- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bóc

22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 81598)

hchinh_hl112
 Tiểu thuyết gia Peter Carey


Hoàng Chính chuyển ngữ
từ Peeling trong tập truyện The Fat Man in History của Peter Carey.

Peter Carey, tiểu thuyết gia người Úc, sinh ngày 7 tháng 5, 1943, hai lần đoạt giải Man Booker với các cuốn Oscar and Lucinda (1988) và True History of the Kelly Gang (2001). Hiện Peter Carey dạy đại học tại New York.
 

Nàng đi chầm chậm quanh nhà với đôi bàn chân mềm, những bước chân vỗ nhẹ phía trên đầu tôi trong lúc tôi nằm, lắng nghe trên chiếc giường bề bộn những khăn trải gường không giặt. Nàng biết, bởi nàng vẫn biết, rằng tôi đang lắng nghe và bây giờ là sáng sớm. Sương mù chưa tan. Xe cộ bò chậm bên ngoài. Có một chiếc xe buýt mầu đỏ bên ngoài cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy cái nóc của nó. Nếu chịu nhìn kỹ, tôi có thể thấy khuôn mặt những hành khách trong xe, và, nếu may mắn, tôi sẽ thấy tôi phản chiếu trên kính xe, hoặc ít nhất hình phản chiếu mái tóc bạc của tôi, một dấu vết chỉ mình tôi có. Thư từ chưa đến. Chẳng ai gửi gì cho tôi, nhưng tôi vẫn chờ. Đời sống sẽ vô nghĩa nếu mình không mong đợi điều gì. Tôi luôn là người đầu tiên lấy thư khi người đưa thư lùa chúng qua khe cửa. Những chai sữa, không chùi rửa, cất trong bếp đã hai ngày rồi, và nàng cũng biết điều đó, bởi nàng chưa đến.
Mối quan hệ của chúng tôi vượt ra ngoài sự phân tích. Chính Bernard, dù tôi không muốn nêu tên ai, là người đã bảo rằng quan hệ của chúng tôi có mầu sắc hướng đạo sinh. Hắn biết rất nhiều. Bernard, người đã lặn lội nửa đoạn đường tới London để gặp vị linh mục có thể tha thứ cho hắn cái tội thủ dâm không ngừng, không thể được coi như người có thẩm quyền trong vấn đề này.
Sương mù dầy đặc bên ngoài, cái kiểu mà đúng ra London phải như thế, nhưng hiếm khi được như thế, trừ khi bạn sống bên bờ sông, mà tôi thì không. Hôm nay là ngày các du khách Mỹ sẽ không phải thất vọng.
Khi rảo bước phía trên đầu tôi, dường như nàng đang sắp xếp lại những con búp bê nhỏ mầu trắng mà nàng không giải thích mà tôi thì không bao giờ hỏi, vì biết nàng sẽ không bao giờ giải thích, và lúc này đây cũng không mong được giải thích. Nàng mua búp bê trên đường Portobello, ở mạn bắc, vào sáng thứ sáu, và ở một chợ khác những ngày thứ năm, nàng chưa cho biết nơi này, nhưng nàng dời nhà sớm, khoảng 5 giờ sáng. Tôi biết nàng đến chợ, nhưng không biết chợ nào. Những con búp bê gửi đến dưới mọi tình trạng, nhét trong hộp cạc tông, nàng mang theo trong những chuyến đi. Con nào còn tóc nàng sẽ vặt cho trụi, nàng móc mắt chúng, và những con còn răng sẽ bị nàng tháo gỡ rồi nàng thong thả sơn chúng mầu trắng. Nàng dùng thứ mầu trắng nhựa tẻ nhạt. Tôi đã thấy những hộp sơn bằng thiếc.
Nàng xếp đám búp bê vào những nơi không thể đoán trước. Thành ra, lúc ngà ngà say mà bước lên cầu thang, người ta có thể phải đối đầu với một tập thể búp bê trắng đầu hói túm tụm bên nhau thành một bầy. Phòng của nàng, có thời là phòng của tôi, nàng sơn mầu trắng; những em bé nhập vào những bức tường và tan vào tấm khăn trải giường cũng mầu trắng. Mầu trắng những lúc gần đây đã trở thành thời trang, không lôi cuốn nàng; chỉ là chúng không nói lên điều gì, không cường điệu như mầu đen.
Phải thú nhận là tôi ghét mầu trắng. Tôi thích một thứ mầu xanh dịu, xanh mát mắt, như bầu trời. Mầu xanh phấn, tôi nghĩ mầu ấy tên gọi như thế. Hay mầu xanh vỏ trứng. Một cái gì đó nhiều nữ tính. Một thứ gì đó với – tôi nên gọi nó như thế nào nhỉ - một chút cá tính. Cuối cùng khi tôi đem được nàng lên giường (và tôi chẳng có gì phải vội vã, không vội vã chút nào) tôi sẽ có ý niệm rõ hơn về mầu sắc đích thực của nàng, tôi sẽ đi guốc trong bụng nàng.
Bạn hiểu lối chơi chữ đó không.
Rất nhiều lần tôi bắt gặp nàng, ngồi trong phòng, chơi cờ triệu phú, uống Guinness, và vây quanh bởi những con búp bê mầu trắng.
Mỗi tuần nàng ghé tôi vài lần để rửa chén bát cho tôi và nghe tôi thuyết phục nàng ăn với tôi một bữa cơm. Việc ăn uống, trong thời điểm ấy, là chuyện chung đụng phấn khởi nhất của chúng tôi. Đôi khi chúng tôi thảo luận về việc nếm trải những mùi vị. Chúng tôi nói về món cá chiên bột nặn thành hình ngón tay hoặc món bánh thịt bò và thận bằm ở quán Marks & Sparks. Nàng vẫn còn ngượng ngùng và cứ phải chờ tôi gợi chuyện mới chịu nói. Nàng khoe nàng thích món sò mà tôi thấy cũng thú vị. Mỗi tuần tôi để dành một ít tiền hưu dưỡng. Khi có đủ, tôi sẽ mua sò và chúng tôi sẽ bàn sâu vào chi tiết hơn. Tôi vẫn thường nghĩ đến bữa ăn ấy.
Giai đoạn đầu tôi không hiểu rõ về mình, và đã một hai lần gặt hái được một nụ hôn trầm lặng và say ngất. Nhưng tôi đã không dự tính lập lại chuyện ấy. Lúc đó, hài lòng với bữa ăn và người ngồi ăn với mình trong những đêm tĩnh lặng khi máy truyền hình đã bị lấy đi, và hơn nữa tôi lại thất nghiệp, nên có rất ít tiền để có thể qua đêm với những người đàn bà ở Bayswater, để đi xem phim, hoặc ngay cả uống một ly cay thật ngon ở quán Bricklayers Arms mà, thành thật mà nói, tôi chỉ thấy nhàm chán.
Tôi không việc gì phải hấp tấp. Không có gì khẩn cấp trong vấn đề này. Không sớm thì muộn, chúng tôi sẽ thảo luận về món sò. Rồi đó sẽ là lúc để tiến xa tới những vấn đề thân mật hơn, gỡ từng lớp một, cho tới khi tôi khám phá mầu sắc thật của nàng, những vị của nàng, những mùi của nàng. Viễn ảnh thật chậm chạp của một cuộc thám hiểm làm tôi thấy hào hứng và tôi không cần phải vội vã, chẳng vội vã chút nào. Mong việc ấy tồn tại vĩnh viễn.
Hãy để tôi mô tả cưng của tôi. Tôi có nên gọi nàng như thế không? Một chuyến mạo hiểm tôi dự tính giữ kín, nhưng bây giờ đã được nói ra. Hãy để tôi mô tả về nàng cho bạn nghe. Cưng của tôi có khuôn mặt dài và xanh xao với tóc vàng óng, cuộn thành những lọn nhỏ, kiểu tóc có những lọn gợn sóng khác thường bắt ánh sáng, và đẹp mắt. Mũi nàng dài, hướng xuống dưới chứ không vểnh ra ngoài, làm nàng có cái vẻ buồn hơn nỗi buồn thực sự của nàng. Vú nàng, tôi có thể đoán, to và nặng, nhưng nàng mặc quá nhiều áo len (đâu thể tìm lý do nào khác hơn được) nên cũng khó nói; sự tinh tế của vóc dáng nàng cũng thế. Nàng di chuyển, cưng của tôi ấy mà, với sự thanh thoát của một con mèo, rảo bước trong phòng của nàng, vây quanh bởi lũ búp bê mầu trắng và đống tiền giấy của trò chơi cờ triệu phú.
Dường như nàng thất nghiệp, mà tôi thì chưa bao giờ hỏi nàng về công ăn việc làm. Chuyện đó sẽ đến, trong những đoạn kế tiếp. Tôi sẽ ghi lại điều đó, khi nó được tiết lộ. Trong lúc này, nàng không có giờ giấc nhất định, không có gì trong những thứ đó có thể đem ra so sánh với bất cứ thứ gì. Nhưng tôi, về chuyện đó, cũng không giữ giờ giấc nhất định và, vì chẳng có đồng hồ, đã trở thành kẻ không thời gian từ khi bin trong chiếc máy thu thanh bán dẫn cạn hết. Thường thì giờ này chắc cũng đã xế trưa.
Nàng đã quyết định. Tôi có thể nghe tiếng chân nàng ở đầu cầu thang. Trong vài phút vừa qua, đã hai lần nàng đặt chân xuống bậc thang rồi lại lui về phòng nàng. Nàng đi vòng quanh. Nàng tới đứng bên cửa sổ. Bây giờ nàng đi về phía cầu thang thêm một lần nữa. Nàng đứng đó. Có một khoảng im lặng. Có lẽ nàng đang sắp xếp lại những con búp bê ở chân thang.
Không phải. Nàng đang, tôi nghĩ, tôi có thể đoan chắc, rón rén bước xuống cầu thang. Nàng muốn làm tôi ngạc nhiên.
Có tiếng gõ nhẹ trên cửa. Bao tử tôi cồn cào.
Tôi bước nhanh ra mở cửa. Nàng lên tiếng chào tôi và mỉm cười một cách mệt mỏi.
Nàng nói, ô. (Nàng có ý nhắc tới mùi sữa hư trong đống chai lọ không rửa.)
Tôi xin lỗi, vuốt thẳng nệm giường, kéo căng tấm trải và mời nàng ngồi. Nàng làm theo, sau khi nhét chiếc quần pyjama của tôi xuống gầm giường cho gọn ghẽ.
Nàng nói, anh sao rồi.
Tôi kể chuyện tìm việc làm. Nhưng tôi nhận thấy nàng có hơi bứt rứt. Nàng mân mê góc vải tấm khăn trải giường. Nàng lơ đãng và có vẻ nôn nóng. Tôi tiếp tục bản tường trình của mình dù biết nàng không hoàn toàn lắng nghe.
Nàng rời khỏi giường, bắt đầu rửa chén bát và đun nước trên cái bếp ga nhỏ. Tôi hỏi về hoàn cảnh của nàng nhưng nàng lặng thinh.
Nước chưa đủ nóng nhưng nàng cũng đổ vào bồn và bắt đầu giặt giũ, di chuyển nhanh và chậm cùng một lúc. Tôi lau khô chén bát. Và hỏi về hoàn cảnh của nàng.
Nàng kể về George mà tôi hoàn toàn mù tịt. Có lẽ là chồng nàng. Dường như họ còn có một đứa con. Cứ ba tuần nàng lại ghé thăm đứa bé một lần vào ngày chủ nhật. Không nhớ lần thứ mấy trăm tôi đề cập tới chuyện vô lý này. Cuộc chuyện trò không cho cả hai chúng tôi biết điều gì, nhưng đó không phải là mục đích của nó. Những chén bát nàng dọn dẹp thật nhanh chóng, nhưng cái máy rửa chén thì dơ dáy, tự tôi làm lấy còn coi được hơn – nàng bỏ đầy thức ăn thừa trên đĩa, rồi chai lọ, muỗng nĩa, nhưng tôi không than phiền – tôi dùng chén đĩa để lôi cuốn nàng, như mật.
Tôi kể một câu chuyện vui tếu khiếm nhã, một chuyện cũ rích tới mức nó trở thành mới đối với nàng. Nàng cười thật đẹp, đầu bật ngửa ra sau, chiếc cổ trắng và dài như cổ con búp bê trắng, nhưng mềm, như phần đùi non. Cổ họng nàng gợi sự chú ý, từ đó tuôn ra một cách dịu dàng giọng nói của nàng, e dè, êm ái.
Nàng rất là, nói sao đây nhỉ, nghệ sĩ. Nàng mặc trang phục của một người bình thường, của số đông những người thông thường nhưng chẳng giống ai, nàng sắp xếp chúng theo một thể cách của những người được xem là am hiểu nghệ thuật. Những phần nhỏ được gắn vào nhau với sự tin chắc là chúng sẽ tương phản với phong cách của nàng và làm tôi mê hoặc. Mảnh của những bông hoa nhân tạo, một phần chiếc yếm của người bán thịt, đôi giầy ống Bồ Đào Nha cũ kỹ, bông tai bằng bạc, những dây đeo huy chương, một cái khăn choàng vai sơn mầu bằng tay, và một trăm nắp chai đựng sữa chế biến đến không còn nhận ra được. Nàng giống con chim chích chòe với một cái tổ di động.
Tên của nàng, mà lúc trước tôi đã quyết định giữ kín, là Nile. Đó là một cái tên quá riêng tư để có thể tiết lộ. Nhưng nó đã quá là một phần của nàng nên tôi không muốn thay đổi nó, e rằng tôi sẽ bỏ sót phần quan trọng nào đó chăng. Ấy là chưa nói điều đó cũng giống như quên không nhắc tới những con búp bê mầu trắng.
Việc giặt giũ đã xong và còn quá sớm để sửa soạn bữa ăn. Đó là thời gian thú vị, thời gian của sự mong chờ. Việc ấy, cũng như mọi thứ khác, cần sự kiểm soát gắt gao. Nhưng tôi là chuyên viên về những vấn đề này, một người có thể ngậm một cục đường lúa mạch suốt ngày không tan.
Chúng tôi ngồi đọc báo bên nhau trên giường. Tôi đọc phần tìm việc và nàng, như thông lệ, phần cáo phó, chia vui trẻ mới sinh, và đám cưới. Theo thói quen, nàng đọc tất cả, ngón tay xanh mướt có móng bị cắn cụt của nàng di chuyển chậm rãi trên những cột tin, môi nàng đọc thầm những cái tên.
Nàng nói, một nửa như nói với chính nàng, người ta không bao giờ đăng chúng.
Ngay lập tức tôi hăng hái nhưng rồi lại ngần ngại đón bắt dòng suy tưởng này. Tôi không chắc nó có là sợi chỉ rời hay là sợi chỉ mà, có thể nói là, tháo mãi sẽ làm bung cả chiếc áo len. Tôi chờ, không còn nhìn thấy những từ ngữ tôi đang nhìn ngắm. Màng nhĩ tai tôi căng thẳng tới mức tôi sợ chúng sẽ rách bung.
Nàng nói, anh không nghĩ là người ta nên để chúng vào hay sao?
Bao tử tôi sôi réo ồn ào. Tôi nói, cái gì? Và nhận ra rằng giọng nói của tôi, lúc bình thường rất nhẹ nhàng, chợt khàn đục và nứt đoạn.
Nàng nói, các trẻ em… các trẻ bị phá thai… người ta không đăng.
Đúng như tôi sợ, đây không phải là sợi chỉ rời, mà là loại khác. Trước khi nàng nói thêm tôi có thể cảm nhận được rằng nàng sẽ tiết lộ nhiều hơn nàng nên làm trong giai đoạn này. Nàng làm tôi thất vọng. Tôi tưởng nàng biết các quy luật.
Tôi muốn, theo phép lịch sự, trả lời nàng, nhưng tôi lo lắng và không thể nói gì thêm. Tôi không, nhất định không, muốn biết, trong giai đoạn này, vì đâu nàng quan tâm đến chuyện những thai nhi bị phá. Tôi thấy thái độ của nàng đầy mờ ám.
Nàng nói, anh có nghĩ là chúng có linh hồn không?
Tôi quay qua nhìn nàng, ngạc nhiên vì hơi hướm van nài khác thường của giọng nàng, một giọng nói mà lúc bình thường chẳng diễn tả điều gì. Nhìn vào mắt nàng, tôi thấy mình chết đuối trong sữa lỏng.
Nàng gài lọn tóc rời ra sau bằng một cái cặp tóc kim loại. Tôi nói, anh chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đó.
Nàng bảo, đừng có kênh kiệu.
Tôi nói, anh đâu có kênh kiệu.
Nhưng điều đó không hẳn đúng. Hãy cứ nói là, tôi bị loại ra ngoài. nếu còn chút đường lúa mạch nào tôi sẽ cho nàng một miếng, rồi tôi sẽ chỉ cho nàng cách mút cục đường lúa mạch, sự kiên nhẫn cần thiết cho cục đường lâu tan, kỷ luật cần phải theo để quên hàm răng, mà chỉ dùng lưỡi. Nhưng tôi không còn chút đường lúa mạch nào.
Tôi bảo, anh già rồi, nhưng cũng còn khá lâu mới chết.
Nàng nói (một cách ngạc nhiên), anh thật là bệnh hoạn.
Chúng tôi ngồi lặng im như thế một lúc, cả hai cùng nhìn vào trang báo của mình. Tôi không đọc phần của tôi, bởi vì tôi biết nàng cũng chẳng đọc phần của nàng. Nàng sắp sửa lập lại đề tài ấy.
Thay vào đó, nàng nói, em chả bao giờ bảo anh phải làm gì.
Một sợi chỉ khác, nhưng sợi này xem ra không mấy quyết liệt. Nó hợp với tôi một cách tốt đẹp. Tôi muốn biết những thứ này hơn, những lớp vỏ ngoài, trước khi chúng tôi đi sâu vào cốt lõi của sự vật.
Tôi nói, không, vậy chứ em làm gì?
Nàng nói, em giúp người ta phá thai.
Tôi cảm thấy như bị nàng đá ngay vào bụng, mà thà bị như vậy lại hơn. Nàng lại trở về chuyện phá thai. Tôi không muốn bàn thảo chuyện gì quá… sâu xa?
Tôi nói, công việc thì mình phải làm, mình nên mừng vì mình may mắn có việc làm, mà như em biết…
Nàng nói, người chuyên viên phá thai không phải bác sĩ, có khá nhiều chỗ ở London, đôi khi ở Shepherd’s Bush, Notting Hill, có một chỗ ở Wimbledon, một tòa nhà lớn.
Trước đây tôi chưa bao giờ nghe nói tới những chuyện này. Tôi quan sát bàn tay nàng. Chúng nhỏ bé, xanh xao với những móng bị cắn sát da cùng với một hay hai vết mầu hồng lợt ở khớp xương ngón tay. Tôi hỏi nàng có đeo găng tay cao su không. Nàng trả lời có.

Tôi hoàn toàn vui lòng để bàn bạc chuyện cơ chế công việc, trong lúc này.
Nàng nói, em luôn nghĩ là chúng phải có linh hồn. Khi bà ấy… cái bà mà em làm công cho ấy… khi bà ta làm việc ấy có tiếng động nghe như tiếng cắt một trái lê… nhưng lớn hơn nhiều. Em đã giúp giết nhiều người hơn số người sống trên con phố này... Một buổi tối em đếm những căn nhà trên phố… và em tính ra được.
Tôi nói, khu phố cũng không lớn mấy… một khu ngõ cụt, không mấy rộng.
Nàng nói, nhiều gấp đôi số người sống trong khu phố này.
Tôi nói, nhưng vẫn không nhiều mấy, và mình có vấn đề về dân số. Cũng giống như ngừa thai, nếu em không bắt bẻ việc dùng từ của anh, người ta luôn áp dụng khi đã muộn.
Giọng nói của tôi, tôi hy vọng, rất trầm tĩnh. Nó có chút gì “chuyên nghiệp” trong đó. Nhưng giọng của tôi không gợi ý chút nào về việc gì đang xảy ra cho tôi. Mọi cơ quan trong cơ thể tôi đang quẫy động. Thật tồi tệ. Tôi đã mong ước có thể tiếp nhận sự việc một cách chậm rãi hơn. Có một chút thích thú thu nhận được từ những điều nông cạn, rồi đến những việc có tính cách cá nhân hơn như việc làm, những người nàng ưa thích, nơi nàng chào đời. Chỉ sau này, rất lâu sau này mới nên bàn bạc về chuyện nàng sợ linh hồn những bào thai bị phá. Nhưng tất cả đã xảy đến quá mau. Tôi thèm được chạm vào áo quần của nàng. Được tháo gỡ bây giờ, thật sớm sủa, từng mảnh áo quần nàng, có lẽ tấm khăn choàng đầu, chỉ tháo gỡ chiếc khăn choàng đầu chắc sẽ không thiệt hại gì.
Tôi duỗi tay, chuồi theo cạnh giường cho tới khi nó nằm sau lưng nàng. Chỉ cần tháo… một chút…. chỉ một chút… Tôi có thể cầm tấm khăn và nhẹ nhàng kéo nó xuống. Nó rơi xuống giường, phủ lên tay tôi.
Đó là một sai lầm. Một sai lầm khủng khiếp. Tay tôi, đã chạm vào móc khóa phía sau sợi dây chuyền của nàng. Khó khăn. Tay kia của tôi nhập cuộc. Hai bàn tay cùng tháo gỡ sợi dây, không chịu sự chi phối của ý chí tôi. Tôi đang làm công việc mà tôi không dự tính làm: hấp tấp.
Tôi nói, anh già rồi. Chẳng bao lâu anh sẽ chết. Nếu như giữ được cho mọi thứ tồn tại thì hay quá.
Nàng bảo, anh thật là bệnh hoạn.
Nàng nói điều đó như một sự tán dương.
Hai tay tôi đã tháo được cái dây chuyền. Tôi đặt nó lên giường. Bây giờ tôi nâng tay nàng lên, hai tay nàng. Nàng bảo, ngửi xem…
Tôi hít vào. Tôi không ngửi được mùi gì đặc biệt, tuy nhiên chức năng khứu giác của tôi vốn không nhạy bén từ lâu rồi. Trong khi tôi hít hà như một con chó già khôn ranh, bàn tay tôi bận rộn với những giải ruy băng vận động và hoa nhựa mà tôi phải tháo từng cái một, rồi thả chúng xuống nền nhà.
Nàng hỏi, anh ngửi thấy mùi gì?
Tôi nói, mùi rửa chén bát.
Nàng nói, thuốc sát trùng đấy. Em cảm thấy như mình bị ngâm trong thuốc sát trùng, tới tận tủy xương. Nó làm em bực mình.
Tôi nói, tốt hơn mình nên ngưng nói chuyện đó một lát, và kiếm cái gì ăn. Mình có thể nói chuyện thức ăn, tôi lại ăn món cá chiên bột.
Nàng nói, em chưa nói với anh chuyện này bao giờ nhưng món cá chiên bột luôn luôn có mùi thuốc sát trùng. Mọi thứ…
Tôi bảo, lẽ ra em nên nói chuyện đó với anh sau, khi mọi chuyện đâu vào đó. Nó không quan trọng. Thật là hay khi em không nói ra, lẽ ra em không nên nói, ngay cả lúc này, em nên để dành lát nữa.
Nàng bảo, em không đói, em thà nói ra sự thật với anh.
Tôi bảo, thà em đừng nói.
Nàng hỏi, anh biết George không?
Tôi bảo, ban nãy em nhắc đến anh ta.
Hai tay tôi ngứa ngáy. Chúng đã di chuyển tới lớp trang phục bên ngoài của nàng, một chiếc áo kỳ quặc, như chiếc áo trong bộ y phục đàn ông. Tôi giúp nàng cởi nó ra và xếp lại gọn ghẽ.
Nàng nói, George và con trai em… anh nhớ không.
Tôi nói, nhớ, anh nhớ một cách mơ hồ, chỉ mơ hồ… nếu em nhắc lại sơ qua giùm anh.
Nàng bảo, anh ngạo em.
Tôi chối.
Tôi bắt đầu tháo lớp áo kế tiếp, một cái áo len có con số 7 thật lớn phía sau lưng. Nàng đưa tay lên giúp tôi cởi nó ra dễ dàng. Nàng nói (giọng nàng bị chẹn lại bởi chiếc áo len đang cởi qua đầu), em bịa ra chuyện George, và con trai em.
Tôi làm bộ không nghe thấy.
Nàng hỏi, anh có nghe em nói không?
Tôi nói, anh không chắc.
Nàng nói, em bịa ra George và con trai em… họ chỉ có trong mơ tưởng của em.
Tôi nói, lẽ ra em nên để dành chuyện đó cho năm tới. Lẽ ra em nên kể cho anh vào dịp Giáng Sinh, biến nó thành điều mình mong đợi.
Nàng nói, làm sao anh có thể trông đợi một điều mà anh chẳng biết có đến hay không?
Tôi nói, anh biết, anh đã biết, mọi chuyện sớm muộn gì rồi cũng sẽ đến, đúng thời điểm của nó. Anh đã không có gì phải vội vã. Có lẽ anh còn sống tới năm năm nữa, những chuyện ấy sẽ lấp đầy những năm tháng còn lại.
Nàng bảo, hôm nay anh nói chuyện kỳ cục quá.
Tôi nói, anh bị ép như thế.
Một lớp trang phục nữa, một cái áo len gài nút mầu xanh, không được sạch, nhưng vẫn còn cái mầu xanh tuyệt đẹp.
Tôi nói, mầu xanh đẹp quá.
Nàng bảo, đó là mầu xanh phấn.
Tôi nói, đẹp quá, rất hợp với em.
Nàng nói, ô, không phải của em đâu, của đứa em… em gái của em.
Tôi nói, em chưa bao giờ nói về em gái của em.
Nàng nói, anh có bao giờ hỏi em đâu.
Tôi nói, em cố ý.
Bây giờ tôi hoàn toàn mất chủ động. Cuộc chuyện trò đã lan ra ngoài tầm chủ động của tôi, đến một nơi nào đó. Tôi đã cởi được cái áo len khoác mầu xanh phấn và cái áo len chui đầu thêu mầu đỏ, trắng, xanh mặc bên dưới. Thêm được một cái áo khoác mà thật là xui xẻo, trong lúc hấp tấp, tôi đã làm rách toạc. Tôi xin lỗi nhưng nàng chỉ e dè cúi đầu.
 Nàng nói, anh chưa bao giờ kể cho em nghe về anh… về chỗ anh làm…
Tôi bận rộn với chiếc áo khoác thứ nhì, thứ hàng lụa trắng có vẻ còn rất mới. Tôi nói, một cách lơ đãng, thì như anh đã nói rồi, anh đang thất nghiệp.
Nàng nói, nhưng mà trước kia…
Tôi nói, anh làm việc với chính phủ vài năm, nhân viên thư ký…
Nàng hỏi, thế còn trước đó?
Tôi nói, anh đi học. Chẳng có gì đặc biệt. Có rất ít điều thú vị. Thật ra, còn nhàm chán nữa là khác. Những gì anh có, anh đã kể ra hết rồi. Anh giúp nó tồn tại, nếu em hiểu ý anh, làm cho những điều thú vị kéo dài ra. Có một lần anh làm tình suốt ba mươi hai tiếng đồng hồ với một phụ nữ anh quen, cô ấy ngủ mê mệt.
Nàng cười với tôi. Nàng nói, cái đó nghe có vẻ…
Tôi nói, điều đáng tiếc là chỉ có ba mươi hai giờ, bởi vì sau đó anh phải về nhà, và anh không còn gì để làm. Chẳng còn gì suốt bao nhiêu năm sau đó. Lẽ ra nên có thể làm tốt hơn ba mươi hai tiếng đồng hồ.
Nàng lại cười. Tôi cảm thấy mình có thể chết chìm trong hàng triệu ga-lông sữa lỏng. Nàng nói, mình có thể làm khá hơn.
Tôi nói, anh biết, nhưng anh đã mong để dành nó cho sau này. Anh đã ước để dành nó cho tới những Giáng Sinh từ nay trở đi.
Nàng nói, chờ đợi thấy có vẻ… ngớ ngẩn.
Đúng như tôi đoán vú nàng to và nặng. Tôi cởi lớp áo cuối cùng để bày chúng ra, to và mềm với núm vú nhỏ và nhọn. Tôi dời sự chú ý qua váy của nàng, rồi tới lớp váy thứ nhì, và rồi tới một cái váy lót tả tơi. Vớ dài của nàng, tôi thấy, gắn với một đai bụng. Tôi bắt đầu cuốn vớ dài của nàng xuống, vuốt cho nó tuột ra dọc theo ống chân nàng. Rồi tới lớp vớ dài thứ nhì, rồi tới cái đai bụng.
Bây giờ nàng ngồi, tươi cười bên cạnh tôi, ấm áp và trần truồng.
Chỉ còn một thứ nữa thôi, một cái khuyên ở tai trái của nàng. 
Tôi đưa tay để tháo, nhưng nàng nắm lấy tay tôi.
Nàng bảo, cứ để nó đấy.
Tôi bảo, không được.
Nàng bảo, được mà.
Tôi cảm thấy bị cuốn vào việc dùng sức mạnh. Tôi cầm cái khuyên và kéo nó ra. Dường như nó không phải là chiếc khuyên đeo tai, mà là một móc hay khóa gì đó. Lúc tôi kéo, khuôn mặt nàng, rồi tới cặp vú nàng cũng bị bóc ra theo. Hốt hoảng, tôi tiếp tục kéo, không thể ngừng cho tới khi tôi bóc nàng khỏi cái lớp không ngờ ấy.
Đứng trước mặt tôi là một thanh niên khoảng ngoài hai mươi. Mặt hắn giống hệt mặt nàng, tóc cũng giống. Nhưng đôi vú không còn, và cặp hông; chúng nằm một đống mềm, sốp trên nền nhà bên cạnh chiếc bông tai đã bị phế bỏ.
Nàng (bởi vì tôi đã quen gọi cô ta là “nàng”) có vẻ ngạc nhiên giống hệt tôi. Nàng cầm cái dương vật trong tay, tò mò, nhồi nặn nó, ngắm nghía nó cương dần. Tôi mê mẩn nhìn. Rồi tôi thấy, ở tai bên phải, một cái khuyên thứ nhì.
Tôi nói, xin lỗi.
Nàng quá bận rộn với cái dương vật nên không thấy tôi với tay kéo mạnh cái bông tai. Lần này nàng tuột thêm một ít da, và đánh mất cái dương vật mới thành hình, để lộ ra, thêm một lần, đôi vú, nhưng nhỏ hơn và chắc hơn. Nhìn tổng quát, nàng thon gọn hơn, dù trước đây nàng chưa bao giờ to béo.
Tôi nhận ra nàng mang thắt lưng có dây đeo và bí tất dài. Tôi lộn chiếc bí tất thứ nhất và khám phá chân nàng biến đi trong lúc tôi cuộn tháo chiếc bí tất. Tôi không còn làm chủ được mình. Chân phải của nàng đã biến đi. Tôi bắt đầu tuột bí tất bên trái. Cái chân, có lẽ nhạy cảm với ánh sáng, biến đi cùng với chiếc vớ tháo cuộn.
Nàng ngồi, không chân, trên giường, rõ ràng là đang sửng sốt bởi hai lớp vỏ da bỏ trên nền nhà.
Tôi thử chạm vào tóc nàng. Một mái tóc giả. Bên dưới là một cái đầu trọc lóc.
Tôi cầm tay nàng, tìm lời trấn an nàng. Bàn tay tự động rời khỏi thân thể nàng. Tôi đang nói chuyện với nàng. Sờ mó nàng, chờ nàng trả lời. Nhưng sau mỗi cái va chạm nàng lại rụng ra, một cách thong thả, tay này tới tay kia. Cho đến khi, không đầu, không tay, không chân, tôi sơ sót không giữ chặt và nàng đổ xuống rục nền nhà. Một tiếng động chát chúa vang lên, nghe như tiếng thủy tinh vỡ.
Khom xuống nhìn, tôi khám phá giữa những mảnh vụn, một con búp bê nhỏ, không tóc, không mắt, từ đầu đến chân trắng muốt một mầu.

Peter Carey
Hoàng Chính chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 83551)
Q ua chiến tranh, Việt Nam đã chịu biết bao đau thương tan nát. Bằng những hình ảnh và những trang viết, Hợp Lưu 113 sẽ đưa chúng ta một lần nữa... lội qua chiến tranh. Nhìn lại, không phải để đào sâu thêm sự thù hận bởi biên giới chính trị, mà để suy nghiệm về cuộc chiến Việt Nam như những “trận hậu chấn” dần dần tan vào lịch sử...
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 119062)
K hông còn gọi là vũ khí, một khẩu colt giữa điệp trùng AK chỉ còn để yên tâm biết trong tay có bạn giữa mịt mùng núi rừng không tìm ra lối đi
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 83957)
... D ạo ấy tôi là người yêu của lính. Ban đầu là thiếu úy thông dịch viên chiến trường, xong tụt xuống chuẩn úy Quân Trường Thủ Đức, rồi leo lên trung úy Quân Y, chặp sau đại úy Hải Quân, cuối cùng trở lại hàm thiếu úy binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. [...] Mấy tay này, tiếc thay, chết như sung rụng. Tôi ôm nỗi buồn góa phụ cô đơn rên rỉ nhạc Trịnh anh nằm xuống sau một lần đã đến đây ...
02 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 117709)
l úc chúng mình cùng ưu tư chung một đoạn cuối tiếng ve rền nuối tiếc em lẩm cẩm hỏi về điều kỳ diệu của mùa xuân tôi vội nén lại một mùa xuân thất sủng...
01 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 84016)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96426)
C on gái lớn của chúng tôi lấy chồng đã nhiều năm, có hai con. Ông bà thông gia theo đạo Phật. Ông là cư sĩ của một đạo tràng và ăn chay trường từ mấy chục năm qua. Vốn là một dược sĩ, nhưng ông lại nghiên cứu về đạo Phật và có bằng cử nhân Phật Học của trường đại học Vạn Hạnh, Saigon. Kỳ nào có ông đến giảng pháp lý là được nhiều người đến đón nghe. Chúng tôi không phải Phật tử thuần thành, nhưng mỗi năm cũng đi chùa mươi lần và ít khi bỏ lễ Giao Thừa trong đêm trừ tịch.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 102478)
T ôi sinh năm 1991 — năm Liên Xô tan rã, người bố quân nhân oai hùng của tôi phải rời quân ngũ vì có người thân vượt biên, hoen ố lí lịch trong sạch mấy đời bần nông của gia đình.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 119721)
(tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang) đ à lạt của một thời mệt nhọc một thời chiến tranh đi qua tuổi trẻ việt nam những đêm thức trắng
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 94232)
L ời tác giả : Viết Ký ức Hà Nội, tôi xem như là một sự đối thoại với Hà Nội, ba mươi sáu phố phường của chị Ban Mai. Cái nhìn của tác giả Ban Mai là của một người phương Nam về Hà Nội với nhiều suy nghĩ và ưu tư. Còn tôi, là cái nhìn của một người trẻ đã từng sống và học tập ở đây...
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 104048)
T ôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.