Hư cấu trên năm, bẩy mảnh đời cóp nhặt tạo ra những nhân vật của truyện ngắn này. Chúng không là những người bằng xương bằng thịt, tức có thật, hoặc tưởng là mình có thật, kể cả (và nhất là) nhân vật mang danh xưng Tôi trong truyện. Tôi, phần não phải, nơi điều hành tâm và tình, trong truyện này mâu thuẫn với phần não trái, nhân vật tên Th, mang chức năng sai khiến lý tính. Khi mâu thuẫn biện chứng - lý và tình - bế tắc, thực tại mang tính định mệnh, một loại tổng hợp mang nét ngẫu nhiên, có người cho đó chính là chữ Duyên trong Phật pháp. Tác giả nói quanh, xin lỗi bạn. Có lẽ bạn muốn xem hắn kể chuyện thế nào cho thành truyện, thời giờ đâu mà viển vông.
*
Tôi ra đứng trên sân ga. Trời mù sương, chỉ cách mươi thước là không thấy những đường ray lượn vòng. Để túi xách xuống, tôi châm thuốc, co người chống cái ẩm lạnh đầu thu. Đứng thật im, tôi lặng lẽ nhìn. Tất cả có, nhưng tôi đâu rồi. Sợi khói thuốc tan ra chỉ để lại một thoáng mơ hồ. Và gió. Gió lên.
Xuống triền đồi, tôi đi ngược lên phía Thánh Đường trắng toát tôi đoán là nằm ở trung tâm một thành phố nhỏ tí. Không giống hẳn cấu trúc La Tinh, Thánh Đường nhọn hoắt vươn cao đẩy cây Thánh Giá ngạo nghễ chọc thẳng lên trời. Men đường thành vòng vèo bằng đá xưa dùng như công sự phòng thủ, tôi chậm bước, lòng hoang mang. Tôi đến đây làm gì? Gặp nàng ư? Tôi chỉ biết nàng dọn về một nơi ở cuối Quảng Trường tôi không biết tên. Và nàng, nàng làm sao biết được tôi đang đứng đây, nhìn mái Thánh Đường và những con bồ câu lui cui trên mặt sân lát đá, thỉnh thoảng lại cất cánh bay khi có tiếng chân người. Ngồi nép mình tránh gió một góc khuất, tôi tưởng tượng nơi nàng làm chẳng xa, và đến giờ xong việc thì nàng sẽ phải qua đây, nơi nàng từng nói là hàng ngày nàng đi ngang một bức tượng, đến cuối đường thì rẽ trái. Nhưng quảng trường hình vòng cung, sau bước tượng bằng đồng mun này có tới ba nơi đều có thể gọi là cuối đường. Hay nhất, tôi ra ngồi dưới chân bức tượng, chỗ nhìn được ra xa, và khi có bóng dáng nàng thì tôi sẽ lẩn đi, thật nhanh...
Lá vàng tơi tả nhào lộn khi gió lại lên. Vào cuối Thu, ẩm khiến cái lạnh đâm buốt thịt da. Tôi thu mình, kéo áo, quấn chiếc khăn bằng lụa tím viền đen quanh cổ, buột miệng “... vì lỡ nơi đây nặng tình, từ đó tôi chìm giữa mênh mông”1 đúng lúc nàng hiện ra nơi đầu quảng trường, phía bên kia, mong manh, hư thực như một bức tranh cổ.
*
Theo cơn gió, tôi lẻn vào khi nàng mở cửa. Choàng áo len khoác ngoài dài đến gối màu tím sậm, nàng chậm rãi bước lên thang, dáng uể oải, miệng hát khe khẽ. Đằng sau, tôi thoáng ngửi thấy mùi thơm nhè nhẹ của loài Hạ Tử, thứ hoa tím nở cuối hè. Đến tầng ba, nàng lôi từ túi xách sâu chìa khóa, tiếng kim lách cách như tiếng chim. Cửa mở. Trước khi đóng lại, nàng cúi xuống cởi ủng dài tới gần đầu gối, xỏ chân vào đôi dép nhựa.
Nàng chẳng thể tưởng tượng tôi vào theo nàng cùng lúc bóng chiều nhập nhoạng biến mọi hiện thực thành những chiếc bóng hiu hắt trên tường. Tôi nép sau cánh cửa phòng nàng, nén hơi thở, ngực phồng lên như một cánh buồm căng gió. Nàng lặng lẽ thay áo quần, khoác lên người chiếc áo ngủ bằng lụa mầu nâu nhạt, đi vào phòng tắm. Tôi không dám theo, đứng ngoài nghe tiếng nước ồ ồ chảy vào bồn, khe khẽ hít hơi nước nóng lách khe cửa bay ra ngoài. Nàng hát, giọng buồn buồn, “đời vẽ trong tôi một ngày, rồi vẽ thêm đêm thật dài, từ đó tôi thề sẽ rong chơi...”. Thật lạ, đó là lời bài tôi lẩm bẩm hát một mình khi còn ngồi ở quảng trường gió lên. Chẳng có lẽ bài hát đó làm riêng cho chúng tôi, hai kẻ cùng lỡ nơi đây nặng tình, chẳng biết rồi sẽ chìm dưới mênh mông thế nào.
Rong chơi. Thời đại này có thể ngồi một chỗ, và thình lình nhận e-mail một ai đó viết em thích bài thơ anh hiển thị, em cũng tập tễnh làm thơ. Như thế đó, tôi gặp nàng trên mạng, lúc hàng trăm con chữ lượn lờ khắp thế giới hợp lại thành ngôn từ hiển thị trên màn ảnh máy tính của nàng. Thật dễ, hỏi em có khoẻ không? Hôm nay làm gì? Đêm qua ngủ ngon chứ? Nằm mơ thấy ai? Bao giờ ta gặp nhau? Còn anh? Anh cũng thế, nghĩ đến em! Ai ngủ ngon được khi ngủ một mình (thật may nàng không nghe tiếng chép miệng có chút dối lừa)! Còn nằm mơ, cứ bịa ra thứ hiện thực huyễn ảo ẩn dụ đa nghĩa cho đến khi quyết phải có câu trả lời bao giờ ta gặp nhau. Thì cứ để tình cờ, anh ạ, đời mà! Nhưng tôi vốn là kẻ yếu đuối nhưng, than ôi, lại quá nhiều tưởng tượng, kể cả về những cái tình cờ. Tôi bảo, tôi muốn yêu em trong ba chiều vật thể. Quan trọng gì anh, còn chiều kia là tâm hồn? Chiều này - tâm hồn em - thì đã thành máu thịt trong tôi mất rồi. Em bảo, thế là đủ. Tôi bảo, không, hiện tôi chỉ có những con chữ của em trong hai chiều màn hình. Tôi nhấn mạnh, tôi là một sinh vật giống đực, em có biết không. Em bảo, đừng nói thế. Tôi lải nhải, vô nghĩa yêu trên màn ảnh hai chiều. Cả một đời tôi ảo rồi, yêu nước, yêu nòi... và chẳng lẽ nay yêu em, cũng lại là yêu ảo như một cách thủ dâm linh hồn tôi sao? Em bảo, em không biết làm đàn bà... Lặng người đi, tôi làm sao kết luận gì khác hơn tôi chỉ là món đồ chơi trong một ảo trường những con chữ lòng vòng bốn biển rồi tụ nhau thành lời. Em bảo, đời em có những góc khuất, tôi không thể hiểu. Tôi tắt máy tính, thu người trong câm nín. Mấy tháng sau, thật bất ngờ, em viết: em gặp người theo đuổi em, khóc rồi bảo nếu anh muốn thì em sẽ về sống với anh! Anh ta buồn, hỏi em yêu ai mà tuyệt vọng đến vậy? Rồi anh ta đi, biệt tăm. Tôi lại online với em, lại đòi đến thăm em... Nhưng em đẩy đưa, chùng chình. Để tôi lại hỏi tôi, hôm nay, tôi đến đây làm gì?
Em bây giờ là em của ba chiều vật thể, nhưng sao tôi chỉ cảm được cái ẩm buốt của những ngày cuối thu?
*
“Lạc rồi. Th đã quá bến xe Kh một chặng! Bây giờ gọi Taxi đi ngược lại đây!”
“Em đợi Th vậy.”
Taxi cặp vào con lộ vòng bến xe. Từ xa, em đứng chông chênh, co ro, hai vai rút lên. Th xuống, lòng chập chùng, chỉ thốt Em rồi nghẹn lời. Hai người vào phòng đợi tránh những cơn gió buốt. Em gỡ kính đen xuống, nói nhỏ:
“Bác sĩ bảo em phải kiêng gió. Nếu không, mắt lại nhức!”
Th nắm lấy bàn tay em nhỏ nhắn, chẳng biết nói gì. Chắc em cũng vậy, im lặng.
“Th có mệt không?”
“Không em ạ. May em nhờ người ra đón trên Pr, nếu không thì một mình chẳng biết làm sao về đến K được!”
Em cười.
“Cảm ơn Th đến thăm em...”
Th cười.
Đến giờ xe buýt chạy, Th xách vali, đeo túi khoác. Hai người lên xe. Ngồi cạnh, Th thoáng ngửi mùi hoa Hạ Tử. Băng trước, một cô bé lễ phép chào. Em nói, bé này sinh ở đây, chẳng những nói mà còn viết báo được bằng tiếng Việt mình. Th mỉm cười, lẳng lặng nghe câu chuyện về đội bóng thành phố K đá cứ thua hoài, có cảm tưởng em nói cho đỡ ngượng ngập. Nửa giờ sau xe đến K. Th kéo vali, leo những bực đá lên đồi vào thành phố nằm triền bên kia bãi xe buýt. Lách qua một cái hẻm chỉ vừa vặn một người đi, em nói:
“Đây là ngõ Đao Phủ. Truyện kể một ông vua chém bà hoàng hậu, đao phủ đi ra từ cái ngõ này…”
Bà hoàng ngoại tình, và ông vua đổi cái thất tình của ông bằng sự chết của người ông yêu, em kể. Th ngậm ngùi:
“Th gọi là ngõ Thần Chết, những cái chết vô tích sự vì bản năng chiếm hữu. Tình là cái cho, không buộc được!”
Câu nói rơi như một chiếc lá thu buổi tàn mùa, nhẹ và chẳng gây được chú ý. Ra khỏi cái ngõ hẹp, em trỏ tay:
“Bên kia quảng trường là nhà em, cái quảng trường em nói với Th đấy. Sau lưng mình, là Thánh Đường. Và tít đằng kia có bức tượng, đến đó mình rẽ trái về nhà!”
Th nghe hai tiếng về nhà, lòng bỗng rưng rưng. Lâu lắm rồi, Th không có nơi để về. Nhất là về nhà.
*
Nhà em là căn hộ ba phòng. Ngăn nắp, có gu. Chủ nhân nó yêu sự gọn ghẽ, và cái đẹp. Phòng em, bàn phấn, một cái clavier đàn điện, giường ngủ và tủ treo quần áo. Phòng khách đơn giản. Bàn thấp, nơi em ăn, ghế ngồi là những cái nệm đặt trên thảm. Trước mặt, cái TV. Trong bếp, sạch tưng, và không có mùi nước mắm như thường ngửi thấy trong những căn hộ người mình. Cạnh bếp, một phòng ngủ bỏ trống. Cửa sổ nhìn ra bức tường nhà bên, cây leo lá vừa đổ sắc vàng, mái ngói đỏ sậm, lâu lâu dăm con sẻ về đậu, bơ vơ như những chiếc lá rụng cuối thu. Xa xa, bóng những triền đồi cây trụi lá cong lên chọc vào trời như lưng những con voi già thời tiền sử. Th châm thuốc, mở cửa sổ cho khói thuốc bay ra. Em đến bên, nhỏ nhẹ:
“Em mở nước cho Th nhé... Th đi xa, tắm cho khoẻ.”
Khi Th vào phòng khách thì em đã thay quần áo. Nhỏ nhẹ, em khẽ khàng:
“Th đói thì có thể ăn ngay, nhưng chưa thì chờ, em tắm đã. Nhanh thôi…”
Th lại nghe tiếng nước chảy. Rồi tiếng em. Em hát nho nhỏ “đời vẽ trong tôi một ngày, rồi vẽ thêm đêm thật dài, từ đó tôi thề sẽ rong chơi...”
Em bước ra, những giọt nước đọng trên má, trên môi. Có cả những giọt đọng dưới khoé mắt, nhưng Th tin không là những giọt nước mắt. Th chậm rãi lau những giọt nước, từng giọt một, như trong một giấc mơ lạ kỳ có những bà tiên tay cầm đũa thần mang phép lạ biến cuộc trần gian này thành niềm an bình miên viễn.
Th khen:
“Hành ta em thái xiên xiên, vừa đẹp, ăn lại ngon hơn là cách Th thái thẳng. Bát phở gà này là bát ngon nhất Th được ăn từ nhiều năm nay...”
“Sì... Th nịnh, chẳng tin đâu...”, em khúc khích.
Nhìn ánh đèn cửa sổ phía trước đã thắp sáng một vùng, Th nói như nói chỉ cho mình nghe:
“Tối nay là một tối thật êm đềm. Xin cảm ơn Trời Đất! Và cảm ơn em!”
Đêm vội bước về với bóng tối đồng lõa mọi gọi mời. Từ ngàn xưa...
*
Nàng vào phòng, ngồi trước bàn phấn, tóc vén quá gáy. Tôi theo, đứng ngay sau nhưng nàng làm như không biết. Đếm từng sợi tóc măng mỏng mảnh, không dằn được, tôi áp môi vào. Nàng rùng mình, nhưng vẫn không biết, đưa tay ra sau vuốt gáy. Tôi lùi vào góc phòng, đau đớn. Tôi chỉ là một cơn gió thoảng thôi sao? Bóng tối tràn ngập, trong tôi. Nàng bật đèn, bóng nhỏ xíu, sáng đủ để thấy tôi đang tồn tại trong ba chiều của cái không gian vật thể này. Cúi gằm, tôi đưa tay che mặt. Tay tôi ướt nhòe những giọt sương muộn. Không kìm được lòng, tôi thảng thốt gọi Em ơi!
Nàng đáp, Em đây!
Nàng quay lại. Mặt nàng đắp một lớp bột trắng, khóe mắt bên trái long lanh một giọt lệ đang ứa ra, khóe bên phải chảy xuống một giọt máu đầu quay ngược mang hình con tim tật nguyền. Tôi van vỉ, hãy bỏ cái mặt nạ kia xuống, em ơi, tôi muốn nhìn thấy em cơ. Nàng đáp, em làm thủ tục buổi tối, phụ nữ chúng em đắp mặt để sáng ra tươi hơn, hy vọng mang lại những nụ cười cho đời. Vả lại, mặt em có tàn nhang, đắp thế may ra đỡ xấu... Mím môi, nàng nhếch miệng lên cười, cái cười nhăn nhúm những thách thức chông gai, nhưng ngoan cường, ngạo nghễ.
Nắm bàn tay em, tôi ngậm ngùi, tôi chỉ là một cơn gió muộn. Nàng khúc khích, cơn gió muộn nhưng ấm lòng như một trận gió nồm đam mê. Rồi nàng kể, bà phù thủy người địa phương đây nói kiếp trước em là một nàng công chúa có kẻ hầu người hạ, kiếp này phải nhọc nhằn trả nợ cho công bằng mà thôi. Thế kiếp trước tôi là gì đây? Nếu là cơn gió nồm kiếp này, chắc xưa tôi là ngọn cỏ may chẳng ấp ủ được nàng công chúa kia khi mùa trở dạ đông hàn. Chúng ta nợ nhau những cơn ấm lạnh của đời, nàng thủ thỉ khi tôi hôn lên những sợi tóc măng sau gáy nàng. Lấy bông thấm nước. tôi nhẹ nhàng lau giọt nước mắt bên trái, rồi giọt máu bên phải, nhắc đi nhắc lại, tôi muốn em hạnh phúc. Cho đến khi tôi thấy nàng trở về nguyên sơ. Không son phấn, không mặt nạ, chỉ còn trìu mến và bao dung. Cho đến khi tôi nhận ra mình chẳng chỉ là một cơn gió đam mê. Em là lượng đất trời cho tôi, còn tôi, tôi chỉ mong trở thành mùi hoa Hạ Tử trong đời để uớp em thơm đến thiên thu.
Chúng tôi ngả người trên thảm. Lòng tôi như sông như suối. Trôi đi, những giọt nước an lành. Trôi và trở về biển bao la. Tôi đặt môi lên cơ thể nàng. Từng phân vuông, tôi thăm dò chất quặng quí hiếm dấu sâu dưới nồng nàn thịt da, mong nàng sẽ không bao giờ nhắc câu nàng nói, em không biết làm đàn bà. Tôi nhẹ nhàng đẩy chân nàng, lách đầu vào, mặt úp xuống. Nàng nghiến răng kìm tiếng rên, môi căng cứng, tay bíu vào lưng tôi, đầu vật ngửa ra sau, bay lên như một cánh chim lộng gió. Cơn gió ấy là tôi, là tôi đấy, trong một trời đầy sao băng, những vệt sáng vụt đến chạm trổ vào tâm khảm những mảnh xà cừ lấp loáng.
Tôi yêu em, em biết không?
Cứ thế tôi nhắc đi nhắc lại cho đến kiệt lực thiếp đi.
Khi tôi mơ màng thức giấc, nàng đã lên nằm trên giường. Tôi nghe tiếng nàng thở đều đặn. Ngồi dậy, tôi lặng lẽ đến bên nhìn nàng ngủ. Gục đầu vào ngực nàng, tôi chìm trong niềm an lạc cho tới lúc nàng lùa tay vào tóc lay tôi dậy với bình minh một ngày tinh khôi vừa đến .
*
“Đưa Th đến Ka, thành phố có phim trường và suối nước nóng cách đây không xa, Th nhé! Đi xe lửa, mất độ gần một giờ!”
“Tùy em...”
“Trời đẹp nhưng hơi lạnh, Th mặc áo ấm cho em.”
Hai tiếng cho em ngọt ngào như húp chè đậu xanh ngày hạn. Th nghe, ngoan ngoãn như một đứa trẻ, quàng quanh cổ chiếc khăn lụa tím có viền đen. Em bảo, khăn đẹp, em thích màu tím, màu Hạ Tử Hương. Thì em giữ, xin tặng em. Em cười, tay cầm khăn, nói như reo, chiến lợi phẩm đầu của vụ trấn lột đây.
Trên đường ra ga, hai người đi quanh co ven con đường có những tác phẩm điêu khắc. Em dịch tên những bức tượng, nói ríu rít như chim, mắt chan hoà nắng mai màu hoa cúc. Th bước theo, nghe những âm giai lòng mình rung trên cung bậc một cây đàn bỏ quên mới tìm lại. Th thầm nhủ, nếu có, thì phép lạ là thực hữu, là lúc này, ngay bây giờ. Em cất tiếng hát nho nhỏ, tiếng là sợi tơ mỏng mảnh giăng ngang, lời thì vẫn muôn đời là chuyện tình yêu. Nhân loại cứ thế hát, từ nguyên sơ, không chán, không mệt, dẫu lỡ làng dang dở.
Đến Ka, em đưa Th vào một công viên. Lá vàng dệt thảm, gió thu đong đưa, và trời lành lạnh. Trên không, cao vót, những cụm mây trắng hiền hòa lơ lửng trong nắng hanh tươi như sắc một người bệnh vừa hồi phục. Bồ câu nghe tiếng chân chạy dạt ra, nhưng không bay, đứng xa xa chờ người ném những vụn bánh. Em vung tay, bồ câu loăn xoăn sáp gần, tranh nhau mổ. Em khúc khích, chụp cho em vài bức ảnh kỷ niệm. Và em tạo dáng, khéo như người mẫu, chân duỗi dài, tay vén tóc. Th ngây người, ngắm, bấm, nghe tiếng lao xao từ chiếc ghế đá sau lưng. Hai cô bé, một tóc vàng, một tóc mầu hạt dẻ, chỉ trỏ rồi cười phá lên, miệng nói thứ ngôn ngữ Th không hiểu. Hỏi hai cô bé này nói gì, em cũng cười, tinh quái dịch lại, mắt ánh lên chút thỏa thích. Th không hỏi thêm, nhưng em nhắc lại. Th cười vàng như mùa thu gió bắt đầu thấm vào da thịt. Tự nhủ, hãy để phần não bộ bên trái xung động, cái phần tạo tác lý trí chỉ huy nửa người bên phải, Th đưa tay vuốt tóc, tay phải, vuốt tóc phần đầu bên trái, phần não bộ đang run rẩy chống những cảm giác hững hụt của kẻ không biết bơi bị ném vào một dòng sông lạnh ngắt. Sông lạnh. Và những ngụm nước suối nóng phun từ hàng phông-ten đặt dài dài hai bên lối đi không đủ để Th thôi rùng mình.
Gió lên. Em đưa tay che mắt trái. Th nhìn, những gân máu đỏ hoe. Chuyện em đau mắt đến độ có thể phải làm phẫu thuật đã khiến Th cố bỏ ra ba ngày bắt máy bay qua thăm em trong thời gian eo hẹp của một chuyến vượt Đại Tây Dương. Th bùi ngùi, nói em đeo kính vào đi, che gió chứ không thì làm sao khỏi. Em đáp, khoan, để em chụp thêm một bức ảnh. Th xem trước mặt cái đường hầm bắt ngang, đàng sau là đèn đường mới lên, đẹp làm sao. Th thầm nhủ, cái đẹp có thể cứu rỗi, nhưng cứu rỗi tâm hồn chứ không chữa lành được mắt trái em, nay thị lực chỉ đâu còn 5 trên 10. Và tự hỏi, em thấy gì, sau cái đẹp của những tượng hình vật thể, nhất là khi một mắt em chỉ còn một nửa?
*
Đợi nàng thở đều đều, tôi rón rén ngồi lên. Đèn đường hắt qua cửa sổ nhuộm căn phòng một mầu vàng da người sốt rét. Co chân, nàng nằm quay mặt vào tường, chăn mỏng đắp lên người, tóc xõa trên gối. Nàng nằm, ngoan như một con mèo ngủ, móng sắc dấu dưới áo ngủ mầu nâu nhạt mềm mại ôm lấy thân thể. Tôi đến bên, thật khẽ, và nhìn khuôn mặt thanh tú, gò má phải có những chấm tàn nhang nàng dẫu muốn cũng chẳng tẩy được. Cựa mình, nàng nói mê, nghe như than vãn nhưng môi lại nhếch lên cười. Cái cười tôi đã thấy chiều nay, chỉ thiếu ánh mắt nàng tinh quái khi hai đứa bé ré lên cười. Nàng dịch, chúng nó bảo, cô con gái đẹp thế mà sao ông bố già xấu đến vậy. Ông bố chỉ có thể là tôi. Già và xấu. Cắn răng, tôi kìm nỗi xót xa. Cắn răng, tôi nuốt nước bọt. Cắn răng, tôi nhớ một nhà thơ già đã viết tặng tôi thanh xuân = hạnh phúc ngày tôi bằng tuổi nàng cách đây một phần tư thế kỷ. Cắn răng, tôi bật máu miệng, đầu mê mị cho đến khi có ai đó lay tôi.
Mở mắt, tôi thấy một người đàn bà gù, tóc trắng xóa mầu bạch kim, tay chỉ, miệng nói sắp mở một dạ vũ hóa trang rồi, hãy xem có thích gì trong cái hòm gỗ ở góc phòng không? Tôi không còn tự chủ, hai chân nhấc lên, người bay là là, tay nâng nắp hòm. Hòm đầy mặt nạ. Có cái mặt nạ nhìn đần đần. Có cái mặt nạ nhìn hiền hiền. Có cái mặt nạ vênh vang tự hãnh, mắt viền đen trên nền phấn trắng bệch. Có cái mặt nạ mắt nheo miệng nhếch tinh quái. Có cái mặt nửa trông ngây thơ, nửa kia điếm đàng lẳng lơ. Có cái cười thỏa mãn của một con cái khi con đực cắn miếng mồi câu quết mật. Có cái mặt nạ môi mím chặt răng nanh thò ra như trong truyền thuyết ma cà rồng hút máu. Có cái mặt nạ tôi đã thấy đêm đầu, dưới lỗ đục cho mắt phía trái đọng một giọt máu. Còn mắt bên phải, một giọt lệ.
Bà già bảo, chọn đi, ai cũng phải hóa trang. Tôi lắc đầu. Tôi sợ đeo vào rồi chẳng bao giờ cởi được mặt nạ ra cả. Tôi lẩm bẩm, không. Bà già đưa hai bàn tay xù xì nâng mặt tôi lên, nhìn chòng chọc, quát nhỏ vừa già vừa xấu, không đeo mặt nạ thì ai nhẩy nhót với mi. Tôi xấu, đi mỹ viện tôi sẽ kéo da cho trán đỡ nhăn, tẩy những vết chân chim cuối mắt, và nhất là thay máu mới cho trái tim trẻ lại. Nhưng còn già ? Tôi nhìn về phía nàng cầu cứu, thì thào, chẳng ai ngoài em có thể quay ngược được cái kim đồng hồ cho tôi. Nàng vẫn ngủ, bất động. Như một con mèo co móng giấu vuốt dưới lớp chăn mỏng.
Có tiếng hai đứa bé gái lại khúc khích cười. Cô con gái đẹp thế mà sao ông bố xấu đến vậy. Nhưng làm nát lòng, không phải thế mà vẫn là cái nhìn thỏa mãn tinh quái cùa nàng. Bỗng tiếng clavecin cất lên, hòa với tiếng vĩ cầm và tiếng sáo. Nghe đâu là khúc Đông trong Bốn Mùa, những mùa thời trung cổ, lẫn trong tiếng cười đùa, tiếng reo hò, tiếng pháo, tiếng ngựa hí. Đến bên cửa sổ, tôi nhìn xuống. Đường phố đầy người áo quần sặc sỡ nhẩy múa. Sau hai hàng lính vũ khí sáng choang, một đoàn xe ngựa lừng lững vào quảng trường, vó đạp lộp cộp, lẫn vào tiếng hô vang vang. Vua đã đến, hỡi thần dân, đêm nay là đêm của mọi hoan lạc. Dưới những chiếc mặt nạ đủ thứ hình thù, người không phải là người của những trói buộc thường nhật, kể cả trói buộc đạo lý. Các ngươi được giải phóng. Các ngươi là người tự do, trong một khoảnh thời gian Thượng Đế ngủ quên để chính các ngươi lên ngôi thiêng cao ngất ngưởng của bản năng nhục thể.
Quay nhìn, bà già tóc trắng không biết biến đi đâu. Trên giường, chỉ còn chiếc chăn mỏng chơ vơ, nàng cũng chẳng biết đã xuống đường tự lúc nào. Choàng áo lạnh, tôi vội vã lao ra. Trong những góc khuất, có tiếng rên rỉ khoái lạc. Tiếng chửi trong hưng phấn. Và tiếng van xin, nữa đi, nào nữa đi. Tôi chạy giữa đám mặt nạ, mắt trương lên, tìm nàng. Làm sao tìm được em đây trong một thế giới chỉ toàn mặt nạ? Đến trước chiếc xe ngựa trên có kiệu vua, tôi phủ phục, xưa ngài đã cho chém một bà hoàng hậu phản trắc ngoại tình, nay xin ngài rủ lòng, bắt mọi người bỏ mặt nạ dăm phút, để tôi tìm ra nàng. Vua ngoắc tay, một người to lớn, mặt trắng nhợt, râu hung tua tủa như râu ngô, tay cắp đại đao tiến lại. Chắc người này là tay đao phủ đã đi vào huyền thoại mang tên ngõ Đao Phủ đây. Người đó nghe Vua phán, nhếch mép cười khỉnh, xăm xăm bước đến gần tôi, rồi thốt một tràng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu. Tôi đáp, nhưng hắn cũng chẳng biết tôi nói gì. Hắn vung đao lên, ánh mắt dọa nạt. Tôi lùi lại. Thình lình, tôi chợt nghĩ ra tôi có thể tìm ra nàng bằng mũi. Nàng dùng nước hoa mùi Hạ Tử Hương mà. Thế là tôi nhắm mắt, bịt tai, chỉ để khứu giác làm việc. Tôi quay lại, chen chân vào đám đông, mũi hỉnh lên, não bộ tập trung vào phân loại đủ thứ mùi. Và chao ôi, lạy những đấng thần linh, mùi hoa phảng phất đâu đây.
Khi tôi quay người một cô gái bé nhỏ thơm mùi hoa Tử Hương lại, tôi thấy chẳng hiểu có phải là em hay chỉ một chiếc mặt nạ, mắt bên trái đỏ hoe, và gò má bên phải có những vết tàn nhang.
*
Vào bếp, tôi làm một tách cà phê, rồi sang trái bên cạnh. Tôi nhồi thuốc vào tẩu, bật lửa. Đứng bên cửa sổ, tôi co người, mắt nhìn vào giẫy đồi bao quanh thành phố nay thấp thoáng những ánh đèn xa tắp. Tiếng đàn hát buổi dạ vũ hoá trang đâu đó vẳng trong trí nhớ vẫn chập chờn tỉnh mê. Th ở đâu bỗng hiện ra, đứng cạnh tôi như một chiếc bóng bám vào hình. Ngày hôm qua, chẳng biết nàng đùa hay thật, nói:
“Chúng mình hãy đẻ em bé nhé, một đứa gái, em muốn thế. Chúng ta cùng đứng tuổi, sống với nhau thì săn sóc được cho nhau lúc tắt lửa tối đèn.”
Th ngần ngừ, đáp, ở tuổi anh, chỉ năm mười năm là nó mồ côi cha, anh chẳng thể chống nổi cái kim đồng hồ cứ xoay tròn dưới ánh mặt trời. Em nghe hai đứa bé ở công viên nói đấy, chẳng già và xấu sao. Và còn em, chẳng bao nhiêu năm mà góa bụa, làm sao anh trách nhiệm cho nổi. Anh biết, chuyện em phải xa đứa con trai để cho mẹ em nuôi vài năm nay khiến em day dứt, thậm chí có lúc ân hận mình ích kỷ đến vô tình, lắm khi không còn hiểu tại sao em tiếp tục tha hương cầu thực như những con sẻ non sà vào khung cửa lạ chờ một mẩu vụn bánh mì vương rãi. Em nên về quê hương, rồi thế nào em cũng tìm ra một tấm chồng, chưa già và không xấu, dựng một mái nhà bắt đầu lại tất cả trong tình yêu. Mặt cưng lên, môi mím, em nghiến răng bảo:
“Em không về, và Th hứa đi, đừng bao giờ bắt em lấy chồng. Điều này quá dễ, nhưng em chỉ lấy một người thôi, đúng như lời bà phù thủy nói với mối tiền duyên này em sẽ hạnh phúc.”
Định hỏi thế nào là hạnh phúc, nhưng biết mình hỏi điều khó có câu trả lời, Th im lặng, vẫn đứng cạnh tôi, chiếc bóng bám vào hình. Một chiếc bóng khổ sở, thở dài trong bóng đêm gần tan. Tôi bật miệng:
“Mi ngờ vực?”
“Ta ngờ vực cái gì?”
“Mi nghĩ nàng cuối tuổi xuân tìm một chỗ yên ấm dung thân!”
“Không, đó là chuyện tự nhiên...”
“Thế mi ngờ vực chuyện gì? Tình yêu!”
“Tình yêu của nàng? Nó như một cơn hoang tưởng của kẻ thất thần… Những cơn giông bất ngờ, sáng mưa, chiều nắng...”
Tôi phá lên cười, nắm vai Th lay cho hắn tỉnh. Trầm giọng, tôi nói, từng chữ:
“Tình yêu không của ai, kể cả mi, kể cả nàng. Yêu, là thiên thần bay quanh hình tượng Thượng Đế... Yêu là yếu tính khi tâm linh chạm vào bản thể nhiệm mầu của Đấng Trời, không thời gian, không gian, không được-mất, có-không. Từ đó, là sự tái sinh. Và là hòn đá đặt chân cho sinh tồn của loài người. Nàng mong có đứa con gái, ta hiểu đó là tình yêu mà mi cho là hoang tưởng đẻ non từ cái tính toán so đo của phần não phía trái... Tội nghiệp cho mi!”
Th vùng vằng:
“Nhưng ta già mất rồi... Giờ này lấy vợ đẻ con là những chuyện không tương lai. Và già rồi tất sẽ bệnh, lúc ấy ta là gánh nặng cho người khác. Hiện thực là thế, ta không muốn mang trách nhiệm xâm hoại đời người ta yêu...”
Tôi thầm nhủ, tình yêu tự nó là đủ, đâu cần những nào là hiện thực, rồi tương lai, và trách nhiệm. Tôi quát nhỏ:
“Nhân gian này mà cứ chỉ hiện thực, hiện thực... thì đã tận tuyệt từ lâu rồi. Chính có thể thăng hoa mọi hiện thực mà con người tiếp tục tồn tại. Muốn thế, phải tái sinh, điều kiện cần duy nhất là tình yêu, cái mà người đời lắm khi hạ thấp xuống gọi thành bản năng nằm ngoài lý trí...”
Cố kìm nóng giận, tôi nhỏ nhẹ:
“Mi hãy nghe Khalil Gibran: “nếu trong sợ hãi các bạn chỉ tìm kiếm yên bình hay lạc thú của tình yêu, lúc đó, nên che lên sự trần trụi của mình và bước ra khỏi sân đập lúa của tình yêu, rồi vào một thế giới không mùa, nơi các bạn sẽ cười nhưng không trọn tiếng cười và khóc nhưng không trọn nước mắt.”2
Th ấm ức:
“Ta phải làm gì?”
“Thì làm điều con tim mi thầm thì. Đơn giản thế thôi. Mi làm sao mà giấu ta được. Chẳng phải mi từng toan tính về nước với nàng, rồi cùng nhau ra sống ở Nha Trang. Mi sẽ mở một cái cửa hàng để nàng buôn bán vặt vãnh. Còn mi, mi ngồi dịch những cuốn tiểu thuyết mi thích hay sao? Nắng và sóng sẽ nuôi nấng tình yêu, mi chần chờ gì mà không nói cho nàng hay... Hãy sống mọi thời khắc như những phút cuối, và chẳng có chọn lựa nào khác là sống thật, với phần não bộ bên phải.”
Th lẩm bẩm, ừ thì về sống trong một căn nhà nhỏ trước mặt Hòn Chồng. Để những buổi tinh mơ có nắng trong lòng. Để những chiều chạng vạng đọc trong ánh mắt em những thoáng trinh nguyên. Và chạm vào sự nhiệm mầu, như sống và chết.
Có tiếng chân, rồi tiếng em ríu rít:
“Th uống cà phê chưa? Đợi, em làm điểm tâm, ăn xong mình đi chơi, Th nhé!”
*
Chưa ăn xong điểm tâm, điện thoại reng, nàng nói anh cứ đến quảng trường rồi điện thoại, em sẽ xuống đón.
“Ai vậy? Th chỉ còn ngày hôm nay với em, mong không có ai khác. Th có chuyện muốn nói...”
“Anh này chụp hình, quay phim, ngày trước là chồng một người bạn em, nhưng nay họ chia tay. Hẹn đi chụp ảnh này từ lâu. Vả lại, em có một người bạn gái nhỏ tuổi, người yêu mới về cách đây hai hôm, chắc không qua lại đây nữa. Em giới thiệu cho họ biết nhau, anh chàng này có lúc tỏ vẻ thích cô bé...”
Th rợn sống lưng. Người yêu mới đi hai ngày, bà chị đã định xe duyên mới cho cô em? Thời mì ăn liền có khác, nhanh và gọn. Không, Th ngẫm nghĩ, có gì còn con người chút nào không? Chắc cũng có, nhưng nay thực tế lắm: khóc làm chi những mối tình xa cách không tương lai, hãy đun nước cho sôi, rồi xé bao giấy plát-tích, bỏ mì với gia vị hóa học vào bát, đậy lại và băm tình người trộn vào hành lá, rắc thêm hạt tiêu, sau thì bày biện nhìn cho văn minh và sang trọng.
Anh chàng vai quàng hai máy ảnh, tay xách một túi ống kính phụ tùng, nhìn rất nhà nghề. Giục toáy lên, cô bé và em ríu rít mở cửa xe xuống ngồi băng dưới, Th băng trên, anh chàng rồ máy chạy. Em bảo, ngã tư anh rẽ phải nhé, ta đến một công viên đẹp lắm. Anh chàng rẽ trái. Đi đâu thế? Anh chàng cười hề hề, đi Pr, anh có hẹn chụp ảnh cho một buổi quyên góp của cộng đồng giúp nạn nhân bão lụt miền Trung. Ơ sao thế anh không nói trước, o ép nhau thế? Anh chàng lại hề hề, Pr cách đây một giờ xe, có chi đâu, sau sinh hoạt cộng đồng thì mình đi chụp ảnh mà. Th bực bội, cố kìm lòng. Đi loanh quoanh chụp ảnh buổi sáng, đến trưa Th tưởng có được những giờ phút ngày cuối cùng với riêng em coi giờ như đi đoong. Em chau mày, nhưng bình tĩnh “đàm phán”, cuối cùng anh chàng bằng lòng thả mọi người ở quảng trường Con Ngựa, xong việc phó nháy sẽ điện thoại sắp đặt buổi chụp ảnh như đã hứa.
Ba người lang thang đi đến quảng trường Con Gà, tên gọi nơi có cái tháp chuông nổi tiếng, cứ mỗi giờ thì một con gà làm bằng đồng sơn sặc sỡ chui khỏi tháp ra kêu cúc cu. Du khách chật lối đi, dẫu Pr đã vào những ngày tàn thu lạnh lẽo. Trời hôm nay lại đầy mây, thỉnh thoảng dăm giọt mưa lất phất đe dọa. Dưới đất, chim bồ câu lao xao tranh cướp những vụn bánh người đời vứt cho. Em lại tạo dáng, bảo cô bé chụp. Th nói: lẽ ra em phải ở trong nước làm nghề đóng phim mới phải.
Th đã ghé Pr năm năm về trước. Thành phố không thay đổi, có lẽ chỉ nghèo đi chút ít trong cơn suy thoái toàn cầu. Th bước trên cái cầu bắc ngang Danube, chăm chăm tìm khách sạn nơi đã ở lần trước. Bước xuống chân cầu, khách sạn vẫn đó, nằm cạnh một quán bia trang trí kiểu rất địa phương. Ven bờ nước, em lại tạo dáng, và cô bé lại chụp. Quả em yêu em, bất chấp cái lạnh khiến mắt trái lại nhức. Th rủ vào quán bia. Vòm quán làm bằng gạch đỏ, gạch xếp theo hình trái khế, cổ kính nhưng ngoạn mục. Em bỏ kính xuống, lại tạo dáng.
Chiều, anh chàng mới điện thoại. Lên xe, anh đưa đến chỗ chụp ảnh, dầu trời nhá nhem và gió khá lạnh thốc vào nhân gian. Em thật giỏi, vui vẻ “đàm phán”, và dĩ nhiên vẫn đưa tay, khom người, duỗi chân, tạo dáng. Rất nghệ thuật. Không ai có thể nói em không dịu hiền. Nhất là không bắt mắt, tươi như hoa, mặc dầu mắt trái vẫn nhưng nhức. Về đến nhà thì đã tối lắm rồi. Trong khi em và cô bé sửa soạn bếp núc, anh chàng ngồi thủ thỉ tâm sự. Anh thổ lộ, không hẳn mấy bất ngờ, anh có cảm tình chẳng phải với cô bé mà là với em, thử tiến tới xem sao, và biết đâu tơ trời lại chẳng buộc máy ảnh vào một người yêu nghệ thuật tạo dáng... Khuya anh về, Th vào bếp định cho em biết tâm tình anh chàng, nhưng chưa kịp nói gì thì nàng quắc mắt, nói như quát, chuyện gì không vui thì đừng nói. Th hững người, bảo, đừng ra lệnh như thế!
Thế là hết một ngày. Cái dự định nói với em về căn nhà trước Hòn Chồng tức tửi như một cái bào thai chết ngạt trong bụng mẹ.
Em lạnh lùng, ra mở máy tính, “chát” với ai đó online. Nhu cầu đi quyến rũ để được đáp trả bằng những lời lẽ dịu dàng trìu mến trên màn hình hai chiều khiến em lơ đi người em nói em tôn kính và sẽ yêu suốt đời. Th bắt đầu tiếc một chuyến đi ngày không lành, tháng không tốt. Phần não bộ bên trái vùng vằng, hỏi phần bên phải, mi thấy chưa? Phần bên phải im lìm, ngậm ngùi nhìn đôi vai em gầy guộc cắm xuống màn hình, thấy một niềm cô đơn chẳng an ủi được. Nghe đâu đây, đời vẽ tim em lạ kỳ, tình có trong em nhiều mùa, rồi từ đó thiên hạ quá ưu tư... Nhưng biết đâu, chính em chẳng biết tim mình thế nào, và làm sao em cảm nhận được gì từ đám thiên hạ kia quen lời ve vuốt những người đàn bà nhan sắc.
*
Nàng “chát” rất lâu. Khi tôi thức giấc, tôi đã thấy nàng đang lại ngồi trước màn hình. Tôi để nhẹ tay lên vai nàng. Môi mím, miệng lặng câm, người nàng không cảm giác, còn hồn thì đắm chìm vào những con chữ nhấp nháy đuổi nhau chạy theo đường ngang. Tôi vào bếp pha cà phê, ra đứng trước cửa sổ cái trái cạnh bếp, nhìn ra ngoài. Trời hửng sáng, vẫn đầy mây, ẩm đục. Những triền đồi cuối mắt gồ lên như lưng những con voi già vẫn phủ phục nhẫn nhục. Cách đây hai hôm, cũng từ cửa sổ này, tôi thấy một đàn dăm con chim sẻ. Nhướng mắt, tôi tìm chúng trên những nóc nhà rêu bám xung quanh, trên bờ tường có giàn cây leo lá chuyển sang màu nâu đỏ, trên dợi dây điện giăng ngang. Không biết chúng lạc đi đâu? Tôi nhớ một con nhỏ nhất đàn, lông mầu nâu, thường nó bay sau, lúc nào cũng đơn lẻ. Khi ném xuống sân dăm vụn bánh, nó không nhào vào tranh cướp, lẳng lặng đợi, và chỉ khi đồng bọn bay lên nó mới cắm cúi tìm những vụn bánh sót lại dưói gốc cây leo. Tôi lại nhìn. Con sẻ nâu ở đó, lủi thủi, ngô nghê, nhẩy quanh, vô vọng. Tôi nói nhỏ, sẻ ơi, bay về tổ đi, may còn chút ấm áp, mùa đông đang về rồi.
Tiếng nàng cất lên:
“Th đi làm hành lý đi, tầu lửa lên Pr vào lúc 10 giờ.”
Tôi thấy xót xa, nhìn con sẻ nâu lần cuối.
Chúng tôi ra ga. Nàng im như thóc, lầm lì, nửa mặt là cái kính đen, không nghe thấy gì khi tôi nói. Lên tầu, nàng co tay, ngồi đối mặt với tôi, ngoẹo đầu ngủ. Tôi nhìn ra ngoài. Phần não bộ bên phải kêu cứu, gọi phần bên trái, may ra tìm lại được điểm cân bằng. Nàng dỗi hờn? Phần não bên phải hỏi. Phần não bên trái đủng đỉnh:
“Sáng mưa chiều nắng là phản ứng bất nhất một tâm hồn thương tật đang trên vực bờ trầm cảm.”
“Thế thì đáng thương, đâu đáng trách?”
“Này thi sĩ, phần não bên trái trầm giọng, trách làm gì nhưng thương cho đúng mới khó. Và chớ để mình mất mình, lúc đó thì chẳng thương ai được nữa!”
Giờ chia tay. Phần não trái trong tôi cất tiếng khuyên nàng nay ốm đau thì nên về với mẹ và con trai nàng, chứ không người thân, lại mất công ăn việc làm, thì nàng xoay sở thế nào cho ổn được. Nàng nhìn tôi xa lạ. Tôi nói:
“Th thương em.”
Mặt nàng đóng một lớp băng mỏng trong suốt, mắt trái vẫn còn những gân máu đỏ, gò má phải có dăm vết tàn nhang. Nàng đáp:
“Em không cần ai thương cả!”
Phần phải não bộ định thốt, tôi yêu em. Nó bảo phần bên trái, thôi đừng giở trò, hãy bao dung, em hành xử chẳng mấy tế nhị cốt thử thách tình yêu của mi, và phản ứng cứng cáp hôm nay chỉ để che đi độ cực nhậy cảm của một con người cô đơn trước giờ chia tay. Phần bên trái thở dài, không, em đã thất vọng, ta chẳng phải là người em đi tìm, vừa già vừa xấu, lại chẳng dám phiêu lưu vào một cuộc trói buộc. Phần bên phải rít lên, hãy nắm lấy tay nàng, hãy quì xuống cống hiến cả đời mi cho nàng yên tâm. Nhưng nàng lùi xa, quay ngoắt người. Định mệnh chỉ là một thoáng, đã hẳn khác đi khi não bên trái đành chịu phần bên phải lấn áp để tôi cười trọn tiếng vui và tôi khóc trọn nước mắt. Lẽ ra, khoảng đời cuối cùng của tôi có thể là những ngày trong một căn nhà trước mặt Hòn Chồng nếu như nàng không quay lưng bước thật vội. Không, định mệnh đã hất bước chân nàng lên cao và đẩy nàng vào một tương lai khác.
Ngậm ngùi, tôi nhìn theo chiếc áo len choàng mầu tím hoa Hạ Tử xa dần, thấp thoáng cho đến khi biến mất như một giấc mơ. Giấc mơ khi nằm nướng, đẩy cho lùi lại một ngày không mấy vui. Đi, quả có chết một ít, trong lòng.
Lên máy bay, đầu tôi trống rỗng, cảm giác hững đi như bước hụt khi xuống thang. Tôi chợp mắt trong tiếng động cơ rù rì ru ngủ. Tai tôi, đâu đây là tiếng đàn câu hát đêm dạ vũ hoá trang ở quảng trường có ngõ Đao Phủ hôm nào. Tiếng reo hò cất lên từng đợt tựa sóng tràn bờ. Kiệu rước Vua đi tới, cạnh vẫn là tay đao phủ mặt trắng bệch, và một đoàn lính gươm giáo sáng ngời. Đầu con ngõ chỉ đủ cho một người đi qua, lính kéo ai đó tóc xổ tung trong gió lạnh, vai chệch quàng hờ chiếc áo choàng mầu tím, đầu chúi xuống nhưng lại ngửng lên, bước liêu xiêu những bước gãy đổ một cuộc phù sinh. Tiếng gạch đá bỗng chát chúa. Lậy Đấng lòng lành, có những kẻ ném đá đấy, sao người không đứng lên bảo, đá đây, ai là kẻ chưa từng phạm tội thì hãy bước ra ném viên đá này. Tôi lao lên, vạch đám người đang hò hét, xông tới. Trước mặt, người ta đã cất pháp trường. Ngay lối ra cái ngõ, một giàn gỗ cao độ hơn thước, đằng sau là kiệu Vua ngồi, phía trước đóng một cái then ngang có đục lỗ vừa vặn cho một cái cổ, dưới để một cái rổ hứng đầu kẻ bị tội chết. Phạm nhân giang tay theo chiều then, đầu chui qua lỗ, tóc vén, gáy hở để lưỡi đao bén ngọt khi Vua hạ tay ban lệnh hành quyết. Rợn người, tôi nhào lên chiếc sàn gỗ, miệng lảm nhảm van xin:
“Lạy Vua anh minh, ngài rủ lòng thương, không có tội nào là tội chết cả. Xin hãy cho sống, vì sống cũng trả giá, hình phạt kéo năm này qua năm nọ, chẳng phải ít đâu...”
Tên đao phủ co chân đá vào ngực tôi, thét tướng lên:
“Thằng điên mặt vàng ệch này ở đâu ra?”
Tôi ngất đi. Khi tỉnh, tôi không nghe thấy một tiếng động nào. Nhìn lên, không còn một ai. Cái thế gian vỗ tay những cuộc trảm đầu lặn vào vùng tối nhất vũ trụ này. Nhưng cái then ngang vẫn giang tay ra trên sàn gỗ pháp trường. Tôi cố lết tới. Sàn gỗ không lấm máu. Cái rổ hứng đầu phạm nhân vẫn lù lù đấy. Ngồi lên, tôi với cái rổ, lòng buốt đau chắc mẩm sẽ thấy đầu nàng.
Nhưng không. Tôi đổ rổ, một đống mặt nạ rơi ra. Có cái nhìn dịu hiền, có cái đần đần, có cái vênh vang tự hãnh. Có cái môi mím chặt, có cái cười tinh quái. Có cái nửa ngây thơ vô tội, nửa kia điếm đàng mang ngoại hình một cô bé bưng bê kiếm tiền boa bằng những động thái tính toán bề ngoài nhìn như tình cảm. Với thời gian, mọi vật thể đều rồi rệu rã. Mặt nạ nào cũng sẽ vữa ra, phấn son nhòe nhoẹt, để lại trên mặt thật dấu vết thương tật của tâm hồn. Đấy là khi còn mặt thật, nhiều kẻ chết vẫn còn mang mặt nạ, xuống cõi âm quỉ lột da mới kéo được nó ra.
Nhưng thật may và thật lạ. Tôi không thấy cái mặt nạ với mắt trái đỏ hoe và gò má phải có vết tàn nhang.
Thế là có phải em đã tìm thấy mặt thật của mình rồi không?
Tôi nhắn, chúng ta chỉ có thể thực sự sống với khuôn mặt thật của mình. Vì lý do gì đó đôi khi ta đeo mặt nạ, nhưng không ai đeo mãi được vì đời đâu có là mãi những dạ vũ hóa trang.
Tiếng phi hành viên cất lên, rồi đèn bật. Tôi lại đáp xuống một phi trường lạ, không có nơi để gọi là về nhà, và lại tiếp tục vật vờ trong một thời trống vắng.
Nam Dao
(29-12-2010)
Gửi ý kiến của bạn