- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đọc Cao Xuân Huy

09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 77675)

cxh-sach_0_300x231_1

Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng. Muốn hiểu tính cách của con người tái sinh ấy ra sao thì cứ đọc phần Cao Xuân Huy trả lời Trần Văn Thủy trong Nếu Đi Hết Biển, nhưng nếu muốn biết anh đã viết những gì sau hồi ký đó thì cũng hơi nhọc nhằn. Tôi nhớ đã từng đọc Cao Xuân Huy ở đâu đó. Tìm lại, thấy anh có truyện/bài đăng rải rác trên Tạp chí Văn Học, một vài tạp chí khác, và trên mạng.

 

Cao Xuân Huy viết ít. Trong sáng tác, chuyện ít nhiều không làm nên giá trị của tác phẩm, nó chỉ làm đậm thêm hoặc phai mờ đi một tên tuổi với những tác phẩm đã tạo thành. Nhiều mà dông dài thì thà ít. Dài mà rườm rà thì thà ngắn. Cao Xuân Huy không những viết ít mà còn viết ngắn và viết đơn giản. Điều hơi lạ là không hiểu sao sau khi đọc những truyện ngăn ngắn ấy tôi lại cứ liên tưởng đến một bộ truyện dài: Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác. Ngạc nhiên, và buồn cười.

 

Khác biệt giữa những truyện thật ngắn đó và một truyện thật dài thì quá nhiều. Sông Côn Mùa Lũ dùng sự thật tạo nhân vật giả, dựa vào lịch sử để sáng tác. An. Lãng, và Huệ, v.v… là của Nguyễn Mộng Giác. Những truyện ngắn của Cao Xuân Huy dùng nhân vật giả để trưng bày sự thật, dựa vào sáng tác để nhìn lại một góc lịch sử mới vừa qua. Cao Xuân Huy dùng cái riêng để gợi đến cái chung, từ cái hư cấu vẽ ra cảnh thực. Người lính là của lịch sử, con người là của lịch sử. Nhân vật là nhân vật chung của thời đại, bất cứ người lính nào cũng thấy đời mình trong đó, bất cứ người tù nào cũng thấy mình trong đó, bất cứ người dân nào lứa tuổi nào cũng thấy phận mình trong cái tang thương chung.

 

Truyện dài cho phép ta nhẩn nha suy ngẫm, ngắm nghía từng nhân vật với từng cá tính tâm tình, tách biệt và biến chuyển của mỗi tâm hồn theo với biến động xã hội và thời gian. Sông Côn Mùa Lũ cho ta thấy suy nghĩ, tâm tư, và xúc động nữa, của An, từ thuở mới lớn cho đến khi quá tuổi trưởng thành; một Nguyễn Huệ từ thuở còn đến học với giáo Hiến cho đến khi xa vời trên ngai… Truyện ngắn Cao Xuân Huy không có nhân vật để nhớ, không có biến chuyển để theo. Đọc xong chỉ thấy ngậm ngùi hay thông cảm, hay thấm đọng một niềm đau chung cho một hoàn cảnh, tình huống. Chỉ biết gật gù đồng cảm.

 

Với những khác biệt sờ sờ ra như vậy, đâm nghĩ ngợi về những gì anh đã viết và cách anh viết. Thì ngắn và đơn giản!!! Nghĩ ngợi mà vẫn không tránh được đối chiếu.

 

Sông Côn Mùa Lũ viết về những con người của một thời vàng son tao loạn đã qua: thời Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn. Những truyện ngắn của Cao Xuân Huy khi gom lại cũng tương tự trong tầm vóc nhỏ hơn, viết về người lính thời chiến tranh Việt Nam. Tao loạn, và dù xã hội cũ không hoàn chỉnh nhưng vẫn là một thuở vàng son, trong đó những người lính Cộng Hòa dù thua dù mộng không thành cũng từng làm bạt vía kẻ thù. Những truyện ngăn ngắn ấy đứng riêng một mình thấy đơn điệu. Bên cạnh trường thiên chúng trở thành những trang rời, những chương nhỏ của bộ trường thiên Chiến Tranh Việt Nam, vì trọng tâm vẫn là người lính - trong cuộc chiến, lúc tàn cuộc, khi sa cơ, và trong lòng chế độ cộng sản.

 

Cao Xuân Huy chỉ viết chuyện người lính. Nhưng người lính của Cao Xuân Huy mang thân phận con người bình thường chứ không anh hùng không sắt thép, không hy sinh đẫm máu hay cao cả bạo tàn. Những người lính ấy cũng biết buồn biết sợ biết tủi nhục. Phản ứng của họ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt chính là nét tâm lý sâu sắc trong thân phận con người. Bị chà đạp thì phản ứng lóe lên như ánh chớp nhưng phải tắt trước nòng thép lạnh để giữ thân (Ngu như lợn) còn sống được nhờ biết sợ. Ráng giữ nhân phẩm mà thành ra đánh bạn vì miếng tồi tàn (Miếng ăn). Về làm phó thường dân cũng muốn liều mà đành không thể “ăn quịt chơi lường” (Trả lại tiền)… Những điều anh viết đưa ra một cái gì rất thật của người lính, tưởng như sờ chạm vào được. Sông Côn Mùa Lũ, Nguyễn Mộng Giác cũng đưa ra hình ảnh một Quang Trung Đại Đế - Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ như một người bình thường của số phận: Huệ phải lập chánh cung và An phải lấy Lợi. Cũng đành, nhưng chiếc áo đăng quang phải chính tay An vẽ kết, không thể nào khác. Tình yêu và số phận chi phối vua và dân như nhau. Thật dài và thật ngắn, cả hai tác giả đều “con người hóa” những biểu tượng anh hùng.

 

Viết ngắn, nhưng Cao Xuân Huy khéo dùng chi tiết trong truyện của mình. Sông Côn Mùa Lũ, Nguyễn Mộng Giác không cho Huệ nói được một lời yêu, chỉ cho Huệ chạm tay vào má An lúc giã từ mà tình yêu như đã được khẳng định. Cái tình không nói ấy lơ lửng trong không gian suốt bề dài của truyện. Với An, khi cho An thảng thốt ngập ngừng “đừng anh Huệ…” thì tình tuyệt vọng như đã mơ hồ xuất hiện trong cái lúng túng bối rối của cô gái mới lớn vừa đối mặt với tình yêu. Đó là với 2,000 trang chữ. Trong vài trang chữ, Cao Xuân Huy đưa ra cái nhìn đọng lại vài giây của cô gái đứng đường trong “Trả lại tiền” để nói - và nói lên được tình cảnh xã hội và lòng người với nhau qua cuộc bể dâu. Những ngày ấy biết bao thương xót. Một đồ sộ một đơn giản, cả hai tác giả đều đưa vào tác phẩm của mình những chi tiết vụn vặt không mấy ai để ý mà khi đã được nêu ra thì đọc thấy thấm thía.

 

Truyện ngắn của Cao Xuân Huy làm mình liên tưởng Sông Côn Mùa Lũ chính ở tính cách tinh tế đó.

 

Liên tưởng thôi, chứ không thể so sánh cái đồ sộ công phu với cái vắn vỏi đơn giản. Cũng như nói chuyện lịch sử hay sự thật chỉ là bàn cho tới nơi một cảm nhận của người đọc mà thôi. Gán cho Cao Xuân Huy chuyện cao cả quá coi chừng bị mắng là vẽ rắn thêm chân. Vì chữ và lời của Cao Xuân Huy giản dị lắm. Văn khô khan không xúc tích, đọc văn thì không có ấn tượng gì nhưng nếu phải chỉ ra một lời văn rườm rà một chi tiết dư thừa hay một bố cục lỏng lẻo chắc khó. Chữ, nó là cái tĩnh, khi Cao Xuân Huy viết xong nó thành cái động - hình ảnh đối thoại và dẫn giải nối liền pha trộn. Ngay cả phút suy tư cũng là hình ảnh lồng trong cảm xúc (Vải bao cát). Đọc Sông Côn Mùa Lũ có cái thú là vừa đọc văn vừa đọc truyện, vừa thưởng thức vừa ngẫm nghĩ, chữ nối chữ. Đọc Cao Xuân Huy không có khoảng trống đó, một phần vì ngắn, nhưng chính yếu vì cách viết: hình ảnh sự kiện lướt lướt qua trước mắt, âm thanh nối nối qua tai, không có bề dầy thời gian cho nhân vật và sự việc.

 

Cách viết ấy có cái hay: đọc không phải là đọc mà là xem một đoạn phim ngắn, một cảnh nào đó của một cuốn phim: “Hành phương nam” cứ như một đoạn ngắn của phim “Chân trời tím”… “Trả lại tiền” đọc vào là “nghe” được đôi lời dẫn nhập, vài cái phác họa là thấy ra một cảnh trước mắt với hoặc lời dẫn giải hoặc lời đối thoại nghe rất thực: “dzậy có nhiêu,” “không thì nhiêu,” chữ “bao” là chữ câm khi phát ra tiếng. “Người muôn năm cũ”, cứ mỗi chữ “Cô Hiền” là mỗi lời êm êm buồn buồn phát ra từ cái radio nghe trong đêm Mẹ Việt Nam rất đau buồn vì có những đứa con sinh Bắc tử Nam… Cũng có lúc mình liên tưởng, như “Miếng ăn” làm mình nghĩ đến cô gái già trong “40 year old virgin…” giới thiệu đứa nhỏ là con của con gái mình vì không muốn nói mình là bà ngoại. “Chờ tôi với” có đối thoại rất hay và lạ - lời chồng lên lời, thấy trước mắt mình cảnh hai đứa trẻ cùng nói một lúc về cùng một đề tài nhưng mạnh mày mày nói mạnh tao tao nói. Thú vị.

 

Nhưng thú vị nhất với mình là nét cười cợt và như có một niềm hãnh diện, nhạt nhòa, cái sự quyết không hèn trong mọi hoàn cảnh. Cái quyết ý đó cảm mà không thấy ở chỗ nào, chỉ bàng bạc đó đây ở những điều không nói những chữ không viết. Để hiểu, phải trở lại với tính cách của tác giả qua những lời đã nói.

 

Với Trần Văn Thủy trong “Nếu đi hết biển”, “tôi” khóc vì có Bố thăm, tôi hãnh diện vì Bố quen Phùng Quán, tôi sợ không đến gặp lúc Bố vào Nam vì công an bao vây, tôi đánh giặc cừ, ở binh chủng thiện chiến, và tôi còn tưởng Bắc tiến… Tóm lại, Cao Xuân Huy nói tôi chỉ là một người dân bình thường nhưng làm trai cho đáng nên trai (!!), một thái độ kiêu ngầm. Bên cạnh những nhà giáo khoan hòa như Trương Vũ, Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Cao Xuân Huy biểu lộ một phong cách trượng phu: trọng bổn phận, có ý thức trách nhiệm chung, và thẳng thắn rốt ráo (về mình, với người).

 

Với Lê Quỳnh Mai, (phỏng vấn Cao Xuân Huy), tính cách và thái độ đó càng đậm nét:

 

Lê Quỳnh Mai: Là một trong những nhà văn hải ngoại có mặt trong Nếu Đi Hết Biển. Tại sao ông quyết định nhận lời mời phỏng vấn của tác giả Trần Văn Thủy?

 

Cao Xuân Huy: Giản dị thôi. Tình trạng sách báo ở hải ngoại không vào được trong nước, đây là dịp để tôi có thể nói cho người dân trong nước những suy nghĩ của mình về cuộc chiến vừa qua. Rõ rệt là quyển sách này đã được rất nhiều người trong nước đọc. Nhân việc trả lời này, tôi đã nói được chuyện quân đội miền Nam đang chuẩn bị lấy lại Hoàng Sa ngay lập tức sau khi bị Trung Cộng chiếm hồi đầu năm 1974, nhưng đã bị bộ đội miền Bắc cố tình cầm chân để Hoàng Sa hoàn toàn lọt vào tay Trung Cộng. Hơn nữa, tôi thích đạo diễn Trần Văn Thủy, dù chưa gặp mặt, qua hai cuốn phim “tài liệu” Chuyện tử tếHà Nội trong mắt ai. Hai cuốn phim này là hai cái tát vào mặt chế độ. Tôi cũng muốn nhân đó mà tát vào mặt đảng Cộng Sản Việt Nam một cái chơi.

 

Xác đáng, rõ ràng, và thẳng thắn - không thể nào khác.

 

Trượng phu và kiêu, tính cách thấy qua lời nói cũng ẩn hiện trong tác phẩm.

 

Kiêu, nên dễ hiểu tại sao Cao Xuân Huy không gắn huy chương không tô vẽ chiến công cho nhân vật của mình. Người lính của Cao Xuân Huy cũng như chính tác giả, phải là mình, chỉ là mình. Sự thật có chỗ đứng của nó, nhân vật của Cao Xuân Huy có đặc tính thật, những con người bình thường gặp nhau trong binh đoàn thiện chiến với mẫu số chung là can đảm, trung thành, trọng nghĩa, và trọng luật chơi. Trượng phu, nên không kể thành bại, chỉ cần sống xứng đáng và không thể hèn. Truyện của Cao Xuân Huy có những người lính bình thường chiến đấu một cách can trường và bất khuất lúc sa cơ, gợi nên nét kiêu dũng thầm lặng. Kiêu dũng, mà chỉ cảm được thôi, nó lơ lửng trong không gian như mối tình của Huệ và An trong 2,000 trang chữ, vì Cao Xuân Huy có nói gì đâu trong truyện của mình. Tác giả chỉ cho nhân vật của mình cười cợt - khi xông pha đối mặt kẻ thù, lúc ngã xuống, và khi bị chà đạp trong tù. Cười cợt bất cứ lúc nào có thể. Không nói chuyện cao cả anh hùng, không viết lời xưng tụng, Cao Xuân Huy chỉ dùng cái cười cợt để biểu lộ quyết ý không hèn của người lính, đây mới là chỗ độc đáo.

 

Độc đáo thì có độc đáo, nhưng không đã. Cứ thấy như mình bị tác giả ăn gian vì phải suy đoán một tính cách, ngẫm nghĩ một cảm nhận. Cái cười cợt không chỉ của nhân vật mà còn của chính tác giả, như viết chỉ là viết láo mà chơi. Phải chăng tác giả đã tự giới hạn mình?

 

Chọn lọc và cô đọng, Cao Xuân Huy là cây viết sắc sảo. Nhưng là khi viết in ít, viết ngăn ngắn, trong một đề tài. Biết cái sắc sảo đó có còn khi viết nhiều hơn, viết rộng hơn, và trong một tác phẩm dài hơi? Trong lúc chờ câu trả lời đành phải chịu xem láo chơi. 

 

Lưu Na

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34095)
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng...Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo…
17 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 38723)
t huở ấy tự đỉnh chiều áp thấp mỏm vực mưa ai đó gieo mình một màu sắc nhọn như đinh trổ vào lênh loang nhớ
14 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36797)
K hác với quân đội của các đế quốc, quân đội Việt Nam đã luôn phải xây dựng sức mạnh trên chính lòng ái quốc của dân tộc mình. Ngay cả khi Đại Nam đạt đến sức mạnh của một đế quốc Đông Dương, quân đội Đại Nam chưa biết vận dụng sức lực của các sắc tộc Chàm, Ai Lao hay Thủy Chân Lạp. Sức mạnh của quân đội Việt Nam là sức mạnh của sự đoàn kết, chết để giữ đất và chết để mở đất, của sắc tộc Kinh. Mạc Cửu ở Hà Tiên là một biệt lệ.
12 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 33891)
C hập chùng đồi núi mây vô ngại Thênh thang trang giấy nốt nhạc trầm Bùn sen ngan ngan trăng đại hải Cánh cửa xuân thì đương mưa râm.
11 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 38547)
T ôi luôn nhớ cái cách Peter áp sát vào người tôi, rối rít, cuồng si, dịu dàng, hung bạo và cho tôi một cảm giác kích thích chưa từng có. Cái cảm giác đó vượt qua tất cả, nó như mách bảo rằng hãy yêu, hãy đánh đổi hết, cả công việc, cuộc đời, tương lai, giá trị đạo đức cũ rích của loài người, để ôm trọn vẹn Peter vạm vỡ trong tay, để cảm thấy Peter trong người mình, cảm thấy sự sẻ chia ngọt ngào, đau đớn, điên cuồng, lạ lùng của một tình yêu vượt thoát trên mọi lý lẽ…
08 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34393)
t rời đương nắng xin đừng ra bửa củi sợ mưa về kéo rụp cả chân mây trời hết nắng. thôi đừng ra sân nữa để ôn nhu còn đậm nét chơn mày
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36719)
T uần rồi, nhân kỷ niệm 70 năm ngày 6 tháng 6 năm 1944 khi quân Đồng Minh đổ bộ chiếm bờ biển Normandy để từ đó tiến vào giải phóng Âu Châu đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, hệ thống truyền hình PBS chiếu một loạt phim tài liệu liên hệ, trong số đó tôi có dịp xem hai phim, đó là “D-Day 360” do Windfall Films của Anh Quốc sản xuất dưới quyền đạo diễn của Ian Duncan; và phim “D-Day’s Sunken Secrets” do NOVA thuộc PBS thực hiện.
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36438)
D ohamide là một tên tuổi quen thuộc trên báo Bách Khoa trước 1975, chuyên khảo về lịch sử và văn minh Chàm. Đã xuất bản năm 2000: “Dân Tộc Champa: Hành trình Tìm về Cội Nguồn”. Xuất thân Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và tốt nghiệp M.A. Đại Học Kansas, Hoa Kỳ. Lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc nên rất am tường về hệ sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đây là bài điểm sách thứ hai của anh Dohamide nhân dịp CLCD BĐDS tái bản lần thứ 3.
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 33305)
e m đừng hỏi tôi một thứ tình yêu mỏng như giấy kẹp thời buổi lơ mơ hàng họ giấy má tái sinh hầm cầu những khuôn mặt người từ đâu hoang mang đại để kim rãi đường mũi dùi cắm sâu vào họng nựng nịu lũ đầu têu hí hửng cá độ hung tàn
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 28259)
...nhắc đến cuộc vượt thoát của những cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn, người ta không khỏi bồi hồi nhớ lại những cái chết ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh chỉ mới hai tháng trước. Ngày 18/4 năm 2014 đã có những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn, tuyệt vọng tự sát tại cửa khẩu Quảng Ninh. Hình ảnh thi thể của họ bị vất nằm ngổn ngang trên những chiếc xe lôi đã đem đến cho chúng ta cái cảm giác bất nhẫn, thương tâm.