- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Những Chuyến Tàu Không Trễ Muộn

28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89486)

khiemnhu_1-content

Con tàu đã trở nên ọp ẹp, mấy mươi năm còn gì. Người ta nói đây là chuyến tàu tốt nhất hiện nay. Hành khách bực dọc phàn nàn tốt gì mà tốt, như đống sắt vụn, làm như họ là kẻ trên trời rơi xuống không bằng.

Ghế số 11.

Em lần tìm số 11 giữa vô vàn những con số thiếu nét. Chẳng rõ đây là số 1 hay số 7, mắt cận thị tới nơi. 6. 7. 8. 9. 10. 11.

Thôi nào, không phàn nàn nữa, người phụ nữ kiên nhẫn an ủi chồng, như vậy là tốt quá. Anh chồng ngồi xuống, cười miễn cưỡng. Chẳng ai ngồi cạnh nói chuyện với em. Miền Trung bão, hành khách đi tàu ít quá, chỉ lẻ tẻ mấy mống tân sinh viên, thế mà giá vé chẳng giảm.

Có người hỏi trống rỗng không chủ ngữ, ngồi gần cửa sổ có say sóng không, em lắc đầu không, quen rồi. Em nhìn ra cửa sổ, những giọt mưa đua nhau rơi.

Tiếng còi tàu cất lên cũng là lúc những người đưa tiễn khuất dần. Tiếng còi này nghe na ná như tiếng tù và bọn trẻ thổi inh ỏi đêm Noel - dấu ấn chiến thắng của đội bóng đá Việt Nam trước Thái Lan. Cô gái ngồi sau lưng em khóc thút thít, hôn lên chiếc vòng đeo tay. Chẳng buồn bắt chuyện với cô nàng. Nhân viên bán hàng vỗ vai em hỏi đi đâu, cho xem vé tàu. Những thủ tục này với em đã quá quen thuộc, em đã đi tàu quá nhiều, đến mức không nhớ hết. Có lẽ việc đi lại của em là một thói quen gắn với nhu cầu.

Ba mươi tư tiếng đồng hồ đứng một chỗ, ngồi một chỗ. Hai toa tàu như muốn lìa khỏi nhau, đong đưa đong đưa. Em thầm ước trên chuyến tàu này có hai kẻ yêu nhau, anh và em chẳng hạn, như cặp vợ chồng kia.

Anh không muốn em đi nên nói đang bão, không may gặp chuyện biết đường nào tránh được. Em nói, chết thì bảo hiểm lo, việc gì phải lo chứ. Lời em nói vừa ngang ngạnh vừa vùng vằng, câu nói này làm anh khó chịu. Không biết anh có nghi ngờ em không. Muốn rút lại lời nói, nhưng tự ái, em nhất quyết đi. Tất nhiên anh chịu thua và anh chẳng nài nỉ một tiếng, chẳng tiễn một bước cũng chẳng dặn dò. Em lẩm bẩm, đã thế sẽ đi thật lâu, nửa tháng, ba tuần, … xem anh có cần em không. Càng nghĩ càng rối, biết sao là họa biết sao là may, em cầm cuốn danh ngôn đọc. Những cuốn sách lậu mua ngoài vỉa hè chữ nghĩa nhòe nhoẹt, giấy mỏng dính. Dở trang sách cuối cùng đọc về. Không có gì hăm dọa hạnh phúc cho bằng hạnh phúc đích thực, và mỗi chiếc hôn đều có thể tạo ra một tình địch, chẳng hiểu gì hết, em gấp cuốn sách lại, cách nhồi nhét này chẳng tác dụng. Không thể chợp mắt, điều rủi ro anh nói lẫn trong vô vàn câu danh ngôn chọn lọc. Tàu sẽ trễ giờ, sẽ gặp một sự cố, tai nạn, thương tích, chết chóc. Cố đọc nốt cuốn sách, những vành khăn trắng, bảng cáo phó màu tím in những dòng chữ trắng hiện trong đầu. Tiếng chuông chùa, tiếng kèn bát âm, tiếng tụng kinh không hiểu một lời của thầy cúng rỉ rả giữa cơn nóng Sài Gòn ngột ngạt. Em run lên, những con chữ chẳng ra hàng lối, hàng ngàn định nghĩa về hạnh phúc, hạnh phúc là, hạnh phúc là. Em chẳng hiểu.

*

Em ném về anh một ánh nhìn. Anh chưa ngủ, anh cũng nhìn em, như em nhìn anh, ngạc nhiên, giật mình. Có lẽ lúc này em xấu lắm. Không phấn son, không nước hoa, không trang sức, không keo xịt tóc, không chất khử mùi mồ hôi. Ánh điện sáng quá. Đôi mắt thâm quầng, vì mất ngủ, vì sức khỏe yếu, vì lo nghĩ, vì bất an, vì nghi hoặc. Tóm lại, tất cả đều do em hành hạ em. Đôi bàn tay anh ôm ghì lấy tấm thân em, cố không muốn em thấy ánh mắt anh dò xét.

Giấc ngủ không bình an, anh gọi tên một người nào đó, có lẽ là tên một cô gái. Anh ngoại tình trong cả giấc ngủ. Thấy nghi ngờ anh về lòng chung thủy. Đừng bỏ cha mẹ, này con, đôi tay anh như đang bơi trong mớ chăn nệm. Không phải, anh gọi tên con mình, em lay anh dậy. Anh thở phào, gục đầu vào ngực em nói đó chỉ là một cơn ác mộng. Em sẽ ôm anh thật chặt, không sợ gì nữa.

Mẹ rất giỏi giải mã những giấc mộng. Nhưng những phán đoán xảy đến chỉ đúng với những điều xui rủi, những điều may mắn thì không.

Mai em đi. Chỉ hai tuần thôi. Anh hỏi em đi xa có phải vì em không thích ở nhà không. Vì nhiệm vụ, sếp chỉ định, em thích những chuyến tàu đó. Nhớ mang áo ấm, găng tay, mũ nón. Em gật đầu tỏ thái độ vâng lời phục anh, ai lại mang theo làm chi, Hà Nội tháng chín nóng như lửa, nóng hơn mùa hè Sài Gòn. Anh cười, mang cả anh nữa. Mang anh đến một mùa thu có thật nhiều lá sấu rụng. Anh cứ làm thơ đi, Hà Nội giờ khác xưa lắm, bụi bặm, tắc đường, rác rến. Anh không thể hình dung Hà Nội khác nhiều hay ít thế nào nữa, chịu thôi, nhưng anh vẫn thấy nó đẹp. Sao em buồn thế, "này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ"? Anh mỉm cười, thì thầm, những chuyến tàu như thế nào, em nói em thích những chuyến tàu đó, thật không hiểu nổi em! Chẳng thế nào hết, em buột miệng nói, em thích đi tàu vì thích ngắm cảnh, có thể là tiết kiệm nữa, ...

Anh gợi ý cho em thuyết phục mẹ ở lại Sài Gòn. Nếu mẹ ở đây, những chuyến đi của em phải khép lại ư, chẳng muốn một chút nào. Em muốn ngồi ghế số 11 nhìn ra cửa sổ. Anh nói sẽ không kết nạp Đảng, liều sinh thêm một đứa nữa. Con cái là niềm an ủi lớn nhất cuộc đời anh. Em biết, bụng em đau cuồn cuộn khi nghĩ đến việc sinh nở những đứa con. Sân bệnh viện sản lởn vởn áo trắng bác sĩ. Những bác sĩ bịt kín khẩu trang y tế, găng tay, họ không bao giờ quên rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc bệnh nhân. Họ nói nhỏ vào trong tai rằng cắt buồng trứng đi, đó là cách tốt nhất. Hay nạo thai! Không được sinh nó ra, chị biết đó, như thế là vô nhân đạo. Lời nói rơi theo những giọt mồ hôi lấm chấm trên trán họ, chị ác lắm. Căn phòng kín ngập trong hơi máy lạnh, mùi vac-xin tanh tanh, mùi bông gạc dính đầy máu. Những ống nước cất rơi xuống vỡ tanh tách. Ánh mặt họ lạnh nhạt và bình tĩnh, họ chưa bao giờ nói rõ nguyên nhân vì sao thế này vì sao thế kia, họ sợ em đau lòng. Họ chỉ nói tốt nhất là đừng bám riết niềm hy vọng sinh con nữa, đứa sau sẽ chẳng tốt hơn đứa trước, đứa sau sẽ chẳng lành lặn hơn đứa trước. Họ dấu luôn cả anh, anh thất thểu đi qua đi lại hành lang phòng đợi. Có lần anh xin lỗi em, tại anh gia trưởng, tại anh ham con cái. Em không nghĩ thế, chẳng ai có lỗi, quả báo, mẹ em nói đó là quả báo. Em quỳ xuống chân anh, anh mắng em, đừng nói đến quả báo nữa, mọi việc sẽ qua thôi. Em nghị lực, em quyết đoán, em mạnh mẽ, lúc nào anh cũng diễn tả em như một người đàn ông. Em không thích, phụ nữ mạnh mẽ quá, khô cứng, có lúc cần phải khóc cần phải mềm mỏng và cần được chiều chuộng- em không làm được.

Nhân viên bán hàng đi giật lùi, kéo chiếc xe i-nox đi giữa hai dãy ghế, vừa đi vừa rao hàng. Lời rao ngọt sớt, vần vè, nhịp điệu nhưng không hấp dẫn. Chương trình RailTV ban tối mở đầu bằng màn kịch Hoài Linh. Mọi người dán mắt lên màn hình, vỗ đùi cười la liệt. Cả trẻ con cũng mê Hoài Linh, mắt chúng cứ như sáng rực. Nhìn nụ cười của họ, cứ như cả nước Việt này ai cũng mang ơn Hoài Linh vậy, dù mệt nhọc, dù nhà có tang cũng phải cười khi nghe tiếng nói của hắn, khi bắt gặp dáng người mảnh khảnh của hắn trên màn hình. Thỉnh thoảng có xem hắn diễn, nhưng em không mê lắm. Vì sở thích em luôn chiều theo anh, luôn bắt chước anh.

 

*

Đường phố ùn ùn rác thải, rau úng, chuột chết, mùi nước cống. Có lẽ nhận trận triều cường đã đi vào văn học nước ta rồi. Những đám lá me bị mưa đá đập vỡ vụn dồn lại trên vỉa hè. Ai cũng nghĩ về già mình sẽ mua một căn nhà ở ngoại thành an hưởng nhịp sống yên bình, và trong lành, thoáng đoảng. Họ không nghĩ ngoại thành ồn ào náo nhiệt, cũng tiếng còi xe máy, tiếng người chửi thề vang tận tầng hai tầng ba những lúc tan tầm. Ngoại thành có nhận trận triều cường bẩn chết đi được.

Em tắt lửa bếp ga lại, nồi cháo đậu xanh vẫn sôi sùng sục, bốc mùi thơm phức. Em để sẵn trên bàn, bật quạt số lớn nhất cho kịp nguội. Anh phàn nàn đắng miệng, không muốn ăn, bảy giờ kém mười, anh phải đi. Sắp đến giờ, sao em không thay quần áo, trang điểm, anh dắt xe ra cổng đưa tay ra dấu anh đang vội.

Tiếng còi xe máy, ô tô bấm lia bấm lịa. Không có mấy chú cảnh sát giao thông thì loạn mất. Anh băng qua đường, luồn lách mấy chiếc xe ba gác chở rau, bầu bí, dưa leo ngất ngưởng lên nội thành. Xe taxi, xe máy, xe đạp, xe bus bám đuôi nhau từng ly từng tí. Anh lại vượt đèn đỏ! Em khép cửa, không buồn bước chân đến tòa soạn họp giao ban. Hôm nay là thứ hai. Không sao, em sẽ nhắn tin cho sếp, miễn sao cuối tuần có bài. Đầu óc rỗng tuếch, không nghĩ nổi một đề tài để viết. Mang tiếng nhà báo, em chẳng lanh lợi hoạt bát chút nào, ông trưởng ban nói em không khéo trở thành công chức báo thì chết. Một nhà báo không nổi tiếng cũng chẳng tai tiếng như em có khi lại tốt, biết nhiều khổ nhiều. Chuyển sang tờ báo này, chưa biên chế nên em vẫn lẹt đẹt ở mức lương cơ bản.

Con bé giúp việc của ngôi nhà đối diện thu mình trong chiếc ghế dựa. Ngồi chán nó lại lấy cây lau nhà lau lau chùi chùi. Cũng tại nền nhà thấp hơn mặt đường, nước cứ chảy ngược lại. Vừa thấy tội nghiệp nó vừa thấy bực mình, ngốc thật. Có mà làm cả đời, tối nào triều cường không dâng lên, huống chi là trận mưa đá hôm qua. Có tiếng người mắng sa sả nhà có người già cứ ướt nhẹt nhẹt thế này, bà té thì mày cũng ăn mày luôn cho xong, vậy cũng xứng đáng ăn hạt cơm. Nó lại vắt nước, kéo đi kéo lại cây lau nhà. Tiếng nước chảy độp độp xuống xô. Ngôi nhà này gợi nhớ đến ngôi nhà của mẹ. Thỉnh thoảng em gọi mẹ là bà. Từ ngày em có con, anh bảo em phải gọi bà thay cho con như tất cả những người phụ nữ khác đã lấy chồng và sinh con. Bà là một người đồng bóng, bà thích thú với việc đi chùa coi quẻ, nhẩm nhẩm đếm đếm vận hạn đời người. Chẳng biết có ích gì, toàn những việc vớ vẩn. Mỗi lần đi thăm con gái, đúng bảy ngày bà lại về.

Bà hay nhắc đến nhân - quả, cứ như tất cả đều do con người gây nên. Bà nhìn các cháu, cứ nước mắt chảy. Từ khi làm bà, chưa bao giờ bà được nghe tiếng gọi bà của các cháu, chưa bao giờ bà được các cháu thơm một cái cười một cái. Bà nói bà đã rất chăm chú nhìn chúng, bằng cảm quan siêu nhiên. Bà nói chúng vô cảm với bà. Nghe vậy nên em tập cho mình đôi mắt thật khác, hy vọng sẽ hiểu chúng, để yêu thương chúng hơn, theo một cách nào đó. Em vô vọng nhận ra đôi mắt chúng lãnh đạm với mọi thứ, cha mẹ, hay những con mèo Kitty trên giấy gián tường, những bức tranh cát, sàn nhà đều như nhau.

*

Em vứt những vỏ cơm hộp trong thùng rác cuối hành lang. Ai cũng hãnh diện kể về con cái mình. Những bà mẹ mới sinh con lần đầu tự nhiên đẹp ra, dễ tính ra, nói có con, thấy mọi thứ thật suôn sẻ và vui tươi. Dù có bao nhiêu khó khăn họ cũng sẽ vượt qua được.

Hôm qua, con Hằng vô tình xem hình các con trong điện thoại, nó cứ nghĩ đó là chùm ảnh phóng sự về trẻ em khuyết tật. Nó làm em buồn cả ngày, em im lặng, đó là con của mình. Nó xin lỗi, em không giận nó, chẳng có lý do để giận. Em sẽ không bàn luận, không can thiệp chuyện con cái nơi công sở nữa. Em gõ tên Tuấn Ngọc, Khánh Hà trên Google. Sẽ có một chương trình ca nhạc ở nhà hát Hòa Bình. Lâu lâu họ mới về nước một lần nên em sẽ mua hai vé.

Buổi trưa tại cơ quan. Ăn trưa. Buôn chuyện. Đọc báo. Ngả lưng mười lăm hai mươi phút.

 

*

… Ga Nha Trang kính chào quý khách!

Cặp vợ chồng người Tây phốp pháp cười, chào em bằng một câu tiếng Anh. Họ vừa đọc báo vừa âu yếm nhau làm bà già khó chịu.

Ngày mới yêu nhau, lúc cả hai còn là sinh viên, lãng mạn và ngây thơ thật, em trôi về mười năm trước. Anh hỏi em có bao giờ em nói dối một điều vô cùng to lớn chưa. Một câu nói hỏi chẳng hay lắm đã khiến em chọn anh làm chồng. Cứ như em đã thờ phượng anh, tôn vinh anh quá mức. Hôm qua anh lại hỏi, có bao giờ em nói dối anh một điều to lớn không, em trả lời không. Có vẻ anh hơi nghi ngờ. Nhưng vì sao chứ? Em có thay đổi đâu. Một người vợ. Một người mẹ. Lời nói của anh luôn làm em suy nghĩ. Anh hỏi em, có yêu các con không, yêu ai nhất trên đời. Em không trả lời. Anh biết rõ hơn ai hết. Em thương đứa con thiếu hụt nhiều nhất. Giữa những người không thiếu hụt thì sao? Rất nhiều câu tương tự nhau lặp lại bên tai, phép thử của anh như một chất xúc tác gây thêm cảm giác đau đớn cồn cào. Nhớ anh quá, hay em quay về em không đi nữa. Em sẽ hủy chiếc vé này tại Ga Nha Trang, mua vé quay lại Sài Gòn. Hết năm phút đón trả khách ga Nha Trang. Trời đất, em chưa kịp xuống sân ga mất rồi, cái va ly này, khỉ thật, sao lại cột chặt như vậy hả trời. Một hồi còi ngắn, không lớn lắm, nghe thảm não.

Những con mực khô, kẹo cao su, trà xanh theo người bán hàng xuống khỏi toa tàu.

Điện thoại hết pin. Từ hôm qua, hôm kia, anh chưa gọi cho em một cuộc. Anh buồn bực, anh vô cảm khi em nói sẽ xa nhà một tuần, nửa tháng.

Anh không đặt câu hỏi như em mong đợi.

Muốn mua một chiếc điện thoại có nhiều chức năng để lưu lại tất cả các tin nhắn, một ngàn, mười ngàn tin nhắn, một trăm tấm ảnh, một giờ quay video, một giờ, hai giờ, ba giờ ghi âm những tiếng con khóc, những phút chúng đùa nghịch để lúc rảnh rỗi xem lại, đỡ buồn, đỡ nhớ.

*

Mẹ trở về với ngôi nhà có màu sơn hồng. Màu sơn hồng, mẹ thích vậy, tất nhiên, cho dù con không thích nó, cho dù con nhăn mặt cáu gắt mẹ. Em sẽ không trở về ngôi nhà đó. Ngôi nhà có những bụi hoa râm bụt và hoa đào hồng phớt. Lại những màu hồng đáng ghét. Em thấy mình ác cảm với màu hồng vô cớ.

Khuôn mặt giống em núp sau cánh cửa nhìn em chằm chằm. Em hỏi chúng ta có quen nhau không nhưng đôi môi kia không mấp máy. Có lẽ người con gái đó bị câm. Em giật mình, môi em đang nói, sao người con gái đó giống em được. Chỉ khi nào đêm xuống, người con gái có khuôn mặt giống em mới tới gần em. Em nhớ mẹ nói trước đây mình đã từng có một người sinh đôi giống nhau như hai giọt sương. Hai giọt nước. Phải rồi. Quần áo, giày dép, bất cứ thứ gì mẹ cũng sắm cho hai đứa giống nhau, cùng giá tiền, kiểu dáng, chỉ khác mỗi màu sắc. Em chưa bao giờ nhớ mình đã từng có một người chị. Cô gái đó không thể là chị được, chị đã chết cách đây đã lâu. Chết không đời nào sống lại được, bao nhiêu năm rồi. Mẹ không thích sinh đôi, lời mẹ trầm xuống, tất cả hãy để cho nó qua đi, qua hết rồi, đừng nhắc lại nữa. Em không biết nên an ủi mình hay an ủi mẹ.

Đó là bí mật lớn nhất của ngôi nhà màu hồng.

Xung quanh, tất cả những bức tường dọc ngang mẹ đều sơn màu hồng. Mẹ nói màu hồng của mẹ là đẹp nhất, không nóng cũng không lạnh. Em sợ cái màu giấy gián tường, không biết tả nó như thế nào nữa, vừa ma mị vừa u buồn, lại buồn buồn nữa chứ. Thật không dám kể với anh, anh không biết nhiều về Phật giáo, cũng chẳng có một chút tâm linh nào. Anh tỉnh táo, và rất yêu con cái. Nói về anh, chỉ có như vậy. Anh là một người chồng. Anh là một người cha, trong vai trò người cha thực thụ.

Mùa đen. Màu nâu. Màu xám. Em trang trí cho căn phòng mình màu trắng, cứ như nó quá hoàn hảo, em thức trắng đêm ngắm nó. Căn phòng của em không nằm gần bàn thờ, thật là may cho em.

Vừa sợ cô gái có khuôn mặt giống mình tìm đến, vừa mong được gặp lại.

*

Nhiều mùa mưa liên tiếp, bức tường tróc ra từng mảng sơn. Lớp rêu bám chặt nay trơn tuột theo những mảng sơn đó. Giờ nó hòa trong đất trong nước mưa hết thảy. Mẹ lại cho người sơn lại màu hồng. Em hỏi mẹ, màu hồng có phải là một bí mật không, mẹ không nói. Có lẽ đã con lớn, mẹ nghĩ con đã hiểu tất cả nên không cần giải thích. Sao mẹ không nói, câu hỏi này lởn vởn trong đầu em rất lâu, năm nay sang năm khác, những mùa mưa, những mùa nắng, lúc ngồi trên tàu một mình gần hai ngày dài.

Và không một lời đáp. Không hỏi.

Đầu tháng. Hôm nay là ngày đầu tháng. Em lấy cuốn sổ tay ghi chép ra lại cất đi, chẳng biết viết một điều gì cả.

Em theo mẹ lên núi. Trên núi có một ngôi miếu. Mẹ gọi tên miếu bằng tiếng hán cổ nên em không hiểu. Mùi nhang khai khái. Ngôi miếu này cũng giống những cái miếu mẹ đã dẫn em đi lần trước. Chẳng thiêng chút nào. Im lặng. Mẹ hỏi con gái mẹ lại giận chồng nên về quê thăm mẹ chứ gì. Chẳng đúng tí nào. Chúng con luôn hòa thuận. Mỗi người một việc. Mẹ dặn con nên năng đi chùa, khấn trời khấn Phật cho lòng thanh thản, bớt tham sân si. Còn trẻ nên chưa thấy cần thiết, tuổi như mẹ lại khác, mẹ say sưa giảng chẳng ăn nhập liên quan với chuyện chồng con của em. Như đến mức điên loạn, đã buồn bực rồi lại nghe những lời này, khó hiểu quá. Ở đây không khí loãng, không có gì hay lắm, sao đi hoài mẹ không chán. Ở đâu cũng tụng kinh niệm Phật được mà, hay đây là nơi người chị của con nằm; mẹ nói không phải, ai lại chôn chị trên núi. Mẹ chỉ đi để thắp hương cho thanh thản. Đời người sống được mấy hơi.

*

Em đón tàu mười một giờ đêm như mọi khi. Chuyến tàu thứ năm trong ngày. Em thích ngồi ghế số 11 gần cửa sổ. Người bán vé tỏ ra vui mừng khi bán đựơc tấm vé số 11.

Đà Nẵng. Nhanh quá. Nhanh gì chứ, hóa ra em đang quát mình. Tại em thích đi chuyến tàu này làm gì… Giá mà nó đừng đón trả khách tại từng ga nhỏ mà một mạch tới Hà Nội.

Huế.

Hôm nay là ngày rằm. Mọi người xì xầm dân Huế chơi mộ. Những ngôi mộ hiện ra trước mắt em thật đẹp, vừa cổ kính và thiêng liêng. Trong cơn cơn mưa phùn chúng càng lung linh. Cứ như sống là để chết. Nghe như triết lý, nếu không làm sao có Trịnh Công sơn, Trần Thái Hòa. Trịnh Công Sơn, ông này em biết, Trần Thái Hòa là ai, hình như em chưa biết. Mộ đẹp quá. Chắc là cụ tổ. Bà già ngồi gần cửa sổ nói đừng bàn tán mấy chuyện này, thần thánh vặt cổ chết. Rồi họ im lặng.

Cơn mưa Huế trắng xóa. Con mưa Huế buồn bã.

Ga Hà Tĩnh. Hành khách người lên kẻ xuống ồn ào, mệt mỏi ngáp. Mở mắt ra lại nhắm lại. Đến duỗi thẳng chân cũng lười, im xem nào, em nhắm mắt lại. Hơi thở anh nồng nặc trên trán em môi em. Không, hắn, một kẻ xa lạ, em không quen hắn. Em đẩy hắn ra khỏi mình phũ phàng. Không phải anh. Em nhẹ nhàng rời khỏi chỗ ngồi mình, ghế số 11. Toa tàu chỉ có hai người. Nhân viên bán hàng giờ này còn mải ngủ, không thấy chiếc xe đẩy đồ ăn nào đi qua cũng chẳng thấy ai đi kiểm tra xem có khách lạ khách quen không. Im lặng, có người đến. Người đàn ông lạ mặt ngủ yên như không. Người đàn ông lạ mặt lắc lư qua trái qua phải, mắt đờ đẫn, lim dim theo sự chuyển động đoàn tàu.

Hai toa tàu không ngưng ca đập nhau. Như búa bổ.

Đôi tay hắn vòng ra sau, vòng qua cổ em. Hắn không hề ngủ. Vừa muốn ngồi xa ở hàng ghế cuối cùng, năm sáu, năm bảy, năm tám, vừa muốn ngồi cạnh người đàn ông xa lạ, nghĩ thật có lỗi với anh. Hắn hỏi có uống một chút nước không? Không, nước suối khó uống lắm- sợ bị bỏ thuốc mê, sợ uống phải thuốc không hay, không uống đâu. Uống đi! Ừ. Uống thì uống. Buồn ngủ chưa? Chưa. Nằm xuống đi, nằm đây này. Bên cạnh hắn? Em bước về chỗ cũ. Em đi đâu? Tôi đến cuối ga. Anh đi đâu? Không biết. Em đi đâu tôi đi đó.

Khuôn mặt giống em quá. Không phải em ở trong gương, khuôn mặt giống em cứ đi theo em không nói, không cười. Em hỏi nhưng không nghe thấy tiếng trả lời. Em chẳng thể hỏi thêm, miệng cứng lại. Đúng là em đã gặp một người giống em một lần nào rồi, hình như là tháng trước. Người giống em đã đi mất, không thấy nữa. Là người bằng xương bằng thịt nhưng lạnh tanh, khuôn mặt cắt không ra máu.

*

Một cô nàng Vera nào đó đã thắt cổ tự tử vì xung quanh có quá nhiều tiền. Những đồng tiền chính đáng tính bằng triệu không mang lại cho Vera sự bình an. Trước khi chết cô có để lại một dòng chữ trăn trối trên bàn làm việc. Nghe cũng khó tin. Cô là một siêu mẫu, chuyên quảng cáo và trình diễn thời trang lông thú. Một ngành siêu lợi nhuận.

Mẫu tin nhảm nhí này ám ảnh em cả tháng. Muốn quên nhưng không được, thằng đồng nghiệp lúc nào cũng thích truyền bá, bình luận mấy dòng tin nhảm nhí dạng này tại cơ quan mà chẳng thấy chán. Có ngày nó còn thống kê, nào là tỷ lệ tin mừng trong một tờ báo ngày càng ít, như hôm nay, phải đến 30% số trang nói về cướp bóc, tham ô, giết người, kiểu cướp-giết-hiếp. Em phì cười, nó nói đó là chuyện nghiêm túc. Thì cứ cho là chuyện nghiêm túc đi.

Thôi, đầu năm nói chuyện vui tươi tí đi, chết với chóc ghê chết. Có dự định cho năm mới không? Không có gì hết, không du lịch, không về quê, không tiệc tùng.

*

Em hỏi sao mẹ lại sơn lại nhà. Mẹ không muốn trả lời, mẹ không cần trả lời. Tất nhiên ý muốn của em không được chấp nhận. Mẹ càng trung thành với màu sơn ấy, em càng ghét màu sơn ấy, cứ như hai mẹ con bị bức tường màu hồng ngăn cách. Mẹ lại cho người cạo ra và sơn đi sơn lại. Tháng ba và tháng chín. Sao mẹ không sơn nhà vào mỗi dịp giáp tết, để sạch sẽ đón năm mới, chắc chắn con sẽ ngạc nhiên như thế, mẹ nói, mưa nắng liên tục, bức tường bị mốc và ố, sơn bị phai, nhất là màu hồng phấn. Trời, mẹ đoán trước được ý nghĩ của con. Cứ cho rằng màu hồng mềm yếu nhã nhặn u buồn dễ tróc đi, vì sao? Nó giao thoa giữa hai gam màu sáng tối, nóng và lạnh, nó độc quyền mỗi năm sơn sửa hai lần. Em thuộc tên những hãng sơn Tison, Expo, Dulex, Kova từ mẹ. Tất cả đều có độ bền ba năm, có khi hơn một chút. Mẹ cầm xấp tờ bướm in những mảng màu hết sức tinh tế, sắc nét của kỹ thuật photoshop. Con xem qua! Sơn gấm (Broche paint) No - 16G. Sơn hạt (Grain paint) No - 7H. Sơn sần (Rough paint) No - 20N. Sơn sần (Rough paint) No - 23N. Sơn cách âm No - 11C. Sơn cách âm No - 18C. Sơn giả đá No – 14. Sơn cách âm No - 15C. Sơn gai No - 7T. Sơn vân No - 1V… Tất cả. Hài lòng, những mã hàng đáng tin cậy, cả ngàn màu như thế sao mẹ không lựa chọn được một màu. Mẹ sang quá, không cần độ bền. Mẹ mắng em nhiều lời. Ngôi nhà nhỏ này có đáng bao tiền đâu. Im lặng, im lặng như một cách chịu thua. Bây giờ và mãi mãi con vẫn là con của mẹ, mãi mãi nghe lời mẹ theo như ngày nào. Nhất là ngay lúc này. Em đứng nhìn mẹ không biết mình đang nghĩ về ai, về điều gì trên đời. Em nói, mẹ cứ làm như vậy đi, cũng hay, miễn là mẹ thích; khi quay lại, ngoảnh trước ngoảnh sau, không thấy mẹ, biết mình đang nói với mình, chẳng ai nghe cả.

*

Ngày 26 âm lịch.

Em lại theo mẹ lên núi. Đó là một ngọn núi mang tính du lịch, mọi hình thức đều nhằm mục đích thương mại. Từ chân núi đến lưng núi đến đỉnh tràn ngập người buôn kẻ bán. Không thích nhưng em sẽ chiều mẹ, em lẽo đẽo đi theo không phàn nàn một tiếng. Mồ hôi vã như tắm, lấy khăn lau chán chê lại đi tiếp. Mẹ khác em. Mẹ không bỏ xót ăn chay một ngày Rằm và ngày Mồng Một nào từ mấy chục năm nay.

Người ta bày la liệt hòm công đức với những con người luôn chực sẵn để chỉ mỗi một việc ghi chép danh tính, số tiền và nguyện vọng xin ơn. Họ bảo em, con gái xoa lá cờ lòe loẹt màu sắc cũ rích này lên mặt thì đẹp da đẹp tóc. Người người dành nhau lá cờ, giằng co về phía mình, kẻ văng cả tục. Tự nhiên thấy tin tin, em xoa lên mặt mũi, tay chân với nhiều hy vọng. Tên người ta gọi cho ngôi miếu, em không nhớ được, không phải nó là tiếng Việt cổ hay tiếng Hán cổ, thậm chí là tiếng Khơ- mer cũng không phải. Em thấy khó chịu vì mùi hương. Nơi nào cũng nghi ngút hương, gốc cây, hòn đá, hòn sỏi, lối đi. Em bực bội đảo mắt nhìn bốn phía, mẹ thắp hương lên gốc cây, hòn đá, hòn sỏi, cúi cúi vái vái. Một lạy hai lạy ba lạy. Thì ra em đang dẫm lên vật thiêng. Nếu có anh đi cùng chắc anh bực bội lắm. Anh lúc nào cũng vô thần.

Người ta gọi như thế là hối lộ thần thánh. Hối lộ thì hối lộ. Thần thánh không hề nhận nhưng họ cứ đút lót. Ra đường gặp may. Ở nhà gặp phúc. Tiền vô như nước. Tiền ra như cà phê nhỏ giọt. Con chỉ có từng này, Thần thánh linh thiêng nhận cho. Chuyến sau trót lọt, con sẽ lễ tạ nhiều hơn. Thần thánh linh thiêng cho con chuyến này tai qua nạn khỏi. Con sẽ tu thân tích đức.

...

...

 

Em nghĩ đến anh và đến các con. Tuổi thọ của những đứa trẻ tật nguyền ngắn quá. Đời em chưa bao giờ tiễn biệt ai. Em còn quá trẻ để khóc các con. Anh trách em lừa dối, anh bảo chắc chắn dòng họ em mang bệnh di truyền nên em mới sinh ra con cái như vậy. Nếu em sinh cho anh những đứa con bình thường. Chỉ cần bình thường, anh sẽ hạnh phúc, anh sẽ cao ngạo với bạn bè thằng con của mình. Đứa con gái giống mẹ, đôi mắt to, lông mi cong vút, lông mày đen mảnh dẻ. Chiều cao của cha, trí óc của cha, trái tim của mẹ. Nếu em sinh cho anh những đứa con vừa thông minh vừa xinh đẹp vừa ngoan hiền thì không còn gì bằng nữa. Anh không dám mơ. Nó vừa có cả cha và mẹ, nó chọn lọc tất cả nhưng gen tốt nhất trội nhất. Nhưng chẳng bao giờ xảy ra, em biết. Nếu em sinh cho anh những đứa con chỉ đẹp bên ngoài còn bên trong xấu xí thì sao, trời ơi, chắc anh buồn điên mất, em cũng vậy. Em sợ mình không dạy con nên người. Những đứa con ác ôn? Chẳng bao giờ em sinh nó. Tất nhiên, dù sao đó là con của mình. Anh sẽ đánh đổi sự hiền lành bằng vẻ đẹp bên ngoài? Em nằm suy nghĩ, em vẫn là người vợ không sinh cho anh được những đứa con có gen của anh hay của em.

Ngày âm lịch chỉ quan trọng với mẹ, ngày mai, anh sẽ dẫn em đến bệnh viện. Anh nhắc em nói nhỏ vì sợ các con nghe thấy, các con buồn. Dù sao chúng cũng không hiểu. Tội nó quá. Anh mắng em không được gọi các con là nó.

Giữa đêm em cất lên câu hát, rồi em sẽ bước chới với khi người khuất xa chân trời…. Anh không thích em hát nhạc thất tình. Em vẫn thường hát những bài hát như thế, một vài câu hay, có lẽ vì em thiếu thốn.

*

 

Lâu lâu người ta lại chán nản lại tuyệt vọng và muốn tìm đến cái chết.

Sông Sài Gòn, hôm qua có đôi tình nhân ôm nhau nhảy xuống sông. Coi bộ giới trẻ bây giờ không quý trọng thân xác mạng sống mình, thích thì sống, thích thì chết. Mấy người bạn cơ quan em hay đọc tiểu thuyết diễm tình và kể về con mình mỗi giờ nghỉ trưa nói rằng đôi lúc hỏi sao con buồn, nó nói vì nó không cần một điều gì nữa. Mình không thể hiểu nó, không biết tâm hồn nó ra làm sao. Hỏi nó có thiếu thốn không, nó bảo không thiếu. Hỏi cần gì, không cần. Hỏi vì sao buồn, không biết. Đau đầu về tụi nó mà tụi nó có hiểu đâu. Chúng vô cảm trước hạnh phúc và đau khổ, chúng đón nhận tất cả tình thương của cha mẹ dành cho chúng như một đặc ân, như người làm cha làm mẹ phải có bổn phận với con cái mình. Đó không phải sự vô ơn, sếp đã từng nói với em như vậy. Suốt ngày online, điện tử, quần áo tóc tai, ăn, nhậu, khóc, cười. Em chỉ im lặng. Em chẳng đọc tiểu thuyết diễm tình, em chẳng có những đứa con bình thường như họ nên trong nhà không có quần áo như vậy, tóc tai như vậy, cũng không có chiếc CD nhạc Audition, hip hop như vậy.

Em vẫn hay đứng ở cầu Chữ Y, cứ nghĩ là sau ngày lấy chồng không mơ mộng không làm thơ không đứng ở cầu Chữ Y nữa. Mỗi lân rủ anh ngắm sông, anh bảo vớ vẩn. Em đứng một mình, điên thật. Dòng nước vẫn chảy, càng ngày càng đục, càng ngày càng yếu. Đoàn người tập thể dục, những ông bà già đi chậm chạp. Bọn thanh niên dựng xe ngổn ngang âu yếm nhau. Anh cũng đã thường âu yếm em nơi này. Ngày còn sinh viên, thừa biết anh đâu có tiền để dẫn nhau đi ăn KFC hay cà phê nhạc Sài Gòn Phố như bây giờ, thỉnh thoảng có vé xem kịch miễn phí, thời trang miễn phí, loanh quanh bốn năm. Ước được như xưa một ngày lặp lại, cầu Chữ Y, xem phim, dạo bước, yêu đương. Anh không còn mê kịch gián cách của Bectol Brecht nữa như xưa, cho dù là vở hay nhất, cho dù diễn viên diễn xuất thành công nhất.

Đi đứng kiểu gì vậy? Em xin lỗi. Người đàn bà mắng thằng thanh niên, mày không thấy chị ta bụng mang dạ chửa thế à? Thì, xin lỗi chứ sao đâu, lẩm bẩm, đã bụng to như vậy còn ra đường, chỉ chật đường. Nó nói cũng đúng. Em nói, không có gì, em xin lỗi nó.

 

Quay về. Em có việc quan trọng chiều nay, xem nào, em không nhớ. Đón con ở nhà trẻ, đúng, hèn chi, em cứ nghĩ mãi không ra, cứ nói mình phải làm một việc gì quan trọng. Em xem đồng hồ, muộn mất mười lăm phút. Cũng may là thằng Cún của mình không đi đâu. Cô giáo Cún hỏi em sao hôm nay tới muộn vậy, em nói em có chút việc, tắc đường quá. Cún ngoan ngoãn lên xe ngồi. Cún ôm chặt mẹ, có lẽ là phản xạ tự nhiên. Cún hỏi sao bụng mẹ to thế, hay mẹ có em bé. Có em bé là sao hả mẹ? Tức là con sẽ có em nè, em bé nhỏ như các bạn của con ở lớp nhỏ hơn ấy, nhưng em bé này nhỏ lắm, chỉ xíu xiu như con búp bê mẹ mua cho Cún thôi. Cún ơi, Cún thích mẹ có em bé không? Cún lắc đầu, Cún không nói, Cún sợ mẹ thương em hơn Cún. Nói bậy, mẹ thương tất cả các con mà. Tới nhà rồi, nhà mình màu xanh ấy. Cún không chịu xuống xe. Cún ôm chặt lấy bụng mẹ. Cún chào cha, Cún mới đi học về. Cún đáng yêu quá, Cún thương mẹ quá. Em sẽ kể cho anh những gì hai mẹ con nói với nhau trên đường. Em đã nói chuyện với Cún rất nhiều. Em sẽ bày cho anh cách nói chuyện với Cún.

Sao em đi đón con muộn? Em có tí việc. Hôm sau để anh đón cho, em đi lại khó khăn cho em quá. Em sao thế, mặt em tái lắm. Không có gì mà. Anh đặt tay lên trán em. Lạnh ngắt. Chắc anh không tưởng nổi em lại đi hóng gió ở cầu Chữ Y. Em lau mặt cho Cún , cho Cún ăn cơm. Tối nay cả nhà mình đi xem kịch! Kịch của Brecht … Anh không hăng hái lắm, em để bốn tấm vé trên mặt bàn.

Vòng phấn Kapkaz, hình như em đã xem vở này.

 

*

Ai nói em ích kỷ. Ngày mai linh hồn em sẽ bay đi, đã hết hạn ở trần gian này.

Lịch trình đúng từng phút. Hắn nói cho hắn ngồi gần được không. Mặc dù hắn không mua vé ngồi ở đây nhưng em cứ để hắn được toại ý muốn. Không liên quan gì đến mình. Hắn da đen. Hắn dìu em đến bờ vai gầy nhỏm. Mỗi lần tàu lắc lư em cảm nhận được những chiếc xương của hắn xóc phải cằm mình đau như thế nào. Muốn được hắn thương yêu như một người chồng yêu thương vợ, như anh đã từng yêu thương em.

Ước mơ gặp ánh nắng, ước mơ chạm đến những vòm mây lơ lửng. Những ô cửa trắng bám bụi in hằn những nét chữ nguyệch ngoạc viết bằng ngón tay. Không biết cách sắp xếp ý nghĩa nó. Em hiểu những dòng chữ kia có ý nghĩa gì không? Làm sao mà biết. Những dòng chữ ma mị dẫn em trở về với ngôi nhà màu hồng. Trước hiên nhà, những bụi tường vi rậm rạp, hồn ma nữ vẫn lờn vờn quanh ngôi nhà. Em sẽ về với anh. Không cần tự thú với anh những điều này, anh không biết một điều gì cả, ngoài chuyện em về thăm mẹ, ngoài việc em thuê khách sạn để yên tĩnh viết những bài báo kiếm tiền.

Những dự cảm không tốt đẹp. Em gói lá bùa cẩn thận, nhét dưới đáy va ly. Em cần phải làm những việc này để duy trì tình cảm gia đình, không để nó trượt dài trên dốc nữa. Em đưa cho hắn tấm danh thiếp, chẳng có gì đặc biệt, một bút danh ít người biết của một tờ báo ít người đọc. Nhưng, có vẻ hắn trân trọng nhận nó, gián mắt đọc từng chữ, chậm rãi, phóng viên X.X, tòa soạn báo P. Dường như hắn chẳng quan tâm vẻ mặt thiếu tự tin của em. Hắn nói chẳng có gì quan trọng ở đời này bằng gặp gỡ những người yêu mến. Đây là lần thứ hai em đi cùng chuyến tàu với hắn. Hắn nói hắn cố tình đi chuyến tàu này, em không tin, chẳng ai điên khùng như em cả, một người như em là quá đủ. Tất nhiên là em chẳng lẳng lơ nghĩ hắn đi chuyến tàu này vì muốn được ngồi chung toa với em. Một người xa lạ, không máu mủ, chẳng ấn tượng. Sợ gì nhiều, sau chuyến tàu này em sẽ quên hắn, quên hết.

Em đã về đến nhà. Em bỏ gì dưới gối này? Chẳng có gì hết. Cái gì màu đỏ? Chỉ là một tờ giấy, cần thì em vứt, vứt đi là xong chứ gì. Anh biết và anh hiểu em từ ý nghĩ. Anh đoán được hiểu những lời em sẽ nói ra. Anh biết tất cả, sao anh hỏi lại làm gì! Sao em lại cưới một người quá hiểu mình làm gì? Vì chẳng ai hiểu em hơn anh nữa, ít nhất là từ bây giờ đến lúc em chết đi.

Những bức ảnh trẻ sơ sinh mũm mĩm trong trang phục bắp cải tím bắp cải xanh bị gỡ xuống rột roạt thay thế bằng tấm ảnh khác, có vẻ nó nude hoàn toàn. Anh đã treo nó lên, anh đã gỡ xuống, anh vò nát chúng. Em nhận ra mình chưa bao giờ hiểu hết anh.

Ý nghĩa của những câu nói đó là gì, em cần anh giải thích. Không được, không được nổi cáu, em tắt nút nguồn máy tính. Anh không chơi nữa, suốt ngày đánh tiến lên trên Bến Thượng Hải không thấy chán sao? Cứ như những ván bài tiến lên đó có sức mạnh giúp anh giải tỏa được tất cả bức bối căng thẳng. Anh đang chơi, em không có phép lịch sự tối thiểu sao? Em chẳng hiểu lịch sự là gì. Nó cũng chẳng cần thiết, chẳng giúp gì cho chúng ta. Những ván bài của anh trên Bến Thượng Hải hơn em, phải rồi. Em cần hiểu những lời đó. Em sẽ đi một thời gian. Em cần xa anh một thời gian. Anh không nói, không đồng ý, không phản đối. Em mới đi về tới nhà lại muốn đi. Em biến mái ấm thành sân ga mất rồi, nó chỉ là một trạm dừng chân, chỉ để ngả lưng lúc mệt mỏi thôi sao?

Máy tính không còn một tín hiệu. Anh vòng tay qua cổ em. Quầng mắt thâm đen. Em uống liền hai cốc nước. Anh ngồi đối diện, đưa tay cản không cho em uống nước, em gầy quá, đừng uống nước nhiều buổi tối.

Những cốc nước cho em cảm giác tỉnh táo. Em có thể thức được cả tuần liền. Đêm nay em sẽ thức trắng để làm hết những công việc của một tuần. Thức đêm chỉ là một thói quen. Em cần uống nhiều nước. Uống nước buổi đêm loãng máu, bác sĩ nói trước khi đi ngủ uống nhiều nước sẽ không tốt cho sức khỏe. Anh cũng đã nói thế với em. Em không nghe theo lời bác sĩ, em nhớ nhầm, thầy giáo dạy giáo dục thể chất thời học đại học nói như thế. Bốn mươi hai cân. Em sút liền năm cân một tuần, anh không hỏi em vì sao gầy quá, anh không nói nặng lời, vì anh không nặng lời nên em cứ để vậy, cứ thức khuya, cứ không thuốc bổ, không bồi dưỡng một thứ gì, càng gầy càng tốt.

Cuối tuần em về quê. Không được. Giờ anh mới lên tiếng, em giật mình. Có vẻ mẹ rất muốn em về thường xuyên, bây giờ chỉ có mình mẹ, kể cũng buồn thật nhưng em còn có công việc nữa, gia đình, chồng con. Nếu sút cân nữa, em phải đi làm bằng xe buýt mất. Điều luật giao thông mới không cho phép người điều khiển xe máy quá gầy, em sẽ không đạt tiêu chuẩn cân nặng, cả vòng ngực cũng không đạt tiêu chuẩn. Nhưng người ta phản ứng quá, điều luật đó bị hủy bỏ, em lắc đầu cười, vậy là ô kê rồi, tha hồ mà đi mà lượn. Nghĩ đến giả dụ một anh công an giao thông lịch sự đưa tay chào và huýt còi lệnh dừng lại kiểm tra thì sao. Em không chạy nhanh được. Xe cảnh sát vượt qua mọi chiếc xe có hiện nay của những người dân nói chi chiếc xe Dream lùn này. Em cũng chẳng có cớ nói mình đang đi tác nghiệp để cánh sát bỏ qua.

Anh bật máy tính lên. Gõ tạch tạch www.benthuonghai.com.

Kệ anh, cứ đánh bài đi. Em có việc của em. Tiêu chuẩn hộ nghèo. Đó là một bài báo khó. Họ cứ thích có được tấm giấy chứng nhận hộ nghèo nhưng không ai muốn ra giữa đường hô to vợ chồng tôi nghèo lắm để bị hỏi lại căn ke rằng, nghèo như thế nào, nghèo đến mức nào, cấp xã hay cấp huyện, cấp tỉnh hay cấp quốc gia. Em nói với ông trưởng ban cho em viết bài khác, bài này để cho đàn ông viết, em không giỏi gặp gỡ và phỏng vấn. Nài mãi, ông trưởng ban đồng ý. Chắc anh bạn đồng nghiệp làm bài này tức lắm. Niềm vui của mình có khi là nỗi buồn của người khác. Em cười qua loa. Em quên mất mình đang nói về chuyện gì. Em hay quên, nói trước quên sau. Em nói chuyện về con mèo của mình. Suốt đêm nó không ngủ. Nó không biết bắt chuột. Nó thức khuya theo em. Em sẽ vứt nó ra đường vì sán chó hút hết máu Cún. Nhưng một tháng nữa em mới vứt, nó sắp đẻ tới nơi rồi.

Anh thôi chơi bài,

Anh nhắc em khuya rồi đi ngủ, việc gì phải cố sức, ngày mai làm tiếp.

*

Đến bệnh viện. Đi với anh. Anh dẫn em đến phòng khám. Cũng là phòng khám cũ ở ngoại thành. Chật ních người. Mùi mồ hôi bà đẻ nồng nặc.

Em chết mất. Sao lại đau như thế này! Em chịu không nổi nữa. Em vẫn còn tỉnh táo để liếc mắt sang anh, anh hỏi em có đau lắm không. Rồi em mê đi, rất lâu. Có lẽ em đã tỉnh dậy trong tiếng trẻ con khóc oe oe. Mẹ tròn con vuông. Mẹ tròn con vuông rồi. Em thở một hơi dài thượt. Đôi mắt mỏi, khó khăn lắm em mới mở được mắt nổi, mí mắt nặng căng. Cay sè căng. Anh ngồi dưới đất, tư thế quỳ, vuốt ve mái tóc lơ thơ của con. Dù rã rời, mê man nhưng em biết anh vui sướng đến mức nào; muốn với tay dài ra để mân mê bờ vai anh, tay em ngắn quá. Em uống sữa nhé. Anh bế con lại cho em xem, em run lên, em không dám bế, sợ mình đánh tuột con khỏi tay. Đứa bé nhỏ xíu nằm gọn trong hai cánh tay anh, anh vụng về như mình làm cha lần đầu. Không biết em có hoa mắt không, em thấy con mình đẹp quá. Sinh đôi em ạ, anh nói sinh đôi ư. Thế còn? Sao chỉ thấy một. Anh đặt tên cho con là gì chưa? Có lẽ anh rất thích. Anh không nói gì hết. Cát Triệu. Cát Tường. Anh không nói gì hết. Tên đẹp quá, tự em muốn khen mình.

Em thở dài nhìn anh, nhưng đột nhiên khựng lại. Em sẽ có những đứa con lành lặn như mọi người. Người bác sĩ có ánh mắt lạnh lùng và bình tĩnh nói với anh một điều gì đó. Anh đi ra, anh nói đợi anh một chút, em cứ nằm yên như thế.

Chuyến tàu đúng giờ quá. Hình như có ai lên tàu. Sao anh lại ngồi ghế của em?

Anh, mai em về quê. Mới sinh xong mà về rồi sao. Con ơi, mẹ con đùa cha này. Em nói thật, em về thăm mẹ, em nhớ mẹ quá. Có gì gọi điện về đi, mà anh nói hoài em không nghe, anh không nói nữa, thích làm gì tùy em. Ngoan, ở nhà đi. Em không tốt như anh nghĩ đâu. Em chỉ toàn giả dối. Chuyện những chuyến tàu, chuyện vé số 11, chuyện người con gái núp sau cánh cửa. Anh có thấy sau cửa sổ có ai không? Anh nói không thấy gì cả, chắc em mệt quá, đừng suy nghĩ lung tung. Rõ ràng có người núp sau cánh cửa. Nhưng đây là phòng cách ly, phòng vô trùng. Chẳng ai lọt vào được.

Phía sau tấm cửa kính có hai bóng người. Vị bác sĩ run run nói, miệng run run, có vẻ ông ta không bình tĩnh và lạnh lùng như những lần nói chuyện với em. Đôi mắt anh ngơ ngác, em co ro nằm trong phòng. Em nhắm mắt hờ, nghe những điều họ nói, chẳng âm thanh nào lọt qua lớp kính. Các cô y tế đã mang đứa bé đi tắm, nó cần được tắm sạch mọi chất nhờn trên thân thể thanh khiết vô trùng. Em cố nhìn theo, nhớ những Cún ở nhà trẻ. Anh, em với gọi theo anh, anh chỉ cách em một lớp kính mỏng, lớp kính trong suốt, không giống như lớp kính của cửa sổ trên tàu. Anh vẫn mải mê nói chuyện với ông bác sĩ mang mắt kính dày cộp, có vẻ như anh đang van xin khẩn nài ông ta một điều gì đó. Ông ta cúi đầu, nét mặt trĩu nặng. Hình như anh khóc, anh gào lên một tiếng. Em gọi nhưng anh không nghe thấy.

Em thở dài. Em thấy anh như đang chơi vơi, những giọt nước mắt làm anh nhòe đi trong mắt em. Em sẽ có những đứa con lành lặn như mọi người. Người bác sĩ có ánh mắt lạnh lùng và bình tĩnh lại gọi anh ra ngoài nói chuyện. Hai người nói chuyện với nhau, cứ như anh quên mất em đang ở trong này.

Mẹ nói, cháu khó nuôi nên phải lên chùa bán khoán. Mẹ đến đây từ lúc nào sao em không biết, em không ngồi lên để chào mẹ được, chân em sưng cứng lên.

Mẹ nhẩm tính, thở dài.

Em chỉ muốn đi trên những chuyến tàu tốc độ chậm để quãng đường dài hơn. Nếu em vẫn còn sống, hai mươi năm nữa, năm 2029, những chuyến đi của em sẽ ngắn lại. Em sợ con tàu này không còn nữa, sợ người ta sẽ thay tên khai sinh cho nó bằng một tên gọi mới. Người ta sẽ thay những con tàu mới, sân ga mới, giờ tàu mới, đường ray mới.

Khiêm Nhu

Hà Nội 2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 99518)
...Người khách đầu tiên tìm đến là một gã đàn ông lùn tè lùn tẹt, gã hỏi mẹ chị đi ”tàu nhanh” giá bao nhiêu? Mẹ chị ngớ người không hiểu, hỏi lại gã tàu nhanh là gì? Gã văng tục:” Đ... mẹ, làm đĩ mà không biết tàu nhanh!”. Mẹ chị nói với gã lần đầu tiên đi bán mình nên chưa biết, gã giảng giải cho mẹ chị, đi tàu nhanh nghĩa là “làm” một cái thôi, giống như ăn bánh trả tiền, còn đi” tàu chậm” là qua đêm, “làm” bao nhiêu cái thì “làm”...
20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 119302)
đêm phố cổ tạ ơn một nàng thơ cuối cùng vẫn còn biết giật mình trước mắt đêm chai lì như mắt loài chuột cống
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92106)
“Theo Trần Trọng Kim nhận rằng thơ là của Lý Thường Kiệt. Nhưng nói chắc là Thường Kiệt làm được thơ thì không có gì làm bằng cứ”[15]. Sau này, Bùi Văn Nguyên phân tích các cứ liệu và đoán định rằng: “Như vậy tác giả bài thơ “thần” này là khuyết danh”[16]. Bùi Duy Tân tiếp tục hướng này và chủ trương rằng “bài thơ này nên để khuyết danh tác giả”[17]...
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 77869)
Hắn tỉnh lại đột ngột. Bốn năm người thanh niên đang kéo hắn ra từ dưới lườn xe. Hắn nếm được vị mặn và máu, một đầu gối bị đau, và khi bị nhấc bổng, hắn phát rên, không chịu nổi sự đụng chạm trên cánh tay mặt. Những tiếng nói như không thuộc về những khuôn mặt treo ở trên hắn đang bông đùa vỗ về và bảo hắn yên tâm.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86415)
Khi tòa báo đề nghị tôi tham gia viết về các nhà văn mà giá trị được cường điệu cao hơn giá trị thật của chính họ, tôi đã nghĩ sẽ từ chối. Tại sao phải tự mình tạo thêm kẻ thù một cách miễn phí? Rồi Robbe-Grillet xuất hiện trong đầu.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 95258)
Sư thày trụ trì ngôi chùa làng là người có học. Chẳng bao lâu hắn đã có thể trò chuyện như một người bạn tâm giao. Giáo lí nhà phật trong nhiều năm đã trở nên mờ nhạt với tuyệt đại đa số những con người tất bật với cuộc sống hôm nay. Cái hiểu biết về đền chùa miếu mạo của hắn cũng chỉ dừng ở mức không nhầm lẫn giữa nơi này với nơi khác. Bởi thế được trò chuyện với sư thày mỗi tháng vài lần là điều làm hắn vô cùng thích thú.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 115504)
Một cái chức nhỏ nhẹ Một cái chức lăn như cỏ lông chông Mơ đeo vào tay xòe ra giữa nắng Mơ đeo vào gót chân mỗi bước mỗi khua vang rổn rảng
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 104000)
Hoa ôm cứng lấy tôi. Hoa bảo: Hãy yêu Hoa đi. Nắng buổi chiều chiếu rọi xuyên qua bản vẽ làm rách nát từng đường trên cơ thể Hoa. Tôi nằm dát người trên chiếu, nghe tiếng súng nổ và hiểu Đà-nẵng đang cơn hấp hối.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 114015)
một con thuyền dính bùa ngải của sông ý nghĩ găm đầy tháng năm mắc cạn em cố quên làm gì! khi ngay cả cánh tay anh cũng ảo
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90251)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.