành, Nguyễn Hữu Hồng Minh…Anh giải thích hiện tượng này ra sao?

TN: Tôi nghĩ, văn chương VN hiện nay được (hoặc tự) phân chia thành nhiều vùng và nhiều mặt trận khác nhau. Chúng ta có văn chương miền Bắc, văn chương miền Nam và văn chương di dân. Văn chương miền Bắc còn có văn chương “chính thống” và văn chương “muốn cởi truồng cho mát chị mát em mà lại bụm tay che nửa kín nửa hở”. Văn chương miền Nam cũng thế, có văn chương “chính thống” và văn chương vỉa hè. Văn chương di dân có văn chương Bắc Mỹ, văn chương Úc châu, và văn chương của người Việt Tây-Đông Âu. Chúng ta còn có văn chương trên Net và văn chương trên giấy. Mỗi phân chia như thế đều có trang bị và quân số khác nhau. Và mỗi người viết đều có thể chọn thái độ và cách xuất hiện “hạp với mình”. Chúng ta không thể nhìn vào số lượng mà gắn huy chương. Tôi nghĩ, nền văn xuôi miền Bắc trong suốt một thời gian khá dài tuy có hằng trăm người viết và hàng trăm đầu sách mỗi năm nhưng thành tựu thì không có mấy. Nhiều phần vẫn còn là nền văn chương chuyện kể « cúng cụ » nhạt nhẽo. Những cây bút có tiếng vang một thời sau đổi mới nay đã mòn mỏi, không còn mang lại những khám phá và năng lực như trước. Người ta cần quân số đông, cần nhiều dao găm mã tấu, trong trận giáp lá cà. Nhưng để chế tạo bom nguyên tử thì chỉ cần một số bộ não đặc biệt. Tôi nghĩ, lý do Sài Gòn có ít người viết văn xuôi là vì hầu hết không “sạch sẽ và dễ bảo’’ để được nhà nước và các đầu nậu bảo kê để dễ dàng in sách. Tuy ít, nhưng các tác phẩm của Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Viện đều có vị trí đặc biệt. Hầu hết những nhà thơ mà Hợp Lưu nêu tên là thành phần bất hảo, áp phe chợ trời, mánh mung buôn lậu chữ, và chuyên làm lộ “bí mật quốc gia” bằng con đường ngắn nhất: THƠ.

 

HL: Từ ngoài nước, nhà thơ Chân Phương đặt câu hỏi: «Thơ Việt đi về đâu?» Là một nhà thơ, anh có gì để nói trước đúc kết của nhà thơ Chân Phương: “Đọc lớp nhà thơ trẻ hiện nay tôi có cảm giác phần đông họ tránh né sự thật đất nước và phóng mình vào cõi thơ như một thứ ma tuý hay an thần. Không chỉ là thuần túy việc rèn luyện tay nghề, hay học hỏi từ quá khứ để làm giàu thêm vốn văn hóa thơ, mà còn để chuẩn bị tư thế một thi sĩ-công dân vì thế kỷ khốc liệt vừa qua đã chứng minh trên khắp thế giới mối liên hệ định mệnh giữa Lịch sử với Thi ca, và biết đâu mai đây đất nước và dân tộc VN lại cần những con người thật để làm Người Chứng.” Nhà thơ Phan Nhiên Hạo cũng từng đặt vấn đề tương tự qua tiểu luận “Nhà văn thế hệ sau chiến tranh và ông vua cởi truồng”. Ngoài ý kiến riêng của anh, hai bài viết trên đã được đón nhận như thế nào ở Sài Gòn, đặc biệt ở các thi sĩ trẻ? Vì sao không có nhiều phản hồi chính thức trên báo?

TN: Tôi có hỏi vài nhà thơ quen biết về câu hỏi trầm thống ‘‘Thơ Việt đi về đâu?” của nhà thơ Chân Phương và được họ trả lời như sau. Nguyễn Quốc Chánh: Muốn biết đi đâu thì phải lẽo đẽo đi theo. Bùi Chát: Thơ làm quái gì có chân mà đi! Phan Bá Thọ: Chắc là thơ đến động hoặc về lăng. Nguyễn Quang Tấn: Đi về hướng các thi sĩ Mozambique, Morocco, Mongolia và Nepal đang đi. Hai câu thơ của Nguyễn Quốc Chánh làm tôi xúc động: “Tao là cái thoi thóp chình ình trên thớt/ Đụ má tụi mày cứ không ngớt mài dao” {Hai lần uốn lưỡi, một lần thở phào}. Nó nói được thân phận và thái độ can đảm đưa ngực hứng đòn của Chánh và các nhà thơ khác. Việc cho rằng, hôm nay người ta có thể làm thay đổi một cơ chế xã hội bằng ngòi bút, bằng chữ nghĩa, là một ảo tưởng. Còn làm NGƯỜI CHỨNG ư? Có nhiều phương tiện hiện đại sẽ làm việc đó tốt hơn. Lúc nhỏ tôi thích một trò chơi dại, kéo căng một sợi dây cao su để thử độ đàn hồi của nó và sự “chịu chơi” của mình. Sợi dây có thể đứt bất cứ lúc nào và đứt thì có thể bắn vào mặt. Nhắm mắt lại. Chút nữa, chút nữa. Chưa đứt thì cứ kéo để biết mình không sợ hãi. Bựt! Xí hụt! A ha! Trò này có vẻ cũng giống với trò chơi của các nhà thơ hôm nay. Tôi nghĩ, cảm giác của nhà thơ Chân Phương về thế hệ các nhà thơ trẻ hôm nay là một cảm giác bị lệch tâm.

Riêng bài viết của Phan Nhiên Hạo không có nhiều phản hồi vì nó không có gì mâu thuẫn hoặc xa lạ với suy nghĩ của các nhà thơ. Hạo, với khả năng hệ thống và lý luận giỏi, đã nói thay cho họ. Họ nói những suy nghĩ ấy bằng thơ họ đang viết. Vài lời nói thêm loanh quanh bên lề, hoặc khen ngợi là không cần thiết.

HL: Xin cám ơn Thận Nhiên.

 




do_le_anh_dao 

ĐỖ LÊ ANH ĐÀO

Việt Nam,

không chỉ là một cuộc chiến

 

Sinh 1979 và đến Hoa Kỳ từ 1992. Phụ trách chương trình télévision VAALA và được xem như một trong những gương mặt của thơ trẻ hôm nay, Đỗ Lê Anh Đào bên ngoài mang nét man dại của một thiếu nữ Bolivia nhưng đằng sau làn da ngăm là một nội tâm ngổ ngịch pha lẫn khát khao của một tuổi trẻ đang tìm kiếm diện mạo của chính mình. Bước vào thế giới thơ của Đỗ Lê Anh Đào là bước vào thế giới của nhạy cảm và vùng vẫy bản năng.

 

HL: Trước hết, Đỗ Lê Anh Đào có thể cho biết thân thế của mình?

ĐLAĐ: Từ một xóm đạo người Bắc di cư 54 nhỏ ở Gò Vấp, tôi đến Hoa Kỳ năm 13 tuổi, ở miền nam Cali đến năm 1998 khi tôi dọn lên Los Angeles để theo đuổi nghành tâm lý học ở đại học UCLA. Sau khi tốt nghiệp, tôi ở Los Angeles cho đến giữa năm ngoái để thực tập, vì tâm hồn của tôi đồng điệu với nhịp sống của cái thành phố náo nhiệt và phức tạp này. Là một người phấn đấu cho nữ quyền, tôi đã làm việc cho Los Angeles Commission on Assaults Against Women. Hiện giờ tôi đang ở Las Vegas, cũng làm việc cho một cơ quan tranh đấu cho phụ nữ. Có lẽ tôi thay đổi nhiều nơi cư ngụ vì tôi có trái tim ngưỡi tị nạn, lúc nào cũng có một tí máu ham muốn lang thang. Một phiêu lưu mới của tôi là sân khấu, cả cuộc đời tôi lúc nào cũng là ngưỡi xem, người quan sát. Tôi muốn thử làm vai ngược lại một hồi xem sao. Gần đây, tôi mới tham dự vào chương trình biểu diễn sân khấu “Miss Saigon with the Wind”, một phần trong VAWA Festival (Vietnamese American Women Artists Festival), tạm dịch là Đại Hội Nghệ Thuật Phụ Nữ Việt Mỹ. Ngoài ra những công việc đem về miếng ăn này, tôi còn tự coi mình như một hoạt động viên. Tôi và nhóm thi ca Mai Piece gồm có Taylur Thu Hiền Ngô, Jenni Trang Lê và tôi, đã thành lập một đêm thơ nhạc ở Little Saigon, Cali tên là One Mic, nhằm mục đích cố gắng nâng cao những đối thoại có tính cách văn hoá trong cộng đồng Việt Nam ở Nam Cali nói riêng và hải ngoại nói chung, dẹp di những ngăn cách thê hệ, chế độ, văn hoá, vv…

Tôi tìm đến với văn chương, và nhất là với thơ, để tự thăm dò và thám hiểm tâm tư của mình, qua ống kiếng của một người khác. Đây là một điều mà tôi vẫn thường làm cho ngưỡi khác trong đời sống hàng ngày. Văn chương cũng là một cách để tôi sống, để tôi yêu, hận, ước, muốn, ghiền, etc.. Thơ của tôi đam mê, vì tôi sống đam mê. Khi còn nhỏ, bố tôi luôn dạy là đam mê không tốt, cái gì cũng nên vừa phải, chừng mực là hơn. Khi theo đuổi tâm lý học những năm đại học, chương trình tiến hoá tâm lý học (evolutionary psychology) dạy loài ngưỡi tiến bộ hơn những thú vật khác vì có lý trí, sống thêm bằng lý trí hơn là bản năng, tôi không nghĩ mình là một sinh vật chậm tiến. Tôi nghĩ tôi chỉ sống thật, cho nên cũng cố gắng viêt thật, thế thôi.

 

HL: Độc giả Hợp Lưu thường bắt gặp trong thơ Đỗ Lê Anh Đào sự hồn nhiên trong sáng cùng lúc phóng đãng, đôi lúc hỗn loạn, chẳng hạn trong bài thơ Như Tâm Thần Hoang Tưởng:

Mùa Hè năm ngoái,

tôi tới chung cư anh ở

về hướng Nam Los Angeles

những bức tường trắng, những tấm ra trắng, giường nằm cũng trắng,

những dây xích trói, cửa thép và khoá sắt chống rỉ,

thuốc gây mê dấu đi.

ngộp thở trong mùi phở bò và sữa đậu nành

anh rủ tôi cùng tắm,

tôi đê mê chìm đắm

chúng ta trần trụi, chúng ta vui đùa, chúng ta gần như thật,

tôi say sưa ngộ độc

trong hơi nước nóng.

Tôi phải hiểu chứ

trong ảo giác mãnh liệt nhất,

Anh làm tôi hưng phấn.

Anh cung cấp đáp án,

Anh diệt bỏ cạnh tranh,

Anh bắt tôi chấp thuận

Anh khuyến khích lừa dối

.../...


Sự hỗn loạn này cũng như hoang dại phóng đãng, với cô, một thiếu nữ Việt Nam thừa hưởng ’’giáo dục lành mạnh’’ Thánh Hiền, từ đâu đên? Cô có nghĩ từ nhịp sống thác loạn Hoa Kỳ?

ĐLAĐ: Theo tôi nghĩ, những ảnh hưởng đến suy tư, tâm sự, tánh tình của một người, không phải chỉ đến từ trường lớp, từ sách vở. Những ảnh hưởng đó chỉ là một phần nhỏ, những điều quan trọng hơn là những thứ đến từ môi trường, xã hội, thông tin đại chúng, từ bạn bè và người quen, vv... Trong trường hợp của tôi, đúng thật tôi đã từng là một giáo dân Công Giáo, theo học những điều có thể gọi là “giáo dục lành mạnh”. Tôi thường tự gọi mình là thành viên của thế hệ 1.5. Tôi từng viết bài Nửa và Nửa, vì cá tính của tôi có nhiều nguồn gốc, một trong số đó là từ ảnh hưởng Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ đời sống Hoa Kỳ thác loạn. Mỗi người đều có một quyền lựa chọn. Ở Hoa Kỳ, bạn cũng có thể lựa chọn để sống rất hiền thục. Ngay cả ở Las Vegas, thành phố được gọi là sin city, thành phố của tội lỗi, vậy mà mới đây tôi đi ăn sáng ngồi cạnh hai mẹ con nói chuyện về đạo Tin Lành rất thành kính. Riêng tôi, tôi đã lựa chọn những điều hỗn loạn, vì những hoàn cảnh như vậy thách thức và quyến rũ tôi. Tôi cũng đã có nhiều lúc ở trong những hoàn cảnh rất êm đềm và lành mạnh, và tôi hoà nhập vào những hoàn cảnh đó cũng khá giỏi. Nhưng tôi cần sự phức tạp để có thể thưởng thức sự đơn giản, cần nỗi buồn để thưởng thức niềm vui. Có nhiều lần tôi đã thử làm bác sĩ tâm thần cho chính mình để nghiên cứu tại sao như vậy, có thể vì tôi đến từ một đất nước có quá khứ nhiều hỗn loạn và đau thương chăng? Tôi không biết rõ và cũng không nghĩ mình cần biết rõ. Như đã nói, thơ tôi giống tôi, tôi có nhiều chất hoang dại phóng khoáng, và nhiều lúc nổi loạn bất cần. Đây là vì tôi đã từng có những kinh nghiệm cá nhân như vậy trong đời sống riêng tư của mình. Tôi nói điều này với một thái độ chủ quan, vì tư cách đạo đức của tôi không phải học được từ một nền giáo dục nào, Việt Nam hay Hoa Kỳ.

 

HL: Cũng trong bài thơ này, đã có những đoạn rất gây cấn:

Thứ Năm

Buổi chiều

Bốn mươi lăm độ Farenheit

Tôi sẽ không nói chuyện với anh nữa,

sau hôm nay.

...

Bảy tuần lễ trước,

tôi gọi anh,

để giải thoát mình.

chúng ta làm tình

qua điên thoại.

Ràn rụa ướt trào

Ừ, hãy tiếp tục với nhau

Những quan hệ đến tận cùng như thế.


Đỗ Lê Anh Đào có nghĩ mình đang fantasme trong thi ca? Những câu thơ trên, có bao giờ là hiện thực với cô? Cô sống như vậy và làm thơ như vậy hay cô ‘‘sống hiền thục và làm thơ hoang đàng’’?

ĐLAĐ: Có lẽ tôi đã trả lời câu hỏi này rồi. Tôi ít khi fantasize trong sáng tác, vì tôi khó thể sáng tác được những gì tôi không từng trải hoặc gặp phải, ít nhất cũng phải một phần nào. Chỉ có điều ngạc nhiên là, tôi thấy những kinh nghiệm sống của mình rất bình thường, những người khác chắc đều có không nhiều thì ít. Cái khác ở đây là tôi chọn sáng tác về nó mà thôi. Nhưng tới đây tôi phải hỏi, Hợp Lưu hỏi tôi ‘‘sống hiền thục và làm thơ hoang đàng’’ là hỏi tôi trong giới hạn nào, so sánh với ai? Vì rằng so vơi nhiều ngưỡi quen, bạn bè hay đồng nghiệp tôi, tôi rất hiền thục và nguyên tắc, và với những người quen bạn bè đồng nghiệp khác thì có khi ngược lại. Đa số người viết khi trả lời câu hỏi phỏng vấn “nhân vật có phải là tác giả?” đều trả lời loanh quanh. Nhưng trong trường hợp này, tôi có thể nói thẳng thắn là bài thơ trên, viết từ một cuộc tình rất đáng nhớ, đã từng là một hiện thực rất đắm say của tôi.

 

HL: Rời Việt Nam trong tuổi vị thành niên, có bao giờ Đỗ Lê Anh Đào quay nhìn lại quá khứ, về vùng đất cô đã sinh ra với tất cả văn hoá Á Đông mà hôm nay trên đất Mỹ mỗi ngày một xa mờ dần. Với cô, nền giáo dục truyền thống Việt Nam mang những khuyết điểm nào? Cô chấp nhận hay chống đối hoặc không quan tâm đến Khổng Giáo? 

ĐLAĐ: Tôi thường suy nghĩ nhiều về quá khứ, của mình nói riêng và của nhân loại nói chung. Đó là vì tôi quan điểm rằng chỉ có quá khứ là chắc chắn, là có thể thăm dò được mà không phải lo sợ nó sẽ thay đổi bất thường. Tôi phải hiểu được quá khứ trước mới có thể biết rõ hiện tại và không phung phí tương lai. Tôi vô cùng thiết tha với vùng đất mẹ cha và tất cả văn hóa Á Đông, tại vì tôi quan tâm rất nhiều đến ý thức bản sắc của mình, nhất là khi đang sống ở Hoa Kỳ, một nơi được gọi là ‘cultural melting pot’, xin tạm dịch là ‘nồi trộn văn hóa’. Ở xã hội này, khi bạn bè thân của tôi đủ mọi màu da, văn hoá, một sự thật vừa là điều tốt và xấu. Chúng tôi, và mọi thành viên trong xã hội này không ngừng học hỏi từ văn hóa và nguồn gốc của nhau, và cũng không ngừng bất đồng quan điểm vì tất cả đều khác nhau. Mỗi ngày là một câu hỏi chính trị bản sắc khác nhau, thế nào là đặc quyền da trắng (white privilege), làm sao thấu hiểu tháng hai lịch sử ngưỡi Mỹ gốc Phi black history month, v.v.. Khó mà tôi không luôn luôn tìm hiểu và xác định những ý thức cá nhân, nhận dạng mình là ai và đến từ đâu.

Theo tôi, là một người thích được học từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng ưu điểm lớn nhất của nền giáo dục truyền thống VN cũng là khuyết điểm lớn nhất của nó. Giáo dục VN dạy sự kính trọng rất cao cho tất cả những gì là truyền thống. Tuy điều này nếu lúc đầu thường xây dựng được nền tảng cho một hệ thống giáo dục ngăn nắp, nó cũng có khuynh hướng bị sử dụng bừa bãi, tạo ra những học trò không có suy nghĩ tự lập và không biết nghi ngờ thẩm quyền. Đối với Khổng Giáo, cũng giống như những tôn giáo và triết học khác, tôi chỉ chấp nhận một số triết lý. Tôi tin vào lòng nhân từ, tính lương thiện, lòng trung thành, sự công bằng, những điều được coi trọng trong Khổng Giáo. Nhưng có lẽ vì trưởng thành ở Mỹ, được tiếp nhận giáo dục Mỹ đặt cá nhân lên trước hết rồi mới đến gia đình và tổ quốc, tôi không hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống cấp bậc của xã hội, gia đình, giới phái mà Khổng Giáo đề ra. Điều chắc chắn là Tôi Là Feminist, tranh đấu cho bình đẳng nam nữ, không cho phép triết Nam nhất Nữ nhì. Và là một người sống với nhiệt tình, tôi không nhất thiết luôn luôn tin vào sự kháng cự thụ động. Nói chung, tôi không phải là một người ‘hiền’.

 

HL: Tại sao am tường Anh văn, hơn cả tiếng mẹ đẻ, mà cô lại tìm đến văn chương VN, chọn Hợp Lưu để công bố những suy nghĩ nội tâm bằng tiếng Việt của mình?

ĐLAĐ: Tuy đúng, nhưng tôi rất ít khi nhận là mình am tường Anh văn hơn Việt văn (cười). Nhưng sự thật là vậy, thậm chí dòng suy nghĩ của tôi thường là Anh ngữ. Văn chương VN là một quá trình học hỏi, một đầu tư tinh thần. Tôi ham muốn tìm tòi văn chương VN từ nhỏ, và coi nó như là người tình chung thủy duy nhất của mình. Tình yêu này đẹp và tinh khiết, không đòi hỏi đáp trả và kết quả. Có thể tôi sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn viết Việt ngữ thành công và nổi tiếng theo ý nghĩa thương mại của nó. Sáng tác của tôi sẽ không tới hàng triệu ngưỡi đọc hay chỉ vài ngàn người. Nhưng tôi sẽ không bao giờ bỏ sáng tác. Tôi là người rất chung tình. Vả lại, tôi là người Việt (không phải người Mỹ gốc Việt), học nói tiếng Việt trước tiên, nên lòng kiên nhẫn của tôi với văn chương VN bao la hơn với văn chương Mỹ. Mục đích của tôi là tìm được sự cân bằng, mà không phải dung hòa cả hai.

Còn sự chọn lựa Hợp Lưu là một sự tình cờ may mắn, hay là định mệnh nếu bạn tin vào những điều đó. Ở ban biên tập Hợp Lưu tôi tìm thấy một môi trường ấm cúng, những người bạn và mentors đầy lòng tin và ủng hộ. Ngoài sự nhận xét cá nhân, tôi chia sẻ và tôn trọng tư cách làm việc nghiêm túc, thái độ chào mừng những điều mới mẻ và cấp tiến của tập san này.

 

HL: Thử thách nào dành cho một di dân trẻ Việt Nam, am tường ngoại ngữ muốn bước chân vào và khẳng định sáng tác của mình trong văn chương Hoa Kỳ?

ĐLAĐ: Có lẽ đa số những nhà văn di dân trẻ đều đồng ý với tôi khi tôi phát biểu như sau: Đối với các nhà văn di dân, thử thách chính nằm trong đòi hỏi mainstream của người đọc Hoa Kỳ khi luôn trông chờ những câu chuyện di dân, những tiểu sử tị nạn, những mảnh đời tị nạn. Tất nhiên đây cũng là những đề tài mà đa số những người viết với thân phận di dân đều chọn viết trước tiên và nhiều nhất, vì tính cách của nó cấp bách hơn trong việc xác định căn cước cá nhân. Hãy thử nhìn những tác phẩm mới của vài nhà văn di dân gốc Việt trổi bật trong vòng vài qua như The gangster we are all looking for của Lê Thị Diễm Thúy hay We Should Never Meet của Aimee Phan. Tôi không phản đối điều này và nghĩ nó là điều xấu. Tôi cũng thường xuyên chọn đề tài này trước nhất. Nhưng tôi cảm thấy bị ràng buộc khi nhu cầu này trở thành duy nhất. Tôi cảm thấy buồn khi biết rằng một độc giả Hoa Kỳ sẽ nhìn những tên tác giả gốc Việc trong tiệm sách và chỉ mong chờ một câu chuyện người tị nạn nói ít nhiều về chiến tranh Việt Nam. Như Lê Thị Diễm Thúy đã nói trong bài thơ shrapnel shards on blue water của cô và tôi xin tạm dịch: hãy cho người ta biết VIỆT NAM KHÔNG CHỈ LÀ MỘT CUỘC CHIẾN.

Tôi tin chắc rằng Lê Thị Diễm Thúy không chỉ là một cô gái tị nạn. Tôi biết rõ tôi không chỉ là một người tị nạn.

 

HL: Ở vị trí một người làm thơ ngoài nước, cô nghĩ gì về thơ trong nước?

ĐLAĐ: Tôi nghĩ rằng mình có trách nhiệm phải quan tâm đến thơ trong nước. Nếu như tôi làm hoạt động viên để phát triển One Mic cho nó dẹp bỏ những ngăn cách thế hệ và văn hoá (generation and culture gaps) tại Mỹ. Tôi cũng tin vào tìm hiểu thơ Việt Nam để dẹp bỏ ngăn cách chế độ và chính trị. Cùng là một ngôn ngữ, một phong cách sáng tác thì mình phải nên hiểu biết và nâng đỡ lẫn nhau. Theo tôi nghĩ thì những nhà văn thơ trong nước và ngoài nước đều cần nhau. Nếu nói như nhà văn Phùng Nguyễn là ngôn ngữ có thay đổi vì tiến hóa language evolves, nhà văn/ nhà thơ ngoài nước cần trong nước để theo dõi Việt văn đã tiến hoá như thế nào trong vòng ba mươi năm qua. Còn nếu nói như nhà văn Đỗ Hoàng Diệu là những tập san ngoài nước vẫn sẵn lòng chào đón những tác giả bên trong, thì rõ ràng là những tác giả này cần hiểu biết những tác giả ngoài nước nếu họ muốn đăng sáng tác của họ ở những tập san có thái độ tự do hơn và muốn biết sáng tác của mình đang đăng chung với ai.

Tôi không nghĩ hai lý do trên là hai lý do duy nhất. Tôi nghĩ rằng công việc đã đang được làm và có nhiều triển vọng. Chẳng hạn như trên Hợp Lưu, Thơ, Văn Học mỗi kỳ chẳng thiếu gì những tên tuổi từ trong nước. Và một quan sát cá nhân khác là những liên lạc của tôi với những tác giả trong nước đều cho thấy họ cũng quan tâm nhiều về ngoài nước. Tạp chí Nhà sẽ đăng vào số tháng 3 một bài viết về phong trào thơ Mở Miệng ở VN. Trên Tiền Vệ gần đây, Lý Đợi đã phỏng vấn Đỗ Kh. Riêng tôi, vẫn thường cười vui khi thấy những tên Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Lynh Baccardi, v.v..

 

HL: Còn về văn xuôi Việt Nam?

ĐLAĐ: Trước nhất, tôi luôn luôn là một người có thái độ lạc quan. Và tôi chỉ có một câu trả lời rất ngắn cho câu hỏi này. Tôi đang chờ đợi và vẫn tiếp tục hy vọng: cho những nhà văn ngoài nước vượt ra khỏi nghiệp viết văn cuối tuần tay trái của mình để có thể khẳng định tài năng bằng tiểu thuyết chứ không phải chỉ truyện ngắn hoặc truyện thật ngắn, cực ngắn.. và những nhà văn trong nước vượt ra khỏi những giới hạn chế độ và kiểm duyệt xuất bản để tìm được sự tự do trong sáng tác.

 

HL: Xin cám ơn Đỗ Lê Anh Đào.

 

 

Hợp Lưu thực hiện

tháng 3, 2005

ã in trên HL 82)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 112738)
n hư địa chỉ không bao giờ có cho một lá thư chưa bao giờ viết, tịch mịch một nốt nhạc chưa ngân, thành tiếng vang vọng bao lâu trong mơ hồ tĩnh lặng nơi chốn
12 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 114928)
m ột đêm uống trăng máu ướp vần thơ mộ đỏ bào thai chưa kịp lớn kià thú dữ nốc cạn huyết tươi...
11 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 90095)
Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù. Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc Anh có về gọi nắng đến cho em…( Trần Mộng Tú) Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle gần 36 năm trời .
10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 90191)
Đ ổi mới, không thể viết như cũ, họ biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu? Họ chưa cơ hội nhận được thông tin đa chiều hay tiếp nhận nền thơ ca thế giới với bao nhiêu trào lưu như thứ cửa hàng bách hóa tổng hợp để tha hồ chọn lựa, như thế hệ thơ hậu đổi mới. Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của nghệ sĩ tự do. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Phải gánh lấy trách nhiệm định phận thi sĩ của thế hệ, của thời đại.
10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 102903)
M ón trà sữa trân châu rất thịnh hành trong giới trẻ ở Việt Nam, nhưng được biết là món trân châu nhập cảng từ Trung Cộng có pha chất nhựa rất nguy hiểm...
09 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 89827)
N goại trưởng Mỹ nêu đích danh một số nước nặng tay nhất với việc sử dụng Internet như Saudi Arabia, Việt Nam, Sudan và Trung Cộng. Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ nhưng lại chống đối Hoa Kỳ đẩy mạnh việc cải thiện Dân Chủ trong thế giới Ả Rập.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 76428)
N gười mù, người câm, người điếc, ai cũng thấy hiện trạng xã hội Việt Nam đương đại đang xoay thế nào. Một xã hội bất bình đẳng kinh khủng với ngàn tệ nạn lớn-nhỏ, trẻ-già, sang-hèn. [...] Nhưng chúng ta đã nhìn thấy gì, đã viết được dòng nào từ nguyên liệu khổng lồ ấy? Hay rời rạc dăm câu thơ không rõ nghĩa, vài ba truyện ngăn ngắn kháy khía tủn mủn [...] ngồi nhìn bầu trời xám xịt ô nhiễm, gác chân cho những đứa trẻ tội nghiệp lau giầy, rên ư ử trong nhà hàng bia ôm máy lạnh mà làm thơ móc máy lẫn nhau.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 71731)
C hristine Falkenland, sinh năm 1967, đang là hiện tượng và hy vọng của văn chương Thụy Điển hiện nay. Cô viết tiểu thuyết và làm thơ. Những tác phẩm đã được dịch qua tiếng Pháp: Bóng Tôi (Mon ombre), Cơn Khát Của Hồn (La soif de l’âme), Búa Đe (Le marteau et l’enclume). Bút pháp tiêu biểu Bắc Âu. Văn phong đơn giản, cô đặc nhưng lại cực kỳ day rứt. Nội dung thường hướng về những đau đớn và khúc mắc ái, dục. Búa Đe là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Christine Falkenland được dịch ra tiếng Pháp, do nhà Actes Sud xuất bản tháng Sáu năm 1998.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85691)
T hơ Việt đi về đâu? Đây là câu hỏi mà tập thể các nhà thơ và giới làm văn hoá-giáo dục VN phải trả lời, với sự đóng góp của ý thức và bản lĩnh từ mỗi cá nhân. Những trang dông dài trên đây chỉ muốn phác họa quang cảnh và vài xu thế chính mà các nhà văn nhà thơ VN đang chứng kiến và đối diện: Sự hình thành nền cộng hòa văn chương VN trong bối cảnh toàn cầu hóa một chiều, cộng thêm bóng đen của toàn trị-mafia và vòng kim cô tự kiểm duyệt trên đầu. May mắn được làm một người quan sát từ ngoài nước [...] Chỉ xin đóng góp ở đây vài ý kiến nghề nghiệp.
07 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82831)
Q ua chiến tranh, Việt Nam đã chịu biết bao đau thương tan nát. Bằng những hình ảnh và những trang viết, Hợp Lưu 113 sẽ đưa chúng ta một lần nữa... lội qua chiến tranh. Nhìn lại, không phải để đào sâu thêm sự thù hận bởi biên giới chính trị, mà để suy nghiệm về cuộc chiến Việt Nam như những “trận hậu chấn” dần dần tan vào lịch sử...