- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tay thở hơi người

17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94539)
hoaiziangduy_hl-content


 
Bạn có thấy đâu đó, người ta bày bán ba hình tượng ngồi riêng rẽ với hai bàn tay bịt kín hai mắt, bịt kín đôi tai, bịt kín miệng? Hay có lúc ba người ngồi chồng lên nhau theo thể hình tháp. Đứng nhìn lâu, có chút sảng khoái ở nghệ thuật mời chào. Nhưng đem về tập tành chủ nghĩa sống theo. Không thấy. Không nghe. Không nói. Bạn mới thấy nỗi niềm của từng nhịp thở ở đôi tay người.


Trước tiên người ta đẩy tôi ra chào trước. Hình thể tôi là một người nam, với hai tay bịt kín mắt. Đã bảo không muốn nhìn thấy gì cuộc đời nầy, sao lại phải đưa tôi vào thế tục? Chưa hết, độ hai ngày sau thì ông bạn tôi với hai tay bịt kín đôi tai, không nghe lý sự, nhưng mở mắt, lại đến trình diện. Chào hỏi thế nào, ông vẫn không nghe, như không có chút không khí nào dẫn truyền cái âm thanh đưa tới. Mãi đến ông bạn sau nầy ra đời đến nhập bọn với đôi tay bịt kín miệng. Tôi mới ngộ ra cái triết lý cuộc đời nầy. Chính mình không thấy người, mà cũng không thấy ta.
Nói lòng vòng tới lui, bộ ba chúng tôi là ba hình tượng không thấy, không nghe, không nói. Cái thuở xa xưa, đời tam hoàng rồi đến thời nhiễu nhương ốm đau loạn lạc. Người ta chung hưởng niềm vui, chúc tụng nhau bằng ba ông Phước, Lộc, Thọ trong nhà trong cửa, yên ấm niềm tin. Và rôì trong thời buổi hôm nay ở thị trường chứng khoán lên xuống. Cha đẻ chúng tôi, hay nói rõ ra, anh chàng tuổi trung niên, áo quần nghiêm chỉnh, là nghệ sĩ, nhưng không chút bụi đời, đã tạo ra một lúc ba anh em tôi trình diện đời thường. Cái công trình nầy tôi là người chứng kiến (dù hai tay bịt mắt), loại nghệ sĩ như anh không phải sống cho mình. Anh làm ra hình tượng cung cách triết lý để mị lấy niềm ngưỡng mộ nghệ thuật. Nhưng đàng sau anh, người thuê mướn anh làm công việc tim óc đầy tính sáng tạo nầy, lại là người chủ nhân tiếp cận thị trường. Có điều, phác hoạ ban đầu vẫn là người nam, chứ không hình nữ. Theo anh, bước tiên phong của nghệ thuật vị nhân sinh nầy. Hình ảnh người đàn ông đơn giản, trầm mặc, chân thật, có chiều sâu hơn. Nắn tượng nữ nhân cần thiết ở nhan sắc, đường nét thân thể, mẫu mã cho người chế độ ăn kiêng nhìn theo, hấp dẫn như người mẫu thời trang, hay miss university cuốn hút kiêu sa. Là vậy, cho nên khi được ưu tiên về phái tính, bọn đàn ông từ đất liền lục địa, vui vẻ dắt dìu nhau ra xứ người. Nói theo triết lý nhân gian. Hình ảnh chúng tôi là biểu tượng cần thiết, cho nghệ thuật sống biết người biết ta, biết lúc, biết thời. Khổ nổi mỗi phong cách chúng tôi, nếu nhìn theo chiều hướng khác, như một mệnh nghiệp. Dưới mắt đời thường, mỗi người mang một thương tật đối diện cuộc đời.

Ngày đầu tiên ra mắt ở buổi cuối tuần. Khi nhìn chúng tôi ở quầy trưng bày. Tiếng cô gái nói với người tình về tôi.
- Anh thấy hình nầy không ?.
- Thấy có vẻ rầu quá. Người đàn ông nói
- Không đâu, nghệ thuật sống đấy. Cô gái trả lời.
- Làm cái gì vậy?
- Thì bịt kín mắt, khỏi nhìn thấy cho khoẻ thân
- Kể cả cái gần muốn nhìn, cũng không nhìn hả?.
Nghe cô nói mà tôi sướng cả lòng. Biết bao người bịt mắt như tôi, đâu cần nhìn cũng tưởng được cái e ấp của trăm thân xác con người khoe của, ra mắt đại gia để kiếm tấm chồng xứ người. Đôi khi nhãn không thấy, nhưng nhĩ tinh thông lại đoán được cái chất giọng để biết con người đối diện, thật tình hay khoe khoang gạt gẫm. Nhưng rồi người đưa chúng tôi về nhà, không phải đôi vợ chồng son ngắm nghiá ban đầu. Cơ duyên từ người đàn ông bên cạnh, đứng nghe đối đáp tình cờ. Ba chúng tôi theo anh chàng về nhà, trang trọng ngồi trên cái kệ đặt ở phòng khách. Mỗi ngày tôi nghe ông bạn kề bên báo cáo ít nhất một lần, nhiều lần, lúc anh chàng đờ đẫn nhìn chúng tôi. Hình như anh muốn nhập tâm cái chủ thuyết ba không vào đời sống, con người mình.
Nghĩ cái gì vây? Hỏi nhưng không có tiếng trả lời ở đồng bọn.
Còn thâý hay không, tôi cả quyết không bỏ tay bụm mắt xuống.
Kể từ ngày bước ra chốn hồng trần, kề cận bên lúc nào cũng có hai người cho đủ bộ tam sên. Nhìn bên ngoài tưởng có vẻ kết đoàn, đừng nghĩ lầm ý bên trong theo dõi. Không có gì hết. Cái may mắn khi ra thị trường, bộ ba được tôn vinh học thuyết sống làm người. Chính vậy chúng tôi không muốn thua lẫn nhau, kiên quyết giữ vững lập trường ba không, mỗi người tự một không với chính mình.
Người bạn nhỏ cùng chúng tôi trong nhà, thật tội nghiệp. Đúng là mỗi người một phận số, khi nghe qua mấy lời tâm tình gia cảnh. Thì ra kể từ ngày vợ mất việc làm, sau kỳ nghỉ vacation . Kế đến anh cũng mất nhà vì thiếu hụt tài chánh. Cho nên để thích ứng với hiện tại. Một người làm nuôi ba miệng ăn lớn nhỏ, thêm chi phí tiền gởi trẻ. Anh kế hoạch, lấy tiền nuôi tình. Trước hết mỗi người tự hy sinh bản thân. Chương trình đưa ra bàn bạc. Vợ con lên máy bay về quê hương. Sống mướn nhà, mướn thêm người giúp việc. Con đi học trường mẫu giáo ( bên đó gọi là trường mẫu giáo quốc tế) nói tiếng Anh, như sống ở nước ngoài. Về nhà, qua lại hàng xóm nói tiếng Việt, khỏi sợ quên tiếng mẹ đẻ. Bên nầy anh cấp dưỡng hàng tháng, vẫn rẻ hơn anh phải làm chủ một gia đình có nhà. Làm người, nhất là tình nghĩa phu thê, xa vắng ai lại không buồn, nhưng biết sao hơn. Chỉ mong kinh tế khá hơn, có nhiều việc làm, trở về sống đoàn tụ. Bao lâu, hay còn lâu hơn nữa thì tính sau. Vợ lo mất nhà, mất credit. Anh an ủi, cái ngày anh cưới em có credit gì đâu, lúc chưa có bảo hiểm sức khoẻ, vẫn sống, vẫn có tình yêu, hạnh phúc gia đình.
Ông bạn kề bên cả ngày bịt kín lấy đôi tai, đêm mấy lần bỏ xuống, có trời mà biết. Ông ra vẻ bàng quan thế sự, tự cho mình cao hơn tôi một cấp, như thể chúng ta chia ra ba bậc cao, trung, hạ trí. Cái tình anh em ruột thịt chung một tác giả còn vậy, Huống gì ở ngoài tụ lại. Làm sao không có lớp lang tranh giành lớn nhỏ. Ai chỉ huy ai? Ông thấy rất rõ, giả đò bịt tai không nghe. Thật ra theo tôi. Nói không phải suy bụng ta ra bụng người. Ông lại nghe nhiều chuyện kín hơn ai hết.
Chuyện gì vậy?
Chuyện trong sở anh chàng đó.
Lúc Monika đưa điện thoại cầm tay đang nói dở dang cho Mark. Tôi không tin đó là thật. Không biết đầu dây bên kia cô nàng nói tiếng Anh thế nào. Mark mừng rỡ, nói chậm, hình như cho dễ hiểu trong cuộc đối thoại. Khung cảnh diễn ra thật nhanh gọn, sau lời giới thiệu mấy phút trước đó. Trả điện thoại lại cho Monick. Mark nói cho người chung quanh đang nghe ngóng. Cô em muốn gặp mặt càng sớm càng tốt, Monik cười phân bua với mấy người Việt làm gần. Vậy là xong. Cuộc mai mối thật chớp nhoáng. Anh chàng người Mỹ thứ thiệt, chứ không phải người Việt mang tên Mỹ như cô Monick. Vậy là Mark bốn mươi bốn tuổi, mắc câu cô cháu gái Monick, hai mươi bốn tuổi đang ở Việt nam muốn sang Hoa Kỳ.
Tự dưng. Người bịt mắt là tôi, nghe xong thấy khó chiụ, áy náy. Sao người ta dễ dàng lấy nhau vậy? Tình yêu chỉ thoáng qua qua điện thoại, chỉ cần được ra đi, phó mặc ngày mai thế nào. Cái thuở thời tôi. Trai gái quen nhau, chưa dám nắm tay, nói gì đến chuyện hôn nhau, hôn nhân. Cuộc đời với họ thật nhỏ nhoi vô nghĩa, thân xác tình tự coi như chuyện bình thường. Hay chính mình tự hỏi. Mình không có tình yêu nên không biết. Mắt bị tay che có ai thấy đâu, để lọt vào mắt xanh của giai nhân nào.
 Một người chắt lưỡi, sao nhanh vậy. Cô bạn nhỏ đứng gần, góp lời. Còn đỡ hơn mấy dịch vụ khảo sát trinh tiết, lo tiền mới được bán đi làm vợ người nước ngoài. Nghe mà tưởng như ở trong nước là không sống được, cá ra ngoài mới có nước cá lội. Mà biết đâu đó là thật.
Thêm mấy lời an ủi. Dẫu sao gần với nhân vật, biết ít nhiều về họ, đở hơn là không biết.
Thật ra có biết rõ gì đâu. Đàn ông như Mark hơn bốn mươi tuổi đầu mà chưa có người yêu hay cặp kè mới là chuyện lạ. Mark lúc nào cũng có cái nón trên đầu. Cái tính anh thích phục vụ bằng cách mua thức ăn nhiều phần để sẵn, mời người khác ăn. Ai trả tiền Mark nhận. Không đưa, ăn cho sướng miệng, chả sao. Mark vui vẻ như thể làm ra tiền, phải chi tiền bớt cho thiên hạ. Nào hỏi trước, ăn không? Order rồi đi lấy về, hay sẵn một công, hai chuyện?. Nào soạn nhạc, băng, dĩa cho mượn, phim người lớn, phim hoạt họa Mark có đủ cả. Nói chung ai cũng nghĩ Mark là người tốt bụng. Lúc đầu tôi tưởng anh chàng nầy có đạo, thích làm phước kiểu mấy ông bà già hồi trước. Nhưng sau, với mấy chiêu diễn ra đi kèm, không biết hắn muốn giở trò khỉ gì? Nghĩ đến trò khỉ, thì y như rằng.
Một hôm Mark xuất hiện đầu giờ làm, đi lòng vòng, đội nhiều nón đặt chồng lên nhau, thêm con khỉ nhồi bông tay chân khẳng khiu quấn lưng. Hắn thích làm trò, lần nâỳ, lần sau thay đổi cách diễn. Có điều không bình thường ở hắn ta chăng? Và như vậy cái tên phát âm chữ Mark nâỳ, hẳn phải gắn liền chữ Mác dây của âm tiếng Việt? Một lần hắn ta vấp ngã, cái nón trên đầu rơi xuống, mới thâý cái đầu hói. Đầu hói là chuyện bình thường ở xứ nầy, tắm nước nóng thì hay bị rụng, bị hói. Nhưng cái đầu hói của Mark trông dễ sợ ở nước da trắng xanh, lâu ngày bị đậy kín, thiếu không khí, thiếu ánh sáng cho da để thở. Tôi so với một lần, nhìn thâý mình con chuột cống lột da, luộc trong cái lon guigoz mà phát khiếp.
 Mẫu người đàn ông không lấy gì đẹp trai lắm, không hiểu sao đối tượng bên nhà vừa nói ra, chưa thấy mặt là đã chịu liền. Như vậy phải nói là nàng Monick ở đây chọn dùm mới đúng. Nồi nào úp vung nấy? Nồi chưa vào khuôn, nhưng nấp đậy đã sẵn sàng.
Trước đây không nghe Mark nhắc chuyện đàn bà, bảo là không thích. Vậy mà bây giờ Monick đưa hình cho coi, hắn ta ok liền.
Chuyện thấy lạ, thật ra cũng không lạ. Bởi cháu rể Mỹ và dì mai mối đều cà tửng như nhau. Monick tính khí muốn nói gì thì nói, chỉ có mối tình hờ mà thật, chung chăn với anh chàng người Ấn trong nầy hơn mười năm qua, đồng nghiệp nào cũng biết. Mối tình vào sở làm như chim liền cánh, cây liền cành, quá quen thuộc. Thấy khó chiụ năm đầu, năm sau thấy dễ, mười năm sau dễ hơn chuyện bình thường. Đèn nhà ai nấy sáng.
 Mọi người biết, chồng Monick cũng biết. Khi người đàn bà đã yêu đã sống liều với tình yêu, thì người đàn ông đâm kẹt. Hoặc làm nam nhi đại trượng phu xảy ra án mạng tù tội, hoặc chấp nhận ly dị. Lý lẽ nầy cô em chồng Monick cho hay. Anh mình đã từng quì dưới chân kiều nữ, van xin hồi tâm trở về. Mấy lần không xong, đành nhẫn nhục dùng chung, khỏi phải tốn tiền cấp dưỡng khi ly dị. Tưởng mẹ vậy, con cũng một chèo. Nhưng không, có gặp trẻ nhà Monick mới biết. Nàng dạy con lễ phép, lo cho chúng từng chút một. Có điều yêu thương chăn gối cho bản thân, thì cùng lúc hai người đàn ông mới thỏa. Bên nào nhiều ít, nặng nhẹ, chấp nhận hết không tính lỗ lã. Chỉ có anh chàng Ấn thì lời cả vợ nhà, lẫn bồ sở. Có người nói chắc thằng nầy bản lãnh, đầy đủ kỹ thuật Sumatra. Nó không nhàm chán cô nàng, vậy thời Monick cũng điệu nghệ không vừa. Nghe qua, thử nghĩ mà xem, xứ sở tự do nầy cái gì lại không thể xảy ra?.
Chuyện hứa hẹn tưởng chơi, Mark tiến tới thật. Anh đồng ý chi phí đi về, làm thủ tục cưới hỏi. Dì Monick ra điều kiện, về bên đó, đêm hai người không được ngủ chung, theo truyền thống lễ giáo. Chờ qua đây, sau lễ cưới mới được phép. Thấy Mark cười mỉm chi, như thể không ngủ chung ban đêm thì ngủ chung ban ngày có sao.
Chuyện xảy ra trước mắt Bình, là người đem ba pho tượng chúng tôi về. Bình có chút ngẩn ngơ. Một người đi, một người về, như câu hát! Thấy tủi buồn cho hoàn cảnh mình, khi nghĩ giờ nâỳ nơi chốn xa nửa vòng trái đất, vợ con anh một thân một mình. Anh nhớ hai đứa nhỏ quá.
 Bình bước lại gần Monick đang đưa hàng vào máy. Lúc nầy là lúc anh có cảm tình với những ai về quê hương, hỏi thăm chuyện người mà thấy gần gũi tình cảm ở mình.
- Tuần tới Mark về VN thật hả? Chuẩn bị chưa, mau vậy?
- Có khó gì, một cú phone là xong.
- Cô cháu thế nào mà không lấy chồng bên đó.
- Anh hỏi khó nói quá.
- Tuổi nầy mà không có người yêu?
Monick có vẻ ngần ngừ. Thấy có người tình Ấn Độ kề bên, sợ hiểu lầm, Bình tránh nói tiếng Việt. Nhịn không lâu, Monick thẳng thừng.
- Bên đó, nó có chịu kép nào đâu, bà chị tôi sợ cái vụ đó quá, qua đây rồi duyên ai nấy gặp, biết đâu ở xứ sở nầy, con người nó đổi hệ lại theo thời tiết.
- Cô cháu làm gì bên đó?
- Thì cái gì làm được để sống là làm.
- Tiếng Anh cũng khá hả?
- Học đại học rồi, không có tay trong thì không xin làm hãng ngoại được.
- Biết chọn lựa nầy có hạnh phúc không, sao vội vàng vậy?
- Qua được cái đã, còn tụi nó có ăn nằm được hay không, tính sau.
- Có gì bí ẩn trong nầy?
- Chuyện thầm kín mà, vào cuộc mới biết.
Vậy đó suốt cả câu chuyện dài, tóm lược như nội dung truyện tình cực ngắn. Không biết ông bạn bịt đôi tai có nghe lỏm được chút nào không? Thấy thái độ ông có vẻ ung dung tự tại, như thể là chuyện thường tình cười mỉm.
 Nghe không ông bạn? Tôi hỏi dò tình hình. Làm sao biết là ông không nghe?
Không có tiếng trả lời.
Ông không nói thì làm sao có âm vọng để nghe.
Phần Mark, anh hí hửng chờ hai tuần tới ra đi, cùng người mai mối. Trước hết anh để ảnh cô vợ sắp cưới sau một ngày đính hôn, trên chỗ anh làm. Hình chụp cô bé cũng xinh, tóc cắt ngắn, ngổ ngáo. Mark lên kế hoạch về sau, nghĩa là bán nhà, xin thuyên chuyển về miền quê , ít người lui tới. Hắn nói đó mới là chốn yên thân, cắt đứt mọi liên lạc quan hệ, chỉ còn có hai người, mấy hệ cũng thành một hệ.
Nghe qua, Bình tưởng tượng đến nỗi cô độc ở người con gái buổi đầu đến xứ người, rồi đây hào quang mơ mộng biến mất.. Đoạn đường chiến binh nầy ai không trải qua. Thôi thì duyên ai nấy gặp, mệnh số đương thời có khác gì những lo toan, không gì là của mình trong xã hội nầy.
Ý nghĩ cuối của Bình, coi vậy mà đúng ý cái tượng người bịt miệng nầy quá. Như thường lệ, lúc mà Bình ngẩn ngơ nhìn lấy ba chúng tôi, ông bạn thứ ba bên cạnh tôi lại gật gù, như thể có đồng minh. Ông không nói, hai tay còn bịt miệng như sợ người ngoài nhìn vào, hiểu là ông không thể nói.
 Không tự nhận mình là ta, ta không làm, không nhìn, không nghe, không nói. Tất cả không phải là ta. Bởi nếu là ta, ta đâu muốn làm cho đời mình đau khổ. Nếu là ta. Ta đâu muốn làm những oan khiên trái ý đến với cuộc sống mình. Trong ta lại không có ta. Không có gì hết.
Đoán biết cái luận thuyết lòng vòng, khi ông che miệng cuời. Tôi bịt mắt vẫn thấy hành động của ông. Chỉ tiếc cái ông bạn bịt tai không nghe. Chuyện cần nghe lại không nghe, giương mắt nhìn trân. Như thể cuộc đời nầy ông chưa từng đưa mắt nhìn trộm. Trong ba chúng tôi. Ông bạn bịt miệng không nói, là người có khả năng lưu loát nhất, bởi lúc ban đầu tạo ra ông. Người nghệ sĩ đã cho ông vấp cà lăm trước, cho ông chua chát với lời đàm tiếu, chỉ trích chê bai, trước khi đưa tay bịt miệng, thề với lòng không nói.
 Không nói là không nói to, chứ nói nhỏ, nói thầm một mình ông nghe. Ai biết? Làm sao ông không hé một chút để thở?
 Ông là hiện thân của người nghệ sĩ tạo ra chúng tôi, trong lúc cái hình tượng bịt mắt ở tôi lại là nhân dáng của người chủ nhân gợi ý cho anh làm. Anh là người có tai để nghe, có mắt để thâý. Anh là người có hoài bão lớn, làm chính trị là chính mình làm để trị. Làm văn học hiện đại, là làm những bài thơ học văn. Càng siêu việt, bí hiểm càng tốt. Đã gọi là tự do trong thế giới tự do. Người viết không hiểu, làm gì người đọc hiểu?. Thử hỏi có ai lập lại, ngâm nga được gì khi đọc qua? Phải thật vô tư, lột xác ngôn ngữ, để rồi chính trong cái giao cảm của luồng tư tưởng “vô tư” đó. Người đọc cũng “vô tư” thưởng thức toàn phần, đọc để mà đọc. Tất cả là nỗi trống không, bận lòng chi nhớ tới.
Đối với anh, sống đời nghệ sĩ. Anh biết tự trọng không muốn người khác biết, buồn cái buồn dùm mình, thấy hoàn cảnh mình trong đời sống người khác. Do vậy khi chủ nhân muốn thực hiện cái đề tài nghệ thuật tạo hình. Anh đã gán ghép nhân dạng điệu bộ, người mà anh không muốn nhìn đó vào tôi, người với đôi tay bịt mắt. Anh không muốn nhìn người chủ hay không muốn chủ nhân thấy được anh. Anh cho bịt mắt, sản sinh biết bao người bịt kín đôi mắt, đưa ra thị trường, đưa đi ta bà khắp nơi Âu, Á, Phi châu, phố phường, ngõ hẻm, thị tứ thế giới đại đồng.
 Chính tôi là người trong cuộc sản sinh, mới hiểu được anh. Vả lại, trên bàn tròn họ muốn đưa người bịt mắt ra trước. Làm như vậy anh mới đưa tiếp người bịt đôi tai, khỏi nghe lời chỉ trích phê phán cá nhân mình.
 Không cho nghe, là phải nghe một chiều khi đưa mắt nhìn. Đã không nghe là làm những chuyện lầm lẫn, hay khá hơn là hiểu lầm, ngộ nhận.
 Bịt kín lấy đôi tai khỏi nghe tình nức nở. Một câu thơ anh ngâm nga trong phút bốc đồng sáng tạo ra ba anh em chúng tôi. Tự mình nói tốt cho mình. Có phải là hạnh phúc hơn chăng?
Lấy ví dụ ở Bình, cái anh chàng khốn khổ nhà cửa ly tán vợ con. Người có tâm hồn văn nghệ, mới đưa đón chúng tôi về trang trí trưng bày, sống với chủ nghĩa bình thân. Khi người ta mệt mỏi, họ muốn nhìn chúng tôi, an ủi cho cái lý bảo hòa. Bây giờ đây một căn phòng nhỏ trú ngụ trong một căn nhà lớn. Anh thu mình lại như xã hội đợi chờ vươn mình đứng dậy. Không thấy, không nghe, không nói. Cứ bình tâm mà sống. Như con ngựa bịt lấy đôi mắt, không nhìn nghiêng ngửa, không có tiếng hí. Con ngựa của anh hùng ngã ngựa.
Đêm nay khi anh về, đậu xe ở trước đường, băng qua nhà. Anh dừng lại lắng nghe tiếng hót của một loài chim rất lạ. Chưa bao giờ ở thành phố trên xứ Mỹ, anh được nghe một giọng điệu của chim lúc nửa đêm như thế nầy. Không dưng, anh hồi tưởng ở quê nhà thuở ấu thời bên hàng cây, bóng khuất. Mới đây hơn mấy chục năm qua, sống nơi xứ người, vợ muộn, con nhỏ, bao nghịch cảnh khó khăn đương đầu, rồi cũng qua đi. Hôm nay còn, mai mất. Ai cũng hiểu điều đó, nhưng ở đây thật tình mà nói, không có gì là của mình, giữ cho mình, ngoài một tấm lòng thiết tha chân thật. Cuộc sống anh đơn độc, kể từ ngày cha anh nằm xuống trước khi chiến tranh kết thúc. Anh lớn lên ở một đời sống mới thiếu thốn mọi mặt. Vì kinh tế gia đình, lý lịch xã hội. Anh đã trải qua năm tháng thanh niên xung phong ở Bình Long với rừng cao su, trồng cây cạo mủ. Ở đó anh đã gặp những người di dân từ miền xa đến, tất cả hòa nhập trong cuộc sống lao động cực khổ, lý tưởng nói theo lời dạy rập khuôn. Cho đến ngày mẹ gọi, anh trốn về. Cha anh, người lính không cấp bậc, mồ mả người chiến sĩ vô danh bị san bằng. Tiếng chim hót ngày đó. Tiếng chim hót lạ kỳ chỉ có tình thân, chỉ có nỗi cô độc không biết mặt, mới cảm thông được tâm trạng của người đứng trong nghĩa trang lạnh lẽo tiêu điều. Qua rồi năm tháng cũ. Kể từ ngày anh xuống con đò nhỏ ra khơi, hòa vào giòng nước lớn. Qua rồi tình thân người mẹ khuất đi. Mẹ chọn lựa tự do cho con ở phương trời xa, hơn là tham dự vào cuộc chiến trang láng giềng. Cuộc chiến mà ở thời nào, mẹ cũng không muốn đợi chờ, chịu đựng đau khổ, như ngày xưa mẹ đã mất chồng.

Bây giờ nghe lại tiếng chim kêu, chạnh nhớ về tình hoài hương thời cũ. Tưởng rằng đã quên, đôi khi đánh thức thật tình cờ, cái sâu thẳm che dấu ngủ quên. Cho nên khi nhìn thâý ba hình tượng. Anh thấy lý thú thật lòng. Anh muốn gởi gắm với vợ anh điều đó nơi chốn tạm dung quê nhà. Sống là sống vậy để yên thân. Nhưng chắc gì vợ anh hiểu. Người vợ trẻ chỉ sống với thực tế nuôi con. Còn giữ lại đây. Hình tượng chỉ là phù phiếm trong đời sống thực nầy.
Nghe anh bạn trẻ tâm sự, phê bình. Bộ ba chúng tôi đòi hỏi được để tay xuống. Hai bàn tay trong tư thế bất động nầy, đã hàng bao lâu. Một, hai, ba năm như bạn nhìn thấy ở nơi nào đó, có chúng tôi xuất hiện. Cứ tưởng tượng, làm một công việc cùng một thao tác mỗi ngày, mỗi buổi, mỗi năm hay cả một đời để được lãnh lương theo nghề nghiệp. Bạn không thấy thích thú, huống gì ở chúng tôi?
 Mỗi một hình tượng cứ tạm cho là một chủ thuyết sống, theo cách nhìn, quan niệm của mỗi người. Người nghệ sĩ tạo ra chúng tôi. Anh ấy chỉ với một lý thuyết suông, bắt chúng tôi làm. Người tạo ra không làm, không hiểu những khổ tâm chúng tôi nhận chịu. Không thấy được những bất mãn nội tại, những ấm ức khuyết tật trên hình hài. Do vậy đôi khi chúng tôi biết nhìn, biết nghe, biết nói, những điều không nên nhìn, không nên nghe, không nên nói. Lúc đó là lúc trong khoảnh khắc, chúng tôi không kềm hãm được chữ Nhẫn, để tay buông xuống trước khi trở lại vị thế cũ.
Nếu ở đời thường, bạn muốn tất cả thoải mái nhẹ nhàng, thì sao không để chúng tôi Buông. Khi cánh tay chúng tôi hạ xuống, chúng tôi trở thành một con người bình thường, đi đứng nằm ngôì, sống đời sống bạn, cùng chung một dòng đời. Tiếc thay cái anh chàng nghệ sĩ tạo hình bây giờ ở đâu?. Hắn còn hậu nhân tiếp tục những sáng tạo nào khác? Hay bây giờ chính người tạo ra chúng tôi, đã ra người thiên cổ. Vậy thời hỡi ôi, tai kiếp nầy một đời chúng tôi gánh chịu. Chỉ còn cách tuỳ theo mưa thuận gió hoà, đưa chúng tôi đi xa, đi thật xa. Khi mà cơ duyên gặp người đàn bà( chờ như trong chuyện thần tiên), một giống cái, một người nữ. Phải là người nữ, chỉ có giống cái mới trị được giống đực, theo luật âm dương, lồi, khuyết. Người nữ mới thực mang một bụng lý thuyết nói nhiều, đi đôi với thực tế, đánh đổi cái lý mà không thuyết ban đầu. Trời sanh người đàn bà có đầu óc lo toan gia đình nhà cửa, quét dọn. Một đầu óc nhìn gần, nhìn trước mặt. Chừng đó. Không nhìn thâý là người mù, không nghe thâý là người điếc, không nói được là người câm. Lúc đó cả ba chúng tôi trở thành những tượng người bất khiển dụng, sống với lòng xót thương của người chung quanh. Và với đất nước nầy, chúng tôi có quyền lợi, được hưởng trợ cấp tàn phế suốt đời. Còn bây giờ, phải đánh động lương tâm với ai, tiếng nói của những sinh vật bị bán buôn, những sản phẩm phục vụ đời thường

Câu chuyện đến đây, tiếc là không có đoạn kết. Cái bản thảo tìm thấy lúc mà từng tờ rời tứ tán, không biết cái còn lại đi về đâu.
Tôi, tác giả ký tên cuối bài. Đọc lại thấy truyện thì ngắn, nhưng kết cấu có nhiều nhân vật, nhiều tình tiết bỏ dở nửa chừng, như điều không thể, không ai sống biết ở ngày mai. Nhìn lại thực tại gần bên. Tôi nghĩ đến anh bạn láng giềng xa gần, rồi gần xa.
 Sao tôi phải dùng mấy danh từ đảo đi đảo lại nầy? Anh bạn tôi đề cập ở đây. Anh là người hoàn toàn trái ngược với ba hình ảnh đôi tay bịt kín trên. Anh thấy, biết, nghe nhiều chuyện, thích nói khi có người chịu nghe. Chỉ cần ngồi lại, nhàn nhã uống trà, uống bia. Điểm đặc biệt là anh không thích đi làm nhiều giờ, nhiều việc, nhiều tiền như người khác. Anh không muốn cực thân, không có ước vọng ham muốn, không cần gì cho tương lai bản thân mình. Anh sống tà tà qua tháng qua năm, một thân một mình. Hơn ba mươi năm trên xứ Mỹ, không vợ. Không thâý có mối tình, hay bóng dáng người đẹp nào anh đeo đuổi. Dạo trước kinh tế còn dễ thở, thở mạnh. Anh đi làm, có đủ trả tiền nhà khoảng ba tháng là anh nghỉ, đi kiếm bè bạn tâm tình chuyện đời, vui thú lấy thân mỗi ngày. Ở đâu anh cũng biết, cũng quen, cũng có giao tình thân thích. Ở đâu anh cũng dễ làm thân, làm khách cơm một buổi qua ngày. Sống qua ba tháng tiền nhà, anh ở lì tháng thứ tư, không đủ tiền trả nữa. Gia chủ nếu để ở thêm, càng kẹt, thôi thì xí xóa tháng thứ tư để anh đi nơi khác. Lúc nầy là lúc anh bắt đầu đi kiếm việc làm, làm bất cứ gì qua ngày để có tiền chi. Vậy rồi đủ ba tháng, anh lại lời một tháng thứ tư. Dần lân như vậy cả mấy chục năm anh sống thảnh thơi, không nghe nói tới chuyện gia đình, song thân ở đâu cả. Với anh, sứ xở nầy không sợ cái ăn, chỉ lo cái ở.
So với khát vọng của ba người với đôi tay bịt kín. Anh là người được tự do nhiều mặt, sống cho chính mình nhiều nhất. Vậy mà có thấy anh làm gì, lý tưởng gì?. Trong lúc tình cảm ở nhân vật nữ dạt dào tìm kiếm đàn ông, để có chỗ chở che nương tựa, thì ngược lại anh là người cô độc. Anh sống vừa đủ trong cái hạnh phúc nín thinh lặng lẽ, bình thường. Hay chính anh, anh cũng không biết mình có điều gì phải làm. Nếu quả thực như một nét dung dị tầm thường trong cuộc sống, thì hình ảnh, người thật, hay tượng người, cũng cùng một phận trong cảnh giới, nói dùm tác giả ở nghệ thuật tạo hình.
Tôi muốn tìm lấy anh, coi anh có đoạn kết cho chính đời sống mình chưa? Từ đó tôi sẽ xếp lại câu chuyện của ba pho tượng. Hay bạn viết tiếp dùm tôi, số phận ở năm tháng dài lâu, của những con người vui sướng, cùng khổ, giai cấp khác nhau. Bạn có thấy hư cấu quá chăng? Không đâu, rõ là mấy mảnh rời ở thực tế trước mặt. Những tiếng nói nầy ở đâu lẫn trong đời sống thật.?. Có bao giờ bạn nhận thức chính mình, sống đời sống mình, ở cõi người ta? Hay lúc nào cũng là cơn dĩ lở nuối tiếc thời gian qua. Huống chi đời người chỉ dài bằng một hơi thở ngắn.
Cứ tưởng trước mắt một khoảng trống không. Một khoảng trống, không chờ không đợi. Không còn gì. Không có gì hết? Nếu cảm nhận nhân vật từ tác phẩm bước ra cuộc đời sống chung cùng. Thì chờ chi không bắt tay cho xong phần cuối.
 
HOÀI ZIANG DUY
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 6419)
Ướt chùng lòng anh / Thềm mưa bụi / Con tàu lầm lũi vùng quên lãng / Đi vào đi vào sương, hoa muồng vàng mù tối / Đắng khói hai hàng cây nuôi dưỡng tình đầu
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 2915)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:51 CH(Xem: 4318)
Thu rung rung ánh tơ vàng / Phím loan lãng đãng, nồng nàn đêm mơ / Trăng nghiêng nghiêng đắm vườn thơ / Lao xao hoa mộng nờ… bờ nhân gian
22 Tháng Chín 202411:34 CH(Xem: 4219)
Anh à, giữa những ngày hội của người làm phim cả nước tại thành phố biển Nha Trang, quặn lòng trước thảm cảnh của dân ta - nhất là người dân vùng núi Tây Bắc - Đông Bắc qua mấy đợt lũ lụt lên tiếp, em bỗng nhớ về anh… Những điều anh dự báo và khẩn thiết kêu gọi trong kịch bản phim truyện "Vùng rừng nóng bỏng" chưa kịp lên màn ảnh đã rơi ập vào chính số phận của anh: chiếc xe khách chở anh đã bị đổ tại đèo Chiềng Đông hiểm trở, do hậu quả của những cơn lũ rừng, sau nhiều năm tháng dài đốt phá rừng triền miên vô tội vạ!
22 Tháng Chín 202411:26 CH(Xem: 4433)
tôi về gặp lại mùa thu / gặp lại một đám cỏ mù bên sông / mẹ tôi đã bỏ cánh đồng / theo mây lên núi hóa rồng mà bay
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 3419)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
13 Tháng Chín 20243:25 SA(Xem: 4323)
bay nửa vòng đời ngơ ngác tìm nhau / chưa kịp chạm tay / mùa thu đã cháy / trong lá khô đôi môi nào run rẩy / mãi hoài không gọi nổi / một cái tên
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 4316)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4150)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 3848)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.