- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Giải văn chương Nobel 2010 MARIO VARGAS LLOSA

21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 76025)
mario_v_llosa_hl112
NHÀ VĂN TÁI TẠO THỰC TẠI

 Nói như Viện Hàn lâm Thụy điển vào đúng 13 giờ thứ năm 07/10/2010, theo lời thư kí Peter Englund khi ông công bố giải văn chương Nobel 2010 trao tặng cho (Jorje) Mario (Petro) Vargas Llosa, là như sau. Nhà văn xứ Pêru này trúng giải nhờ đã: « Thể hiện và phác họa toàn diện cơ cấu quyền lực và hình ảnh sắc cạnh chạm khắc nỗ lực kháng cự, tinh thần phẫn nộ và thành bại của cá nhơn con người. » Về mặt nghệ thuật: « Ông là nhà văn đã triển khai thuật kể chuyện theo phong cách quả tình kì ảo. » Về mặt con người của mình: « Qua tác phẩm, ta biết ngay ông là một con người say sưa trong hành xử. Hễ thấy mình phản ứng rập theo bổn sắc ấy, ông tỏ ra hết sức rung động và lấy làm vui vô cùng. »
 Ngay khi được tin đoạt giải, đương sự liền tuyên bố trên đài truyền tranh sở tại: « Tôi rất mừng cho mình và nhứt là cho nền văn chương châu Mĩ latin nay được rạng rỡ thừa nhận. »

Thân thế, sự nghiệp

 Thật ra, nền văn chương châu Mĩ latin viết tiếng Bồđàonha và Tâybannha đã được rạng rỡ thừa nhận đâu phải mới đây. Dầu không thể sánh ngang với các nền văn chương Bắc Mĩ (Hoa kì và Canađa) và châu Âu, nhưng trội hẳn châu Á, kể cả Úcđạilợi và Tân Tâylan. Cứ nghĩ tới các giải Nobel đã lần hồi trao tặng cho nền văn chương châu Mĩ latin trong vòng già nửa thế kỉ qua mà coi: * năm 1967, cho nhà văn Côlômbia Miguel Angel Asturias (1899-1974) (1), * năm 1971, cho nhà thơ Chilê Pablo Neruda (1904-1973), * năm 1982, cho nhà văn Côlombia Gabriel García Márquez (2), * năm 1990, cho nhà thơ Goatêmala Octavio Paz. Và * năm 2010 này bất ngờ cho nhà văn Pêru hụt giải biết bao nhiêu lần trước đây.
Mario Vargas Llosa sanh năm 1936 ở Arequipa, một thành phố nhỏ miền nam xứ Pêru, dưới chưn núi lửa Misti. Năm 14 tuổi, mới vừa sạch mũi, đà vô học trường quân sự Leoncio Prado, thời kì này hằn lại trong tâm trí biết bao kỉ niệm để đời. Sẽ biến thành đề tài cho cuốn tiểu thuyết ăn khách đầu tiên là tác phẩm La ciudad y los perros (Thành phố và lũ cầy tơ – 1963). Tập tự sự hư cấu này (3) miêu tả cuộc sống của lũ cầy tơ học viên trong trại huấn luyện, bị kỉ luật cay nghiệt của quân đội hà hiếp, sỉ nhục, đè đẩu cỡi cổ trong lúc ngọn gió tự do thông thoáng thổi qua trên thành phố. Rồi vào đại học San Marcos ở thủ đô Lima. Kiếm cơm bằng nghề sửa bản in và cộng tác với báo chí, đặc biệt với tập san Litteratura (Văn chương) và nhựt báo El Commercio (Thương trường). Năm 1958 xin được học bổng, sang Madrid, thủ đô Tâybannha, biên soạn và bảo vệ luận án tiến sĩ về Rubén Darío (1867-1916), nhà thơ Nicaragoa chủ soái trào lưu thời mới ở châu Mĩ latin.
Từ đó, nhứt là từ khi tác phẩm Thành phố và lũ cầy tơ trúng giải Biblioteca Breve (Thư viện Breve) và Critica (Phê bình) được chuyển dịch ra hơn hai chục ngoại ngữ, Mario Vargas Llosa nghiễm nhiên trở thành nhà văn ăn khách, nổi tiếng trong nước, ngoài nước. Tiếp liền là cuốn La casa verde (Ngôi nhà xanh lá – 1965), miêu tả cuộc sống đối lập giữa vùng khỉ ho cò gáy hoang dã và vùng phố thị huyên náo rầm rộ, cũng được chuyển dịch ra ngoại ngữ và trúng các giải Critica và Quốc tế Rómulo Gallegos. Thường xuyên được mời nói chuyện trong đại học Âu, Mĩ, Úc. Không chỉ chuyện nghệ thuật mà luôn cả diễn biến thời sự trên thế giới, văn học, chánh trị, kinh tế, xã hội. Khi giảng dạy, khi tọa đàm bàn luận. Đồng thời với một văn nghiệp ngày càng đồ sộ, nhiều sắc màu.
Trong số tác phẩm đề tài đa dạng, ngoài hai tập vừa nhắc tới trên, phải kể mấy thiên truyện mà giới nghiên cứu và phê bình đồng thanh ca ngợi nội dung và hình thức. Sơ lược theo thứ tự thời gian xuất bản: Conversación en La Catedral (Chuyện trò trong quán ‘‘Thánh đường’’ – 1969) giữa chàng con trai với lái xe của người cha, vẽ nên cuộc đời bất lương của ông ta trong xã hội Pêru đầy nhũng loạn, lưu manh, chụp giựt, cướp bóc, đĩ điếm; Pantaleón y las visitadoras (Pantaleón và chị em giải sầu – 1973), biếm họa tánh khí ngông cuồng mù quáng trong quân đội và giáo phái; La tía Julia y el escribidor (Bà dì Julia và thằng cạo giấy – 1977), tự sự tiểu thuyết, câu chuyện nửa hư nửa thực xảy ra trong thời kì xã hội Pêru xáo trộn tùng phèo; La guerra del fin del mundo (Cuộc chiến tàn phá địa cầu – 1981), biến động trên chánh trường xứ Brazil vào giữa thế kỉ XIX … Và nhiều nữa, trên dưới 25 tác phẩm thuộc loại hư cấu, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản, và khoảng 10 cảo luận đủ loại đề tài, văn học, xã hội, chánh trị, lịch sử. Đặc biệt vào đầu thập niên này, hai kiệt tác không thể lướt qua là các cuốn La Fiesta del Chivo (Lễ hội Dê xồm – 2001) và El Paraiso en la ostra esquina (Đằng kia là thiên đường – 2002), điển hình văn tài của tác giả trong công trình xây dựng tiểu thuyết.

Tái tạo thực tại
Hai kiệt tác này dựa trên cuộc đời các nhơn vật chánh trị, văn hóa xã hội. Nhơn vật, với cả hai nghĩa lịch sử và tiểu thuyết, làm nền cho cuốn Lễ hội Dê xồm là nhà độc tài Rafael Leodinas Trujillo y Molina (1891-1961) ngự trị một thời gian dài ở Ciudad Trujillo (Thành phố quốc gia Trujillo) (4). Còn cuốn Đằng kia là thiên đường thì trên cuộc đời nhà tranh đấu nữ quyền và quyền lợi thợ thuyền Flora Tristán (1803-1844) và cháu ngoại của bà là họa sĩ Paul Gauguin (1848-1903). Họ diễn tấu trên trang sách qua một văn phong đặc sắc, nội dung và hình thức lôi kéo, hấp dẫn..
 ¤ Lễ hội Dê xồm
 Nhà lãnh đạo tối cao và lãnh tụ vĩ đại Rafael Trujillo (5) trị vì nước Cộng hòa Trujillo với bàn tay sắt đẫm máu từ đầu thập niên 30 thế kỉ trước cho tới năm 1961 thì bị bọn làm phản sát hại. Đằng sau hình ảnh lịch sử đó, chuyện gì đã trải qua trong đầu của đương sự? Trong tâm trí và trong cuộc sống hằng ngày của đám đông run rẩy khiếp sợ hay bị mồi chài, câm miệng hến để sống còn. (6) Đây mới là chủ đích của Mario Vargas Llaso, xây dựng tác phẩm khớp với loại tiểu thuyết mà các nhà văn danh tiếng: Cuba Alejo Carpentier (1904-1980), Côlombia Gabriel García Márquez (2), Mêhicô Carlos Fuentes, Paragguay Augusto Roa Bastos (1917-2005) (­7) và chính tác giả đã đề xuất, thách đố với nhau: phác họa chế độ độc tài chuyên chánh hằng ngự trị ở châu Mĩ latin từ xưa tới nay.
 Thế là tác giả chiếm dụng lịch sử, biến nó thành phương tiện tái tạo một chế độ chẳng những tàn bạo, hung hãn, mà còn trào lộng, lố lăng. Không chỉ đột nhập tiền sảnh của thứ quyền lực cha truyền con nối, ác độc, mà còn lọt vô tận tâm can và đầu óc bọn mưu phản (sắp và đã) ám hại lãnh tụ của mình. Lọt vô cả trí óc và tâm khảm của hai nhơn vật hư cấu là ngài bộ trưởng thất sủng Augustin Cabral và trưởng nữ Urania của ngài. Tác giả biện minh cho tánh chất hư cấu của hai nhơn vật này một cách khái quát như sau: « Đây là tiểu thuyết, chớ không phải lịch sử. Tôi lấy Lịch sử làm nguyên liệu, nhưng cho phép mình tùy cơ ứng biến như bất kì tiểu thuyết gia nào. Tôi chỉ căn cứ trên nền tảng cốt lõi, trên tác phong và cuộc đời của Trujillo nhìn thấy bên ngoài, chớ không theo dõi sát sao hết mọi tình tiết. Tất nhiên là có nhiều nhơn vật và tình thế hư cấu, mường tượng. Ngay cả các nhơn vật lịch sử, Trujillo, đám phản loạn cũng được miêu tả trong truyện như nhơn vật tiểu thuyết. Tôi không gò ép mình, tùy cơ cải biến tiểu sử của họ, thêm mắm thêm muối, gia giảm góc cạnh. » Lại nữa: « Một chế độ độc tài chuyên chế hạng này phải được phác họa bằng thủ thuật tiểu thuyết mới hòng với tới sự thật. Là vì, chỉ cần nghĩ tới những chuyện bí mật, mờ ám và ghê rợn nhứt hằng bị che giấu, vùi lấp không để lại dấu vết. Thành thử phải bổ sung bằng bộ óc của nhà văn. »
 Trong số các nhơn vật lịch sử và tiểu thuyết diễn tấu trên 604 trang sách, trước tiên phải kể: * Rafael Trujillo, con Dê xồm cực quyền thống trị toàn thể tinh thần, tâm trí dân lành, và cả tủ sắt: tài sản của i gấp bội ngân sách nhà nước, và tình dục: ngủ với vợ các bộ trưởng hòng thử nghiệm lòng trung của họ - nhiều kẻ hiến dâng cả con gái còn trinh của mình. Chung quanh nhà cha già dân tộc này (5), còn có nhiều nhơn vật khác chẳng kém phần dị dạng, dị thường. Chẳng hạn: * Tướng Roman, bị tóm cổ sau khi nhóm làm phản ám sát Rafael Trujillo, phải chịu nhục hình vì quá ư tê liệt: bị tra tấn dã man bốn tháng trời đằng đẵng, luôn có bác sĩ kề cạnh sẵn tay cứu sống hễ ông ta sắp chợt chầu trời, kéo đủ thời gian cho chú chàng Ramfis tra tấn tiếp càng lúc càng tinh vi. * Ramfis Trujillo, nhơn vật quả tình bi đát, trong tiểu thuyết cũng như trong cuộc đời: sanh ra trong gia đình toàn trị độc đoán khác nào là máu mủ của những tay tàn bạo khét tiếng kiểu Claudius Nero thời Lamã cổ, Adolf Hitler thời Đức quốc xã hay Ioxxìf Xtalin thời Liên xô. Khó bề có một đời sống thông thường: đại tá năm lên 9, thăng cấp tướng năm 12 tuổi, làm sao mà chẳng trở thành quái vật vô độ, bất nhơn, hiểm ác: bạo lực thực thi trong thời gian sáu tháng trời còn khủng khiếp hơn tổng số bạo lực gom lại suốt ba mươi mốt năm cha mình ngự trị trong nước.
  ¤ Đằng kia là thiên đường
 Bà là một người đàn bà già trước tuổi, bịnh hoạn, kiệt quệ. Đã mỏi mòn thân xác và tâm thần trong trận mạc xã hội, mà vẫn ngang nhiên đọ sức với định kiến, với truyền thống ngàn đời trong công cuộc đấu tranh giành quyền cho phái nữ (nay gọi là nữ quyền) và cho tầng lớp thợ thuyền (nay gọi là giai cấp vô sản) bị bóc lột thời ngành công nghệ phôi thai. Đó là bà Flora Tristán chào đời năm 1803, hơn hai thế kỉ trước. Còn hắn thì là một họa sĩ mới vào nghề, tác phẩm ế ẩm. Rời bỏ Paris, nếp sống thanh bình, vợ con năm đứa và cả tên cúng cơm để đắm mình trong bầu trời phóng khoáng miệt Vạn đảo thái bình dương. Đặt cho mình tên mới là Koké-le-Maori, Côkê thổ dân bổn xứ. Đó là họa sĩ Paul Gauguin, sanh năm 1848, bốn năm sau bà ngoại qua đời. Mẹ hắn, Aline Gauguin, nhũ danh Tristán, là con gái của Flora. Dĩ nhiên Flora Tristán và Paul Gauguin chẳng bao giờ giáp mặt nhau. Nhưng họ gặp nhau trong máu huyết, mang trong mình cùng chung một gien.
 Cuộc đời ngắn ngủi, 41 năm, của * Flora Tristán là những ngày tháng rộn rịp, không một lúc rảnh rỗi. Lấy chồng, đẻ con ba đứa, trong khi hoạt động xã hội đòi phải có mặt khắp nơi. Tổ chức, dự kiến, thảo luận, điều tra. Khảo sát nền công nghệ và đời sống thợ thuyền. Mấy tập kí sự Promenades dans Londres (Dạo chưn trong thành phố London) và Tour de France (Vòng quanh nước Pháp) ghi chú công cuộc quảng bá í tưởng và thi hành nghĩa vụ: tổ chức giới thợ thuyền thành lực lượng đủ sức giành quyền lợi tối thiểu, kêu gọi thành lập Quốc tế công nhơn. (8) Công tác hoạt động không ngừng nghỉ này đủ để chứng tỏ tinh thần nữ quyền của đương sự. Rằng bà là một phụ nữ xuất chúng, can đảm, có tâm huyết sửa đổi thế giới, hướng nó về phía thiên đường đằng kia. Trong lúc thằng cháu của bà là * Paul Gauguin cũng tìm thiên đường cho mình trên quả địa cầu. Không phải thứ thiên đường trong xã hội của người bà, mà là thiên đường của cái đẹp, một thiên đường di sản của nhơn loại. Cho rằng nghệ thuật phương tây đà tới thời tàn tạ, bởi nó dần dần xa cách xã hội: « Nó bật rễ ra khỏi đời sống thường ngày. » Thế rồi hắn đi tìm thiên đường trong các xã hội sơ khai, nguyên thủy. Rời bỏ thành thị, rời bỏ nền hội họa cố hữu và cả vợ con, hắn lội suối băng rừng vượt đại dương qua tận Vạn đảo, tới Tahiti để cuối cùng dừng chơn trên đảo Marquises. Từ đây, hắn vạch rộng con mắt hội họa của Pháp, của châu Âu và, nói chung, của phương Tây cho nó thấy rõ rằng, ngoài nó ra, còn có biết bao nền nghệ thuật khác chẳng thua kém gì. Mà còn hứng khởi hơn nhiều. Sáng tạo của hắn từ đây đã lần hồi sản sanh các họa sĩ hiện đại, những Henri Matisse (1869-1954 – phái dã thú), Pablo Picasso (1881-1973 – phái lập thể) hay nhóm bích họa đầu thế kỉ XX ở Mễtâycơ (José Orozco, Diego Rivera, Alfaro Siqueiros và nhiều nữa).
Qua ngòi bút của Mario Vargas Llosa, hai cuộc đời nói trên xuất hiện như số phận của những con người không thỏa hợp với hiện tình xã hội và nghệ thuật. Nhưng vẫn hết sức là người: nhứt quán trong sở nguyện, say đắm trong hành động, bị ám ảnh bởi tâm huyết đi cho tới tận cùng chí hướng của mình - khiến cho cuộc đời và số phận của họ không khỏi đượm màu bi đát. Họ đã đi tới tận cùng mộng tưởng và đã trả giá rất đắt cho thiên đường đằng kia chắc gì thật sự là thiên đường. (9) Dầu vậy, cuộc đời long đong, số phận và thành bại của họ vẫn đáng được chú trọng, vì nó hé mở một cánh cửa tràn đầy hi vọng: thiên đường soi tìm vẫn có đó trước mặt, chờ đợi, trong tầm tay những ai mong muốn đồi thay nền xã hội bất công và nghệ thuật lỗi thời.

Muộn màng
Bao nhiêu lần hụt giải, phải đợi tới năm 2010 này Mario Vargas Llosa mới được viện Hàn lâm Thụy điển chiếu cố. Qua mặt bởi một số nhà văn thường thường bậc trung ít ai nghe tiếng, ít người say mê, thuộc hạng các khôi nguyên mấy năm gần đây, như những J.M. Gustave Le Clézio (2008 - Pháp) (10) và Herta Muller (2009 - Đức). Dầu đã được nhiều định chế văn học, trong nước, ngoài nước, liên tục choàng hoa trong thời gian già nửa thế kỉ, đã trao tặng cho ông những giải thưởng đáng giá. Như các giải Biblioteca Breve, Critica, Quốc tế Rómulo Gallagos, Tự trị Asturies, Planeta, Cervantès, Cino Del Duca chẳng hạn.
Muộn màng thay!

TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 07-08/10/2010)
------------------- 
(1) Xem: Trần Thiện-Đạo, Cửa sổ văn chương thế giới (Nxb Văn hóa Thông tin – 2003 – tr.106-127), các mục: Miguel Angel Asturias - giải Nobel 1967, Bài văn mới nhất của Asturias và Nghĩ thêm về Miguel Angel Asturias.
(2) Xem: Trần Thiện-Đạo, Văn nghệ - Những nụ cười giòn (Nxb Hội Nhà văn – 2004 – tr. 288-293), mục: Gabriel García Márquez – nhà văn hiện thực huyền ảo.
(3) Tự sự hư cấu (Pháp: autofiction; Anh/Mĩ: faction = fact+fiction). Xin được phép dùng thuật ngữ chỉ chánh thức ra đời vào năm 1977.
(4) Nay gọi là Santo Domingo. Thời gian toàn trị, nhà độc tài quân phiệt Trujillo chẳng ngại lấy tên mình đặt tên nước. Khiến chúng ta không khỏi nghĩ tới tên mới của thành phố bị giải phóng nọ ở nước ta, cũng như tên Xtalingrad và Lêningrad thời trước ở Liên xô. Có điều là hai thành phố Liên xô nay đã bị xóa, mang lại tên cũ - xem: Trần Thiện-Đạo, Trăm năm cô đơn ở Aracataca (Hợp lưu, số 89, tháng 6 & 7/2006).
(5) Lãnh đạo tối cao, lãnh tụ vĩ đại, cha già dân tộc … là những danh từ thường dùng để tôn vinh các nhà độc tài, ở Cộng hòa Trujillo bấy giờ và ở nhiều nước khác.
(6) Nhớ lời bất hủ của Nguyễn Tuân (1910-1987) sau vụ Nhân văn – Giai phẩm (1955-1958): « Tôi còn sống sót tới nay, vì tôi biết sợ. »
(7) Xem: Trần Thiện-Đạo, Một vì sao rụng – Augusto Roa Bastos (E-van, ngày 20/04/2005).
(8) Karl Marx (1818-1883) nhặt lại í này, còn Friedrich Engels (1820-1896) nhiều thông tin khác do Flora Tristán đăng tải trước đó mà không hề nhắc tên bà. Họ không hề nghe biết hoạt động và đọc kí sự của bà chăng? Hay muốn dành lấy như do chính mình sốt dẻo nghĩ ra?
(9) Mượn chữ và í của Nguyễn Khắc Phê. Xem: Nguyễn Khắc Phê, Biết đâu điạ ngục thiên đường (Nxb Phụ nữ - 2010): chứng từ một thời kì lịch sử oan khiên qua chuyện kể gia đình. Nhan đề rút gọn câu Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766-1820).
(10) Xem : Trần Thiện-Đạo, J.M. Gustave Le Clézio – Nhà văn lữ thứ (Hợp lưu, số 102, tháng 9 & 10/2008; Thể thao và Văn hóa cuối tuần, số 42, 17-23/10/2008), và Nhận định hay bừa phứa (Hợp lưu, số 103, tháng 1 & 2/2009).
 
 
Giải văn chương Nobel 2010 – 2

MÓN NỢ CỦA MARIO VARGAS LLOSA

 Dưới đây là bài phỏng vấn nhà văn giải Nobel văn chương 2010 do nhà báo Pháp Olivier Guez thực hiện đăng trên tờ Le Monde (Thế giới) ra ngày 15/10/2010. Trong bài, Mario Vargas Llosa nhắc tới hoàn cảnh nghe tin mình trúng giải, nhứt là món nợ của mình trong nghiệp dĩ văn chương và tình hình chánh trị xã hội hiện thời ở châu Mĩ latin. Tựa đề bài phỏng vấn là của người dịch.

Hỏi: Trong hoàn cảnh nào ông nghe tin mình trúng giải?
Đáp: Vào khoảng 5 giờ rưỡi sáng ở New York, nơi tôi trú ngụ hiện nay trong thời gian 6 tháng. Đang ngồi trước bàn viết đã nửa giờ, thì vợ tôi bỗng xán lại, vẻ mặt lạ lùng. Tôi đâm hoảng, chắc có tai biến gì đây. Nhưng bà bảo là có ông nào gọi điện muốn nói chuyện với tôi. Tôi cầm lấy máy, nghe có tiếng rầm rì đằng sau người nói tự xưng là thành viên viện hàn lâm Thụy điển. Chưa nói chuyện gì thì bị cúp. Ông ta lại gọi, lần này chuyển lời cho ông thư kí trường kì của viện hàn lâm báo cho tôi biết giải văn chương Nobel năm nay vừa được trao tặng cho tôi và tin này sẽ chánh thức công bố nội trong 14 phút sắp tới.
Hỏi: Ông nghĩ gì và nghĩ tới ai sau đó?
Đáp: Tôi lấy làm ngạc nhiên hết sức. Khó mà tưởng tượng nổi, bối rối vô cùng! Nhưng ngay liền sau đó khi tin được chánh thức công bố, khởi sự bùng lên một cuộc náo động khủng khiếp, điên loạn, chóng mặt: điện thoại liên tục réo gọi, khách khứa lũ lượt kéo nhau tới chúc mừng, gia quyến, bạn bè, đến mức tôi chẳng còn biết mình là ai nữa.
 Rồi tôi nghĩ tới những gì đã khởi đầu để dẫn đến ngày hôm nay: tôi thấy mình hồi lên năm đi học i tờ ở Bolivia và như một chiếc đũa thần mấy chữ này đã biến đổi đời mình và mở mang trí óc của mình đến mức nào. Tôi nghĩ tới má tôi ngày đêm đọc sách, lúc nào cũng động viên mình, giá còn sống thì chắc vui mừng rộn rã. Tôi nhớ lại thời trai trẻ khó khăn trong trường quân sự, lúc tôi nhận thấy mình muốn làm nhà văn, muốn hiến trọn đời mình cho chữ nghĩa, muốn sống bằng ngòi viết, một điều hoàn toàn không thể có, nhứt là ở Pêru, một nước coi văn chương như một thứ trò chơi dành để đỡ buồn trong những ngày rảnh việc mưa gió. Tôi cũng nghĩ tới ông cậu Luis Lucho, con người tuyệt vời đã đôn đốc tôi dấn thân đeo đuổi chí hướng của mình, bảo rằng không thôi thì sẽ đau khổ suốt đời. Còn hai người nữa, là: ông Carlos Barral, nhà xuất bản đầu tiên của mình, đã bất chấp lưới kiểm duyệt dưới thời Franco dám cho phát hành tác phẩm đầu tay La ciuda y los perros (Thành phố và lũ cầy tơ – 1963) của mình, và bà Carmen Barcells, nhà mô giới văn học, đã đổ rất nhiều công sức phổ biến tác phẩm của tôi. Và sau họ, tất nhiên là tới văn chương chữ nghĩa, tới niềm say mê của mình, tới phần thưởng phi thường mà văn chương chữ nghĩa trao tặng cho mình, nhờ đâu mà mình hưởng được những giây phút tuyệt trần trên cõi đời này, nó còn dâng hiến cho tôi bao nhiêu là giấc mơ, cung ứng cho tôi vô ngần khoảnh khắc cảm khoái tràn trề. Và cùng với cái may đó, tôi còn có thêm cái may nữa là được dành trọn thời gian cho văn chương chữ nghĩa.
Hỏi: Những nhà văn lớn nào đã gây hứng cho ông?
Đáp: Jules Verne, Victor Hugo, Alexandre Dumas. Họ giúp tôi rất nhiều, nhứt là hồi mới tập tễnh viết văn. Tôi rất thích văn chương thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX: thường xuyên đọc đi đọc lại Thomas Mann mà không khi nào thất vọng, đặc biệt cuốn Der Zauberberg (Ngọn núi huyền bí), một thánh đường chữ nghĩa cao vút. Các cuốn Quỉ sứ của Doxtoeivxki, Chiến tranh và Hòa bình của Tolxtoï, Moby Dick của Melville, Madame Bovary, tất nhiên, của đại văn hào Flaubert, nhà văn đã dạy tôi đủ điều hữu ích – lúc nào tôi cũng có các tác phẩm này trong tầm tay. Còn Faulkner nữa có ảnh hưởng sâu đậm và cả Malraux, Malraux của tác phẩm Thân phận con người, dưới mắt tôi là một nhà văn cực lớn nhưng không được nhìn nhận như vậy vì lí do chánh trị. Tôi nhớ hồi còn là một nhà báo trẻ ở Paris, vào những năm 60 thế kỉ trước, mỗi bài diễn văn ông đọc là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt diệu.
Hỏi: Sánh với các khôi nguyên giải Nobel mấy năm qua, ông thuộc hạng tự do tuyệt đối. Dưới mắt viện hàn lâm Thụy điển, chẳng điển hình chút nào…
 Đáp: Đúng thế, từ hơn bốn chục năm nay tôi cứ đòi được nhìn nhận như vậy. Cho tới cú điện thoại đặc biệt vừa rồi, tôi cứ đinh ninh rằng nhà văn nào mà thuộc dòng tự do tuyệt đối nhứt định không có cơ đoạt giải Nobel. Một trong những lí do khiến tôi nghĩ là mình không thế nào được giải, rằng mình là kẻ luôn bị trù dập, hoạt động báo chí và thời gian làm chánh trị đã lôi kéo tôi, thường là ngoài í muốn, vào nhiều tranh cãi. Thì ra tôi đã lầm!
Hỏi: Giải văn chương Nobel ông vừa đoạt có í nghĩa gì cho Nam Mĩ?
Đáp: Tôi hi vọng nó sẽ khích lệ các nhà tranh đấu cho dân chủ và tự do – kinh tế, chánh trị, văn hóa…-, điều mà tôi hằng mong mỏi và hoạt động không ngừng nghỉ từ mấy thập niên qua ít nhứt là hai tuần một lần trên trang sách trang báo. Tôi luôn luôn chống mọi hình thức chuyên chế chuyên quyền, khuynh hữu hay khuynh tả. Nhưng cũng nên nói rằng, mặc dầu vẫn còn phải đối đầu với nhiều vấn đề, Nam Mĩ hiện nay đang đi trên con đường hướng tới dân chủ, chỉ còn mỗi một nước độc tài – Cuba – và vài nước ‘’nửa-độc-tài’’ như Venezuela của ông Chavez hay Nicaragoa…Cánh tả đã chuyển Nam Mĩ theo đường hướng dân chủ và dân chủ xã hội, mở cửa thị trường như ở Chilê, Brazil và Uruguay, còn cánh hữu thì cũng dân chủ chẳng kém, một điều vô cùng mới mẻ ở lục địa Nam Mĩ.
Hỏi: Ông viết văn theo dạng đầu thế?
Đáp: Tôi dĩ nhiên là một nhà văn dấn thân trong xã hội, nhưng vẫn cho rằng văn chương và tiểu thuyết không thể bó mình chịu trận cho chánh trị trực tiếp chỉ đạo. Tuyên truyền chẳng khi nào ăn cánh với tinh thần sáng tạo.
 Hỏi: Ông sắp cho xuất bản một truyện mới tiếng Tâybannha trong tháng tới, xin ông cho biết đề tài của nó là gì.
 Đáp: Đó là cuốn Giấc mơ của anh chàng gốc Celte. Nhơn vật chánh là Roger Casement, người xứ Áinhĩlan đã thâu thập trước tiên các tài liệu chứng thực tội ác tày trời đã tàn hại xứ Côngô thuộc Bỉ và hành vi tiêu diệt thổ dân da đỏ ở miền Amazonie bị bọn chiếm đất trồng cao su sát hại vào đầu thế kỉ XX. Casement bấy giờ là bạn thâm giao với Conrad, đã giúp nhà văn này viết cuốn Giữa nơi tăm tối. Tôi đã sang Cônggô để sửa soạn cuốn sách, một kinh nghiệm quả thật kinh khủng.

TRẦN THIỆN - ĐẠO chuyển dịch
(Paris 16/10/2010) 
 
 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 101879)
... T iếng khóc thút thít hiền lành. Tiếng khóc của Toàn thời thơ ấu. Cánh cửa sổ mở rộng, không có chút nắng nào. Tôi nhìn bầu trời, màu trời đục lờ lợ. Đột nhiên tôi nhớ lại tất cả, nhớ từng chi tiết thật kỹ càng. Nhớ từ lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên gặp hải tặc cho đến lúc Toàn hãm tôi mới đây. Nhớ cả câu nói của người lính thủy bị bắn. Nhưng mà... Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà! Tôi gục xuống, Toàn quay lại mặt đầy thẹo. Vết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 104417)
... Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người...
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 127526)
Thiên nhiên vừa khe khẽ đặt xuống con như viên sỏi trắng tinh khôi trên bãi cát bình an ấm áp viên sỏi cười với ánh mặt trời
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96488)
Hư cấu trên năm, bẩy mảnh đời cóp nhặt tạo ra những nhân vật của truyện ngắn này. Chúng không là những người bằng xương bằng thịt, tức có thật, hoặc tưởng là mình có thật, kể cả (và nhất là) nhân vật mang danh xưng Tôi trong truyện. Tôi, phần não phải, nơi điều hành tâm và tình, trong truyện này mâu thuẫn với phần não trái, nhân vật tên Th, mang chức năng sai khiến lý tính. Khi mâu thuẫn biện chứng - lý và tình - bế tắc, thực tại mang tính định mệnh, một loại tổng hợp mang nét ngẫu nhiên, có người cho đó chính là chữ Duyên trong Phật pháp. Tác giả nói quanh, xin lỗi bạn. Có lẽ bạn muốn xem hắn kể chuyện thế nào cho thành truyện, thời giờ đâu mà viển vông.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 103928)
Ở Trung Quốc, màu đỏ có thể được nhìn như màu trắng. Hoặc không màu? Khi mà tất thảy đều mang sắc đỏ, con người ta bị mù màu tạm thời. Nhìn cái gì cũng thấy xanh biếc. Trong veo. Chẳng biết vì sao trâu bò thường rất căm ghét màu đỏ? Trăn cũng vậy? Nó có thấy trong veo và xanh biếc? Không giống với môi trường mà nó đang sống? Phải liều chết tranh đấu với con người để tìm lại chỗ của mình? Đấu bò? Có lẽ vì thế Trung Quốc không thể chơi môn thể thao này? Nhưng mặc áo đỏ ở Trung Quốc? Chẳng làm ai bận tâm. Chỉ như quả ớt chín ném thêm vào hũ tương ớt.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 121236)
Sáng sớm qua sông hái bông điên điển Áo sẽ thơm mùi cỏ dại hoa đồng Khi đêm về lòng nhớ mênh mông Tâm xanh biếc cả khung trời cao rộng.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 120930)
Lần đầu tiên đến Hà Nội, hẳn bất kỳ ai, nhìn thấy điều gì cũng dễ dàng xúc động, cũng làm gợi nhớ đến những hình ảnh bàng bạc trong ký ức đã gặp gỡ ở tiểu thuyết, thơ ca... Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 126306)
Đêm qua anh mơ thấy biển Sóng êm đềm liếm gót chân em Gió lao xao rụng nhành dương liễu Em nhặt vội vàng xõa mớ tóc xanh Giá như mặt trời đứng yên trên biển Chắc kịp buổi anh về.
26 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 128635)
Hãy ra chỗ Thúy Tân Định lấy chai Chivas về quán Đò Đưa trên đường Trịnh Công Sơn rửa bảng tên sơn còn ướt cụng ly nhau mừng con đường mới ngồi quanh bàn có Phạm văn Đỉnh Toulouse Đinh Cường Virginia, Bửu Ý Huế cả Đặng Tiến vừa mổ tim Lê Khắc Cầm, Ngụy Ngữ…Sài gòn
25 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 101251)
Trên trang văn hóa báo Le Monde hôm nay có bài giới thiệu về một cuộc triển lãm ảnh của phóng viên ảnh chiến trường người Pháp Henri Huet về cuộc chiến tranh Việt Nam với Mỹ qua bài viết: "Chiến tranh Việt Nam : Những hình ảnh, bạn hữu và cái chết".