- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngày tết của tôi

02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 96033)
banhchung4

LTS: Nguyễn Hạnh Nguyên sinh năm 1985, tốt nghiệp thạc sĩ khoa học ngành Ngữ Văn. Hiện sống và làm việc tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Năm mới, bài viết mới lần đầu đăng ở trang mạng Hợp Lưu như một món quà xuân gởi đến quí văn hữu và bạn đọc đầu năm Tân Mão 2011.

TCHL

 

 

 

Sáng nay, tôi check email như thường lệ. Chỉ có một email của người bạn ở phương Nam. Anh kể với tôi rằng anh vừa có bài đăng báo nên có tiền nhuận bút để ăn Tết. Câu nói đùa ấy khiến tôi chưa kịp vui thì đã chợt bâng khuâng trước lời hỏi thăm của anh : “Gần Tết chắc L bận nhiều, mua sắm, biếu tết, muối dưa cải và mua hoa trưng Tết … ”.

 

Tôi reply chúc mừng, cám ơn anh đã hỏi thăm và nói rằng nhà tôi chuẩn bị Tết cũng bình thường thôi. Tôi định giải thích thêm với anh rằng gần đây tôi không viết được gì mấy, không phải do tôi bận chuẩn bị Tết mà vì tôi chưa hoàn thiện được dàn ý. Nghĩ rồi, tôi lại thôi. Nhưng câu hỏi của anh khiến tôi nghĩ ngợi. Vậy nên tôi rẽ ngang viết vài dòng cho mình, như lời tự sự trước thời khắc năm cũ sắp qua.

 

 *

 

Tôi biết ngoài kia mọi người đang hối hả, tất bật lo sắm Tết nhưng điều đó không tác động tới tôi nhiều. Từ lâu rồi, tôi không còn cảm giác háo hức mong đợi Tết nữa. Bởi nó chưa hề đến với tôi trọn vẹn như tôi chưa bao giờ được sống trong không khí đầm ấm, sum họp của gia đình vào ngày này…

 

Bố tôi bỏ rơi tôi khi tôi lên ba. Nhưng tuổi thơ tôi chưa ý thức được được sự thiệt thòi và nỗi đau của đứa trẻ không có cha mà chỉ biết buồn vì tại sao tôi không có những cái Tết đầy đủ như bạn bè. Năm tôi học lớp 2. Trước khi nghỉ Tết, tôi nghe đám bạn cùng lớp bàn tán không thôi xung quanh mỗi một chuyện : “sắp đến Tết rồi”. Khi đó, tôi chỉ biết Tết là được nghỉ, không phải đi học, không phải làm bài tập, cũng thích. Rồi tôi thấy đám bạn khoe được bố mẹ chúng mua cho nào quần áo, giày dép, bánh kẹo, mứt trái … tôi nghe mà cũng thấy nôn nao. Về nhà, tôi hỏi mẹ : sắp tết rồi mẹ ơi. Con thấy các bạn ở lớp kể nhà các bạn ấy mua bao nhiêu là thứ. Nhà mình sẽ mua gì? Mẹ mua cho con quần áo mới nhé ! Mẹ tôi không nói gì. Sự im lặng của mẹ khiến lòng tôi đầy dấu hỏi ngơ ngác mà chẳng biết ngỏ cùng ai. Rồi hôm sau, mẹ bảo tôi : mẹ bận nên hôm nay ra chợ thì người ta đã bán hết quần áo đẹp rồi. Con mặc tạm mấy bộ này này, rồi qua tết mẹ mua cho nhé. Nói rồi mẹ đưa tôi xem. Tôi nhận ra đó là mấy bộ quần áo của chị họ tôi. Chiếc quần này là của chị H, cái áo kia của chị T. Các chị mặc cộc rồi giờ chuyển qua tôi. Tôi thích có quần áo mới kia nhưng không sao, qua Tết mẹ sẽ mua cho tôi quần áo mới – tôi tự an ủi mình như vậy. Sau đó, tôi chờ mãi mà chẳng thấy bộ quần áo mới nào cả. Từ hy vọng, tôi chuyển sang ấm ức. “Mẹ nói dối ” – tôi đã nói với mẹ câu đó để rồi ăn một trận đòn. Lần đầu tiên tôi bị đánh mà không biết vì sao mình bị đánh. Tôi thấy oan ức. Mẹ không giữ lời hứa. Mẹ đã sai mà lại còn đánh tôi. Tự nhiên, tôi thấy ghét mẹ kinh khủng. Cảm giác này cứ trở đi trở lại với tôi vào ngày Tết của những năm sau đó. Không năm nào tôi được mẹ mua cho quần áo mới. Cũng như năm nào nhà tôi chỉ ăn Tết đạm bạc không khác gì ngày thường hoặc may lắm có thêm chiếc bánh chưng và hộp mứt bé xíu. Sau này mỗi năm Tết đến, tôi thôi không đòi hỏi vì biết rằng mẹ tôi sẽ không bao giờ mua cho tôi những thứ tôi muốn. Tôi trốn trong nhà để không nhìn thấy những đứa bạn hàng xóm tíu tít khoe quần áo, giày dép mới hay tiền mừng tuổi. Dù tôi tỏ ra thờ ơ nhưng thật ra tôi thèm lắm được như các bạn. Tôi cố nuốt nỗi thèm thuồng vào trong lòng. Nhưng sự đè nén ấy khiến tôi thấy khó chịu và khổ sở vô cùng. Ở vào tuổi đó, tôi đâu biết rằng mẹ tôi đã cố gắng thế nào để đem đến cho tôi chút hương vị của ngày Tết. Sự ngây thơ trẻ con khiến tôi chỉ biết phán xét và tôi đã kết tội mẹ là người “keo kiệt”. Ý nghĩ đó đã theo tôi rất lâu và chỉ chấm dứt khi tôi bước vào cấp 2 – khi tôi ý thức được sự nghèo khó của gia đình mình và sự vất vả, bươn trải của mẹ tôi. Tôi đã không còn chạnh lòng trước những lời bàn tán của bạn bè mỗi khi sắp được nghỉ Tết.

 

Tuy suốt những năm tháng tuổi thơ, mẹ tôi không thể cho tôi một cái Tết đầy đủ nhưng điều mà mẹ tôi đã dành cho cuộc đời tôi là vô giá. Dù khó khăn đến mấy, mẹ cũng cố gắng cho tôi được đến trường. Tôi không phải nghỉ học giữa chừng. Tôi học hết cấp 2, cấp 3, lên đại học rồi học cao học. Tôi không nghĩ rằng con đường học vấn của mình được thuận lợi như vậy. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi biết một phần rất lớn nhờ vào công sức của mẹ tôi. Nếu được chọn lại, tôi sẵn sàng đánh đổi hàng trăm cái Tết thiếu thốn như thế, chứ nhất định không chịu nhận lấy sự thất học. Cũng như hôm nay tôi đã có câu trả lời cho sự im lặng của mẹ tôi vào ngày Tết năm ấy và biết ân hận về tội lỗi hồn nhiên của mình.

 

 *

 

Người ta vẫn thường nói : “vui như Tết”. Nhưng dường như câu nói này không đúng với tôi lắm thì phải. Chưa năm nào Tết với tôi được định nghĩa bằng chữ vui. Nếu có, chỉ là vui một nửa. Mà một nửa thì không thể gọi là vui được. Lục tìm ký ức, có lẽ Tết của tuổi mười ba với tôi là cái Tết buồn nhất. Lần đầu tiên và duy nhất tôi đón Tết một mình. Dạo đó, công việc buôn bán của mẹ tôi ế ẩm đến mức hụt gần hết tiền vốn. Mẹ tôi nghỉ buôn bán, chuyển sang giúp việc trên các tàu chở hàng cập bến. Mẹ tôi nấu ăn và dọn dẹp cho họ. Đúng vào 29 Tết thì có một chiếc tàu neo lại để nhận hàng vài hôm. Mẹ đành phải đi. Trước khi đi, mẹ mua sẵn cho tôi một ít rau, thức ăn và vài cân gạo. Tôi buồn nhưng không biết làm sao. Giao thừa, tôi co ro trong chăn, thao thức tự hỏi giờ này mẹ tôi đang làm gì trên tàu của họ. Rồi giấc ngủ đến với tôi lúc nào không hay. Tiếng gọi của bà nội đánh thức tôi vào sáng mùng 1. Đã rất lâu rồi kể từ khi bố tôi bỏ đi, tôi không gặp bà nội và cũng không thấy bà đến thăm tôi. Sao hôm nay bà tới làm tôi bất ngờ quá ! Tôi mở cửa mời bà vào nhà. Bà cùng chú tôi đi lễ chùa đầu năm và tiện ghé qua xem mẹ con tôi ăn Tết ra sao. Tôi nói với bà rằng mẹ tôi phải đi làm và giải thích thêm rằng vì nhà cháu không có tiền. Bà hỏi mẹ đi làm mấy hôm, có mua gì cho tôi ăn mấy ngày Tết không? Tôi bảo rằng bà ơi cháu ăn cơm thôi nhưng cháu thèm bánh chưng lắm. Năm nay mẹ cháu không mua bánh chưng. Nếu bà có gói bánh thì mai bà cho cháu một cái nhé. Sáng mùng 1 hôm đó, bà nội mừng tuổi cho tôi 100 nghìn. Tôi nằm mơ cũng không tưởng tượng được số tiền lớn như thế. Và hôm sau, bà đem cho tôi không phải một mà tới ba chiếc bánh chưng. Khỏi phải nói tôi đã vui đến thế nào vì tôi đã nghĩ rằng không thể được nếm hương vị của chiếc bánh mà tôi ao ước suốt cả một năm.

 

Có lẽ, tôi đã quên đi cái Tết năm đó như quên đi một chuyện buồn không muốn nhớ nếu tôi không vô tình nghe được bà nội tôi kể lại chuyện này với mẹ tôi. Bà nói rằng chị có biết nghe cháu nói cháu thèm bánh chưng lắm, năm nay nhà cháu không có bánh chưng mà tôi vội quay đi chùi nước mắt. Cháu khiến tôi thương quá … Tôi không biết lời bộc bạch của tôi lại khiến bà day dứt như vậy. Tôi không hề ngây thơ, tôi chỉ nói thật với bà mong muốn của tôi khi đó. Tôi chợt hiểu vì sao từ năm đó trở đi, Tết nào bà cũng mang cho nhà tôi một cặp bánh chưng. Tôi chợt hiểu vì sao suốt những năm sau này, bà luôn quan tâm đến việc học của tôi. Tôi đã hiểu rằng, một cách lặng lẽ, bà nội tôi đã gánh thay trách nhiệm của bố tôi. Lòng tôi thầm biết ơn bà rất nhiều. Nhưng cũng biết từ sau cái Tết của tuổi mười ba, tôi không bao giờ còn thấy thèm ăn bánh chưng nữa. Tuy vậy, kỉ niệm về nó mãi in dấu trong lòng tôi như một vết thương dai dẳng. Và cũng từ cái Tết của tuổi mười ba, tôi biết mình bắt đầu trưởng thành.

 

Thấm thoát, tôi đã biết đến hơn hai mươi cái Tết có lẻ. Lại một cái Tết nữa sắp đến. Những cái Tết đã lùi xa trong ký ức chợt sống dậy khiến lòng tôi chùng xuống. Ngày trước, tôi đau đáu cái Tết của tuổi thơ thiếu thốn – sự thiếu thốn những thứ hiện hữu mà tôi có thể sờ thấy, nhìn thấy. Những cái Tết không quần áo mới, không bánh chưng, không thịt gà, không mứt trái … cho tôi thấu hiểu nỗi buồn của những người nghèo không có Tết. Còn bây giờ tôi đau đáu cái Tết với sự trống trải mà chẳng có vật chất nào thay thế được. Nó giúp tôi biết đồng cảm với nỗi bất hạnh của những trẻ em mồ côi.

Đã mấy năm rồi, nhà tôi có thể chuẩn bị những cái Tết khá tươm tất nhưng tôi vẫn không thích Tết chút nào. Ngày thường, nhà chỉ có hai người, đôi khi thấy hiu quạnh làm sao. Ngày Tết càng cảm thấy điều ấy rõ hơn. Tôi gắng tạo niềm vui cho mẹ và ngược lại, nhưng tôi biết sự rộn ràng trong lòng không phải cứ mình muốn là có được. Không biết từ bao giờ, tôi thích ngắm người khác đón Tết, ăn Tết. Ý thích này của tôi có lẽ chẳng giống ai. Tôi chỉ muốn được hưởng chút vui lây của họ như là một cách để sưởi ấm lòng mình. Chỉ đơn giản thế thôi …!

 

 *

 

Tết đến, xuân về cũng là lúc người ta thường cầu mong những điều tốt đẹp. Nếu Thượng đế ban cho tôi một điều ước thì tôi chỉ ước sao bố tôi không rời bỏ tôi. Gia đình tôi sẽ luôn ở bên nhau, cùng chia sẻ những cái Tết dù không thật đầy đủ nhưng chắc chắn sẽ ấm cúng hơn. Tôi sẽ được lớn lên trong sự yên bình dù nghèo khó và cho những bất hạnh sẽ không ngả bóng xuống cuộc đời của tôi. Nhưng nếu Thượng đế không ban cho tôi phép màu ấy thì tôi xin cám ơn số phận – tuy đã lấy đi của tôi sự bao bọc và tình cảm của người cha nhưng bù lại đã rèn giũa cho tôi nghị lực để tôi biết cố gắng trên mỗi bước đường tôi đi. Và tôi cũng xin cám ơn những người tốt đã đến bên tôi, chia sẻ, giúp đỡ cưu mang tôi qua những khó khăn của cuộc đời này.

Cuối cùng, tôi không quên cám ơn anh – người bạn phương xa đã cho tôi cơ hội được giãi bày nỗi niềm lên trang giấy. Biết đâu chính bài viết nhỏ này sẽ trở thành một kỉ niệm để tôi ôn lại vào một ngày Tết trong tương lai.

 

 

Nguyễn Hạnh Nguyên

Hạ Long, 26 tháng Chạp

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20238:24 CH(Xem: 6727)
Đá nghe chuyện của mưa / Mang lời cho gió / Phía sau câu chuyện là tiếng sóng / Nụ cười gieo / Gió cuốn mây / Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày.
12 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 6113)
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
12 Tháng Chín 20232:20 SA(Xem: 6954)
Ngủ đi. mênh mang suối nguồn / Ngủ đi. vợi nhẹ tâm buồn không đâu / Một bóng đời vút ảnh câu / Mà trần gian vẫn nhiệm mầu sắc không
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 6300)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.
12 Tháng Chín 202312:43 SA(Xem: 6448)
Hai câu trên nằm trong bài thơ mang tên “Lễ Phục Sinh 1916” của William Butler Yeats. Bài thơ nhằm tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống cho tự do và độc lập của Ireland. Cuộc hành quyết đẫm máu các thủ lĩnh cách mạng sau cuộc trỗi dậy vào ngày lễ phục sinh đã đánh thức cả một thế hệ Ireland. Cuối cùng, nhân dân Ireland cũng dành được độc lập vào năm 1949 và bài thơ của Yeats được cho là một trong những bài thơ chính trị hay nhất của thế kỷ 20 trong lịch sử văn học nước Anh.
12 Tháng Chín 202312:14 SA(Xem: 7244)
khi ngôn ngữ trở thành phù phiếm / trên môi người hát ca / anh trở về yên ngủ / dưới cội hoa mai già
10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 6032)
Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”.
04 Tháng Chín 202310:02 CH(Xem: 5739)
Tháng Chín, đêm khuya về ngồi lặng / Nghe gió cười khúc khích rượu tan / Mai chắc sầu in trên đá / Em chắc quên rồi tháng Chín, trôi.
04 Tháng Chín 20238:58 CH(Xem: 7137)
tôi gặp người lính già / trên chùa đồng yên tử / chốn rừng thiêng trúc lâm / trời đêm ... mưa mịt mù / người lính ngồi nguyện cầu / co ro dáng trầm tư / mặt xương gầy khắc khổ / mắt buồn sâu tâm tư
04 Tháng Chín 20238:52 CH(Xem: 5067)
Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…